Tưởng Nhớ Nhà Thơ Hữu Loan
(1916-2010)
&
Những bài thơ của Hữu Loan
Sóng Việt Đàm Giang sưu tầm
Nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim, vừa qua đời ngày 18 tháng 3 năm 2010.
(NCTG) Theo tin từ Việt Nam, vào hồi 19 giờ ngày 18-3-2010, thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, thành viên phong trào Nhân văn - Giai phẩm, đã từ trần tại nhà riêng ở thôn Vân Hoàn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thọ 95 tuổi.
Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ đã có hàng ngàn bài viết trên toàn thế giới nói về ông, và chỉ trong vòng một tuần (ngày 25 tháng 3, 2010) mà những bài viết đã đạt đến mức độ không kể hết.
Nếu mở Google ra và đánh hai chữ Hữu Loan vào thì độc giả có thể thấy trong Google ghi nhận có hơn hai triệu links nói về Hữu Loan và bài thơ đã làm ông nổi tiếng.
Bài thơ được nói đến đã nhiều, chính ông lúc sinh thời đã ngâm bài thơ và được thu âm phát tán đi khắp năm châu.
Vài hàng viết về ông ở đây coi như chút lòng tưởng nhớ và khâm phục ông, một nhà thơ bất khuất , khí khái và có tinh thần rất mạnh.
Những bài thơ được biết đến.
Trước khi Hữu Loan làm bài thơ Màu Tím Hoa Sim khóc người vợ vắn số chết sớm, ông cũng đã làm một số bài thơ, hầu như những bài thơ của ông không được lưu chép cẩn thận, và hình như ông cũng không cho chuyện lưu trữ thơ là quan trọng. Có lẽ đó là cá tính của ông.
Những bài thơ được biết đến: Cũng những thằng nịnh hót, Đèo Cả, Đêm, Màu tím hoa sim, Hoa lúa, Ngày mai, Thánh mẫu hài đồng, Tình Thủ đô, Yên mô.Ngoài bài Màu Tím Hoa Sim, ba bài thơ đã được thân hữu quen biết ông chép lại và phổ biến là:
Đèo Cả
Hữu Loan (1947)
Núi cao vút/ Mây trời Ai Lao / sầu / đại dương
Dặm về heo hút / Đá bia mù sương/ Bên quán Hồng Quân/ người / ngựa/ mỏi
Nhìn dốc ngồi than/ thương ai/ lên đường
Chầy ngày/ lạc/ giữa suối
Sau lưng / suối vàng / xanh / tuôn
Dưới khe / bên suối độc / cheo leo/ chòi canh/ ven rừng hoang
Những người/ đi / Nam Tiến
Dừng lại đây/ giữa / đèo núi quê hương
Tóc tai/ trùm/ vai rộng
Không nhận ra/ người làng
Rau khe/ cơm vắt/ áo/ pha màu/ sa trường
Ngày thâu/ vượn hót
Đêm canh/ gặp hùm / lang thang
Gian nan lòng không nhợt
Căm hờn trăm năm xa
Máu thiêng trôi dào dạt
Từ nguồn thiêng ông cha
Giặc/từ trong/ tràn tới
Giặc/từ Vũng Rô/ bắn qua/Đèo Cả/ vẫn/ giữ vững
Chân đèo/ máu giặc/ mấy lần/ nắng khô
Sau mỗi trận thắng
Ngồi bên suối đánh cờ
Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu
Suối mang/ bóng người
Trôi những về đâu....
Hữu Loan (hay 1946 ?)
