Monday, March 23, 2015

Hầu Đồng. Thần Điện Đạo Mẫu. Vị trí các Thần linh. Đàm Giang

Lời mở đầu. Lên đồng là một nghi lễ tiêu biểu và quan trọng của Đạo Mẫu Tam Phủ/Tứ Phủ. Loạt bài tìm hiểu về Đạo Mẫu và lên đồng sẽ được ghi chép và mang lên trong nhiều bài viết ngắn.
SVĐG




Thần điện của Đạo Mẫu: Gốc tích và vị trí các nhân vật thần linh
Sóng Việt Đàm Giang sưu tầm và biên soạn



“Điện thờ Mẫu trong tôn giáo thờ Mẫu hiện hữu từ vào khoảng thế kỷ XVI mà  biểu hiện mẫu Liễu Hạnh đã được dân gian tiếp nhận đưa vào thờ trong các chùa theo ước lệ tiền Phật hậu Mẫu. Ngày nay khi thăm viếng các ngôi chùa khách thường  thấy có điện thờ Mẫu, thờ Thánh gọi là những ngôi đền, một trong những nét độc đáo của nền văn hóa tâm linh mang bản sắc Việt Nam
Xét về mặt lịch sử có lẽ tam toà Thánh Mẫu xuất phát từ tục thờ tam phủ ứng với ba vị Mẫu Thiên Địa Thoải, mặc dù tín ngưỡng sau này đổi thành tứ phủ nhưng tam toà Thánh Mẫu vẫn không đổi. Tam toà không chỉ nói về số lượng, số đếm thông thường mà còn nói về sự bao quát, đầy đủ mà người xưa đã xây dựng. Số ba có thể nói là một số thiêng chúng ta thấy có Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ, Hiện tại, Tương lai), Tam vô lậu học (Giới, Định, Tuệ)…Ngoài ra thì người phương đông cũng thường dùng số lẻ trong việc thờ cúng .Với quan niệm số lẻ là sự cân bằng âm dương (số lẻ là tổng của số lẻ và số chẵn)….Tam tòa Thánh Mẫu cũng ứng với tam thân Thánh Mẫu , là biểu tượng của quyền năng thâu tóm toàn vũ trụ , Bởi lẽ, xét về tâm linh thì bốn vị Mẫu chính là đại diện cho một vị Thánh Mẫu duy nhất đó là người mẹ của tâm linh.mà cũng có thể đơn giản đó là biểu tượng của người mẹ bất diệt trong lòng người dân Việt Nam”.

Đạo Mẫu căn nguyên có thể có ghi nhận tiên khởi là Ngọc Hoàng hay Phật Bà Quan Âm (như trong hình đính kèm), nhưng hầu như trong thời gian gần đây hơn, vị thần tối cao của Đạo Mẫu đều được ghi nhận là Thánh Mẫu.

Ngọc Hoàng, vị Thánh cao nhất trong đạo Mẫu, có ban thờ riêng trong các đền và phủ. Đứng hai bên ngài là Quan Nam Tào và Quan Bắc Đẩu
Thánh Mẫu là một vị Thánh nhưng lại hóa thân thành Tam Vị Thánh Mẫu hay Tứ vị Thánh Mẫu (hoá thân của Mẫu Liễu Hạnh). Những vị này cai quản những vùng khác nhau trong vũ trụ:
Thiên Phủ (Trời), Địa Phủ (Đất), Thoải Phủ (Nước) và Nhạc Phủ (Rừng núi).
Dưới Thánh Mẫu, các vị Thần linh được xếp vào các Hàng gồm Quan, Chầu, Hoàng, Cô và Cậu.



