Saturday, July 30, 2016

Thăm Vùng Vịnh San Francisco.2.SVĐG

Thăm Vùng Vịnh San Francisco. 2
Sóng Việt Đàm Giang

Golden Gate Bridge. Cầu Cổng Vàng Vịnh Cựu Kim Sơn


Golden Gate Bridge là một cây cầu treo nổi tiếng ở vùng vịnh San Francisco, California, Hoa Kỳ. Trong nhiều năm (từ 1937-1964) cầu này là cây cầu treo dài nhất trên thế giới.
Hôm nay có nhiều sương mù nên hình chụp không rõ. Năm 2002 trời có nắng, hình đẹp hơn.




Cây Cầu Cổng Vàng (The Golden Gate Bridge) của Vịnh Cựu Kim Sơn dài 6,450 ft = 1.22 miles = 1966 mét, kể từ trụ chống (abutment) phía bắc tới trụ chống phía nam, không kể các phần tiếp giáp. Cây cầu này được sơn màu đỏ cam, một màu sắc tương phản với màu xanh và màu lục (green) của môi trường chung quanh, nhưng lại hòa hợp với các màu nâu và đỏ của các ngọn đồi ở phía bắc.

Cây Cầu Cổng Vàng (the Golden Gate Bridge) là một trong các cây cầu treo đẹp nhất và to lớn nhất trên thế giới. Cây cầu này rất vĩ đại nếu xét về các tháp cao, các sợi dây cáp khổng lồ và chiều dài quá mức của các nhịp cầu.
Cây Cầu Cổng Vàng được đặt tên như vậy bởi vì nó nối Eo Biển Vàng (the Golden Gate Strait), đây là phần biển thu hẹp giữa Thái Bình Dương và Vịnh Cựu Kim Sơn (San Francisco). Eo biển này dài 3 dặm (miles), rộng 1 dặm, sâu 300 ft (90 m), có giòng nước chảy với tốc độ từ 4.5 tới 7.5 knots, là cửa ngõ ra biển của các thành phố hải cảng của vùng Vịnh và của hệ thống sông ngòi Sacramento-San Joaquin.

Khởi đầu, eo biển này có lẽ đã được Sir Francis Drake nhìn thấy vào năm 1579 nhưng thực sự được khám phá vào năm 1769 do nhóm người thám hiểm do Francisco de Ortega đứng đầu. Đại úy lục quân Mỹ là kỹ sư địa hình John C. Fremont đã gọi eo biển này vào năm 1846 là “Chrysopylae” hay “Cổng Vàng” (Golden Gate) bởi vì ông ta tưởng nhớ tới hải cảng Bosporus thuộc thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, có tên là “Chrysoceras” hay “Chiếc Sừng Vàng” (Golden Horn).
Bắt đầu xây dựng cầu vào ngày 5/01/1933, Cây Cầu Cổng Vàng được hoàn thành và mở cửa cho khách bộ hành vào ngày 27/5/1937 rồi ngày hôm sau bắt đầu các xe cộ qua lại. Tới năm 1971, trái phiếu cuối cùng của món nợ $35 triệu Mỹ kim đã được thanh toán cùng với $39 triệu Mỹ kim tiền lời, tất cả do lệ phí qua cầu (tolls) mang lại.
Cây Cầu Cổng Vàng vùng Vịnh là một phương tiện chính nối thành phố San Francisco với các khu vực ở phía bắc. 
Cầu Golden Gate được xây dựng ở một nơi khá nguy hiểm. San Francisco ở gần một đường đứt gãy, do đó, luôn luôn có sự nguy hiểm của động đất. Năm 1906, một trận động đất gây ra thiệt hại rất lớn tại thành phố này. Để có thể chống lại sự động đất này, các kỹ sư cầu được sử dụng hơn một triệu tấn bê tông để xây dựng các điểm neo giữ cáp tại chỗ.
Gió mạnh thổi từ Thái Bình Dương có thể làm cho cây cầu lắc lư từ bên này sang bên kia. Ngay cả khi chúng đạt đến 160 km một giờ, cây cầu sẽ vẫn đứng cao. Kỹ sư xây dựng cầu để nó có thể lắc ngang tối đa lên đến 8 mét!

