Sunday, October 11, 2015

Nhạc Phi. Thơ Hán Nguyễn Du. Bắc Hành Tạp Lục. SVDG


Thơ chữ Hán Nguyễn Du gồm ba tập là
Thanh Hiên Thi tập, Nam Trung Tạp Ngâm, và Bắc Hành Tạp Lục
Trong tập thơ chữ Hán phần Bắc Hành Tạp Lục của Cụ Nguyễn Du, trên con đuờng đi sứ Trung Quốc ông đã có dịp thăm viếng những di tích văn chương và lịch sử có liên hệ đến những danh nhân mà ông có nhiều cảm tình hay chú ý đến.

Nhân có bài viết gần đây nói về một thức ăn Trung Quốc mang tên "dầu chá quẩy" hay gọi từa tựa như thế đuợc coi như có liên quan đến nhân vật Nhạc Phi và Tần Cối cùng vợ Tần Cối là Vương thị,
Sóng Việt xin mời đọc năm bài thơ Hán của Nguyễn Du trong tập Bắc Hành Tạp Lục viết về lịch sử câu chuyện này cho rõ nghĩa hơn.
Sóng Việt Đàm Giang tạm lược dịch.
(Trích từ tập thơ Sóng Vìệt Đàm Giang dịch 249 bài thơ Hán của Nguyễn Du).



200/249
Nhạc Vũ Mục Mộ
Trung nguyên bách chiến xuất anh hùng
Trượng bát thành thương lục thạch cung (1)
Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục (2)
Quân môn do tích thập niên công (3)
Giang hồ xứ xứ không Nam quốc
Tùng bách tranh tranh ngạo bắc phong
Trường vọng Lâm An cựu lăng miếu (4)
Thê Hà sơn tại mộ yên trung (5)

Mộ Nhạc Vũ Mục
Anh hùng trăm trận ở trung nguyên
Thương dài tám trượng, cung sáu cân
Tướng phủ khép tội ba chữ án
Quân thần vẫn tiếc mười năm công
Sông hồ man mác vắng Nam quốc
Bách tùng xào xạc ngạo bắc phong
Nhìn về Lâm An lăng miếu cổ
Thê Hà chiều khói phủ mây lồng

Chú thích:
Nhạc Mục Vũ: tức Nhạc Phi, người thời Nam Tống. Lúc bấy giờ trong triều đình Nam Tống có hai phe, phe Tần Cối chủ hòa với Kim, phe Nhạc Phi chủ trương đánh Kim. Sau mười năm xây dựng lực lượng, Nhạc Phi đem quân tiến đánh quân Kim thì Tần Cối mạo lệnh vua gọi về, bỏ ngục rồi giết chết. Vũ Mục là tên thụy được truy tặng. Ở Tây Hồ, Hàng Châu (Chiết Giang) về sau có mộ Nhạc Phi, lại có tượng vợ chồng Tần Cối quỳ phía trước.
(1)    Thạch: một trăm hai mươi cân Trung quốc.
(2)   Tam tự ngục: án ba chữ. Khi Tần Cối ghép Nhạc Phi vào tội tử hình, Hàn Thế Trung hỏi : “Có tội gì?”. Cối trả lời: “Mạc tư hữu” (chẳng cần có). Về sau người ta gọi đó là  “ Tam tự ngục”.
(3)   Tần Cối giả lệnh vua một ngày hạ 12 đạo kim bài, bắt Nhạc Phi rút quân về. Lần cuối cùng Nhạc Phi than một câu rằng: “Công lao mười năm, bỏ đi một ngày!” rồi mang quân về.
(4)     Lâm An: kinh đô Nam Tống nay là Hàng Châu trên sông Tiền Giang.
(5)     Thê Hà: một quả núi ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, dưới chân núi có mộ Nhạc Phi. Theo câu bảy thì Nguyễn Du không đi đến Lâm An, chỉ đứng xa nhìn nên mới nói vọng.

