Thursday, February 23, 2023

SVDG.TAM.

 Chữ Tâm và Những Thành Ngữ Hán Việt Cố Sự.

Sóng Việt Ðàm Giang.
Chữ Tâm có nhiều nghĩa khác nhau. Nghĩa thông thường thì tâm là tim, là lòng dạ, là tình cảm con người, là điểm giữa, là tên một ngôi sao trong Nhị thập bát tú và còn nhiều nghĩa nữa.
Nghĩa tâm lý và đạo đức thì người xưa đã cho rằng tâm là nguồn gốc của mọi sinh hoạt tâm lý nên các tình trạng tư tưởng và tình cảm đều gọi là tâm (tâm tưởng, tâm tính, tâm ý). Ngày nay tâm đã đuợc mở rộng ý nghĩa hơn bao trùm từ tình cảm, tình yêu, đến tâm trí (nhận xét sự vật, suy nghĩ, cảm giác), đến lương tâm (thiện ác chiếu theo quy luật đạo đức, xã hội), và các hiện trạng như tâm lý, tâm trạng, tâm thần, tâm hồn, tâm linh.
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chữ tâm được nhắc đến là chữ tâm được viết và biết trong những điển tích cổ, quen thuộc và trở nên những thành ngữ Hán Việt.
Thành ngữ Hán Việt là sự kết hợp của những chữ đã được ổn định, phổ thông, và thịnh hành trong tiếng Trung Hoa và được nhập vào văn hóa Việt Nam, được sử dụng rộng rãi từ lâu. Nó được sử dụng vì nhiều lý do như có người thích nói chữ và thích dùng điển tích cổ, có khi về sự cô đọng ý nghĩa không cần rườm lời mà đủ ý...
Một số thành ngữ Hán Việt cố sự trong bài viết này trích dẫn từ cuốn Từ Điển Hán Việt Thành Ngữ Cố Sự 2014 của tác giả Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, và đã được chính tác giả chấp thuận cho dùng. Một số thành ngữ Hán Việt được sử dụng nguyên bản từ gốc Hán nếu dễ hiểu hoặc phỏng dịch nghĩa cho dễ hiểu hơn.
Dưới đây là một số chữ Tâm trong Thành ngữ Hán Việt
* Tâm cao khí ngạo: chỉ sự tự cao tự đại
* Tâm đầu ý hợp: chỉ cùng chung ý nghĩ, suy nghĩ, hiểu được nhau
* Tâm đãng thần trì: tâm thần phiêu đãng bất định
* Tâm hoa nộ phóng: trong lòng cao hứng vui mừng, mở cờ trong bụng
* Tâm hồi ý chuyển: cải lỗi lầm hướng thiện
* Tâm huyết lai triều: tinh thần dao động như nước thủy triều, ý nghĩ nông nổi.
* Tâm khẩu như nhất: trong lòng ngoài miệng như một
* Tâm khoáng thần di: tinh thần thoải mái, tâm thần thông suốt.
* Tâm kiên thạch xuyên: tâm kiên cường xuyên được qua đá, ý nói khắc phục được gian nan
* Tâm lãng thần hội: tâm ý minh bạch
* Tâm lực giao tụy: tận tâm hết sức lực
* Tâm như đao cát: tim đau như dao cắt ý nói thương tâm thống khổ đến cực điểm
* Tâm như thiết thạch: lòng kiên trì không thay đổi, vững như sắt đá
* Tâm phiền ý loạn: lòng buồn không yên
* Tâm phục khẩu phục: trong lòng ngoài miệng đều cảm phục
* Tâm tâm tương ấn: hai tâm đều hiểu nhau
* Tâm thuật bất chính: bề ngoài có vẻ thiện nhưng tâm địa ác độc
* Tâm trực khoái khẩu: trực tính nghĩ gì nói thẳng
* Tâm tự như ma: tâm tình rối loạn
* Tâm viên ý mã: tâm lý bất định lòng vượn ý ngựa
* Tâm vô bàng vụ: nhất tâm, tâm không bị phân tán
* Tâm vô nhị dụng: tâm không làm hai việc một lúc ý tâm tập trung vào một việc
* Tâm ý như giao: nam nữ tình thâm, ân tình gắn bó như keo sơn.
Vài thành ngữ trong chuyên khoa Y Dược.
* Tâm bệnh hoàn tu tâm dược y : có nghĩa bệnh do trong lòng u sầu mà phát sinh ra thì phải tìm hiểu nguyên nhân nào đã gây ra buồn phiền thì mới hóa giải được.
* Tâm phúc chi hoạn : hình dung cơ thể bị bệnh, không rõ nguyên nhân và phương pháp trị liệu, ý nói có nguy cơ tiềm tàng trong nội bộ.
Thêm nữa, còn có thành ngữ hình dung tâm địa không tốt như
* Tâm lang thủ lạt: tâm địa độc ác, thủ đoạn tàn bạo.
* Tâm thuật bất chính: (câu củaThiên Phi tướng trong Tuân Tử): bề ngoài có vẻ thiện nhưng tâm địa ác .
* Khẩu Phật tâm xà: lời nói miệng từ bi như Phật nhưng tâm địa nham hiểm độc ác như rắn độc.
Tâm cũng là một tên được đặt cho cả nam lẫn nữ.
Vì tâm có nghĩa là trái tim, là tâm điểm của mọi sự, là cảm tình, thể hiện tình yêu thương cho nên chữ tâm đã được nhiều gia đình lấy đặt tên cho con cả trai lẫn gái.
Chúng ta đã thấy những tên cho phái nam như Duy Tâm, Hữu Tâm, Đức Tâm, Chí Tâm, Thiện Tâm, Hoàng Tâm, Phúc Tâm, Khải Tâm, Hoài Tâm v.v...
Những người phái nữ mang tên Tâm còn nhiều hơn nữa như Kim Tâm, Thu Tâm, Thanh Tâm, Minh Tâm, Băng Tâm, Phương Tâm, Đan Tâm, Thục Tâm, Mỹ Tâm, Như Tâm, Ngọc Tâm, v.v...
Chữ Tâm cũng được dùng để đặt như tên lót đệm trong một số tên cho cả hai phái nam và nữ như Tâm Vấn, Tâm Đan, Tâm Khánh, Tâm Khanh, TâmNhư, Tâm Đoan, Tâm Hạnh, Tâm Hoàn, Tâm Hiền v.v...
Chữ Tâm và Những Thành Ngữ Hán Việt Cố Sự
Sóng Việt Ðàm Giang
Tháng 6, 2021.
Hình 1: Chử Tâm do một nhà Nho ở Saigon, Việt Nam viết tặng SVĐG. Photo GNT.
Hình 2,3,4: Internet.
All reactions:
Rose Hoang Tran, Quynh Vu Ngoc and 7 others

No comments:

Post a Comment