Sunday, August 20, 2023

Music.DuongThieuTuoc.NgocLan.Lyrics

 

Ngọc Lan 
(nhạc và lời Dương Thiệu Tước) 
Phương Tâm hát 

Ngọc Lan

Dương Thiệu Tước
(1915-1995)

giòng suối tơ vương
mắt thu hồ dịu ánh vàng.
Ɲgọc Lan
nhành liễu nghiêng nghiêng
tà mấу cánh phong
nắng thơm ngoài song.
Ɲét thắm tô bóng chiều,
giấc xuân уêu kiều,
nền gấm cô liêu.
Gió rung mờ suối biếc,
ý thơ phiêu diêu!
Ɲgón tơ mềm chờ phím ngân trùng,
mạch tương lai láng.
Ɗáng tiên nga giấc mơ nghệ thường lỡ làng.
Ɲgọc Lan giọng ướp men thơ,
mát êm làn lụa bông là.
Ɲgọc Lan trầm ngát thu hương.
Ɓờ xanh bóng dương phút giâу chìm sương.
Ɓông hoa đời ngàn xưa tới naу.
Rung nhạc đó đâу cho đời ngất ngâу,
cho tơ trùng đờn hờ phím loan.
Thê lương mâу nước sắt se cung đàn.
ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong sương thắm.
Ɲhớ phút khuê lу, hôn mê tuуết hoa
Ɲgọc Lan.
Mờ mờ trong mâу khói,
men nồng u ấp duуên hững hờ
dần dần vương theo gió,
tơ lòng dâng bao cùng thương nhớ

Music. DuongThieuTuoc.NamMinhBach.MoiTinhHocTro

 Mối tình học trò

Nam Minh Bách.

 

Năm 2000 tôi về thăm Hà Nội, bạn bè cho đọc  một bài báo trên tờ Công An lúc đó làm dân Hà Nội xôn xao và bàng hoàng. Nhân dịp năm thứ 5  kỷ niệm ngày vĩnh biệt nhạc sĩ Dương thiệu Tước ông được ca ngợi là nhạc sĩ đã có công hòa hợp cổ nhạc và tân nhạc, đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam được phát triển mạnh mẽ cho tới ngày nay. Và trong mấy dòng tiểu sử, có nhắc tới mối tình đầu của chàng trai “con cụ Thương Tá Hưng Yên và nàng con gái con cụ Tổng Đốc Hưng Yên Vi văn Định, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết và hai gia đình đã trao đổi trầu cau" . Nhưng tình duyên dang dở xé đôi vì một chàng trai  bằng cấp đầy mình đã nộp đơn, loại được anh chàng nhạc sĩ hữu tình nhưng không hữu tài này. Dĩ nhiên tài nói đây là tài khoa bảng . Con người diễm phúc lấy được nàng, theo báo Công An là chàng Bác sĩ tây học từ Paris trở về họ Hồ Đắc, con một Đại thần lớn nhất Triều Đình.

Chỉ mấy ngày sau, Gia Đình Hồ Đắc phản ứng ngay, nhà báo nói láo ăn tiền, bà Vi Kim Phú tức là bà Hồ Đắc Di, phu nhân vị cố Khoa trưởng Đại học Y Khoa Hà Nôi không bao giờ đính hôn với nhạc sĩ Dương thiệu Tước, không bao giờ có chuyện nhận trầu cau hay sêu tết gì. Báo Công An lịm đi không trả lời vì họ Hồ Đắc lúc ấy mạnh lại, cũng có bài báo Công An đề cao nhà chí sĩ ái quốc Hồ đắc Trung , lại một bàng hoàng nữa cho dân Hà Nội .

Nhưng báo Công An không xin lỗi, không đính chính vì chỉ lầm có một nửa, nàng trả lại trầu cau là nàng chị chứ không phải nàng em, tuy đám cưới sau em một năm, năm 1936. Nàng Vi Kim Ngọc cũng đẹp lộng lẫy như bà em, hai chị em nổi tiếng Bắc Hà trong thập niên 30 vì sắc đẹp cũng như vì gia thế, sinh trưởng tại gia đình quyền thế nhất Bắc Hà thời đó, gia đình họ Vi.

Báo Công An chỉ còn một nước là rỉ tai và dân Hà Nội bàn tán. Và họ biết là ông Nghè tây diễm phúc lấy được nàng là chả ai xa lạ với dân Hà Nội, Ngài Bộ trưởng Giáo dục 30 năm của Chính phủ Phạm văn Đồng, dân Hà Nội thời thập niên 30 gọi là ông Nghè Huyên, họ Nguyễn.

Đến lượt gia đình họ Nguyễn phải ra tay, con cháu thôi vì mọi người trong cuộc đã thành thiên cổ. Bà con gái Kim Hạnh xuất bản một cuốn sách "Hồi ức về Nguyễn văn Huyên" với những dòng trang đầu sau đây : 

"Cha mẹ tôi sống với nhau trọn đời hạnh phúc,được 30 năm kể từ 12/4/1936 cho đến 19/10/1975… Mẹ tôi nhớ lại ngày đầu quen biết trong nhật ký . Em đi chơi cùng cha mẹ vào Huế, khắp Trung Kỳ rồi Lục tỉnh Cao Mên, Thái Lan.. . Nhiều chiêu đãi quốc tế họ trầm trồ khen ngợi em là giai nhân…Đôi ta gặp nhau ở Huế, hội lễ Nam Giao sau đó em tiếc không từ biệt anh . Khi lên xe, cha đưa thư anh Toại, (bác Phan kế Toạì chồng chị Mão là chị của cha tôi) cho em xem. Thư cầu hôn giữa anh và em. .. Sau đó bà ngoại mấy lần nhận điện từ Hà Nội cầu hôn…Khi có thư trực tìếp viết cho ông ngoại"gửi lời thăm em người đáng yêu nhất "  thì em mới nhận lời để nhà trai xuống Thái Bình cầu hôn.   

"Mẹ tôi kể năm 13 tuổi, ông tôi nhận gả mẹ tôi cho người họ Dương thiệu. Năm 16 tuổi khi biết đưọc, mẹ tôi nhất định đòi ông tôi phải trả lại sêu ba năm.( trả lại sêu tết chứ không trả lại trầu cau ?) . Vì mẹ tôi không chấp nhận cha mẹ đặt đâu ngồi đấy. Bà ngoại tôi bị cảnh năm thê bảy  thiếp thật là đau khổ.  

"Mẹ tôi ghét cay đắng quan lại xu nịnh, năm thê bảy thiếp,chế độ phong kiến. … Bác Hồ mang lại hạnh phúc thực sự cho phụ nữ cho nên phụ nữ rất biết ơn Bác Hồ kính yêu. Hồ Chí Minh là người có đạo đức vĩ đại nhất, đưa giới phụ nữ ra khỏi chế độ phong kiến hà khắc cổ hủ.

"Năm 1977 sau khi cha tôi mất được 2 năm Mẹ tôi viết" Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh là quyết chọn người tài đức mới trao thân. Nếu không gặp được nam nhi hào hùng đó thì ở một mình xuốt đời, Thế mà em đã mãn nguyện"  

Và trang sau có nhắc tới Dương thiệu Tước, được tin do một bạn cũ nhắn từ Dà Lạt năm 1976, gặp Dưong thiệu Tước và bà Minh Trang lên chơi Đà Lạt, như nói qua về một người vô tình nhớ tới, không lấy gí làm quan trọng..

Người con gái bênh vực Bố Mẹ là một điều đáng khen, rất thông cảm. Bác Tước , vì bác là chi trên, cháu nội Dương Khuê chúng tôi gọi là Bác Cả Tước, không thể ví với người Cử nhân Luật và Tiến sĩ Văn Chương Đại học Montpelier, Bộ trưởng Giáo Dục 30 năm. Bác cuối cùng leo lên chức Chủ sự ban Âm nhạc trong Đài Phát thanh Sài Gòn, cả đời sống thanh bạch nhưng rất lương thiện. Chọn người tài đức, nam nhi hào hùng mới trao thân, có phải là chọn công hầu  khanh tướng? Nhưng công hầu khanh tướng cổ nhân đã nói trên trần ai ai dễ biết ai, phải mấy chục năm mới biết.

Báo Công An đề cao Bác cũng là vì Bác tôi có tài đức gì đó, có mấy người được như vậy. Công An là "bạn dân, mũi nhọn và lá chắn của Cách Mạng" dân Hà Nội nghe thấy tiếng là khiếp sợ, vậy mà minh oan cho Bác tôi, chả phải khanh tướng một chút nào chăng. 

