Sunday, March 9, 2014

Chia Sẻ hay Chia Xẻ



Chia sẻ hay chia xẻ?

Theo như sách Từ Điển Chữ Nôm trích dẫn của một nhóm soạn giả nổi tiếng của Viện Việt Học thì cả hai chữ này (sẻ và xẻ) đều đã có từ lâu và là chữ Hán Nôm đã phiên âm sang chữ Quốc ngữ.


Sẻ hay xẻ đều viết giống nhau trong Hán Nôm là sĩ. Sách Viện Việt Học có hai thí dụ như sau
Cho chữ XẺ
Xẻ (sĩ) : Vừng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường (Kiều, câu 1525-1526)

Cho chữ SẺ (sĩ)
Định tình Sinh mới sẻ bày
Duyên chi may lại phen này gặp nhau (Hoa tiên, câu 643-644)


 Chia sẻ nói lên hoặc hàm ý một điều nặng về tinh thần hơn (mặc dù cũng có thể chất) và có tính vị tha, tích cực: chia sẻ kiến thức, chia sẻ tình thương, chia sẻ miếng cơm manh áo. Vì thế khi nói nhường bớt phần ăn, hoặc áo mặc, hoặc tiền bạc để giúp người khác, từ ngữ chính xác phải dùng là nhường cơm sẻ áo (hiểu về tinh thần).
Nhường cơm sẻ áo- Đùm bọc, cưu mang giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn.

Còn chữ XẺ thường dùng riêng và chỉ về sự chẻ đôi, tách biệt, xé ra và nghiêng về vật chất. Thí dụ xẻ núi bạt đồi, xẻ đôi miếng vải, cưa xẻ thân cây, xẻ thịt một con thú, quần bị xẻ toạc.... hay ví von như vầng trăng xẻ đôi…


Tài liệu chép lại trên internet (không kiểm chứng/svdg)

(1)- Đồng Âm Dẫn Giải và Mẹo Luật Chính Tả – Trần Văn Thanh – Việt Nam Tu Thư xb – Soạn giả đã kê cứu:
-Việt Nam Từ Diển (Hội Khai Trí Tiến Đức)-1931
-Hán Việt Từ Điển (Đào Duy Anh)-1932
-Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn (Đông Hồ và Trúc Hà) –Saigon-1936
-Đồng âm vận tuyển (Trần Văn Khải)-1949
-Những ký chú trích ở Danh từ Khoa học (Hoàng Xuân Hãn)
-Đại Nam Quốc Âm tự vị (Huình Tịnh Của/ Paulus Của)
*-“xẻ”: bổ dọc ra, xẽ gỗ, mổ xẻ, chia xẻ.
(2)- Tự Điển Việt – Hoa –Pháp (Eugène Gouin)
*-“Chia xẻ: partager, couper, fendre”
(3)- Pháp Việt từ điển (Đào Đăng Vỹ)-1961
*- “Chia xẻ: partager // division.
(4)- Vietnamese English student’s Dictionary (Nguyễn Đình Hòa)-1967
*- “Chia xẻ: to share (with)
(5)- Từ điển Việt Anh (Bà Võ Lăng) [Nhà xb Tổng Hợp Tiền Giang – 1991-]
*- “Chia xẻ”: to divide up, dismember, to share (trouble, griefs, pleasures etc…)
(6)- Từ Điển Anh Việt (Nguyễn Văn Khôn) Nhà xb tp. HCM.
*- to share someone’s opinion: đồng ý với người nào.
- to share (in) someone’s grief: chia buồn với người nào.
- He shares (in) my troubles as well as my pleasures: nó chia vui xẻ cực với tôi.

Theo Nguyễn Trung Hiếu:
….
Trong thực tế, hai từ nói trên đều đã hiện diện trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam rất lâu, từ trước thế kỷ 20. Cả hai từ này là tiếng Nôm, riêng biệt và có nghĩa. (xem phần trên/dg)
Tự điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Xỹ và Vũ Văn Kính giải thích: sẻ là loại chữ hài thanh, cấu tạo bởi bộ thủ (tay –ý) + (sĩ - âm): san sẻ, chia sẻ.
 Còn từ xẻ, loại chữ giả tá, có cấu tạo Hán đọc là xỉ: xẻ gỗ, xẻ rãnh.

 Điều đó càng rõ ràng hơn khi cuốn tự vị tiếng Việt đầu tiên (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) xuất bản cách đây hơn một thế kỷ (1895), học giả Huình Tịnh Paulus Của, phân loại cả hai từ trên đều là tiếng Nôm và nghĩa được chú giải rành mạch: Mục từ sẻ được ghi: mở ra, dở ra, giương ra, trải ra. Và xẻ - cắt dài, mổ ra làm hai.
Đến cuốn “Việt Nam Tự Điển - 1931” của Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo, sẻ được giải nghĩa: San chia ra. Sẻ bát cơm làm hai; nhường cơm sẻ áo. Còn từ xẻ - (nghĩa 1) bổ dọc ra: xẻ gỗ. Vì lẽ này phần thành ngữ trong Từ điển Việt Nam do Viện Ngôn ngữ ấn hành năm 1998, sử dụng chúng khá rạch ròi. Ví dụ cả hai đi với từ chia (làm ra từng phần từ một chỉnh thể): chia sẻ - cùng chia với nhau để cùng hưởng, cùng chịu (thành ngữ: Nhường cơm sẻ áo). Và chia xẻ - chia ra từng mảnh và không làm cho nguyên khối nữa (TN - Chia năm xẻ bảy). (Nguyễn Trung Hiếu)


Tóm lại

 Theo như tìm hiểu và giải thích sưu tầm nhiều nơi thì (chia) sẻ và (chia) xẻ có hai nghĩa khác nhau nhưng tựu trung hiện nay thì đều hiểu nghĩa như là chia nhau san sẻ cùng nhau.

CHIA SẺ là chữ nên viết cho đúng chính tả khi nói về san sẻ (nặng về tinh thần). Sự hiện diện của chữ CHIA XẺ  thay vì viết đúng nghĩa cho chia sẻ khởi đầu có lẽ do cách phát âm X va S từng vùng tạo nên và vẫn tiếp tục luân chuyển cho đến hiện tại.

Sóng Việt Đàm Giang

1 comment: