Cọp Trong Ngôn Ngữ Và Đời Sống Con Người
MƯỜNG GIANG . Việt Báo Thứ Năm, 1/14/2010, 12:00:00 AM
Cọp là loài thú to lớn và mạnh khỏe nhất trong họ mèo, gồm tám giống thường sống đơn độc trong các khu rừng thưa có nhiều cỏ tranh ngoại trừ thời gian động đực nuôi con. Địa bàn hoạt động của cọp chủ yếu là Châu Á trải rộng từ Siberia, Mông Cổ, Trung Hoa tới bờ đông Mãn Châu, xuống tận vùng Tiểu Á, Trung Đông, Ba Tư, Ấn Độ, Đông Nam Á, các quần đảo Nam Dương, Phi Luật Tân..
Trước đây con người chưa có đủ phương tiện để trấn áp các loại dã thú rừng xanh như beo cọp nên một số nước đông phương trong đó có Trung Hoa, VN đã thần thánh và xem nó như một linh vật để cúng tế và đắp tượng thờ tại các đình chùa. Trong dân gian cũng như lĩnh vực văn học nghệ thuật, có ghi lại rất nhiều câu chuyện thần kỳ nói về sự liên quan mật thiết giữa người và cọp đầy bí mật và huyền thoại.
Nhưng điều oái oăm hiện nay chính là những truyền thuyết huyền thoại, mà bao đời con người dành cho cọp không biết là thật hay sự tưởng tượng ngẩu hứng, giờ đã trở thành tai họa cho loài thú này. Thêm vào đó loài người càng lúc càng sinh sôi nẩy nở, phải phá rừng xẽ núi để sản xuất trồng trọt, nên lấn chiếm dần hết giang sơn của chúa sơn lâm, khiến ác thú càng lúc càng bị dồn vào thảm họa diệt chủng. Theo thống kê cho biết hiện nay khắp thế giới còn không quá 5000 cọp. Điều này đã khiến cho Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng báo động và xếp nó vào loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ.
+ Cọp : Chúa Tể Của Sơn Lâm
Cọp là loài dã thú có sức mạnh và sự tinh khôn gần bằng con người. Theo kinh nghiệm của giới thợ săn và làng võ, những nhân vật từng chạm trán với ác vật trên cho biết tính nết cọp rất kỳ lạ. Đó là khi vồ mồi (bất kể là người hay thú vật) nếu bắt trúng ‘ tai ‘ thì cọp bỏ đi. Khi đã bắt được mồi, bao giờ cọp cũng dựng xác người hay vật ở tư thế ngồi hay nằm rồi mới ăn thịt và luôn luôn moi lục phủ, ngủ tạng ăn trước. Cọp nào làm ngược những qui tắc trên, được giới thợ săn gọi là ‘ cọp trở mồi ‘ , một báo hiệu cho biết nó sắp bị giết bởi thợ săn hay sập bẫy. Ngoài ra khi thấy cọp quì chân sau chống chân trước là lúc cọp sắp tấn công. Khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát và phóng tới, cái đuôi phe phẩy theo hướng nào là cọp tấn công theo hướng đó. Sau cùng lúc cọp nằm ngữa bụng lên trời là để dưỡng sức đợi dịp tấn công tiếp đối thủ. Nhưng cọp cũng rất yếu bóng vía khi bị tấn công bất thần. Những lúc đó thường cong đuôi bỏ chạy và khi hườn hồn, lại quay về nẽo cũ để bắt mồi.
Với người VN, cọp được gọi bằng nhiều danh xưng như Hổ (miền Bắc), cop miền Nam) hay ông ba muơi, ông Kễnh, ông Hùm.. Cọp thuộc họ Mèo với 240 loài là thú ăn thịt sống lớn nhất hiện nay gồm chó, mèo, chồn, gấu.. Chúng có bộ răng và móng chân đặc biệt để thích nghi trong việc xé mồi sống ăn thịt. Bộ răng gồm răng cửa nhỏ nhưng sắc bén dùng để róc xương, còn răng nanh vừa nhọn lại dài, lớn dùng để xé mồi. Riêng răng hàm được cấu tạo như lưởi kéo có nhiều mấu sắc nên có thể nhai nát thịi lẫn xương. Còn các móng chân của bộ ăn thịt đều có vuốt cong được đệm bằng lớp thịt dầy nên bước đi của chúng rất nhẹ nhàng uyển chuyển, thích hợp cho sự rình mồi. Loài nay có bán cầu não lớn mang nhiều nếp nhăn, con thú mới sinh rất yếu nên thường bị chết yểu.
