Sunday, January 4, 2015

Thơ Hán Nguyễn Du. Người Gảy Đàn Ở Long Thành. Sóng Việt Đàm Giang




LONG THÀNH CẦM GIẢ CA (119/249)

Bài Long Thành Cầm Giả Ca viết về cô Cầm, một cô gái một thời nổi danh vào bậc nhất chốn Thăng Long, nhưng khi tác giả (Nguyễn Du) gặp lại thì cô Cầm dung nhan tàn tạ, gầy còm, ngồi nép bên góc chiếu, trông thật đáng thương. Hình ảnh tương phản của một cô Cầm ngày xưa xinh đẹp tài cao, và một người đàn bà tiều tụy khi gặp lại đã làm Nguyễn Du không khỏi bùi ngùi thương xót và tạo nên bài thơ Long Thành Cầm Giả Ca.
Long Thành Cầm Giả Ca là bài thơ đầu tiên trong tập Bắc Hành Tạp Lục, phần tiểu dẫn xin chép lại ở đây.

Bài ca Người gảy đàn đất Long-Thành (Làm trong khi đi sứ).

Người gảy đàn đất Long-Thành không rõ họ tên là gì. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học đàn “Nguyễn” (đàn nguyệt ca do Nguyễn Hàm , người đời Tấn ở Trung Quốc chế ra) trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nhạc cũ người chết, kẻ bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ ôm đàn hát rong. những bài nàng gãy đều là những khúc cung phụng gảy cho vua nghe, người ngoài không hề được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng hay nhất một thời.
Hồi còn trẻ (1792-1793?), tôi đến kinh đô thăm anh tôi (Nguyễn Nễ), ở trọ gần Giám hồ (hồ Gương). Cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con hát đẹp có đến vài chục người. Nàng nổi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo nói khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, nàng uống hết ngay, tiền thưởng nhiều vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm. Sau được gặp ở nhà anh tôi. Nàng người thấp, má bầu, trán giô, mặt gẫy, không đẹp lắm, nhưng nước da trắng trẻo, thân hình đẫy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh, má đánh phấn, áo màu hồng, quần lụa cánh chả, có vẻ phong nhã. Nàng hay uống rượu, hay nói pha trò, con mắt long lanh, không coi ai ra gì. Khi ở nhà anh tôi mỗi lần uống rượu thì nàng uống say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, các bạn có chê trách cũng không lấy làm điều.
Sau đó vài năm, tôi rời nhà về Nam (Thái Bình), mấy năm liền không trở lại Long-Thành. Mùa Xuân năm nay (1813) tôi lại phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long-Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát. Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy, một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã gặp.
Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi, không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt trên đường đi, cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau, để ghi lại mối cảm hứng.


LONG THÀNH CẦM GIẢ CA (119/ 249)
Long thành giai nhân,
Tính thị bất ký thanh.
Độc thiện Nguyễn cầm,
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh.
Học đắc tiên triều cung trung cung phụng khúc,
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.
Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến,
Giám hồ hồ biên dạ khai yến.
Kỳ thời tam thất chính phương niên,
Hồng trang yểm ái đào hoa diện.
Đà nhan hám thái tối nghi nhân;
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến.
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm,
Thanh như song hạc minh tại âm.
Liệt như Tiến phúc bi đầu toái tích lịch (1)
Ai như Trang tích bệnh trung vi Việt ngâm (2).
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện,
Tiện thi Trung-hòa đại nội âm (3).
Tây sơn chư thần mãn toa tận khuynh đảo,
Triết da truy hoan bất tri bão.
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu (4),
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.
Hào hoa ý khí lăng vương hầu,
Ngũ-lăng thiếu niên bất túc đạo (5).
Tính tương tam thập lục cung xuân,
Hoạt tố Trường-an vô giá bảo (6).
Thủ tịch hồi dầu nhị thập niên,
Tây sơn bại hậu dư tam thiên (7)
Chỉ xích Long-thành bất phục kiến,
Hà luống thành trung ca vũ diên.
Tuyên phủ sứ quân vị dư trụng mãi tiếu (8).
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu.
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa.
Nhan sấu thần khô hình lược tiểu.
Lang tạ tàn mi bất sức trang.
Thùy tri tựu thị đương
thời thành trung đệ nhất diệu.
Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy.
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi,
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự.
Giám hồ tịch trung tằng kiến chi.
Thành quách suy di nhân sự cải,
Kỷ xứ tang điền biến thương hải.
Tây sơ cơ nghiệp tận tiêu vong.
Ca vũ không di nhất nhân tại.
Thuần tức bách niên năng kỷ thi,
Thương tâm vãng sự lệ triêm y.
Nam hà qui lai đầu tận bạch (9)
Quái đề giai nhân nhan sắc suy.
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng.
Khả liên đối diện bất tương tri.


