Saturday, July 26, 2014

Ai Cập. Cairo. Pyramids. Sóng Việt Đàm Giang Part II



Ai Cập
Cairo. Kim Tự Tháp
Sóng Việt Đàm Giang
Phần 2
Hành trình thăm viếng Ai Cập của chúng tôi được theo lộ trình: máy bay từ các nơi (Anh, Pháp, Mỹ, Canada…) bay đến Cairo, thăm viếng Cairo năm ngày, trong thời gian này, có một ngày vào buổi sáng sớm chúng tôi đáp tàu điện đến Alexandria, thăm viếng Alexandria, đến chiều đi tàu điện trở về Cairo. Sau Cairo, chúng tôi lên máy bay, bay thẳng xuống Aswan. Tới phi trường Aswan là có xe bus đưa chúng tôi thăm viếng vùng Aswan (đập cao Aswan), đi thuyền buồm máy felucca vòng quan thăm các đảo, rồi tất cả lên du thuyền River Anuket của hãng du lịch, có dành một buổi sáng ngay ngày hôm sau bay đến thăm Abu Simbel, đi du thuyền thăm Philae gần Aswan rồi theo du thuyền đi trên sông Nile đổ lên hướng bắc thăm viếng tất cả những đền đài nằm dọc theo sông Nile như Kom Ombo, Edfu, Esna (qua lock trên song Nile), Valleys of Kings, Dendera, cho đến trạm chót là Luxor thăm đền Karnak và đền Luxor. Từ Luxor chúng tôi lại dùng máy bay nội địa trở lại Cairo ở lại một ngày chót trước khi đáp máy bay trở về nhà. Lộ trình như thế là: USA-Cairo-Alexandira-Cairo-Aswan (Abu Simbel)-Kom Ombo-Edfu-Esna-Luxor-Cairo-USA.
Phần 2 bài viết này nói về thành phố Cairo, Kim Tự Tháp.
                                                                                    

CAIRO
Cairo (chuyển tự: al-Qāhirah), từ này bắt nguồn từ tiếng Ả Rập nghĩa là "khải hoàn". Trong tập Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ, vào tháng 5 âm lịch năm 1863, phó sứ Phạm Phú Thứ trong phái đoàn của Phan Thanh Giản khi trên đường sang Pháp để cố chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho nhà Nguyễn (thời vua Tự Đức) đã dịch Cairo là Kê Thành khi phái đoàn ghé ngang Cairo.
Cairo là thủ đô của Ai Cập, dân số cỡ hơn 15 triệu người, và là đô thành đông dân nhất Châu Phi cùng là thành phố lớn nhất trên thế giới thờ đạo Hồi.Cả thành phố có hơn 1,000 nhà thờ mang nhiều màu sắc, chính vì thế mà Cairo được gọi là "Thành phố nghìn tháp".
Cairo là thành phố có sự hiện diện của nhiều nền văn minh khác nhau như AiCập cổ (Pharaoh), La Mã, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Cairo nằm ở miền Bắc Ai Cập, còn được gọi là hạ Ai Cập, cách phía nam của Địa Trung Hải 176 Km, cách phía tây của vịnh Suez và kênh đào Suez 120 km. Cairo nằm dọc theo bờ đông của sông Nile, tại điểm phân chia vùng sa mạc và nhánh sông chảy vào vùng châu thổ sông Nile.
Nhà thờ tại Cairo cổ
 Cairo cổ có pháo đài  Babylon rất cổ nằm dọc theo bờ sông, và có nhiều nhà thờ Coptic Orthodox. Dưới đây là vài nhà thờ ngaười viết có dịp đuợc thăm viếng.