Cáp khổng lồ - Dây cáp cần đủ mạnh để nắm giữ lên boong nặng. Chiều dài dây cáp là 7650ft (2331.7 m). Nó nặng hơn 24,500 tấn. Dây cáp lớn có đường kính 92.4 cm. Họ đã phải làm các dây cáp lớn từ các dây dẫn nhỏ hơn. Phải mất 80,000 miles (128,748 km) đường dây để làm dây cáp này.
Khi dựng cầu thì không có một cần câu nào lớn đủ để nâng các loại cáp nặng, do đó, họ không thể được thực hiện tại một nhà máy và đưa đến cây cầu. Các dây cáp này đã được thực hiện bởi một máy đặt ngay bên cạnh cây cầu và sau đó được kéo qua hai tháp. Hình dây cáp cắt ngang như dưới đây:



Đường kính của dây cáp chính: 36 3/8 in. = 0.92 m
Chiều dài của một dây cáp chính: 7,650 ft = 2,232 m
Tổng số các sợi dây thép xử dụng: 80,000 miles = 129,000 km
Số sợi nhỏ trong mỗi sợi cáp lớn: 61
Trọng lượng của các sợi cáp chính, phụ và phụ tùng: 24,500 tấn = 22,200,000 kg

Từ địa điểm chiêm ngưỡng Cầu Cổng Vàng, Th. sau đó đã lái xe qua Fishermans Whartf/Pier 39. Parking garage khu này đắt khủng khiếp!
Pier 39 (Bến Tàu số 39) nằm gần Fisherman’s Wharf (Bến Ngư Phủ), khu North Beach gần Chợ Tàu, và bến Embarcadero, bến tàu ngày xưa. Từ đây chúng ta có thể nhìn thấy hai đảo Angel và Alcatraz, và hai cầu Cầu Cổng Vàng (Golden Gate) và Cầu qua Vịnh (Bay Bridge).
Pier 39 (Bến Tàu số 39) là một trung tâm thương mại (Shopping center) , không phải là bến cho tàu bè đậu, gồm  nhiều tiệm , quán ăn, quán nhậu, và nhiều cơ sở giải trí nhiều tiệm tùng bán hàng kỷ niệm cho du khách, nhiều quày bán trái cây organic vừa hái từ các nông trại đem đến, nhiều cuộc biểu diễn cho trẻ con, hát xiệc, ca nhạc, ảo thuật v.v. và đặc biệt là nơi có nhiều sư tử biển (sea lions) tá túc.





  
 Từ Pier 39 nhìn sang đảo có nhà tù Alcatraz rất rõ. Alcatraz là một hòn đảo nhỏ nằm giữa vịnh biển. Đây là đảo tù nổi tiếng, nơi đã từng giam tội phạm người Ý lừng danh Al Capone. Nay thì di tích nhà tù còn nguyên, trở thành một điểm du lịch bằng tàu từ trong bờ ra thăm đảo. Du khách đến Alcatraz để xem trại tù nổi tiếng một thời là không tù nhân nào có thể trốn trại được vì điạ thế của đảo và nước lạnh cóng của vùng vịnh. Phim ‘Escape from Alcatraz’ (Vượt thoát từ Alcatraz) do tài tử lão thành Clint Eastwood đóng dưạ vào chuyện có thật.
Nước biển bên bờ Tây (West Coast) cuả Mỹ lúc nào cũng lạnh là vì những dòng nước lớn trên mặt đại dương (surface ocean current) ở Bắc Bán Cầu di chuyển theo hướng chiều kim đồng hồ (clockwise) từ Bắc cực xuống Xích đạo rồi vòng trở lên Bắc cực. Ngược lại, ở Nam Bán Cầu thì dòng nước chuyển ngược chiều kim đồng hồ (counter-clockwise). Có lẽ vì vậy mà San Francisco lạnh quanh năm, mùa Hè cũng cần phải có áo ấm. Trời lúc nào cũng đầy mây và sương mù lại thêm gió biển thổi vào làm tăng thêm cái lạnh
 Đã viếng Alcatraz lần trước kỳ này tôi chỉ chụp hình từ xa mà không đi thăm Alcatraz.
  

Cũng như các du khách khác, lần này chúng tôi cũng đi ra khu K-Dock của Pier 39 nơi thường có sư tử biển (sea lions) phơi nắng và làm ồn ào để nhìn chúng, nhưng hôm nay chẳng có bóng một chú nào hết!
Tìm hiểu lý do trên internet thì được biết rằng đám sư tử biển mang tên sư tử biển California (Zalophus californianus) rủ nhau tới đây bắt đầu từ tháng giêng năm 1990, sau vụ động đất Loma Prieta và sóng thần ngoài khơi vịnh San Francisco năm trước (1989). Lúc ban đầu chỉ có gần 20 con đến đây tạm trú tại K-Dock của Pier 39. Vài tháng sau con số nầy tăng thành khoảng 300 con. Những tháng mùa đông, bầy sư tử biển nầy đông hơn, có thể lên đến 900 con, phần lớn là con đực. Thông thường vào mùa hè nắng ấm tháng bảy, chúng di chuyển về đảo Channels ở miền Nam để tìm tình yêu, thực hiện nhiệm vụ con cái yêu đương và trở lại đây khoảng cuối tháng 8. Đám sư tử biển này thường nằm đầy tại K-Dock  gần Pier 39 và 40. Kỳ này vì tôi đến đây vào cuối tháng 7 nên mất cơ hội nhìn lại sư tử biển.