Chúng ta đều biết rõ Nhạc sĩ Nguyễn văn Khánh sáng tác bàì Chiều vàng ra sao, anh chàng si tình này thường đáp tàu hỏa thăm hôn thê miền mạn ngược,lần cuối cùng được thân nhân chỉ ra ngôi mộ mới đắp bên đồi thông. Cũng được biết anh chàng trung úy Nguyễn văn Đông suy nghĩ  sao khi sáng tác Phiên gác xuân, anh buồn nhưng không bao giờ phản chiến như Trịnh công Sơn vì  phải bảo vệ Bố Mẹ bị đấu tố là địa chủ, và Bố Mẹ người yêu bị trôi sông vì buộc tội địa chủ gian ác. Nhưng Nhạc sĩ Dương thiệu Tước là một bí hiểm cho bao nhiêu nhà bình luận, sáng tác 200 bài mà hầu như bài nào cũng là mối tình trong trắng bất diệt trong dĩ vãng xa xa lắm, đẹp đẽ vô ngần nhưng tuyệt vọng đau thương. Có một quãng đời Dương thiệu Tước không bao giờ chia sẻ cùng ai, ngay cả vợ con hay bà con thân thuộc. Có lẽ vì quá đau thương. Chỉ chia sẻ cho âm nhạc, khi gặp lại những cảnh thân thuộc thời trẻ dại của mối tình đầu  như Chùa Hương hay Bến Ngự. 

Năm đó là đầu thập niên 1930 ở tỉnh lỵ Hưng Yên, chàng 15 tuổi và nàng 13. Chàng là con cụ Thương tá Dương tự Nhu sau này lên Bố Chánh và nàng là con cụ Tổng Đốc Vi văn Đinh. Tư dinh hai nhà gần nhau trước mặt là một hồ bán nguyệt rộng lớn chia đôi bởi môt đường đê nhỏ, hai hồ thông nhau bằng môt con lạch có môt cầu vồng sơn đỏ nối liền .Rất tĩnh mịch, rất nên thơ nhất là khi ánh trăng êm dịu toả xuống bát ngát..

Cầu đỏ trên hồ là nơi trẻ con tụ tập nô đùa, câu cá lúc hè bãi trường, chàng học trung học Hà nội, nàng học trường tiểu học tỉnh nhà . Họ quen nhau ở đó, nàng tuổi dạy thì và bát đầu xinh đẹp còn chàng cao ráo khôi ngô, cái khác thường là nàng từ miền sơn cước tới, có giáo dục cầm kỳ thi họa kèm thêm là cưỡi ngựa bắn súng, hồn nhiên mạnh bạo chứ không thẹn thò bẽn lẽn như tiểu thư đồng bằng. Chàng là con trai độc nhất cụ Nhu có truyền thống âm nhạc từ Dương Khuê trở xuống. Cụ Nhu cũng như Dương Khuê nổi tiếng về văn nôm và ca trù sau này hậu sinh làng ca trù còn biết. Bác Tước được cụ truyền lại từ trống, phách và đàn đáy và ca ngâm văn thơ.. Năm 7 tuổi Bác tôi được thân phụ cho một cây đàn nguyệt nhỏ, sau đó là đàn bầu, đàn tranh và thập lục và sau này  sử dụng 7 thứ  đàn cả cổ nhạc lẫn tân nhạc. 

Chàng sử dụng Tây Ban Cầm và Hạ Uy Di Cầm hay có tiếng ở Hà Nôi và trên cầu hồ bán nguyệt những khi gió mát trăng thanh  chàng ca những bài nổi tiếng Tino Rossi và Josephine Baker, giọng ca ngọt như mía lùi. Việc gì xảy ra là phải xảy ra, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết với mọi sự bồng bột và  trong trắng của mối tình đầu. Họ Vi biết ngay và biết rõ cậu cả cháu nội Dương Khuê này, cao lớn mặt mày sáng sủa, tính nết hiền hậu nên chịu ngay. Cụ Tự Nhu mất sớm khi còn tại chức vì vậy mới trầu cau trao đổi và đôi trẻ chính thức đính ước, Bác Tước tôi chính thức được yêu một giai nhân bậc nhất Bắc Hà.  Diễm phúc thay ông Bác tôi..

Bài "vừng trăng sáng" là một bài ca duy nhất ca diễm phúc mà không có khóc than ." Kìa vừng trăng sáng  Chiếu in trên hồ  Dưới là trăng nước    Sóng lan nhấp nhô   Mặt hồ rung rinh   Dưới khung trời tím    Có anh cùng em Chúng ta vui hòa  trong một chiều thu  Đắm say dưới trăng ".

Chàng dậy nàng ca hát " Trời xanh thắm "

Còn đâu như lúc xưa  Ngày đôi chúng ta còn thơ   So phim tơ trên thềm  Anh hòa theo lời em   Ngàn lời ca êm ái

Nhưng bầu trời mầu hồng êm ả đã có những mây đen kéo tới. Nhà gái dần dần biết là Bác tôi học Tú Tài chỉ là phụ, chính thực là học Âm Nhạc trường Ecole francaise de Musique en Extrême Orient tại Hà Nội, cùng với Nguyên xuân Khoát.Nguyễn xuân Khoát chuyên về Dương Cầm, ông Bác tôi chuyên về Tây Ban Cầm. Và Bà Mẹ vợ tương lai với trực giác rất nhạy cảm của Bà Mẹ đã nếm cảnh năm thê bảy thiếp của ông chồng, dần nhận ra  nguy cơ cho cô con gái quý. Anh chàng này đẹp trai quá, đa tình quá, đàn hát hay quá, sẽ là một tai họa cho nữ giới nói chung cũng như ông nội  nổi tiếng Bắc Hà khi trước.Và khi trường Ecole Francaise de Musique en Extrême Orient sau ba năm hoạt động phải đóng cửa vì kinh tế khủng hoảng là Bác tôi lâm vào cảnh nửa ông nửa thằng , xướng ca vô loài có người bên nhà gái đã chê như vậy. Vì nàng đẹp quá nổi tiếng quá nên ai cũng biết nhược điểm của chàng, bên họ Dương có những bà cô chua ngoa tuyên bố, Bác Tước mặt sáng như gương tầu mà mảnh bằng không có.

Rồi họ Vi thuyên chuyển từ Hưng Yên về Thái Bình, dinh Tổng Đốc Thái Bình cạnh nhà tôi, gần đến nỗi kẻ viết bài này lúc 4 tuổi một hôm quần thủng đít bắt chuồn chuồn tại bờ hồ sen sau nhà nghe  có người kêu lên" Chuồn chuồn có cánh thì bay có thằng ỏng  bụng thò tay bắt mày". tôi còn nhớ cái áo the đen và cái bài ngà trước ngưc,họ Vi có tiếng là hay dỡn. Vì gần như vậy và hai nàng đẹp nhất BắcHà nên nhà tôi lúc nghỉ hè sao mà đông các cậu lượn như đèn cù ở vườn sau trông ra Dinh Tổng Đốc.. Nhất là hai nàng học Tiểu Học trường tỉnh cùng các chị tôi. Nàng em được một ông chú tôi bám sát và thành công đến nỗi chàng đề nghị đổi tên nàng từ Phú ra Lan, đẹp hơn và nàng chấp thuận. Bác Tước cùng ông chú cộng tác sáng tác bài ca Ngọc Lan ca tụng hai nàng . Nhưng bài này phải tớì năm 1953 mới ra đời vì năm 1935  Bác Tước đại hoạn nạn tại Huế  Trong gần 20 năm trời Bác Tước cố quên đi hai chữ Ngọc Lan. 

Năm 1935 Nàng em vẫn phải bước lên xe hoa cùng một ông Nghè tây nghành Y, tôi đứng xem các bà khăn vành dây vàng áo vàng lũ lượt hàng hai bước vào Dinh đón dâu tưởng như cả triều đình Huế  đã tới.   

