Monday, June 22, 2020

The Walker -Through-Walls. Marcel Ayme. Montmartre. SVĐG.

Le Passe-Muraille.

Marcel Ayme.

Người đi xuyên qua tường.



Quận Montmartre của Paris đầy rẫy những địa điểm lý thú, ngoài những điểm thu hút lớn dọc theo các đại lộ chính và trên đỉnh đồi Montmartre ra, còn có rất nhiều viên ngọc nho nhỏ của văn hóa Paris được tìm thấy trên những con đường chạy tứ phương giữa Montmartre.
Là một du khách loại về hưu ưa lang thang, người viết quan tâm đến những cơ hội tốt để chụp hình và ngay cả một câu chuyện hay. Người đàn ông có thể đi xuyên qua tường” là một bức tượng đáng chú ý.

 (*)


Nằm ở một quảng trường nhỏ (Place Marcel Aymé) trên đường Rue Norvins, ở phía đông của Sacre Coeur, có một bức tượng điêu khắc kỳ lạ, cho thấy chân, tay và thân trên của một người đàn ông dường như đang nổi ra từ một bức tường đá. 

Bức tượng người đàn ông đặt tại Place Marcel Ayme dựa trên câu chuyện ngắn Le Passe-Muraille (Người đi bộ xuyên tường) của nhà văn nổi tiếng người Pháp Marcel Ayme đã được nam tài tử điện ảnh nổi tiếng Jean Marais vẽ kiểu và xây dựng.

Marcel Aymé (1902-1967) nhà văn Pháp viết chuyện ngắn, kịch bản, chuyện cười v.v…đã sống rất lâu ở  Montmartre, tại con phố Norvins, và hầu hết các câu chuyện trong tiểu thuyết của ông chủ yếu xảy ra ở khu phố này. Mất năm 1967, ông yên nghỉ tại nghĩa địa Saint Vincent của Montmartre.

Người đi xuyên qua tường là một truyện ngắn giả tưởng xuất bản năm 1943 kể về một viên chức bàn giấy bình thường tên Dutilleul ở khu đồi Montmartre. Một buổi tối nọ, người đàn ông này phát hiện ra mình có thể đi xuyên tường. Sau khi đã sử dụng khả năng này để có tình yêu và tiền bạc, ông ta cuối cùng cũng mất đi khả năng này và bị kẹt cứng ở trong một bức tường không xa nhà ông là mấy, ở đúng nơi của bức tượng ngày nay sát bên đường Norvins.

Jean Marais, diễn viên điện ảnh và điêu khắc gia người Pháp đã bất tử hóa câu chuyện Le Passe-Muraille vào năm 1989 tại một bức tường gần nhà Marcel Ayme. Và đặc biệt Jean Marais đã khắc tượng với chân dung nhà văn Marcel Ayme để tiêu biểu cho nhân vật gỉa tưởng Dutilleul của tác gỉa.

 (*)

Photo SVĐG
Đôi hàng về nhà điêu khắc Jean Marais.
Jean--Marais (1913-1998) là một diễn viên, nhà văn, đạo diễn và nhà điêu khắc người Pháp. Ông đã tham gia hơn 100 bộ phim và là bạn đồng hành của đạo diễn nổi tiếng Jean Cocteau.  Năm 1996, ông được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những đóng góp cho nền Điện ảnh Pháp.
Ngày 26 tháng 4 năm 2008 một quảng trường ở quận 18 của Paris được đặt theo tên ông mang tên Place Jean Marais nằm ở phía trước Saint-Pierre de Montmartre, không xa Place du Tertre, trên đỉnh Montmartre.

SV Đàm Giang biên soạn.
(*) Photos Internet.

Tuesday, June 9, 2020

NhungDongKyNiem. ToDong. CanNha 17Puginier. Hanoi. VN





 Một chương trong cuốn sách Những Dòng Kỷ Niệm của GS Tô Đồng  (2004), phần Tháng Ngày Hà Nội (tr. 25-31).

