Thursday, April 9, 2015

Thần Thoại Hy-Lạp: Bi kịch Medea.Euripide


Bi kịch Medea của Euripide


Bài viết về Médée (Medea) thu thập trên trang nhà trong link đính kèm, không đề tên tác giả bài viết là ai.

SVĐG.
*


Bi kịch Médée - Euripide

I. Giới thiệu chung:

1. Tác giả:

Euripide (480 - 406 TCN) là một trong ba nhà viết bi kịch lớn của Hi Lạp cổ đại bên cạnh Eschyle và Sophocle. Ông lớn lên và trưởng thành ở giai đoạn nước cộng hòa Athène sau một thế kỷ phát triển rực rỡ, bắt đầu suy vong: nội bộ chia rẽ và bị Sparta đánh chiếm. Ông là chứng nhân của những rối ren trong xã hội, sự tan rã của nền dân chủ Athène. Là người có học vấn uyên bác, ở ông có sự tổng hòa nhịp nhàng giữa tư tưởng nhân đạo, tâm hồn tự do phóng khoáng và lòng khoan dung vừa đủ của một hồn thơ minh triết. Ông sáng tác khoảng 92 vở kịch, còn lại được 19 vở. Qua các bi kịch của mình, Euripide phản ánh hiện thực xã hội dân chủ chủ nô ở thời kỳ tan rã, đánh giá chân xác tôn giáo, thần thánh, xã hội, chiến tranh, nhân tình thế thái. Tiếp thu sự tiến bộ cơ bản nhất của thời đại là lòng tin ở lí trí và tư duy con người cùng tư tưởng mới của khoa học, triết học, Euripide xây dựng các nhân vật chính của mình là những con người có tâm tư, suy nghĩ riêng biệt, biết xúc động, hành động vì ý muốn của bản thân và lòng đam mê chứ không hành động theo ý muốn của thánh thần. Và chính từ những nỗi đam mê cuồng nhiệt không được thỏa mãn, nhân vật sẽ dễ dàng bị dẫn đến bi kịch. Ðam mê cũng lấn át lý trí, quyết định và hành động của các nhân vật. Trong kịch của ông, nhân vật thường bị đưa vào những tình huống bi đát, những cơn khủng hoảng nặng nề, qua đó thể hiện tính cách của mình. Ông được coi là người sáng tạo ra loại kịch tâm lý với những nhân vật mang nội tâm phức tạp, đặc biệt là các nhân vật nữ. Kịch Euripide có sự hoà quyện của bi và hài, đậm tính triết lý nhưng gần gũi với đời sống tinh thần nhân dân và lấy trọng tâm là số phận con người, vận mệnh đất nước.

2. Tác phẩm:

a) Nguồn gốc:

Vở bi kịch Médée được trình diễn lần đầu tiên vào năm 431 TCN, trong lễ hội Dyonisies và chỉ giành giải ba trong cuộc thi kịch năm đó do vấp phải sự phản đối của nhiều khán giả.

Nội dung vở kịch được dựa trên câu chuyện thần thoại về người anh hùng Jason – người đã lấy được bộ lông cừu vàng và Médée, ở thời điểm sau khi Jason và Médée đã có hai con trai và đến sống tại Corinthe và trọng tâm xoay quanh sự trả thù của Médée với Jason vì đã bỏ rơi nàng để lấy công chúa con vua Créon. Tuy nhiên, trong vở kịch, chi tiết Médée giết chết hai đứa con của mình là một khác biệt rất lớn so với nội dung của thần thoại.

b) Hoàn cảnh sáng tác:

Vở kịch Médée ra đời trong hoàn cảnh chế độ dân chủ chủ nô Athène đang dần suy thoái, mâu thuẫn trong bộ máy chính quyền ngày càng trở nên gay gắt và giai cấp thống trị cũng dần bộc lộ ngày càng nhiều điều bất công và bản chất xấu xa của nó.

c) Tóm tắt tác phẩm:

Sau khi lấy được bộ lông cừu vàng đem về Iolcos và giúp Jason trả thù vua Pélias, Médée phải cùng chồng và hai con chạy đến Corinthe ẩn thân. Tại đây, hai người chung sống rất hạnh phúc, hòa thuận nhưng rồi Jason vì muốn khôi phục địa vị mà phản bội nàng, ruồng bỏ vợ con để lấy công chúa, con vua Créon trị vì nước này. Phát hiện việc chồng mình bội bạc, Médée hết mực đau khổ, suốt ngày khóc than và không ngừng óan trách Jason. Nàng và hai con còn bị vua Créon đuổi ra khỏi Conrinthe. Cuối cùng, nàng quyết tâm trả thù chồng mình bằng cách lập mưu giết chết cha con vua Créon bằng thuốc độc và tự tay mình giết cả hai đứa con trai rồi mang xác con lên cỗ xe do thần Hélios gửi xuống và bay đi mất.