Bạn có thể hỏi tôi viết những chuyện này làm gì, chuyện chàng trai 19 tuổi nhìn ngườì yêu dấu bước lên xe hoa theo con người địa vị danh giá  nhưng hơi già là chuyện nơi nào chả có, anh, tôi đều đã trải qua. Nhưng anh , tôi đâu có sáng tác được bài Ngọc Lan 50 năm sau dân Việt Nam còn ca, anh và tôi đâu có được lên báo Công An ca tụng.Họ ca tụng vì đến năm 2000 tình hình xã hội và đất nước bắt đầu có những bế tắc về tư tưởng, văn hóa, không khác gì những bế tắc năm 1930. Họ cần đến những con người có khả năng khai thông văn hóa dân tộc như Phạm Quỳnh và Dương thiệu Tước. Phạm Quỳnh thập niên 30 đặt vấn đề, yêu nước là chiến tranh chống Pháp hay mở mang trí tuệ đại chúng trước. Không có Quốc ngữ làm quốc văn, không có Văn Học Việt Nam thuần túy thì đừng nói tới yêu nước nữa. Âm Nhạc là bộ phận quan trọng của Văn Học, Dương thiệu Tước đảm nhận trách nhiệm của mình về Âm Nhạc, Không có Phạm Quỳnh thì không có Tự Lực Văn Đoàn, không có Thế Lữ, Thạch Lam Nguyễn tường Long, Xuân Diệu và cả Tố Hữu nữa. Làm sao có Cách Mạng được. Không có Dương thiệu Tước thì không có Văn Cao Lưu Hữu Phước Phạm Duy làm sao có Cách Mạng tháng 8 được.  Nhờ có Phạm Quỳnh và Dương thiệu Tước Văn Học Việt Nam lần đầu tiên thoát khỏi quỹ đạo Văn Học Trung Quốc, và cũng thoát khỏi quỹ đạo Văn Học Pháp Quốc, gạt bỏ những hủ nho, hủ tây, và sau này hủ cộng nữa.Theo Phạm Quỳnh thì nhờ quốc ngữ, Văn Học Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc. Chữ quốc ngữ nhân dân chỉ mấy tháng là đọc được sách, tiếng nói đồng nhất với chữ viết không như Trung Quốc, truyện Kiều được đọc tại những nơi nông thôn hẻo lánh nhất, không phải truyền khẩu như trước. Kim Vân Kiều vừa  là một thứ Kinh Thánh, một áng văn chương tuyệt tác, vừa là một Tự Điển ghi chép mọi tình cảm và hiểu biết của dân Việt qua bao nhiêu thế kỷ. Quốc văn còn là truyện Kiều còn, truyện Kiều còn là nước Nam còn, Phạm Quỳnh khẳng định như vậy.

 Phạm Quỳnh được Hội Nhà Văn Việt Nam phục hồi danh dự từ năm 2005, có những bài khảo cứu ở Hà Nội rất thán phục tầm nhìn xa của ông và tư tưởng rất vững vàng về văn minh Việt Nam, Pháp hay Trung Quốc. Báo Người Hà nội năm 2007 có bài của Nguyễn Ngọc nói "Phạm Quỳnh là người khổng lồ trí tuệ uyên thâm, hiểu sâu văn hóa phương đông, tự học mà chiếm lĩnh văn hóa phương tây rất cơ bản. Pháp văn của ông cực kỳ sang trọng và trong sáng…Thiết tha yêu dân tộc … Vấn đề ông đặt đến nay vẫn thời sự. ..Ám chỉ trả lại sự công bằng cho ông". Phạm Quỳnh có nhấn mạnh, nếu không có Văn Học độc lập tự chủ thì dù có Độc Lập cũng không giữ được nước.

Và đến nay Văn Học yếu kém, Âm Nhạc yếu kém , đạo đức yếu kém, giáo dục yếu kém vì vậy mới nhớ tới Phạm Quỳnh và Dương thiệu Tước.

Cả Phạm Quỳnh cùng Dương thiệu Tước đều tự học mà làm nên lịch sử, tìm được con đường ra khỏi bế tắc cho dân tộc vào thập niên 30. Các vị khoa bảng không làm được điều đó..

Năm 1934 Bác Tước tôi còn tràn ngập trong yêu đương và hạnh phúc. Chàng và Nàng nắm tay nhau thăm chùa Hương và nhân tiện qua thăm Vân Đình quê Chàng. Dĩ nhiên là dưới sự giám sát của bà Mẹ Nàng. Phải đến 1935, cùng gia đình Nàng đi thăm Tế Nam Giao ở Huế, và Bến Ngự ,sông Hương, mối tình như keo sơn gắn bó tan như mây khói, chỉ vì Nàng đẹp quá.  

Cụ Tiên Điền Nguyễn Du nói, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Đáng lẽ cụ phải thêm chữ sắc vào đó. Người Pháp cũng có câu khi cô dâu đẹp quá là có biến.

Lễ Tế Nam Giao năm đó có vua Bảo Đại lần đầu tiên ra mắt quần chúng, nhiều kỳ vọng vào ông Vua tây học trẻ đẹp trai này. Danh nhân tài tử cả nước vô Huế coi Thiên Tử mới cầu xin trời đất mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Kiệu nhà vua đi từ cổng Ngọ Môn Hoàng Cung di qua Trục Thần Đạo thẳng tắp tới Đài Đàn Nam Giao 3 tầng, tam tài Thiên Địa Nhân. Dân chúng hai bên đường thấy nhà Vua ngồi kiệu, hai bên bính lính bồng súng hộ tống, đi trước có  Đoàn vũ nhảy múa, có Ban Nhạc nhà Vua đánh trống thổi sáo và sau cùng là văn võ bá quan cùng long tượng.

Nhưng dân chúng cũng sửng sốt ngắm một căp giai nhân đẹp như thiên thần giáng thế.  Chàng là Bác tôi, cao to như Bảo Đại, nhưng mặt mũi thanh tú như một ông Nghè chính cống, tóc đen mượt, môi đỏ thắm, miệng bao giờ cũng mỉm cười và đôi mắt cười theo. Còn Nàng thì thân hình mềm mại cân đối, trên cổ tròn trắng nuốt là khuôn mặt tươi đẹp như bông hoa ngọc lan nở rộ trong rừng Việt Bắc.

Một ông Nghè tây và bà chị ngây ngất nhìn Nàng và nhanh chóng quyết định. Họ đến chào hỏi gia đình họ Vi, họ cũng là vai vế Công Thần miền Bắc, chào hỏi Nàng  vài câu lấy cảm tình và ngay hôm sau nộp đơn cầu hôn. Họ biết rõ Chàng và thân thế ra sao và nhược điểm Chàng. Họ nộp đơn khi đôi trẻ vừa nắm tay nhau đi thăm Bến Ngự.

Người ta nói trong chiến tranh và tình yêu, phải sử dụng mọi phương tiện để chiến thắng. Không có gì là xấu xa khi tranh dành một người đẹp, đẹp đến nỗi không có được một người thứ hai trên cả đất Bắc.

Họ Vi nhận thư cầu hôn, không trả lời có hay không nhưng 1 tấm hình Nàng đã được trao tay. Chưa có gì thay đổi nhưng con sâu đã vào trái cây.

Vì xã hội hồi đó không phải như hồi ông Tú Xương, chỉ cần biết vài chữ Pháp làm thông ngôn là "sáng ruợu xâm banh tối sữa bò" Các nàng đòi phi cao đẳng bất thành phu phụ. Ông Nghè tây là nhất vì lương tây chức vụ cao địa vị cao. Và họ Vi còn những suy tư đặc biệt, từ miền sơn cước tới đồng bằng đã khá lâu trên thực tế thay thế Hoàng cao Khải , họ Vi học được của Hoàng cao Khải nhiều kinh nghiệm quý báu. Quyền thế sau này trong tay mấy ông Cử ông Nghè tây bằng cấp cao, liên kết với họ có thể vạn đại dung thân, từ trào này qua trào khác.Không thể tin vào con trai vì sinh vào gia đình quyền thế hay giở chứng, cả hai họ Vi và họ Hoàng đều bị con trai hay cháu ruột sang Pháp  đỗ đạt và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Chỉ tin vào con gái và những chàng rể địa vị vững như bàn thạch thì sau này về già mới yên thân được.

Bà chị ông Nghè họ Nguyễn biết rõ như vậy, bà cũng là một gia trưởng cả hai họ Nguyễn và họ Phan. Theo như tác giả Hồi Ký, bà  cũng là một Nghè ta, đậu Sư Phạm khóa đầu tiên và trở nên Giám Đốc trường Nữ Trung Học đầu tiên Hà Nội. Lương bà 120 đồng một tháng, bà tiêu 20 còn lại gửi sang Pháp nuôi hai em đậu ông Nghè, ông Trạng sư. Một gia trưởng can đảm đáng phục và tham vọng có thừa, thảo nào ông chồng bà làm Đại thần thời Pháp, thời Nhật và thời Xã hội Chủ Nghĩa. Hai Mẹ con ông Bác tôi sao mà địch được một Thiết Kế Gia đại tài như vậy.

Trở về Bắc  sau chuyến thăm viếng Huế là mọi sự bất lợi dồn dập cho ông Bác tôi. Rớt Tú tài lần nữa, ông nhận được tối hậu thư, có chịu làm quan tri châu không. ? Ai tưởng tượng được ông Nhạc sĩ tài ba nhất Hà thành đeo bài ngà, tự chôn vùi tại miền sơn cước. Ông Bác tôi từ chối. Nhà gái chỉ đợi có thế, trả lại trầu cau, ông Bác tôi gạt nước mắt giã từ Nàng di theo Nghiệp tổ Âm nhạc. 

