Sunday, January 30, 2022

Năm Nhâm Dần 2022. Hổ. SVĐG.

 

Năm Nhâm Dần

Những tên gọi khác nhau của Hổ

SVĐG sưu tầm.



Hổ là một từ gốc Hán, người Việt mượn nguyên chữ trong Hán ngữ để tạo ra chữ Nôm (hổ), nghĩa là con cọp.

Chữ Cọp có từ bao giờ?

Từ  Cọp rất sớm đã thấy xuất hiện ở trang 14 của tập Thơ Nam kỳ, Impr. Nationale (1876) với cách viết: “cọp mắc vòng, cọp dữ” và trong Chuyện giải buồn của Quản Hạt (1886) qua “Tích cọp lạy, Cọp có nghĩa”. Và  trong  quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên Đại Nam quấc âm tự vị ( năm 1895) của Huình-Tịnh Paulus Của đã có ghi chữ cọp

Trong chữ Nôm, cả 2 từ 𤜯𤝰 đều có nghĩa là cọp, do người Việt sáng tạo, thường được sử dụng ở Đàng Trong. Kể từ nửa cuối thế kỷ 19, từ cọp được ghi nhận trong nhiều sách viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, đặc biệt trong Lục Vân Tiên truyện của Nguyễn Đình Chiểu: “Vào rừng cọp thấy đều quỳ lạy đưa”.

Trong tiếng Việt, con Hổ có những tên gọi khác như:

Hạm (chữ Nôm: 𤞻, ) trong “ăn như hạm, tránh hùm phải hạm”. Từ “con hạm” từng xuất hiện ở trang 25 trong Chuyện giải buồn (1887) do Huình Tịnh Của sưu tầm.

Hầm. hầm (chữ Nôm: ) là âm mô phỏng tiếng gầm của cọp, về sau được dùng để chỉ con cọp, xuất hiện trong câu “Hầm mạnh phải nhè nanh” (Chuyện đánh hổ cứu cha của Edmond Nordemann (1898). Tên hầm ít dùng. Edmond Nordemann cho rằng Hầm (Hang hầm ai dám mó tay) là tên gọi bắt chước tiếng gầm của hổ. (Edmond Nordemann, Chrestomathie Annamite (Quảng tập viêm văn), 1898, Hội Nhà Văn, 2006).

Hùm. hùm (chữ Nôm: 𤞻, 𧳘) được ghi trong Từ điển Taberd (1838 ) và mục Tigre (Con hùm: hùm hạm), Tigresse (Hùm cái) trong quyển Dictionnaire franco-tonkinois illustré, P.G.Vallot, Schneider (1898).Người hùng Hoàng Hoa Thám được người đời gọi là Hùm thiêng Yên Thế.

Này này chị bảo cho mà biết 
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay (Hồ Xuân Hương) 

Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu.

Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn (Ca dao)

 

Kẹ. kẹ (chữ Nôm: , , ) cũng là từ chỉ con cọp, có trong Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm. Người miền Nam goị cọp là ông cọp hay ông kẹ.

Kễnh. kễnh (chữ Nôm: , ) là từ thuộc phương ngữ Bắc, người miền núi dùng để gọi con hổ một cách kính sợ. Người miền Bắc gọi cọp là ông hổ, ông kễnh, ông hùm hay ông ba mươi.

Từ kễnh này xuất hiện

trong Lý hạng ca dao : “ Mèo tha miếng thịt thì đòi ,
Kễnh tha con lợn mắt coi chừng chừng”,

trong Xuân Hương di cảo (“Dang tay ông kễnh đập lên đầu”),  và nhiều tài liệu khác.

Khái. khái (chữ Nôm: 𤡚) là từ thuộc phương ngữ Bắc Trung bộ, trong mục Tigris của Từ điển Taberd (1838). Riêng câu “Lên rừng thì sợ khái, ngoài bể thì sợ cá ông voi” được ghi trong Nghệ An tỉnh khai sách - tuyển tập những bài viết chữ Nôm của chức sắc Nghệ An thời xưa.

Theo Đặng Thanh Hoà thì Khái là phương ngữ miền Trung (Từ điển phương ngữ tiếng Việt, nxb Đà Nẵng, 2005). Tác giả dẫn chứng bằng câu ca dao : Núi Ngũ hổ hình như năm khái. Nhưng, Khái nghĩa là gì? Theo Thiều Chửu, Khái (bộ Thạch) nghĩa là cúi lạy. Tục gọi dập đầu lạy là khái đầu. Theo nghĩa này thì Khái là con hổ được thờ, được tín ngưỡng dân gian vái lạy.

Người xưa đặt tên hùm, cọp, kẹ, kễnh, khái để gọi mấy con hổ mạnh mẽ, ai cũng sợ, được tín ngưỡng dân gian dập đầu vái lạy. Ngoài mấy tên có gốc Hán kể trên, người ta còn gọi con cọp là “Chúa sơn lâm”, vì đây là loài mãnh thú đáng sợ nhất trong rừng, trên đầu có những vằn giống như chữ (vương) trong Hán ngữ.