d) Bối cảnh trong tác phẩm:

Bên cạnh thể hiện nội dung chính là bi kịch của các nhân vật, tác giả cũng đã khắc họa rất rõ bối cảnh lịch sử - xã hội đứng đằng sau và góp phần tác động vào đời sống của từng nhân vật, chính cái xã hội đó đã thêm phần tạo nên những bi kịch đó. Qua vở kịch, ta thấy một xã hội đầy bất công được phản ánh hết sức cụ thể: một đất nước Hi Lạp thời cổ với một ông vua nắm cái uy quyền độc đoán chỉ quen ra lệnh, không quen nghe ai, một xã hội mà pháp luật ban cho nam giới quyền đơn phương ruồng bỏ vợ (rõ ràng đó là một bất công đối với những phụ nữ thủy chung, đức hạnh). Từ cái quyền được pháp luật cho phép mà Jason đã nhẫn tâm ruồng bỏ vợ mình, người đã hết lòng yêu và làm mọi thứ để cứu sống mình. Đã là người phản bội, người phạm luật hiếu khách – phong tục đặc biệt tốt đẹp ở Hi Lạp, nhưng cách ngụy biện cho hành động của Jason đã thể hiện rõ cái không khí mà trường phái ngụy biện đương thời đã tạo nên trong xã hội cũng như trên đường chính trị và một phần của sự ngụy biện đó là do con người thời này còn tin tưởng đến sự định đoạt của các đấng thần linh đang che chở họ. Một xã hội đầy bất công như vậy đã góp đẩy con người tới bước đường cùng (cụ thể trong vở kịch là nhân vật Médée), khiến họ gây ra những tội lỗi đáng sợ và cũng mang họ đến đỉnh điểm của khổ đau và bi phẫn.

II. Bản tính ích kỉ của con người trong vở bi kịch Médée:

1. Vua Créon:

Créon là vua xứ Corinthe nơi Jason, Médée cùng các con tới ẩn náu sau khi giết chết Pélias. Trong vở bi kịch Médée của Euripide, Créon là một nhân vật phụ, là người gián tiếp gây nên bi kịch của Médée nhưng lại góp phần đưa bi kịch ấy lên cao.

Ở Hi Lạp, Jason là một vị anh hùng; danh tiếng của chàng là tấm khiên che chắn cho Corinthe khỏi sự dòm ngó của kẻ khác. Đồng thời, nó cũng là tấm bùa hộ mạng cho công chúa, con gái yêu của Créon. Vì vậy, Créon đã không ngần ngại nhận lời kết giao thông gia với Jason dù ông ta biết rõ việc đó sẽ làm tổn hại sâu sắc tới gia đình hiện tại của chàng. Trong mắt Créon, dường như lí trí đã lu mờ, bản tính ích kỷ đã lấp đầy đôi mắt. Vì bản thân, vì con gái và sự ổn định của chiếc ngai vàng, Créon đã đồng lõa với tội bội tình, bội tín, bội nghĩa của Jason. Không những vậy, vì lo sợ Médée báo thù mà Créon đã nhẫn tâm bức mẹ con Médée tới bước đường cùng - đuổi mẹ con nàng ra khỏi đất nước của mình - bất chấp việc bị căm ghét và phạm vào luật hiếu khách tốt đẹp của người Hi Lạp.

Sự ích kỷ của Créon chính là bản tính thường thấy ở mọi con người: tất cả vì bản thân mình, sẵn sàng làm mọi thứ để bản thân được hưởng quyền lợi cao nhất bất kể điều đó có làm tổn hại tới kẻ khác hay không. Créon đã nói với Médée: Ta thà chịu để mi căm ghét chứ không chịu uổng mạng vì hiền từ. Câu nói đó của Créon là sự bộc lộ rõ ràng bản chất ích kỷ của ông ta. Créon đã cướp Jason ra khỏi Médée và đuổi nàng đi vì nỗi lo sợ của bản thân, và bản tính ích kỉ đã để ông ta hành động như vậy. Con người đầy sợ hãi của Créon được che đậy dưới lớp vỏ của uy quyền và sự ích kỷ thà phụ người chứ không thể để người phụ. Créon quyết liệt đuổi Médée đi dù nàng van xin hết lời. Nỗi lo sợ khiến Créon nghi ngờ mọi điều Médée nói với ông ta, cho nàng là kẻ thù địch, là người đàn nàng giảo quyệt sẵn sàng làm mọi hành động thảm khốc. Mọi hành động mà Créon đối xử với Médée đều chỉ để nàng không thể có hành động nào chống cự lại. Tất cả hành động của Créon đều là theo bản năng bảo toàn – một phần của sự ích kỉ ăn sâu trong tiềm thức con người.