Và lẽ dĩ nhiên thăm viếng Pier 39 thì phải nhắc đến hải sản, thức ăn tôm, cua cá  tại khu này nhiều thức ăn ngon vô cùng. Nơi đây có món súp clam chowder nóng trong ổ bánh mì chua tròn (sourdough bread bowls), một món ăn độc đáo của San Francisco từ khoảng những năm 1850s. Th và H cất công sắp hàng mua để đãi hai chị em chúng tôi. Nóng và ngon quá, nhưng tiếc quá vì thời gian gấp rút, chúng tôi không thể ngồi nhâm nhi xé bánh mì chấm súp như lần trước, mà ăn vội ăn vàng phần súp và một phần bánh mì, rồi cậu em tôi mang chia bánh mì với bày chim hải âu xà xuống xuống dành ăn. Uổng quá!

Đã thăm viếng Lombard St, Cung điện Nghệ Thuật, và Fisherman’s Wharf/Pier 39. Th và H. nói còn một địa điểm đáng thăm cho một ngày thăm viếng San Francisco. Đó là thăm trạm xe cáp điện móc ngầm (cable car).
Đặc điểm của thành phố San-Francisco là  phương tiện di chuyển gọi là “cable car” chạy trong 3 tuyến phố. Trông thì giống như xe điện, nhưng lại không chạy bằng điện mà chạy bằng cáp, được làm từ năm 1873 tức đã 143 tuổi mà vẫn tồn tại cho đến nay không thay đổi, chủ yếu phục vụ du lịch.
Cái độc đáo của loại phương tiện này là nó giống xe điện ở bánh rày hai bên gầm toa, ở phía giữa thì còn một móc kéo thòng xuống hệ thống cáp ngầm dưới mặt đất. Xe chạy được là nhờ cáp ngầm kéo đi. Ban đầu, nghe nói, người ta dùng sức người kéo cáp, nay thì có hệ thống máy móc vào để kéo.
Cái loại phương tiện này thu hút du khách, ai cũng muốn leo lên để tán thưởng một thành tựu máy móc của những năm tháng xa xôi, cùng nghe tiếng chuông reo, và thấy tận mắt cảnh dùng sức người để quay đẩy toa xe mỗi khi đi đến đoạn cuối phải quay hướng lại.

Xe cable car chạy chậm so với xe bus hay xe điện và hầu như chỉ phục vụ du khách, giá vé đắt gấp 4 lần phương tiện chuyên chở khác và thường thì phải xếp hàng mới có cơ hội leo lên.

 Những phương tiện chuyên chở công cộng của vùng vịnh San Francisco.
Nói đến San Francisco chúng ta liên tưởng đến cable car cổ truyền, nhưng nếu nói đến phương tiện chuyên chở công cộng thì có thể nói vùng vịnh này có những phương tiện chuyên chở rất cấp tiến và đắc lực.
Hệ thống MUNI.
Muni là hệ thống chuyên chở chính của SF. Nó bao gồm tất cả hệ thống xe bus, xe bus chạy điện trên nóc xe (trolleybus), xe đường phố (street car) và xe cáp móc dưới gầm xe (cable car), những hệ thống này có dịch vụ đến những địa điểm du khách thăm viếng, khu mua sắm thương hiệu, và khu gia cư nằm trong giới hạn của thành phố. Lộ trình và bản đồ có thể thu thập trên internet.
 Vé có thể dùng cho tất cả các loại kể trên khi di chuyển trong thành phố. Nếu mua cuốn passport thì có thể mua vé cho một ngày ($20.00), ba ngày ($31.00), hay 7 ngày ($40.00). Muni passports chỉ dùng cho Muni thôi, không dùng cho BART, những tour bus khác (thí dụ như Hop ON Hop OFF) hay di chuyển đi và đến phi trường (giá vé trên là cho năm 2016).
Hệ thống xe dây cáp ngầm của SF là hệ thống duy nhất còn lại trên thế giới vẫn xử dụng sức người điều khiển bằng tay. Trong giai đoạn khởi đầu từ 1873 đến 1890 với 23 tuyến nay còn hiện hữu ba tuyến duy nhất. Hai tuyến Powell-Mason, Powell-Hyde  chạy từ dưới phố (downtown) gần Union square đến Fisherman’s Wharf và  tuyến California chạy dọc theo phố California.
Thống kê cho biết trong số 7 triệu hành khách hàng năm của cable car thì số lớn là du khách. Có thể nói đi cable car là một trong những  điều ưa thích nhất của du khách cùng với thăm Cầu Cổng Vàng, nhà tù Alcatraz, và Fisherman’s Wharf. Tưởng cũng nên nhắc là cable car này hoàn toàn khác biệt với những street car chạy trên đường Market và Embarcadero.


