Tuesday, August 4, 2015

Việt Nam.Thăm Viếng Núi Yên Tử. SVĐG




Núi Yên Tử. Quảng Ninh
Sóng ViệtĐàm Giang biên soạn

Núi Yên Tử là một quả núi nằm trong dãy núi Đông Triều, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đường đá gập ghềnh, lên thăm núi Yên Tử ước chừng 6 km và phải leo cỡ 6 giờ mới tới được đỉnh. Nhưng hiện nay việc lên núi đã dễ dàng hơn với hai đường cáp treo.
Ngoài trúc như tên gọi Trúc Lâm Thiền Tự, núi Yên Tử có nhiều loại cây sống đã cả 6-7 trăm năm như cây soài, cây đại, cây tùng (bạch tùng, thanh tùng, xích tùng) cùng nhiều loại cây gỗ quý như gỗ lim, gỗ dầu v.v…

Núi Yên Tử là ngọn núi cao cỡ 1,068m trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc  thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Với nhiều di tích lịch sử núi Yên Tử đã được mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn.Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi...

 Hành trình lên Yên Tử ngày nay được dễ hơn vì hệ thống cáp treo 1 lên gần Hoa Yên hoàn thành năm 2002, nối liền từ chùa ngay dưới đất lên tới cao độ hơn 500 m, nơi có chùa Hoa yên. Từ Hoa Yên đi bộ một khúc là đến hệ thống cầu treo 2, đưa lên khu tháp 7 tầng, cao độ 900m, nơi này có một vùng bằng phẳng và là nơi có có tượng đá An Kỳ Sinh (hay Yên Kỳ Sinh). Từ An Kỳ Sinh leo lên dốc đá cỡ hơn nửa giờ nữa thì sẽ đến cổng trời rồi đến chùa Đồng nằm trên đỉnh ngọn núi Yên Tử ở cao độ 1,058m-1,068m.

Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo  tu hành và thành lập một dòng Phật giáo riêng biệt cho Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo
.
Đường lên núi Yên Tử
Có thể lên núi Yên Tử bằng hai cách:
Thứ nhất. Theo đường cáp treo 1 và cáp treo 2 vượt quãng đường trên 1,2 km lên tới độ cao 450 m gần chùa Hoa Yên. Với cách này có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao với những câytùng, đại cổ hàng trăm năm tuổi, đặc biệt là giống tùng đỏ (Dacrydium elatum -Roxb-Wall) là một loài quý hiếm chỉ có ở Yên Tử,
Thưa hai. Theo đường đi bộ dài trên 6 km với hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua cơ man cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông.
Đi từ dưới chân núi lên chúng ta sẽ gặp các di tích lần lượt như sau:
1. Chùa Trình. 2. Chùa Suối Tắm. 3. Chùa Cầm Thực. 4. Chùa Lân. 5. Suối Giải Oan
6. Chùa Giải Oan. 7. Am Lò Rèn – Hòn Ngọc – Vườn tháp Huệ Quang. 8. Chùa Hoa Yên
9. Thác Ngự Dội – Am Thiền Định – Thác Vàng. 10. Chùa Một Mái. 11. Am Diêm – Am Hoa – Am Dược. 12. Chùa Bảo Sái. 13. Chùa Vân Tiêu. 14. Tượng đá An Kỳ Sinh. 15. Cổng Trời – Bia Phật – Bàn Thờ Tiên. 16. Chùa Đồng.






Chùa Trình là ngôi chùa đầu tiên tại cửa ngõ vào Yên Tử, là nơi vào dâng hương để  được hành hương lên núi.
Chùa Lân là ngôi chùa nhỏ mang hình con lân. Nơi đây xưa kia là nơi tu hành đầu đầu tiên của Đức Trần Nhân Tông khi ông về Yên Tử. Lân là con vật linh thiêng thường đặt ở cổng chùa với ý nhìn thấu tâm của con người. Chùa Lân (chùa Trình xưa) là nơi kiểm định chân tâm người vào cảnh Phật.
Chùa Giải Oan với suối Giải Oan một cây cầu đá xanh dài 10 m nối hai bờ suối. Tương truyền khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) tìm đến cõi tu hành, ông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối Hồ Khê tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối Hồ Khê mang tên suối Giải Oan. Gần chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ nhà sư Pháp Loa và Huyền Quang.

