Wednesday, April 1, 2015

Đạo Mẫu USA. Phần 2. Lên Đồng. Đàm Giang

Đạo Mẫu USA: Lên Đồng
Đàm Giang biên soạn
Hình ảnh trong bộ ảnh riêng của người viết (ĐG)



Dưới đây là nghi lễ buổi lên đồng vào tháng hai âm lịch, năm Ất Mùi. Những nhận xét trong bài viết hoàn toàn là bởi tìm hiểu và ghi lại của người viết và có thể không trung thực với những nhân vật  mà người hầu đồng đang đại diện /nhập đồng. Sự  sai lầm này sẽ được sửa đổi nếu có độc giả am tường lịch sử các nhân vật thần thánh trong Đạo mẫu Tứ phủ cho ý kiến.

Khởi đầu nghi lễ lên đồng bắt đầu với dâng sớ. Trong hình cho thấy người dâng sớ đặt một khay lên đầu cùng có người đọc (thấy cúng) văn sớ và thắp nhang cúng vái. Người hầu đồng hôm đó là một người thanh niên (thanh đồng).
Người thanh đồng mặc quần áo trắng đi vớ trắng từ phòng trong bước ra chào quan khách, những người dâng đồng, và bắt đầu ngồi vào chiếu trước bàn thờ chính điện. Bên cạnh thanh đồng là những người hầu dâng đồng gồm người thay lễ phục, người dâng nước, che quạt, thắp hương. Gần bên là một sấp lễ phục đủ mầu sắc sẵn sàng để thay và mặc vào thanh đồng sau khi được Đồng giáng vào cho biết là ai sắp về.
Mỗi vị Thánh đều có một bộ trang phục riêng biệt, khi được nhập, người Đồng được mặc bộ áo dành cho vị Thánh đó vào người thì sẽ hiện diện chính vị Thánh ấy. Mầu sắc trang phục phản ảnh phủ của vị Thánh đó, Thiên phủ áo màu đỏ, Nhạc phủ áo màu xanh lá cây, Thoải phủ màu trắng, Địa phủ màu vàng.
Lễ vật dâng cũng được lựa chọn sao cho tương ứng với màu sắc các Phủ của vị Thánh đó. Thí dụ lễ vật dâng lên vị Thánh Thiên phủ có màu đỏ như Táo đỏ, lon Coca Cola đỏ; dâng lên Thánh Địa phủ có màu vàng như bưởi, cam, quýt, xoài;  Nhạc phủ như Bánh chưng lá chuối xanh, chanh xanh,v.v…
Cũng cần phải nhắc đến ban cung văn với những bài văn chầu cùng những nhạc cụ đệm như đàn nguyệt, trống, phách, sáo, nhạc xóc, v.v… Buổi hầu đồng tại Đền này không có ban cung văn chơi nhạc sống mà gồm những tapes đã thu sẵn những bài văn chầu, và khi Ông đồng xướng báo tin ai nhập thì người phụ trách âm nhạc sẽ đặt vào máy bài văn và nhạc tương ứng. Tiếng trống, phách sống có hai vị đánh thêm vào.
Nguyên thủy,  tuy hình thành từ trí tưởng tượng và tâm linh của cư dân nông nghiệp, nhưng về cấu trúc tổ chức thì khá chặt chẽ, đòi hỏi những người hầu Đồng Đạo Mẫu  Tứ phủ phải thành thạo, mang tính chuyên nghiệp cao.
Về diễn xướng, theo lời những đã lên đồng ở đây thì những ai có lòng tin đều có thể nhập đồng và biểu diễn các giá đồng, gồm cỡ 36 giá. Mỗi giá đồng thể hiện một nhân vật cụ thể, với tên tuổi và tính cách khác nhau.  Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng biểu diễn múa các điệu theo đặc tính và phong cách của từng giá đồng đang nhập, còn ở dưới cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh. Số giá bình thường mà Đồng thường lên có thể từ 15 đến 20 giá; thời gian một buổi hầu đồng có thể kéo dài từ 3 đến 5 giờ đồng hồ tuỳ theo số giá nhập.
Nghi lễ hát lên đồng được chia ra các phần: Mời Thánh nhập; kể sự tích, công đức; xin Thánh phù hộ và đưa tiễn. Do đó, cuối mỗi giá đồng, khi người hầu đồng bắt chéo tay trước trán báo hiệu Thánh xa giá thì cung văn đều tấu câu “Xe loan Thánh giá hồi cung”. Khi giáng đồng và nhập đồng nhân vật giáng nhập luôn luôn theo thứ tự từ Thánh mẫu đến hàng Quan, hàng Chầu, hàng Ông Hoàng, hàng Cô, và sau cùng là hàng Cậu.
Trong nghi thức hầu đồng, các vị Thánh nhập đồng đều là những vị Thánh gương mẫu, luôn làm điều tốt lành, phù hộ cho người lên Đồng cùng những người ngồi xem Đồng được làm ăn may mắn, chữa đuợc bệnh tật, trừ tránh đuợc điều rủi, v.v…
Tưởng cũng cần nhấn mạnh hầu đồng/lên đồng trong Đạo Mẫu hoàn toàn khác với hình thức nhập hồn hầu bóng mang nhiều mê tín dị đoan và trục lợi.
Trong nghi lễ lên Đồng của Đạo Mẫu Tam Phủ/Tứ Phủ nghi thức phủ khăn diện xin Thánh giá, Thánh nhập là một nghi lễ tiêu biểu quan trọng được lập đi lập lại  liên tiếp trong suốt buổi lên đồng.
“Dâng hương hành lễ: đây là một nghi thức không thể thiếu được cho bất cứ gía nào. Hầu đồng tay trái cầm một bó nhang đã đốt sẵn, bọc trong một chiếc khăn có tẩm hương. Tay phải rút một nén nhang rồi huơ lên bó nhang trong tay làm động tác phù phép mà ngôn ngữ hầu đồng gọi là khai nông, để xua đuổi tà ma.
 Lễ thánh giáng: khi hầu đồng có thánh nhập vào thì buông các nén hương đang cầm theo tay chắp, nghiêng mình ra hiệu thánh thuộc hạng thứ bậc nào.
Có hai hình thức thánh giáng:
- Giáng trùm khăn (hầu tráng mạn) với các giá thánh mẫu. Mẫu chỉ đến chứng giám rồi đi ngay.
- Giáng mở khăn. Thánh nhập.
Khi thánh đã nhập, người hầu đồng không còn là người phàm nữa, xuất thần, tự thôi mien giúp cho họ nhảy múa một cách uyển chuyển, nhịp nhàng mà bình thường họ không làm được.
 Múa đồng:
Múa đồng là một hình thức diễn xướng tương ứng với sự ứng nhập của thần linh. Bởi vậy động tác múa khác nhau tùy theo từng vị thánh. Mỗi động tác múa trong các giá chầu phản ảnh con người thật của vị thánh giáng đồng. Khi múa đồng thì ông đồng bà cốt sử dụng một số lễ cụ như kiếm, đao, gậy, mái chèo, quạt hay cờ…
 Ban Lộc và nghe Văn chầu:
Sau khi đã múa nhiều thánh ngồi lại nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài long bằng động tác và thưởng tiền cho cung văn. Lúc nầy cũng là lúc, thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu thuốc lá, trầu nước v.v. Các thứ thánh dùng phải làm nghi thức khai cương (khai quang) cho thanh sạch.
Lúc nầy những người ngồi dự chung quanh đến gần để cầu xin hoặc nghe thánh phán truyền. Và đây cũng là lúc thánh phát lộc. Lộc thánh gồm nhiều thứ như: hoa quả, bánh trái, tiền bạc, nén nhang cháy v.v…”
Theo hiểu biết chung thì các Ông, Bà Đồng không biết được là những vị Thánh nào sẽ giáng và sẽ nhập theo lời thỉnh. Do đó khi vị Thánh nào giáng thì Ông Đồng, Bà Đồng trên đầu trùm khăn phủ diện, sẽ dùng cánh tay để báo hiệu: tay trái cho Thánh nam, tay phải cho Thánh nữ. Và dùng số ngón tay để báo hiệu tên vị Thánh theo thứ vị như đệ Nhất, đệ Nhị, Đệ Tam v.v…



