Thursday, December 22, 2016

Bonsai. Cây Đỗ Tùng LTX. Thơ Sóng Việt




Cây Đỗ Tùng Dưới Tuyết

Thời gian không ngừng trôi
Đỗ tùng phơi sương cùng gió tuyết
Trăm năm vẫn một tâm.

Sóng Việt
November 02, 2007

**

Ba chú hải âu trắng
Bay lượn trên vòm trời
Cùng đôi cá vùng vẫy
Uốn mình theo sóng nước
Tạo bức tranh tuyệt vời
Hình tượng một trái tim
Một tình yêu vĩnh cửu
Như cây tùng sống đời


**
Chim hải âu lờ lững
Đôi cá lội nhởn nhơ
Quấn quýt một trái tim
Bắt lại trong khoảng khắc

Nửa vòng tim ngà ngọc
Chung nhau lời thân ái
Nửa vòng tim nâu thẳm
Chia sẻ nỗi cam go

Đỗ tùng còn xanh mãi
Bức tranh màu thời gian
Có bao giờ tàn phai
Lưu lại cùng nhân thế

Sóng Việt
 November 02, 2007



Wednesday, December 21, 2016

Oyster Plant. Cây Hoa Lẻ Bạn. SVĐG

Vài hàng về cây Hoa Lẻ Bạn
Tài liệu thu thập trên internet với links đính kèm.
Photos internet.

Người viết những hàng chữ này thấy cây này rất thường mà không hề biết là cây hoa này lại có tên
Việt ngữ ngộ như thế!.

SVĐG


Cây hoa lẻ bạn hay Lão Bạng Minh Châu tên khoa học là Rhoeo Spathacea hay Tradescantia spathacea,  tiếng Anh gọi là Oyster plant, cây hoa thuyền lily ( boatlily) hayr Moses-in-the-Basket/Cradle, thuộc họ Commelinaceae.

 Cây hoa này là một loại cây vùng bán nhiệt đới thường trồng rất nhiều ở những nơi như shopping centers, công viên, vuờn nhà, dọc theo đường phố, v.v…
Cây hoa lẻ bạn thấp nhỏ cao độ chừng 20-30 cm. Tàu lá màu tím than mặt dưới, bông hoa mọc ra từ gốc thân, giống như hai cái vỏ sò khép lại. Khi bông nở, hai mảnh vỏ mở ra phô hoa nhụy trắng như hạt ngọc, có lẽ do đó mà cây mang tên Lão Bạng Sinh Châu.



Trong sách của cụ Vương Hồng Sển có ghi cây hoa này mang tên này lấy từ câu Lão Bạng Sinh Châu, chuyện cho biết qua nhân vật Mai Lão Bạng.
Tương truyền, thân phụ Mai Lão Bạng theo Nho học và sống bằng nghề thuốc, hay giúp đỡ người nghèo khó trong vùng nên được dân chúng quý mến, khi quá tuổi trung niên mới sinh con nên khi được bà con, bạn bè chia vui mới lấy câu thành ngữ "Lão bạng sinh châu" (老蚌生珠), trai già nhả ngọc) để đặt tên con là Lão Bạng và tự là Châu.

Mai Lão Bạng (1866-1942)  sinh thời cùng Phan Bội Châu (1867-1940).
Trích Ngục Trung Thư của Phan Bội Châu, đoạn viết về Mai Lão Bạng:
...Tôi (tác giả, tức Phan Bội Châu) với yếu nhân của đảng là Mai quân (tức Mai Lão Bạng) cùng bị bắt hạ ngục...Từ khi xuất dương tới giờ, tôi được nếm mùi ở tù, lần này là lần thứ nhất. Nhưng Mai quân hơn tôi: lần này ông ta vào ngục là lần thứ ba rồi. Vào ngục bữa đầu hết, tôi với Mai quân ở chung một sà lim. Đêm hôm ấy, tôi đọc miệng một bài thơ an ủi Mai quân như vầy:
Phiêu bồng ngã bối các tha hương
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa
Tu mi tam độ nhập linh dường
Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú
Bất thế phong vân đế chủ trương
Giả sử tiền đồ tận di thản
Anh hùng hào kiệt giã dung thường.
Đại ý là:
Bơ vơ đất khách bác cùng tôi:
Riêng bác cay chua nếm đủ mùi.
Tính mạng bao phen gần chết hụt
Mày râu ba lượt bị giam rồi!
Trời toan đại dụng nên rèn chí,
Chúa giúp thành công tất có hồi.
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.