Tình Thủ đô
“Được viết vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước – chắc chắn là sau chiến dịch biên giới (1950) và trước chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - với một xu hướng cách tân rõ rệt, trường ca Tình Thủ đô là một trong số những bài thơ tự do hiếm hoi trong Kháng chiến chống Pháp thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của dòng Thơ mới (1939 - 1945). Tiết tấu hoạt, gân guốc, câu ngắn (thường chỉ hai, ba âm tiết), sắc gọn như mũi chông, hình tượng bất ngờ cắm phập vào cảm quan: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa... Nắng loá tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối...”, những điểm chấm phá gợi cảm như tranh Seurat: “Mắt em biếc/ Một chiều xưa/ Quan Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu/ Tháp Rùa...”. Ngoài giá trị nghệ thuật cao – chuyện này còn phải bàn dài dài khi có dịp - bài thơ còn đặc biệt thân thiết với thế hệ chúng tôi bởi lẽ nói cách nào đó, nó là một phần của cái quá khứ mà bọn tôi vẫn coi là thời hoàng kim của cách mạng. Cùng với những câu thơ, khổ thơ được hồi nhớ, những kỷ niệm cũng trỗi dậy, chúng tôi như sống lại cả một thuở xa xưa”….(Dương Tường)
Trên những chuyến xe bò/ Đi về đường Trèm Vẽ
Việt Bắc âm u/ Đường dài Thanh Nghệ
Người Thủ đô tản cư/ Đoàn xe đi
Chở nặng tâm tư/ Một góc nhà/ Một hè phố
Mắt em biếc/ Một chiều xưa
Quan Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu Tháp Rùa
Một thằng bạn/ Một thằng con/ ở lại
Khấp khểnh xe đi/ Vấp vào đêm tối
Thủ đô/ Ngày mùa thu
Thủ đô/ Cờ bốc lửa/ phố dài
Cờ bốc lửa/ công trường Nhà Hát lớn.
Thủ đô/ Ngày Tổng Khởi Nghĩa
Ngày Thủ đô chờ đón/ Đoàn Giải phóng quân về
Qua cầu Long Biên/ Sông bóng người đi
Vai cao rộng/ Mặc núi rừng Việt Bắc
Ai về Thủ đô/ Khăn thầm nước mắt
Quốc ca mình/ Đoàn lính Việt đầu tiên
- Có người làng đi/ Trong đoàn lính trẻ.
Thủ đô/ Tuần Lễ Vàng
Hà Nội dãy dọc toà ngang
Quên giai cấp/ Trong căm thù dân tộc
Thủ đô/ Ngày Tuyên Ngôn Độc Lập
Thủ đô/ Ngày Tổng Tuyển Cử đầu tiên
Những ngày Thủ đô/ Như ộc máu triền miên
Máu những người Tây giết/ Chảy về từ lịch sử
Tiếng hát/ Vùng lên/ Xích xiềng rơi vỡ.
Thủ đô/ Ngày Tàu trắng/ Quốc dân đảng
Và thực dân/ Nghênh ngang phố chật
Bắt cóc/ Tống tiền/ Khiêu khích/ Bắn người
Đám ma đi/ Cờ đỏ phủ quan tài
Phố Ôn Như Hầu/ Những người bị giết/ Xác quăng đầy hố
Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa.
Thủ đô/ Quân lệnh đêm
Lựu đạn đen ngòm trong nắm tay
Rình sau mái ngói
Nắng loé tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối:
Thanh Niên Sống Chết Với Thủ Đô!
Mắt em thiếu nhi/ Hồ trăng Trung Thu:
Các anh hãy giữ non song/ Cho chúng em!
Bàn tay lớn/ Nhận lòng tin bé nhỏ.
Cụ Hồ hỏi anh em bộ đội:– Các chú liệu giữ được Thủ đô
Bảy ngày?Một rừng nắm tay
Thét tiếng:– Thề với Bác!
Lửa cháy Thủ đô/ Chân trời hấp hối
Xác thằng bạn/ Xác thằng con
Trên hè phố Thủ đô/ Giặc khởi hấn rồi!
Đường tản cư khuya/ Lửa toé sắt bánh xe bò
Một Quyết tử quân hy sinh/ Là một đoàn giặc chết/ Một Quyết tử quân hy sinh
Và bắt đầu từ đó/ Những ngày đêm Thủ đô
Tàn sát/ Khu Đồng Xuân/ Lính Trung đoàn Thủ Đô
Đâm giặc trên bàn thịt/ Như chọc tiết bò
Đuổi giặc/ Vật lăn trên nóc chợ
Hai tháng giết nhau/ Một đêm thủ đô
Có đoàn Quyết tử/ Cắt máu tay ăn thề
Ngõ vắng Thủ đô/ Những đơn vị rút đi
Góc phố Thủ đô/ Bóng những người ở lại/ ánh hoàng hôn lên
Liệm tròn huyết thệ/ Người Quyết tử quân/ cuối cùng.