 Cáp treo 1
Tiếp đó tới chùa Hoa Yên. Chùa Hoa Yên vốn có tên là Vân Yên (mây khói),  hay Phù Vân, mang hàm ý là chùa tận trên núi cao quanh năm mây phủ, lững lờ trôi, trắng nhẹ như mây khói trên núi. Từ khi Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) lên vãn cảnh, thấy sắc hoa tươi đẹp nên cho đổi là chùa Hoa Yên.
Chùa Hoa Yên ở độ cao 535m, với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử.  là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa ở Yên Tử. Chùa có kiến trúc kiểu chữ “đinh” với năm gian tiền đường và hậu cung xây vào thời Nguyễn. Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều những tượng, bia, tháp cổ, và những di vật quý giá như gạch hoa cúc, ngói mũi hài kép thời Trần, những bức phù điêu chạm trên đá hình sư tử, đầu rồng. Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, núi nhô ra như trán, mũi, hàm rồng. Ðôi mắt rồng ở ngôi tháp tổ, hai dãy núi Tây, Ðông vươn về Nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng.

                                                       Leo thang lên núi Hoa Yên


Khu vườn trúc

Chùa Hoa Yên

Cây Đại cổ

Tháp Huệ Quang

Đi nữa

 Leo thang nữa

                                              Cáp treo 2 đến chùa Vân Tiên và tháp 7 tầng


Tiếp tục đi theo con đường đá rêu phong, qua thác Ngự Dội, am Thiền Ðịnh, thác Vàng với những vách đá dựng đứng cao, dây leo chằng chịt. Mùa hè các thác ở đây rất đẹp, nước trắng bạc chảy từ chùa Ðồng (1,068m) như dải lụa đào thả xuống thành suối vàng. Ðến chùa Một Mái, ngôi chùa chênh vênh trong vách núi, nửa nhô ra bên ngoài, nửa bám vào vách đá với cảnh vật tĩnh lặng, thanh thoát, cách xa nơi trần tục.
Qua chùa Một Mái là đến chùa Bảo Sái, nằm chênh vênh trên sườn núi, ở độ cao 724m, tựa vào vách đá cao chót vót là biên tập và ấn tống tất cả các kinh sách của Thiền Phái Trúc Lâm rồi chuyển đến các chùa để truyền giảng thiền tông cho tín đồ, Phật tử.
Chùa Vân Tiêu tọa lạc trên một gò núi cao, nhìn từ bên dưới ngôi chùa nổi bật giữa trời mây bát ngát. Chùa  nằm ở độ cao hơn 900m, trên một vùng đất phẳng và rộng. Trên đường hành hương lên chùa Ðồng này có pho tượng đá mang tên tượng An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh. Tượng đá An Kỳ Sinh hay tượng đá đạo sĩ này tọa lạc trên một khoảng đất khá rộng, cách tháp 7 tầng mới, điểm dừng chân cuối cùng của tuyến cáp treo Hoa Yên – Yên Tử khoảng 200m. Đây cũng chính là đoạn cao nhất trong dãy Yên Tử , đoạn từ tháp 7 tầng đi lên chùa Đồng, đoạn nào cũng dốc, đá núi lởm chởm tuy nhiên chỗ đặt tượng thờ An Kỳ Sinh lại bằng phẳng mặc dù rộng chưa đầy 100m2.
                                                              Tượng đá An Kỳ Sinh
Là tượng đá xanh nguyên khối, lại đứng giữa đất trời hàng nghìn năm nên trên mình tượng An Kỳ Sinh bám đầy rong rêu. Thoạt nhìn, tượng là một khối đá tự nhiên, giống dáng một vị sư khoác áo chùng thâm, hai tay đang lần tràng hạt, mặt hướng về phía Tây như đang hướng về đất Phật.
 Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú có dẫn bài thơ “Thủy văn tùy bút” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bài thơ này có nhắc đến Yên Kỳ Sinh như một vị tiên giả từng tu luyện linh đan trên đỉnh cao nhất của Yên Tử. Như vậy, ngay từ thời Trần trên núi Yên Tử đã có di tích An Kỳ Sinh.
Về nguồn gốc của vị đạo sỹ họ Yên này, ông Nguyễn Duy Hinh cho biết, theo sách “Liệt tiên truyện” của Trung Quốc thì Yên Kỳ Sinh là người Phụ Hương ở Lang Gia (vùng Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), chuyên bán thuốc ven biển Đông Hải, người bấy giờ gọi là Thiên Tuế Ông. Tần Thủy Hoàng đi tuần phương Đông đã từng nói chuyện với ông rồi tặng ông kim hoàng cùng ngọc bích. Không hiểu sao sau đó ông bỏ lại số quà tặng quí báu này trong đình Phụ Hương rồi để lại một bức thư, một đôi giày bằng xích ngọc để báo đáp và dặn Tần Thủy Hoàng mấy năm sau hãy đến tìm ông ở núi Bồng Lai. Theo lời dặn, mấy năm sau Tần Thủy Hoàng sai Từ Thị (Từ Phúc), Lô Sinh đem mấy trăm người ra biển tìm ông nhưng chưa đến núi Bồng Lai thì gặp bão nên phải quay về. Trong một số thư tịch và sử liệu khác của Trung Hoa còn có thêm chi tiết, Yên Kỳ Sinh đã từng tìm được cây thạch xương bồ để cứu một người qua cơn thập tử nhất sinh và cũng chính nhờ uống loại cây kỳ diệu này mà trở nên trường sinh bất tử, sống đến nghìn năm.
Cũng theo Nguyễn Duy Hinh thì trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của Việt Nam từng nhắc đến loại cây thạch xương bồ (tương truyền là một loại kỳ dược, có thể chữa được bách bệnh) mọc khá nhiều trên đỉnh núi các vùng Sơn Tây (Hà Tây), Tam Dương và Lập Thạch (thuộc vùng đất Quảng Ninh và Phú Thọ ngày nay). Như vậy, khả năng Yên Kỳ Sinh từng tìm đến Yên Tử để tìm cây thạch xương bồ cứu người hoặc luyện linh đan, sau đó ở lại nơi đây tu luyện là có thể xảy ra.