201/249
Tần Cối Tượng I
Điện cối hà niên chùy tác tân (1)
Khước lai y bạng Nhạc vương phần (2)
Thị phi tẫn thuộc thiên niên sự
Đả mạ hà thương nhất giả thân
Như thử tranh tranh chân thiết hán
Nại hà mĩ mĩ sự Kim nhân ?
Thùy vân ư thế vô công liệt ?
Vạn cổ vô năng cụ loạn thần

Tượng Tần Cối I
Cây cạnh điện vua bửa củi rồi
Cạnh mộ Nhạc vương, Cối dựa nhờ
Bàn luận đúng sai chuyện nghìn thuở
Đánh chửi vẫn trơ cái thân hờ
Cứng cát như thế một thân sắt
Chẳng nhục lại luồn cúi quân Kim
Chớ bảo mạng này không công cán
Ngàn năm quân loạn vẫn sợ kiêng

Chú thích:
(1)    Tương truyền cuối Bắc Tống, bên điện vua Huy Tông có cây cối sinh nấm ngọc, người ta cho đó là điềm Tần Cối được trọng dụng để làm mất nhà Tống. Tần Cối trước làm quan Bắc Tống, bị quân Kim bắt rồi tha cho về Nam, làm tể tướng Nam Tống.
(2)   Người đời sau dựng tượng Tần Cối và vợ là Vương thị quì trước mộ Nhạc Phi. Người đến chiêm bái mộ Nhạc Phi thường phỉ nhổ, đánh đập vào tượng vợ chồng tên gian thần đó.

202/249
Tần Cối Tượng II
Cách thiên các hủy ngọc lâu tàn (1)
Do hữu ngoan bì tại thử gian
Nhất thế tử tâm hoài đại độc
Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan
Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết
Giai hạ đồ tru tử hậu gian
Đắc dữ trung thần đồn bất hủ
Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan

Tượng Tần Cối II
Tác tan lầu ngọc cùng gác mây
Một mạng gian hùng vẫn còn đây
Suốt đời lòng đen dạ đầy độc
Ngàn năm sắt sống hứng oan lây
Trong ngục thảm tôi trung đổ máu
Dưới bệ hành thây kể chết rồi
Được kẻ trung thần cùng còn mãi
Lạ thay cho phúc lớn tày trời

Chú thích:
(1)    Cách thiên các: nhà gác của Tần Cối ở, có treo tấm biển đề bốn chữ: “Nhất đức cách thiên” nên gọi là Cách thiên các. Bốn chữ ấy tự tay Huy Tông nhà Tống viết tặng Tần Cối, nghĩa là: “Vua tôi cùng có một đức thuần nhất, có thể cảm thông được lòng trời”.

203/249
Vương Thị Tượng
Nhị thủ
 

Vương Thị Tượng I
Thiệt trường tam xích cánh hà vi ?
Hảo dữ quyền gian bị xướng tùy
Hậu hoạn chính ân cầm hổ nhật (1)
Tiền công an vấn ẩm long kỳ (2)
Nhất sinh tâm tích đồng phu tế
Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi (3)
Để sự tưởng lai “mạc tu hữu”
Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri ? 


Tượng Vương Thị I
Lưỡi thị ba thước làm chi nhỉ ?
Gian thần khéo nghĩa kết phu thê
Trừ hoạn đề phòng đà bắt hổ
Hoàng Long hẹn ước đếm xỉa gì
Một đời bụng dạ hệt gã chồng
Muôn thuở thân thị nhục nữ nhi
Nhớ lại cái lời  “mạc tư hữu”
Phải chăng lời rỉ chốn phòng the ?

Chú thích:
Vương thị: vợ gian thần Tần Cối đời Tống (960-1279).
(1)   Tống bị Kim xâm lăng, Nhạc Phi chủ trương đánh, Tần Cối chủ trương hòa. Tần Cối giả lệnh vua bắt Nhac Phi bỏ ngục, coi như bắt được hổ, nếu để sổng ra thì sẽ có mối lo về sau nên giết đi.
(2)    Ẩm long: Nhạc Phi mang quân đánh Kim, có hẹn với tướng sĩ rằng: “Thẳng đến Hoàng Long cùng các ngươi uống rượu mừng.” (Hoàng Long là thủ đô nhà Kim).
(3)      Ở Hàng Châu hiện có mộ Nhạc Phi, phía trước có tượng vợ chồng Tần Cối quì chịu tội. Vương thị làm điều phi nghĩa, pho tượng của thị làm nhục đến phụ nữ.
(4)    Mạc tư hữu: chẳng cần có tội. (Xem chú thích bài Nhạc Vũ Mục Mộ, số 200).