Và hổ còn có tên thuần Việt là Ông ba mươi. Do đâu mà có cái tên này ?

Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) giải thích : “Lệ ngày xưa ai bắt được cọp thì thưởng ba mươi quan tiền, và nếu giết chết hổ thì bị phạt ba mươi trượng. Lại có người nói hôm ba mươi tối trời, cọp hay ra quấy nhiễu, cho nên thành tên ấy”.

Hay,

"Ba mươi là tên con cọp.Theo lệ ngày xưa, ai bắt được cọp thì thưởng 30 quan tiền hoặc “cứ đêm ba mươi là cọp về gầm thét, dân làng tỏ lòng kính trọng cọp dùng ngay danh từ Ông Ba Mươi để gọi cọp” (trích Việt Nam truyền kỳ tập truyện - tập 1 của Toan Ánh, Quê Hương xuất bản năm 1983).

Ghi chú. Có nhiều từ Hán Việt đọc là hổ nhưng nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ: hổ khẩu (虎口) không phải là miệng hổ, mà là chỗ khe giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ; bích hổ (壁虎) và hiết hổ (蠍虎) là con thằn lằn (thạch sùng); bạo hổ (暴虎) không phải là cọp dữ, mà có nghĩa là “tay không bắt sống được cọp”; yên chi hổ (胭脂虎) là con cọp thoa phấn, dùng chỉ người đàn bà dữ như cọp; long hổ (龍虎) là rồng và cọp, chỉ người vô cùng tài giỏi, song khi nói mã hổ (馬虎) thì không có nghĩa là ngựa và cọp, mà là từ chỉ sự cẩu thả, tùy tiện. Bạch hổ (白虎) là cọp trắng, vằn đen, song còn nghĩa là hung thần, tên chòm sao bảy ngôi ở phương Tây hoặc tục xưng đàn bà không có lông ở chỗ kín; hổ kình (虎鯨) là tên gọi của một loài cá heo đen lớn (Orcinus orca). Dĩ nhiên, những từ hổ mang, hổ trâu, hổ lửa hay hổ đất, hổ hành, hổ rọ, hổ ngựa, hổ lai, hổ mày, hổ cóc… không dùng để chỉ con hổ, mà nói về những loài rắn hổ. Đây là những từ đã được ghi nhận trong La Cochinchine et ses habitants: (provinces de l’Ouest) của J.C.Baurac (1894).

Ông Ba Mươi



Hổ là loài động vật có vú thuộc Họ Mèo được xếp vào một trong năm loài mèo lớn thuộc chi  Panthera. Năm 1758, Carl Linnaeus đã mô tả con hổ trong cuốn Systema Naturae và đặt cho nó cái tên khoa học Felis tigris, sau đổi thành Panthera tigris. Họ Felidae

Có chín loài hổ khác nhau, ba trong số đó đã tuyệt chủng và một có thể cũng sẽ tuyệt chủng trong tương lai.

·         Panthera tigris altaica - hổ Siberia hay hổ Amur, hổ Mãn Châu.

·         Panthera tigris amoyensis - hổ Hoa Nam

·         Panthera tigris corbetti - hổ Đông Dương (còn gọi là hổ Corbet).

·         Panthera tigris jacksoni - hổ Mã Lai  

·         Panthera tigris sumatrae - hổ Sumatra.

·         Panthera tigris tigris - hổ Bengal.

 

Panthera tigris balica -hổ Bali (tuyệt chủng).

Panthera tigris sondaica - hổ Java (tuyệt chủng)

Panthera tigris virgata - hổ Caspi hay hổ Ba Tư (tuyệt chủng).

Ngày xưa, các triều đại phong kiến ở các nước Phương Đông coi hổ là biểu trưng cho vương quyền, trong quân sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử, chính vì vậy mà hình ảnh con hổ xuất hiện khá phổ biến. Trong thần thoại và Á đông, hổ là một trong 12 loài động vật thuộc cung hoàng đạo.

Trong dân gian Việt Nam, hình ảnh con hổ phổ biến trong các kiến trúc đình, miếu, dưới chế độ quân chủ của triều đình phong kiến, hình ảnh Hổ được biểu tượng cho sức mạnh quân sự, cho các vị võ tướng và thường được thêu trên áo các võ quan hàng tứ phẩm. Hơn thế nữa, người ta thường kể nhiều chuyện dân gian, vẽ tranh, tạc tượng về con hổ rất nhiều và khiến cho nó trở thành những nhân vật trung tâm của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung.



