Sunday, June 23, 2013

Nhat Ban: Mot Den Than Dao, Le hoi Phon Thinh



Japan:
 Đền Thần Đạo Tagata và Lễ hội Phồn Thịnh Hōnen Matsuri
Sóng Việt Đàm Giang


Hàng năm Komaki có tổ chức vào ngày 15 tháng Ba, một lễ đặc biệt gọi là Hōnen Matsuri. Đó là lễ hội Phồn thịnh,  Mắn sinh sản hay Lễ Được mùa.  Hōnen có nghĩa là năm thịnh vượng và matsuri nghĩa là lễ hội. Nói chung lễ Hōnen để mừng sự phù hộ cho một mùa phồn thịnh (mẹ là đất sẽ trở nên màu mỡ nhờ có cha là trời) và sinh sôi nảy nở (may mắn sinh đẻ con cái).
 Nhưng lễ Phồn thịnh Hōnen  này hiện nay được biết đến nhiều hơn qua tên Lễ hội tôn vinh nam vật/linga. Lễ thực hiện tại Đền Tagata ở thành phố Komaki, (cách Nogoya cỡ 45 phút lái xe). Tưởng cũng nhắc là một tuần trước lễ hội rước Linga (nam vật) của  Komaki cũng có lễ hội Yoni (biểu tương nữ vật) thực hiện ở một làng lân cận.
Komaki là một thành phố nhỏ với diện tích hơn 62 km2,ở phía bắc của thành phố Nagoya, dân số cỡ gần 150 ngàn người, thường được biết đến như vùng phụ cận của phi trường Nagoya.  Komaki có một lâu đài mang tên lâu đài Inuyama trên núi Komaki nổi tiếng do Oda Nobunaga xây cất. Và từ khi Komaki tổ chức Lễ hội Honen hàng năm thì Komaki được biết đến nhiều hơn không phải chỉ trong nước mà còn trên bình diện du khách đến thăm viếng nhân dịp lễ hội này.
Trong buổi lễ có những nhà giáo chức đạo Nhận bổn Shinto chơi nhạc, có diễn hành, có uống sake không mất tiền, và diễn hành đặc biệt một nam vật khắc bằng gỗ cypress nặng có thể khoảng 280 kg (620 pound), dài 2.5 m (96 inches).