Rồi đến giai đoạn quên Nàng, cố quên đi. Nàng đã dậy Chàng tình yêu bồng bột nhất, đẹp đẽ nhất, nay Nàng lại dậy Chàng quên, quên hết đi. Nhưng Chàng không bao giờ quên, ngay từ 1938 đã có bài "Tâm hồn anh tìm em"   Lòng anh giá băng   trong bóng sương mờ.

Không bao giờ Chàng oán trách ai, Chàng biết rõ nguyên nhân chỉ vì Chàng có tài. Tiếng xưa :" Chiều thu nhớ nhung vì đâu  Thắm đôi hàng châu   Tiếc thay tài cao đành lỡ làng  Ai đó tri âm biết cùng".

Phải đến năm 51-53, khi gặp được nàng Minh Trang, Bá Nha gặp được Tử Kỳ, Bá Nha không có Tử Kỳ thì đàn gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn. Chàng mới lấy lại thăng bằng tâm hồn,dám ngược xuôi cả tháng tại Sông Hương Bến Ngự. Cho ký ức trở lại những ngày vô cùng êm đềm và tàn nhẫn Huế 1935. Và sáng tác được  Ngọc Lan và Đêm Tàn Bến Ngự. Trút gánh nặng trong tâm hồn suốt gần 2 thập niên.

"Nhưng thoáng nghe khúc ca Nam Bình sầu than như nức nở khóc duyên bẽ bàng   Ai than ai thở đời vui chi trong sương gió   Ai nhớ thương ai   Đây lúc đêm tàn    tình đã lạt phai   vương vấn bao tình  Ai rứt sao đành". 

Ngọc Lan ( Nhạc sĩ nhấn mạnh hai chữ Ngọc Lan phải viết hoa) : "Tơ lòng dâng bao cùng nhớ thương".

Hai bài này Bác tặng bà Minh Trang, Bà biết hết nhưng giả bộ không biết, Bà xứng đáng được tặng 2 bản nhạc này vì Bà xứng đáng chứ không phải Nàng cũ. Ông Bác tôi cuối cùng rất diễm phúc.

Ông Bác tôi quân tử từ phút chia ly. Ông muốn che chở cho người tình cũ, không ai biết chuyện tình yêu mãnh liệt và tan vỡ , ông không bao giờ nói với ai. Ông muốn Nàng yên ổn sống với chồng con và quên ông đi. Ông biết là ông sẽ nổi tiếng hơn ông Nghè tây nhiều lắm và cuối cùng cả mấy thế hệ dân Việt bênh vực ông, Báo Công An của Đảng đứng về phía ông làm gia đình họ Nguyễn vô cùng nhột nhạt. Ông đã thắng nước cờ cuối cùng.

Tai họa lại tới năm 1975. Tố Hữu, con người lãnh đạo tư tưởng cả nước từ 1946, đuổi Bác tôi ra khỏì Viện Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn khi Bác là người duy nhất dậy Tây Ban Cầm ở Viện. "Nhạc sĩ Tư Sản, Phong Kiến, nhạc tán gái không giúp gì cho quần chúng lao đông". Đảng định đảy Bác tôi vào hố tiêu cực, "bỏ đói" như đã từng bỏ đói Phùng Quán, Trần Dần, Hữu Loan, Đoàn Chuẩn.Đã bỏ đói những ông Nghè tây như Nguyễn mạnh Tường, Trần đức Thảo vì các ông  này nhớ lại khí thế của trí thức Pháp, dám khuyên Đảng coi trọng tự do và luật pháp.

Bà Minh Trang phải mang các con vượt biên để cứu sống bọn trẻ. Bác tôi ở lại kẹt thằng con trai học tập cải tạo.

Nhưng Đảng không ngờ các Nàng lại cứu sống Bác. Bà Cả và Bà Minh Trang gửi quà về nuôi. Và một Nàng nữa 22 tuổi, Nàng Nga, một cây đàn Tây Ban Nha có hạng tại Sài Gòn đã ra tay yêu mến nâng nưu  ông thầy, thoát khỏi cơn cơ hàn, bàn tay mềm mại Nàng đã đánh bại Tố Hữu, Tố Hữu tưởng mọi sự đã  an bài.

Cả ba Nàng mỗi Nàng yêu ông Bác tôi một vẻ. Vì ông đẹp cả người lẫn tính, không Bà nào bỏ ông dù tình huống khó khăn đến đâu chăng nữa, có lẽ mối tình đầu cũng không bao giờ quên ông đâu. Ông Bác tôi là người vô cùng hạnh phúc.          

Nam Minh Bách  

Virginia tháng 5   2010


Music.DienTichTrongBaiNhac NgocLan.SVDG

 


Vài điển tích trong bài nhạc Ngọc Lan

của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

 

Sóng Việt Đàm Giang  sưu tầm và biên soạn

Lời mở đầu.

Sau khi bài viết Mối Tình Học Trò của tác giả Nam Minh Bách nói về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và nguyên do sự ra đời của bản nhạc Ngọc Lan của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thì có một số thư trên các diễn đàn bàn về ý nghĩa lời bản nhạc. Mục đích của bài viết ngắn này không bàn về lý do hay nội dung tuyệt diệu của bài nhạc mà chỉ bàn về ý nghĩa và xuất xứ  của một vài điển tích mà Nhạc sĩ Duơng Thiệu Tước đã nhắc đến trong bài.

Ngọc Lan

Ngọc Lan, dòng suối tơ vương,
mắt thu hồ dịu ánh vàng
Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng,
tà mây cánh phong, nắng thơm ngoài song
Nét thắm tô bóng chiều, giấc xuân yêu kiều, nền gấm cô liêu
Gió rung mờ suối biếc, ý thơ phiêu diêu
Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng (1)
Dáng tiên nga, giấc mơ nghê thường lỡ làng
Ngọc Lan, trầm ngát thu hương,
bờ xanh bóng dương, phút giây chìm sương
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây
Cho tơ trùng đàn hờ phím loan (2)
Thê lương mây nước, sắt se cung đàn
Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong sương thắm
Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa Ngọc Lan (3)
Mờ mờ trong mây khói, men nồng u ấp,
duyên hững hờ dần dần vương theo gió
Tơ lòng dâng bao cùng thương nhớ...

Xin được bàn về điển tích ba chữ mạch tươngphím loan và phút khuê ly

1-Mạch tương

Mạch tương, nước mắt.

Đây là một điển cổ, xuất phát từ truyện hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh khóc vua Thuấn. Tục truyền rằng vua Thuấn tuần thú phương Nam, bị mất ở đất Thương Ngô, là một quận của tỉnh Quảng Tây về sau. Hai bà vợ là hai chị em ruột cùng khóc chồng đến chảy máu mắt trên bến Tiêu Tương. Người đời sau có lập đền thờ hai bà tại Đông Tương và kể rằng giọt lệ hai bà rỏ trên bờ trúc ven sông làm trúc nổi vân thật đẹp. Từ đó về sau, trúc mọc trên bờ Tiêu Tương nổi tiếng có vân quý và nước mắt đàn bà mới gọi là mạch tương.

 

Truyện Kiều có câu:

"Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dàu mạch tương".

(Câu 237, 238. Kiều sau giấc mơ thấy Đạm Tiên)

 

 Là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong hội họa và thi ca Trung Hoa, Tiêu Tương thực ra là khúc hai con sông Tiêu và Tương hợp nhất, thuộc tỉnh Hồ Nam. Sông Tương phát nguồn từ Dương hải sơn ở tỉnh Quảng Tây, chảy ngược lên Hồ Nam qua huyện Trường Sa và rót vào Động Đình Hồ. Vì trúc Tiêu Tương có vân đẹp nên thợ khéo tỉnh Hồ Nam hay đến sông này mua về làm mành. Và cũng vì xuất xứ bi thảm của sông Tương, chữ mành tương là chỉ tấm màn cách trở tình yêu, và sông Tương chỉ sự chia ly, nhung nhớ.

Mành tương phơn phớt gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình."

(Câu 255, 256. Kim Trọng tương tư Kiều)


Sông Tương còn là điển tích từ mối tình buồn giữa Lương Ý Nương và người anh con cô con cậu là Lý Sinh, thời nhà Chu, đời Ngũ Quý. Mối tình vụng trộm của họ bị phát giác và ngăn cản, Ý Nương bị nhà đẩy xuống phía Nam sông Tương, Lý Sinh ở mạn Bắc. Lương Ý Nương hớp từng hụm nước sông mà nhớ đến người tình trên đầu nguồn, và làm bài thơ nói về sông Tương dù sâu cũng còn có đáy chứ nỗi nhớ nhung của nàng thì bất tận.

