Thursday, April 9, 2015

Bi kịch gia Hy-lạp Euripides và vở kịch Medea

Hai bài viết sau đây thu thập trên internet và trang Hoàng Bích Nga trên Newvietart.com.
SVĐG



EURIPIDE (480- 406 TCN)
Thân thế và sự nghiệp của Euripide
Euripide xuất thân trong một gia đình quí tộc, học rộng, tài cao, giao thiệp với các nhà triết học đương thời như Socrate, Anaxagoras (vừa là bạn vừa là thày của Euripide và Pericles) hoặc Protagoras, nhà ngụy biện nổi danh. Ông có ảnh hưởng ít nhiều của họ nhưng không theo trường phái của ai cả.
Tác phẩm đầu tiên của Euripide được biểu diễn những năm 455 TCN, một năm sau khi Eschyle mất. Từ đó cho đến lúc qua đời, ông đã sáng tác 92 vở kịch, nhưng trong các cuộc thi ông chỉ trúng giải nhất được 4 hoặc 5 lần. Bi kịch của ông có những nội dung không giống với bi kịch của Eschyle và Sophocle, có lẽ vì thế mà công chúng chưa quen thưởng thức, chưa đánh giá cao về ông chăng?
Không vui vì gặp nhiều thất bại trong nghệ thuật, lại buồn vì cuộc sống riêng tư, ông đã rời Athènes sang xứ Magnesie, tới ở cung vua Macedoine là Archelaos vào năm 404 TCN, hai năm sau qua đời kinh thành Pella.
Người ta khoác cho ông cái tên"Kẻ ghét đàn bà", ta có thể đoán được Euripide chắc chắn nhiều lần đau khổ trong tình yêu, mất tin tưởng ở phụ nữ. Câu nói chua chát ông đặt vào miệng Médée có thể là một bằng chứng về sự việc này: "Thiên nhiên đã tạo ra đàn bà chúng ta; làm điều thiện thì chúng ta hoàn toàn bất lực mà làm điều ác thì chúng ta là những người thợ lành nghề". Nửa do bản tính con người, nửa do hoàn cảnh tác động, ông luôn sầu bi, cau có, thích sự yên tĩnh, cô đơn. Điều rất đáng chú ý là , trọn cuộc đời, ông không hề nhận được một chức vụ nào dù nhỏ trong bộ máy nhà nước, không có chân trong Hội đồng Năm trăm như Socrate, không làm tướng cầm quân như Sophocle đã từng làm. Thái độ sống của nhà thơ phản ánh một tình trạng xã hội vừa rất phồn vinh vừa đang suy sụp dần về lòng tin do cuộc chiến tranh Peloponèse hao tiền tốn của kéo dài gần ba mươi năm, kết thúc với sự thất bại của Athènes.
….
Sau khi Euripide mất, phần vì những câu chuyện thù oán, ganh tị đã tiêu tan, phần vì nhận thức của công chúng đã chuyển biến theo chiều tiến bộ, người ta bắt đầu hiểu quan điểm triết lý về nghệ thuật của nhà thơ, người ta trở lại tôn sùng nhà thơ, hơn cả Eschyle và Sophocle. Euripide trở thành "lãnh tụ của một trường phái". Người ta học tập, bắt chước Euripide, cả những phần nhược điểm của ông.
Số vở kịch còn lại đến ngày nay của Euripide nhiều hơn tổng số còn lại của Sophocle và Eschyle. Những vở đó có thể sắp xếp lại theo tính chất và chủ đề của nó như sau:
a. Hai tác phẩm có giá trị lớn, Alceste bi thương và Médée rất rùng rợn, không thuộc nhóm chủ đề riêng nào.
b. Năm tác phẩm lấy đề tài ở cuộc chiến tranh thành Troie và những ngày về: Những người đàn bà Thành Troie, Hécube, Andromaque, Hélène, Cyclope.
c. Năm tác phẩm lấy đề tài ở truyền thuyết Agamemnon, Eslectre, Oreste, Iphigenie ở Aulis, Médée, Iphigenie ở Tauride.
d. Ba tác phẩm về thành Thèbes : Những nàng Bachantes, Những người đàn bà Phenicie, Heracles giận dữ.
e. Bốn tác phẩm lấy đề tài ở truyền thuyết Attique : Những người con gái của Héracles, Những người đàn bà cầu xin, Hippolite, Ion.