204/249
Vương Thị Tượng II
Thâm đồ mật toán thắng phu quân
Ưng thị “thần kê” đệ nhất nhân (1)
Bất lạn dĩ sinh tam thốn thiệt
Thuần cương hoàng đắc vạn niên thân
Xướng tùy tận đạo ưng vô hối
Kỹ lưởng đồng niên cánh khả thân
Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng
Dã tằng hám phá Nhạc gia quân (2)

Tượng Vương Thị II
Mưu thâm sâu sắc quá anh chồng
Chính thị nhất mạng đã lộng quyền
Hiếm có trên đời ba tấc lưỡi
Thân lại đúc sắt tiếng vạn niên
Trọn đạo xướng theo chẳng ân hận
Đồng lòng thủ đoạn cùng nhịp ăn
Chớ nói đàn bà không sức lực
Chính thị phá tan Nhạc gia quân

Chú thích:
(1)      Thần kê: do câu “Tẫn kê tư thần”; gà mái gáy sớm, chỉ người đàn bà lộng quyền.
(2)      Nhạc gia quân: quân họ Nhạc. Quân Kim rất sợ Nhạc Phi, thường bảo nhau; “Chuyển núi thì dễ, phá đội quân của họ Nhạc thì khó”.

Friday, October 9, 2015

Trái Gấc Đỏ. SVĐG



Trái Gấc Đỏ

 



Chiêm ngưỡng dưới dàn gấc
Xuýt xoa cùng bạn bè
Ôi sao mà đẹp thế
Gấc xanh xanh mươn mướt
Gấc chín đỏ cam tươi!

Tìm gặp bà chủ trại
Khen gấc chị đẹp quá
Trái gấc đỏ trên cây
Chụp hình khoe cùng bạn
Ai cũng tấm tắc khen
Gấc đâu sao đẹp thế!

Hôm nay ngày thứ sáu
Ngày mùng chín tháng Mười
Nhận qua U.P.S
Một hộp quà nằng nặng
Địa chỉ gởi từ Đền.
Ôi ái ngại quá đi
Mất công chị sai người
Gửi cho em chi đây?

Mở ra…Ồ trái gấc
Trái gấc đỏ hôm nào
Em ngỏ lời xin chị
Vậy mà trong bận rộn
Chị vẫn nhớ như in.
Trái gấc gói cẩn thận
Gửi cấp tốc cho em.
Ôi tình chị quý quá
Em cảm động vô cùng.

Một lời cảm ơn chị
Thơ vài hàng tri ân.

Đàm Giang
Oct 09 2015



Wednesday, October 7, 2015

Nobel Y Khoa 2015


Giải Nobel Y khoa 2015 đã được thông báo ngày 5 tháng 10, 2015.
Sau đây là tổng hợp một số tin thu thập trên internet và những trang nhà khác nhau.

SVĐG





Ba người cùng thắng giải Nobel Y Khoa 2015
(VienDongDaily.Com - 05/10/2015)
STOCKHOLM - Một nữ khoa học gia Trung Hoa đã nhờ đọc lại các bản văn cổ mà khám phá ra một loại thuốc rất công hiệu trị bệnh sốt rét. Hôm thứ Hai, bà chia sẻ giải thưởng Nobel Y Khoa với hai nhà nghiên cứu Mỹ và Nhật Bản. Hai người này cũng có những khám phá nâng cao sự hy vọng của nhân loại trong nỗ lực loại trừ những bệnh nhiệt đới khác.

