Wednesday, March 27, 2013

Chuông Mới tại Notre Dame ở Paris

Những Chuông Mới Năm 2013 tại Thánh đường Notre Dame của Paris


Sóng Việt Đàm Giang thu thập

Từ cuối năm 2012, dân thành phố Paris đã bắt đầu ngóng chờ tin tức về những chiếc chuông mới sẽ được thay thế những chuông hiện có vào dịp Chúa Nhật Lễ Lá và lễ Phục sinh năm 2013. Và đúng như thế tiếng chuông đầu tiên của chín chiếc chuông mới đã hoà cùng chiếc chuông cũ nhất của nhà thờ Notre Dame vào ngày 23 tháng 3, năm 2013 đổ vang rền trên thành phố Paris.

Một chút về những chuông của nhà thờ Notre Dame.

Năm nay là năm kỷ niệm 850 năm nhà thờ Notre Dame (1163-2013), trong thời gian này nhiều chuông trong nhà thờ cũng đã được thay thế phần vì đã hư hỏng, phần vì chiến tranh tàn phá. Giới chức nhà thờ cũng cho biết những chuông được thay thế luôn luôn được thực hiện sao cho có thể hoà hợp với tiếng của chuông Emmanuel là chuông cổ nhất dựng từ thế kỷ 17.Có bốn quả chuông lớn tại nhà thờ Đức Bà Paris là quà tặng của hoàng đế Napoleon đệ tam vào năm 1856. Chúng được sử dụng để báo giờ mỗi ngày kể từ đó đến nay. Những quả chuông này cũng từng được rung để đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất và giải phóng Paris vào năm 1944.

Năm nay, 2013, trong bộ chuông mới gồm chín chiêc này, tám chiếc được đúc tại xưởng đúc Cornille Havard ở thị trấn Normandy vùng Villedieu-les-Poêles (Manche). Chiếc thứ chín lớn nhất mang âm trầm có tên là Marie được đúc ở Hoà Lan rồi gửi đến Normandy tập trung. Chuông Marie là tên Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, ngài là một người Do Thái cải đạo sang Công giáo. Mẹ ông bị giết chết tại trại tập trung Auschwitz. Đức Hồng Y Lustiger cũng là tổng giám mục Paris từ 1981 đến 2005, Jean-Marie là tên ông chọn khi chuyển sang đạo Công giáo.

Bốn chuông cũ, đúc từ năm 1856, đã được gỡ xuống để đem đi Villedieu-les-Poêles để làm mẫu từ tháng 2 năm 2012. Theo giới chức đương thời và theo luật định đây là sở hữu quốc gia, bốn chuông này sẽ được đem về cất giữ tại Paris và sẽ không được đem đi nung hay xử dụng lại.



Bốn chuông cũ đó là:

Angélique-Françoise nặng 1915 kg gióng thanh đô trưởng

Antoinette-Charlotte nặng 1335 kg gióng thanh ré trưởng

Hyacinthe-Jeanne nặng 925 kg gióng thanh fa.

Denise-David nặng 767 kg gióng thanh fa trưởng

Bốn chuông này thường được gióng gọi lễ, gọi cầu nguyện, lễ tang, lễ cưới, v.v.. và gióng từng giờ theo đồng hồ.

Chuông chủ (grand Bourdon ), treo trong tháp Nam, được vua Louis XIV đặt tên là Emmanuel, đúc năm 1681, nặng 13 tấn, quả gióng chuông nặng 500 kí lô, gióng thanh fa trưởng (fa dièse) ; chuông này chỉ được gióng vào những dịp lễ lớn như Giáng sinh (Noël), Phục sinh (Pâques), Hạ trần (Pentecôte), Lễ các thánh (Toussaint), khi bầu Giáo hoàng, hay khi Giáo hoàng qua đời.

Chuông mới được chọn đúc tại hai nơi:

Xưởng đúc Cornille- Harvard ở Villedieu-les-Poêles (Manche), đúc 8 chuông nhỏ, những chuông này thay thế chuông treo ở tháp Bắc.

Xưởng đúc Royal Eijsbout ở Asten (Hòa Lan) đúc chuông chủ mới Marie, chuông nặng 6 tấn đồng và biểu tượng là thanh sol#. Chuông này được treo ở tháp phía Nam kế bên grand bourdon Emmanuel (chuông nặng 13 tấn, thanh fa#), Emmanuel là duy nhất chuông chưa phải thay dù đã 330 năm tuổi.

