Sunday, January 30, 2022

Năm Nhâm Dần 2022. Hổ. SVĐG.

 

Năm Nhâm Dần

Những tên gọi khác nhau của Hổ

SVĐG sưu tầm.



Hổ là một từ gốc Hán, người Việt mượn nguyên chữ trong Hán ngữ để tạo ra chữ Nôm (hổ), nghĩa là con cọp.

Chữ Cọp có từ bao giờ?

Từ  Cọp rất sớm đã thấy xuất hiện ở trang 14 của tập Thơ Nam kỳ, Impr. Nationale (1876) với cách viết: “cọp mắc vòng, cọp dữ” và trong Chuyện giải buồn của Quản Hạt (1886) qua “Tích cọp lạy, Cọp có nghĩa”. Và  trong  quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên Đại Nam quấc âm tự vị ( năm 1895) của Huình-Tịnh Paulus Của đã có ghi chữ cọp

Trong chữ Nôm, cả 2 từ 𤜯𤝰 đều có nghĩa là cọp, do người Việt sáng tạo, thường được sử dụng ở Đàng Trong. Kể từ nửa cuối thế kỷ 19, từ cọp được ghi nhận trong nhiều sách viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, đặc biệt trong Lục Vân Tiên truyện của Nguyễn Đình Chiểu: “Vào rừng cọp thấy đều quỳ lạy đưa”.

Trong tiếng Việt, con Hổ có những tên gọi khác như:

Hạm (chữ Nôm: 𤞻, ) trong “ăn như hạm, tránh hùm phải hạm”. Từ “con hạm” từng xuất hiện ở trang 25 trong Chuyện giải buồn (1887) do Huình Tịnh Của sưu tầm.

Hầm. hầm (chữ Nôm: ) là âm mô phỏng tiếng gầm của cọp, về sau được dùng để chỉ con cọp, xuất hiện trong câu “Hầm mạnh phải nhè nanh” (Chuyện đánh hổ cứu cha của Edmond Nordemann (1898). Tên hầm ít dùng. Edmond Nordemann cho rằng Hầm (Hang hầm ai dám mó tay) là tên gọi bắt chước tiếng gầm của hổ. (Edmond Nordemann, Chrestomathie Annamite (Quảng tập viêm văn), 1898, Hội Nhà Văn, 2006).

Hùm. hùm (chữ Nôm: 𤞻, 𧳘) được ghi trong Từ điển Taberd (1838 ) và mục Tigre (Con hùm: hùm hạm), Tigresse (Hùm cái) trong quyển Dictionnaire franco-tonkinois illustré, P.G.Vallot, Schneider (1898).Người hùng Hoàng Hoa Thám được người đời gọi là Hùm thiêng Yên Thế.

Này này chị bảo cho mà biết 
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay (Hồ Xuân Hương) 

Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu.

Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn (Ca dao)

 

Kẹ. kẹ (chữ Nôm: , , ) cũng là từ chỉ con cọp, có trong Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm. Người miền Nam goị cọp là ông cọp hay ông kẹ.

Kễnh. kễnh (chữ Nôm: , ) là từ thuộc phương ngữ Bắc, người miền núi dùng để gọi con hổ một cách kính sợ. Người miền Bắc gọi cọp là ông hổ, ông kễnh, ông hùm hay ông ba mươi.

Từ kễnh này xuất hiện

trong Lý hạng ca dao : “ Mèo tha miếng thịt thì đòi ,
Kễnh tha con lợn mắt coi chừng chừng”,

trong Xuân Hương di cảo (“Dang tay ông kễnh đập lên đầu”),  và nhiều tài liệu khác.

Khái. khái (chữ Nôm: 𤡚) là từ thuộc phương ngữ Bắc Trung bộ, trong mục Tigris của Từ điển Taberd (1838). Riêng câu “Lên rừng thì sợ khái, ngoài bể thì sợ cá ông voi” được ghi trong Nghệ An tỉnh khai sách - tuyển tập những bài viết chữ Nôm của chức sắc Nghệ An thời xưa.