Bà Tu Youyou (Đồ U U) là người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải thưởng y khoa này. Bà sẽ chia sẻ giải thưởng 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng $960,000 Mỹ kim) với nhà vi sinh vật người Nhật Satoshi Omura, và ông William Campbell, một khoa học gia người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan.

Bà Tu đã có công khám phá ra chất artemisinin (thanh hao tố, được chiết suất từ cây thanh hao hoa vàng). Hiện nay loại loại thuốc này là thứ dược phẩm hàng đầu điều trị bệnh sốt rét, cứu mạng hàng triệu người trên toàn thế giới. Lấy cảm hứng từ y học cổ truyền Trung Quốc, bà đã khám phá ra artemisinin, trong khi làm việc trên một dự án bệnh sốt rét trong quân đội Trung Quốc.

Omura và Campbell phát hiện ra một chất thuốc khác là avermectin. Những sản phẩm dẫn xuất từ chất này chống lại chứng mù mắt sông (Onchocerciasis) và bệnh giun chỉ bạch huyết (Lymphatic filariasis). Những chứng bệnh này được gây ra bởi các ký sinh trùng, và ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Phi Châu và Á Châu.

Ủy Ban Nobel cho biết những người thắng giải đã đem lại cho nhân loại các dụng cụ mạnh mẽ để chống lại những chứng bệnh gây suy nhược. Cả ba người đều ở tuổi 80, và đã làm những bước đột phá của họ trong thập niên 1970 và thập niên 80.
Ủy Ban Nobel nói, “Những hệ quả về mặt cải thiện sức khỏe con người và làm giảm đau khổ là không thể đo lường hết được.”

Campbell, 85 tuổi, là một nhà nghiên cứu danh dự tại viện đại học Drew University ở Madison, New Jersey. Ông làm khám phá chính của ông trong năm 1975, khi đang làm việc tại công ty dược phẩm Merck.

Omura, 80 tuổi, là một giáo sư danh dự tại Đại Học Kitasato ở Nhật Bản, đến từ huyện Yamanashi ở miền trung Nhật Bản. Ông tự hỏi liệu ông có xứng đáng với giải thưởng ấy không.

Omura nói với đài truyền hình NHK của Nhật Bản, “Tôi đã học được rất nhiều từ các vi sinh vật, và tôi đã cậy nhờ vào chúng. Vì vậy chắc tôi sẽ trao giải thưởng ấy cho các vi sinh vật.”

Làm việc trong năm 1970, Omura cô lập những dòng mới của vi khuẩn Streptomyces, và cấy nuôi chúng, để chúng có thể được phân tích về tác động của chúng chống lại các vi sinh vật có hại, theo Ủy Ban Nobel cho biết.

Omura nói rằng dòng quan trọng ấy đã được tìm thấy trong một mẫu đất lấy từ một sân golf ở gần Tokyo. Ông cho biết ông luôn luôn mang theo một túi nhựa trong ví của ông, để có thể thu thập các mẫu đất.

Bà Tu, 84 tuổi, là một nhà nghiên cứu tại Hàn Lâm Viện Y Học Trung Quốc. Là một nhà nghiên cứu trẻ, bà đã được tuyển mộ để làm việc trên một dự án quân sự trong năm 1969, nhằm tìm thuốc trị sốt rét.
Bà quay sang thuốc thảo dược để khám phá ra một chất thuốc mới trị bệnh sốt rét, được chiết suất từ cây thanh hao hoa vàng (sweet wormwood). Chất đó là artemisinin, rất công hiệu để chống lại bệnh sốt rét. Căn bệnh này gia tăng trong thập niên 1960, theo Ủy Ban Nobel cho biết.

Sốt rét là một bệnh được truyền qua muỗi, vẫn giết chết khoảng 500,000 người mỗi năm. Tác động của artemesinin rất sâu đậm. Thuốc này được sử dụng hết sức rộng rãi trên toàn thế giới, đến nỗi có một nguy cơ xảy ra những vấn đề về sức đề kháng.
WHO cho biết sức đề kháng chống lại artemisinin đã được xác nhận tại Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.