Chú thích:
1-Tiến Phúc bi: bia chùa Tiến Phúc ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang-tây. Tương truyền ông Phạm trọng Yên đời Tống, lúc làm quan ở Bá Dương, có người học trò nghèo dâng bài thơ hay, ông muốn giúp đỡ, cho rập một nghìn bản để bán lấy tiền. Chưa rập xong thì một đêm, bản in bị sét đánh vỡ tan.
2. Câu chuyện Trang Tích. Trang Tích là người nước Việt, làm quan nước Sở. Khi ông ốm, Sở vương hỏi mọi người: "Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan nước Sở, được phú quý rồi, thì còn nhớ nước Việt nữa không?". Viên thị ngự đáp: "Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không, thường tỏ ra trong lúc đau ốm. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng nước Sở". Sở vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt.
3. Trung Hòa: tên một điện của triều Lê ở Thang-Long.
4. Triền đầu: lấy khăn quấn đầu làm vật tặng thưởng. Đời Đường trong yến tiệc vua đãi, ai đứng dậy múa được ban gấm để quấn đầu như vật tặng thưởng. Về sau các món tiền thưởng cho người ca múa được gọi là triền đầu.
5- Ngũ Lăng: nơi có năm lăng tẩm của đế vương đời Hán, nơi này dân hào hoa phú quý thường ở. Bài Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu: Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu.
6. Trường An: chỉ Thăng Long.
7. Sau khi Tây Sơn bại, tôi vào Nam, ý muốn nói sau năm 1802 nhà thơ vào Phú Xuân làm quan.
8. Tuyên Phủ chỉ quan trấn thủ Bắc Thành, vào lúc Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc mùa xuân 1813.
9. Nam Hà: chỉ phía Nam sông Gianh.

NGƯỜI GẢY ĐÀN Ở LONG-THÀNH

Nàng Cầm đất Thăng Long (Thơ Hán Nguyễn Du)


Sóng Việt phỏng dịch theo thể song thất lục bát

Người đẹp Long Thành xưa một độ
Nàng ra sao tên họ ai hay
Nguyễn đàn điêu luyện cung dây
Dân thành thường gọi khéo tay nữ Cầm

“Cung phụng” triều xưa Cầm gảy tiếng
Một khúc đàn hay miếng trời ban
Nhớ hồi còn trẻ một lần
Gặp bên hồ Giám phục nàng nức danh

Hăm mốt xuân tuổi xanh đang độ
Áo xiêm hồng sắc lộ như hoa
Rượu tô diện mặt như thoa
Ngón tay réo rắt ngọc ngà ngũ cung

Tiếng khoan như rừng thông vuốt nhạc
Thanh như âm đôi hạc vọng xa
Mạnh như sét đánh tan bia
Sầu như Trang Tích rên ca Việt mình

Người nghe nàng hữu tình mê muội
Khúc nhạc thành đại nội triều xưa
Tây sơn quan tướng đều ưa
Ngả nghiêng chơi suốt đêm chưa thỏa lòng