Ngày nay, trong văn hóa đại chúng trên nhiều lĩnh vực như thể thao, kinh tế, quảng cáo, Hổ đặc biệt được dùng để chỉ về tiềm lực hùng mạnh cũng như sự trổi dậy của nền kinh tế ở các quốc gia đặc biệt là ở châu Á, như “Bốn con Hổ châu Á/Bốn Hổ Kinh tế  (Tiger Cub Economies), đaị biểu cho những nền kinh tế đang phát triển nhanh và mạnh (Hàn Quốc, Đài Loan,Hồng Kông và Singapore) . Hình ảnh Hổ cũng thường thấy hiện hình trên phù hiệu nhãn hiệu khắp nơi.

Nói về sọc vằn của Hổ.

Bộ lông với những sọc vằn của loài hổ có những tác dụng rất đặc biệt trong môi trường hoang dã. Lông hổ chúng ta thấy có màu cam và vằn đen. Tuy nhiên theo tài liệu nghiên cứu của khoa học gia thì  một số các động vật có móng khác không thể nhìn thấy đầy đủ các màu sắc và thay vì nhìn thấy hổ màu cam thì chỉ là một màu như lá cây rừng.Hổ là loài sống đơn độc dựa vào khả năng tàng hình và ngụy trang để tồn tại. Và do đó Hổ có thể rình và bắt được con mồi dễ dàng hơn.

 

Các sọc của thân hổ cũng khác nhau giữa sáu phân loài hổ. Phân loài hổ Sumatra có các vằn hẹp hơn nhiều so với các loài khác và có nhiều vằn hơn.

Mỗi mẫu sọc vằn của hổ đều khác nhau, mỗi con đều có một mẫu duy nhất, không giống nhau. Chúng khác biệt như dấu vân tay của con người.

Bộ lông sọc đặc biệt của hổ là một lý do khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng trước vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã quốc tế chủ yếu ở châu Á.



SVĐG

30 tháng 1, 2022.

 

Thu gọn và St. từ bài viết:

Vương Trung Hiếu.Thanh Niên. Mục Văn Hóa.

Nguyễn Dư. Chim Việt Cành Nam . Ông Ba Mươi. 2010.

Trang Phạm. Dân Trí.

Wikipedia


Friday, January 14, 2022

Toxicology Data Requirement.DS BuiQuocQuang.

 Dược Sĩ Bùi Quốc Quang.

Độc Chất Học

Dữ Liệu về Độc tính/Độc chất cần thiết ứng dụng trong Mỹ Phẩm, Dược phẩm, Chất bổ xung chế độ ăn uống, và Hoá chất công nghiệp.

Toxicology Data Requirement

(Disclaimer: Although the information is retrieved from reputable sources and from my personal experience in the field of toxicoly, my sole intention is for your reading pleasure and not to trigger a scientific debate)


Đã là hoá chất (chemical) thì thế nào cũng có độc tính, cho nên những thử nghiệm về độc tính (toxicology studies) cần phải được hoàn tất hầu bảo đảm an toàn (safety) không những cho người xử dụng mà còn cho cả ecological environment.  Một safety profile có thể gồm nhiều hay ít dữ liệu về độc tính (toxicology data) tuỳ theo ứng dụng của hoá chất đó.   

1. Mỹ phẩm (including shampoo, conditioner, body lotion, nail-related products, cologne, facial cream, v.v.): tại Hoa kỳ, mỹ phẩm không phải thử nghiệm về độc tính. Cosmetics are not FDA-approved, but are FDA-regulated. Có nghĩa là, companies and individuals who manufacture or market cosmetics are responsible for the safety of their products, and those companies or individuals are not required by laws to share the safety data with the FDA.  FDA chỉ can thiệp khi nào có khiếu nại.  Cho nên bất cứ một hãng hay cá nhân nào quảng cáo trên báo chí, TV, hay internet là mỹ phẩm của hãng đó đã được FDA-approved, thì đó là lừa bịp.  Một mỹ phẩm có thể là FDA-registered (nộp hồ sơ đăng bạ), nhưng FDA không bao giờ duyệt xét và approved mỹ phẩm cả.  Tuy nhiên, các hãng mỹ phẩm danh tiếng như P&G, Unilever, L’Oréal, Esteé Lauder, Shiseido, v.v., thường vẫn thử nghiệm đầy đủ để bảo đảm sự an toàn cho người xử dụng và tránh kiện tụng.  Còn những mỹ phẩm của các hãng không có uy tín, thì “use at your own risk”.  Ngoài ra, những mỹ phẩm nào trên label có hàng chữ “Not tested in animals” chỉ có nghiã là mỹ phẩm đó không có safety profile và nếu chẳng may bị allergic reaction, contact dermatitis, irritation, v.v, thì ráng mà chịu.