Đàm Giang.

Nhắc lại cũng thú vị, người viết có nhớ sau khi sách xuất bản, có gặp GS Tô Đồng và phu nhân DS Loan trong những buổi hội họp tại Nam California và GS Tô Đồng cũng có nhắc lại.
Về cây đàn piano Pleyel của GS TĐ, thì đó là một đàn dương cầm loại quý và tốt. Xưởng làm đàn dương cầm Pleyel do nhạc sĩ Ignaz Pleyel (1757-1831) và gia đình sáng lập và duy trì từ năm 1807 cho đến 2013 thì ngưng chế tạo. Đàn dương cầm hồi đó của GS TĐ là đàn upright.


Và căn nhà mà thân mẫu người viết nói đến là căn nhà  số 17 Puginier (nay là 17 Điện Biên Phủ) mà bố mẹ người viết đã mua vào năm 1951. Năm 2012 ra Hà Nội, chúng tôi có ghé thăm thân nhân sống ở dẫy nhà nhỏ phía sau nhà chính này và có chụp hình.
Hình cô bé ngồi ở bậc thang trước nhà là căn nhà này.



 GS Tô Đồng viết:
 "Đó là những dịp cụ giảng đôi chút về ký âm pháp và nhạc lý. Các nốt có dấu thăng theo thứ tự là fa do sol re la mi si, và các nốt có dấu giảm theo thứ tự ngược lại si mi la re sol do fa. Một bài nhạc không có dấu thăng hay giảm thì là tông do. Tôi còn thuộc câu vè dễ nhớ của cụ để biết một bản nhạc thuộc tông nào: Nhất són, nhị rế, tam la. Tứ mi, ngũ sí, lục pha, thất đồ! Mà ai chẳng buồn cười vì chữ thất đồ theo tiếng Bắc! Nghĩa là nếu một nốt fa có dấu thăng (nhất) thì là tông sol, hai nốt fa do có dấu thăng (nhị) là tông re, ba nốt fa do sol có dấu thăng (tam) là tông la...vân vân.

 Khi tôi biết sẽ vô ăn ở trong trường Quân Y và không có thì giờ để tập nữa, tôi đăng báo bán cây đàn Pleyel. 

Mấy ngày sau có một bà ăn mặc sang trọng cùng hai cô con gái đi chiếc xe Citroen đen đến nhà. Bà là phu nhân của kiến trúc sư Nguyễn Bá Chí. Bà coi xem đàn qua loa, nói rằng nếu để ở phòng khách của bà thì rất đẹp. Tôi không muốn lời lỗ, nên chỉ muốn lấy lại giá tiền mua năm trước đây từ nhạc sĩ Tiến đường Nhà Thờ Hà Nội. Và bà đã lịch sự ưng thuận ngay không mặc cả. Thật là một kỷ niệm đẹp. Vài chục năm sau tôi mới biết bà là thân mẫu của Đàm Giang, một dược sĩ giỏi và có biệt tài thơ văn."
Tô Đồng (2004).


Sunday, June 7, 2020

Tấm Hình Sau 33 năm. Ngày Đó. Bây Giờ.



Attila Manek: Tấm hình nổi tiếng sau 33 năm. Ngày đó và bây giờ.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Attila Manek chụp một phụ nữ trẻ và đứa bé gái trong một bịch plastic được phát tán trên mạng gần đây sau hơn ba mươi năm kể từ khi tấm hình được chụp ở Budapest năm 1987. Có một số người so sánh người mẹ với Công nương Diana trong bức ảnh năm 1987, những người khác ca ngợi sự dễ thương của người phụ nữ trẻ, và ca ngợi nhiều hơn về tấm hình.