 

"Nhân đạo Tương giang thâm
Vị để Tương giang bạn
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn.
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy"


(Người bảo sông Tương sâu
Chưa bằng lòng mong nhớ
Sông sâu còn có đáy

Lòng nhớ lại không bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không thấy
Cùng uống nước sông Tương
).

Cũng như trong câu 365-366 của Kiều, Nguyễn Du đã viết:

 

"Sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia."

(Câu 365, 366. Tâm trạng Kim, Kiều)

 

2- Phím loan.

 

Ngoài câu

Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan,

 

trong Kiều (câu 723-726) có câu:

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp nối tơ thừa mặc em

Ý nghĩa của chữ Phím loan

Trên internet có nhiều văn bản giải thích như sau:

 

Chữ loan trong phím loan xuất xừ từ chim loan mà ra.

 

Loan trong phím loan bắt nguồi từ chữ loan giao = Keo chế từ máu chim loan, tương truyền nối được dây cung đứt.

Theo Bác Vật Chí : Thời Hán Vũ đế, nước Tây Hải có người đem dâng 5 lạng cao. Vua cho đem cất vào kho, còn thừa nửa lạng sứ thần nước Tây Hải mang theo người. Sứ thần theo Vũ đế đi săn bắn ở cung Cam Tuyền. Dây cung vua đứt, các quan định thay, sứ thần Tây Hải xin lấy keo loan nối lại. Nối xong, vua sai lực sĩ kéo mỗi người một đầu dây nhưng vẫn không việc gì. Sứ thần Tây Hải nói cung có thể bắn suốt ngày mà dây không đứt. Vua lấy làm lạ lắm, nhân đó đặt tên là "Tục huyền giao" (Keo nối dây cung).

 

            "Keo loan" do chữ "loan giao" là một thứ keo chế bằng máu chim loan (phượng máu).

            Sách "Hán Võ ngoại truyện" có chép: đời nhà Hán, triều Hán Võ Ðế (140- 87 trước C.N.), dây cung đem ra căng bắn thường bị đứt. Bấy giờ miền Tây Hải có đem sang cống một thứ keo chế bằng máu chim loan gọi là loan giao, có tác dụng nối chắc dây lại. Nhờ đó mà bắn được suốt ngày. Võ Ðế mừng lắm, đặt tên thứ keo đó là "Tục huyền giao" tức là keo nối dây cung.

 

            "Hán thư" cũng có chép chuyện.

            Vua Võ Ðế truyền phu nhân Câu Pha đánh đàn. Nàng vặn trục so dây, tiếng đàn trỗi lên lảnh lót... Nhưng giữa chừng dây bỗng đứt. Nàng khóc, nói:
- Giữa lúc đàn đương ngon tiếng mà dây đứt ắt điềm gở
    Nhà vua an ủi:
- Dây đứt nhưng có thể nối lại được, có gì mà gở.

            Ðoạn sai người lấy keo loan chắp lại.

 

Lời bàn: Nếu keo loan hay cao chim loan là cao do nấu với xương cốt của chim loan mà thành (chứ không phải máu loan) thì có lẽ có ý nghĩa hơn là máu chim loan, vì nếu ai có dịp sờ chất cao thì thấy luôn luôn có chất dính làm dính tay (Sóng Việt).

 

Cao là gì? Cao là chất liệu cô đặc của xương cốt thí du như cao ban long, cao hổ cốt.

Cách nấu cao: Nấu cao tức là nấu vật liệu sau khi tẩy khử những tạp chất (như thịt, mỡ, tuỷ bám vào xương) bằng lửa cao vừa phải trong nhiều thời gian để tinh túy tan ra, mức nước sôi cạn thì phải canh chừng châm vào. Nấu cao bằng vạc hay chảo đụng lớn. Nước cốt được múc ra thành nhiều đợt, từ đậm rồi lạt từ từ  để cuối cùng cô những mẫu nước cốt  lại thành cao đặc .  Đợt Nước cốt này được múc ra thì lại được châm nước sôi mới vào làm đợt khác. Giai đoạn cô cao phải canh chừng lửa vừa phải kẻo bị cháy nồi hỏng toàn mẻ cao. Ngày xưa, không có đồng hồ thì phải đốt nhang mà tính thời gian.  Đại khái thì nấu cao hổ cốt, ban long, qui bản là như vậy. Ngày xưa, không có giấy bóng, người ta dùng lá chuối khô để gói sau khi cắt miếng rồi cân lượng, ghi nhãn bằng một vuông giấy hồng điều. (theo tài liệu trên internet)

Về thành phần hoá chất, những khảo sát thực nghiệm về cao hổ cốt cho biết cao hổ cốt chứa các chất sau: collagen, mỡ, calcium phosphate, calcium carbonate, magnesium phosphate, kalium carbonate - nhưng collagen là hoạt chất chính. Gelatin của  Hổ cốt chứa 17 amino-acid. (theo tài liệu trên internet)

Vậy chất keo loan hay cao loan có lẽ chế bằng xương cốt mà không phải là máu chim loan (?) và đặc tính dính của keo loan do collagen mà thành (chính người viết ngày còn nhỏ rất nhỏ đã nhìn những miếng cao mầu nâu đậm xắt hình chữ nhật của bà nội).

 

Trong Chinh Phụ Ngâm bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm có câu

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.
 (câu 207)

Sợ làm đứt dây uyên ương (dây uyên kinh đứt) vì có thể báo hiệu điều không may của tình cảm đôi lứa; sợ cây đàn chùng dây (phím loan ngại chùng) gợi lên điều không may mắn của lứa đôi đang xa nhau.

 

Sự tích keo loan là như thế.

 

3- Khuê ly

Hai chữ khuê ly đuợc nhắc đến trong Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn

Chinh phụ ngâm (征婦吟, khúc ngâm của người chinh phụ), còn có tên khác là Chinh phụ ngâm khúc (征婦吟曲) là tác phẩm thơ của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741 giai đoạn sơ kỳ Cảnh Hưng và đuợc bà Đoàn Thị Điểm dịch ra cùng thời và về sau có thêm người dịch ra thơ Nôm.

 

不 勝 憔 悴 形 骸 軟  
始 覺 睽 離 滋 味 酸 (câu 291)

Bất thăng tiều tụy hình hài nhuyễn
Thủy giác khuê ly tư vị toan

(Chinh Phu Ngâm/Đặng Trần Côn )

 

Khuê ly trong câu 252/412 trong bản chữ Nôm của bà Đoàn Thị Điểm

Khuê ly mới biết tân toan dường này.

Trong câu này chính bà Đoàn Thị Điểm cũng vẫn dùng chữ Hán nôm: Có chia lìa ngang trái thì mới biết đau xót cay dắng đến mực nào.

 

 

睽 Khuê: ngang trái

離 Ly: lìa tan chia rẽ

辛 Tân: cay đắng nhọc nhằn

酸 Toan: đau xót, mủi lòng

 

Nhớ phút khuê ly: nhớ phút chia lìa ngang trái.

 

Kết luận.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tài cao, kiến thức rộng, sự phong phú tư tưởng cùng dùng nhiều điển tích trong bài nhạc Ngọc Lan làm người viết những hàng chữ này đã nghĩ phải chăng ông thấu triệt điển tích và mang vào bài nhạc do am tường văn chương chữ Hán mà không nhất thiết dựa theo điển tích đã dùng trong những tác phẩm trước đó ? Và độc giả do quen thuộc với những tác phẩm văn học như truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm nên đã có ngay một sự liên tưởng không tránh được?

 

Sóng Việt Đàm Giang

05 June 2010


Thursday, August 17, 2023

Tho Han Nguyen Du.BacHanhTapLuc I.1.TNDG Dien Dich_2004

 

Trịnh Nguyễn Ðàm Giang

Biên Soạn - Diễn Dịch Thơ 



Thơ Chữ Hán Nguyễn Du 
Bắc Hành Tạp Lục - Phần I



Qua Bắc Hành Tạp Lục - Phần II

Qua Bắc Hành Tạp Lục - Phần III

*****

Mục Lục

Lời Mở Đầu 
Sách Tham Khảo Chính 
Nguyễn Du: Tiểu Sử, Thân Thế, Văn Nghiệp 
Bắc Hành Tạp Lục- Phần I 
Bắc Hành Tạp Lục- Phần II 
Bắc Hành Tạp Lục- Phần III


*****

Lời Mở Đầu

 Bắc Hành Tạp Lục là một trong ba tập thơ gồm 249 bài viết bằng chữ Hán của thi hào Nguyễn Du, đó là Thanh HiênNam Trung, và Bắc HànhThanh Hiên Thi Tậpgồm 78 bài, Nam Trung Tạp Ngâm gồm 40 bài, và Bắc Hành Tạp Lục gồm 131 bài.

