Monday, March 1, 2021

Den Quan Thanh Houston Texas.Guandi Temple. SVDG.

 Đền Quan Thánh Houston Texas.

Đền Quan Thánh tọa lạc tại 2089 Phố Milby. Người viết vừa có dịp đi thăm Đền Quan Thánh và có dịp tìm hiểu thêm về văn hóa và tôn giáo nói chung.

Đền rất đẹp, sau hàng rào sắt là một hồ nước có tượng Quan Âm Bồ tát. và có rất nhiều tượng bên trái, bên phải, rồi qua một sân thì bước đến chánh điện. Sẽ có chi tiết thêm sau.

Đây là một số hình ảnh Đền Quan Thánh.






Kèm theo đây những thông tin từ Đền giúp hiểu về lịch sử ngôi đền .

• Ngôi đền được đặt theo tên của một người tướng quân Trung Quốc Quan Vũ và sau đó được gọi là Quan Thánh sau khi ông qua đời. Ông được hoàng đế triều Minh phong thánh vào năm 1594, ông là thần chiến tranh và người bảo vệ Trung Quốc, và vẫn là một nhân vật quan trọng đối với Phật giáo, Đạo giáo và Nho gia.

• Ngôi chùa được thành lập bởi Charles Ngô, một người Việt Nam gốc Trung Hoa di cư đến Hoa Kỳ cùng vợ Carolyn  vào năm 1978. Ông Ngô đã có ý thành lập ngôi chùa  sau một vụ cướp bạo lực tại cửa hàng tạp hóa của ông Ngô, ông may mắn được thoát chết sau lời cầu nguyện đến Quan Thánh.

• Với sự giúp đỡ của Hiệp hội Hainam,ông Ngô đã tạo ra ngôi chùa đa văn hóa vào năm 1999 bao gồm các vị thần Trung Quốc và một vị Phật bốn mặt của Thái Lan.

• Như trong Houston Lifestyles và Homes đã viết, “Đền Quan Thánh Texas cho thấy mối liên quan phức tạp nhưng bổ sung cho nhau giữa Phật giáo và Đạo giáo. Một chuyến viếng thăm ngôi đền có thể dẫn đến suy nghĩ triết học sâu sắc về các truyền thống tôn giáo cổ xưa hoặc giới thiệu một trải nghiệm tuyệt vời về thị giác, âm thanh, khứu giác và hơn hết là sự chào đón nồng nhiệt của các vị quản nhiệm đền."

Quan Thánh Đế Quân.

Quan Thánh Đế Quân tức là Đại tướng quân Quan Vũ của nước Thục Hán thời đại Tam Quốc. Tên tự là Vân Trường, có bộ râu dài, vũ dũng tuyệt luân. Ông cùng với Lưu Bị, Trương Phi kết nghĩa làm anh em ở Đào Viên, nay gọi là “đào viên kết nghĩa”, ông có công bình định Tây Thục, vỗ an bá tánh Kinh Châu, từng đại phá quân Tào.
*Tín ngưỡng dân gian từ triều đại nhà Hán đến nay, đã dần dần dung hợp cả ba tôn giáo lớn Nho (Khổng Tử), Lão (Đạo giáo), Phật giáo (Quan Âm Bồ Tát) lại làm một. Nhưng về niềm tin thần minh, thì đa số tùy theo một hệ thống của tôn giáo đó mà thôi. Ví dụ như, đức tin về “Má Tổ” (Thiên Hậu Nương Nương) là thuộc về Đạo giáo (Lão), tin về Khổng Tử thuộc về Nho giáo, tin đức Quan Âm Bồ tát thuộc về Phật giáo v.v…

Giới hạn niềm tin thần minh có ranh giới rõ ràng, tức tùy thuộc vào tôn giáo của từng người. Riêng về Đức Quan Thánh Đế Quân thì không có ranh giới nào, mà cả ba tôn giáo đều có.

Như đạo Khổng thì tôn xưng Ông là “ Quan Thánh Đế Quân” còn gọi là “Văn Hành Đế Quân”.

 Phật giáo nêu cao gương trung nghĩa của Ông mà gọi là Hộ Pháp. Theo truyền thuyết thì Ông đã từng hiển thánh ở Ngọc Tuyền Sơn và qui y nhà Phật. Nhân đó mà thành Hộ Pháp Già Lam của nhà Phật.

 Còn trong Đạo giáo thì qua nhiều đời tôn xưng, danh hiệu chẳng đồng nhất. Như các danh hiệu sau:- “Hiệp Thiên Đại Đế”, “Tường Hán Thiên Thần”, “Vũ Thánh Đế Quân”, “Quan Đế Gia”, “Vũ An Tôn Vương”, “Ân Chủ Công”, “Tam giới Phục Ma Đại Đế”, “Sơn Tây Phu Tử”, “Đế Quân Gia”, “Quan Tráng Mậu”, “Văn Hành Thánh Đế”, “Sùng Phú Binh Quân” v.v…Phổ biến nhất trong dân gian tôn xưng Ngài là “ÂN CHỦ CÔNG”.