 Cable car lines. Map  
 
 Trolleycar/streetcar (tram)             
Trolley Bus
 Hai tuyến Powell-Hyde và Powell-Mason di chuyển xuyên qua những khu đồi dốc nhất nằm phía bắc của con đường ngoằn ngoèo Lombard, mỗi tuyến có những kích thích thú vị riêng và hai tuyến này rất đuợc du khách ưa thích , luôn luôn đông người. Dù đi bất cứ đường nào, chúng ta cũng vẫn có cái thú vị nhìn cảnh chung quanh, hưởng gió mát, cùng nghe người lái xe kéo chuông. Cable car cũng có riêng một bảo tàng nằm tại 1201 Mason Street trưng bày những xe cable cổ và cho xem các xe cable được dùng ra sao.
Streetcars. Một streercar hay xe tram dùng track trên đường và dùng một dây điện và một pole trên nóc xe (pantograph) để chạy.
Khác với streetcar với một hàng dây điện và một pole nói trên, trolleybus là xe bus chạy bằng điện, với hai hàng dây điện và hai poles dùng để truyền điện cho xe bus trên nóc xe.  Cũng cần phân biệt với xe bus chạy điện, một loại xe bus chạy hoàn toàn bằng điện đã charged (batteries). Điện thường là 600 volt.
 Bay Area Rapit Transit (B.A.R.T.)

 Phương tiện chuyên chở nhanh chóng vùng vịnh BART đuợc người Việt trong vùng gọi là BẠT là một dịch vụ chuyên chở bằng xe điện (train) nối liền San Francisco với Peninsula và những thành phố  vùng vịnh đông (East Bay cities) và hai phi trường SFA và OAK.

 Trong thành phố BART chuyên chở nhanh chóng giữa SF và Mission District nơi có nhiều nhà hàng ăn, quán rượu, và nhạc sống. Trong Vịnh Đông, BART là phương tiện tốt để đến những địa điểm như Oakland Coliseum, Oracle Arena, và UC Berkeley. Th. cho tôi biết là mùa thu năm 2017 thì San Jose sẽ có BART Extension và chở  khách đi vào hệ thống BART trung ương.
Ngoài ra còn có phương tiên di chuyển bằng phà (ferries) đến những đảo nhỏ trong vùnh Vịnh như Sausalito, Angel Island, Tiburon v.v…
 Sẽ nói tiếp khi có cơ hội đi thăm. Có thể là lần tới chăng?
Đến5 giờ chiều thì Th lái xe cho chúng tôi trở về Fremont, Th lái vòng qua Embarcadero dẫn tới I80  để qua cầu Oakland Bay Bridge . Cái cầu Bay Bridge có hai decks này cũng có nhiều điều thú vị đáng kể.
Cầu Oakland-Bay Bridge
Nếu cây Cầu Cổng Vàng SF nổi tiếng vì cảnh đẹp, du khách đến chiêm ngưỡng thật nhiều và đã được ca tụng trong thơ văn nhạc, thì cây cầu Bay Bridge mới chính là cây cầu huyết mạch cho sự lưu thông qua lại từ vùng San-Jose, Fremont, Oakland và  San Francisco.
Cầu qua vịnh San Francisco-Oakland được dân địa phương gọi tắt là "Cầu qua Vịnh" (Bay Bridge) là một cầu, có thu phí, bắc qua Vịnh San Francisco nối 2 thành phố San Francisco và Oakland. Là một phần của I80, đây là một trong những cây cầu nhộn nhịp nhất Hoa Kỳ, có trên dưới 280,000 xe đi qua cầu mỗi ngày.
                                                          

Phần cầu hai tầng bên San-Francisco          
Cầu San Francisco-Oakland Bay Bridge, do kỹ sư Charles H. Purcell thiết kế, có chiều dài 4.46 miles (7.18km) gồm hai khúc nối với nhau bằng một đường hầm tại đảo Yerna Buena. Vì thành phần đất và nước ở hai thành phố bên tây và bên đông khác nhau nên cây cầu đã đuợc thiết kế với hai loại cầu khác nhau.
Hai khúc riêng biệt nối mỗi bên với  đảo Yerba Buena - một hòn đảo giữa vịnh. Phía cầu dây văng từ San Francisco đến đảo -bao gồm hai nhịp dây văng với trụ dây văng ở giữa nối trụ tiếp bờ ở San Francisco với trụ cáp phía Tây ở Đồi Rincon. Khúc phía đông cầu treo nối Oakland và đảo Yerba Buena. Cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 12/11/1936 trước Cầu Cổng Vàng 6 tháng. Chi phí xây cầu là 79,5 triệu USD (thời giá những năm 1930s). Hai tầng cầu có bề ngang 57.5 ft (17.5 m) chia làm 5 lanes. Xe di chuyển hiện tại là một chiều. Cầu mới mở đã được hưởng ứng rất cao, dân địa phương đã chuyển từ đi phà sang đi qua cầu trả lệ phí như đòi hỏi.