Họ Mèo (Falidae) là loài thú tiêu biểu nhất trong bộ thú ăn thịt gồm có cọp, beo, sư tử và mèo. Chúng săn mồi bằng cách rình rập và tấn công bất thần vào đối thủ (người hay vật) qua hành động nhảy cao và xa vì hai chân sau của chúng dài hơn chân trước. Chuyên săn mồi vào ban đêm nhờ có thị và thính giác cực mạnh, còn râu chỉ là cơ quan xúc giác phụ mà thôi. Trừ thời gian động dục và nuôi con, hầu hết các thú thuộc họ Mèo sống đơn độc.
CỌP (Panthera Tigris) hay Hổ là loài thú có kích thước lớn nhất trong họ Mèo. Một con cọp xứ Bengale (Ấn Độ) vào tuổi trưởng thành có trọng lượng hơn 250 kg, dài gần 2m và để nuôi thân, mỗi tuần phải ăn một con nai hay heo rừng. Trong 11 loài cọp còn tồn tại, nhỏ nhất là loài cọp sống trên đảo Sumatra (Nam Dương) nặng chừng 120 kg, còn loài lớn nhất hiện nay là cọp Tây Bá Lợi Á (Amua Panthera Tigris Longipilis) dài 3m và nặng trên 320 kg. Trong rừng xanh cọp là chúa tể muôn loài trừ voi, sư tử, tê giác và trâu rừng.
Cọp Tây Bắc Á sinh sống tại Nga, Tàu và Bắc Cao Ly, trước đây được mệnh danh là lãnh chúa của rừng Taiga, nay cũng sắp bị diệt vong trước mũi súng của phường săn. Tại Trung Hoa, chúng sống ở hai tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm (Mãn Châu) có bộ lông phát triển rất mạnh kể cả phần đuôi, biến đổi theo thời tiết từng mùa từ vàng nhạt sang đậm. Tại Tây Bá Lợi Á, cọp Siberia rất hung dữ và là kẻ thù không đội trời chung với chó sói, nên nếu có sự hiện diện của cọp trong vùng thì sói bỏ đi nơi khác để kiếm ăn.
Hơn một thế kỷ trước tại Ấn Độ có chừng 40.000 cọp, nay chỉ còn lại 3000 trong số 6000 khắp thế giới vì hầu hết cọp sống tại Bali, biển Caspienne và Java sắp bị tuyệt chũng. May mắn nhất có lẽ là loài cọp Felis Paleosinensis cũng thuộc giống Siberia sống ở miền nam nước Tàu, Ấn Độ và vùng Đông Nam Á hiện phân bố thành 8 loài khác nhau qua màu lông, kích thước. Một số cọp Siberia được nuôi dưỡng trong khu vực có rào sắt tại tỉnh Vladisvostok (Nga) và vườn thú Minnesota (Mỹ) nhưng đặc biệt nhất là tại Vân Nam (Trung Hoa), cọp rất được người thiểu số Lolo thuộc bộ tộc Di trọng vọng vì coi nó như vị thần hộ mạng.
Là loài thú sinh sản rất hạn chế, cop nhỏ lên tới 4 tuổi mới trưởng thành. Cọp cái mỗi lần sinh đẽ với khoảng cách 2,3 năm và trong đời chỉ sinh tối đa là 7 lần và tới năm 20 tuổi là chấm dứt. Cọp cái mang thai khoảng 4 tháng thì sinh nở mỗi lứa từ 1-5 con nhưng tới đa chỉ vài con sống sót.Tuy là loài thú dữ nhưng cọp cái rất thương con nên chăm sóc kỹ càng tới năm 3-4 tuổi, cọp con mới rời mẹ để sống một mình.