Bài biên khảo này gồm 60 bài thơ đầu (Phần I) của tập Bắc Hành Tạp Lục, đánh số theo thứ tự giống như những tài liệu tham khảo, bắt đầu từ bài số 119 đến bài 179.

Bắc Hành Tạp Lục ghi lại những địa danh, hình ảnh, nhân vật, cảnh vật, và hoàn cảnh mà Nguyễn Du đã quan sát, cùng những hoài niệm riêng tư cảm nhận trong hành trình sứ bộ sang Trung Hoa vào những năm 1813-1814 dưới triều Gia Long. Tập thơ nầy cho thấy ở Nguyễn Du một khả năng quan sát chi tiết trung thực, kiến thức thâm sâu về địa lý và lịch sử Trung Hoa cũng như một hệ thống suy tư đặc thù sâu sắc về nhân sinh 

 
Trong việc biên soạn tuyển tập này tác giả xin ghi nhận sự đóng góp của một số thân hữu. Tôi xin có lời cảm ơn Dược sĩ Lê Văn Nhân, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Dũng và Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức đã tặng thêm sách  tham khảo, và đặc biệt  là sự đóng góp then chốt của Tiến sĩ Thomas D. Lê đã giúp hoàn chỉnh bản thảo cùng trình bày kỹ thuật để mang bài viết lên mạng lưới vi tính.

Trịnh Nguyễn Đàm Giang – Sóng Việt 
2 November 2003 

*****

Sách Tham Khảo Chính

Truyện Cụ Nguyễn Du của Lê Thướ c- Phan Sĩ Bằng (1924)

Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh (1959)

Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước -Trương Chính (1965)

192 bài thơ chữ Hán Nguyễn Du của Bùi Hạnh Cẩn (1996)

Nguyễn Du: Thơ Chữ Hán của Chi Ðiền Hoàng Duy Từ (1986)

249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du của Duy Phi (2003)

Nguyễn Du: Tác Phẩm Và Lịch Sủ Văn Bản của Nguyễn Thạch Giang-Trương Chính (2000) 

 *****

Nguyễn Du: Tiểu Sử, Thân Thế, Văn Nghiệp

Nguyễn Du-Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 (tức là ngày 23 tháng 11 năm Ất dậu), (vì Nguyễn Du sinh cuối năm ta Ất Dậu, đầu năm tây 1766 nên hầu hết tài liệu đều viết như ông sinh năm 1765) dưới triều Lê Cảnh Hưng; người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh.

Cha là nhị giáp Tiến sĩ, Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, từng làm tới Tể Tướng triều Lê mạt; mẹ (Trần Thị Tần) là người vợ thứ ba, người Kinh Bắc; anh là Toản Quận Công Nguyễn Khản cũng làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều.

 Khi Nguyễn Du lên mười thì cha chết, 13 tuổi mẹ chết. Vào năm 1778, ông phải về ở với Nguyễn Khản, con bà vợ chính thất của bố. Được vài năm, Nguyễn Du trở về Tiên Điền ở với người chú họ Tiến sĩ Nguyễn Hành.

Cũng trong năm 1778, Nguyễn Ánh nổi dậy ở miền Nam xưng là Đại nguyên soái cố gắng thu phục lại giang sơn của ông cha.

Năm 1783, Nguyễn Du (18 tuổi) thi hương đậu Tam Trường. Vì lẽ gì không rõ, ông không tiếp tục thi lên nữa. Vào đời làm việc được cỡ 5 năm, vào năm 1789, sau khi Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc, đại thắng quân Thanh thì Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình ngụ tại nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn. Trong thời gian này, một nhà văn thơ đàn anh của Nguyễn Du tên là Nguyễn Hữu Chỉnh phản Tây Sơn, bị tướng Tây Sơn là Vũ văn Nhậm cho xé xác phơi thây ở bốn cửa thành. Biến cố này đã lưu lại trong Nguyễn Du những dao động mạnh và có ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của Nguyễn Du.

Tập thơ chữ Hán Thanh Hiên Thi Tập gồm 78 bài làm trong giai đoạn 1786-1804, phần Mười năm gió bụi - 1786-1795, làm trong thời gian ông số ng ở Thái Bình, gồm 27 bài thơ (theo một số tài liệu) là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du. Sau đó là 6 năm ông trở lại nhà sống dưới chân núi Hồng lĩnh, và hai năm làm Tri huyện ở Bắc Hà.

Năm 1796: Nguyễn Du dự định vào Gia Định cộng tác với Chúa Nguyễn, âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây Sơn bắt giam ba tháng. "Có thể" Nguyễn Du đã thai nghénTruyện Kiều vào thời gian này. Năm nay Nguyễn Du đúng 30 tuổi. "Trải qua một cuộc biển dâu". (Một biển dâu = 30 năm).

Năm 1797: Nguyễn Du ẩn dật tại Tiên Điền.

Trải qua mười năm gió bụi ở Quỳnh Hải, 5 năm nghèo túng ở Hồng Lĩnh, không hợp tác với Tây Sơn, giữ vai Hồng Sơn liệp hộ (thợ săn) hay Nam Hải điếu đề (kẻ chài), đạm bạc rau dưa, Nguyễn Du như vẫn còn chờ thời.

Năm 1801: Nguyễn Ánh hạ thành Huế, qua năm sau 1802 lật đổ Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, hạ thành Thăng Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Gia Long, xuống chiếu mời các cựu thần nhà Lê trở lại làm quan. Nguyễn Du bắt đầu làm quan từ năm đó (1802).

Năm 1805: Vua Gia Long vời Nguyễn Du vào Phú Xuân thăng chức Đông Các điện học sĩ, ban tước Du Đức Hầu, "có thể" cùng năm này Nguyễn Du đã hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều.

Năm 1813: Nguyễn Du được thăng Cần chánh đại học sĩ, đồng thời được cử làm Chánh sứ sang Tầu.

Sau khi về nước, năm 1815, ông được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri.

Đường công danh của Nguyễn Du với nhà Nguyễn chẳng có mấy trở ngại. Ông thăng chức nhanh và giữ chức trọng, song chẳng mấy khi vui, thường u uất bất đắc chí. Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...''

Nguyễn Du ra làm quan mà vẫn chán nản buồn rầu, chức lớn, nhưng Nguyễn Du vẫn không có hào hứng trong nhiệm vụ, ba lần xin về hưu, sáng tác nhiều bài thơ đầy chán nản, than thở. Phải chăng những biến cố lịch sử trong thời gian này đã làm cho Nguyên Du trở nên yếm thế?

Năm 1820: Vua Gia Long băng hà, Vua Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử sang Trung Quốc lần thứ hai, nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1820, hưởng thọ 54 tuổi.

Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì.''

Tác phẩm tiêu biểu: ngoài Truyện Kiều nổi tiếng ra, Nguyễn Du còn để lại Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Văn Tế Sống Hai Cô Gái Trường Lưu, Thác Lời Trai Phường Nón bằng chữ Nôm, và ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm và Bắc Hành Tạp Lục. 



Bắc Hành Tạp Lục – Phần I

Xin nhắc lại ba tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du là (1) Thanh Hiên Thi Tập gồm ba phần: Mười năm gió bụi, Dưới chân núi Hồng, và làm quan ở Bắc hà , (2) Nam Trung Tạp Ngâm , và (3) Bắc Hành Tạp Lục. Tập Thanh Hiên gồm 78 bài thơ, tập Nam Trung gồm 40 bài, và tập Bắc Hành gồm 131 bài. Số lượng thơ sáng tác chắc chắn còn nhiều hơn nữa, nhưng đến nay những vị văn thi sĩ lão thành để nhiệt tâm vào việc thu thập thơ chữ Hán của Nguyễn Du như nhóm của cụ Bùi Kỷ, nhóm cụ Lê Thước...chỉ thu thập được 249 bài.

Nguyễn Du cùng phái đoàn đi công sứ Trung Hoa, rời ải Nam Quan ngày 6 tháng 4 năm Quí Dậu (1813) , lên tới Bắc kinh, lưu du phần lớn bằng thuyền, rồi trở về nước tới ải Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814).

Theo tài liệu ghi chép và dựa theo những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du làm khi thăm viếng những di tích lịch sử Trung Hoa thì lộ trình của phái bộ Nguyễn Du như sau: Thăng Long, Nam Quan, Quảng Tây, Quế Lâm, Toàn Châu, Hồ Nam, Lôi Châu, Hành Dương, Giang Nam, Trường Sa, Tương Âm, Nhạc Dương, Hán Dương, Võ Xương, Hứa Đô, Nghiệp, Hàm Đan, Tấn Dương, Yên Kinh, Sơn Đông, Khúc Phụ, Tứ Thủy, Từ Châu, Hoài Nam, An Huy, Võ Xương, Lâm An (Hàng Châu), Quế Lâm, Quảng Tây, Nam Quan.