Lúc đầu cầu cho đi hai chiều ở tầng trên, tầng dưới dành cho xe vận tải và xe đường rày. Cho đến năm 1958 thì hệ thống đường rày qua cầu đuợc hủy bỏ và tầng trên được dùng cho đi một chiều từ Oakland sang San Francisco gồm tất cả xe nhà và xe vận tải. Tầng cầu dưới được dùng một chiều cho di chuyển từ San Francisco qua Oakland. Sự thay đổi này đã mất một thời gian khá lâu vì tầng deck ở khúc Yerba Buena phải làm thấp xuống để cho có đủ chiều cao cho xe vận tải đi qua ở tầng trên. Cho đến năm 1971, để khuyến khích mọi người đi chung xe, lệ phí qua cầu được giảm bớt cho những xe có hai người trở lên (high occupancy vehicles/HOV). Cho đến năm 1975 thì xe HOV không phải đóng lệ phí qua cầu.
Sự giao thông qua cầu có quy luật chặt chẽ và xe được hướng dẫn kỹ lưỡng để đang từ trên 10 lanes xuống 5 lanes và carpools cùng xe buses được qua lại không khó khăn. Trong một giờ ước lượng số xe qua cầu trong thời điểm gia thông cao có thể lên hơn 500 xe một giờ. Những xe có một người mà  đi sang lane cho HOV sẽ bị phạt ngay  $381.00.

Ghi chú. Phần cầu nối liền Oakland với đảo Yerba Buena đã bị hư hại nặng nề sau cơn động đất tháng 10 năm 1989. Cầu mới cho phần này được khởi công xây dựng từ năm 2002 cho đến 2013 mới hoàn tất.


Hình internet
Vì qua cầu Bay Bridge nhằm giờ tan sở nên cũng mất cả giờ mới về đến Fremont.

Muốn thăm viếng những địa danh của San Francisco thì có lẽ cần phải có ít nhất là ba ngày, nhưng vì chỉ có một ngày nên thăm được như vậy cũng quá tốt rồi.
Thăm viếng San Francisco lần này, tôi đã có một ngày vui thật vui. Vẫn nghe nói đi chơi có bạn đồng hành cùng chung sở thích thì sự hào hứng tăng thêm rất nhiều. Thật đúng quá là đúng, tôi thật sự vô cùng hào hứng có dịp được vợ chồng Th. và H. đưa đi chơi và lo chu toàn mọi sự. Cảm ơn Th-H. rất nhiều.

Sóng Việt Đàm Giang

 Ghi chú. Th. chụp tặng một số hình

Thăm Vùng Vịnh San Francisco.1.SVĐG

Thăm Vùng Vịnh San Francisco
Sóng Việt Đàm Giang


Thành phố San Francisco đựợc biết đến dưới tên chữ Việt là Cựu Kim Sơn舊金山 . Cựu ở đây để phân biệt với Tân Kim Sơn của Úc hâu.
 Sau khi vàng được khám phá ra ở vùng San Francisco vào giữa thế kỷ 19 thì dân Trung Hoa (Hoa Nam) thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến đã đổ xô đến định cư ở vùng này để hoặc tìm vàng hoặc làm việc  phu công rắp đường rầy xe lửa xuyên qua lục địa. Người Trung Hoa gọi vùng đất này là Cắm Xán 金山, tức Kim Sơn, nghĩa là Núi Vàng. Nhưng cũng cùng trong thời kỳ này, bên Úc cũng có người phát giác ra vàng và người Trung Hoa cũng đổ xô qua Úc, và từ đó họ gọi San Francisco là Cựu Kim Sơn để phân biệt với Tân Kim Sơn bên Úc châu.