- Al-Muallaqah Church (Nhà thờ Treo) được xây dựng vào cuối thế kỷ  IV, đầu thế kỷ V, trên nền  của cổng Nước ở  phía nam của thành Babylon cũ, vì thế nó có tên là Al-Muallaqah. Nhà thờ này muốn vào thăm thì phải bước lên 29 bậc thang nên cũng được mang tên là nhà thờ có cầu thang (staircase church). Nhà thờ này thờ Đức mẹ Mary. Trong nhà thờ có mái cong chịu đựng bởi nhiều cột trụ trang trí kiểu Corinthian có lẽ dùng lại từ những kiến trúc khác trước đó.
-Nhà thờ Abu Serga xây cất từ thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên để thờ những vị thánh tử vì đạo.
-Nhà thờ Orthodox Hy lạp St George xây trên một tháp của thành Babylon. Đây là nhà thờ duy nhất tại Cairo cổ có mái vòm.
-Nhà thờ St Barbara xây từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Nhà thờ này được xem là nhà thờ Coptic (nhà thờ Ai cập) đẹp nhất.
Đền Hồi giáo tại Cairo
-Đền Ibn Tulun. The Mosque of Ahmad Ibn Ţūlūn được xem là nhà thờ hồi giáo cổ nhất và rộng rãi nhất ở Ai Cập, xây cất bằng gạch bùn (mudbrick) khoảng giữa 876-879. Thành tường bao bọc đuợc gắn phía trên bằng một hàng trang trí giống như chiến sĩ đứng dàn ngang. Đặc biệt minaret có dạng vòng xoắn rất dễ leo.
-Một trong những đền huy hoàng lộng lẫy nhất là Đền Al Azhar xây năm 970 AD. Đền có một courtyard 275x112 ft làm bằng cẩm thạch trắng với hàng trăm cột bao quanh. Đền có năm minarets cao và rất thanh nhã. Đây cũng được biết như là nơi có trường đại học cổ nhất trên thế giới, có lẽ từ năm 975 trước Công nguyên.
-Nhà thờ hồi giáo Muhammad Ali. The Mohammed Ali Mosque, nằm trong Citadel của Cairo, được xây cất vào đầu thế kỷ 19 và kéo dài gần 20 năm mới hoàn tất vào năm 1848 (1830-1848). Đây là đền có kiến trúc Ottoman với mái vòm lớn, có minarets cao vút, có dàn đèn chandeliers sáng chưng. Giữa courtyard là một bồn nước có mái che. Phía tây sân courtyard là một tháp có chiếc đồng hồ lớn, một quà tặng của vua Pháp Louis-Philippe vào năm 1845, để cám ơn món quà đặc biệt Obelisk cổ Ai cập đặt tại Place de la Concorde ở Paris, Pháp từ năm 1833. Chiếc đồng hồ này được truyền rằng không hề chạy từ ngày nhận được. 


Đền thờ Hồi  Giáo không phải là nơi để các tu sĩ hành lễ như nhà thờ  thuộc những tôn giáo khác như Công Giáo La Mã hoặc các chùa Phật Giáo. Đền thờ Hồi Giáo chỉ là nơi họp mặt của các tín đồ để cầu nguyện tập thể mà thôi. Hồi Giáo không có tu sĩ vì họ quan niệm ai cũng có thể nói chuyện trực tiếp với Đấng tối cao nên không cần qua trung gian của bất cứ người nào khác.  Hồi Giáo có nhiều thánh địa nhưng không có giáo đô nên không cần có giáo chủ mà chỉ có các imam cai quản các đền. Hồi Giáo không thờ ảnh tượng của các Thánh nên bên trong và bên ngoài đền thờ luôn luôn trống trải. Đền thờ Hồi Giáo cũng tương tự như đền thờ Do Thái Giáo (Synagogue), cả hai đều được định nghĩa là nơi họp mặt  của người dân thep đạo. Ngoài việc được dùng làm nơi hội họp, đền Hồi giáo còn có thể được dùng làm trường học, bệnh viện hoặc nơi tạm trú cho những người tỵ nạn hoặc nạn nhân trong các vụ thiên tai v.v... Đền thờ Hồi Giáo Al-Azhar ở Cairo, thủ đô Ai Cập, từng nổi tiếng là một đền thờ đồ sộ và tráng lệ đã trở thành trường Đại Học đầu tiên vào cuối thế kỷ 10. Tới nay đã trên một ngàn năm, trường đại học này vẫn còn đang tiếp tục hoạt động.
            Tất cả các đền thờ Hồi Giáo trên khắp thế giới dù lớn hay nhỏ cũng có các tiêu chuẩn như sau:
- Có chỗ cho tín đồ rửa mặt và tay chân sạch sẽ trước khi cầu nguyện.
- Bên trong nhà thờ phải trống trải để các tín đồ có chỗ xếp hàng cầu nguyện.
- Mọi đền thờ phải có một cái hốc lõm sâu vào tường (mihrab/prayer niche) để định hướng cho mọi người quay mặt về thánh địa Mecca khi cầu nguyện, vì tại đó có nhà của Chúa, tức đền thờ Ka'ba.
- Trong đền có một bục cao (minbar) để  người hướng dẫn Hồi giáo (imam) giảng kinh vào ngày thứ Sáu hàng tuần.
e-Tường trong đền không trang trí bằng tranh ảnh. Chỉ có thể trang trí bằng các hình kỷ hà học hoặc bằng nghệ thuật viết chữ Ả Rập (Calligraphy) hoặc bằng các hình vẽ nghệ thuật.
Bảo tàng Ai Cập
Bảo tàng Ai Cập do một người Pháp, August Mariette, sáng lập và mở cửa vào năm 1863. Sau hai lần di chuyển thì được đặt tại quảng trường Tahrir của Cairo từ năm 1902 và tồn tại cho đến ngày nay. Tòa nhà có tường màu đỏ rực rỡ này là nơi lưu trữ  cỡ 250,000 cổ vật giữ phần quan trọng trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Đây là nơi chứa bộ sưu tập đồ cổ Pharaoh lớn nhất thế giới và kho báu của vị Pharaoh nổi tiếng Tutankhamun.
Bảo tàng có hai tầng chính. Tầng trệt là nơi lưu giữ các hiện vật phổ biến của Ai Cập cổ đại như giấy cói, có những mảnh giấy có niên đại khoảng 2000 năm, tiền xu với nhiều giá trị khác nhau, bên cạnh đó là các bức tượng, bảng biểu và các quan tài.
Tầng trên là nơi gìn giữ những hiện vật từ hai triều đại cuối cùng của Ai Cập cổ đại, đặc biệt là nơi trưng bày bộ sưu tập đồ cổ Pharoah và những 1,700 báu vật tìm thấy trong mộ của vua Tutankhamun (cai trị từ năm 1350 - 1340 TCN), quan trọng và đặc biệt nhất là tấm mặt nạ xác ướp bằng vàng và chiếc ngai cẩn vàng và ngà của Tutankhamun. Ngoài ra còn vô số các hiện vật được tìm thấy trong thung lũng các vị vua Pharoah khác. Nếu vào xem phòng xác ướp thì sẽ thấy xác ướp của nhiều vua Ai Cập như Tutmosis II, Seti I, Ramses II, v.v…