Hàng Thánh. Trong buổi lên Đồng mà người viết được xem, vị thanh đồng với khăn phủ diện chùm đầu (một dải khăn đỏ dài có thêu chữ) thỉnh hầu các giá Thánh, sau khi giáng đồng các Thánh Mẫu thì vị thanh đồng báo hiệu nhập Thánh Đệ Nhị Thượng ngàn. Thế là người đảm trách thay lễ phục gấp rút sửa soạn khăn, áo thích hợp cho Thánh Đệ Nhị Thượng ngàn với trang phục màu xanh lá cây.
(ghi chú. theo tài liệu thì Thánh thường chỉ giáng mà không nhập, nhưng hôm đó vị đầu tiên trang phục áo xanh nên người viết nghĩ rằng đó là Thánh Mẫu Thượng Ngàn?)

“Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn - La Bình công chúa  (còn có tên Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn) là một trong ba vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình, chùa của người Việt, chủ yếu ở miền bắc và miền trung Việt Nam.Theo truyền thuyết, Bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh cả hai cùng cầu hôn Mỵ Nương, con gái vua Hùng). Khi còn trẻ, Mẫu là một cô gái đức hạnh, tài sắc vẹn toàn, cha mẹ đặt tên là La Bình. La Bình công chúa thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả  cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi của nước Nam. Thánh Mẫu Đệ NhịThánh Thượng Ngàn, cũng như nhiều vị thần thánh khác, được nhiều người tôn thờ, và được coi là hồn thiêng của sông núi, bao nhiêu đời nay dẫn dắt con cháu vững bước đi lên. Bà có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập điện thờ, thờ phụng bà.”



Hàng Quan. Sau đó là giá nhập đồng các Thánh hàng Quan. Trong 10 Thánh  hàng  Quan thì có 4 vị nhập đồng. Đó là Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Tam Phủ, và Quan Đệ Ngũ.
Các vị Thánh hàng Quan đều thuộc quan Võ nên trang phục uy nghi, điệu bộ mạnh mẽ. Bốn vị này thuộc phủ khác nhau. Quan đệ I Thiên phủ mặc áo đỏ là quan trong cung điện và là thần làm mưa làm gió, Quan Đệ II trần giữ núi rừng (Thượng ngàn) còn được gọi là Quan Giám sát mặc lễ phục màu xanh. Quan Đệ Tam hay Quan Tam Phủ thuộc Thoải phủ, mặc áo trắng, Quan Đệ Tứ chỉ giáng trong khăn trùm rồi thăng chứ không nhập. Quan đệ Ngũ hay Quan Tuần Tranh thuộc Nhạc phủ mặc áo xanh lam nhập đồng múa kiếm long đao rất ngoạn mục.
-          Quan lớn đệ nhất Thượng Thiên: quyền cai Thiên phủ trên trời, là thần làm mưa làm gió, là quan trong cung điện Ngọc hoàng, mặc áo màu đỏ.
-          Quan Lớn đệ nhị Thượng Ngàn: Quyền cai rừng núi Lâm cung, lên rừng xuống biển tâu về Bát hải long vương, ông là vị giám sát trước để đánh trận xông pha, ông mặc áo màu xanh.
-          Quan Lớn đệ tam Thoải Phủ: Là con vua Bát hải long vương, ông mặc áo bào màu trắng, cầm đôi bạch kiếm đi xông pha quỷ thế tà giới
-          Quan Lớn đệ Ngũ Tuần Tranh: Là quan lớn, mặc áo bào màu xanh biển, cầm thanh long đao to.


còn tiếp

Tháng Ba, 2015






No comments:

Post a Comment