Chào đón tôi và người em trai tại bến xe là một chị bạn học với tôi từ ngày học tiểu học (trường tiểu học Đa Kao, Tân Định, VN). Chị Ph. mỗi lần tôi sang California là lại thu xếp để gặp tôi, chị rất hiền lành, dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng rất cương quyết nhất định phải gặp tôi mỗi lần tôi qua Cali. Tôi thương và quý bạn tôi vô cùng.
Cũng đến gặp tôi là anh chị NQV, anh chị V quen biết chúng tôi trong thời gian nhà tôi làm việc ở căn cứ KQ BH, nhà tôi là Y sĩ trong căn cứ và chăm sóc bà cụ thân sinh anh V, và chúng tôi vẫn có thân tình từ ngày đó.
Và đây rồi là cô cháu gái LH và chồng tên Th. đến đón chúng tôi. Vợ chồng hai cháu Th-LH rất là chu đáo đã có plan cho tôi đi chơi.  Cô bạn Ph.chia tay, và sau bữa ăn phở cùng với anh chị V, vợ chồng Th-LH đã cho chúng tôi đi thăm ngay khu shopping mall ngoài trời Santana Row ở San-Jose.
Santana Row là một khu thương mại với nhiều nhà hàng thương hiệu nổi tiếng, nhiều nhà hàng ăn, và hotel Valencia, Santana Row được đặt theo tên ông Frank M Santana, người có nhiệm vụ phát triển thành phố vào những năm 1950s. Tôi thấy tên những nhà Pizza nổi tiếng, nhà sushi, tiệm Maggiano’s Little Italy, những cửa hàng nổi tiếng Gucci, Kate Spade và những gian hàng bình dị hơn như H&M, Ann Taylor.v.v..
Ở chính giữa mall là nhà hàng El Jardin và Vintage Wine Merchant. Tiệm rượu này có cái cổng thật đặc biệt. Th và LH cho chúng tôi ngồi quán bên đường nhâm nhi bánh ngọt và uống cà phê cùng nhìn người qua lại. Lại nhớ đến những ngày tôi ngồi quán cà phê ở Paris.


Vintage Wine Merchant


Nhẩn nha thế mà đã 8:30PM, và về đến nhà Th-LH ở Fremont là cỡ 9PM. Tôi chẳng lạ nhà chi hết, leo lên giừờng là ngủ một lèo đến sáng! Lẽ dĩ nhiên là cô cháu LH có nhiều chuyện để kể cho tôi nghe. Nói là cháu nhưng cô ta chỉ kém tôi có 4 tuổi, và khi tôi là con gái út của bố mẹ tôi thì cô cháu lại là con gái lớn nhất của bà chị họ. Và vì là chị cả nên cô này tháo vát tài giỏi lắm!
San Francisco Bay Area

Hệ thống chuyên chở công cộng ở SF rất hữu hiệu, du khách có thể di chuyển từ thành phố San José bằng xe bus đến trạm xe điện (B.A.R.T.) ở Fremont để đến SF. Ngưng ở đường Market rồi từ đó đi xe bus hay cable car/street car để đến những địa điểm muốn thăm viếng. Nếu có dự tính lưu lại thăm viếng hai ba ngày thì có thể mua vé một lần cho số ngày dự trù.
Vợ chồng Th-LH đã ở vùng này cả mấy chục năm nên kỳ này sang chơi tôi rất thoải mái không phải lo nhìn bản đồ, đọc GPS hay tìm đường, cứ ngồi trên xe ngắm cảnh và quan sát. Th cho biết cả ngày hôm nay sẽ thăm viếng San Francisco Bay area và theo thứ tự sẽ là thăm khúc đuờng cong khúc khuỷu Lombard St, rồi thăm The Palace of Fine Arts, rồi cầu Golden Gate, rồi Fisherman’s Wharf/Pier 39 và trạm cable car.

Lombard Street.
Đây là lần thứ tư  tôi đến  San Francisco và thăm Lombard  St, lần đầu cở 1986, lần hai năm 1993, lần ba năm 2002, và lần này 2016. Từ Fremont đến San Fran cỡ 40 miles/ và hơn 1 giờ nếu đi qua I880, và qua cầu San Francisco-Oakland-Bay Bridge I80.
Lombard Street là một đường phố đông-tây ở San Francisco.
 Khúc khuỷu ngoằn ngoèo phố Lombard
Tựa như rắn trườn mình dưới nắng
Một ngày hình trưng trên tấm card
Kéo du khách đến nhìn tận mắt.

2002

 
2016

Phố Lombard  bắt đầu ở The Presidio  bên tây và chạy về phía Đông qua khu Cow Hollow. Qua 12 blocks nhà giữa phố Broderick và đại lộ Van Ness, nó là con đường huyết mạch cùng mang tên là đường US 101. Phố Lombard sau đó băng qua Russian Hill và khi đến khu Telegraph Hill, thì nó cong xuống nam và trở thành đại lộ Telegraph dẫn đến công viên Pioneer và Tháp Coit. Sau khúc này nó lại mang tên phố Lombard ở góc phố Winthrop và tận cùng ở  Embarcadero. Tưởng cũng nên nhắc tên phố Lombard đã đuợc ông Jasper O’Farrel (surveyor của SF) đặt theo tên phố Lombard Street của thành phố Philadelphia, PA.