Về nguồn gốc, theo các nhà động vật học thì cách đây hơn 300.000 năm, tại vùng rừng núi Siberia còn ôn hòa ấm áp nên đã thấy cọp xuất hiện. Chúng là hậu duệ của loài Creodon sống cách đây hơn 60 triệu năm nay đã tuyệt chũng. Sau đó khí hậu vùng này càng lúc càng lạnh lẽo băng giá nên loài cọp mới di cư tới nơi khác ngoại trừ giống cọp to khoẻ Siberia chịu đưng được thời tiết nên ở lại tới ngày nay. Chúng chia thành hai nhóm đi về hướng tây nước Nga tới vùng biển Caspienne, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan.. Nhóm khác đi về hướng đông vào Tân Cương, Trung Hoa, Mãn Châu và xuống tận miền Nam vào Ấn Độ hơp với nhóm một, thiên di tới các nước Đông Nam Á ra tận các hải đảo Nam Dương, Phi Luật Tân.. Đó cũng là cuộc di cư cuối cùng của dòng họ cọp. Hiện các nhà khoa học chọn giống cọp Bengale làm con vật trung gian giữa giống cọp lớn nhất (Siberia) và nhỏ nhất (Bali) để đại diện cho dòng họ cọp, vì nó mang đủ các sắc tố điển hình của hai loài cọp trên về sức nặng, kích thước, màu lông và các yếu rố tâm sinh lý. Đặc biệt là loài cọp trắng mắt xanh, chỉ có tại Ấn Độ. Ngoài ra còn có Liger là loài cọp được lai giống từ sư tử đực và cọp cái. Nó có cơ thể giống sư tử với những sọc vằn và thích bơi lội như cọp. Một con thú lai thứ hai giữa cọp đực và sư tử cái được gọi là Tigon, mang đặc tính loài cọp.
VN trước đây có nhiều cọp nhưng nổi tiếng có cọp Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Quảng Trị, Khánh Hòa, Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mau..
+ Cọp Trong Đời Sống Con Người :
Trong ngành thiên văn học, nếu các nhà chiêm tinh phương Tây xác nhận thái dương hệ có một vành đai gọi là ‘ Vòng Động Vật (Zodiac) ‘ là vành đại mở rộng của vòng Hoàng Đạo mà người Trung Hoa cổ đã chia nó thành 12 cung hay 12 con giáp qua tên gọi Tý, Sữu, Dần.. Hợi. Sao Mộc (Jupiter) chuyển động quanh mặt trời với chu kỳ gần đúng 12 năm và hằng năm khi sao đó đi vào cung nào trên vòng Hoàng Đạo, chẳng hạn như năm 2010 vào cung Dần nên được gọi là năm Dần.. Ngoài ra người Tàu còn lấy tên các con vật quen thuộc với người như chuột, trâu, cọp, mèo.. ghép vào các cung tương ứng theo thứ tự đã định sẳn, để cho phù hợp với nguyên lý từng cặp âm dương (căn cứ vào các ngón chẳng ‘ âm ‘ và lẻ ‘ dương ‘) của con vật.
Nước ta từ khi lập quốc tới ngày nay luôn chứng tỏ là một dân tộc có tinh thần thượng vỏ, nên đời nào cũng đều có tổ chức những cuộc giao đấu thú dữ như voi cọp qua tên gọi ‘ Hổ Quyền ‘.Đại Việt Sử Ký Bản Ký có ghi chuyện Thái Thương Hoàng Trần Thánh Tông và vợ là Khâm Từ Bảo Thái Hậu vì mê coi cọp voi đấu, suýt bị thú dữ làm hại/ Đời Hậu Lê trường Hổ Quyền được thiết lập tại kinh đô Thăng Long trước sân diễn võ. Vì sợ cọp hung dữ làm hại mọi người, nên ba ngày trước thời hạn giao đấu, quan Phủ liêu ngầm ra lệnh dùng kìm cắt hết móng vuốt của cọp. Do đó cọp chỉ đấu được vài hiệp thì bị voi hạ chết.
Đời Nguyễn hằng năm đều có cuộc giao đấu giữa voi và cọp với mục đích huấn luyện cho voi thêm dạn dĩ kinh nghiệm khi đụng trận thật sự. Sân đấu có chu vi hình tròn đường kính gần 40 trượng, được dựng trên một gò đất rộng ở Long Thọ thuộc làng Nguyệt Biều, kế một cái chợ cùng tên. Các chuồng voi và cọp ở gần hai cổng phụ nằm kế bên cổng chính với cửa thông tới hổ quyền. Khán đài để vua quan ngự lãm được dựng trên bức tường cao phía sau hướng về giữa sân khấu có căng màn che mưa nắng.