Bên cạnh giải thưởng tiền mặt, mỗi người thắng giải cũng lãnh một văn bằng và một huy chương vàng, tại lễ trao giải thưởng hàng năm vào ngày 10 tháng 12, ngày kỷ niệm người sáng lập giải thưởng là Alfred Nobel qua đời.
*



Cuối cùng, giáo sư Tu đã tìm thấy một bài thuốc từ những năm 340 trước Công nguyên và bà cho rằng có thể kỹ thuật sắc thuốc ở nhiệt độ cao mà người xưa sử dụng có thể đã phá hủy các hoạt chất trong thuốc.

Khi đó, bà thử dùng phương pháp trích hóa chất ở nhiệt độ thấp hơn và phát hiện rằng nó có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét ở chuột và khỉ.

Sau khi tiếp tục tinh chế và thử nghiệm riêng các phân tử thuốc (được đặt tên là artemisinin), bà xác định có thể dùng nó để tiêu diệt ký sinh trùng ở người một cách an toàn. Dù vậy, do một số điều kiện khách quan nên vào thời điểm bấy giờ bà không thể thiết lập các thử nghiệm an toàn trên người. Và để nghiên cứu, giáo sư Tu và các đồng nghiệp đã dùng chính cơ thể họ để thử thuốc.

Hiện tại người ta vẫn chưa công bố cơ chế hoạt động của artemisinin. Có thể, nó đã tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét ở thời điểm đầu trong chu kỳ sống của nó, từ đó nhanh chóng làm giảm số lượng ký sinh trùng bên trong máu của bệnh nhân.

Bằng cách kết hợp artemisinin với các loại thuốc điều trị sốt rét khác, các bác sĩ có thể tiêu diệt ký sinh trùng, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân sốt rét xuống gần như một nửa từ năm 2000 đến 2013.

*


Tháng 4/1971, xuất phát từ một bài thuốc được viết từ 1.700 năm trước, bà Đồ cuối cùng đã tìm ra thuốc artemisinin từ cây ngải tây trong cuộc thử nghiệm thứ 191 của mình.
 “Người Trung Quốc gọi tôi là “nhà khoa học ba không”: không bằng tiến sĩ, không có kinh nghiệm ở nước ngoài, không có chức danh do Viện Khoa học và Viện Kỹ thuật Trung Quốc trao. Nhưng đôi khi ai đó có thể làm việc tốt hơn khi không có những điều này,” bà Đồ nói. 

*

Thông cáo của Ủy Ban cho hay Giải Nobel Y học 2015 chia đều cho 2 công trình nghiên cứu:
một nửa giải được trao cho ông William C. Campbell (Ireland) và ông Satoshi Omura (Japan) là những người đã tìm được loại thuốc mới có tên là avermectin để chữa trị những chứng bệnh hiểm nghèo do ký sinh trùng gây nên, như bệnh mù sông (River blindness/Onchocerciasis) và bệnh phù chân voi (Elephantiasis).
Phần nửa giải còn lại được trao cho bà Youyou Tu (Đồ U U- Trung quốc) người chế tạo thuốc artemisinin, với liệu pháp điều trị sốt rét từ thảo dược cổ truyền giúp giảm bớt số người chết vì bệnh sốt rét (Malaria).
Ông William Campbell hiện đang giảng dậy ở Đại Học Drew tại Hoa Kỳ, ông Satoshi Omura là giáo sư của Đại Học Kitasato ở Tokyo, Nhật bản, và bà Youyou Tu đang làm việc cho Viện Nghiên Cứu Y Học Cổ Truyền Quốc Gia tại Bắc Kinh.
*



02:28-06/10/2015
Tiasang.com.vn
“Bà lang” Trung Quốc 85 tuổi nhận một nửa giải Nobel Y học 2015
Nguyễn Hải Hoành

Lần đầu tiên một công dân nước CHND Trung Hoa được trao giải Nobel khoa học, hơn nữa người đoạt giải thưởng khoa học cao quý này lại là phụ nữ.
Mùa giải Nobel năm nay mở đầu bằng việc công bố giải Nobel Y học vào 11h30 ngày 5/10/2015 tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, tức 16h30 cùng ngày giờ Hà Nội. Theo đó, bà Youyou Tu (Trung Quốc) nhận một nửa giải thưởng, phần còn lại chia đều cho hai ông William C. Campbell (Ireland) và Satoshi Ōmura (Nhật).