Khi Attila Manek nhận ra rằng bức ảnh của mình đã đạt được thành công sau hơn ba mươi năm kể từ khi được chụp, nay một phiên bản tấm hình đã được truyền tải lên Facebook, và có nhiều người đã tự hỏi những người trong bức ảnh ngày hôm nay nhìn ra sao, thì Attila đã quyết định chụp một bức ảnh tương tự và cho phát tán trên mạng vào tháng 2 năm 2020.
Tấm hình chụp năm 1987 tại Museum Boulevard Budapest nơi mà gia đình Attila sống lúc đó. Tấm hình mới chụp tại một khu phố chợ khác (Budafok) cũng với hai nhân vật đó. Đó là Marti, vợ Attila, và Eniko, cô con gái của họ.


Theo lời của Fanni Manek, chị hay em của Eniko, thì  nhiếp ảnh gia Attila chụp tấm hình đó với óc khôi hài muốn miêu tả sự khó khăn của “second shift” (làm việc ca thứ hai) của người mẹ trẻ. Người mẹ trẻ sau khi đi làm ra (còn đi giầy cao gót), đón con về còn phải đi chợ mua thức ăn nên mang theo đứa bé cho vào bịch plastic cho tiện. Nhìn hình ta thấy một túi sách rau cỏ được giữ kẹp dựa vào quầy hàng với đầu gối phải. Một tay trái gồng giữ bịch có bé,  một đầu gối phải kềm túi sách, một tay phải chọn mua thức ăn. Vậy mà người mẹ chẳng có chút nao núng hay vội vã! Thật tuyệt vời!

Nay nói về tấm hình mới mà Attila chụp tháng 2 năm nay 2020, ta thấy cô con gái Eniko năm nay 33 tuổi đứng bên trong một cái bịch phastic sau lưng bà mẹ và tay trái cô cũng cầm một trái cây như ngày cô còn bé chưa đến 1 tuổi cách đây 33 năm (1987) trong bịch.Thật thú vị!
Enika nay là một khoa học gia rất xinh đẹp chuyên ngành hóa học. Tên cô hiện diện trong nhiều nghiên cứu khoa học với nhiều chuyên gia khác.

Ngoài tấm hình để so sánh như trên, còn có một tấm hình bên lề chụp ngày đó năm 1987 và bây giờ. Hai tấm hình này thu thập được trên internet. Thôi thì cứ mang lên cho độc gi xem. Có thể sẽ phải xoá đi nếu cần thiết.
Trong tấm hình đen trắng cũ thì cái tay sách đặt trên quầy hàng, và khuôn mặt người mẹ rõ hơn, em bé nhìn thoải mái hơn. Trong tấm hình màu mới chụp gần đây thì Eniko đang ăn trái cây và không đứng trong bịch plastic mà tay phải cầm một tỏi tây và giữ tấm hình chụp nổi tiếng ngày trước. Cá nhân người viết hàng chữ này thích tấm hình thứ hai này hơn dù nó không phản ảnh được hình ảnh cô bé trong bịch.



SVĐG

Saturday, June 6, 2020

Ngày 6 Tháng 6 1944.D Day. Normandy. Pháp.



June 06 2020.

Hôm nay là ngày kỷ niệm 76 năm cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy, Ph áp.
 Sự can đảm và hy sinh của quân đội Đồng minh đổ bộ trên bãi biển Normandy 76 năm trước sẽ được nhmãi mãi cho thế hệ sau.


Hình chụp Bãi biển Normandy. Bãi biển Omaha. Viện Bảo Tàng Omaha. Nghĩa Trang Quân nhân và dân sự Hoa Kỳ tại Colleville-sur-Mer. France. (Tháng 10 2017. Photos GNT).

TNĐG.



























Friday, June 5, 2020

Con giời Chilopoda. Otostigmus aculeatus. Bệnh Zona Thần Kinh.



Con Giời Leo
Otostigmus aculeatus. Scolopendridae.