Những người dân Thủ đô/ Về với giặc ở chung
Phải đốt cờ đỏ sao vàng/ Thức đêm may cờ ba sắc
Và những sớm mai/ Tay xót xa/ Đem treo cờ giặc trước nhà
Ai về Hà Nội/ Thấy Hà Nội xa hoa
Thấy Hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội/ Giặc xây thêm ngục tù
Xe Phòng Nhì/ Chở từ ngoại ô/ Từng đoàn người xiềng tay/ Về qua phố tối.
Ai về Hà Nội/ Thấy Hà Nội xa hoa/ Thấy Hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội Ngã-Tư-Sở/ Hà Nội Khâm-Thiên
Đèn khuya chảy vàng/ Những hộp đêm/ Mọc theo tiếng giày đinh
Của đoàn Tây mũ đỏ/ Tiếng xe tăng viễn chinh
Chiều đi bụi phố/ Và giữa trưa Hà Nội yên lành/ Hồi còi rú thất thanh
Kêu như người tắc họng/ Một xác Việt gian/ Ngã tư/ nắng đọng
Lũ lượt kéo nhau về Hà Nội/ Từng đoàn thiêu thân/ Mang trong mình định mệnh
Mủ đờm nhớt lạnh/ Và uế khí hôi tanh/ Sợ ánh sáng và gió lành
Tôi thành thép/ Cánh tay người Kháng Chiến
Từ vùng tự do/ Có người vào nội thành/ Ném chứng thư Việt Minh
Trên dòng song/ Chào thằng bạn chiến khu/ Mà phục tấm lòng.
Đêm Thủ đô/ Rét đến/ Trong chăn bông
Nghe lạnh chiến khu Vũ/ Cơm gia đình/ Đũa bát nhớ người đi.
Và những sớm mai/ Từng đoàn phi cơ giặc/ Chở tóc tang đầy trong thân sắt
Ra những miền quê xanh
Tiếng bom dội về/ Chuyển Hà Nội mênh mông
Tìm người Hà Nộ/ Rung lên như đất chuyển
– Những người Thủ đô tản cư
– Những đồng bào kháng chiến.
Những em mùa thu/ Đi trong đoàn thiếu nhi
Lớn lên/ Tìm đường chiến khu Việt Bắc.
Những người ngày xưa/ Ghét Việt Minh/ Bắt đầu chờ đợi
Bao giờ Việt Minh/ Mới đánh vào Hà Nội/ Cho ánh sáng xa hoa/ Vỡ rơi thành bóng tối
Trên xác người máu me/ Ngổn ngang gạch ngói?
Đến bao giờ Việt Minh/ Mới đánh vào Hà Nội?
Những người bắt sống Le Page/ và Charton
Những chiến sĩ Cao Bằng - Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
Đang chuyển về Trung Du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi Thủ đô.
Mắt vời xa/ Cô gái Hà Nội tản cư/ Đẹp trong màu áo vải quê mùa
Sẽ còn những ai/ Trong đoàn quân trở lại
Ngày thủ đô chiến thắng tưng bừng?
Em về Thủ đô/ Chân phố cũ/ Ngập ngừng
Khoảng cuối 1950 - đầu 1951
(Dương Tường & Mạc Lân ghi lại theo trí nhớ. Tác giả Hữu Loan đã xem lại)
Hoa Lúa
Nếu bài Màu Tím Hoa Sim ông làm để khóc vợ đầu, thì bài Hoa Lúa ông làm để tặng người bạn đời đã sát cánh cùng ông hơn nửa thế kỷ.
“Hữu Loan kết hôn hai lần, lần thứ nhất vào đầu năm 1948 với bà Lê Đỗ Thị Ninh, là con gái của nguyên Tổng thanh tra nông lâm xứ Đông Dương Lê Đỗ Kỷ, Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946.
Tháng 5 năm 1948, bà Ninh mất khi mới 16 hay 17 tuổi và bài thơ Màu tím hoa sim ra đời. Sau đó ông kết hôn với bà Phạm Thị Nhu, một nông dân, bài thơ Hoa lúa (1955) chính là bài thơ viết tặng người vợ thứ hai này.”
