Monday, February 8, 2016

Năm Bính Thân Viết Về Khỉ. Sóng Việt Đàm Giang




Năm Bính Thân: Vài hàng viết về Khỉ
Sóng Việt Đàm Giang
Trước thềm năm Bính Thân, xin viết vài hàng lan man về loài Khỉ.

Theo tài liệu khoa học nghiên cứu, thì tất cả các loài Khỉ tại Châu Âu,Châu Á và Châu Phi đều thuộc họ Khỉ Cựu Thế Giới/Cercopithecidae  nằm trong  Bộ Linh trưởng Primates, lớp thú (Mammalia). Đặc điểm chính của các loài này bao gồm: chân sau dài hơn chân trước; đuôi không có khả năng cầm nắm, mũi và hàm hẹp. Cũng theo tường trình khoa học thì các loài khỉ được phân họ tùy theo kích thước, tay dài hay ngắn, đuôi dài, ngắn hay không đuôi, và khuôn mặt có má hay không má. Thêm vào đó, mỗi loài khỉ lại có thức ăn khác nhau .
            Họ khỉ Cercopithecidae được chia thành 2 phân họ : Phân họ Cercopithecinae gồm các loài khỉ có túi má lớn, hàm dài, răng khỏe và dạ dày đơn giản .Đây là nhóm linh trưởng ăn tạp, hoạt động cả dưới mặt đất lẫn trên cây. Và phân họ thứ hai là phân họ Colobinae gồm các loài khỉ Voọc và Chà Vá ăn lá, chúng có răng yếu và dạ dày kết túi, nhóm này hoạt động phần lớn trên cây và thức ăn chủ yếu là các loại lá, quả, chồi cây. Trên thế giới có 81 loài khỉ với 3 nhóm lớn: Khỉ Tân thế giới, Khỉ Cựu thế giới và Khỉ không đuôi.
            “Tại Việt Nam có 5 loài khỉ thuộc phân họ khỉ: Khỉ Đuôi dài (Macaca fascicularis), Khỉ Đuôi lợn (Macaca leonina), Khỉ Vàng (Macaca mulatta), Khỉ Mặt đỏ (Macaca arctoides), Khỉ Mốc (Macaca assamenis). Sách đỏ tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế  (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam phân hạng Khỉ đuôi lợn, Khỉ mốc, Khỉ mặt đỏ ở hạng sẽ nguy cấp, khỉ đuôi dài, khỉ vàng ở hạng ít nguy cấp. Xét về mặt đa dạng sinh học, họ hàng nhà khỉ đã tạo nên tính đa dạng sinh học phong phú trong sinh thái thái rừng nhiệt đới ở nước ta từ Bắc vào Nam, đặc biệt phân họ voọc và khỉ có 5 loài đặc hữu Việt Nam, không thể tìm thấy ở nơi khác trên thế giới: Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus), Voọc Mông trắng (Trachypithecus delacouri), Voọc Mũi hếch (Rhinopithecus avunculus), Voọc Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) và Khỉ Đuôi dài (Macaca fascicularis).”(LKQ?)
            Voọc  Mũi Hếch (phân họ Colobinae) sinh sống ở khu rừng gỗ cao trên đỉnh núi đất, di chuyển bằng tứ chi dọc theo các cành cây lớn ở tầng cao trung bình . Leo trèo giỏi, có thể nhảy từ cây này sang cây kia cách xa nhau 6-7m . Chúng ngủ trên cành cây.
Kèm theo là hình vài con Khỉ voọc chụp được bằng viễn kính trong dịp thăm viếng Tam Hiệp, sông Dương Tử, Trung Hoa đứng ở mực nước sông chụp nhìn lên núi cao bên bờ. Theo lời hướng dẫn viên địa phương và tài liệu khoa học thì đây là khỉ voọc mũi hếch vàng.