Cùng tranh nhau tây đông ban thưởng
Tiền bạc như không tưởng nghĩa chi.
Vương hầu hào khí mấy thì
Ngũ Lăng giới trẻ đáng gì kể đâu

Lả lướt đàn cung thâu băm sáu
Trầm bổng cao đâm thấu tiếng vang
Trải qua dâu biển tan hoang
Đất Tràng nay có báu vàng thế  gian

Nhớ thuở hai mươi năm về trước
Tây sơn thua, tôi bước vào Nam
Long Thành chẳng được thấy gần
Nói chi đến chuyện nhạc đàn hưởng chơi

Nay phủ gia vui mời yến tiệc
Ca kỹ xinh trẻ đẹp đầy bàn
Góc kia ngồi kẻ điêu tàn
Dung nhan tiều tụy, chẳng màng điểm trang

Đoán làm sao được nàng thời trẻ
Nhất danh cầm lắm kẻ chuộng ưa
Lệ trào qua khúc nhạc xưa
Lắng nghe lòng dạ xót thương ngậm ngùi

Nhớ bồi hồi hai mươi năm trước
Vui cùng nàng bên nước hồ đây
Quách thành chuyển, lắm đổi thay
Nương dâu biển cả xưa nay vẫn hoàn

Giang sơn Tây nay đà tiêu tán
Còn sót đây kẻ bán nhạc rao
Trăm năm thấm thoắt là bao
Cảm thương chuyện cũ thấm bào lệ sâu

Ta từ Nam về đầu cũng bạc
Trách làm chi một sắc vơi tàn
Trừng hai mắt nhớ lan man
Thương cho đối mặt chẳng màn nhận nhau.

Sóng Việt- Đàm Giang

Thể Thơ: Song Thất Lục Bát



Cấu trúc của SONG THẤT LỤC BÁT


Mỗi đoạn trong bài STLB gồm 4 câu 7,7,6,8. Số đoạn trong bài không hạn chế.
x x x x B x T(v)
x x B x T(v) x B(v)
x B x T x B(v)
x B x T x B(v) T B(v)
(v) = vần
B = bằng, T = trắc
x = là chữ không tính, bằng hay trắc gì cũng được

Như ta thấy luật bằng trắc của thơ Lục Bát hoàn toàn được áp dụng cho 2 câu 6,8.

Vần của mỗi đoạn 4 câu là
7/1(T) ===> 5/2(T),
7/2(B) ===> 6/3(B)===> 6/4(B)

nghĩa là
chữ thứ 7 (trắc) câu 1 vần với chữ thứ 5 câu 2,
chữ thứ 7 (bằng) câu 2 vần với chữ thứ 6 câu 3,
chữ thứ 6 (bằng) câu 3 vần vơí chữ thứ 6 câu 4.

Để nối 2 đoạn với nhau thì có thêm luật
8/4(B) ===> 5/1 (B) (thông thường)
hoặc
8/4(B) ===> 3/1 (B) (ngoại lệ)

nghĩa là chữ cuối câu 4 phải vần với chữ thứ 5 (hay 3) của câu đầu đoạn mới, thiếu điều này các đoạn thơ trong bài sẽ bị rời rạc không thành một chuỗi. Trong thơ thí dụ là những chữ có (*).


THƠ THÍ DỤ CỦA SONG THẤT LỤC BÁT
( Các chữ viết HOA là VẦN với nhau, chữ có (*) là vần nối hai đoạn)

Thuở trời đất nổi cơn gió BỤI
Khách má hồng nhiều NỖI truân CHUYÊN
Xanh kia thăm thẳm từng TRÊN
Nào ai gây dựng cho NÊN nỗi NÀY(*)

Trống Trường Thành lung LAY(*) bóng NGUYỆT
Khói Cam Tuyền mờ MỊT khúc MÂY
Chín tầng gươm báu trao TAY
Nửa đêm truyền hịch đợi NGÀY xuất CHINH (*)