Con giời hay con giời leo là loại động vật bách túc (centipedes) phân lớp Chân môi Chilopoda, tên khoa học là Otostigmus aculeatus, họ Scolopendridae . Con giời có thân dẹp, kích thước nhỏ hơn so với nhiều loại rết khác, bò khá nhanh, thường sống ở các góc khuất, ngõ ngách, có thể gặp ở dưới gầm giường, nơi ẩm thấp như dưới các hòn gạch, đá,... Chúng kiếm ăn vào ban đêm nên có khi bò lên người đang ngủ và tiết dịch acid  phát quang có mùi phosphorus và có thể gây chứng đỏ da (erythema) và phỏng da  khi da bị dính đụng vào nó.

Bệnh giời leo: nguyên gốc là tên dân gian để chỉ chung các loại viêm da dị ứng do tiếp xúc với con giời leo hoặc một số loại côn trùng khác có độc tính như kiến ba khoang (thuộc chi Paederus), sâu ban miêu (thuộc họ Meloidae) xuất hiện trong mùa gặt, thời kỳ giao mùa hay mưa bão.
Bệnh Zona thần kinh (giời leo). Đây là cách gọi không chính xác nhưng phổ biến để chỉ bệnh Zona do biểu hiện bên ngoài của hai bệnh này khá giống nhau.
Tuy nhiên có thể phân biệt bằng quan sát kỹ càng: bệnh zona lan theo đường đi của các dây thần kinh từ cùng một bó dây thần kinh cảm giác nên trên phần thân và chi chân tay thì thông thường bệnh chỉ lan ở 1 bên. Còn bệnh giời leo thì vùng bị viêm da dị ứng có thể là bất cứ vùng da hở nào, có thể xuất hiện ở cả hai bên thân. Bệnh zona trầm trọng có thể dễ phân biệt hơn do có các nốt phỏng phồng to.
  Bệnh zona hay zona thần kinh (shingles), còn được gọi là zoster hoặc herpes zoster, là một bệnh do virus đặc trưng bởi phát ban da đau đớn với mụn nước ở tùy khu trên thân thể. Thông thường, phát ban xảy ra ở một dải đơn, rộng ở bên trái hoặc bên phải của cơ thể hoặc khuôn mặt. Đến bốn ngày trước khi phát ban xảy ra, có thể có cảm giác ngứa ran hoặc đau cục bộ. Triệu chứng là ban đỏ, biến chuyển thành mụn nước thành đám kiểu chùm nho với cảm giác ngứa, nóng và rát. Khoảng hai đến bốn tuần sau thì lành da nhưng cảm giác đau nóng có thể kéo dài khá lâu, một số người bị đau dây thần kinh liên tục có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, một tình trạng gọi là đau dây thần kinh sau khi điều trị. Ở những người có chức năng miễn dịch kém, phát ban có thể xảy ra rộng rãi. Nếu phát ban liên quan đến mắt, mất thị lực có thể xảy ra.
  Bệnh zona (zona hay zona thần kinh) là dạng tái hoạt của virus varicella zoster, tức là bệnh nhân trước đó đã từng mắc bệnh thủy đậu (trái rạ). Thường thì bệnh nhân nhiễm thủy đậu khi còn nhỏ rồi lành bệnh nhưng virus không bị diệt mà ẩn vào trong tế bào thần kinh, Hạch thần kinh dưới dạng không hoạt động. Sau một thời gian dài, có khi hằng mấy chục năm, virus tái hoạt động thành bệnh zona. Virut sẽ lan theo đường đi của dây thần kinh rồi bộc phát ở trên da tương ứng với khu vực của dây thần kinh. Động lực khiến virus tái hoạt sau nhiều năm tiềm ẩn vẫn chưa được xác định.
Như thế, gọi bệnh Zona thần kinh là bệnh giời leo thì không đúng vì bệnh giời leo là một bệnh do viêm da dị ứng với một vài loại côn trùng, hoàn toàn khác với bệnh Zona thần kinh.
Giun đất và con Rết
Giun đất là tên thông thường của các loài giun lớn nhất của phân lớp Oligochaeta trong ngành Giun đốt (phylum Annelida).
Giun đất là loài động vật không xương sống, thường sống ở những khu vực đất ẩm ướt ẩm ướt nói chung, nơi có nhiều mùn hữu cơ. Chúng có vai trò to lớn đối với ngành nông nghiệp do chúng làm đất tơi xốp và tăng độ phì nhiêu của đất. Giun đất còn là thức ăn cho gia súc và gia cầm.
Rết, hay rít, là tên gọi Việt ngữ của một nhóm động vật bách túc (centipedes), chân khớp thuộc lớp Chân môi (Chilopoda) trong phân ngành Nhiều chân Myriapoda, ngành Artropoda.
Rết là loài động vật thân đốt, thon dài, nói chung mỗi đốt có một đôi chân. Số lượng chân của mỗi loài rết rất đa dạng, từ dưới 20 cho đến trên 300 chân. Một đặc điểm dễ nhận thấy của rết là cặp kìm ở trước miệng có thể tiết nọc độc vào kẻ thù, được hình thành từ một cặp gọng phần phụ miệng. Hầu hết các loài rết là động vật ăn thịt.