Ủy ban Nobel cho biết, Campbell và Omura được vinh danh nhờ các phát hiện liên quan tới phương pháp điều trị mới các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi giun chỉ ký sinh, trong khi bà Youyou Tu được tôn vinh nhờ những phát hiện liên quan tới một phương pháp điều trị mới bệnh sốt rét.

Tin này lập tức làm dư luận Trung Quốc dậy sóng, bởi lẽ đây là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, một công dân nước CHND Trung Hoa được trao giải Nobel khoa học, hơn nữa người đoạt giải thưởng khoa học cao quý nhất lại là phụ nữ.

Thảo dược Trung Y kết hợp công nghệ hiện đại

Điều thú vị chưa mấy người biết là nhà dược học Youyou Tu chưa hề có học vị tiến sĩ, mấy lần dự bỏ phiếu bầu làm viện sĩ đều bị trượt, và công trình nghiên cứu của bà hoàn toàn thực hiện trong nước, không có yếu tố nước ngoài.

Ủy ban Nobel cho biết những bệnh do ký sinh trùng gây ra đã gây khó khăn cho loài người suốt mấy nghìn năm qua, trở thành vấn đề sức khỏe lớn có tính toàn cầu.

Bà Juleen Zierath, Chủ tịch Ủy ban Nobel Y học, phát biểu: “Nhà khoa học nữ Trung Quốc Youyou Tu đã chiết xuất được chất Artemisinin dùng để điều trị bệnh sốt rét. Điều đó chứng tỏ thảo dược Trung Y truyền thống của Trung Quốc cũng có thể đem lại những gợi ý mới cho các nhà khoa học.” Bà Zierath nói, nhờ kết hợp công nghệ chiết xuất hiện đại với y học hiện đại, thảo dược Trung Y đã lập được thành tựu “rất xuất sắc” về chữa bệnh.

Thập niên 1960-1970, trong điều kiện cực kỳ gian khổ, nhóm nghiên cứu Youyou Tu đã nghiên cứu cách điều trị bệnh sốt rét. Họ lấy cảm hứng từ các thư tịch y dược cổ điển Trung Y, như “Trửu hậu bị cấp phương”, dẫn đầu phát hiện chất Thanh Hao (
青蒿素, Artemisinin), sáng tạo phương pháp mới điều trị sốt rét. Hàng trăm triệu người dân trên thế giới đã được hưởng lợi ích từ “Thần dược Trung Quốc” này. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa Artemisinin và các dược phẩm liên quan vào danh mục dược phẩm cơ bản.

Youyou Tu có rất ít bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Luận văn gần đây nhất của bà là bài “Phát hiện chất Thanh Hao – món quà tặng của y dược Trung Hoa” đăng trên nguyệt san khoa học nổi tiếng “Nature”, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa có bản dịch bài này.

Bài báo viết : “Tôi suốt đời tham gia nghiên cứu thảo dược Trung Quốc ở Viện Khoa học Y học Trung Quốc. Từ năm 1959 đến 1962, tôi tham gia lớp đào tạo Trung Y dành cho các bác sĩ biết Tây Y, điều đó đã dẫn tôi đến với kho tàng quý báu của thảo dược Trung Quốc.”

Năm 1967, Trung Quốc khởi động Dự án 523 toàn dân chống sốt rét. “Chúng tôi đã điều tra hơn 2.000 loại thuốc thảo dược, chọn ra 640 bài thuốc có thể chữa sốt rét. Cuối cùng, từ 200 loại thảo dược, đã chiết xuất được 380 chất dùng để thí nghiệm chống sốt rét trên chuột bạch, nhưng tiến triển không thuận lợi.”