Cairo cũng có một Cairo tower cao 185m (610ft) nằm ở khu Cairo mới. Từ đây có thể nhìn cả Cairo rất đẹp vào ban đêm. Cairo Tower cũng còn được gọi là Gezirah tower, có kiến trúc ngoại diện hình thể như hoa sen và papyrus, một loại cây đuợc tôn trọng trong lịch sử Ai cập. Toà tháp không dùng đà sắt mà chỉ làm bằng concrete.
Tới Cairo, cũng nên ghé thăm chợ Khan al-Khalili mà người Ả Rập hay gọi là souk. Nơi này bán đủ loại sản phẩm bằng vàng, bạc, đồng, đủ loại gia vị, waterpipe/sheesha pipe, cùng đồ tiểu công nghệ. Khởi đầu khu bazaar này nằm trong khu vực đền Al-Azhar và Midan Hussein nhưng nay được mở rộng ra chung quanh.
Cairo Marriott Hotel & Omar Khayyam Casino tọa lạc tại 16 Saraya El Gezira - Zamalek, Midan Ramses, Cairo, Ai Cập. Khách sạn Marriott, nơi đoàn du lịch của chúng tôi ngưng chân vài ngày là một địa điểm có chút lịch sử.


Đây là một khách sạn 5 sao lớn nhất trong vùng trung đông với 1,087 phòng ngủ nằm trong hai tòa cao ốc 20 tầng-Toà cao ốc Gezira và Zamelek. Giữa hai tòa cao ốc này là một dinh thự với cửa vào phòng tiếp tân khách và phòng điều hành. Trên mái toà dinh thự này là một sân khấu ngoài trời nhìn ra thành phố Cairo và sông Nile.
Hotrel Marriott này ngày xưa là dinh Al Gezirah của Ai Cập do Khedive Ismail cho xây cất để làm nơi tạm trú cho khách đến khánh thành kinh đào Suez  vào năm 1869. Rất nhiều chính khách nổi danh Âu châu đã đến ở đó nhất là Nữ hoàng Eugenie, vợ Napoleon III. Khedive Ismail là cháu nội của Muhammad Ali, ông là người nắm quyền hành ở Ai Cập từ 1863 đến 1879. Ông là người tiêu pha rất xa xỉ, ra lệnh cho xây dinh Al Gezirah làm sao cho giống như điện Versailles ở Pháp là nơi mà Nữ hoàng Eugenie thường ở để đặc biệt dành cho Hoàng đế Napoleon III và bà đến lưu trú khi đến Cairo khánh thành kinh đào Suez, một dự án lớn lao thời bấy giờ.
Vì nợ nhiều quá nên chính phủ thời đó phải tịch thu dinh Gezirah này sau khi Khedive Ismail bị mất chức và phải lưu vong vào năm 1879 và được trao cho Công ty Khách sạn Ai Cập quản trị. Qua nhiều quản trị khác nhau, đến năm 1961, thời Tổng thống Nasser cầm quyền, khách sạn Gezirah đuợc quốc hữu hóa và trở thành Khách sạn Omar Khayyam. Trong những năm 1970s, khách sạn đuợc chuyển giao cho hệ thống khách sạn Marriott điều hành, và đã được trùng tu để trở thành khách san 5 sao như hiện tại. Tại dinh hành chánh, trong nhiều phòng, đồ đạc đã được  tu bổ và biến thành những phóng ăn, phòng tiếp tân, phòng tiếp khách lịch sự, ngay cả cầu thang cũng lộng lẫy rất đẹp.
Vùng Kim tự tháp Giza
Kim tự tháp Ai Cập là các công trình cổ đại hình chóp bằng đá ở Ai Cập. Có tất cả 138 kim tự tháp đã được khám phá ở Ai Cập tính đến năm 2008. Hầu hết là lăng mộ của các Pharoahs và hoàng hậu trong hai thời kỳ Cổ và Trung Vương quốc.
Những kim tự tháp Ai Cập đầu tiên được biết đến nằm ở Saqqara, phía tây bắc Memphis. Trong số đó, kim tự tháp Zoser (Djoser) là lâu đời nhất, được xây dựng vào khoảng năm 2650 BC/ TCN (trước công nguyên). Đến thời kỳ tiếp theo, những người có đủ điều kiện được mai táng trong một loại lăng mộ gọi là lăng mastaba. Imhotep được xem là người đầu tiên phát minh ra phương pháp chồng các mastaba lên nhau để tạo ra một công trình bao gồm các "bậc" nhỏ dần từ dưới lên. Kết quả là Kim tự tháp Djoser, được thiết kế để tượng trưng cho một chiếc cầu thang khổng lồ mà linh hồn của vị pharoah đã mất dùng để bước lên thiên đường. Hình dạng của kim tự tháp Ai Cập được cho là tượng trưng cho mô đất nguyên thủy mà người Ai Cập tin là từ đó Trái Đất được tạo ra, cũng như những tia nắng mặt trời chiếu xuống. Bề mặt của hầu hết các kim tự pháp được lát bằng đá vôi trắng đánh bóng để tạo nên một vẻ ngoài lộng lẫy khi quan sát từ xa. Tên của các kim tự tháp cũng có liên hệ tới ánh sáng mặt trời.
