Sunday, October 11, 2015

Nhạc Phi. Thơ Hán Nguyễn Du. Bắc Hành Tạp Lục. SVDG


Thơ chữ Hán Nguyễn Du gồm ba tập là
Thanh Hiên Thi tập, Nam Trung Tạp Ngâm, và Bắc Hành Tạp Lục
Trong tập thơ chữ Hán phần Bắc Hành Tạp Lục của Cụ Nguyễn Du, trên con đuờng đi sứ Trung Quốc ông đã có dịp thăm viếng những di tích văn chương và lịch sử có liên hệ đến những danh nhân mà ông có nhiều cảm tình hay chú ý đến.

Nhân có bài viết gần đây nói về một thức ăn Trung Quốc mang tên "dầu chá quẩy" hay gọi từa tựa như thế đuợc coi như có liên quan đến nhân vật Nhạc Phi và Tần Cối cùng vợ Tần Cối là Vương thị,
Sóng Việt xin mời đọc năm bài thơ Hán của Nguyễn Du trong tập Bắc Hành Tạp Lục viết về lịch sử câu chuyện này cho rõ nghĩa hơn.
Sóng Việt Đàm Giang tạm lược dịch.
(Trích từ tập thơ Sóng Vìệt Đàm Giang dịch 249 bài thơ Hán của Nguyễn Du).



200/249
Nhạc Vũ Mục Mộ
Trung nguyên bách chiến xuất anh hùng
Trượng bát thành thương lục thạch cung (1)
Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục (2)
Quân môn do tích thập niên công (3)
Giang hồ xứ xứ không Nam quốc
Tùng bách tranh tranh ngạo bắc phong
Trường vọng Lâm An cựu lăng miếu (4)
Thê Hà sơn tại mộ yên trung (5)

Mộ Nhạc Vũ Mục
Anh hùng trăm trận ở trung nguyên
Thương dài tám trượng, cung sáu cân
Tướng phủ khép tội ba chữ án
Quân thần vẫn tiếc mười năm công
Sông hồ man mác vắng Nam quốc
Bách tùng xào xạc ngạo bắc phong
Nhìn về Lâm An lăng miếu cổ
Thê Hà chiều khói phủ mây lồng

Chú thích:
Nhạc Mục Vũ: tức Nhạc Phi, người thời Nam Tống. Lúc bấy giờ trong triều đình Nam Tống có hai phe, phe Tần Cối chủ hòa với Kim, phe Nhạc Phi chủ trương đánh Kim. Sau mười năm xây dựng lực lượng, Nhạc Phi đem quân tiến đánh quân Kim thì Tần Cối mạo lệnh vua gọi về, bỏ ngục rồi giết chết. Vũ Mục là tên thụy được truy tặng. Ở Tây Hồ, Hàng Châu (Chiết Giang) về sau có mộ Nhạc Phi, lại có tượng vợ chồng Tần Cối quỳ phía trước.
(1)    Thạch: một trăm hai mươi cân Trung quốc.
(2)   Tam tự ngục: án ba chữ. Khi Tần Cối ghép Nhạc Phi vào tội tử hình, Hàn Thế Trung hỏi : “Có tội gì?”. Cối trả lời: “Mạc tư hữu” (chẳng cần có). Về sau người ta gọi đó là  “ Tam tự ngục”.
(3)   Tần Cối giả lệnh vua một ngày hạ 12 đạo kim bài, bắt Nhạc Phi rút quân về. Lần cuối cùng Nhạc Phi than một câu rằng: “Công lao mười năm, bỏ đi một ngày!” rồi mang quân về.
(4)     Lâm An: kinh đô Nam Tống nay là Hàng Châu trên sông Tiền Giang.
(5)     Thê Hà: một quả núi ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, dưới chân núi có mộ Nhạc Phi. Theo câu bảy thì Nguyễn Du không đi đến Lâm An, chỉ đứng xa nhìn nên mới nói vọng.

201/249
Tần Cối Tượng I
Điện cối hà niên chùy tác tân (1)
Khước lai y bạng Nhạc vương phần (2)
Thị phi tẫn thuộc thiên niên sự
Đả mạ hà thương nhất giả thân
Như thử tranh tranh chân thiết hán
Nại hà mĩ mĩ sự Kim nhân ?
Thùy vân ư thế vô công liệt ?
Vạn cổ vô năng cụ loạn thần

Tượng Tần Cối I
Cây cạnh điện vua bửa củi rồi
Cạnh mộ Nhạc vương, Cối dựa nhờ
Bàn luận đúng sai chuyện nghìn thuở
Đánh chửi vẫn trơ cái thân hờ
Cứng cát như thế một thân sắt
Chẳng nhục lại luồn cúi quân Kim
Chớ bảo mạng này không công cán
Ngàn năm quân loạn vẫn sợ kiêng

Chú thích:
(1)    Tương truyền cuối Bắc Tống, bên điện vua Huy Tông có cây cối sinh nấm ngọc, người ta cho đó là điềm Tần Cối được trọng dụng để làm mất nhà Tống. Tần Cối trước làm quan Bắc Tống, bị quân Kim bắt rồi tha cho về Nam, làm tể tướng Nam Tống.
(2)   Người đời sau dựng tượng Tần Cối và vợ là Vương thị quì trước mộ Nhạc Phi. Người đến chiêm bái mộ Nhạc Phi thường phỉ nhổ, đánh đập vào tượng vợ chồng tên gian thần đó.