Ngày đấu dân chúng địa phương đã bày hương án cũng như có một đội quân mặc lễ phục, để chào đón vua quan từ bờ sông Hương tới cổng chính hổ quyền được trải chiếu hoa. Từ sáng sớm người dân Huế cũng như các vùng phụ cận nô nức kéo về xem cuộc đấu qua hai cổng phụ. Đúng ngọ vua rời thuyền rồng dùng kiệu được tiền hô hậu ủng tới hổ quyền dùng cổng chính lên khán đài ra lệnh nổi trống mở màn cuộc đấu.
Tức thì hai cánh cửa chuồng hai bên được mở rộng, một con cọp vằn to lớn nhanh nhẹn nhảy ra dương oai diệu võ gầm thét kinh hồn như muốn ăn tươi nuốt sống con voi đang đối diện. Cuộc ác đấu xãy ra giữa hai con vật hùng dũng nhất rừng xanh, cuối cùng voi cũng hạ chết cọp nhờ sức khỏe, trước sự vui mừng vừa ý của vua quan và dân chúng có mặt. Tuy nhiên không phải cuộc đấu nào cũng suông sẽ mà không gặp phải tai nạn như vào thời vua Gia Long, do một con cọp quá dữ dằn đã gây chết chóc viên quản tượng và nhiều binh lính tại đấu trường. Sau cùng quan chỉ huy phải ra lệnh giết cọp mới yên.
Tả quân Lê Văn Duyệt lúc làm Tổng trấn Gia Định cũng cho xây hổ quyền để nuôi voi và cọp, với mục đích cho cọp đấu với các võ sĩ trước mặt các sứ thần ngoại quốc, làm tăng thêm quốc thể VN thời đó. Lê Văn Khôi là một trong những hảo hán đương thời, đã dùng tay không để bắt cọp , câu chuyện thần kỳ này tới nay vẫn còn truyền tụng qua tác phẩm của Lê Đình Chân viết về ‘Tả Quân Lê Văn Duyệt‘. Ngày hổ quyền chính thức bị bãi bỏ vào cuối đời vua Tự Đức.
Tỉnh Khánh Hòa nổi tiếng về cọp không phải ở đây loài ác thú này dữ và nhiều hơn các nơi khác mà do hai câu chuyện thần kỳ tới nay vẫn còn được truyền tụng : Đó là việc cọp náo loạn pháp trường cứu chủ và sự tích ‘ ông ba mươi ‘ được dân điạ phương mời làm lý trưởng. Nghề bắt cọp tại Thủy Ba nổi tiếng khắp nước nên hằng năm theo lệnh vua, dân làng này vào Thừa Thiên để bắt cọp đem về kinh đô Huế đấu với voi tại Hổ Quyền. Theo huyền thoại còn lưu truyền trong dân gian, thì thuở đó người Thủy Ba bắt cọp bằng lưới bén được làm từ một loại cây mềm mọc tận rừng sâu. Loại cây này rất dẽo và bền nên cọp không thể nào cắn xé đứt được. Lệnh làng bắt buộc thanh niên nam nữ trong thôn xóm (trừ chức sắc, khoa cử, học trò) đều phải tham gia các đội bắt cọp để bảo vệ và canh giữ làng mạc.
Thịt cọp ngon bổ, da thuộc để trang trí hay nhồi thành hổ giả. Theo các thầy thuốc Ấn Độ và Trung Hoa, thì hầu hết các bộ phận trong cơ thể đều có nhiều khả năng kỳ diệu, chứ không phảichỉ có cao hổ cốt còn xương cọp dùng để nấu cao hổ cốt với công dụng trị đau xương, tê thấp, đau nhức. Mỡ cọp chế thành thuốc trị suy nhược, gan cọp ăn sống tăng thêm can đảm, mắt cọp chế thành thuốc viên trị chứng co giật.. Với các thú ăn thịt khác thì chỉ săn mồi lúc đói nhưng cọp lại rất tham lam vì no vẫn giết con mồi để dự trữ ăn dần.