Nam vật gỗ này được rước trên một cái kiệu (đền lưu động mikoshi) từ một đồi thoải lớn gần đền mang tên Shinmei Sha (tổ chức vào những năm mang số chẵn) hay đền Kumano-Sha (những năm mang số lẻ) đến đền Thần đạo Tagata Jinja ở gần Inuyama, bên ngoài thành phố Nagoya.
Lễ bắt đầu từ 10 giờ sáng. Hàng hóa và thức ăn đủ loại mang hình nam vật được bày bán đầy. Rược sake từ những thùng rượu gổ vĩ đại được phân phát uống. Vào lúc 2:00PM, mọi người tụ tập quanh đền Shinmei-Sha (năm chẵn) hay Kumano-Sha (năm lẻ). Những nhà tu Nhật bản giáo phái Shinto dẫn đầu đoàn rước kiệu rắc muối trên lộ trình đi để tẩy uế (purification), sau đó là những người mang cờ, trướng, có một đoàn đàn bà trẻ mặc lễ phục tay ôm nam vật đi chào mọi người, có kiệu nhỏ đầu tiên tượng trưng cho Thái tử Takeinadane đến đền Tagata thăm vợ,  và có một đoàn 60 người đàn ông mặc lễ phục màu trắng hoặc khiêng hoặc đi theo sau kiệu thứ hai, kiệu thứ hai này là kiệu rước linga, tất cả 60 người đàn ông này đều trong tuổi 42, một tuổi được xem như kém may mắn (yakudoshi). Nhóm đàn ông này thay phiên chia thành từng nhóm 12 người để khiêng kiệu dương vật với cầu mong được bảo vệ, và gặp may mắn. Trọng lượng cho cả kiệu và nam vật gỗ nặng cỡ 400 kg (885 lbs), và những người rước kiệu đã cùng nhau thay phiên gánh vác cho đỡ mỏi. Họ rất hăng hái, có lúc vừa nâng cao, vừa luôn miệng hò Hoh-sho, hoh-sho.Ngoài ra còn có  nhiều đại biểu khác nữa trong cuộc lễ diễn hành. (Shinto là đạo giáo chính của Nhật bản, nhấn mạnh trên sự thờ cúng thiên nhiên, tổ tiên và những anh hùng thời xưa cùng đế vương của Nhật, trước năm 1945 đạo Shinto còn đuợc coi như là quốc đạo.)
Kiệu Linga được rước trên lộ trình dài 1.5 km, khi đến Tagata Jinja, nam vật gỗ  trên kiệu được quay vòng vòng rồi mới được đặt xuống. Mọi người tụ tập trên quảng trường quanh ngoài Tagata Jinja và chờ đón nhận những bánh gạo mochi nage nhỏ do những đạo chức cử hành lễ ném ra từ những bệ cao. Lễ kết thúc cỡ 4:30PM.
Nam vật gỗ quá khổ này mang tên là “O-owasegata”. Nó chỉ là một lễ vật, và không được coi như  thần, cũng không là vật để thờ cúng. Tượng khắc gỗ linga được làm lại hàng năm để tổ chức ngày lễ. Tác phẩm tạc từ một khúc gỗ cypress do các nghệ nhân nhà nghề dùng dụng cụ và tài nghệ tinh xảo tạo nên dài 2.5 m, đường kính chỗ lớn nhất là 60 cm. Vì đây là một cuộc lễ có tính cách  nghi  thức  nên sự sửa soạn tẩy uế được theo đúng cổ truyền. Linga này có thể có kích thước thay đổi lớn hơn hay nhỏ đi một chút tùy thuộc vào khúc gỗ cypress được dùng để khắc. Sau khi hành lễ và linga mới được đặt trong đền thì linga năm trước được lưu trữ lại trong nhà lưu niệm bên canh hay mang bán cho dân chúng. Số phận những linga này không được  nhắc đến nữa.
Đền Tagata được khám phá vào năm 1935 và  dựa vào dấu tích từ một thanh gươm cổ và những mảnh gốm tìm thấy, người ta cho rằng đền này đã được xây cất  khoảng 1500 năm trước. Ngày đó, ngôi đền nằm ở một vùng hoang vắng xa, nhưng dần dần nơi này  được bao quanh bởi một khu rừng  “Agata”, Agata có lẽ là một tên của một trong những lãnh chúa vùng này trong thời gian cuối của thời kỳ Yamato (xấp xỉ thứ 3 thế kỷ 5 ?). Những người cai trị là những chiến binh đã chinh phục vùng đất này từ chế độ phong kiến Nara của Nhật Bản . Theo lịch sử  của đền thờ, con gái của lãnh chúa thời đó tên là Tamahime,  có chồng là Hoàng tử Takeinadane. Sau khi Takeinadane bị giết trong một trận chiến , Tamahine và sáu con (cùng sự hổ trợ của gia đình chồng có nhiều quyền lực) đã phát triển vùng đất này để canh nông, trồng trọt lúa. Tagata Jinja là vị thần chính được tôn thờ ở đây.  Trong đền có rất nhiều đồ vật trang trí có hình dạng dương vật. Ngày xưa những cặp vợ chồng chưa có con, hay đàn bà mong kiếm tấm chồng, có thể đến đền để mượn đồ tượng trưng cho điều họ mong muốn. Những đồ trưng bày trong đền phía sau có thể là đồ cũ đã được trả lại, cộng những quà vật do người được mãn nguyện lời ước mang đền tặng đền. Ngày xưa Lễ hội Honen có thể mang nhiều ý nghĩa, nhưng ngày nay Lễ hội này được nhiều người đến xem có lẽ một số vì lòng hiếu kỳ, một số là du khách muốn chụp hình kỷ niệm ngày lễ đặc biệt lạ đời của Nhật bản hơn là vấn đề cầu mong thịnh đạt hay mong có con.
Ngoài truyền kỳ kể trên, còn có thuyết cho rằng trong thời kỳ Edo (1603-1867) của Nhật bản, khi các cô gái bán dâm thường cầu nguyện cho được tránh khỏi bị mắc bệnh đường tình dục  (nhất là bệnh phong tình/syphylis) và cầu mong cho có được nhiều khách hành mua dâm. Khi hoa anh đào bắt đầu nở đầu mùa xuân, họ thường mang hình ảnh linga đi quanh phố. Và bây giờ bệnh phong tình đã kiểm soát đuợc, thì lễ hội lại là dịp để giới chức nhấn mạnh đến việc nghiên cứu  trị liệu chống lại bệnh liệt kháng.
 
Người viết những hàng chữ này đã có dịp thăm đền Tagata vào tháng 4 năm 2013, một số hình ảnh chụp nam vật mới 2013 trong đền, và nam vật 2012 còn nằm trong nhà lưu trữ. Ngoài sân bên trái của đền chính có một số đá khắc mang hình tượng nam vật và cả âm vật. Giftshop mở cửa đến 5PM thì đóng, rất may đoàn du lịch đến cỡ 10 phút trước 5PM nên du khách có dịp mua những kỷ vật nho nhỏ mang hình tượng đặc biệt này. Một số hình chụp đính kèm ở đây.