Tên các chuông nhỏ trên tháp Bắc được lựa chọn như sau, theo thứ tự từ lớn nhất đến nhỏ nhất:

Gabriel (tên thánh Gabriel) ; 4.1 tấn, thanh la#.

Anne-Geneviève (tên thánh Anne, mẹ của Đức mẹ đồng trinh và thánh Geneviève, thánh bảo vệ của thành phố Paris) ; 3.4 tấn, thanh si.

Denis (tên thánh Denis, giám mục thứ nhất của Paris, vào khoảng năm 250) ; 2.5 tấn, thanh do #.

Marcel, (tên thánh Marcel, giám mục thứ chín của Paris vào cuối thế kỷ thứ IV) ; 1.9 tấn, thanh ré #.

Étienne, (tên thánh tử đạo Étienne, đồng thời cũng là tên thánh đường đã được xây dựng vào năm 690 trên nền đất hiện tại của nhà thờ Đức Bà) ; 1.5 tấn, thanh fa.

Benoît-Joseph, (tên Đức Giáo hoàng Benoît XVI, Joseph Ratzinger) ; 1.3 tấn, fa#.

Maurice, (tên của Maurice de Sully, giám mục thứ 72 của Paris, từ năm 1160 đến 1196, đã khởi công xây dựng vào năm 1163 nhà thờ Đức Bà hiện tại), 1 tấn, sol#.

Jean-Marie, (tên của Hồng y Jean- Marie Lustiger, Tổng giám mục thứ 139 của Paris, từ 1981 đến 2005). 782 kg, thanh la #.



Chi phí dùng để thay bộ chuông được thông báo là 2 triệu Euros, đây là tiền dâng hiến, đóng góp tự nguyện mà có.



Sóng Việt Đàm Giang

03/27/2013







Saturday, March 23, 2013

Bluebonnet tại Texas, USA








Xem Hoa Bluebonnet Nở Tại Texas, USA


Sóng Việt Đàm Giang

Hoa Bluebonnet là hoa biểu hiệu của bang Texas. Những người yêu hoa và yêu Texas đã nói hoa bluebonnet là hoa của Texas cũng như shamrock là của Ireland, hoa anh đào của Japan, hoa lily của Pháp, hồng của Anh, và tulip của Holland.

Nếu hoa biểu hiệu của một số quốc gia là công lao trồng tỉa săn sóc của nhà vườn cây cảnh, thì hoa Bluebonnet của Texas vào mùa xuân sau khi đuợc Bộ Canh nông cho reo hạt, nở tràn ngập trên những cánh đồng, những đồi thoai thoải và những thung lũng trải dài bao la bát ngát.

Hoa bluebonnet mọc đặc biệt ở bang Texas đã từ khi nào thật khó mà biết rõ , người ta biết từ ngày xa xưa, người dân Mỹ địa phương (native Americans/Texans) đã quý trọng hoa này và dùng hoa này như hoặc là dược thảo hoặc những sứ giả của thiên đàng.

Hoa bluebonnet được xem như hoa biểu tượng của bang Texas cũng có một chút lịch sử đáng ghi lại. Vào đầu năm năm 1901, khi bỏ phiếu cho một đạo lập pháp tiểu bang Texas cho hoa biểu tượng thì có ba loại hoa được đề nghị: đó là hoa bông gòn, hoa cactus và hoa bluebonnet. Hoa bluebonnet đã thua hoa bông gòn . Hoa cactus (Pricky pear) là do nhân vật về sau là phó tổng thống John Nance Garner đề nghị (cũng vì thế mà sau này ông có tên hiệu là Cactus Jack.) Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó Hiệp hội quý Bà Thuộc địa Hoa Kỳ đã phản đối và nhất định đòi chọn hoa bluebonnet Lupinus subcarnosus, còn được gọi là buffalo clover làm hoa biểu tượng, thay vì hoa bông gòn hay hoa cactus của quý Ông (theo lời phát ngôn viên của Trung tâm Hoa dại/ Lady Bird Johnson Wildflower Center).

