Một Bài Thơ của
William B. Yeats và của Pierre de Ronsard
(photos from Internet)
Sóng
Việt Đàm Giang
Bài thơ của William Butler Yeats: Một Mai Khi Em Không Còn Trẻ
William Butler Yeats
sinh năm 1865 ở Ái Nhĩ Lan, thuộc vào nhóm dân Anglo-Irish (hay còn gọi là West
Britons). Năm 1868 thì gia đình dọn về Luân đôn, sau đó trở về Dublin, Ái Nhĩ
Lan một thời gian cho đến năm 1887 thì lại sang Luân đôn. Ông nhận được giải
thưởng văn chương Nobel vào năm 1923. Thời gian ở Luân đôn ông tích cực tham
gia phong trào "Phục hưng Ái Nhĩ Lan" với nguyện vọng phục hồi văn
hóa xã hội Gaelic (Irish). Và cũng trong thời gian này ông quen biết Maud Gonne,
một người phụ nữ lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Ái Nhĩ Lan. Năm 1904,
ông thành công trong việc phối hợp thành lập Nhà hát Abbas. Phong trào cách mạng
giải phóng dân tộc Ái Nhĩ Lan (1919-1923) có ảnh hưởng rất lớn đến thơ ông. Thơ
Yeats, với nhiều sắc thái dân tộc Ái nhĩ Lan, là một trộn lẫn giữa biểu tượng
và lãng mạn vào thời điểm đó. Thơ Yeats cũng mang khuynh hướng đào sâu trí tuệ.
Sự thấu triệt thơ ông cần có một trình độ hiểu biết về lịch sử, văn chương, và
xã hội. Trái với một số thi hào đã nhận đuợc giải thưởng văn chương thì đã coi
như đã đạt tuyệt đỉnh văn thơ, và sau đó sẽ không còn giữ được phong độ nữa.
Trái lại sau khi nhận giải thưởng văn chương 1923 qua những tác phẩm trong kịch
trường, thì thi nghiệp của Yeats lại càng tiến cao hơn nữa.
WHEN YOU ARE OLD
When you
are old and gray and full of sleep,
And nodding by the fire, take down this book,
And slowly read, and dream of the soft look
Your eyes had once, and of their shadows deep;
How many loved your moments of glad grace,
And loved your beauty with love false and true,
But one man loved the pilgrim soul in you,
And loved the sorrows of your changing face;
And bending down beside the glowing bars.
Murmur, a little sadly, how Love fled,
And paced upon the mountains overhead
And hid his face amid a crowd of stars.
William
Butler Yeats, 1892.
Trong bài thơ ngắn
12 hàng mà Yeats làm khi 26 tuổi, Yeats nghĩ về Tình yêu, Thời gian và khả năng
tàn phá của Thời gian. Bài thơ viết ngày 21 tháng 10 năm 1891, và được gửi cho
một người đàn bà mà Yeats đã yêu tha thiết, đó là người đẹp Maud Gonne, lãnh tụ
của phong trào giải phóng dân tộc Ái Nhĩ Lan. Vào thời đó Yeats đã cầu hôn Maud
hai lần và đều bị nàng từ chối. Mặc dù bài thơ của Yeats viết bắt chước bài
sonnet nổi tiếng của Pierre Ronsard gửi cho Hélène (1578) "Sonnet
pour Hélène: Quand vous serez bien vieille,...", cùng mang ý niệm của
Shakespeare nói về Thời gian và Tình yêu. Thời gian trong thi phẩm của
Shakespeare nói về sự tàn phá của thời gian, còn trong thơ Yeats thì Thời gian
được dung thứ hơn ,Yeats cảm thấy tự ái được ve vuốt (bởi vì Maud đã từ chối
tình yêu của Yeats khi còn trẻ đẹp, thì nàng sẽ tìm thấy tình yêu ở Yeats với
một tình yêu tôn linh nhiệt tâm).