Theo một tài liệu khác thì lộ trình sứ bộ như sau:

Đường đi của sứ bộ Nguyễn Du (1813-1814)

 Nguyễn Du đi qua cửa Nam Quan ngày mồng 6 tháng 4 năm Quí Dậu (1813), đến Yên Kinh ngày 4 tháng 10 năm Quí Dậu (1813) và về qua Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814).

06-04 Quí Dậu : đi qua cửa Nam Quan (1813). 
08-04 Quí Dậu : đến Ninh Minh Châu. 
02-05 Quí Dậu : đến thành phủ Ngô Châu. 
18-07 Quí Dậu : đến Trường Sa, tỉnh lỵ Hồ Nam. 
30-07 Quí Dậu : đến Võ Xương, tỉnh lỵ Hồ Bắc. 
09-08 Quí Dậu : từ Hán Khẩu ra đi. 
22-08 Quí Dậu : ra khỏi địa phận huyện An Dương, tỉnh Hà Nam. 
04-10 Quí Dậu : đến Yên Kinh (1813). 
24-10 Quí Dậu : từ Yên Kinh khởi hành về nước (1813). 
02-11 Quí Dậu : qua tỉnh An Huy xuống Hồ Bắc. 
25-12 Quí Dậu : đến huyện Lâm Tương, tỉnh Hồ Nam. 
30-01 Giáp Tuất : đến huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam. 
04-02 Giáp Tuất : đến Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. 
29-03 Giáp Tuất : về qua Nam Quan (1814).

Bắc Hành Tạp Lục – Phần I

119  Long Thành Cầm Giả Ca 
120  Thăng Long I 
121  Thăng Long II 
122  Ngộ Gia Đệ Cựu Ca Cơ 
123  Quỉ Môn Quan 
124  Lạng Thành Đạo Trung 
125  Giáp Thành Mã Phục Ba Miếu 
126  Lưu Biệt Cựu Khế Hoàng 
127  Trấn Nam Quan 
128  Nam Quan Đạo Trung 
129  Mạc Phủ Tức Sự 
130  Minh Giang Chu Phát 
131  Hoàng Sào Binh Mã 
132  Ninh Minh Giang Chu Hành 
133  Vọng Quan Âm Miếu 
134  Tam Giang Khẩu Đường Dạ Bạc 
135  Thái Bình Thành Hạ Văn Xuy Địch 
136  Chu Hành Tức Sự 
137  Thái Bình Mại Ca Giả 
138  Sơn Ðường Dạ Bạc 
139  Đề Ðại Than Mã Phục Ba Miếu 
140  Vãn Há Đại Than, Tân Lạo Bạo Trướng, Chư Hiểm Câu Thất 
141  Há Than Hỉ Phú 
142  Thương Ngô Tức Sự 
143  Thương Ngô Mộ Vũ 
144  Ngũ Nguyệt Quan Cạnh Độ 
145-159 (15 bài)   Thương Ngô Trúc Chi Ca 
160  Dương Phi Cố Lý 

 161  Triệu Vũ Đế Cố Cảnh 
162  Bất Tiến Hành 
163  Tam Liệt Miếu 
164  Quế Lâm Cù Các Bộ 
165  Quế Lâm Công Quán 
166  Đề Vi, Lư Tập Hậu 
167  Quá Thiên Bình 
168  Vọng Tương Sơn Tự 
169  Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu Cố Trạch 
170  Tương Giang Dạ Bạc 
171  Tương Đàm Điếu Tam Lư Đại Phu I 
172  Tương Đàm Điếu Tam Lư Đại Phu II 
173  Phản Chiêu Hồn 
174  Biện Giả 
175  TrườngSa Giả Thái Phó 
176  Sơ Thu Cảm Hứng I 
177  Sơ Thu Cảm Hứng II 
178  Sở Vọng 
179  Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ

Bài Thơ Đầu Tiên Tập Thơ Bắc Hành Tạp Lục

Bài thơ đầu tiên trong tập Bắc Hành Tạp Lục là bài Long Thành Cầm Giả Ca.

Truyện Kiều theo tài liệu lưu trữ, đã được Nguyễn Du làm trong thời gian đi sứ. Nếu đúng như vậy thì câu chuyện trong bài thơ chữ Hán Long Thành Cầm Giả Ca này có lẽ là một trong những nguồn hứng để Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều.

Người Gảy Đàn Đất Long Thành (Làm trong khi đi sứ) 
Tiểu dẫn của Nguyễn Du 
Bản dịch nghĩa

Người gảy đàn đất Long Thành không rõ họ tên là gì. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học đàn “Nguyễn” (đàn nguyệt ca do Nguyễn Hàm , người đời Tấn ở Trung Quốc chế ra) trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nhạc cũ người chết, kẻ bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ ôm đàn hát rong. Những bài nàng gãy đều là những khúc cung phụng gãy cho vua nghe, người ngoài không hề được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng hay nhất một thời.

Hồi còn trẻ (1792-1793?), tôi đến kinh đô thăm anh tôi (Nguyễn Nễ), ở trọ gần Giám hồ (hồ Gương). Cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con hát đẹp có đến vài chục người. Nàng nỗi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo nói khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, nàng uống hết ngay, tiền thưởng nhiều vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm. Sau được gặp ở nhà anh tôi. Nàng người thấp, má bầu, trán giô, mặt gẫy, không đẹp lắm, nhưng mước da trắng trẻo, thân hình đẫy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh, má đánh phấn, áo màu hồng, quần lụa cánh chả, có vẻ phong nhã. Nàng hay uống rượu, hay nói pha trò, con mắt long lanh, không coi ai ra gì. Khi ở nhà anh tôi mỗi lần uống rượu thì nàng uống say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, các bạn có chê trách cũng không lấy làm điều.

Sau đó vài năm, tôi rời nhà về Nam (Thái Bình), mấy năm liền không trở lại Long Thành. Mùa Xuân năm nay (1813) tôi lại phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát. Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã gặp.

Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi, không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt trên đường đi, cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau, để ghi lại mối cảm hứng.

Bài số 1 trong Bắc Hành Tạp Lục

119/249

(Số 119 trong 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du)

Long Thành Cầm Giả Ca

Long thành giai nhân 
Tính thị bất ký thanh 
Độc thiện Nguyễn cầm 
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh 
Học đắc tiên triều cung trung cung phụng khúc 
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.

Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến 
Giám hồ hồ biên dạ khai yến 
Kỳ thời tam thất chính phương niên, 
Hồng trang yểm ái đào hoa diện 
Đà nhan hám thái tối nghi nhân; 
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến 
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm, 
Thanh như song hạc minh tại âm 
Liệt như Tiến phúc bi đầu toái tích lịch (1)
Ai như Trang tích bệnh trung vi Việt ngâm (2)
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện 
Tiện thi Trung hòa đại nội âm. (3)

Tây sơn chư thần mãn toa tận khuynh đảo 
Triệt dạ truy hoan bất tri bão 
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu (4)

 Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.

Hào hoa ý khí lăng vương hầu 
Ngũ lăng thiếu niên bất túc đạo (5)
Tính tương tam thập lục cung xuân 
Hoạt tố Trường An vô giá bảo. (6)

Thủ tịch hồi dầu nhị thập niên, 
Tây sơn bại hậu dư tam thiên (7)
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến 
Hà luống thành trung ca vũ diên.

Tuyên phủ sứ quân vị dư trụng mãi tiếu (8)
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu 
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa 
Nhan sấu thần khô hình lược tiểu 
Lang tạ tàn mi bất sức trang 
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu.

Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy 
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi, 
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự 
Giám hồ tịch trung tằng kiến chi 
Thành quách suy di nhân sự cải 
Kỷ xứ tang điền biến thương hải 
Tây sơn cơ nghiệp tận tiêu vong 
Ca vũ không di nhất nhân tại.

Thuần tức bách niên năng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y 
Nam hà qui lai đầu tận bạch (9)
Quái để giai nhân nhan sắc suy.

Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng 
Khả liên đối diện bất tương tri.

Chú thích:

(1) Tiến Phúc bi: bia chùa Tiến Phúc ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang Tây. Tương truyền ông Phạm Trọng Yên đời Tống, lúc làm quan ở Bá Dương, có người học trò nghèo dâng bài thơ hay, ông muốn giúp đỡ, cho rập một nghìn bản để bán lấy tiền. Chưa rập xong thì một đêm bản in bị sét đánh vỡ tan.