2.  Dietary supplements (including vitamins, botanicals, minerals, weight control substances, đông trùng hạ thảo, yến sào, sâm nhung, v.v.):  Kỹ nghệ này được regulated bởi FDA và FTC (Federal Trade Commission) và dietary supplements được coi như một category of food.  Vì được liệt kê là “thực phẩm”, nên FDA không đòi hỏi “pre-market approval” cho những dietary supplements đã có trong danh sách những chất được coi là GRAS (Generally Recognized As Safe).  FDA chỉ đòi hỏi safety profile của những dietary supplement nào chưa có trong danh sách GRAS. “Recognized as safe” không có nghĩa là safe, cho nên FDA có thẩm quyền thâu hồi những sản phẩm không bảo đảm an toàn, thiếu vệ sinh (nhiễm trùng), chứa kim loại nặng quá liều cho phép, v.v.  FDA không bao giờ kiểm chứng “efficacy và beneficial effects” của dietary supplements.  Cho nên, không phải dietary supplements nào cũng hữu hiệu và an toàn, vì là hoá chất nên dietary supplements vẫn có risks và side effects.  Be skeptical of sources that make big claims based on some celebrities’ testimonials promoting and advertising speculative benefits and safety of many products on the market today. 

3. Đối với dược phẩm (prescription and over-the-counter):  toxicological profile được ghi trong “package insert” dưới headings “adverse reactions”, “non clinical toxicology”, “clinical pharmacology”, v.v, và đã được một cơ quan có thẩm quyền như FDA duyệt và chấp thuận.  Các thử nghiệm về độc tính được gọi chung là “pre-clinical” hay “non-clinical” toxicology data.  Các thử nghiệm này phải được hoàn tất và nộp cho FDA trước khi phase II hoặc III clinical bắt đầu.  Pre-clinical toxicology data chú trọng nhiều về carcinogenic, mutagenic, developmental toxicity và adverse reproductive potential.  Toxicity information is based on in-vitro, ex-vivo, and in-vivo studies in animal and human cells, bacteria, and whole animals lasting from a single exposure (acute studies) to exposure continuously for 2 years (chronic and carcinogenic studies).  Acute studies (single exposure) không quan trọng đối với dược phẩm vì uống thuốc thường là liên tục ít nhất cũng vài ngày.

4. Đối với hoá chất công nghiệp (industrial chemicals):  Cần nhiều dữ kiện về độc tính nhất vì hoá chất có thể gây độc không những cho con người mà còn có thể có hại cho môi sinh nữa. Toxicological profile được ghi rõ trên Safety Data Sheet (SDS) dựa trên đạo luật Right To Know Act.  Ngoài những thử nghiệm trên thú vật (chuột, guinea pigs, thỏ, khỉ) còn phải thử trên cá nước mặn, cá nước ngọt, tôm, ong, chim, rau cỏ, v.v.,  Những thử nghiệm có thể là acute (single exposure) hoặc kéo dài cả 2 năm (chronic and carcinogenic assays).  Những cơ quan có thẩm quyền với hoá chất công nghiệp là EPA (hai đạo luật Toxic Substances Control Act và Federal Insecticide Fungicide and Rodenticide Act), OSHA thuộc Department of Labor, và NIOSH (National Institute for Occupational Safety and Health).

(Sẽ viết về acute studies, classification, application, v.v., kỳ sau)

Until the next time, stay healthy.

 

Buiquoc Quang

Tho SongViet DamGiang. VongQueNha

 


Vọng quê nhà

 

Rừng xa lặng phủ khói sương

Núi xanh lạnh lẽo như vương nỗi sầu

Bóng đêm xâm nhập lầu cao

Người đứng lòng dạ nôn nao buồn phiền

 

Chim bay về gấp tổ êm

Hoài về quê cũ chẳng yên nỗi lòng

Đường trường quá thể viễn vông

Ngàn trùng xa cách nhớ mong miệt mài.

 

January 09, 2017

Sóng Việt Đàm Giang

Phóng tác theo ý một bài cổ thi của Lý Bạch


Tho SongViet SongNghien 2022 1

 Phỏng dịch  bài Tư Viễn Nhân.

thơ Án Kỳ Đạo

Gửi Người Xa.

 

Lá đỏ hoa vàng thu đậm ý 

Ngàn dặm nhớ đơn khách

Mây bay mải miết 

Không tin chim nhạn

Sao nhắn được tin cách.

 

Mắt trào lệ nhỏ nghiên bên vách 

Tạo mực viết kề sách 

Thống thiết đoạn biệt ly

Nỗi sầu sâu quá

Tờ hồng tựa phai sắc.

Song Nghiên 

14 tháng 1, 2022.

 

300 Bài Tống Từ Chú Giải

Bài 92

思遠人 - 晏幾道 Tư Viễn Nhân - Án Kỷ Đạo

 

紅葉黃花秋意晚,     Hồng diệp hoàng hoa thu ý vãn,

千里念行             Thiên lý niệm hành khách.

飛雲過盡,                 Phi vân quá tận,

歸鴻無信,                 Quy hồng vô tín,

何處寄書             Hà xứ ký thư đắc?

 

淚彈不盡臨窗滴,     Lệ đàn bất tận lâm song trích,

就硯旋研             Tựu nghiễn toàn nghiên mặc.

漸寫到別來,             Tiệm tả đáo biệt lai,

此情深處,                 Thử tình thâm xứ,

紅箋為無             Hồng tiên vi vô sắc.