Sự ích kỷ của Créon còn là sự ích kỷ của những kẻ cầm quyền, những kẻ chỉ biết ra lệnh và không biết nghe lời ai. Nếu như Jason sử dụng quyền lực dể làm việc đáng khinh là bội tín, bội tình và để thỏa mãn giấc mộng đế vương thì Créon đã sử dụng quyền lực của kẻ cầm quyền để bảo vệ cho lợi ích cá nhân mình, trở thành đồng lõa với những tội đó. Hành động của Créon được lớp vỏ quyền uy che chắn nhưng sự ích kỷ ấy cũng không thoát khỏi sự phẫn nộ của một trái tim bị phản bội và ruồng bỏ như Médée. Nhìn lại toàn bộ vở kịch, ta thấy Créon là đầu mối quan trọng làm bi kịch của Médée nảy sinh và lên đến cao trào. Sự ích kỷ của Créon là sự ích kỷ ta có thể dễ dàng nhận ra ở bất kỳ con người nào, đó là một bản tính mà không người nào tránh khỏi tuy nhiên trong tác phẩm này, sự ích kỷ đó đã phải trả một cái giá vô cùng đắt.

2. Jason:

Trong thần thoại Hi Lạp, Jason được nhắc đến là một vị dũng sĩ tài ba với nhiều chiến công vang lừng và luôn được nhắc đến như một nhân vật thần thánh và một trong những chiến công ấy là đoạt được bộ lông cừu vàng mang về cho thành Iolcos. Nhưng trong vở kịch của Euripide thì nhân vật Jason được thể hiện - qua những lời thoại của mình, cũng như trong lời trách móc lẫn suy nghĩ của nhân vật Médée - với nhiều bản tính rất con người mà nổi bật là bản tính ích kỉ.

Con người thời nào cũng tiềm ẩn sự ích kỉ và người đàn ông tất nhiên không mang một ngoại lệ nào. Lúc nào họ cũng đều có ít nhiều tính ích kỉ với nhiều lý do, thường là do chính xã hội tác động hoặc là do chính bản chất của người đó. Với người đàn ông trong thời Hi Lạp cổ, điển hình như Jason trong vở bi kịch Médée thì trước tiên là do luật pháp trong xã hội phụ quyền cho phép người đàn ông được quyền đơn phương ruồng bỏ vợ, đó là nguyên nhân làm cho ngươi đàn ông không cảm thấy tội lỗi khi bỏ rơi vợ mình, mặc dù người vợ có thể rất chung thủy và hết mực yêu thương chồng. Và bởi được pháp luật cho phép, họ thực hiện cái quyền đó một cách công khai và không cảm thấy chút áy náy nào cả. Chẳng những thế, người đàn ông, trong mọi thời đại, luôn có những tham vọng, muốn cầu tiến, vì thế họ có thể hi sinh bất cứ điều gì kể cả hôn nhân và hạnh phúc gia đình, cả tình nghĩa vợ chồng để đánh đổi lấy tiếng tăm hay một địa vị xã hội vững chắc để đảm bảo những ích lợi của bản thân (và tương lai dòng tộc sau này). Nhân vật Jason trong vở bi kịch Médée cũng là mẫu đàn ông như thế. Jason lấy một người vợ khác thực ra không phải Jason có điều gì trách cứ Médée, cũng không phải say mê con gái vua Créon mà muốn sử dụng cái quyền đơn phương từ bỏ vợ do luật pháp cho phép. Cũng có thể cho rằng Jason nhận lời lấy con gái vua Créon là để thỏa bản tính của đàn ông là muốn có thêm người phụ nữ bên mình ngay khi đã có gia đình hay để tỏ lòng thương hại một tình yêu hoặc, cũng như nhiều người đàn ông khác, muốn chiếm hữu tình yêu của người phụ nữ của mình và luôn đòi hỏi ở người phụ nữ sự yêu thương, sẵn sàng hi sinh tất cả vì họ (mà chính điều đó đã hình thành nên bản tính ích kỉ, gây nhiều bi kịch cho cuộc sống và người xung quanh - mà người phụ nữ luôn là người gánh chịu bởi họ sống thiên về tình cảm hơn là về lí trí). Bởi vậy, nhân vật Médée cũng như những người phụ nữ trong xã hội này (thể hiện qua lời của dàn đồng ca) khó chấp nhận được những tính toán ích kỉ của nam giới và của luật pháp.