Vậy là vào tháng March 1901, Lupinus subcarnosus trở thành biểu tượng hoa đầu tiên của Texas. Tuy nhiên sau đó người ta khám phá ra rằng Lupinus subcarnosus chỉ là một loại bluebonnet mọc rải rác và không mạnh bằng loại lupinus texensis. Họ cho rằnh lupinus texensis mọc nhiều hơn, mạnh hơn, hoa lớn hơn đáng được mang danh hiệu biểu tượng cho bang Texas. Và trong vòng 70 năm sau đó, những nhà làm luật đã bàn cãi nhiều lần rồi rốt cuộc vào năm 1971 đã đồng ý gọi tên hoa biểu tượng cho bang Texas là hoa bluebonnet lupinus nói chung. Có nghĩa rằng hai loài subcarnosustexensis cùng tất cả những loại lupinus khác sau này xuất hiện trên cánh đồng bang Texas đều được mang tên hoa tiểu bang dưới cái dù (umbrella) hoa của tiểu bang Texas.

Hiên nay có năm loại bluebonnet/lupinus. Ngoài L. texensis, Bộ Giao Thông của Texas-Hoa kỳ cho rắc hạt khắp nơi là Big Bend/Chisos bluebonnet (L. Harvardii); annual lupine (L. concinnus) and perennial bluebonnet (L. plattensis).

Thời điểm những loại hoa Bluebonnet nở rộ có thể khác nhau. Tài liệu cho biết hoa có thể xem vào thời điểm và địa điểm như sau:

LUPINUS TEXENSIS . Region: Central Texas : Cây có lá đầu nhọn hoa xanh mới nở có phần giữa màu trắng, hoa nở lâu có phần giữa màu tím. Nở cuối tháng March, đầu April.

LUPINUS SUBCARNOSUS . Region: Hidalgo, Leon và LaSalle counties . Lá đầu tròn, hoa mở rộng. Nở cuối tháng March.

LUPINUS HAVARDII . Region: Big Bend country . cây hoa rất cao, nhiều lá. Nở đầu mùa xuân.

LUPINUS CONCINNUS . Region: Trans-Pecos . Thân cây có nhiều long. Hoa lớn từ 2-đến 7 inches, màu tím (purple), tím cà (lavender) và trắng. Nở quanh năm

LUPINUS PLATTENSIS . Region: Panhandle plains . Cây có cọng rất dài, cao đến 60 cm/2 feet. Nở cuối xuân.

Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư đúng là thời điểm đi xem hoa Bluebonnet của bang Texas.

Có nhiều vùng có thể xem hoa, lộ trình xem hoa nói đến ở đây là lộ trình đi từ Houston trên con đường US 290 West đến Burton, Washington County rồi lại theo US 290 East  trở về  Houston từ Burton . Hempstead : trên đường từ US290 W rẽ lên North HW6 (to Narasota) hai bên đường hoa bluebonnet rất nhiều tuy chưa thành từng thảm hoa, nhưng đã lộ màu xanh tím ngát.

Chappel Hill. FM 1155 rồi HW105: hoa từng thảm nhỏ hai bên bờ, có nhà trồng hoa trước cửa rất đẹp.

Tại góc FM50-FM390W có một nhà bán cây cảnh, hoa hồng (Antique Rose Emporium) và linh tinh đủ loại. Nơi này rất rộng cỡ 8 mẫu và thiết kế rất cổ giả nên thơ, có cây cỏ, hoa lá, suối nước,có bồn phun nước, có thánh đường, có khoảng vườn rộng để tổ chức đám cưới và ăn uống. Nghe nói thánh đường xây lên vì cô con gái ông bà chủ tiệm/chủ đất muốn tồ chức đám cưới ngay tại đó. Nay có lẽ cũng vẫn có đám cưới ở đó . Thánh đường tuy nhỏ nhưng trông rất trang khang sáng sủa và đẹp.

FM 390. Gay Hill: Hoa rải rác khắp hai bên đường. Nên thơ nhất là tại nông trại của ông Jerry Allen trên đuờng Hoddeville School Rd. Gia chủ rất hiếu khách, thấy xe chúng tôi đậu ngoài cổng chụp hình qua hàng cản trắng trước nhà, ông Jerry lái xe bánh lớn ra tận cửa, mở cổng electronic cho chúng tôi vào trang trai của ông để chụp hình bluebonnet. Cảm ơn ông J. Allen.

Riêng hoa Indian Painbrush màu đỏ cam thì có vài thảm đẹp bên lề đuờng nhưng xa nên không chụp được đẹp. Hầu hết thảm Bluebonnet đều có xen lẫn vài cây bông màu đỏ cam Indian Painbrush, trông rất bắt mắt.