Em là con gái đồng xanh
Tóc dài vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
Giếng ngọt, cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm
Trong lời em từng lời
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một
Em ca giữa đồng xanh bát ngát
Anh nghe quê ta sống lại hội mùa
Có vật trụi, đánh đu, kéo hẹ, đánh cờ
Có dân ca quan họ
Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Quê hương ta núi ngất, sông đầy
Bát ngát làng tre, ruộng lúa
Em gái quê hương mang hình ảnh quê hương
Xa em năm nhớ, gần em mười thương
Còn bàn tay em còn quê hương mãi
Em mang nguồn ân ái
Căng ngực trẻ hai mươi
Và trong mắt biếc nhìn anh
Em gái quê si tình
Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn…
Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt
Quê hương ta ơi từ nay càng đẹp
Tình yêu ta ơi từ nay càng sâu
Ta đi đầu sát bên đầu
Mắt em thăm thẳm đựng màu quê hương.
Hữu Loan (1955)
Màu Tím Hoa Sim
Nói đến bài Màu Tím Hoa Sim, người viết nhờ đến cách đây hơn 5 năm, bài thơ này đã đuợc Giáo sư Thomas D Lê dịch sang Anh ngữ và phổ biến trên trang nhà Lê World vào cuối tháng 11 năm 2004. Nhưng chỉ trong vòng hai tuần tin một doanh nhân ở Việt Nam đã mua đứt bản quyền bài thơ nên bản dịch sau đó đã đuợc chính chủ nhân Le World xóa bỏ ra khỏi trang Le World, dù ông LVC, người mua bản quyền bài thơ đã xác định là vì bài thơ dịch đã hoàn tất trước khi hợp đồng hoàn tất nên không có vấn đề chi. Mọi nỗ lực gửi bài thơ dịch đến ông Hữu Loan cũng không thành công.
Năm năm đã trôi qua, nhà thơ Hữu Loan đã ra đi, bài thơ dịch sang Anh ngữ đã được chính chủ nhân bản dịch mang phổ biến trở lại.
Màu tím hoa sim
(Khóc vợ Lê Đỗ-thị-Ninh)
Nàng có 3 người anh
đi bộ đội
những em nàng
có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người vệ quốc quân
xa gia đình
yêu nàng
như tình yêu em gái
ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giầy đinh bết
bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi
*
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
lấy chồng đời chiến binh
mấy người đi trở lại
nhỡ khi mình không về
thì thương người
vợ chờ
bé bỏng
chiều quê
*
Nhưng không chết
người trai khói lửa
mà chết người
gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
má tôi ngồi bên mộ con
đầy bóng tối
chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh
vây quanh
*
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi ! giây phút cuối
không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
*
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ
nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa ... !
*
Một chiều rừng mưa
ba người anh,
từ chiến trường Đông Bắc
biết tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về
rờn rợn nước sông
đứa em nhỏ nhớn lên
ngỡ ngàng
nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng
chân mộ chí
* * *
Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
dài
trong chiều không hết
màu tím hoa sim
tím
chiều hoang biền biệt
* * *
Có ai hát như từ chiều
ca dao nào
xưa xa
“Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh chưa có
mẹ già chưa khâu”
* * *
Ai hát vô tình hay
ác ý với nhau
chiều hoang tím
có chiều hoang biết
chiều hoang tím
tím thêm màu da diết
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà,
vợ anh mất sớm...
* * *
Màu tím hoa sim
tím tình tang
lệ rớm...
* * *
Ráng vàng ma và
sừng rúc điệu quân hành
vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm
chiều hoang màu tím
* * *
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ
dù lâu...
(Hữu Loan 1949)
Bổ túc.
Hữu Loan lấy cô Lê Đỗ Thị Ninh ngày 6 tháng 2, 1948.
Hữu Loan đuợc tin cô Ninh chết vì tai nạn ngày 29 tháng 5, 1948.
Hũu Loan làm bài thơ Màu Tím Hoa Sim vào có lẽ vào những tháng đầu của năm 1949.
Nguyễn Bính phổ biến bài thơ Màu Tím Hoa Sim trên báo Trăm Hoa ở Hà-nội vào năm 1956.