Bên cạnh đó, đứng trước lời buộc tội, trách móc của người vợ mà mình đã bỏ rơi, Jason đã ngụy biện, bênh vực tội lỗi của mình, phủ nhận công lao của vợ và còn hơn thế nữa - biến người làm ơn thành kẻ hàm ơn – lật ngược lại vị thế và công lao của Médée. Jason đặt bản thân lên trên hết, đặt lợi ích của bản thân cao hơn cả những đạo lý làm người. Điều đó chứng tỏ người đàn ông này coi trọng bản thân hơn là người khác, kể cả người không chỉ đã cùng mình chung chăn gối mà còn là người mình nợ ân nghĩa. Tóm lại, Jason cũng là một người mang bản tính ích kỉ dễ dàng thấy được của loài người: Người ta ai cũng yêu mình hơn yêu những người thân thiết. Và cũng như vua Créon, cái giá mà Jason phải trả cho những toan tính ích kỉ của mình cũng vô cùng đắt: mất hai người vợ, mất con và cuối cùng là chìm xuống đáy biển cùng con thuyền Argos của mình như lời nguyền của Médée.

3. Médée:

Nhân vật Médée trong vở kịch cùng tên là một người phụ nữ mang tính cách mãnh liệt, tâm hồn dữ dội và không bao giờ để bản thân bị lăng nhục bởi bất kì ai.

Phần mở đầu vở kịch đã cho chúng ta thấy bản tính mạnh mẽ nhưng đầy sự mù quáng và ích kỉ của Médée thông qua việc kể lại những hành động tàn nhẫn của nàng như: từ bỏ danh phận cao quí, bỏ dòng tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của mình; giết em trai Apsyrte rồi băm xác em mình đem rải khắp nơi để cầm chân cha khi bỏ trốn cùng với Jason. Nàng đã làm tất cả những điều đó chỉ để bảo vệ tình yêu của mình giành cho Jason cũng như giúp Jason giết chết vua Pélias để trả thù. Nhưng cuối cùng, đổi lại cho tất cả những hy sinh đó, nàng chỉ nhận được sự phản bội của chính người chồng mà nàng đã hết mực yêu thương và tin tưởng. Hai người đã từng có cuộc sống hạnh phúc bên nhau sau cuộc trốn chạy khỏi Iolcos và đánh dấu cho sự hạnh phúc trọn vẹn đó là hai đứa con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên cảnh vui vầy không được bao lâu thì những đau khổ lại lần lượt ập đến. Những lời hứa hẹn, thề thốt năm xưa của chồng nàng giờ đây chỉ là những lời nói suông. Vì sự ích kỷ và tham vọng của bản thân mình, Jason để được kết thân với dòng dõi quí tộc đã phản bội gia đình để lấy công chúa con vua Créon. Chính những việc làm này của Jason đã làm tổn thương Médée. Mọi sự phẫn uất, oán hờn, căm phẫn và thù hận trong tâm hồn nàng bắt đầu từ đây. Trong suy nghĩ của nàng, không lúc nào là không có những toan tính, âm mưu nhằm trả thù những người đã đem đến bao nỗi bất hạnh cho mình. Thêm vào đó, vua Créon - người đã tác hợp cho cuộc hôn nhân này vì lo sợ sự trả thù của Médée mà quyết đuổi nàng và hai con nhỏ ra khỏi Corinthe (mà Jason lại để mặc cho Créon đối xử với ba mẹ con Médée như vậy) đã khiến cho Médée tức giận tới tột cùng và quyết trả thù cho bằng được và còn phải là một sự trả thù cay nghiệt và tàn bạo nhất.