Hai câu:
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Thường đuợc biết đến qua hai câu có thay đổi trong câu một như sau:

Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai

Và đã từng đuợc gán cho tác giả là Nguyễn Công Trứ.
**

Đoạn sau đây chép lại từ Việt Báo.vn

Theo tài liệu chúng tôi hiện có, hai câu thơ trên là bản Việt dịch hai câu thơ cuối trong bài thơ An Mai Quân bằng Hán văn của Phan Bội Châu. Bài An Mai Quân như sau: 

Phiêu bồng ngã bối các tha hương 
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường 
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa 
Tu mi tam độ nhập linh đường 
Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú 
Bất thế phong vân đế chủ trương 
Giả sử tiền đồ tận di thản 
Anh hùng hào kiệt giã dung thường. 


Và đây là bản dịch Việt ngữ của cụ Đào Trinh Nhất: 

An ủi Mai Lão Bạng 
Bơ vơ đất khách bác cùng tôi: 
Riêng bác cay chua nếm đủ mùi. 
Tính mạng bao phen gần chết hụt. 
Mày râu ba lượt bị giam rồi! 
Trời toan đại dụng nên rèn chí, 
Chúa giúp thành công tất có hồi 
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết, 
Anh hùng hào kiệt có hơn ai. 


Theo tác phẩm Ngục trung thư của Phan Bội Châu, bài An Mai Quân ra đời trong nhà ngục ở Quảng Đông, để an ủi linh mục Mai Lão Bạng. 
Như vậy, từ hai câu dịch của Đào Trinh Nhất trên đây, nhiều người nghe phong vị thơ rất giống với cung cách cám cảnh thế thái nhân tình của Nguyễn Công Trứ xưa kia mà gán nhầm cho ông. Cũng lưu ý thêm là: hai câu do Đào Trinh Nhất dịch, có khác ba chữ (nếu, phải, hết thay vì  ví, phỏng, cả), nhưng xét về nghĩa đều giống nhau. 

Hơn nữa, câu cuối bài thơ của Phan Bội Châu giống câu bạn nêu 100%, nên khẳng định hai câu trên xuất xứ từ bài thơ trên của Phan Bội Châu là hợp lẽ. Còn một khả năng nữa, là có ai đó ngoài Đào Trinh Nhất cũng dịch bài này, và câu thứ bảy dịch "ví phỏng đường đời bằng phẳng cả”. 

Nhưng xét nguyên tác, câu "Anh hùng hào kiệt giã dung thường" (anh hùng hào kiệt cũng thường thôi) mà dịch thành "anh hùng hào kiệt có hơn ai" là một sáng tạo của cụ Đào Trinh Nhất rồi, nên khả năng tồn tại một bản dịch khác giống bản này từng chữ ở câu cuối như thế là rất hiếm.



Sunday, December 18, 2016

Vực Thẳm Tận Cùng. Harmony of The Seas. Đàm Giang


Ultimate Abyss
Vực Thẳm Tận Cùng 
trên Tầu Harmony of the Seas của Royal Caribbean