            Khỉ hay voọc mũi hếch vàng (Golden snub-nosed monkey), tên khoa học Rhinopithecus roxellana, là một loài họ khỉ trong phân họ Colobinae, bộ linh trưởng (Primates) Nó là loài đặc biệt sinh sống ở  những vạt rừng nhỏ tại các rừng trên núi ôn đới Tây Nam Trung Hoa. Sống ở cao độ từ 1.500m tới 3.400m. Chúng ta có thể thấy loài voọc này tại khu bảo tồn Thần Nông Gia (Shennongjia National Nature Reserve),tỉnh Hồ Bắc, Trung Hoa. Người ta phát hiện chúng lần đầu tiên vào năm 1960. Nỗ lực thống kê số lượng Voọc mũi hếch vàng lần đầu tiên, được tiến hành trong thập niên 80, cho thấy chỉ có cỡ 500 khỉ voọc vàng trong rừng Thần Nông Gia. Tên trong tiếng Trung Hoa là  Voọc lông vàng Tứ Xuyên (川金丝猴). Nó cũng được gọi là voọc mũi hếch vàng Tứ Xuyên (Sichuan). Họ Colobinae nói chung, gồm các loài khỉ voọc ăn lá , chúng có răng yếu và dạ dày kết túi ,nhóm này hoạt động phần lớn trên cây và thức ăn chủ yếu là các loại lá, quả, chồi cây, lá non, và hạt. Loài này đặc biệt chỉ thấy ở Trung Quốc.
            Vùng sinh sống của loài này thường có tuyết mùa đông và nó có thể chịu được nhiệt độ trung bình lạnh hơn bất kỳ loài động vật linh trưởng không phải là người nào khác  Thức ăn của nó thay đổi rõ rệt theo mùa, nhưng cỏ là nguồn thức ăn chính. Voọc mũi hếch vàng là loài hoạt động vào ban ngày và phần lớn sống trên cây, dành khoảng 97% thời gian ở trong tán cây. Nó ưa tìm kiếm thức ăn trong những cây lớn hơn trong rừng, và dành hầu hết thời gian ở rừng nguyên sinh và rừng non, hiếm khi hiện diện ở rừng cây bụi và không bao giờ hiện diện ở đồng cỏ.
            Con cái trưởng thành tính dục ở độ tuổi khoảng 5 năm tuổi. Con đực trưởng thành tính dục ở độ tuổi khoảng 5-7 năm tuổi. Quá trình giao phối có thể xảy ra quanh năm nhưng đỉnh cao trong tháng 10.Thời kỳ mang thai của khỉ mẹ kéo dài 6-7 tháng dài. Khỉ mẹ sinh con từ tháng 3 đến tháng 6.
             Hình chụp vào tháng 9, 2015, ở Qutang, hiệp đầu trong Tam Hiệp, cho thấy những chú voọc nhỏ trong hình còn bú mẹ có lẽ cỡ 5-6 tháng tuổi.
 
            Vùng Tam Hiệp có diện tích khoảng 120 dặm dọc theo sông Dương Tử (Yangtze) đi qua dãy núi Vu Sơn (Wushan). Các Hiệp là một kết hợp của các ngọn núi cao, vách đá dốc và thảm thực vật phong phú. Cảnh khu này đẹp tuyệt vời từ Qutang qua cổng Kuimen đi suốt qua hiệp. Cảnh hai bên bờ là những núi đá vôi cao chót vót có đỉnh lên tới vài ngàn ft, có vách đứng gần như thẳng tắp. Vùng Hiệp Qutang và Hiệp Lesser là nơi có khỉ voọc sinh sống dưới quyền kiểm soát nghiêm nhặt của chính phủ Trung Hoa.

Khỉ voọc mũi hếch vàng

                                                           Photos by GNT/SVDG      

Được nhìn tận mắt những gia đình khỉ hiền lành ngồi cùng nhau bên cạnh những chú khỉ con đang rúc vào mẹ, khỉ mẹ âu yếm che chở cho con, cảm tưởng thật êm ấm biết bao.





* Tài liệu khoa học thu thập trên internet và wikipedia

Sóng Việt Đàm Giang

No comments:

Post a Comment