Là một người phụ nữ đơn độc, thân cô thế cô, bị dồn vào con đường không lối thoát nhưng với tính cách mạnh mẽ sẵn có, Médée đã lên một kế hoạch hoàn hảo cho quá trình trả thù của mình. Mọi toan tính của nàng được bộc lộ qua nhiều chi tiết đều thật chu đáo, mưu mẹo đến khôn lường. Trước tiên, nàng thuyết phục vua Égée che chở cho mình sau khi rời khỏi Corinthe. Sau khi chắc chắn có được chốn nương thân và sự bảo vệ chắc chắn, nàng giết kẻ tình nhân của người chồng đầy tội lỗi bằng cách tẩm thuốc độc vào bộ áo dài, chiếc đai mũ nạm vàng và bảo hai đứa con mang đến tặng cho công chúa. Thủ đoạn tẩm thuốc độc hạ thủ công chúa của nàng là một âm mưu hoàn hảo, một mũi tên trúng hai đích bởi vua Créon vì thương xót trước cái chết đau thương của con gái mình nên đã ôm công chúa vào lòng và cũng trúng độc chết theo đúng như kế hoạch của Médée đã vạch ra từ trước.

Sau khi hạ thủ được cha con Créon, nỗi oán hận của nàng vẫn chưa thể nguôi ngoai vì Jason mới thực là kẻ mà nàng muốn trừng phạt nhất. Nếu để cho Jason chết thì đấy là một cái chết quá nhẹ nhàng trước những tội lỗi mà chàng ta đã gây ra, vì lẽ đó mà Médée muốn Jason sống không bằng chết, phải đau khổ, giằng vặc suốt cuộc đời. Nàng phải phá hủy tất cả những thành quả mà chàng đã cố gắng tạo dựng được, kể cả hai đứa con – kết tinh tình yêu giữa hai người. Thế nhưng, để có thể thực hiện được hành động báo thù ghê sợ đó, Médée đã phải trải qua một quá trình đấu tranh nội tâm giằng xé và dữ dội.

Sau khi nghe báo tin về cái chết của cha con vua Créon, Médée đã thể hiện sự mềm lòng của mình – một biểu hiện của tâm hồn người mẹ khi thể hiện mong muốn mang theo hai con rời khỏi Corinthe, để chúng có được nàngn tay chăm sóc, bảo bọc của mẹ và trở thành niềm hạnh phúc xoa dịu nỗi đau cho nàng. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, Médée đã từ bỏ ý định giết con. Thế nhưng, lòng thù hận cao hơn lý trí đã kéo hành động của nàng theo hướng ngược lại. Nàng tự giằng vặc bản thân về hành động tàn khốc của mình nhưng cũng cùng lúc đó lại tự nhủ rằng phải tàn nhẫn và gạt bỏ mọi tình yêu thương dành cho con để trả thù Jason. Hành động chính tay giết hai đứa con yêu của mình, một phần là nàng không muốn con mình bị giết bởi chính tay kẻ thù, một phần đó là hình phạt đắt giá mà nàng muốn giành cho Jason – vì chỉ nàng mới có thể sinh ra bọn trẻ còn Jason thì không, nên chỉ nàng có quyền mang cái chết đến cho chúng. Do vậy, hành động tự tay giết chết hai đứa trẻ của Médée đồng nghĩa với việc vứt bỏ thiên chức làm mẹ nhưng lại đồng thời nâng cao thiên chức đó.

Thực ra, Médée chỉ muốn giành lại công bằng cho những gì mình phải gánh chịu. Trong suy nghĩ của Médée, hành động báo thù của nàng là đích đáng vì nàng là một con người bị dồn đến chân tường, không còn lối thoát. Tuy nhiên, sự đau khổ vì bị phản bội và lòng thù hận quá lớn đã khiến Médée trở nên mất hết lý trí và hành động một cách mù quáng, ích kỉ. Rõ ràng, Médée hoàn toàn có khả năng cùng hai con trốn thoát khỏi Corinthe sau khi giết chết cha con vua Créon và nàng cũng từng có ý định như vậy nhưng cuối cùng, nàng lại chọn cách giết con để báo thù người chồng bội bạc của mình dù biết trẻ thơ là vô tội – nàng giết con vì chỉ có như thế thì sự trừng phạt của nàng dành do Jason mới triệt để, mới hoàn hảo, mới đánh gục được hoàn toàn con người bội bạc kia. Như vậy, sự thù hận và lòng vị kỉ cuối cùng đã chiến thắng. Nhằm mục đích cao nhất trả thù, rửa hận cho danh dự đã bị bôi nhọ của mình, Médée đã biến mình thành một kẻ tàn ác nhất và cũng là kẻ đau khổ nhất khi tự mình đâm vào tim mình những nhát dao mà vết thương chúng để lại không bao giờ lành nguyên lại được nữa. Hệ quả của sự trả thù bất chấp thủ đoạn của Médée với chính bản thân nàng như vậy là quá rõ ràng: nỗi căm phẫn trong lòng nàng được thỏa mãn nhưng phần đời còn lại của nàng phải sống trong đau khổ và giày vò. Nỗi đau của nàng không giống nỗi đau của công chúa, của Créon hay Jason – những nỗi đau thụ động, do sự sắp đặt của nàng mà có: công chúa không hiểu rõ nguyên nhân mình phải chết, Créon và Jason là hai người cha bất lực phải chứng kiến cái chết của con mình, Jason từ một anh hùng lại mất hết tất cả danh vọng, vợ con. Nỗi đau của riêng Médée là nỗi đau của một người tự do, một người tự mình thích mũi nhọn vào trái tim mình, mà ấn cho sâu, xoáy cho rộng, mở to mắt mà nhìn máu chảy và là cái giá nàng phải trả cho việc lựa chọn lòng thù hận sâu sắc cùng sự tự ái quá ích kỉ thay vì tình thương cho con và lý trí sáng suốt.

