Sunday, March 20, 2011

Giai Thoại Trèo Lên Cây Bưởi...Sóng Việt Đàm Giang

Trèo Lên Cây Bưởi..
Giai thoại kỳ thú
Sóng Việt Đàm Giang


Mở đầu.
Gần đây trên internet có luân chuyển một bài viết trích trong “Những điều nên biết” của Nguyễn Văn Thái về sự tích những câu thơ trong bài thơ dân gian 3 gồm ba đoản “Trèo Lên Cây Bưởi”, cùng bốn câu thơ Hán liên quan đến chuyện Trịnh Tráng và Nguyễn Phúc Nguyên.
Phần I chép lại giai thoại.
Phần II giải thích bốn câu thơ chữ Hán

I


Trèo Lên Cây Bưởi…
(Trích trong cuốn“Những điều nên biết” của Nguyễn Văn Thái)

1
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
2
“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
3
“Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”

Chùm thơ này đã có trong dân gian từ lâu; nhiều người tưởng rằng nó là chỉ một bài ca dao thuần túy; mà đã là ca dao thì không biết ai là tác giả. Gọi nó là chùm thơ vì đây không phải là một bài mà là ba bài hợp lại, gieo theo thể liên vận, gắn với “Giai thoại Đào Duy Từ”.

Truyện kể rằng: “Năm Đinh Mão (1627), chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương (chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và đòi Sãi Vương phải cho con vào chầu, đồng thời phải nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền làm lễ vật cống nạp nhà Minh. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hội họp triều thần hỏi mưu kế. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê hầu mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử Lại Văn Khuông làm sứ giả mang ra Thăng Long (Hà Nội này nay), tạ ơn vua Lê và chúa Trịnh.

Nhờ có chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Văn Khuông ứng đối rất trôi chảy. Chúa Trịnh hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn sứ giả đi thăm kinh thành, để chờ Chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Đọc xong, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn sứ giả đột ngột trốn về, chúa Trịnh sinh nghi, bèn cho người đập vỡ mâm lễ, lại thấy tờ sắc phong khi
trước, và 1 tờ giấy viết bốn câu thơ chữ Hán sau:
“Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.”
Cả triều đình không ai hiểu ý nghĩa bài thơ, cuối cùng Trịnh Tráng phải cho mời một nhà nho thông thái uyên bác tới giải nghĩa. Đọc xong, nhà nho giải thích rằng:
Mâu nhi vô dịch nghĩa là chữ Mâu không có dấu phẩy là chữ Dư;
Mịch phi kiến tích nghĩa là chữ Mịch bỏ bớt chữ Kiến còn lại là chữ Bất;
Ái lạc tâm trường nghĩa là chữ Ái để mất (lạc) chữ Tâm thì thành chữ Thụ; và
Lực lai tương địch nghĩa là chữ Lực đối địch (tương địch) với chữ Lai là chữ Sắc.

Vậy, gộp cả bốn chữ mới lại thành câu:
“DƯ BẤT THỤ SẮC,” nghĩa là “Ta không nhận sắc phong.”

Nghe xong, Trịnh Tráng vội thét lính đuổi bắt Lại Văn Khuông, nhưng lúc đó Khuông cùng cả phái đoàn đã cao chạy xa bay rồi.
Trịnh Tráng muốn ra quân đánh chúa Nguyễn nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc giã nổi lên, đành phải hoãn lại.
Trịnh Tráng cho người dò la biết được việc Sãi Vương không nhận sắc phong đều do một tay Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa Trịnh tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn (Đàng Trong) về với triều đình vua Lê và chúa Trịnh (Đàng Ngoài).

Chúa Trịnh lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!”.

Lời thơ nói đến chuyện anh (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.

Người ta đồn rằng Đào Duy Từ đã xây mộ cho cha mẹ tại Bình Định để tránh bị Đàng Ngoài khống chế theo cách làm của Gia Cát Lượng đón mẹ của Khương Duy vào Hán Trung thuở xưa. Vì thế Đào Duy Từ không sợ hãi chúa Trịnh trả thù; và ông đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:

2

“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”
Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.
Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:
3

“Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng (*) em ghen!”

(*) Chồng, có ý nói là chúa Nguyễn.
Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời…”
(Nguồn: My Opera/Danh nhân story).

Ghi chú. Trần Văn Khuông theo lời dặn dò kỹ lưỡng của Duy Từ dâng mâm cho chúa Trịnh rồi kiếm cớ về ngay, chứ không có chuyện lén mở xem cẩm nang niêm kín như Nguyễn Văn Thái viết. (Sóng Việt Đàm Giang)
*