Hàng Quan gồm 10 vị Quan Lớn, thập vị Quan tuy nhiên đáng kể nhật là 5 vị đầu, Ngũ Vị Tôn Quan được thờ nhiều nhất (đệ I, Đệ II, Đệ Tam, Đệ Tứ, Đệ Ngũ). (hàng thứ 4 từ trái qua phải: áo vàng đệ Tứ, áo xanh lá cây đệ Nhị, áo đỏ đệ Nhất, áo trắng đệ Tam, áo lam đệ Ngũ)
Hàng Chầu (Chúa) gồm 12 vị thập nhị vị Chầu, đáng kể nhất là Tứ phủ Chầu bà: Chầu đệ I hoá thân Mẫu Thượng Thiên, đệ II Mẫu Thượng Ngàn, đệ III Mẫu Thoải , đệ Tứ là Khâm sai tứ phủ. Cũng đáng kể là Chầu Lục, chầu Bảy , chầu Mười Đồng Mỏ, chầu Bé Đắc Lệ. (hàng thứ 5 từ trái qua phải: chầu Mười Đồng Mỏ, chầu đệ Tứ áo vàng, đệ Nhất áo đỏ, đệ Nhị áo xanh, đệ Tam áo trắng, chầu Lục )
Chầu bà thứ nhất Thượng Thiên là Bán Thiên công chúa: được thờ ở cây hương các đền phủ. Ngài là hóa thân của mẫu Liễu Hạnh.
Chầu bà đệ nhị Đông Cuông là hóa thân của mẫu đệ nhị, thay quyền mẫu, thay quyền chúa bà cai quản Tam Thập Lục Động, Bát Bộ sơn trang. Bà là một trong tứ phủ chầu bà Khâm Sai có vị trí rất quan trọng trong đạo mẫu
Chầu bà đệ tam là hiện thân của thánh mẫu đệ tam. Đời Lý có bà Mẫu Thoải ở Bắc Ninh, bà Vũ Nương ở Nam Hà. Đời Trần có bà Châu Nương. Đời Lê Nguyễn thì tôn vinh mẫu Hàn Sơn Thanh Hóa.
Chầu bà đệ tứ là “Chiêu Dung công chúa” là tướng của Hai Bà Trưng.
Chầu bà đệ ngũ là công chúa đời Lý, tu trên suối Lân, phù giúp nhà Lê đánh giặc.
Chầu lục đời Trần, là hóa thân của mẫu Liễu Hạnh, phù giúp vua Lê đánh giặc và được phong là Lục cung công chúa hay Chúa lục cung nương.
Chầu bẩy là tướng của Hai Bà Trưng được phong là Tân la công chúa.
Chầu tám là tướng của Hai Bà Trưng được phong là Bát Nàn công chúa, Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung.
Chầu chín là hiện thân của mẫu Liễu Hạnh ở Sòng sơn Thanh Hóa.
Chầu mười là tướng của vua Lê Thái Tổ ở Đồng Mỏ Chi Lăng “Mỏ Ba công chúa”.
Chầu bé Bắc Lệ là hiện thân của mẫu thượng ngàn, phù giúp nhà Trần, nhà Lê.
Chầu cuối cùng là bản đền hoặc vị bản cảnh, chầu này trong số 12 chầu có khi được hầu ở trên hoặc ở dưới tùy theo sắc phong của vị chầu đó ở bản xứ.
Đó là mười hai vị chầu bà
.
Hàng Ông Hoàng gồm 10 vị được gọi tên từ một đến mười, tuy nhiên có ba vị thường thấy nhất, đó là Hoàng Bơ (Ba) áo trắng, Hoàng Bảy  áo lam Hoàng Mười áo vàng.
Hàng Cô gồm 12 cô, được gọi từ Cô Đệ Nhất (Cô Cả) và Cô thứ 12 (Cô Bé) đều là thị nữ của Thánh Mẫu và các Chầu. Tùy theo địa phương, các Cô còn được gọi với các tên khác nhau, như Cô Bé Bắc Lệ (Lạng Sơn), Cô Cam Đường (Cô Cả ở Lào Cai), Cô Chín Giếng (Cô Chín), v.v…(trong hình trên từ trái qua phải: cô Đôi Thượng ngàn, cô Chín áo hồng, cô Tư áo vàng, cô Bơ ba áo trắng).
     Hàng Cậu gồm 10 cậu, là phụ tá của các Ông Hoàng, tuy nhiên thường thấy nhất là Cậu Bơ (Cậu ba áo trắng) và Cậu Bé (Cậu 10 áo xanh).

Cũng như các Thánh Mẫu, các Thần linh kể trên đều được phân thành bốn Phủ: Thiên Phủ mà biểu tượng là màu đỏ, Địa Phủ - màu vàng, Thoải Phủ - màu trắng và Nhạc Phủ - màu xanh.
Ngoài bốn phủ kể trên, có nơi còn có Phủ Trần Triều thờ Đức Thánh Trần và các thân thuộc của ông. Đức Thánh Trần là thần chủ ở một số Đền hay được phối thờ ở các đền thờ Tứ Phủ.
Hầu hết các vị thần linh của điện thần Đạo Mẫu kể trên đều được lịch sử hoá, trở thành các nhân vật lịch sử với tên tuổi, quê quán, năm sinh tháng đẻ và các công thích giúp dân cứu nước. Thí dụ:
Mẫu Thượng Thiên đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh, con gái Ngọc Hoàng đầu thai xuống trần gian. Mẫu Thượng Ngàn là công chúa La Bình con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương, cháu ngoại của Vua Hùng,
Quan Tam Phủ là con Vua Cha Bát Hải, vốn là võ tướng của Vua Hùng,
Quan Đệ Ngũ chính là Cao Lỗ, một võ tướng của An Dương Vương,
Chầu Đệ Ngũ là công chúa của Vua nhà Lý,
Ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi,
Ông Hoàng Mười là quan thời Lê có công mở mang bờ cõi,
 Việc lịch sử hoá các vị thần linh Đạo Mẫu đã làm cho tín ngưỡng này gắn liền với đời sống thường nhật của dân chúng, và cũng gắn liền tín ngưỡng này với lịch sử dân tộc.
(Viết theo tài liệu  của Ngô Đức Thịnh và một số trang nhà khác trên internet)

Lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng. Houston TX





Lễ Tưởng niệm hai Bà Trưng
Ngày 22 tháng 3, 2015
Houston, Texas 
Đàm Giang biên soạn

Một lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng đã được cử hành tại Đền Đức Thánh Trần, địa chỉ 9321 Emnora Lane, Houston Texas vào ngày 22 tháng 3 năm 2015, tức ngày mùng 3 tháng hai Âm lịch.
Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, Hai bà Trưng đã tự tử tại sông Hát Giang nhằm ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão. Vì ngày mùng 6 tháng 2 năm nay nhằm ngày thứ Tư nên Ban tổ chức đã quyết định thực hiện Lễ tưởng niệm Hai Bà vào ngày Chủ nhật mùng 3 tháng 2.

Sau đây là tóm lược buổi lễ Tưởng Niệm hai Bà Trưng.

Đền Đức Thánh Trần bắt đầu đón tiếp quan khách vào cỡ 1:30PM.
Lúc 2 giờ, người điều khiển chương trình (MC) TV Phạm Ngân Khánh bắt đầu nghi thức khai mạc, mời quan khách vào phòng hành lễ để làm lễ rước Quốc kỳ, và Linh kỳ do ban Tế Nữ-Quan Đền Tiên-Thiên Thánh Mẫu tiến hành. Sau đó là lễ chào Quốc Kỳ  Hoa Kỳ, Quốc Kỳ Việt Nam, và một phút mặc niệm.
Sau khi TV Trịnh Nguyễn Đàm Giang  gửi lời chào mừng quan khách cùng ghi nhận tham dự và đóng góp của nhiều nhân vật đảm trách tổ chức ngày Lễ Tưởng niệm, TV Tạ Quỳnh Hoan lên tiếng nhắc lại Lịch sử Hai Bà Trưng.
Cuộc Tế Lễ Cổ Truyền do ban Tế Nữ-Quan Đền Tiên-Thiên Thánh -Mẫu cùng với Chánh tế là TV Kim Dung tiến hành, và Bà Phương-Nga xướng văn thích hợp cho từng giai đoạn của buổi lễ.
Sau phần Tế lễ cổ truyền, TV Phương Ninh phát biểu cảm tưởng, và kể cho chúng ta nghe là các cựu nữ sinh Trung học Trưng Vương sinh sống tại tiểu bang Texas nói chung và Houston nói riêng đã bắt đầu làm lễ Tưởng niệm Hai Bà Trưng từ những năm 1980s, và đã phối hợp với Đền Đức Thánh Trần, một đền tư do Ông Bà Nguyễn Thanh Lịch-Phạm Bảo Tháp thành lập và trụ trì từ năm 1978 để thực hiện hàng năm.  Và mặc dù ở bên California, vùng Silicon Valley, San Jose  đã có nhiều đến tư thờ Đức Thánh Trần từ những năm 1980s đến giờ, nhưng vẫn chưa có Đền nào tồn tại lâu dài và trang khang như đền Đức Thánh Trần tại Houston, Texas. Cựu nữ sinh Trưng Vương Houston và các vùng phụ cận rất hãnh diện và rất biết ơn Ông Bà Lịch đã hết lòng lo toan cho buổi Lễ Tưởng niệm với những nghi thức cổ truyền được rất chu toàn.
Sau phần cảm tưởng, nhóm đồng ca Sóng Việt của nhạc trưởng Nguyễn Văn Năm đã giúp vui với hai bản nhạc  Trưng Nữ Vương và Cô Gái Việt của Nhạc sĩ Thẩm Oánh.
Quan khách dành thời giờ Niệm Huơng trước bàn thờ Hai Bà Trưng, rồi tham dự phần thụ lộc do Đền đài thọ, cùng văn nghệ với phần âm nhạc do ông Lê Hoàng Long phụ trách và ông Ngô Quan San đảm trách điều khiển chương trình ca hát.

 Lễ bế mạc vào lúc 4:30PM


Hình ảnh Cổng dẫn vào đền Đức Thánh Trần và Căn Đền nơi thờ Đức Thánh Trần.










Cựu nữ sinh Trung Học Trưng Vương Saigon gồm nhiều lớp ra trường khác nhau.