202/249
Tần Cối Tượng II
Cách thiên các hủy ngọc lâu tàn (1)
Do hữu ngoan bì tại thử gian
Nhất thế tử tâm hoài đại độc
Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan
Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết
Giai hạ đồ tru tử hậu gian
Đắc dữ trung thần đồn bất hủ
Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan

Tượng Tần Cối II
Tác tan lầu ngọc cùng gác mây
Một mạng gian hùng vẫn còn đây
Suốt đời lòng đen dạ đầy độc
Ngàn năm sắt sống hứng oan lây
Trong ngục thảm tôi trung đổ máu
Dưới bệ hành thây kể chết rồi
Được kẻ trung thần cùng còn mãi
Lạ thay cho phúc lớn tày trời

Chú thích:
(1)    Cách thiên các: nhà gác của Tần Cối ở, có treo tấm biển đề bốn chữ: “Nhất đức cách thiên” nên gọi là Cách thiên các. Bốn chữ ấy tự tay Huy Tông nhà Tống viết tặng Tần Cối, nghĩa là: “Vua tôi cùng có một đức thuần nhất, có thể cảm thông được lòng trời”.

203/249
Vương Thị Tượng
Nhị thủ
 

Vương Thị Tượng I
Thiệt trường tam xích cánh hà vi ?
Hảo dữ quyền gian bị xướng tùy
Hậu hoạn chính ân cầm hổ nhật (1)
Tiền công an vấn ẩm long kỳ (2)
Nhất sinh tâm tích đồng phu tế
Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi (3)
Để sự tưởng lai “mạc tu hữu”
Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri ? 


Tượng Vương Thị I
Lưỡi thị ba thước làm chi nhỉ ?
Gian thần khéo nghĩa kết phu thê
Trừ hoạn đề phòng đà bắt hổ
Hoàng Long hẹn ước đếm xỉa gì
Một đời bụng dạ hệt gã chồng
Muôn thuở thân thị nhục nữ nhi
Nhớ lại cái lời  “mạc tư hữu”
Phải chăng lời rỉ chốn phòng the ?

Chú thích:
Vương thị: vợ gian thần Tần Cối đời Tống (960-1279).
(1)   Tống bị Kim xâm lăng, Nhạc Phi chủ trương đánh, Tần Cối chủ trương hòa. Tần Cối giả lệnh vua bắt Nhac Phi bỏ ngục, coi như bắt được hổ, nếu để sổng ra thì sẽ có mối lo về sau nên giết đi.
(2)    Ẩm long: Nhạc Phi mang quân đánh Kim, có hẹn với tướng sĩ rằng: “Thẳng đến Hoàng Long cùng các ngươi uống rượu mừng.” (Hoàng Long là thủ đô nhà Kim).
(3)      Ở Hàng Châu hiện có mộ Nhạc Phi, phía trước có tượng vợ chồng Tần Cối quì chịu tội. Vương thị làm điều phi nghĩa, pho tượng của thị làm nhục đến phụ nữ.
(4)    Mạc tư hữu: chẳng cần có tội. (Xem chú thích bài Nhạc Vũ Mục Mộ, số 200).

204/249
Vương Thị Tượng II
Thâm đồ mật toán thắng phu quân
Ưng thị “thần kê” đệ nhất nhân (1)
Bất lạn dĩ sinh tam thốn thiệt
Thuần cương hoàng đắc vạn niên thân
Xướng tùy tận đạo ưng vô hối
Kỹ lưởng đồng niên cánh khả thân
Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng
Dã tằng hám phá Nhạc gia quân (2)

Tượng Vương Thị II
Mưu thâm sâu sắc quá anh chồng
Chính thị nhất mạng đã lộng quyền
Hiếm có trên đời ba tấc lưỡi
Thân lại đúc sắt tiếng vạn niên
Trọn đạo xướng theo chẳng ân hận
Đồng lòng thủ đoạn cùng nhịp ăn
Chớ nói đàn bà không sức lực
Chính thị phá tan Nhạc gia quân

Chú thích:
(1)      Thần kê: do câu “Tẫn kê tư thần”; gà mái gáy sớm, chỉ người đàn bà lộng quyền.
(2)      Nhạc gia quân: quân họ Nhạc. Quân Kim rất sợ Nhạc Phi, thường bảo nhau; “Chuyển núi thì dễ, phá đội quân của họ Nhạc thì khó”.

No comments:

Post a Comment