Khúc đường Lombard nổi tiếng với một dãy phố trên Đồi Nga (Russian Hill) giữa các phố Hyde và Leavenworth, với con đường được coi là đường ngoằn ngoèo nhất Hoa Kỳ. Thiết kế đường ngoằn ngoèo gồm tám khúc quanh để giảm độ dốc 27° đã được chủ đất Carl Henry đề nghị và đã được thực hiện năm 1922. Tốc độ lưu thông trên đường này là 5 mph (8km/h) trên đoạn đường dài 400 m. Đường này chỉ lưu thông một chiều từ trên xuống dưới.
Trước tiên Th lái xe trên con đuờng khúc ngoằn nghèo này cho chúng tôi (LH, BC và tôi) được hưởng cái thú ah, oh, wow!! rồi Th đậu xe ở con đường cuối dốc để cho chúng tôi đi bộ lên trên đầu dốc và chụp hình.




Hoa giấy đỏ rực rỡ chói chang
Vươn trên cao đượm nét kiêu sa
Hoa tú cầu khiêm nhường trải sắc
Lam trắng hồng từng  cụm trang khang.


Phía xa đằng sau là Coit Tower trên Telegraph Hill.

Như chúng ta thấy tấm bảng đề chào mừng phố Lombard và Vườn hoa.
Khi mới thành lập năm 1922, khúc phố này ngoài con đường zig-zag tám đoạn còn có bậc thang đi bộ hai bên, mỗi thang lát gạch đỏ gồm cỡ 250 bậc. Giao kèo là thành phố trả tiền xây phố, và những người cư ngụ khu này phải trả tiền làm bậc thang và bảo trì việc làm đẹp và trồng cây cối.

Vào cỡ năm 1947, ông Peter Bercut, một người sống ở khu này mang xe ủi đất phạt tất cả cây cối và bắt đầu trồng hoa. Sau khi thử trồng nhiều loại để chống sự soi mòn đất nhưng không thành công, ông Bercut đã cho trồng cây hoa tú cầu (hydrangeas), và sự thích hợp của loại hoa tú cầu đã được dân phố Lombard hưởng ứng và duy trì cho đến ngày nay. Con đường khúc khuỷu này đã có một thời gian êm đềm cho đến những năm 1950s, một tấm hình khoe hoa tú cầu nở rộ trên khúc phố Lombard này được luân chuyển, du khách bắt đầu chú ý và đến thăm viếng. Và khi tấm hình Lombard St với hoa Tú cầu xuất hiện trên postcard vào năm 1961, và phim ảnh cho thấy con phố và hoa tú cầu lộng lẫy thì nơi này trở nên một địa danh cho  khách du lịch!
Khúc phố này được chuyển thành cho đi một chiều từ năm 1939, từ phía tây đổ dốc phía đông nhìn xuống Telegraph Hill và Coit tower. Xe bus không đuợc phép lưu thông kể từ năm 1980.



Rời Lombard st, Th cho chúng tôi đi thăm Cung điện Nghệ Thuật/The Palacet of Fine Arts. Phải nói tôi đã fell in love với nơi này ngay từ lần đầu tiên đến thăm SF. Chẳng biết vì sao cứ mỗi lần ai nhắc đến SF là tôi lại nhớ không phải cầu Golden Gate không phải Lombard  St mà là… là cái khu cổ kính chứa nét huy hoàng của một thời cổ xưa! Đó là Cung điện Nghệ Thuật /The Palace of Fine Arts!


Hình internet
Hình SVĐG chụp
Cung điện Nghệ thuật  nằm trong quân Marina của San Francisco được xây cất vào năm 1915 cho cuộc triển lãm Panama-Pacific để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật vào thời điểm đó. Tòa nhà này được xây chung quanh một hồ nhân tạo nhỏ, có bề ngang trải rộng 340 m (1,100ft) ôm một nhà vòm rotunda kiểu La mã  ở trung tâm bên cạnh hồ nước. Cấu trúc đuợc dựng nên phỏng theo mô hình cổ điển bên Âu châu, với hồ nước phản chiếu tạo nên một quanh cảnh vĩ đại đáng được chiêm ngưỡng từ xa.
Sau cuộc triển lãm, hầu hết những cấu trúc này được giữ lại nhưng bị tàn phá bởi thời gian. Năm 1965 tất cả đã đuợc tái xây dựng lại với kỹ thuật cần thiết để chống lại đuợc địa chấn. Công trình phòng vệ chống địa chấn được hoàn tất vào năm 2009.
TH & LH

Trang hoàng hai bên là ba panels bao quanh ôm lấy nhà vòm. Ba panels tượng trưng  văn hoá Hy lạp cho “Sự tranh đấu cho cái đẹp”. Phía trên cao đỉnh của các cột là những ngườu đàn bà đang khóc biểu hiệu cho Contemplation, Wonderment và Meditation. Phía bên trong trên tường quanh nhà vòm gồm 8 bức vẽ, bốn bức miêu tả sự phát sinh ra Nghệ thuật và bốn bức tượng trưng cho “vàng” của bang California, đó là poppies, trái cây cam chanh, kim loại vàng, và ngũ cốc.