Sự ích kỉ của Médée là mặt trái của một tình yêu mãnh liệt và mù quáng, cũng là một sự phản kháng với những bất công của xã hội đối với người phụ nữ xưa. Là nhân vật chính của vở kịch, Médée dĩ nhiên là đối tượng được tác giả gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm nhất. Do vậy, tuy thấy rõ sự tàn nhẫn và ích kỉ của nhân vật, người xem vẫn có thể thông cảm chứ không coi nàng là một con quái vật giết người không ghê tay vì những hành động ấy đều xuất phát từ lòng khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc gia đình và cuối cùng thì chính nàng vẫn phải chịu đau khổ tột cùng.

III. Mâu thuẫn nội tâm của nhân vật Médée:

Trong vở bi kịch Médée, bên cạnh bản tính ích kỉ của các nhân vật thì sự mâu thuẫn trong hành động và tội lỗi của con người cũng là một vấn đề dễ nhận thấy vì hầu hết các nhân vật quan trọng như Médée, Jason và Créon đều thể hiện rõ những mâu thuẫn trong hành động của chính mình.

Vua Créon đã nhẫn tâm đuổi mẹ con Médée ra khỏi xứ sở của mình để bảo vệ tính mạng của bản thân và con gái. Điều này tuy xác đáng đối với lợi ích của một con người nhưng lại là một tội ác gây tổn thương đến một con người khác. Khi Médée van xin, giãi nàngy bằng những lời khéo léo, Créon từ sự cương quyết và nhẫn tâm ban đầu đã phải xiêu lòng và để Médée được ở lại thêm một ngày như một cử chỉ nhân từ dù biết rõ rằng mình không nên làm vậy. Sự mâu thuẫn này trong hành động của Créon có thể được giải thích rằng ông vốn không phải kẻ sinh ra để làm điều bạo ngược hoặc ông cũng là người cha nên ít nhiều có sự thương cảm với mẹ con Médée.

Nhân vật Jason có mâu thuẫn tương tự: ban đầu thì theo ý vua Créon đuổi vợ con đi; ngụy biện cho hành động ích kỉ của một người chồng, người cha và còn mắng nhiếc nàng. Thế rồi, sau khi Médée thay đổi thái độ, xin lỗi Jason hết lời thì Jason lại nguôi lòng và còn hứa là sẽ cố gắng làm nhà vua xiêu lòng và khiến công chúa bằng lòng để ban cho hai đứa trẻ ân huệ được thoát cảnh lưu đày. Jason không phải không biết Médée mưu trí và có lòng tự trọng cao như thế nào nhưng bên cạnh sự kiên quyết đuổi vợ đi thì dường như Jason vẫn còn chút tình nghĩa vợ chồng mờ nhạt và sự yêu thương con cái cùng trách nhiệm với chúng nên mới có thể dễ dàng thay đổi quyết định của mình.

Ở đây, ta có thể hiểu được các mâu thuẫn trong hành động của Créon và Jason khá dễ dàng nhưng với sự mâu thuẫn của Médée thì không dễ dàng như vậy. Nếu như thái độ nhẹ nhàng, cam chịu của nàng trong cuộc đối thoại với Créon và Jason mâu thuẫn với mối hận hừng hực trong lòng có thể được xem như một đòn tâm lý đánh vào kẻ thù hay việc nàng yêu thương con nhưng lại khó chịu khi nhìn thấy chúng là do chúng gợi nhắc cho nàng một hạnh phúc xa xôi thì mâu thuẫn lớn nhất và ghê gớm nhất nằm ngay trong hành động giết con: mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, chính mâu thuẫn này đã làm nên bi kịch đỉnh điểm của tác phẩm.