Khi
Ronsard tiên đoán lúc ông trở thành bóng ma lẩn quẩn quanh mộ mình thì người
Ronsard yêu, nay là một bà già còm cõi sẽ phải hối hận đã gạt bỏ tình yêu của
Ronsard. Trái lại Yeats thì nhẹ nhàng hơn, ông đổ lỗi cho sự thất bại trong
tình yêu không phải là do người đàn bà mà do Tình yêu của chính Yeats, một
người lúc đó đã rời bỏ quỹ đạo của loài người trần thế.
Trong
câu đầu, nhà thơ kể cho Maud Gonne nghe rằng khi nàng về già, tóc bạc xám, nàng
sẽ tối ngày buồn ngủ, ngồi cạnh lò sưởi để sưởi ấm thân thể lạnh cóng. Nhà thơ
sẽ bảo nàng cầm tập thơ của ông lên và đọc chậm chạp, và nhớ những ngày nàng
còn trẻ khi nàng có cái nhìn êm ái và có đôi mắt quầng đậm. Đoạn 2, nhà thơ bảo
nàng hãy nhớ lại những người đã yêu nàng thật sự vì sắc đẹp thể xác hay cả
những kẻ giả vờ. Nhưng ông bảo nàng rằng chỉ có ông là một người đã yêu cả tâm
hồn nàng, một linh hồn được chuyển sinh từ thân thể này sang thân thể khác
(pilgrim soul). Nhà thơ nói rằng chỉ có ông đã yêu nàng không chỉ vì sắc đẹp
trẻ trung mà yêu cả sự phiền muộn và sắc đẹp tàn tạ của nàng. Trong đoạn ba,
nhà thơ nói nhiều hơn nữa rằng khi về già nàng sẽ ngẫm nghĩ, gục đầu bên lò
sưởi nhìn đà đựng củi sáng rực và thương tiếc khóc than nhà thơ mà lúc đó linh
hồn đang lên cao dần vượt quá đỉnh núi và nhập vào với tinh tú trên trời, sau
khi ông đã rời thân xác.
Bài thơ biểu lộ tình cảm thắm
thiết mà Yeats dành cho Maud được coi như là một thông điệp toàn cầu, cấu trúc
theo thể abba trong cả 3 đoạn. Chữ yêu được nhắc đến 6 lần.
Đây chỉ là một bài thơ trong
ít nhất là 26 bài thơ mà Yeats đã viết cho Maud. Sau hai lần ngỏ lời cầu hôn
Maud (năm 1891), là những lần kế tiếp 1899, 1900, 1901, 1903, nhưng ông luôn
luôn bị Maud từ chối. Và cho đến năm 1916 khi Yeats 51 tuổi, ông lại ngỏ lời
muốn lấy cô con gái 21 tuổi của Maud với người chồng đầu tiên, nhưng cũng không
thành. Câu chuyện tình của Yeats với Maud có ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời của
ông từ khi còn trai trẻ đến tuổi trung niên, nhưng Yeats luôn luôn chứng tỏ
tình yêu của Maud không hề làm suy giảm sư hăng say của ông trên con đường
phụng sự văn hóa, chính trị, và xã hội.
Một mai khi em không còn trẻ
Một mai
tóc bạc buồn hiu
Em nghiêng bên lửa nâng niu sách tình (1)
Nhẩn nha đọc nhớ chuyện mình
Một thời đôi mắt diễm huyền quầng sâu
Lúc thời bao kẻ ngất ngây
Yêu em thật giả tình say khó bàn
Riêng anh yêu cả linh hồn
Yêu em yêu cả gánh buồn dung nhan
Cúi đầu bên lửa sáng lan
Em buồn thầm khẽ thở than Tình rời
Bước dần lên núi cao vời
Thoát thân mình giữa vùng trời đầy sao.
Sóng Việt Đàm Giang phỏng dịch
20 July 2009.
Ghi chú.
(1) Sách tình: sách của Yeats, ông
nói về tuyển tập thơ văn mà ông viết cho Maud, đối tượng của bài thơ.