Dưới đây là phần trích dẫn bài viết của Violet và Trịnh Hưng đăng trên Vietcyber nói về thời gian Hữu Loan lấy vợ và lý do Hữu Loan gọi mẹ cô Ninh là “má” thay vì là “mẹ”. .
Vì sao có bài Màu Tím Hoa Sim
Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nhà nghèo nhưng chăm học nên ông đỗ được bằng tú tài 1, sau đi dạy ở các trường tư thục để mưu sinh.
Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, sau được điều lên làm Uỷ viên văn hoá trong Uỷ ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa.
Từ những ngày đầu kháng chiến, ông phụ trách tờ báo chiến sĩ của Quân khu 4. Năm 1954 tiếp quản thủ đô, ông được mời ra làm trong ban biên tập văn nghệ.
Bài thơ "Màu tím hoa sim" được Hữu Loan viết năm 1949. Bài thơ tuy chỉ kể chuyện riêng của một người mà hình ảnh và mỹ cảm lại thoát ra khỏi "cái tôi" để đến với nhiều người, tạo nên sự đồng cảm sâu xa, chan hoà trong thế giới tâm linh huyền diệu.
Vào khoảng năm 1937-1938, cậu học trò Hữu Loan rời quê lên tỉnh, học tại trường trung học ở thị xã Thanh Hóa. Tại đây, Hữu Loan làm gia sư tại nhà ông Lê đỗ Kỳ, Tổng thanh tra nông lâm Đông Dương, về sau là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vợ ông Kỳ, bà Đới Thị Ngọc Chất, rất thương yêu Hữu Loan nên nhận làm con nuôi. Còn cô học trò nhỏ Lê Đỗ Thị Ninh lúc đó mới 8 tuổi, kém thầy chừng 13-14 tuổi, rất mến thầy và luôn quấn quít bên thầy.
…
Năm 1941 Hữu Loan lên Hà Nội thi đỗ bán phần tú tài rồi trở về Thanh Hóa dạy hoc. Năm 1947, trong buổi họp khai mạc "Tuần lể vàng", Hữu Loan đọc một bài diễn văn hùng hồn kêu gọi lòng yêu nườc và hy sinh của toàn dân, cô Ninh từ trong hàng ngũ bước ra tháo bỏ vòng xuyến để quyên góp cho chính phủ.
Sau đó Hữu Loan nhập ngũ, phụ trách báo chiến sĩ và vẫn đươc coi như con cái trong nhà ông Kỳ, bà Chất, thỉnh thoảng vẫn đi về thăm cha mẹ nuôi và "em nuôi". Thế rồi tình yêu của Loan đối với cô Ninh chợt đến lúc nào không hay và cha mẹ cô Ninh cũng vun vén vào cho đôi trẻ. Ngày 6-2-1948 một đám cưới đơn giản giữa anh chàng Vệ quốc quân và cô "em nuôi" được tổ chức trong sự vui mừng và tình thân yêu của gia đình và bè bạn…
Ngày 29-5-1948, khi đang là Trưởng ban tuyên huấn của Sư đoàn 304 đóng ở Thọ Xuân, Thanh Hoá, Hữu Loan bỗng được tin sét đánh: Cô Lê Đỗ Thị Ninh đã chết! Nhà thơ Vũ Cao kể: "Tôi còn nhớ cái buổi cách đây đã hơn 40 năm, ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh (Hữu Loan) báo cho tôi biết cái tin đột ngột: Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung toé xuống bàn, mặt anh tái xanh.
…
Cái tin sét đánh ấy khiến Nguyễn Hữu Loan tan nát cõi lòng. Nỗi đau dồn nén ấy sang năm sau -1949- thì chín muồi để bật thành lời, thành một bài thơ bất tử.
…
Bài thơ được Hữu Loan cất mãi trong túi áo, cho đến một hôm, Vũ Tiến Đức, biên tập cũ của Hữu Loan, tình cờ lấy được, đem đọc cho bè bạn, cho bà Ngọc Chất nghe, thế là bài thơ được phổ biến nhanh chóng. Về sau Nguyễn Bính đem bài thơ ấy đăng lên báo Trăm Hoa ở Hà Nội (1956) mà tác giả không hề hay biết.