Thế nhưng trong số 1001 món tráng dương bổ thận, ‘Dịch Hoàn Hổ ‘ được nhân gian đánh giá là món ‘ dược thiện ‘ thượng hảo hạng mà người thường khó lòng nếm nổi vì chỉ dành cho vua chúa thời xưa trong thực đơn hàng ngày. Dịch hoàn của cọp đực vùng tây bắc to bằng cái bánh bao, được chế biến thành ‘ thanh thang ‘ bằng cách chưng cách thủy suốt mấy giờ liền. Khi ăn bỏ lớp da bọc ngoài rồi cắt thành từng lát mỏng bỏ vào nước muối rồi nhăm nhi với rượu thì dù tuổi già vẫn cai quản nổi ‘ tam cung lục viện ‘ hằng ngày. Ngoài ra còn món ‘ canh hầm dương vật cọp ‘ mỗi chén hơn 300 đô la Mỹ.
Cọp Trong Ngôn Ngữ :
Trong các loài dã thú và gia súc liên quan tới người thì cọp là con vật được nhắc nhớ nhiều nhất trong văn chương và huyền thoại. Từ ngàn xưa, cọp qua hình ảnh to lớn với sức khỏephi thường đã hằn sâu trong tâm trí của nhân loại. Điều trên đã được xác thực qua những khai quật của người tiền sử Gordis, sống cách đây hơn 6000 năm bên bờ sông Amua trong vùng Tây Bá Lợi Á (Nga). Từ đó mới phát hiện được nhiều minh họa và vật dụng về cọp. Cũng tại vùng Bikin là địa bàn sinh sống của người Udages có nhiều danh từ liên quan tới con vật này và loài cọp Siberia, được coi là hai vị thần hộ mệnh tại Primosky và Kharbarovsk.
Trong thần thoại Ấn Độ có nử thần Durga cưỡi cọp nhưng trên hết vẫn là các loại sách truyện của người Tàu viềt về sự tái sinh của cọp qua nhân vật Lý Nhĩ là tổ sư của Lão giáo với mục đích chống lại tà thần. Ngoài ra còn có các loại ‘ Hiếu Tử truyện ‘ ca tụng sự ‘ đền ơn đáp nghĩa ‘ của cọp đối với người đã cứu giúp chúng ‘ cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơ trả oán ‘.VN cũng có nhiều câu chuyện truyền kỳ được ghi trong sách vở như ‘ Đại Nam Nhất Thống Chí hay Chuyện Đời Xứ của Trương Vĩnh Ký.. ’ ’ liên quan tới cọp giúp người được triều đình phong chức lập miễu thờ cúng. Ngoài ra Việt sử cũng đề cập tới nhiều danh nhân liên quan tới cọp như Đinh Tiên Hoàng Đế, Bùi Tá Hân, Nguyễn Hữu Tiến, Dương Cọng Trừng, Tăng Ân..
- Cọp Trong Ca Dao, Tục Ngữ : cọp, hổ, hùm, ông ba mươi.. cũng chỉ là một danh từ dùng để chỉ chúa sơn lâm. Cáo mượn oai hùm : mượn oai của kẻ mạnh để hù dọa thiên hạ. Chưa qua truông đã trật lọ cho khái : câu này đuợc lưu hành trong vùng Nghệ Tĩnh với các danh từ truông đèo núi), lọ (bộ phận sinh dục đàn ông) và khái (cọp). Nghĩa đen ‘ chưa qua khỏi núi đã ra mặt coi thường cọp ‘ còn nghĩa bóng nói ‘ việc chưa hoàn thành đã vội tuyên bố kiêu căng mà không hề nghĩ tới những tai họa trước mắt đang chờ sẳn.
Hổ trướng dựa theo điển tích trong ‘ Nam Đường truyện ‘ ghi Vương Từ đời Lương dùng da cọp làm lều trại họp thuộc hạ bàn cguyện quân cơ được đời sau gọi là trướng hổ. Hổ Trướng Xu Cơ là tên của một bộ sách quân sự do Đào Duy Từ (1572-1634) sáng tác. Ông là người có công giúp Chúa Sãi vương xây dựng các lũy Thầy và Trường ục tại Quảng Bình để ngăn chống quân Trịnh. Hổ Bảng là nơi niêm yết danh sách các tân tiến sĩ đời Đường còn được gọi là long hổ bảng hay hổ bảng.