Bài thơ Sonnet của Pierre de
Ronsard gửi Hélène
Như đã viết ở trên, William Butler Yeats đã
viết bài When You Are Old phỏng theo Sonnet pour
Hélène của Pierre de Ronsard. Điểm chung của cả hai bài thơ đều nói
đến tình yêu, tuổi tác và sự hủy hoại của thời gian. Ngoài khác biệt về nhân
sinh quan giữa hai bài, nội dung cũng có khác biệt khi Ronsard mang chính tên
mình vào bài thơ, làm khi ông đã ngoài 50 tuổi và có vẻ như cay đắng, cùng tôn
cao mình lên; còn WB Yeats, làm bài thơ khi mới 27 tuổi, thì bình thản hơn,
khiêm nhường hơn, và cao cả hơn.
Bài
thơ viết theo cấu trúc sonnet 14 hàng, 10 tiết âm mỗi hàng với tám câu đầu theo
vận abba, abba, sáu câu sau ccd, ccd.
Bản
Việt ngữ do Sóng Việt phỏng dịch với một bài 14 hàng 8 âm tiết mỗi hàng, và một
bài viết theo thể lục bát.
Ghi
chú. Ronsard (1524- 1585) làm thơ tình cảm cho rất nhiều phụ nữ. Thơ tình
Ronsard đáng kể và nổi tiếng theo thứ tự thời gian là ông làm về một cô gái rất
trẻ tên là Cassandre Salviati (1545-52), và sau đó là Marie Dupin (1555), và
Hélène de Surgères (1578).
Sonnet pour Hélène
Quand vous
serez bien vieille, au soir à la chandelle
Assise auprès du feu, dévidant et filant
Direz, chantant mes vers, en vous émerveillant
Ronsard me célébrait du temps que j'étais belle
Lors vous
n'aurez servante ayant telle nouvelle
Déjà sous le labeur à demi sommeillant
Qui au bruit de Ronsard ne s'aille réveillant
Bénissant votre nom de louange immortelle
Je serais
sous la terre, et phantôme sans os
Par les ombres myrrtheux je prendrais mon repos
Vous serez au foyer une vieille accroupie
Regrettant
mon amour et votre fier dédain
Vivez, si m'en croyez, n'attendez à demain
Cueillez dès aujourd'hui les roses de la vie
Pierre de
Ronsard (1524-1585)
Hélène Hỡi!
Một mai
nàng già, chiều tối mon men,
Quay tơ cuộn chỉ nghe lửa reo bên
Đọc ca thơ tôi tấm lòng hào hứng
Ronsard ngày đó dốc lòng ngợi khen.
Còn đâu thấy cảnh, thiếu ngủ kẻ hầu,
Tỉnh cơn ngất ngây, giữa ngày mài miệt,
Nghe khi Ronsard buông lời nhiệt liệt,
Vinh danh nàng mãi đến mức thuộc lầu.
Nằm dưới đất, ta, hồn ma lẩn quất, (2)
Lặng lẽ nghỉ dưới vòm cây âm thế. (3)
Nàng già còm, nép mình bên lò sưởi,
Sẽ tiếc nuối gạt tình vì kiêu ngạo.
Hãy nghe tôi nên hưởng trọn ngày nay
Khi tuổi trẻ thanh xuân còn tươi thắm.
Sóng Việt Đàm
Giang phóng tác
21 July 2009.
Ghi chú:
tôi (1) và ta (2) ám chỉ nhà thơ Pierre
de Ronsard.
(3) Cây myrtle ở đây trong Thần thoại Cổ
điển là loại cây ở thế giới bên kia (Âm phủ).
Hélène nàng hỡi!
Một mai
già yếu chiều buông
Quay tơ ngồi sát nghe buồn lửa reo
Thơ tôi em đọc ca theo
Nhớ Ronsard tán đủ điều mỹ nhân
Còn đâu tỳ nữ hầu thân
Tỉnh cơn ngầy ngật, quên phần đa mang
Ronsard ngày đó tôn nàng
Gọi tên em mãi chẳng màng ngày đêm
Bóng ma lẩn quẩn mồ bên
Dưới cây âm thế, nghỉ thêm lặng tờ
Già còm bên lửa em mơ
Tiếc than tự trách ơ thờ vì kiêu
Nghe tôi, nên hưởng ngay yêu
Xuân thì đang độ mỹ miều đẹp tươi.
Sóng
Việt Đàm Giang phóng tác
July
22 2009