Theo Đặng Thanh Hoà thì Khái là phương ngữ miền Trung (Từ điển phương ngữ tiếng Việt, nxb Đà Nẵng, 2005). Tác giả dẫn chứng bằng câu ca dao : Núi Ngũ hổ hình như năm khái. Nhưng, Khái nghĩa là gì? Theo Thiều Chửu, Khái (bộ Thạch) nghĩa là cúi lạy. Tục gọi dập đầu lạy là khái đầu. Theo nghĩa này thì Khái là con hổ được thờ, được tín ngưỡng dân gian vái lạy.

Người xưa đặt tên hùm, cọp, kẹ, kễnh, khái để gọi mấy con hổ mạnh mẽ, ai cũng sợ, được tín ngưỡng dân gian dập đầu vái lạy. Ngoài mấy tên có gốc Hán kể trên, người ta còn gọi con cọp là “Chúa sơn lâm”, vì đây là loài mãnh thú đáng sợ nhất trong rừng, trên đầu có những vằn giống như chữ (vương) trong Hán ngữ.

Và hổ còn có tên thuần Việt là Ông ba mươi. Do đâu mà có cái tên này ?

Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) giải thích : “Lệ ngày xưa ai bắt được cọp thì thưởng ba mươi quan tiền, và nếu giết chết hổ thì bị phạt ba mươi trượng. Lại có người nói hôm ba mươi tối trời, cọp hay ra quấy nhiễu, cho nên thành tên ấy”.

Hay,

"Ba mươi là tên con cọp.Theo lệ ngày xưa, ai bắt được cọp thì thưởng 30 quan tiền hoặc “cứ đêm ba mươi là cọp về gầm thét, dân làng tỏ lòng kính trọng cọp dùng ngay danh từ Ông Ba Mươi để gọi cọp” (trích Việt Nam truyền kỳ tập truyện - tập 1 của Toan Ánh, Quê Hương xuất bản năm 1983).

Ghi chú. Có nhiều từ Hán Việt đọc là hổ nhưng nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ: hổ khẩu (虎口) không phải là miệng hổ, mà là chỗ khe giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ; bích hổ (壁虎) và hiết hổ (蠍虎) là con thằn lằn (thạch sùng); bạo hổ (暴虎) không phải là cọp dữ, mà có nghĩa là “tay không bắt sống được cọp”; yên chi hổ (胭脂虎) là con cọp thoa phấn, dùng chỉ người đàn bà dữ như cọp; long hổ (龍虎) là rồng và cọp, chỉ người vô cùng tài giỏi, song khi nói mã hổ (馬虎) thì không có nghĩa là ngựa và cọp, mà là từ chỉ sự cẩu thả, tùy tiện. Bạch hổ (白虎) là cọp trắng, vằn đen, song còn nghĩa là hung thần, tên chòm sao bảy ngôi ở phương Tây hoặc tục xưng đàn bà không có lông ở chỗ kín; hổ kình (虎鯨) là tên gọi của một loài cá heo đen lớn (Orcinus orca). Dĩ nhiên, những từ hổ mang, hổ trâu, hổ lửa hay hổ đất, hổ hành, hổ rọ, hổ ngựa, hổ lai, hổ mày, hổ cóc… không dùng để chỉ con hổ, mà nói về những loài rắn hổ. Đây là những từ đã được ghi nhận trong La Cochinchine et ses habitants: (provinces de l’Ouest) của J.C.Baurac (1894).

Ông Ba Mươi



Hổ là loài động vật có vú thuộc Họ Mèo được xếp vào một trong năm loài mèo lớn thuộc chi  Panthera. Năm 1758, Carl Linnaeus đã mô tả con hổ trong cuốn Systema Naturae và đặt cho nó cái tên khoa học Felis tigris, sau đổi thành Panthera tigris. Họ Felidae

Có chín loài hổ khác nhau, ba trong số đó đã tuyệt chủng và một có thể cũng sẽ tuyệt chủng trong tương lai.