Người Ai Cập tin rằng vùng tối trên bầu trời về đêm, nơi tất cả các ngôi sao có vẻ như đều xoay quanh, chính là cánh cổng lên thiên đường. Một trong những lối đi hẹp bắt nguồn từ buồng làm tang lễ hướng thẳng tới trung tâm vùng tối này. Điều này cho thấy kim tự tháp có thể đã được thiết kế để đưa linh hồn vị pharaon đã mất lên nơi ở của các vị thần.
Tất cả các kim tự tháp Ai Cập đều được xây trên tả ngạn (bên trái) sông Nile, nơi mặt trời lặn và được xem là có liên quan tới thế giới của người chết trong thần thoại AiCập.
Khu lăng mộ Giza hay Giza Necropolis nằm tại cao nguyên Giza, ngoại ô Cairo, Ai Cập. Khu lăng mộ cổ này nằm khoảng tám km bên trong sa mạc từ thị trấn Giza cổ trên bờ phía tây sông Nile, cách 20 km phía tây nam trung tâm thành phố Cairo.
Trong tất cả những kim tự tháp do các pharaohs xây lên, thì Sneferu là người tạo nên những pyramids thật sự tại Dashur và Meidum (khoảng năm 2613-2589 BC). Chính nhờ kỹ thuật của Sneferu mà con trai của ông, Khufu mới có thể xây đuợc pyramid lớn nhất tại Giza vào năm 2589 TCN.
Kim Tự tháp Giza được xây dựng vào thế kỷ 26 TCN, gồm 3 kim tự tháp: Cheops, Chephren và Mycerinus. 
Kim tự tháp Cheops (Khufu): Đây là công trình kiến trúc nổi tiếng nhất trên thế giới được xây dựng vào khoảng năm 2589 TCN và là kim tự tháp to lớn và hùng vĩ nhất trong số 90 kim tự tháp ở Ai Cập. Do vua Cheops (2589-2566 BC) thuộc vương triều thứ tư xây dựng, với chiều cao ban đầu là 146.5m, hiện đại 138.8m, được tạo thành từ trên cả triệu khối đá. Gần với sườn phía Đông của kim tự tháp Cheops còn có 3 kim tự tháp nhỏ giành riêng cho vợ và thành viên quan trọng trong gia đình nhà vua. Kim Tự Tháp Kheops là phần chính của một cấu trúc phức tạp với các công trình bao gồm cả hai ngôi đền tang lễ để thờ Kheops (một gần kim tự tháp và một gần sông Nil), ba kim tự tháp nhỏ cho nhiều vợ của Khufu, một đường đắp cao nối hai ngôi đền và một nhà mồ nhỏ bao quanh kim tự tháp cho các quý tộc. Một trong ba kim tự tháp nhỏ chứa mộ của hoàng hậu Hetepheres (khám phá năm 1925), em gái và vợ của Sneferu và mẹ của Kheops.
Kim tự tháp Kephren (Khafre): Cách vài trăm mét về phía tây nam Kim tự tháp Kheops, xây khoảng năm 2558-2532 BC là kim tự tháp Khafre, đây là kim tự tháp của Kephren, con trai Khufu/Kreops, người kế vị Kheops và được tin rằng là người đã xây dựng Đại Sphinx Giza Đại Nhân sư. Kim tự tháp Kephren cao 136m, thấp hơn Cheops về chiều cao, được xây dựng trên phần còn lại của núi đá vôi. Phía ngoài được bao phủ bởi những lớp đá vôi, nhưng ngày nay chỉ còn lại một phần rất nhỏ ở trên đỉnh là còn bao phủ bởi lớp đá ốp này.
Kim tự tháp Mycerinus: Thêm vài trăm mét nữa ở phía tây nam của kim tự tháp Kheops và Kephren là Kim tự tháp Mycerinus (Menkaure) (2532-2503 BC), người kế vị Khafre, với chiều cao ban đầu 65.5m, nay còn cao 61 m, khoảng một nửa kim tự tháp Kheops. Với diện tích cũng nhỏ hơn 2 kim tự tháp trên. Phần thấp hơn của kim tự tháp này được bao phủ bởi một tấm đá granite. 
Hiện nay, kim tự tháp Khafre là kim tự tháp cao nhất trong nhóm bởi vì kim tự tháp Kheops đã mất khoảng 4m chiều cao vật liệu trên đỉnh. Thời cổ đại, Kim tự tháp Kheops cao nhất, nhưng từ xưa kim tự tháp Khafre nhìn vẫn có vẻ cao hơn vì các cạnh của nó có góc đứng hơn so với Kim tự tháp Kheops và nó được xây dựng trên địa thế cao hơn.
Đối với người Ai cập cổ đại, việc xây dựng các kim tự tháp là để bảo vệ phần thân thể của các vị vua đã chết của họ. Đặc biệt là họ tin vào sự sống lại và bất tử. Ba Kim tự tháp Giza được bao quanh bởi nhiều kim tự tháp nhỏ và hàng trăm Mastaba- những ngôi mộ của các gia đình hoàng gia, quý tộc và tầng lớp người giàu có, có địa vị trong xã hội.