http://vi.wikipedia.org/wiki/Đào_Duy_Từ

Đào Duy Từ (chữ Hán: 陶維慈, 1572-1634) là nhà quân sự nhà thơ[1] và văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông chỉ làm quan với Chúa Nguyễn có tám năm (1626-1634). Nhưng trong tám năm đó, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Vì vậy ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu. [2
Ta không nhận sắc
Năm 1629, chúa Trịnh Tráng muốn lấn vào Nam bèn sai Nguyễn Khắc Minh đi mang tiếng là phong tước cho chúa Nguyễn nhưng đồng thời cũng để dò xét, Đào Duy Từ khi này là Tham Tán bèn khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh. Chúa Trịnh cũng đồng thời đòi chúa Nguyễn cho con ra Bắc chầu, nộp 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc, Duy Từ khuyên là không thực hiện rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục để phòng thủ. Chúa Nguyễn nghe theo và thực hiện ngay. [16]
Về sắc phong, vào năm 1630 Duy Từ cho người làm một mâm đồng hai đáy bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ[17]. Trần Văn Khuông theo lời Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh, rồi kiếm cớ trốn về[18]. Chúa Trịnh thấy sứ đoàn đi vội sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc trước kèm bài thơ: [19]
Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch!
Cả triều không ai hiểu. Giai thoại kể rằng[a] chúa Trịnh cho mời Phùng Khắc Khoan đến hỏi thì mới vỡ lẽ, trong chữ Hán, chữ mâu viết không có dấu phết thì thành chữ dư. Chữ mịch mà bỏ chữ kiến là chữ bất. Chữ ái nếu viết thiếu chữ tâm thì ra chữ thụ. Chữ lực để cạnh chữ lai sẽ thành chữ sắc. Thế thì bốn câu trên là: dư bất thụ sắc (ta không nhận sắc). Chúa Trịnh hiểu ý trả sắc phong, nổi giận cho người đuổi theo sứ đoàn chúa Nguyễn thì cả sứ đoàn đã đi hết.
**

II
Bàn luận về bốn câu thơ chữa Hán
“Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.”
Trong trang Wikipedia viết về Đào Duy Từ có giải thích về bốn câu thơ Hán Việt và giai thoại cho rằng nhà nho được với đến để giải nghĩa bốn câu thơ này là Phùng Khắc Khoan.
Nhà nho này chắc chắn không phải là Phùng Khắc Khoan vì Phùng Khắc Khoan đã chết vào năm 1613 (thời Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng), 17 năm trước khi chuyện chúa Trịnh (thời Trịnh Tráng) vời Đào Duy Từ xẩy ra.

DÒNG DÕI CHÚA TRỊNH (1545-1786)
Trịnh Kiểm (1545-1570)
Trịnh Tùng (1570-1623)
Trịnh Tráng (1623-1652)
Trịnh Tạc (1653-1682)
Trịnh Cǎn (1682-1709)
Trịnh Cương (1709-1729)
Trịnh Giang (1729-1740)
Trịnh Doanh (1740-1767)
Trịnh Sâm (1767-1782)
Trịnh Tông (1782-1786)
Trịnh Bồng (1786-1787)
**
Phùng Khắc Khoan (chữ Hán: 馮克寬;1528-1613) sinh năm 1528 tại Phùng thôn (tục gọi là làng Bùng), xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất - tỉnh Hà Tây (hay Sơn Tây?) Hà Nội.
Khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1552) đời vua Mạc Mậu Hợp, Phùng Khắc Khoan đỗ hương cống (cử nhân), nhưng bị đánh tụt xuống sinh đồ (tú tài). Vì trước đó,người đồng môn của ông là Lương Hữu Khánh đã bỏ vào Thanh Hóa thi với nhà Lê nên Phùng Khắc Khoan bị vạ lây.
Ông được Trịnh Kiểm biết tài, bổ vào làm quan ở nhiều cương vị khác nhau.
Khoa thi Hội năm Quang Thuận thứ 3 (1580) đời vua Lê Thế Tông (1573-1599) , mặc dù đang làm quan đương triều nhưng Phùng Khắc Khoan vẫn lều chõng đi thi và đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Mặc dù ông chỉ đỗ Hoàng giáp nhưng người đời quen gọi ông là trạng Bùng.
Năm 1597, ông được cử làm chánh sứ dẫn đầu một sứ bộ sang triều Minh và cuộc đi sứ của ông đã thành công lớn.
Ông được phong nhiều chức vụ quan trọng như Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tán trị Thừa chính sứ ty, Thừa chính các xứ Thanh Hóa, Tả thị lang bộ Công, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hộ... Ông là một công thần có nhiều thành tích với nhà Lê trong công cuộc chống nhà Mạc
Năm 1613, ông qua đời, thọ 86 tuổi.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B9ng_Kh%E1%BA%AFc_Khoan
***

Nay nói về bốn câu thơ:
“Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.”

Mâu nhi vô dịch nghĩa là chữ Mâu không có dấu phẩy là chữ Dư;
Mịch phi kiến tích nghĩa là chữ Mịch bỏ bớt chữ Kiến còn lại là chữ Bất;
Ái lạc tâm trường nghĩa là chữ Ái để mất (lạc) chữ Tâm thì thành chữ Thụ; và
Lực lai tương địch nghĩa là chữ Lực đối địch (tương địch) với chữ Lai là chữ Sắc.

Người viết (Sóng Việt) xin chép lại chữ Hán để được rõ ý hơn.
矛 mâu không dấu sắc thành 予 dư (ta) (bộ quyết)

覔 mịch bỏ 見 kiến thành 不 bất (không) (bộ nhất)

愛 ái thiếu 心 tâm thành 受 thụ nhận (bộ hựu)

力 lực cạnh 来 lai thành 勑 sắc (chiếu lệnh của vua) (bộ lực)

予 不 受 勑 = Dư Bất Thụ Sắc


Sóng Việt Đàm Giang
19 March 2011

No comments:

Post a Comment