(trích một phần trong bài viết của Violet đăng trong Vietcyber)
Tôi chỉ gặp Hữu Loan có một lần khoảng năm 1992, 1993. Anh cùng tôi đến dự cuộc họp mặt văn nghệ ở nhà một người bạn. Tôi thấy anh vui vẻ, hay cười nhưng không nói nhiều, không tranh nói, không muốn làm người nổi nhất đám, anh em hỏi gì anh mới nói. Tối ấy tôi nhớ anh nói hai chuyện:
một: bà mẹ vợ anh là người Nam, ông Kỳ vào làm việc trong Nam và cưới bà, nên trong Thơ anh "Má tôi ngồi bên mộ con.." chứ không phải "Mẹ tôi..",
hai: khi bài thơ Mầu Tím Hoa Sim được phổ biến trong quân đội, anh bị kiểm thảo vì bài thơ làm mất tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, anh kể trong những cuộc họp, anh bị nhiều văn nghệ sĩ -- như Tô Vũ -- chỉ trích kịch liệt, tối ngủ, chính mấy kẻ chỉ trích anh nặng lời nhất lại mò đến chỗ anh nằm, khều anh, nói nhỏ:" Loan ơi..Thơ mày hay quá. Đọc cho tao chép.."(trích trong bài viết của Trịnh Hưng đăng trong Vietcyber)
Trong Thi Ca Tình Sử Việt Nam, mối tình của Hữu Loan chắc chắn sẽ sống mãi với thời gian qua bài thơ của ông.
Những bài thơ khác của Hữu Loan
(Sóng Việt sưu tầm)
Cũng những thằng nịnh hót
Dưới thời kỳ Pháp thuộc
Những thằng nịnh hót nghêng ngang.
Lưng rạp trước quan Tây/ Bắc vợ như thang/ Chân trèo danh vọng;
Đuôi vợ chúng đi/ Lọt theo đầu chúng.
Bao nhiêu nhục nhằn/ Nhục mất nước muôn phần
Nhục cùng nước/ với những thằng nịnh hót
Một điều đau xót/ Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa
Những thằng nịnh còn thêng thang đất sống
Không quần chùng, áo thụng/ Không thang đàn bà
Nhưng còn / thang lưng/ thang lưỡi.
Những mồm không tanh tưởi, / Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt / Phùng mang/ Thổi vào rốn cấp trên:
" Dạ, dạ, thưa anh,.../ Dạ, dạ, em, em,..."
Gãi cổ/ gãi tai :
" anh quên ngủ / quên ăn / nhiều quá! "
"Anh vì nước / vì dân/ hơn tất cả/ từ trước đến nay. "
Chân xoa/ và xoa tay/ Hít thượng cấp/ cứ thơm / như múi mít.
Gọi như thế là/ phê bình cấp trên / kịch liệt
Gặp cấp trên chủ quan/ Mũi như chim vỗ cánh
Bụnh phềnh như trống làng
Thấy mình đạo đức tài năng hơn tất.
Như thế là chết rồi: Quân nịnh tha hồ lên cấp/ Như con gì nhà gác lên thang.
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan/ Còn đi đây đi đó
Lưỡi và lưng/ Lắm thằng gian khổ
Chúng nói ở đâu/ Thối thóc thuế
Mục kho hang/ Phong trào suy sụp
Nhân dân mất cắp đang giữa ban ngày/ To cánh và to vây,
Những ai không nịnh hót/ Đi, mang cao liêm sỉ con người.
Chúng gieo họa, gieo tai/ kiểm thảo/ hạ tầng.../ ...Còn quy là phản động
Có người đã chết oan vì chúng.
Vẫn thiết tha yêu chế độ,/ đến hơi thở cuối cùng.
Nguy hiểm thay/ Thật khó mà trông/ Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức, / Bằng quan điềm nhân dân/ bằng lập trường chính sách.
Chúng nó còn thằng nào/ Là chế độ chúng ta chưa sạch/ Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết mọi thằng.
Những người đã đánh bại xăm lăng/ Đỏ bừng mặt vì những tên quốc xỉ/ Ngay giữa thời nô lệ
Là người, chúng ta/ không ai biết/ cúi đầu.