Tóm lại mặc dù nguồn gốc của Thần đạo Tagata có mang nhiều bí ẩn, nhưng lễ hội càng ngày càng nổi tiếng thì cũng không có gì khó hiểu. Tuy thế , lễ hội này có lẽ là một sự  ngượng ngùng cho phần lớn người dân Japan ở những vùng khác không hề quen thuộc với lễ hội này. Cơ quan Du lịch chính thức của Japan không hề in tài liệu nói về lễ hội này. Chỉ có một số ít báo địa phương loan báo tin này, và thường tin phát tán từ những trang du lịch thế giới.
Sự lôi cuốn là một việc tự nhiên , và người địa phương chỉ xem như  là một lễ hội cầu nguyện của người dân Nhật ngày xưa cho một đời sống phồn thịnh, no đủ. Nam vật được tạo bằng gỗ và rước trong lễ hội cho thấy một thái độ cởi mở của người Nhật ngày trước trong vấn đề tình dục.
Mặc dù có sự phản đối của một số dân Nhật, ngày lễ hội này càng ngày càng nổi tiếng, và số người tham dự hoặc đổ đến xem càng đông hơn, từ một con số khiêm nhường vài chục ngàn 50 năm trước, nay đã lên cỡ trên trăm ngàn người mỗi năm. Trong số này phải kể  đến một phần là du khách khắp nơi nô nức đến xem. Nếu du khách có dự tính đi Japan, ghé thăm đền Tagata cũng không phải là chuyện lạ lùng mặc dù có thể ngạc nhiên về một tập tục văn hóa của người Nhật.
Nogoya , Japan
April 12, 2013
Sóng Việt Đàm Giang
***
Phụ Chú
Như đã viết ở trên, nếu nói đến Lễ hội phồn thịnh hay Hōnen Matsuri  thì nghe có vẻ xa lạ, nhưng nói đó là lễ hội Linga thì rất nhiều người biết đến. Ngoài lễ hội Honen ở Komaki còn có lễ hội phồn thịnh ở một vài tỉnh khác như  Kanamara Matsuri cử hành mỗi năm tại đền Kanayama vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Tư ở tỉnh Kawasaki, Japan; hay tại Mara Kannon Shrine, tỉnh Tawarayama, Japan.
 Nay nói thêm một chút về linga.
Linga (Tiếng Phạn: लिङ्गं liṅgaṃ, có nghĩa là "dấu hiệu") được hiểu như là một biểu tượng thờ phụng của vị thần Ấn độ giáo Shiva. Chữ linga cũng đã được hiểu như  một biểu tượng bộ phận sinh dục nam hay vắn tắt hơn là biểu tượng nam vật.
Biểu tượng linga xuất hiện ở nhiều nền văn hóa Đông Nam Á với nguồn gốc có lẽ tiếp nhận từ văn minh Ấn Độ, quốc gia mà người ta đã tìm thấy dấu tích của việc thờ chiếc trụ đá có hình dạng như dương vật từ những thế kỷ trước công nguyên. Rồi qua đến thế kỷ 4 sau công nguyên, khi kinh điển Hindu giáo được biên tập và hệ thống hóa trong 18 tập Purana thì hình ảnh linga được gắn với một câu chuyện về nguồn gốc vũ trụ.
Chuyện kể  linga
Theo tập sách Puranas, một lần hai thần Ấn độ:  Brahma thần sáng tạo, và Vishnu thần bảo tồn, tranh cãi với nhau về ai ngự trị ai, sự gay go đã làm những thần khác lo sợ và yêu cầu Shiva can thiệp. Shiva hiện ra như một cột sáng Linga giữa hai thần Brahma và Vishnu cùng thách cả hai đo lường chiều cao và độ sâu/tìm ngọn và tận cùng của cột sang Linga (tượng trưng cho thần Shiva). Ai mà có câu trả lời trước thì sẽ là kẻ ngự trị. Thần Brahma biến hoá thành một thiên nga và bay lên cao trong khi thần Vishnu biến thành một chú lợn rừng và đào sâu xuống dưới đất. Cả hai tìm cả ngàn dặm mà vẫn không thấy ngọn hay tận cùng ở đâu hết.
Thần Vishnu không thấy ở dưới đất thì trở lên và chấp nhận thất bại. Thần Brahma trong khi đi lên thì  gặp một hoa Ketaki, và đi mãi cũng không tìm đuợc nguyên ngọn của cột sáng nên quyết định nhận sự giúp đỡ của hoa ketaki và đã nói dối thần Shiva rằng đã tới được ngọn của cột sáng cùng với sự xác nhận của hoa ketaki. Sự dối trá này làm Shiva giận dữ và Brahma  bị Shiva  buộc lời nguyền không được người đời thờ cúng và cả hoa ketaki cũng cấm không đuợc dùng để trên bàn thờ cúng Shiva.                    
Từ đó thần Shiva được tôn thờ bằng biểu tượng cột đá linga. Một cột linga đầy đủ nhất là một khối hình trụ dựng đứng gồm ba phần, phần dưới có hình vuông biểu tượng cho thần Brahma với ý nghĩa là vị thần sáng lập, phần giữa có hình bát giác biểu tượng cho thần Vishnu với ý nghĩa là vị thần bảo tồn, phần trên cùng có hình tròn biểu tượng cho thần Shiva với ý nghĩa là vị thần tối cao vừa có quyền năng sinh sản lẫn hủy diệt.
Văn hóa Chămpa  cho thấy họ đã tiếp thu ý nghĩa của việc dựng các cột linga như một biểu tượng tôn vinh thần Shiva.

 Linga trong bảo tàng Chăm tại Nha Trang:


Sóng Việt Đàm Giang
June 2013

No comments:

Post a Comment