Buổi đi xem hoa rất thích thú và thoải mái. Mặc dù hoa chưa đúng lúc nở rộ, nhưng cũng đủ để giữ lại kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Sóng Việt Đàm Giang 03/22/2013

Saturday, March 16, 2013

Tản Mạn về Lễ Thánh Patrick (17 tháng 3)

Chủ nhật ngày 17 tháng 3, 2013 là ngày lễ St Patrick.


Nếu chúng ta chỉ xem ngày St Patrick là một ngày lễ của Ái Nhĩ Lan (Ireland) và là ngày mà một chút màu xanh lá cây trên người hay một cánh shamrock cũng vui rồi thì tại một số tiểu bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, ngày St Patrick lại là một ngày lễ quan trọng. St Patrick là ngày lễ quan trọng của người Aí Nhĩ Lan, và dân gốc Ái Nhĩ Lan rất đông ở vùng này.

Ngày thánh Patrick là một ngày lễ đạo, ăn mừng trên toàn thế giới vào ngày 17 tháng ba. Ngày này được gắn liền với Thánh Patrick, vào khoảng năm AD 387–461 sau công nguyên, một vị thánh bảo hộ được biết tới nhiều nhất ở ANL , và cùng với sự tiến đến đạo Ky tô giáo của ANL. Ngày lễ thánh Patrick được chính thức công khai là ngày lễ quốc gia vào khoảng thế kỷ 17, và dần dần trở thành ngày lễ tượng trưng cho nền văn hóa của người ANL.

Ngày này thường được gắn liền với các cuộc làm lễ ở các nhà thờ, mặc đồ xanh lá cây (đặc biệt là cây shamrock và cùng với mùa chay (mùa chay là mùa các giáo dân công giáo phải nhịn ăn thịt, rượu bia vào các thứ sáu hàng tuần cho đến khi mùa chay kết thúc).

Màu được liên kết với Thánh Patrick khởi đâu là màu xanh nước biển nhưng theo thời gian màu xanh lá cây dần dần trở nên thịnh hành hơn. Ribbon màu xanh lá cây và shamrock đã được gắn/đeo từ thế kỷ 17. Lá shamrock được xem như tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi.

Một chút về Ireland

Cộng hòa Ireland có chừng 4.5 triệu dân (census 2006). Họ (last name) thông dụng nhất của ANL là Murphy, ngôn ngữ chính thức của ANL là Irish, thủ đô của ANL là Belfast, dân ANL chỉ được chính thức li dị từ năm 1997, William B. Yeats (1865-1939) là thi sĩ ANL nổi tiếng trên toàn thế giới nhận giải Nobel văn chương năm 1923, Eugene O’Neill lãnh giải Nobel văn chương năm 1936, KTS James Hoban (1758-1831) người Mỹ gốc ANL là người vẽ kiểu toà nhà White House (hoàn tất sau 3 năm từ 1792 đến 1800). Gần đây hơn giải Nobel văn chương năm 1995 vào tay Seamus Heany, một thi sĩ Ái Nhĩ Lan. Giải thưởng Văn Sách Quốc Gia của Mỹ 1996 (National Book Award) cũng được trao cho James Carroll, người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan. Cũng phải nhắc đến Oscar Wilde (1854-1900).

Nạn đói khoai lang 1847cách đây hơn 150 năm đã đưa hàng trăm ngàn người Ái Nhĩ Lan lưu vong qua Mỹ. Kể từ năm 1840 Hoa kỳ có cỡ 50% người dân Mỹ thuộc gốc ANL. Nơi tụ tập nhiều dân Ái Nhĩ Lan nhất là tiểu bang New York, Connecticut , New Jersey, Delaware, Massachusetts, New Hampshire. Nói đến người Ái Nhĩ Lan là phải nói đến rượu, khoai tây và thịt bò ướp mặn.

Hoa kỳ có tất cả 23 tổng thống có tổ tiên thuộc Ái NL. TT Andrew Jackson có cả bố và mẹ sinh trưởng ở ANL. TT Bill Clinton, Grover Cleveland, James Buchanan đều mang dòng máu ANL. John F Kennedy là vị TT Hoa Kỳ đầu tiên có đạo Ky tô giáo-ANL, tổ tiên ông là di dân ANL.

Thành phố New-York ăn mừng lễ rất lớn, năm nay lại nhằm ngày Chủ Nhật nên có lẽ còn đông đảo hơn nữa. Toà nhà Đô Sảnh của NYC treo cờ Irish trong ngày St Patrick 17 tháng 3.