·         Panthera tigris altaica - hổ Siberia hay hổ Amur, hổ Mãn Châu.

·         Panthera tigris amoyensis - hổ Hoa Nam

·         Panthera tigris corbetti - hổ Đông Dương (còn gọi là hổ Corbet).

·         Panthera tigris jacksoni - hổ Mã Lai  

·         Panthera tigris sumatrae - hổ Sumatra.

·         Panthera tigris tigris - hổ Bengal.

 

Panthera tigris balica -hổ Bali (tuyệt chủng).

Panthera tigris sondaica - hổ Java (tuyệt chủng)

Panthera tigris virgata - hổ Caspi hay hổ Ba Tư (tuyệt chủng).

Ngày xưa, các triều đại phong kiến ở các nước Phương Đông coi hổ là biểu trưng cho vương quyền, trong quân sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử, chính vì vậy mà hình ảnh con hổ xuất hiện khá phổ biến. Trong thần thoại và Á đông, hổ là một trong 12 loài động vật thuộc cung hoàng đạo.

Trong dân gian Việt Nam, hình ảnh con hổ phổ biến trong các kiến trúc đình, miếu, dưới chế độ quân chủ của triều đình phong kiến, hình ảnh Hổ được biểu tượng cho sức mạnh quân sự, cho các vị võ tướng và thường được thêu trên áo các võ quan hàng tứ phẩm. Hơn thế nữa, người ta thường kể nhiều chuyện dân gian, vẽ tranh, tạc tượng về con hổ rất nhiều và khiến cho nó trở thành những nhân vật trung tâm của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung.



Ngày nay, trong văn hóa đại chúng trên nhiều lĩnh vực như thể thao, kinh tế, quảng cáo, Hổ đặc biệt được dùng để chỉ về tiềm lực hùng mạnh cũng như sự trổi dậy của nền kinh tế ở các quốc gia đặc biệt là ở châu Á, như “Bốn con Hổ châu Á/Bốn Hổ Kinh tế  (Tiger Cub Economies), đaị biểu cho những nền kinh tế đang phát triển nhanh và mạnh (Hàn Quốc, Đài Loan,Hồng Kông và Singapore) . Hình ảnh Hổ cũng thường thấy hiện hình trên phù hiệu nhãn hiệu khắp nơi.

Nói về sọc vằn của Hổ.

Bộ lông với những sọc vằn của loài hổ có những tác dụng rất đặc biệt trong môi trường hoang dã. Lông hổ chúng ta thấy có màu cam và vằn đen. Tuy nhiên theo tài liệu nghiên cứu của khoa học gia thì  một số các động vật có móng khác không thể nhìn thấy đầy đủ các màu sắc và thay vì nhìn thấy hổ màu cam thì chỉ là một màu như lá cây rừng.Hổ là loài sống đơn độc dựa vào khả năng tàng hình và ngụy trang để tồn tại. Và do đó Hổ có thể rình và bắt được con mồi dễ dàng hơn.

 

Các sọc của thân hổ cũng khác nhau giữa sáu phân loài hổ. Phân loài hổ Sumatra có các vằn hẹp hơn nhiều so với các loài khác và có nhiều vằn hơn.

Mỗi mẫu sọc vằn của hổ đều khác nhau, mỗi con đều có một mẫu duy nhất, không giống nhau. Chúng khác biệt như dấu vân tay của con người.

Bộ lông sọc đặc biệt của hổ là một lý do khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng trước vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã quốc tế chủ yếu ở châu Á.



SVĐG

30 tháng 1, 2022.

 

Thu gọn và St. từ bài viết:

Vương Trung Hiếu.Thanh Niên. Mục Văn Hóa.

Nguyễn Dư. Chim Việt Cành Nam . Ông Ba Mươi. 2010.

Trang Phạm. Dân Trí.

Wikipedia


No comments:

Post a Comment