 

Chú Thích

1 Tư nhân viễn 思遠人: tên từ điệu do Án Kỷ Đạo sáng tác. Tên bài từ lấy từ câu”Thiên lý niệm hành khách 千思念行客” ,  cho thấy bài từ thuộc loại “khuê oán”, có 2 đoạn, đoạn trên 25 chữ, 2 trắc vận, đoạn dưới 26 chữ , 2 trắc vận. Cách luật:

 

B T B B B T T cú

B T T B T vận

B B T T cú

B B B T cú

B T T B T vận

  

T B T T B B T vận

T T T B T vận

T T T T B cú

T B B T cú

B B T B T vận

 

B: bình thanh; T: trắc thanh; cú: hết câu; vận: vần

 

2 Hồng diệp 紅葉: lá cây phong.

3 Hoàng hoa 黃花: hoa cúc.

4 Thiên lý niệm hành khách 千里念行客: tường nhớ người ở ngoài xa ngàn dặm.

5 Quy hồng 歸鴻: chim hồng nhạn về.

6 Lệ đàn 淚彈: nước mắt tuôn ra ràn rụa.

7 Lâm : kề cận.

8 Trích : nhỏ xuống.

9 Tựu nghiễn tuyền nghiên mặc 就硯旋研墨: (nước mắt nhỏ xuống) cái nghiên bèn dùng để mài mực.

10 Nghiễn : cái nghiên để mài mực.

11 Tuyền (toàn) : xoay tròn.

12 Nghiên : mài nhỏ, nghiền nát.

13 Biệt lai 別來: sau khi ly biệt.

14 Thâm xứ 深處: nơi sâu kín.

15 Hồng tiên 紅箋: giấy đỏ hồng. Phụ nữ thường dùng giấy mầu hồng để viết tình thư.

 

Dịch Nghĩa

Bài từ theo điệu tư viễn nhân do Án Kỷ Đạo sáng tác.

 

Lá phong đỏ, hoa cúc vàng đầy ý thu lúc hoàng hôn,

Từ ngàn dặm tưởng nhớ người khách đi xa.

Mây bay triền miên,

Hồng nhạn bay về không có tin tức,

Biết gửi thư tới nơi nao?

 

Lệ tuôn bất tận, nhỏ xuống gần bên cửa sổ,

Bèn hòa vào cái nghiên để mài mực.

Thư viết tới đọan sau khi ly biệt,

Tình buồn từ đáy lòng dâng lên, (lệ càng rơi)

Giấy hồng viết thư mất cả mầu sắc (vì thấm lệ).

 

Phỏng Dịch

Nhớ Người Đi Xa

 

Lá phong hoa cúc cảnh chiều thu,

Ngàn dặm nhớ người khách viễn du.

Nhạn đến, mây bay tin chẳng thấy,

Về đâu nên gửi tấm tình thư?

 

Lệ tuôn ràn rụa nhỏ bên song,

Hòa với mực nghiên, thư gửi chồng.

Viết tận đáy lòng tình cách biệt,

Giấy hồng phai bạc nỗi chờ mong.

 

HHD 9-2019

 


Thursday, January 13, 2022

Cà Phê Giữa Lòng Paris. Vũ Ngọc Quỳnh

 

Cà phê giữa lòng Paris




Thu phân 2021

Vũ Ngọc Quỳnh

Trong nửa thế kỷ sống ở Paris, người viết có nhiều kỷ niệm gắn bó với các quán cà phê ở Thủ đô Ánh sáng, đặc biệt ở Quartier latin, nơi tập chung đông nhất các học sinh, sinh viên Pháp và người nhập cư nước Pháp cùng những khách du lịch khắp thế giới đến thăm Paris.

Cà phê đậm đà quyến rũ

Charles-Maurice de Talleyrand (1754-1838), chính khách và nhà ngoại giao Pháp thích: cà phê đen như quỷ sứ, nóng như hỏa ngục, dịu dàng như tình yêu,” (VNQ dịch).

Nhà thơ Arthur Rimbaud nói: “ Cà phê thần diệu, để lại hương vị trong miệng lưỡi suốt một ngày.”

 

Cà phê từ đâu đến Âu châu?

Nguồn gốc cà phê được nhiều sử gia nghiên cứu. Họ cho là cây cà phê đầu tiên Coffea Arabica mọc ở vùng Kaffa của Abyssinia, nay là Éthiopie. Chữ café xuất xứ từ chữ Ả Rập « Qahwa », có nghĩa là kích thích. Hiện nay ở Éthiopie, người ta vẫn dùng trong thuốc dân gian nước nấu hạt xanh cà phê hoặc lá cà phê.

Rồi một ngày kia, cà phê đã vượt qua Hồng Hải (Mer Rouge) trong tay ông Ali Benomar, một nhà truyền giáo soufi vào cuối thế kỷ XIV.

Dần dần, cà phê đã đến La Mecque, Le Caire, Alexandrie, Istanbul và sau cùng là tất cả thế giới Hồi giáo.