Tuesday, June 2, 2020

Những Thân Cây. Frank Kafka. SVDG



Những Thân Cây ("Die Bäume")

Câu chuyện cực ngắn của Franz Kafka

Sóng Việt Đàm Giang




Chuyện Die Bäume là một trong 18 truyện ngắn của tập Trầm Tư Mặc Tưởng (Contemplation / Meditation / Betrachtung) phát hành năm 1913 do Franz Kafka viết trong khoảng thời gian1904-1912. Bản Đức ngữ chép lại từ trang nhà Kafka Project (*), phần Anh và Việt ngữ do người viết dịch.

Die Bäume
Denn wir sind wie Baumstämme im Schnee. Scheinbar liegen sie glatt auf, und mit kleinem Anstoß sollte man sie wegschieben können. Nein, das kann man nicht, denn sie sind fest mit dem Boden verbunden. Aber sieh, sogar das ist nur scheinbar.

The trees. Because we are like tree trunks in the snow. They seem to lie flat, and you should be able to push them away with a little push. No, you can't because they are firmly attached to the floor. But look, even that is only apparent.(Google dịch).

The trees
For we are like tree logs in the snow. In appearance they lie smoothly and a little push should be enough to shift them away. No, this can't be done, for they are firmly connected to the ground. But look ahead, even that it is merely a matter of appearance.
Những Thân Cây
Dường như thể chúng ta là những khúc thân cây trong tuyết. Bề ngoài, chúng  nằm trơn láng và một cái đẩy nhẹ cũng đủ  để làm chúng di chuyển. Không, không thể làm thế đuợc, vì chúng đã kết hợp chặt chẽ vào đất. Nhưng, trông đây, ngay cả như thế cũng chỉ là sự kiện bề ngoài.

Những thân cây
Chúng ta như những thân cây
Trong tuyết nằm trơ trơn láng
Dường như một cái đẩy nhẹ
Cũng đủ làm chúng chuyển di
Không, không thể nào làm thế
Vì chúng đã kết hợp chặt
Với đất đã tự lâu rồi.
Nhưng này, hãy cứ nhìn đi
Có chăng cũng chỉ bề ngoài.