Hổ Vi tên gọi trường Quốc Tử Giám. Hổ Bôn chỉ đạo quân thiện chiến anh dũng.Đời Hán có chức hổ bôn lang, hổ bô trung lang tướng chỉ huy quân hổ bôn túc vệ. Hổ khẩu là chỗ ngón tay cái giáp với ngón tay trỏ. Hổ bộ là bộ võ dựa theo dáng đi của cọp. Hổ phù chỉ binh phù của các võ tướng thời phong kiến. Hổ khê là khe nước trước chùa Đông Lâm trên núi Cam Lộ thuộc Cửu Giang tỉnh Giang Tây (Tàu) nơi ghi chuyện Đào Tiềm cùng hai nhà sư Lục Tu Tĩnh và Túc Viễn qua khe cọp. Hổ phách nhựa cây tùng. Hổ hà con tôm hùm. Hổ cứ là con cọp ngồi ý nói địa hình hiểm trở. Hổ cốt xương cọp dùng nấu cao. Hổ đầu là đầu cọp chỉ người có tướng mạo hùng vĩ. Hổ lang chỉ cọp và chó sói để gọi những kẻ giang ác tán tận lương tâm. Hổ lĩnh là chân cọp dùng để gọi các võ tướng xưa có sức mạnh khác người. Hổ môn cửa vào dinh soái tướng. Hổ quyền chỗ nuôi cọp.
- Cọp Trong Thành Ngữ và Điển Tích :
‘Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử ‘ thành ngữ rút từ điển tích Ban Siêu thời Đông Hán theo Đậu Cố đánh giặc Hung Nô có công nên được vua cử đi sứ để chiêu dụ các nước khác ở Tây Vực. Vua nước Thiện Thiện vì theo Hung Nô nên đối xử không tốt với sứ giả . Ban Siêu biết được nên bàn kế với thuộc hạ lúc ấy chỉ có 16 người, đột nhập vào lều tạm trú của sứ bộ Hung Nô lúc đó cũng có mặt giết sạch. Vua quan Thiện Thiện thấy vậy rất sợ nên tuân phục nhà Hán. Đời sau căn cứ vào câu chuyện trên, rút ra thành ngữ ‘ không vào hang cọp sao bắt được cọp con ‘.
‘Vị hổ tắc trành ‘ là truyền thuyết đã có từ xa xưa nói về linh hồn của người bị cọp ăn thịt không siêu thoát được nên cứ phải quấn quit theo nó dẫn đường để giết hại người khác thế chỗ cho mình. Từ chuyện trên, sách ‘ Thinh vũ ký đàm ‘ chép rằng ‘ Nhân ngộ hổ, y đái tự giãi, giai trành sỡ vi ‘ nghĩa là người bị cọp bắt, được ma trành cởi quần áo giây lưng ra cho cọp ăn thịt. Còn linh hồn theo dẫn đường cho cọp bắt người, được gọi là quỷ hay ma trành. Từ truyền thuyết trên, người sau rút ra thành ngữ ‘ vị hổ tắc trành ‘ ám chỉ những kẻ phù trợ bưng bợ đồng lỏa giúp phường ác làm điều bậy.
‘Dưỡng hổ di hoạn‘ Lưu Bang và Hạng Võ cùng khởi binh diệt bạo Tần. Sau đó hai người trở mắt coi như kẻ thù không đội trời chung. Cuối cùng lấy giải hòa, lấy Giả Cổ Hà thuộc huyện Huỳnh Dương tỉnh Hà Nam làm ranh giới. Nhưng dù đã cam kết, Lưu Bang vẫn không giữ lời hứa vì nghe theo lời Trương Lương và Trần Bình khuyên nên lợi dụng thời cơ đánh úp Sở. Nếu không sẽ nuôi hổ để tự mình rước họa vào thân. Qua điển tích này, người sau rút ra được thành ngữ ‘ dưỡng hổ di hoạn ‘ nói về sự dung dưỡng kẻ thù địch ác gian, để tự mình rước họa về sau.
‘Hổ giã hổ uy‘ Sở Hoàn Vương thời Chiến Quốc hỏi quần thần, về lý do tại sao các nước phương Bắc ai cũng sợ Đại Chiêu Hề Tuất ? thì được Giang Ất đem câu chuyện ngụ ngôn ‘ con cáo sắp bị cọp ăn thịt, nên nói láo là mình được trời sai xuống thống trị muôn loài kể cả cọp, nên ai làm hại nó sẽ bị trời phạt. Để cọp tin, cáo cùng cọp đi khắp nơi quả nhiên các loài thú khác thấy cọp hoảng sợ bỏ trốn hết. Thây vậy cọp tưởng thiệt cũng cong đuôi chạy mất. Ý của Giang Ất noí với nhà vua là Đại Chiêu Hề Tuất hiện được vua giao hết binh quyền nên dân chúng sợ Sở Hoàn Vương chứ đâu sợ hắn. Từ điển tích trên, đời sau rút được thành ngữ ‘ hổ giã hổ uy; đồng nghĩa với câu tục ngữ VN ‘ cáo đội lớp hùm ‘ để chỉ hạng người hèn kém xấu xa nhờ dựa vào thời cơ thế lực kẻ khác, để lên mặt hiếp đáp đồng bào.