9-1956
Hữu Loan
Nếu Anh Không Đi (*)
Nếu anh ra đi/ Mẹ già anh khóc / Trai thời loạn li/ Thương con khó nhọc
Nếu anh ra đi / Người vị hôn thê / Những giọt nước mắt / Đọng trên hàng mi
Nếu anh không đi / Mẹ già anh khóc / Trai thời loạn li / Mà không ra đi
Mẹ già thương con / tóc trắng / Nhưng mai cờ về / Chiến thắng / mà con không về
Mẹ thà như / lá rụng / chiều quê / Và ngày mai / Con về / Cỏ vàng nấm đất
Nhưng khi nước mất / Vì vị hôn thê / Mà con không đi
Nếu anh không đi / Người vị hôn thê / Mặt nghiêng / tay che / Đêm thương lời thề
Thà đợi người đi / Già / trên lời thề
Nhưng khi nước mất / Trai làng ra đi/ Mà anh không đi!
Hữu Loan (1950)
(Trong tập 45 bài thơ của Hữu Loan do Nguyễn Hữu Đán, người con trai út của Hữu Loan sưu tầm và ghi chép lại)
(*) Dương Tường ghi tên đề tựa là Tòng Quân
Thánh mẫu hài đồng
“Nhà thơ Hữu Loan suốt đời mình luôn khắc ghi hình bóng người vợ đầu. Sau bài thơ Màu tím hoa sim bốn mươi hai năm, ông lại làm bài thơ này hồi tưởng lại đêm tân hôn đầu tiên của mình. Bài thơ vẫn đúng chất hồn và giọng điệu Hữu Loan, đầy ắp cảm giác cảm xúc đôi lứa tình yêu. Đây còn được gọi là bài Tục Màu tím hoa sim.”
Em ngả cánh tay còn nhiều/ ngấn sữa
Cho ta làm gối gối đầu/ đêm tân hôn
Sao lại không chính là tay ta/ đỡ trước lấy vai nàng
Ta râu ria như râu thép gai/ như xương chổi
Gân guốc sù xì phong sương/ như một gốc cây rừng
Ta lo lắng sợ tay nàng gãy
Tay nàng mảnh mai như một/ nhánh huệ trong bình!
Nhưng lạ thay/ nàng ghì đầu ta như/ chẳng hề hấn chuyện gì!
Chỉ có chuyện là/ ta thấy ta càng lúc/ càng thêm nhỏ bé trong/ vào ngực măng tơ
Chà dụi/ Rúc tìm/ Tham lam/ Cuống quýt/Ngẩn ngơ/ như một hài nhi/khát/ mẹ
Nàng càng riết chặt/ ta càng thấy bé
Vòng tay nàng đánh đai/ Nàng thì thào thổn thức/ bên tai
- Anh của em!
- Anh vô cùng lớn của em!
Nhưng trái lại/ Anh đang rất bé.
Nàng:
- Anh ơi anh!
Ta:
- Mẹ ơi mẹ!
Bằng một giọng học nói/ Hài nhi bập bẹ/ (trong hơi thở trộn nhau/ bốc men)
- Tôi đối thoại hay là/ vô thức nói.
*
Sau đêm ấy là/ em đi/ đi/ mãi!
Em đi tím đất chiều hoang
Ta như mất mẹ/ khóc/ tang/ hai lần!
*
Xin kính cẩn hôn chân
Tất cả những đấng gái Việt Nam
Đã sớm mang chất/ mẹ/ loài người.
*
Em trong mẹ/ Mẹ trong em/
Em/ ngôi thánh mẫu hài đồng
Hữu Loan 1991
Ngoài những bài thơ trên, còn một số bài thơ chưa ghi lại trọn vẹn, không được mang lên.
Kết Luận
Và để kết thúc tưởng không còn chi hay hơn là đọc lại những hàng thơ của chính ông nói về ông.
Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời
Ðã làm thất bại âm mưu
đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn long lóc
thế nào
thì lăn lóc.
Chân lý đấy
hỡi
rìu
bào
phó mộc
Tác giả những hàng chữ này xin trân trọng cảm ơn tất cả văn nhân thi sĩ và những người ái mộ thơ và nhà thơ Hữu Loan, đã mang những tin tức về ông lên mạng lưới vi tính và đó là những nguồn để có bài viết này.
Sóng Việt Đàm Giang
18 April 2010
No comments:
Post a Comment