Wednesday, May 30, 2012



Ngò Om và Ngổ Trâu
Sóng Việt Đàm Giang

Ngổ, ngò om hay ngò ôm (limnophila aromatica) là một loại rau gia vị sống tại vùng khí hậu nhiệt đới thuộc họ Mã đề. Các tỉnh miền Nam gọi là rau om hay rau ôm. Tại các tỉnh miền trung, rau này còn được gọi là ngổ hương. Các tên gọi khác ngổ thơm, ngổ om, mò om hoặc ngổ điếc
Ngổ là cây thân thảo, mọc bò, thân rỗng giòn, dài 20 – 30 cm, có nhiều lông, mùi rất thơm, lá nhẵn, mọc đối, không cuống, hơi ôm thân. Phần lá gần thân nhỏ lại, mép hơi có răng cưa thưa. Hoa gần như không cuống mọc đơn độc ở nách lá.
Ngổ mọc nhiều nhất trong vùng Đông Nam Á, nơi chúng phát triển dễ dàng trong môi trường nóng và nhiều nước, như trong ruộng lúa. Chúng mọc nổi trên mặt nước nhưng cũng có thể trồng trên cạn nếu tưới nhiều nước; khi đó rau mọc thành bụi. Rau này được sử dụng nhiều trong ẩm thực và cũng có thể dùng như một cây cảnh trong hồ cá cảnh hoặc bể thủy sinh.
Ngổ từng được phân loại vào họ Hoa mõm sói)- Scrophulariaceae.
Ngổ dễ bị lẫn với ngổ trâu (enhydra fluctuans Lour.) mà miền Nam gọi là rau ngổ hay ngổ cộng thuộc họ Cúc (Compositae), là loại cây sống nổi hay ngập nước.

Rau Ngổ Trâu (Rau Ngổ)

Rau ngổ, Ngổ trâu, Ngổ đất, Ngổ hương, Cúc nước, Phak hom pom - Enydra fluctuans Lour, thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Mô tả: Cây thảo sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét, phân cành nhiều, có đốt. Thân hình trụ, có rãnh. Lá mọc đối, không cuống, gốc hơi rộng và ôm lấy thân, mép có răng cưa. Cụm hoa dạng đầu, không cuống bao bởi hai lá bắc hình trái xoan tù, màu lục. Hoa cái và hoa lưỡng tính đều sinh sản. Quả bế không có mào lông.
Cây ra hoa từ tháng 11-12 đến tháng 4 năm sau.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Enydrae Fluctuantis.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Nam Trung Quốc, Việt Nam tới Inđônêxia. Ở nước ta cây mọc hoang trong các ao hồ, mương máng và cũng được trồng làm rau ăn sống hay nấu canh.
Ngổ trâu (Enydra fluctuans Lour.[1]), còn gọi là ngổ đắng, ngổ đất, ngổ thơm, ngổ hương, cúc nước, cần nước, miền Nam gọi là rau ngổ hoặc ngổ cộng[2], là loài cây thuốc thuộc họ Cúc.
Ngổ trâu mọc dưới nước, sống nổi hoặc ngập nước, phân cành nhiều, có mắt. Lá dài, không cuống, mọc đối hay từng ba cái một; phiến hẹp, nhọn, bìa có răng thưa. Thân dài hàng mét, thân hình trụ nhẵn không lông, phân cành nhiều, có mắt, không lông. Lá ngổ trâu mọc đối, không cuống, phía dưới ôm vào thân, mép có răng cưa, dài khoảng 5 cm, rộng 6–10 mm. Cụm hoa hình đầu, không cuống, hoa mọc ở nách lá, hay ngọn, có màu trắng hoặc lục nhạt; 4 lá bắc hình trái xoan. Toàn hoa ống, hoa ngoài là hoa cái hình thìa lìa, có tràng và chia 3 thùy, hoa trong lưỡng tính, hình ống có tràng hoa xẻ 5 răng. Nhị 5, bao phấn có tai nhọn và ngắn. Bầu hình trụ cong. Quả bế không mào lông.
Ngổ trâu mọc nhiều ở các ao hồ tại Việt Nam. Ngoài ra còn thấy có ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc.
Ngổ trâu dễ bị lẫn với ngổ (limnophila aromatica) mà miền Nam gọi là ngò om. So với ngò om, thân ngổ trâu to cao hơn, mùi ít hăng hơn, ít tinh dầu hơn. Ngổ trâu không dùng làm gia vị kèm theo rau mùi, húng quế, trong các món canh chua như ngò om mà dùng để xào với thịt bò hay tép, ăn kèm mắm kho, lươn um.

Ghi chú. Tài liệu trên trích từ vi-wikipedia
Lời bàn phía dưới
(Sóng Việt Đàm Giang)











Rau om bán tại tiệm bán thực phẩm thường là loại ngò om (limnophila aromatic)

Hai loại có thể phân biệt được do nhìn vào hình dạng lá

Ngò Om (limnophila aromatica) là cây thân thảo, mọc bò, thân rỗng giòn, dài 20 – 30 cm, có nhiều lông, mùi rất thơm, lá nhẵn, mọc đối, không cuống, hơi ôm thân. Phần lá gần thân nhỏ lại, mép hơi có răng cưa thưa.

Ngổ (ehydra fluctuans): Cây thảo sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét, phân cành nhiều, có đốt. Thân hình trụ, có rãnh. Lá mọc đối, không cuống, gốc hơi rộng và ôm lấy thân, mép có răng cưa.

Như vậy: nếu lá hình thon lại khi gần thân, mép hơi có răng cưa thì đó là rau ngò om (ngổ thơm)
Lá thon dài, không cuống, phần gắn vào thân hơi rộng thì đó là rau ngổ.

Xin xem hình đính kèm.

Sóng Việt Đàm Giang

No comments:

Post a Comment