1. Mâu thuẫn giữa tình yêu thương con và sự thù hận:

Médée là một nhân vật có diễn biến tâm lý rất phức tạp, được Euripide xây dựng một cách tài tình. Mâu thuẫn nội tâm của nàng được thể hiện ra bên ngoài như một mâu thuẫn dữ dội giữa lòng yêu thương con và lòng thù hận.

Khi quyết định thực hiện kế hoạch trả thù những kẻ đã gây đau khổ cho mình, Médée cũng quyết định sẽ giết chết hai đứa con mình mang nặng đẻ đau, là kết quả của một tình yêu nhưng nhận lại một sự đau khổ. Để làm được điều này, Médée đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Thiên chức làm mẹ đã mang lại cho Médée niềm hạnh phúc được bế trên tay đứa con bé bỏng mới chào đời, được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên ngây thơ của chúng và được hôn lên những đôi môi xinh xắn. Nhưng giờ, khi mà một tình yêu đã bị san sẻ, người chồng mình đã từng yêu thương hết mực trở thành kẻ bội bạc, Médée nhìn nụ cười ngây thơ cho dù vô tội nhưng là kết tinh của một tình yêu đau khổ, nàng càng đau lòng, nàng đâm ra thù hận cả hai đứa con của mình. Một người mẹ tất nhiên luôn có một tình yêu lớn lao, bao la dành cho con bởi đứa con không chỉ là kết tinh của tình yêu đôi lứa mà còn là máu mủ mang nặng đẻ đau của mình. Thế nhưng khi tình yêu được đáp trả bằng sự phản bội và tàn nhẫn thì chính những liên quan, gắn kết đó lại làm tăng thêm nỗi đau của người phụ nữ, nó nhắc về một thời gian đẹp để rồi bây giờ bị lãng quên. Médée đã phải suy nghĩ và ra quyết định trong hoàn cảnh này, trong sự day dứt giữa tình thương con cái và lòng thù hận đang ở đỉnh điểm. Mâu thuẫn này giằng co, giày xéo trong tâm trí nàng, khiến nàng khổ sở khi phải chọn lựa làm sao để có thể thỏa mãn được tất cả những thứ nàng mong muốn.

Médée nghe tin vua Créon và công chúa đã chết xong thì bắt đầu độc thoại. Phần độc thoại đó thể hiện rất cụ thể quá trình đấu tranh tư tưởng của nàng. Trong đó, nàng buộc bản thân phải cứng rắn; phải hi sinh tất cả để đạt được mục đích trả thù; phải gạt đi những hình ảnh âu yếm, những kỉ niệm cùng con; phải giết chết đi kết tinh của cái tình yêu bị phản bội để có thể rũ bỏ hoàn toàn tình yêu đó. Hành động giết con của Médée tuy có phần tàn ác nhưng cũng là biểu hiện cho tình yêu thương con vô bờ. Médée giết con để con không phải rơi vào tay kẻ thù và kẻ đã ruồng bỏ mẹ con nàng; giết con để khẳng định đây là giọt máu mình đã mang nặng đẻ đau và chỉ nàng – người ban tặng cuộc sống cho hai đứa trẻ mới có quyền tước bỏ cuộc sống của chúng. Như đã trình bày ở phần bản tính ích kỉ của con người, Médée đã đặt sự thù hận lên trên tình cảm, từ đây, ta biết rằng trong cuộc tranh đấu giữa yêu thương và thù hận trong Médée, thù hận đã chiến thắng.

2. Mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm:

Mâu thuẫn dễ nhận thấy nhất của nhân vật Médée là mâu thuẫn giữa tình yêu thương con và sự thù hận – tức là giữa tình cảm vả tình cảm, thế nhưng, thực sự bao trùm lên nội tâm của nhân vật này là mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm.