Trên con tàu Harmony Of The Seas của Royal Caribbean có một trò chơi vui mới trượt trong ống mang tên Ultimate Abyss. Ultimate Abyss không phải là ống trượt nước mà là một đôi ống trượt có hình thể rất bắt mắt màu tím, với ống trượt (slide) dài 216 ft, chạy vòng cong dài qua mười decks từ deck 16 (Sport Zone) xuống đến deck 6 (Boardwalk) nằm ở phía đuôi tàu. Người tham dự ngồi trên một cái bạt có dạng một tấm thảm hình chữ nhật, có túi phần trước để bỏ hai chân vào, có dây để cầm chắc tay và ngồi ngả đầu về phía sau  Thời gian tuột ống từ Deck 16 xuống Deck 6 chỉ có 12 giây, với tốc độ nhanh tối đa là 9 miles/giờ.! Ống trượt tối tăm có trang bị với ánh sáng chớp chớp và có tiếng động làm giật mình, và kết thúc với lối ra nằm ngay sau Aqua Theater. Người tham dự chỉ mang người không vào ống không được mang theo những phụ tùng lỏng lẻo như mũ, kính, nữ trang lỉnh kỉnh, hay ví, bị sách theo cùng người.





Rủ một hai người bạn cùng đi nhưng chẳng ai dám đi thế là tôi theo những người du khách già có trẻ có sắp hàng để “thử đi một  lần cho biết”!
Cửa vào ở Deck 16 là mồm một con cá lớn có hàm răng sắc nhọn và đôi mắt thật to. Một nhân viên đưa lên một cầu thang ngắn có lầu bằng kính có thể nhìn bao quát chung quanh. Khi cô nhân viên chỉ tôi ngồi vào tấm bạt bỏ chân vào túi bạt, một tay nắm dây kéo một tay tự đẩy đu mình vào ống tuột thì tôi ớn quá, muốn rút lui nhưng cô ta bảo không sao đâu an toàn lắm nên tiếp tục. Tôi lo lắm vì không biết khi đã chui vào ống rồi thì sẽ ra sao đây. Sau cái đẩy mạnh thì tấm bạt bắt đầu chạy vào màn tối của ống. Sợ cũng đành chịu, nhắm mắt mở mắt thấy có ánh sáng, chút âm thanh kỳ lạ, nhưng rồi vèo một cái thấy trời sang chưng thì đã ra khỏi ống rồi. Qua cơn lo sợ hồi hộp và bây giờ thở mạnh ra được rồi thì thấy không đến nỗi nào và cười được rồi!
Đúng là trò chơi trượt ống này không thích hợp với những ai yếu tim, sợ chỗ chật hẹp, tối tăm. Chắc chắn là tôi chỉ đi một lần cho biết! Và đi cho biết chứ thật tình không có cảm giác thích thú chi…vì…sợ!

Photos by Đàm Giang

Wednesday, December 7, 2016

Serenity. SVĐG



Chỉ nghĩ rằng ở một nơi xa nào đó có một người.....
Cũng đủ ấm lòng và an bình.
Sóng Việt Đàm Giang

The only thought of a distant soul…
Gives one peace and serenity.
Quoc Sung
Dec 06, 2016

Monday, December 5, 2016

Chùa Trấn Quốc. Hà Nội. Việt Nam. SVĐG



Chùa Trấn Quốc
Hà Nội, Việt Nam

Sóng Việt Đàm Giang biên soạn

Chùa Trấn Quốc (chữ Hán 鎭國寺) nằm trên một hòn đảo ở phía Đông Hồ Tây, một hồ nước ngọt lớn nhất ở Hà Nội. Chùa có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long, Hà Nội.  Chùa là trung tâm Phật Giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần. Người sáng lập là Vua Lý Nam Đế (503-548).

Google map

 

    

Cấu trúc chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công ().
Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.



Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát.


  
Khuôn viên chùa có Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý.


Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ, Dr Rajendra Prasad  tặng ngày 21 tháng 3, năm 1959 khi ông đến thăm Hà Nội. Tài liệu cho hay cây bồ đề này là cây Bồ đề hậu duệ đời thứ nhất của cây Bồ đề Tổ ở làng Bodh Gaya, bang Bihar, Ấn Độ, nơi Đức Phật đã giác ngộ hoàn toàn sau 49 ngày thiền định.
Thượng toạ  trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: "Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp".
Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1989.
Sóng Việt Đàm Giang.

Photos by SVĐG.
Tài liệu từ trang:
https://en.wikiquote.org/wiki/Rajendra_Prasad