Hàng thế kỷ tiếp tục xây pyramids, cộng thêm mùa màng thu thất đã làm kiệt quệ kinh tế Ai cập và sức mạnh của hoàng gia cũng giảm bớt, nên sau đó chỉ có pyramids nhỏ hơn.
Thuyền Mặt trời (Các Thuyền của Kheops/Khufu)
 Gần các kim tự tháp, người Ai Cập cổ đại đã dành một khu vực rộng rãi, tại đó họ đặt một thuyền gỗ giành cho nhà vua ở thế giới bên kia. Nhà vua sẽ dùng con thuyền này đi vào hành trình ngày và đêm cùng thần mặt trời, thần Ra.
Khi các nhà khảo cổ tiến hành khai quật, họ đã phát hiện ra 3 chiếc thuyền mặt trời. Một cái được phát hiện ở phía đông và hai cái ở phía nam kim tự tháp. Khi các phiến đá khổng lồ bị gỡ bỏ, người ta đã phát hiện con thuyền được làm bằng gỗ tuyết tùng, cùng với mái chèo, dây thừng và một số chỗ ngồi.. hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Con thuyền dài 43.5m, mũi và đuôi thuyền dài 5m, cao tương ứng 7m. Các tàu thuyền hiện nay đang được lưu giữ trong một bảo tàng đặc biệt, nằm phía nam của kim tự tháp Kheops (Kheops chuyển từ tiếng Hy lạp/Khufu là tiếng Ai Cập).