Được biết các đường phố lớn của Nữu Ước đóng xe lưu thông từ đại lộ số 5 qua đại lộ Madison, đại lộ Park, từ đường số 44 đến đường số 90. Người từ nhiều nơi đến, để xem hoặc đi diễn hành vinh danh Thánh Patrick. Họ đeo đầy những huy hiệu xanh hay mặc y phục màu xanh. Họ hát nhạc Ái Nhĩ Lan, họ múa điệu Ái Nhĩ Lan. Và tối đến, những tiệm rượu, nhất là những tiệm rượu đặc biệt của người Ái Nhĩ Lan (Pub) sẽ đông đầy người và sẽ rất vui nhộn. Họ sẽ uống thâu đêm.

Lưu ý. Diễn hành trên đại lộ và đường phố NYC thường thực hiện vào đúng ngày 17 tháng 3, nhưng vì năm nay (2013) rơi đúng vào ngày Chủ Nhật nên diễn hành đuợc thực hiện ngày hôm nay thứ bẩy 16 tháng 3 bắt đầu từ 11AM. Đặc biệt diễn hành không có xe nổi (floats) xe hơi trình diễn hay triển lãm mà chỉ toàn đi bộ, diễn hành mọi năm ước lượng cỡ 150,000 người tham dự. Theo Doctor Maureen Murphy (Ph.D) thì diễn hành để mừng Lễ St. Patrick đã bắt đầu từ năm 1762. Theo tài liệu lưu hành thì Diễn hành chính thức mừng lễ St. Patrick do quân nhân quân đội Ái Nhĩ Lan đóng ở thuộc địa Hoa ký (American colonies) thực hiện lần đầu tiên vào năm 1766.

Người Nữu Ước dù có hay không có nguồn gốc ANL thường không nhiều thì ít, có những liên lạc với những gia đình gốc Ai Nhĩ lan, nên cả thành phố hầu như đều chung vui ngày Thánh Patrick.

SVĐG

Mời đọc một bài viết về Williams B. Yeats

http://chimvie3.free.fr/41/svdgn072_RonsardYeats.htm

Bản nhạc : Một Mai Em Không Còn trẻ (Nhạc Phạm Anh Dũng/Thơ W.B. Yeats/phóng tác SVĐG)

http://hathaykhongbanghayhat.org/node/8668




Thơ: Miên Man


Miên Man

Vì đâu buồn kéo lê thê
Cớ gì sầu muộn không hề dứt đi…

Sáng nay mờ sớm sương lan,
Se lòng chợt nhớ đầu xuân năm nào.
Đón đưa một thuở chao đao,
Ân cần thắm thiết lao xao đậm đà...

Ngày xưa chúng mình yêu nhau
Nay tình xa cách đại dương đôi bờ
Em chỉ yêu anh một thời
Còn anh vẫn mãi một đời nhớ em

Bao giờ lại được đón em?
Bao giờ mới được ôm em vào lòng?
Nhớ em trong nỗi long đong,
Nỗi sung suớng, ngất… nỗi buồn, xa nhau…

Làm sao mà mất được nhau,
Khi trong ngày tháng tình sâu vẫn còn.
Làm sao mà mất được nhau,
Khi xuân lại đến thu về lá bay.
Làm sao mà mất được nhau,
Khi ta còn nhắn bắc cầu lá thư.
Làm sao mà mất được nhau
Khi tình còn mộng, khi ngày còn vui
Làm sao mà mất được nhau
Khi tình còn thắm, đời còn ngát hương
Làm sao mà mất được nhau.

SVĐG

Thơ: Chiều của Nhớ

Chiều Của Nhớ


Em xa rồi trong một chiều tháng sáu
Mưa hắt hiu sầu kéo nặng bài thơ
Ngẩn ngơ viết dăm hàng buồn man mác
Tìm dấu yêu giữa heo hút bơ vơ

Chưa qua mùa mà chim di đã hối
Đường em đi gió lộng ở đâu về
Ngày chưa hết sao trời đà che lối
Cơn mưa nhớ lại cuối dốc gọi mê

Những vô tình và bao lần em dỗi
Theo thời gian nhanh vút đến quên ngày
Chiều hoang vu nay còn ai bắt lỗi
Đếm cơn nhớ không kể hết bàn tay.

Nhớ em hoài anh ngồi bên quán nhớ
Ướp trà hương chan kỷ niệm yêu nhau
Nước trong lành là tình yêu anh đó
Đang chờ em mang nắng ngọt về mau

SVĐG