Cà phê đến Venise

Venise là một Cité-d’État, Thành phố-Nhà nước phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI.

Vào khoảng năm 1600, những thương gia của những nước Hồi giáo đem lại cho dân Venise « la boisson des infidèles », có nghĩa là “nước uống của người ngoại đạo”, tức là những người không theo đạo thiên chúa Có người còn đem cà phê tố cáo với Giáo hoàng Clément VIII (1536-1605). Nhưng sau khi uống, Ngài thấy tỉnh táo trong các buổi lễ kéo dài hằng nhiều giờ. Bác sĩ kiêm nhà thảo mộc Prospero Alpino (1553-1616) nghiên cứu cà phê, nhận xét là có hiệu quả cho sức khỏe.

Pietro Pella Valle (1586-1652), một thi sĩ và một nhà thám hiểm Ý, là người đã đem vải bao café turc đến thành phố Marseille. Ông viết năm 1614: Người Thổ Nhĩ Kỳ có loại nước uống màu đen gây mát cho mùa hè và ấm cho mùa đông.

Cà phê đến Pháp

Triều đình vua Louis XIV là nơi khám phá đầu tiên cà phê ở Pháp. Soliman Aga, đại sứ Paris  của sultan kinh đô Constantinople là bộ mặt rất được giới thượng lưu Pháp ở thủ đô và những quan chức của triều đình vua trọng vọng. Trong những chiêu đãi sang trọng, Soliman Aga không quên đãi các quý khách Pháp món nước đặc biệt: cà phê. Ông cũng không quên để đường trên bàn để quý khách cho vào cà phê.

Thế là cà phê trở thành món uống thời thượng của giới quý phái Paris và của triều đình vua.

 

Những tiệm cà phê đầu tiên ở Paris

Vào năm 1682, một tiệm cà phê đầu tiên mở ở Paris tên là Maison de caoua.

Năm 1682, một người dân Sicilien của vùng Palerme, tên là Francesco Procopio dei Cotelli đổi thành tên Pháp là François Procope-Couteaux, mở ra một tiệm cà phê giữa lòng Paris mang tên Procope.

Tiệm này có tiếng ngay từ đầu, thu hút rất nhiều nhân vật có tiếng. Đặc biệt tiệm nhận khách phụ nữ, một điều hiếm thời đó..

Tiệm nay vẫn tọa lạc ở gần khu Odéon, một khu trù phú của Paris 6. Khách đến thưởng thức cà phê hoặc ăn uống ở quán này có thể chiêm ngưỡng những trang trí lịch sử của quán.



Trước Cách mệnh Pháp 1789, Paris đã có khoảng 2000 quán cà phê.

Rồi cà phê lan tràn đến các thủ đô các nước Âu châu khác, Bỉ, Áo, Hoà Lan v.v.

 

Thương mại cà phê trên thế giới.

Cà phê được sản xuất khoảng trong 70 nước ở vùng nhiệt đới thế giới gọi là Vòng đai nhiệt đới.

Đứng đầu sản xuất là Brésil, chiếm 34% thị phần, sau là Việt Nam chiếm 14% thị phần, Colombie 7% thị phần v.v.

Từ nơi sản xuất, các hãng thương mại lớn phân phối cà phê khắp thế giới.

 

Những nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất

Brésil tiêu thụ 30% cà phê được thương mại..

Hoa Kỳ: 23%

Đức; 14,8%

Nhật: 7,8%

Ý: 6,3%

 

Cà phê ở Quartier latin, Paris

Vào thập niên 1950-1960, Quartier latin Paris 5 là khu riêng biệt của học sinh, sinh viên Pháp và những người sinh viên nước ngoài đến học ở Paris.

Khu này nổi tiếng với các công trình nghệ thuật lịch sử như Panthéon, église Saint-Étienne-du-Mont, Fontaine Saint-Michel, La Sorbonne, Bibliothèque Sainte-Geneviève, Jardin du Luxembourg, Faculté de Droit, Faculté de Médecine. Những trường trung học tập tụ ở đây có uy tín: lycée Saint-Louis, lycée Louis-le-Grand, lycée Henri IV, collège Sainte-Barbe. Hai trường lớn cũng ở khu này: École polytechnique, École normale supérieure de la rue d’Ulm.

Đây cũng là nơi tập trung những tiệm cà phê, tiệm ăn, phòng chiếu bóng làm cuộc đời sinh viên phong phú.

 

Hãy nói về những quán cà phê ở Boulevard Saint-Michel và Place de la Sorbonne, nơi đã là “thiên đàng” của học sinh, sinh viên vào thập niên 1950-1960.

Chúng ta đi dọc trục từ RER Luxembourg xuyên qua Boulevard Saint-Michel, đến Place de la Sorbonne, rồi tiếp tục trên Boulevard Saint-Michel, đến Place Saint-Michel, đoạn cuối của đại lộ, giáp sông Seine.