Chùa Đồng
Ở điểm cao nhất và cũng là điểm cuối cùng trên Yên Tử là chùa Đồng.
Đỉnh thiêng Yên Tử

                                                                  Cổng trời Yên Tử

Đứng ở chùa Đồng tại độ cao 1068 m trên đỉnh núi trong những ngày trời quang, chúng ta có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ trong Vịnh Hạ Long, xa hơn là sông Bạch Đằng.
Nguyên khởi, chùa Đồng còn có tên là Thiên Trúc tự (chùa Thiên Trúc) mang tên đất nước của Phật Tổ Như Lai Thích Ca Mâu Ni, nước Thiên Trúc (Nepal - Ấn Độ) do một bà phi của chúa Trịnh dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17). Chùa được đúc bằng đồng, ban đầu chỉ là một cái khám nhỏ, một người chui không lọt.

Đến năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, bão làm bật mái chùa, phần còn lại  sau bị kẻ gian dỡ mất chỉ để lại dấu tích các hố cột chôn trên mỏm đá.
Vào mùa Đông 1930, bà Bùi Thị Mỹ tự chùa Long Hoa tái tạo chùa Đồng bằng bê tông cốt đồng trên một hòn đá vuông cao quá đầu người ở vị trí chùa Đồng cũ.

Đến năm 1993, ông Nguyễn Sơn Nam, một Việt kiều ở Mỹ, cùng các phật tử ở hải ngoại phát tâm đúc lại chùa mới kiến trúc hình chữ Đinh theo dáng một bông sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá trổ hình hoa sen cách điệu, đặt ngay bên cạnh ngôi chùa Đồng bằng bê tông xây dựng năm 1930.
Năm 2005, chùa Đồng mới được đúc lại và thay thế hai chùa Đồng cũ vào năm 2007.  Đây là ngôi chùa Đồng thứ tư được xây dựng trên đỉnh Yên Tử . Chùa Đồng được đúc mới hoàn toàn bằng đồng, có diện tích gần 20m2, chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m, toạ lạc trên đỉnh Yên Sơn, cao 1.068m so với mặt nước biển. Các hoa văn, họa tiết trên đầu đao, bệ mái mang đậm phong cách đời Trần. Toàn bộ xà ngang, xà dọc đều đúc hình đầu rồng. Bốn đầu chùa hình mái vẩy, trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên. 

                                Chùa Đồng mới (hình internet)

Khi xây dựng chùa Đồng mới, hai ngôi chùa cũ trên đã được chuyển về tồn trữ tại Ban Quản lý di tích Yên Tử.

Yên Tử quả là một địa điểm lịch sử nên thăm viếng và khám phá không những chỉ với những người theo Phật đạo mà cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và ảnh hưởng cùng sự liên hệ giữa Phật giáo với các triều đại vua chúa trong quá khứ.

Sóng Việt Đàm Giang
Photos by SVĐG 
Tài liệu thu thập trên internet.

No comments:

Post a Comment