Trong bản chuyện cực ngắn gồm chỉ bốn câu, Kafka đã so sánh người với những khúc thân cây. Nhìn bề ngoài thì dường như một cái đẩy nhẹ chúng cũng có  thể di chuyển được, nhưng không làm thế đuợc vì chúng đã gắn chặt vào lòng đất rồi. Nhưng nhìn như thế cũng chỉ là bề ngoài mà thôi.
Trong câu đầu tiên, tác giả đã dùng đại danh từ, số nhiều, ngôi thứ nhất (chúng ta) để so sánh  với thân cây. Nhưng sang câu thứ hai thì sự chuyển tiếp từ chúng ta đã bắt sang nói về thân cây, và khi nói về thân cây thì tác giả đã chuyển từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba: thay vì nói chúng ta (ngôi thứ nhất) đẩy thân cây, thì tác giả viết thân cây có thể di chuyển khi bị đẩy nhẹ. Sự chuyển đổi ngôi thứ cho thấy tác giả muốn nói về thân cây mà không phải về chúng ta (nhưng ẩn dụ vẫn chính là chúng ta). Sau khi đã chuyển sự chú ý sang những thân cây, sự phát triển ý nghĩ về những thân cây đi vào lý luận: không, không làm thế được, vì cây đã gắn chặt đã gắn bó lâu đời với lòng đất, làm sao mà di chuyển chúng được. 
Thân cây cũng như con người đã gắn bó với một mảnh đất, với quê cha đất tổ từ đời nọ sang đời kia, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, lòng tin, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ đã  thấm nhập sâu xa thì làm sao mà di chuyển chúng đi được. Nhưng (lại nhưng nữa) câu chót tác giả cho một kết luận đặt nhân loại vào một vị trí không có gì chắc chắn cả, mà chỉ là hiện tưởng (bề ngoài) thôi. Trên thực tế, hiện tưởng cho rằng con người không thay đổi được, nhưng với những dồn đẩy, áp bức cùng với một số điều kiện nào đó, con người có thể thay đổi rất nhiều.

Đọc chuyện của Franz Kafka là đương đầu với thử thách. Tìm mở được một cánh cửa sẽ dẫn đến những cánh cửa tiếp của một mê lộ chằng chịt.
Có thể nói Kafka là một nhà văn hoang tưởng. Những chuyện kể của ông mang những tư tưởng kỳ lạ, phi lý. Và Kafka không hề giải thích những phi lý mang lên, ông để cho người đọc lay hoay tìm hiểu, xoay trở giải thích, biện luận nhiều hướng.

Trong câu chuyện cực ngắn trên đây của Kafka, người đọc có cảm tưởng là Kafka đã nói đến chính cá nhân ông, so sánh con người với thân cây, nói về sự di chuyển có thể xẩy ra với thân cây, tự cho  không thể xẩy ra như thế, rồi lại cho rằng không thể nói chuyện thay đổi không xẩy ra được, vì đó chỉ hiện tưởng (appearance).
Kafka từ lúc còn rất trẻ đã sống và lớn lên trong một một môi trường phức tạp, cùng hoàn cảnh nhiều ngang trái. Là người Tiệp, gốc Do Thái, theo học và thấm nhuần văn hoá Đức, Kafka dường như cảm thấy bị bóp nghẹt không lối thoát và không thể theo một lối đi nhất định. Sự ngang trái mâu thuẫn trong gia đình, sự kiềm chế trong liên hệ tình cảm, sự bó tay trong môi trường làm việc đã tạo ông thành một con người với lối suy nghĩ khác thường, viết nên những tư tưởng khác lạ, với bản năng vượt ngoài quy ước của xã hội đương thời.
Thế giới của Kafka trong câu chuyện ngắn Những Thân Cây là câu chuyện hiện tưởng trong một mảnh đất cô lập với những tạo dựng dăng mắc, với diễn tiến phát triển bản thể và thân phận con người trong thế giới hiện hữu.
Chủ nghĩa Hiện sinh đã được bàng bạc trong nhiều tác phẩm của Kafka, nhưng đề tài thuyết Hiện sinh không được bàn đến trong bài viết ngắn này.

Sóng Việt Đàm Giang
(August 12 2011)
June 02 2020