* Theo các sách sử ghi lại, Ông kết hôn vào năm 17 tuổi, năm sau sanh ra Quan Bình. Đến năm 19 tuổi, người quan coi về muối của địa phương (Diêm quan) đàn áp bốc lột bá tánh nên bị Quan Vũ giết chết , đây coi như một hành động nghĩa khí “trừ ác giúp đời”. Sau đó, Quan Vũ phải chạy trốn đến vùng châu Trác của Hà Bắc, làm quen được với Trương Phi rồi sau đó là Lưu Bị. Ba người đã cùng nhau kết nghĩa bằng hữu, rồi từ đó theo phò Lưu Bị, trải qua nhiều cuộc nam chinh bắc chiến để khôi phục nhà Hán. Năm 40 tuổi được phong chức “Thọ Đình Hầu”. Năm 49 tuổi được phong làm Thái Thú ở Tương Dương , chức là “Đãng Khấu Tướng Quân”. Năm 50 tuổi phong làm “Tổng Đốc Kinh Châu Sự”. Năm 59 tuổi (năm 219) thì anh dũng xả thân từ biệt nhân thế ở Đương Dương, Hồ Bắc.

Theo “Tam quốc diễn nghĩa” thuật lại, Quan Vũ bị tướng Ngô là Lữ (Lã) Mông mưu hại ở Mạch Thành, con trai Quan Bình và bộ hạ Châu Thương (Xương) cũng chết theo. Hồn phách anh linh của ba người bay về núi Ngọc Tuyền ở Đương Dương, Kinh Châu, được Phổ Tĩnh Pháp Sư điểm ngộ cho, nên Chân Linh Ngài thường trụ ở Ngọc Tuyền mà phù hộ dân chúng, do đó mà dân cư quanh vùng lập Miếu Thờ Ông.

VỊ THỦ HỘ THẦN CỦA THƯƠNG GIỚI:-

Theo truyền thuyết thì Quan Công lúc còn trẻ, nơi quê hương có lúc làm nghề bán vải vóc để sinh nhai. Lúc sinh tiền, Ông cũng giỏi về việc quản lý , từng làm công việc kế toán sổ sách, đã phát minh ra pháp “Nhật thanh bộ” (kế toán mỗi ngày rõ ràng) giống như ngày nay chúng ta gọi là “Nhật ký chi thu” vậy.
Đức Quan Công sở trường về sử dụng cây đao Thanh long yểm nguyệt, thập phần “có lợi”, từ nầy đồng âm với chữ “Lợi” trong nghề buôn hay giao dịch (có lời). Hơn nữa, trong việc làm ăn mua bán với nhau, điều tối quan trọng là chữ “tín” và tinh thần “trọng nghĩa khí” v.v… mà những đức tính đó,  Quan Vũ đều có thừa. Cho nên giới thương gia mới tôn thờ Ông làm “thần thủ hộ” cho nghề nghiệp mình, hơn nữa Ông cũng có chức năng là “Thần Tài” để phù hộ cho mọi người phát tài.

 THẦN Y DƯỢC:-

Dân gian tin rằng, con người sở dĩ bị bệnh hoặc gặp xui xẻo, là do thần ma quỷ quái phá phách. Quan Công đã được tôn xưng là “Phục Ma Đại Đế” thì dĩ nhiên là có năng lục trừ tà trị quỷ rồi. Do đó, tại các Miếu Quan Đế thường có đặt thùng thuốc để dân chúng đến cầu trị bệnh thì sử dụng cho lành bệnh. Như vậy, Quan Công đã trở thành “Thần Y Dược” .

 THẦN CHIẾN ĐẤU:-

Quan Công xưa đã từng là một vị đại tướng nổi danh. Cho nên, những người học tập võ nghệ thờ Ông là bậc “Võ Thánh” (vị thánh về võ nghệ) trong nhiều đời, mọi người khác thì tin vào tinh thần thượng võ (cứu khổn phò nguy) của Ông, nên xưng là thần hộ mệnh. Còn giới chiến đấu thì cũng thờ Ông làm thần bảo hộ , cho nên, giới thanh niên trước khi đi vào quân ngũ cũng thường hay đến Miếu thờ để cầu xin sự bảo hộ bình an của Ông.
*

Tóm lại

 Giới học tập và văn nhân thì xem Quan Công là một trong “ngũ văn xương” (Văn Xương, Châu Y, sao Khôi, Lã Tiên, Quan Công).

Phật giáo thì xưng Ông có chính khí, xứng đáng làm thần hộ pháp nên phong làm “Già Lam Hộ Pháp”.
Rồi trong Nho giáo, Đạo giáo, giới thương gia, y dược v.v… cũng đều tôn xưng Quan Công như đã nói trên.
Như vậy, chúng ta có thể nói, Quan Công là vị thánh thần của muôn nhà muôn đời.

*Về hình tượng thì giới thương nhân thờ Quan Công với hình tượng ngồi xem kinh Xuân Thu, giới quân sự hay nhà võ thì thờ Ông bằng hình tượng cỡi ngựa múa đao.

Nơi thờ phượng Ông gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hiệp Thiên Cung, Vũ Miếu, Văn Vũ Miếu., hay Đền.

SVĐG tổng hợp

No comments:

Post a Comment