Nước thanh BÌNH(*) ba trăm năm CŨ
Áo nhung trao quan VŨ từ ĐÂY
Sứ trời sớm giục đường MÂY
Phép công là trọng, niềm TÂY xá gì


(Trích Chinh Phụ Ngâm Khúc )



Phạm Doanh

Friday, January 2, 2015

Dan Nhac Vienna Philharmonic don nam 2015. SongViet DamGiang

Thứ Sáu ngày 2 tháng 1 2015 Dương lịch



Tối hôm qua, thứ năm ngày 1 Jan 2015, đài truyền hình PBS có phát hình chương trình nhạc đón mừng năm mới 2015 của dàn nhạc giao hưởng Philharmonic Áo trong phòng Golden Hall, tại căn nhà âm nhạc Musikverein ở Vienne, Áo quốc (đài PBS, 7PM Central time).

Chương trình nhạc cổ điển thất tuyệt vời. Buổi hoà nhạc đón Năm Mới 2015 của dàn nhạc giao hưởng Vienna Harmonic năm nay được hướng dẫn dưới tài điều khiển của nhạc trưởng Zubin Mehta.
Buổi hòa nhạc này đã được truyền hình đến 90 quốc gia trên toàn thế giới và hàng năm có cỡ 50 triệu người đón xem trên màn ảnh truyền hình. Chương trình gồm nhiều bản nhạc của Johann Strauss Cha và Con, Eduard và Josef Strauss (hai người em của Johann Strauss con), và cũng gồm cả Franz von Suppé và Hans Christian Lumbye.

Nếu các Anh Chị nào chưa có dịp nghe và xem tối hôm qua mùng 1 tháng 1 2015 dương lịch thì có thể xem cỡ 20 phút chót của buổi hoà nhạc này tại link đính kèm.

Theo  đúng truyền thống của buổi hòa tấu đầu năm tại Vienne, sau điệu valse với Dòng Sông Xanh (An der schönen blauen Donau) của Johann Strauss con thì nối tiếp chương trình bao giờ cũng là bản Marche de Radetzky của Johann Strauss cha với điệu quân hành.
Tại sao bản  lại được xem như bản nhạc biểu tượng cho hy vọng và hoà bình. Tài liệu, nói chung, cho biết “vào năm 1939, tại thời điểm đen tối nhất của Châu Âu, gót giày của lính Đức Quốc Xã rền vang trên nước Áo, thì dàn giao nhạc giao hưởng của thành Vienne đặt ra truyền thống tổ chức buổi hòa nhạc vào ngày cuối cùng trong năm với những bản valse để xua tan không khí chiến tranh.”
Và tại sao lại có bản nhạc điệu hành quân của Johann Strauss cha Marche de Radetzky  đi kèm ngay sau? Người ta cho rằng người Áo muốn tỏ lòng tri ân với ông bố (Johann Strauss cha) và cả gia đình họ Strauss.
Theo ý kiến cá nhân, năm nay trọn buổi trình diễn cùng hai bản nhạc kết thúc buổi hoà nhạc thật tuyệt vời dưới tài điều khiển của nhạc trưởng Zubin Mehta. Buổi hoà nhạc phát hình năm nay có rất nhiều hình ảnh giới thiệu thành phố Vienna của Áo, cùng những màn biểu diễn của các nam nữ vũ công ballet cũng rất trội rất hay hơn những màn biểu diễn trong buổi hòa nhạc mừng năm 2014 phát hành ngày đầu năm 2014.

Chúc mừng Năm Mới Dương lịch 2015.
Sóng Việt Đàm Giang.


20 phút tận cùng buổi hoà nhạc cuối năm của Dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic Orchestra:

Buổi trình diễn đón năm 2014: (trọn chương trình)
https://www.youtube.com/watch?v=jIPL5gxjKO4

                                                              Sóng Việt Đàm Giang (01-01-2015)