“Bài thuốc của Cát Hồng
葛洪 đời Tây Tấn [năm 265-317] đã đem lại cảm hứng cho tôi. Ngày 4/10/1971, lần đầu tiên tôi thành công dùng Ether có điểm sôi thấp chiết xuất được chất Thanh Hao, sau đó khi đưa vào làm thí nghiệm, chúng tôi quan sát thấy chất này có tỷ suất ức chế vi trùng sốt rét đạt 100%. Đây là bước ngoặt giải quyết vấn đề, nó chỉ xuất hiện sau 190 lần thất bại.”

“Chất Thanh Hao đã hoàn toàn thành công khi thí nghiệm điều trị sốt rét trên động vật, như vậy khi tác dụng lên cơ thể loài người, liệu có an toàn hay không ? Để xác định vấn đề này một cách nhanh nhất, tôi và các đồng nghiệp đã dũng cảm xung phong làm người tình nguyện đầu tiên thử nghiệm ngay trên cơ thể mình. Đây là biện pháp duy nhất để mọi người tin rằng dùng thảo dược có thể chữa được bệnh sốt rét, vì hồi ấy còn chưa có quy trình đánh giá hiệu quả lâm sàng và tính an toàn của dược phẩm.”

“Sau khi thí nghiệm thành công trên cơ thể mình, nhóm dự án chúng tôi xuống thâm nhập vùng Hải Nam làm khảo sát thực địa. Chúng tôi thử dùng thuốc cho 21 bệnh nhân sốt rét và phát hiện chất Thanh Hao có hiệu quả lâm sàng kỳ diệu bất ngờ trong điều trị bệnh này.”

“Nhà khoa học ba không”


Youyou Tu, chữ Hán viết là
屠呦呦, đọc theo âm Hán-Việt, tức âm chữ Nho, là Đồ U U. Cái tên U U có nguồn gốc từ câu “U U lộc minh, thực dã chi hao “呦呦鹿鸣,食野之蒿”“ trong sách “Kinh Thi 诗经» . Chữ Hao chính là Thanh Hao 青蒿. Người cha đặt tên cho con gái mà đâu có nghĩ tới việc sau này con mình sẽ kết mối duyên bền chặt với cây Thanh Hao.

Đồ U U sinh ngày 30/12/1930, hiện là nhà dược học nổi tiếng Trung Quốc, Nghiên cứu viên suốt đời kiêm Nghiên cứu viên đứng đầu của Viện Nghiên cứu Trung Y Trung Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chất Thanh Hao. Năm 1980 bà được mời làm thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh thạc sĩ, năm 2001 hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Cống hiến đột phá của bà là sáng chế ra loại thuốc mới chữa bệnh sốt rét – Artemisinin và Dihydroartemisinine
青蒿素和双氢青蒿素.

Tháng 9/2011, bà được trao Giải Nghiên cứu y học lâm sàng Lasker (Lasker~DeBakey Clinical Medical Research Award), giải thưởng được coi là cái “phong vũ biểu” của giải Nobel Y học tương lai. Đây là giải thưởng cao nhất cấp thế giới mà giới y học Trung Quốc từng giành được. Thông báo trao giải viết : Bà Youyou Tu được trao giải Lasker “vì đã phát hiện ra chất Thanh Hao, một dược phẩm điều trị sốt rét từng cứu được hàng triệu mạng người trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển”.

Vì không có học vị tiến sĩ cùng học hàm viện sĩ cũng như không nghiên cứu ở nước ngoài, báo chí Trung Quốc gọi đùa bà là “nhà khoa học ba không”. Từ trước tới nay, toàn bộ người Hoa từng được trao giải Nobel khoa học đều có quốc tịch nước ngoài, có học vị tiến sĩ trở lên và đều nghiên cứu ở phương Tây.

Nguồn :
- http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/medicine/laureates/2015/
The Nobel Prize in Physiology or Medicine 2015
- http://society.huanqiu.com/shrd/2015-10/7694333.html
屠呦呦获诺奖:西晋葛洪的处方给了我灵感2015-10-06 02:55:00综合武汉晚报
- http://www.laskerfoundation.org/awards/2011_c_description.htm Lasker~DeBakey Clinical Medical Research Award