Trạm RER Luxembourg

Hướng ra Jardin du Luxembourg, đối diện với hai quán cà phê lớn, Café Le Luxembourg Café Le Rostand,

Café Le Luxembourg



58 boulevard Saint-Michel, Paris 6e, giáp với Rue Monsieur Leprince.

Cà phê rộng rãi, ăn trưa được, đông khách từ hơn nửa thế kỷ nay.

 

Café Le Rostand



6 Place Edmond Rostand

Cà phê có thềm ngoài (terrasse) được trang trí đẹp, có vải phủ phía trên, ngồi ở đây ngắm Jardin du Luxembourg trước mắt, với người qua lại, thật là cảnh đẹp…nhất là khi trời mưa.

Có thể ăn trưa trong tiệm này.

 

Rue Soufflot

Là phố trục đến Panthéon. Ở đầu phố này giáp với Boulevard Saint-Michel trước đây có hai quán cà phê lịch sử, Le Mahieu bên phải và Le Capoulade bên trái khi nhìn về phía Panthéon.

Le Mahieu

Capoulade (mang tên Wimpy) bên trái, Mahieu bên phải

Đó là quán cà phê mà sinh viên Việt Nam thập niên 1950-1960 quen biết nhiều nhất. Họ gọi quán là Mã Hiệu. Họ thường đến đó để thưởng thức cà phê đen, để bàn tán thời sự và nhất là để ngắm các cô gái qua đường, cho điểm mỗi cô. Một vài người nghiện đánh cá ngựa, gọi là PMU (Pari Mutuel Urbain), chẳng có ai làm giàu, trừ một sinh viên Việt Nam trúng số, được một con ngựa đua mà anh ta bán ngay, được khối tiền.

Le Capoulade

Nằm bên kia đường, là cà phê lịch sử của những năm 1930-1960, nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ trí thức, sinh viên, du khách.


Capoulade (1934-1967)- Wimpy (sau 1967)-Nay là Burger King.

Cả hai cà phê này đều đã biến mất, nhường cho McDonald (Le Mahieu), Burger King (Le Capoulade).

Place de la Sorbonne

Khu này tọa lạc ngay phía sau đại học La Sorbonne với vòm Chapelle de La Sorbonne cổ kính. Collège de la Sorbonne được Robert de Sorbon xây năm 1253, đến thế kỷ XVII, Cardinal de Richelieu mở rộng thêm, khai trương đại học danh tiếng này. Mộ Hồng y Richelieu nằm ở đây.

Place de la Sorbonne có bồn suối trong khu đá xây theo hình chữ nhật. Quảng trường này có những tiệm sách nhỏ nhưng có tiếng, những quán ăn nhỏ lúc nào cũng đông khách.

Đặc biệt là quán cà phê Tabac de la Sorbonne, có những kỷ niệm riêng tư của người viết.



Vào thập niên 50-52, các anh Nguyễn Quang Riệu, Nguyễn Tường Việt, Phạm Tư Mạnh, sinh viên khoa học ở La Sorbonne thường đến đây cuối tuần gặp nhau.

Tôi nhắc đến kỷ niệm này khi viết về anh Nguyễn Quang Riệu, mất ngày 5/01/2021 tại Paris.

Tiếp theo trên Boulevard Saint-Michel, còn có những quán cà phê khác, Dupont Latin, La Source nay đều biến mất, nhường cho những quán bán quần áo.

Place Saint-Michel

Đây là khu chót, nối Boulevard Saint-Michel với sông Seine.

Fontaine Saint-Michel uy nghi với bồn suối lớn và tượng Saint-Michel tay cầm giáo đâm con Rồng quỷ nổi bật phía sau.

Hai tiệm cà phê lớn tọa lạc ở quảng trường này

Le Séverin nằm đầu rue Saint-Séverin với mặt tiền ra Place Saint-Michel, ngay cạnh tiệm sách nổi tiếng Gibert Jeune. Tiệm cà phê này trang trí đẹp và đông khách. Rồi cách đây vài năm, người ta thấy tiệm bị đập phá và xây lại tiệm mới là Sephora, chuyên bán mỹ phẩm.



Le Départ Saint-Michel

Nằm khúc cuối Place Saint-Michel và một góc nhìn sang sông Seine.

Tiệm cà phê lớn và đẹp này vẫn tồn tại từ một thế kỷ tới nay.



Bên kia đường của Place Saint-Michel là rue Saint-André-des-Arts, có một tiệm cà phê nhỏ mang cùng tên, vào thập niên 1960 có tên là Le Rallye, thời chúng tôi còn là sinh viên hay đến đó đánh bi điện, nghe Juke box  Elvis Presley, Fats Domino. Tiệm này nay là tiệm Saint-André-des-Arts.