Khi toan tính trả thù người chồng tội lỗi và những kẻ đồng lõa, trước tiên, Médée suy nghĩ xem cách trả thù nào là hiệu quả nhất và an toàn nhất cho bản thân. Như vậy, dù đang ủ ê, đau khổ nhưng lý trí của nàng vẫn còn rất mạnh mẽ. Chỉ đến khi vua Créon xuất hiện và đuổi nàng đi, cơn phẫn nộ mới lên tột cùng và nàng mới quyết tâm trả thù một cách tàn bạo nhất, kể cả phải giết chết hai con. Ngay lập tức, đầu óc sắc sảo được kết hợp với lòng căm hận dâng cao hơn lý trí của nàng đã vạch ra được một kế hoạch hoàn hảo. Tuy nhiên, sau khi hạ sát được cha con vua Créon, lý trí của Médée lại nổi dậy, dẫn đến sự giằng vặc và do dự của nàng nửa muốn tiếp tục trả thù, nửa muốn mang con ra đi để trẻ thơ được tiếp tục hưởng cuộc sống quý giá. Nhưng cuối cùng, tình cảm mãnh liệt lại lấn át lý trí, nàng đã gạt bỏ tình yêu để dành chỗ cho hận thù đang mãnh liệt; gạt bỏ luân thường, đạo đức (mẹ giết con) để thỏa mãn mong muốn trừng phạt những kẻ gây đau khổ cho mình. Như vậy, mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm trong Médée liên tục có sự giằng co và sự thay đổi vị thế giữa hai đối cực này (lúc thì lý trí mạnh mẽ hơn, lúc thì tình cảm thắng thế). Đặc biệt hơn, lý trí và tình cảm ở đây không hoàn toàn triệt tiêu lẫn nhau mà còn hỗ trợ nhau, tạo nên mối quan hệ hai chiều: khi Médée lên kế hoạch trả thù, tình cảm giúp cho lý trí trở nên quyết đoán hơn và ngược lại, lý trí chịu trách nhiệm thực hiện kế họach trả thù, thỏa mãn cho những mong muốn của tình cảm mãnh liệt. Vì thế, dù cuối cùng Médée đã để tình cảm giành phần thắng, ta vẫn thấy trong suy nghĩ và hành động của nhân vật này tuy cảm tính và có phần điên rồ nhưng lại ẩn chứa một sự tỉnh táo, điềm tĩnh đầy lý tính.

Tóm lại, những mâu thuẫn của nhân vật Médée là những mâu thuẫn nội tâm chồng chéo, giữa các thái cực tình cảm khác nhau, giữa tình cảm và lý trí nhưng có tính thống nhất cao độ, làm bật lên cá tính mạnh mẽ cùng tâm hồn dữ dội của nhân vật đặc biệt này. Thông qua đó, hình ảnh Médée hiện lên rõ nét hơn với nỗi đau giằng xé và sự mâu thuẫn dữ dội trong tư tưởng nhưng đồng thời lại có hành động hợp lý lẫn hợp với logic tình cảm con người.

VI. Tổng kết:

Trong vở bi kịch Médée, chuyện nhân tình thế thái đã được tác giả ghi nhận rõ ràng và khái quát. Euripide đã thể hiện cho người đọc, người xem thấy rõ được nội tâm cũng như bản chất của từng nhân vật. Tuy họ bộc lộ bản tính của mình ở một khía cạnh khác nhau nhưng lại có một điểm chung là mang trong mình bản chất ích kỉ rất lớn, ai cũng muốn thỏa mãn ước muốn của bản thân và vì thế họ bất chấp tất cả mọi thứ để đạt được mục đích. Dù là vị vua cao quý hay là người đàn nàng bị phản bội, ai cũng sẵn mang trong mình bản tính nhỏ nhen: vua Créon vì sợ Médée làm hại nên phải đuổi ra khỏi đất nước, Jason vì muốn được lấy công chúa nên đã thực hiện cái quyền được đơn phương ruồng bỏ vợ, Médée vì muốn trả thù nên bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Những toan tính cá nhân này hợp lại đã tạo nên cái bi kịch lớn của sự ích kỉ trong toàn vở kịch, khi mà cái nhỏ nhen đáp trả cái nhỏ nhen và tính ích kỉ cuối cùng không mang lại gì ngoài thù hận, chết chóc và mất mát – những cái dẫn đường cho con người đi tới bi kịch. Không những vậy, mâu thuẫn nội tâm của nhân vật Médée là những nỗi giằng xé dữ dội giữa lý trí và tình cảm được đẩy lên tới cực hạn, thể hiện sâu sắc những ngóc ngách trong tâm hồn phụ nữ và cũng là minh chứng cho tài năng của “nhà triết lý trên sân khấu” Euripide, nhờ vậy, vở bi kịch Médée dù có một kết thúc thảm khốc nhưng lại không khiến người xem cảm thấy ghê sợ mà còn đồng cảm và thương xót cho Médée để sau hàng ngàn năm, đây vẫn là một trong những đỉnh cao của bi kịch Hi Lạp và sân khấu thế giới.

Nguồn: internet
Được đăng bởi Tyara Tran vào lúc 09:02
Bi kịch Medea Euripide:
 

No comments:

Post a Comment