 Nguồn: internet
*

Medea/Médée
Médée ( 431 TCN)
Médée là một vở kịch mang tính khốc liệt nhất trong lịch sử sân khấu nhân loại, tang thương hơn cả Hamlet và Macbet của Shakespeare, mà cũng lại rất trữ tình trong hình thức diễn đạt. Nó đánh dấu một chặng đường phát triển mới của tư tưởng dân chủ, bình đẳng và của quan niệm về vai trò và chức năng của sân khấu.
Médée không phải vở kịch ghen tuông như người ta quan niệm xưa nay, mà là vở kịch đầu tiên công khai và lớn tiếng đấu tranh cho sự bình đẳng giữa nam và nữ giới, vở kịch của sự trừng phạt. Trong ghen tuông, người đàn bà vẫn ở thế bị động. Trong vở Médée người đàn bà hoàn toàn chủ động: Médée nhân danh nữ giới đã lên án rồi trừng phạt thích đáng thói phụ tình của người đàn ông, tự giải quyết lấy số phận của hai đứa con mình. Vậy là tác giả mặc nhiên đặt ra cho sân khấu một chức năng lớn lao, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển đúng quy luật của xã hội.
Trong vở kịch có hai vụ án mật thiết liên quan với nhau được thi hành ngay sau khi phán quyết. Cả hai vụ, xét dưới góc độ của đạo lý gia đình thì có vẻ là vô đạo, nhưng xét dưới góc độ thúc đẩy xã hội phát triển thì nó hợp lý, nhân đạo và cần thiết; độc giả và khán giả tuy bị sốc nhưng vẫn chấp nhận, vì lương tri và lương tâm của họ luôn luôn xác định được thì phải đặt cái chung lên trên: phán quyết của Médée đã đặt cái quyền lợi nhất thời của gia đình dưới cái quyền lợi chung, bền vững lâu dài của nữ giới, của cả xã hội. Nàng đã phán quyết đúng.
Để lý giải thêm về cái tính chất ác liệt của tác phẩm, đúng qui tắc sân khấu - mọi mâu thuẫn trong hành động đều phải xuất phát từ tính cách của nhân vật - tác giả không quên giới thiệu một cách khá rõ ràng Médée là con gái của "nữ thần bói toán và bùa phép" Hécate và là cháu nội của thần Thái Dương. Nàng đã thừa hưởng cái tính dữ dội, nóng nảy và quyết liệt của ông và cái khoa học bùa phép của mẹ. Nàng đã nói một câu nổi tiếng, vừa biểu hiện cái cá tính của nàng vừa biểu hiện sự vùng lên của nữ giới giành quyền tự do và bình đẳng xã hội:
"Ta thà xông trận ba lần với tấm khiên trên vai hơn là chỉ một lần sinh đẻ" (câu 305- 306).
Và sau đó là tiếng khóc con xé lòng từ một trái tim người mẹ (câu 1266- 1356). Quyết liệt nhưng nhân đạo - đó là tính tư tưởng cao nhất của vở Médée.
Cái bi của tác phẩm của ông thường bộc lộ sự thảm khốc tuyệt đỉnh vì nó kết hợp với cái khủng khiếp mà ít người hình dung nổi như cảnh Médée giết hai con để trả thù chồng. Ông đi sâu vào "tâm lý nhân vật", phanh phui những dục vọng ghê gớm tiềm ẩn trong lòng con người, những dục vọng thúc đẩy con người đến những hành động bạo tàn, vượt ra ngoài khuôn khổ của "tính người", những dục vọng xô đẩy người ta đến những tấn bi kịch thê thảm nhất.
Euripide đã để lại cho nhân loại những sáng tác mang ý nghĩa lớn lao, phản ảnh cả một thời kỳ lịch sử đầy biến động mà trong đó chân dung con người thời đại nổi bật lên với những yêu thương, căm giận sôi sục nhất.
Hoàng Bích Nga
http://newvietart.com/index4.1084.html

No comments:

Post a Comment