Quartier Saint-Germain des Prés

Khu này tập trung chung quanh Église Saint-Germain des-Prés, một nhà thờ gô tích có một lịch sử lâu đời, bắt đầu là một abbaye (tu viện) xây xong năm 1030. Rồi sau được sửa và mở rộng năm 1145, nay mới được trùng tu để đón các ban nhạc cổ điển, gần đây đã tấu nhạc Les quatre saisons de Vivaldi và được thính giả tán thưởng nhiệt liệt.

Trước nhà thờ là quảng trường Saint-Germain-des-Prés và chung quanh là boulevard Saint-Germain, rue Bonaparte.

Sau Thế chiến thứ hai, khu Saint-Germain-des-Prés nhanh chóng trở thành huyền thoại khi những nhà văn kiêm triết gia, những nghệ sĩ, những thi sĩ, ca sĩ đã phát huy trường phái Existentialisme (chủ nghĩa hiện sinh) với văn hào Jean-Paul Sartre, người được coi là giáo chủ hiện sinh” và Simone de Beauvoir, một văn hào bạn đời của ông, cùng nhóm bạn thân của họ.

Ngày ngày họ đến hai quán cà phê danh tiếng, Café de Flore Café Deux Magots.




Mỗi ngày họ ngồi ở đó từ sáng đến chiều, mỗi người một bàn, khi nào họp bạn thì ngồi chung một bàn lớn.

Họ viết lách, chuyện trò suốt ngày. Albert Camus, hồi đó thân với Sartre và cũng là thời chủ nhiệm báo Combat tới đó thường xuyên trong khi Sartre tung ra tạp chí Les Temps Modernes. Juliette Gréco, hiện thân của Saint-Germain-des-Prés, Mouloudji hát ở khu đó. Boris Vian tài hoa, kỹ sư École centrale de Paris, văn sĩ, thổi kèn nhạc jazz ở các hầm Saint Germain-des-Prés, nơi tuổi trẻ nhảu điên cuồng be-bop mới được lính Mỹ nhập vào Pháp trong Đệ nhị Thế chiến.

Thời existentialisme huy hoàng đó kéo dài từ năm 1944 đến năm 57/58  sau mờ dần.

Vào thập niên 60, khi chúng tôi nhập học hai năm đầu Y khoa ở Nouvelle faculté de médecine, rue des Saints-Pères, hai năm thi tuyển khó khăn, ngày nào chúng tôi cũng đi qua Café des Deux Magots, Café de Flore, Café La Rhumerie trên Boulevard Saint-Germain.

Một hôm, giữa hai bài giảng ở Nouvelle Faculté de médecine, nhóm bạn bốn người chúng tôi chọn quán Les Deux Magots uống cà phê trong khi chờ đợi. Anh Éric, chàng thanh niên bảnh trai tóc vàng, giống ca sĩ Claude François, dẫn đầu tiến lên cầu thang hướng lầu nhất, anh Édouard tiếp chân, rồi đến cô Sonia một thiếu nữ gốc Nga có đôi mắt Á Đông và tôi là đuôi chót.

Tầng nhất vào 10 giờ sáng chỉ có chúng tôi là ẩm khách.

Chúng tôi nhâm nhi cà phê rồi bàn tán về những kỳ thi tới sẽ quyết định số mệnh chúng tôi.

Nửa giờ sau, anh Éric xuống quầy hàng lấy addition, hoá đơn. Anh mau chóng lên tầng nhất gặp chúng tôi, mặt hầm hầm: “ Đây các bạn xem, nó cứa cổ chúng ta

đây này!” Bốn tách cà phê nhỏ xíu giá gần gấp đôi  các tiệm cà phê khác. Rồi chẳng nói chẳng rằng anh Éric lượm tất cả những cái đựng tàn thuốc lá có dấu ấn Deux Magots đẹp đẽ cho vào cái cặp. Tôi tái mặt nói:” Các bạn hãy để tôi xuống trước nhé?” Rồi không đợi trả lời, tôi xuống cầu thang, gật đầu chào ông quản lý và anh hầu bàn, bước ra boulevard Saint-Germain, phập phồng đợi các bạn.

Năm phút sau, họ xuống an toàn. Anh Éric tiến về phía tôi mỉa mai: “Moa vẫn nghe nói là dân Việt Nam anh hùng cơ mà? Toa có vẻ như cáy vậy?” Tôi đành cười nghệ (rire jaune), bối rối. Anh Édouard hiền hoà và Sonia cứu tôi, nói với Éric xoá bỏ câu chuyện đi.

Sau này chúng tôi đều thành bác sĩ y khoa.

Thỉnh thoảng có dịp ngồi Les Deux Magots hay Le Flore.

Nhưng tuổi trẻ đã qua rồi.

Xin viết một câu thơ của Lý Thương Ẩn thay một chữ:

Nhất Huyền nhất Tiệm tứ hoa niên.



Paris, lập thu năm 2021

Vũ Ngọc Quỳnh

 Viết theo ký ức và một số đặc biệt Express về Café.

**

Hình ảnh trừ ba hình chót, là hình thu thập trên Internet từ nhiều trang nhà khác nhau (GNT)