Nhân sư Sphinx
Tượng Nhân sư lớn ở Giza là một tượng làm bằng đá vôi hình một sinh vật huyền bí có thân sư tử và đầu người trong tư thế phủ phục, nằm ở cao nguyên Giza, trên tả ngạn (phía tây) sông Nile. Giza, Ai Cập, đầu hướng về phương đông.
Đây là bức tượng nguyên khối (monolith) lớn nhất thế giới, dài 73,5 mét (241 ft)] và cao 20,22 m (66,34 ft) và là một trong những bức điêu khắc nguyên khối lâu đời nhất. Bức tượng được cho là do người Ai Cập cổ đại  xây dựng, dưới triều đại của Pharaon Khafra (2558–2532 trước công nguyên). Tượng nhân sư nguyên khối đá này có thành phần đá limestone khác nhau nên có phần bị soi mòn dễ hơn phần khác. Phần đầu và chân cùng móng trước đá chắc hơn nên tồn tại tốt hơn thân Nhân sư bị soi mòn nhiều hơn.
Tượng mang tên Nhân sư vì cho là có nhiều tương tự với một thú trong thần thoại Hy Lạp có thân sư tử, đầu đàn bà và có đôi cánh lớn (mặc dù nhân sư Hy lạp cũng giống như nhân sư Ai cập với đầu người đàn ông và không có cánh). Nhân sư Ai cập có liên hệ với thần Harmakhet (tương tự như thần Horus). Tương trưng cho thần thánh và che chở, nhân sư thường được dùng như tượng bảo vệ lăng mộ của Pharaoh và tu sĩ cao cấp.
Sau khi khu lăng mộ Giza bị bỏ hoang, tượng Nhân sư dần bị cát vùi lấp đến vai. Nỗ lực khai quật đầu tiên được ghi lại có từ năm 1400 trước công nguyên, khi vị vua trẻ Thutmose IV (1401–1391 hay 1397–1388 trước công nguyên), đã tìm cách đào ra hai chân trước. Ông đặt giữa chúng một tấm bia làm bằng đá hoa cương, được biết đến với tên gọi  Dream Stela (Tấm bia Giấc Mơ), có khắc những văn tự sau kể chuyện chính ông hoàng tử Thutmose IV.

Memphis và Vùng Saqqara
Khu vực ngoại ô cách Cairo cỡ 22 km về phía nam là thủ đô cổ Memphis (Menfe) do vua Mendes cho xây dựng, Memphis ngày trước là tâm điểm của Ai Cập cổ vì nó nằm ngay phần thượng nguồn của đồng bằng châu thổ sông Nile và là điểm giữa thượng với hạ Ai cập. Tại Memphis có có tượng khổng lồ của vua Ramses II, Đền xác ướp thánh Apis Bull, Nhân sư bằng ngọc thạch (alabaster) của Vua Tuthmosis III.
Saqqara là nghĩa trang lâu đời nhất Ai Cập cổ đại, nó nằm trên một cao nguyên của Sa mạc, phía tây nam thủ đô Cairo.
       Kim tự tháp của Zoser (Djoser)
Được mang tên tháp bước, đây là tháp cổ nhất trên thế giới; tháp này xây dựng theo kiểu lăng mộ dành cho vua Zoser, vị vua đầu tiên của vương triều thứ III, thiết kế bởi Imhotep, theo lối kết hợp giữa nhà tang lễ và kim tự tháp. Kim tự tháp Djoser có chiều chung quanh đáy là 123X 107m, và cao cỡ 59m.
Kim tự tháp nhỏ Unas nằm phía nam của kim tự tháp Zoser, vua cuối cùng của vương triều thứ V. Tại Saqqara có rất nhiều mồ kiểu lăng mastaba, hầu hết là của những nhà quyền quý giàu có vào triều đại V và VI.

Sóng Việt Đàm Giang

No comments:

Post a Comment