BC & ĐG
  
Sự hiện diện của một cấu trúc vòm nhà tròn mang biểu hiện của văn minh La Mã và trang trí theo phong cách Hy lạp của các cây cột đã mang lại một sự quyến rũ tuyệt diệu dễ in vào tâm trí người đến thăm viếng.
Một nhà hát lớn chứa được 1,000 chỗ cũng đã đuợc xây cất vào năm 1970 và thường là nơi có những buổi trình diễn đủ loại từ hoà nhạc, kích nghệ, biểu diễn nghệ thuật, và thuyết trình.
Trong dịp tháng 2 năm 2016 này, có trình diễn về The Hunger Games tại Innovation Hangar.


Hoa cây acanthus tại Olympion-Zeus Temple. Athens

Chung quanh những cột Corinthian Hy Lạp này, ở chân cột thấy có trồng loại cây acanthus có hoa đẹp. Đây là cây acanthus với lá được dùng làm mô hình khắc trên cao gần đỉnh những cột Hy Lạp và được gọi là cột Corinthian. Một chút lịch sử cho biết vào thế kỷ thứ 5 BC, nghệ sĩ Hy Lạp đã khắc những chiếc lá cây acanthus vào phía trên ngọn của những cột đá. Mô hình khắc hình lá cây này rất đẹp và được ưa chuộng từ đó đến giờ. Khi nhìn những cây cột cao Hy Lạp này thì nếu không phải là cột trơn trụi (doric), hay có hình giấy cuộn (ionic) mà có hình lá cây thì đó là cột corinthian. Những kiểu cột khác nhau đuợc thực hiện theo dòng thời gian.
Cây acanthus (acanthus mollis) hiện diện cả ngàn năm trước và hiện nay hiện diện trong rất nhiều vườn cây cảnh. Tại San Francisco trong công viên Golden Gate cũng có rất nhiều.

      
                                                Cột Corinthian với mô hình lá acanthus    
                 
Thiên nga Blanche (?)

Nói đến Cung điện Nghệ thuật và hồ ở đây thì không thể không nhắc đến thiên nga trong hồ. Hiện nay trong hồ có đôi thiên nga Blanche và Blue Boy. Chuyện đôi thiên nga này cũng lắm ly kỳ, trước năm 2010 thì cô thiên nga Blanche cặp với chàng Monday, nhưng năm 2010, chàng Monday bị một kẻ nào đó vặt gẫy cổ thì nhân viên đuơng quyền phải tìm một chú thiên nga khác thay thế, và năm 2011 chàng trẻ tuổi mang tên Blue boy chỉ mới 2 tuổi được mang đến làm bạn với cô Blanche 11 tuổi đời. Năm nay vào tháng 5, 2016, đôi thiên nga Blanche (16 tuổi) và Blue Boy (7 tuổi) có được 4 chú thiên nga nhỏ, nhưng hình như hai chú đã bị mất tích, mất tích này được cho rằng do những sinh vật khác trong hồ hay chim trời đã bắt làm bữa ăn.  Th. cho biết lâu lâu lại có tin tức loan báo về thiên nga của hồ này, và những sinh vật sinh sống tại hồ này thường được nhân viên cai quản theo dõi kỹ lưỡng.
Điện Nghệ thuật tạo hình Cựu Kim Sơn
Trải qua hơn một trăm năm có lẻ
Những cột trụ Greco Roman cổ kính
Vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt!

China Town

Thế mà đã đến trưa!
Buổi trưa thăm Chinatown đi bộ dọc theo phố Grant và ăn trưa dim sum.

 Phồ Grant là một phố cũ nhất của khu phố Tàu. Phố này khởi thủy từ năm 1845, đã từng mang tên Calle de la Fundacion, rồi Dupont St, và sau cùng mang tên Grant vinh danh vị tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, Tổng thống Ulysses S. Grant. Cũng như những thành phố có nhiều sắc dân khác, khu phố Tàu có tên đuờng phố viết chữ Tàu phía dưới tên tiếng Anh. Ở cổng vào khu phố Tàu góc phố Grant và đường Bush vẫn còn bảng mang tên “Dupont Gai" (都板街, Gai có nghĩa là đường phố).




 Transamerica Pyramid