‘Họa hổ thành khuyển ‘ Mã Viện đời Đông Hán viết thư khuyên con cháu noi gương hai người tốt đương thời Long Bá Cao và Đổ Quý Lương để học hỏi. Sau khi phân tích lợi hại giữa hai người trên, Viện khuyên nên theo Bá Cao vì cho rằng dù không học hết nơi ông này thì ít ra cũng học được phẩm hạnh. Còn nếu theo Quý Lương khi thất bại coi như mất hết, giống như một họa sĩ muốn vẽ con cọp nhưng vô tài nên thành con chó. Từ đó người sau rút được thành ngữ ‘ họa hổ thành khuyển ‘ để chỉ người muốn làm chuyện lớn nhưng đã thất bại dù lúc nào cũng tin tưởng sẽ thành công.
‘Dữ hổ mưu bì‘ Thời Chu có người muốn mở đại tiệc toàn bằng thịt dê nên đến thương lượng với loài này làm chúng sợ hãi bỏ trốn hết vào rừng. Lần khác anh ta lại muốn có chiếc áo hồ cừu (cao nên tìm loài này để lột da, cáo biết được bỏ trốn hết. Hai câu chuyện ngụ ngôn trên trích ra từ sách Phu tử được người sau rút làm thành ngữ ‘ dữ hổ mưu bì ‘ ám chỉ một sự việc chẳng hạn như tới xin lột da cọp, là điều không bao giờ thực hiện được, giống như đi xin xõ lòng thương nơi kẻ ác độc nham hiểm, rốt cục chỉ chuốc nhục họa vào thân.
‘Bạo hổ bằng hà‘ chỉ hai hành động cực kỳ nguy hiểm là đánh cọp bằng tay không (bạo hổ) và vượt sông không có thuyền (bằng hà). Thành ngữ trên rút ra từ sách Luận ngữ lúc Khổng Tử và hai đệ từ là Nhan Hồi và Tử Lộ bàn thế sự . Ngài diễn giải cho hai đệ tử phải hành xử sao cho đúng đạo lý, phải biết suy nghĩ đắn đo trước khi làm chứ không ỷ vào sức mạnh dễ bị thất bại. Tóm lại người xưa dạy ta phải biết tuỳ thời để xử dụng võ lực hay tài trí để giải quyết câu chuyện cho hợp lý.
‘Hà Đông sư tử ‘ Trần Tạo đời Tống có vợ họ Liễu hay ghen tuông dữ dội nhưng tánh Tạo hào hoa nên nhà thường có tiệc tùng lại mời kỷ nữ tới xướng ca. Liễu thị ở trong phòng tức tối phá phách gầm thét như sử tử, khiến cho Tạo sợ quá làm rớt cây gậy đang cầm. Tô Đông Pha thấy thế có làm bài thơ đùa bạn trong đó có câu ‘ Hốt văn Hà Đông sư tử hống, trụ trượng lạc thủ tấm mang nhiên (bổng nghe sư tử Hà Đông hống, kinh hoàng bỏ gậy rớt rơi đâu ?). Đời sau dùng thành ngữ ‘ Hà Đông sư tử ‘ để chỉ loại đàn bà dữ dằn như cọp cái, quen ghen tương dữ dội hiếp đáp chồng con.
‘Điệu hổ ly sơn‘ là một trong tam thập lục kế của người xưa, dụ cọp ra khỏi hang ổ để hạ sát dễ đàng hơn, hoặc đánh đuổi cọp đi khác để dễ dàng hạ các loài chồn cáo hồ ly tinh dựa hơi cọp hoành hành gây hại cho kẻ khác. Trong lịch sử nước Tàu có Trần Bình đã bày ra 6 kế ‘ điệu hổ ly sơn ‘ giúp Hán Cao Tổ diệt Hạng Võ thống nhất Trung Hoa, sau đó giêt luôn Hàn Tín để trừ hậu hoạn. Kế trên Trần Bình dựa theo câu chuyện Trịnh Trang Công đời Đông Châu liệt quốc, dùng kế dụ mẹ con công tữ Đoan rời kinh thành phải tự tử.