(2) Câu chuyện Trang Tích. Trang Tích là người nước Việt, làm quan nước Sở. Khi ông ốm, Sở Vương hỏi mọi người: "Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan nước Sở, được phú quý rồi, thì còn nhớ nước Việt nữa không?" Viên thị ngự đáp: "Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không, thường tỏ ra trong lúc đau ốm. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng nước Sở." Sở Vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt.

 (3) Trung Hòa: tên một điện của triều Lê ở Thăng Long.

(4) Triền đầu: lấy khăn quấn đầu làm vật tặng thưởng. Đời Đường trong yến tiệc vua đãi, ai đứng dậy múa được ban gấm để quấn đầu như vật tặng thưởng. Về sau các món tiền thưởng cho người ca múa được gọi là triền đầu.

(5) Ngũ Lăng: nơi có năm lăng tẩm của đế vương đời Hán, nơi này dân hào hoa phú quý thường ở. Bài Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu: Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu.

(6) Trường An: chỉ Thăng Long.

(7) Sau khi Tây Sơn bại, tôi vào Nam, ý muốn nói sau năm 1802 nhà thơ vào Phú Xuân làm quan.

(8) Tuyên Phủ: chỉ quan trấn thủ Bắc Thành, vào lúc Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc mùa xuân 1813.

(9) Nam Hà: chỉ phía Nam sông Gianh.

Người Gảy Ðàn Ở Long Thành

 Người đẹp Long Thành 
Họ tên không được biết 
Riêng thạo đàn Nguyễn cầm 
Dân trong thành gọi nàng là cô Cầm 
Gãy khúc “Cung phụng” từ triều vua xưa 
Một khúc đàn hay tuyệt từ trời đưa xuống thế gian.

Nhớ hồi trẻ tôi đã gặp nàng một lần 
Bên hồ Giám trong một đêm yến tiệc 
Tuổi cô cỡ hai mươi mốt 
Áo hồng ánh lên khuôn mặt đẹp như hoa 
Rượu đậm thêm nét mặt ngây thơ khả ái 
Ngón tay lướt năm cung réo rắt 
Tiếng khoan như gió thổi qua rừng thông 
Thanh trong như đôi hạc kêu nơi xa xôi 
Mạnh như sét đánh tan bia Tiến phúc 
Sầu bi như Trang Tích lúc đau ốm ngâm rên tiếng Việt 
Người nghe nàng say sưa không biết mệt 
Trong khúc nhạc đại nội Trung Hoà.

Quan tướng nhà Tây say rượu nghiêng ngả 
Lo vui chơi suốt đêm không nghỉ 
Bên phải bên trái tranh nhau cho thưởng 
Tiền bạc coi thường có nghĩa chi.

Vẻ hào hoa hơn bậc vương hầu 
Giới trẻ nơi Ngũ Lăng không đáng kể 
Dường như ba mươi sáu cung xuân 

 Nay Tràng An đã hun đúc được một báu vật vô giá.

Trong đầu nhớ lại đã hai mươi năm 
Tây sơn thua bại, tôi vào Nam 
Long Thành gần mà cũng chẳng được thấy 
Còn nói chi đến chuyện múa hát trong thành.

Nay Tuyên phủ sứ bày cuộc vui đãi tôi 
Ca kỹ trẻ xinh cả một đám 
Chỉ có một kẻ tóc hoa râm ngồi cuối phòng 
Mặt xấu, sắc khô, người hơi nhỏ 
Mày phờ phạc không điểm phấn tô son 
Sao mà đoán được người này là đệ nhất danh ca một thời.

Điệu nhạc xưa làm ta thầm nhỏ lệ 
Lắng tai nghe lòng càng đau xót 
Tự nhiên nhớ lại hai mươi năm trước 
Bên hồ Giám trong dạ tiệc ta đã thấy nàng 
Thành quách đã chuyển, người cũng đổi thay 
Nương dâu trở thành biển cả đã nhiều 
Cơ nghiệp Tây sơn cũng đà tiêu tán 
Sót lại đây còn người múa ca.

Thấm thoắt trăm năm có là bao 
Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt 
Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng 
Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn.

Hai mắt trừng lên tưởng nhớ chuyện xưa 
Thương cho đối mặt mà chẳng nhìn nhận ra nhau.

120/249

Thăng Long I

Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng. (1) 
Bạch đầu (2) do đắc kiến Thăng Long. 
Thiên niên cự thất thành quan đạo, 
Nhất phiến tân thành một cố cung. 
Tương thức mỹ nhân khan bão tử, 
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông. 
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy, 
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

Thăng Long I

Núi Tản sông Lô qua bao năm trời đều vẫn vậy, 
Bạc đầu nay lại thấy được Thăng Long. 
Những tòa nhà cũ nghìn xưa, nay đã trở thành đường đi,

                                              Một dải thành mới thay dấu cung điện cũ. 

Những người đẹp biết ngày xưa nay đều đèo bồng con trẻ, 
Bạn hào hiệp lúc trẻ cũng đều già cả. 
Suốt đêm khổ tâm nghĩ ngợi không ngủ được, 
Nghe tiếng sáo văng vẳng trong ánh trăng.

Chú thích:

(1) Thăng Long: Từ đời Lý, kinh đô Việt Nam đóng tại Thăng Long. Thăng Long nghĩa đen là rồng hiện lên. Đến đời Nguyễn, Gia Long đóng đô tại Huế, và đổi chữ Thăng Long là rồng hiện thành chữ Thăng Long là thịnh vượng. Nhưng trong văn thơ, cổ nhân vẫn viết chữ theo tên cũ Thăng Long là rồng hiện.

(2) Bạch đầu: Nguyễn Du mới ba mươi tuổi đã bạc đầu và dùng chữ này để nói về mình trong rất nhiều bài thơ trong Thanh Hiên Thi Tập và Nam Trung Tạp Ngâm . Nhưng chữ bạch đầu trong bài này nói về tuổi già. Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mạt (1789), vua Lê chạy sang Trung Quốc, lúc ấy Nguyễn Du mới 25 tuổi. Đến khi Gia Long lên ngôi (1802) Nguyễn Du từ Hà Tĩnh ra Thăng Long làm quan. Lúc ấy Nguyễn Du 37 tuổi. Đến khi vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813), Nguyễn Du đến Thăng Long một lần nữa. Bài thơ này làm lúc ra Thăng Long để sang Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Du đã gần ngũ tuần. Cho nên mới nói Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.

121/249

Thăng Long II

Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành, 
Do thị Thăng Long cựu đế kinh 
Cù hang tứ khai mê cựu tích 
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh 
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt 
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh 
Thế sự phù trầm hưu thán tức 
Tư gia đầu bạch diệc tinh tinh.

Thăng Long II

Trăng thuở nào chiếu sáng khu thành mới 
Vẫn là một Thăng Long của ngày xưa 
Đường ngang đường dọc lạc cả lối 
Nghe tiếng sáo tiếng đàn cũng đượm âm thanh mới 
Ngàn năm bả phú quý vẫn là mồi tranh đoạt 
Bạn bè ngày trẻ nay kẻ sống người chết 
Cuộc đời lên xuống ngưng ca thán 
Thân ta thì mái tóc bạc lốm đốm mau.

122/249

Ngộ Gia Đệ Cựu Ca Cơ

Phồn hoa nhân vật loạn lai phi, 
Huyền hạc qui lai kỷ cá tri. (1) 
Hồng tụ tằng văn ca uyển chyển, (2) 
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly, 
Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy, 
Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti! 
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử 
Khả liên do trước khứ thời y.

Gặp Người Hát Cũ Của Em Tôi

Nơi chốn thị thành gặp lại người sau thời loạn, 
Hạc đen ta nay trở về có ai hay đâu. 
Áo hồng đào hát giọng ca hay ngày trước, 
Đầu bạc nay gặp lại than khóc nỗi chia lìa. 
Chẳng thể vớt lại chậu nước đã đổ, 
Ngó sen tuy đứt, mà tơ vẫn còn vương. 
Nói chuyện biết lấy chồng khác có ba con, 
Thấy thương cho vẫn mặc chiếc áo ngày xưa.

Chú thích:

Người em ở đây có lẽ Nguyễn Du muốn nói về người em trai tên là Nguyễn Ức. Nguyễn Ức lúc bấy giờ đang làm thiềm sự bộ Công, tước hầu. Khi Nguyễn Du ghé Thăng Long trên đường đi sứ, gặp lại người bạn ca hát của người em.

(1) Chim hạc đen: Ý nói Nguyễn Du xa Thăng Long lâu ngày nay mới trở lại.

(2) Hồng tụ: ống tay áo mầu hồng, chỉ áo đào hát.