‘Ban chư ngật hổ‘ giả làm heo để ăn thịt cọp, đây cũng là một trong 36 kế của người Tàu, dựa vào câu nói của Lảo Tử về người khôn khéo nhưng giả bộ ngu khờ , ấy là ‘ đại trí nhược ngu’ như người thợ săn thường giả làm tiếng heo dụ cọp ra khỏi hang để giết. Kế trên được Vương Doãn đời Hậu Hán dùng Điêu Thuyền để nhữ giết Đổng Trác và Lữ Bố. Đời Chiến quốc, Việt Câu Tiển cũng dùng kế này qua Tây Thi giết Ngô Phù Sai. Sau cùng Tư Mã Ý đời tam quốc cũng dùng nó để dụ giết Tào Sảng và Tôn Tẩn giết Bàng Quyễn cũng nhờ vào kế ‘ ban chư ngặt hổ ‘.
‘Đuổi hùm cửa trước, rước beo cửa sau ‘ chống kẻ ác này nhưng lại theo kẻ ác khác, đó không phải là phương cách xử thế hay đường lối ngoại giao đứng đắn. Thành ngữ này đồng nghĩa với câu ‘ họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm ‘ ý nói không để tâm đến bề ngoài của người, mà phải quan sát kỹ càng tâm địa của kẻ đối diện mới không bị lầm lẫn. ‘ Hổ phụ sinh hổ tử ‘ đồng nghĩa với các câu ‘ Hổ phụ lân nhi hay Hổ phụ bất sinh khuyển tử ‘ ý nói cha nào thì con nấy.
Ngoài ra còn có các thành ngữ như ‘ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn ‘, ‘ Long hành hổ bộ, khấu hổ bì, long bàn hổ cứ, mãnh hổ nan địch quần hồ, miện hùm gan sứa..’’ tất cả đều có liên quan tới cọp.
Trong nghệ thuật tạo hình, tượng cọp được thể hiện nhiều nhất trong bộ môn điêu khắc bằng đồng, đá và đất sét. Người ta còn vẽ hình cọp trên giấy. Tại VN hình cọp được đúc trên các đồ đồng Đông Sơn là niên đại sớm nhất ở nước ta cách đây hơn 2500 năm. Đề tài cọp còn được trang trí trên đồ gốm Đại Việt từ thời Hậu Lý tới Lê Mạt kéo dài hơn 7 thế kỷ.
Tóm lại con người thời nào cũng đều giống nhau ở điểm rất sợ thú dữ, thần linh và ma quỷ. Sợ nhưng không trốn tránh vì những loài ác thú dữ dằn như cọp beo sư tử.. con người có thể tìm cách trừ khử và tiêu diệt. Riêng đối với thần linh ma quỷ trong thế giới vô hình biết đâu mà tránh nên con người phải thần phục để cầu an. Nhưng có một thứ khác mà con người rất hãi sợ, vì nó ác hơn thú dữ, lại nham hiểm độc địa không thua tà ma quỷ quái. Đó là chính sách độc tài, hại dân hại nước, do chính con người đã hảm hại người.
Câu chuyện ‘Hà chánh mãnh ư hổ‘ kể rằng Khổng Tử trên đường chu du, tới một làng dưới chân núi Thái Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông, thấy một người đàn bà đang ngồi than khóc. Đức Khổng cho học trò là Tử Cống tới thăm hỏi mới biết cả chồng và con bà đều bị cọp ăn thịt, vì vùng này có rất nhiều chúa sơn lâm. Thấy lạ, thầy Tử Cống hỏi sao không kiếm nơi khác ở để tránh nạn cọp ? được trả lời là dân chúng không đi vì ở đây có vị quan sở tại rất liêm chánh, không hề hà khắc với dân chúng.
Khổng Tử nghe được câu chuyện thì than rằng ‘ thì ra chính sách hà khắc còn khốc hại hơn mãnh hổ.‘
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 1 năm 2010
Mường Giang.
No comments:
Post a Comment