Tuesday, January 28, 2020

Đọc Sách Gió Mùa Đông Bắc. Trần Ngươn Phiêu. Trịnh Như Toàn. 2009.

Trịnh Như Toàn.



    Đọc "Gió muà Đông Bắc"
Tác giả Trần Ngươn Phiêu.
"Gió muà Đông Bắc" tưạ đề tập tự truyện cuả vị cựu Y sỹ Hải quân Đại Tá Trần Ngươn Phiêu.
Thực sự chức vụ cuối cùng cuả ông ,Tổng Trưởng Xã Hội VNCH từ 1968-1974.
Với tựa đề hơi lạ,có tính cách "tin tức khí tượng cho tầu chạy ven biển" cuả ngày trước, khiến gợi trí tò mò của người đọc.Nhất là với ai không phải là những người đã từng sống với nghiệp đi biển.
Những người đi biển một thời ở Việt Nam,chắc hẳn còn nhớ Việt Nam là vùng có khí hậu nhiệt đới gió muà.
Mỗi năm biển khơi VN có hai muà gió Đông Bắc và Tây Nam.
Gió muà Đông Bắc khởi đi từ khoảng giữa tháng 10 Dương lịch cho tới hết tháng 4 Dương lịch.Muà này biển thường từ động nhẹ đến động mạnh,sóng ở cấp 3 cấp 4 là thường tình.Những cơn bão từ ngoài khơi kéo vào bờ,thường gây mưa lũ lụt lội cũng hay xẩy ra trong khoảng thời gian này.
Với văn phong bình dị,lời kể chân tình,tác giả đã lôi cuốn bản thân người đọc một mạch không ngưng từ trang đầu cho tới trang cuối.
Tập truyện dầy 505 trang gồm 37 chương.
"Gió muà Đông Bắc", có lẽ tự truyện cuộc đời cuả chính tác giả, qua danh xưng nhân vật Triệu.
Cuộc đời từ một cậu bé mồ côi mẹ lúc 5 tuổi,bố vì sinh kế phải xa nhà,cả hai anh em Triệu đã được Ông Bà Ngoại đem về nuôi dưỡng.
Bên bờ Rạch Cát,quê Ngoại,nơi dòng sông Đồng Nai,Biên Hoà cũng là chương đầu tác giả viết về thưở ấu thơ cuả mình.
Những chương tiếp theo cho đến chương 15 với đề mục "Những ngày xa xứ", gồm biết bao biến động lịch sử.
Giai đoạn  nhân vật Triệu được trúng tuyển nhập học nội trú trường Trung học Pétrus Ký,cho tới ngày Triệu được xuất dương du học Y khoa tại trường Quân Y Hải Quân Pháp tại Bordeaux.
Thời điểm này Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) cũng vừa khởi sự.
Ở mấy chương này,tác giả kể cho chúng ta nghe biết bao câu chuyện.
Về ngôi trường cùng đời sống nội trú tại Pétrus Ký.Các vị Thầy,các lưá học sinh đàn anh hay các bạn cùng lứa theo các tổ chức hoạt động chống Pháp ra sao?
Sàigòn ngày đó cuả "dầu sôi lửa bỏng".
Những thế hệ trí thức miền Nam,đa số du học thành tài từ Pháp trở về,đã nhiệt tình tham gia vào các tổ chức chống Pháp.
Những tên tuổi lai lịch cuả một số,đã được tác giả nhắc tới như Tạ Thu Thâu,Phan Văn Hùm,Trần Văn Thạch,Nguyễn An Ninh,Dương Bạch Mai,Hồ Hữu Tường,Lê Quang Liêm, Nguyễn Phan Long ..vv..Cùng các nhân vật Đệ Tam, Đệ Tứ Cộng Sản.
Thời gian 1940-1941,Các phong tào "Nam Kỳ khởi nghĩa" bộc phát.
Thực dân Pháp đã  đàn áp rất dã man các tổ chức chống họ.
Nguyễn Văn Cừ Tổng Bí  Thư Đảng Cộng Sản Đông Dương cùng nữ đồng chí Nguyễn Thị Vịnh tức Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã bị Pháp xử bắn tại Hóc Môn,Gia Định, trong thời gian này.
Những sự thanh toán tàn ác dã man cuả tổ chức Đệ Tam CS dành cho nhóm Đệ Tứ,tờ báo Tranh Đấu "La Lutte",cùng các tổ chức chống Pháp không theo họ.
Trần Văn Giầu (Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ),cùng Nguyễn Văn Trấn đã ra lệnh thủ tiêu biết bao nhiêu trí thức miền Nam ngày đó như Tạ Thu Thâu,Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn  Phương,Bùi Quang Chiêu,Dương Văn Giáo,Trần Quang Vinh .. Khi đọc đoạn bà Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sương cùng chồng Luật sư Hồ Vĩnh Ký .bị nhóm thủ hạ cuả Trần Văn Giầu thanh toán,ta không khỏi căm phẫn và cảm phục sự can trường cuả BS Sương "Có bắn,hãy nhắm ngay tim tôi mà bắn"...
Đặc biệt,trong thời gian này,cũng đã có hai bóng hồng xen vào cuộc đời niên thiếu cuả tác giả.
Lý,nàng thơ,người cùng đóng kịch thơ với tác giả dưới mái trường Pétrus Ký, Duy Thảo cô em bà con,người cùng chí hướng.
Cả hai nhân vật nữ này đã khiến tâm can tác giả bị khuấy động suốt cả cuộc đời...
Học xong Thành Chung tại Pétrus Ký,vì Sàigòn sôi động,tác giả phải về quê Nội Cao Lãnh,lánh nạn.
Khi trở lại Sàigòn,theo học tiếp những năm cuối trung học tại Chasseloup Laubat.
Đậu PCB (Dự bị Y khoa),khóa đầu tiên,lớp học sau nhà thương Đô Thành, Sàigòn.
Gia nhập Quân Y,được Bộ Quốc Phòng gửi qua Pháp học.
Chương 16 tiếp theo đến chương 25 "Hoàn cố hương".
Giai đoạn này,gặp lại 1 số bạn cũ Pétrus Ký,cùng bóng hồng Duy Thảo đã đi Pháp,du học trước.
Tác giả viết về thành phố Paris với ga Lyon đèn vàng "cầm tay nhau không nói,nói chi cũng muộn màng" theo ý thơ Cung Trầm Tưởng sau này.
Ngôi trường Quân Y Hải quân Bordeaux,đời sống nội trú trong hai năm đầu.Việc  học chuyên môn Y khoa, Quân sự,cùng truyền thống ngôi trường này.
Các người bạn sinh viên VN đã cùng học,như Dương Hồng Mô,Nguyễn Sanh Nghĩa, Phạm Vận...
Thành phố Toulouse,nơi Duy Thảo theo học,đã được ông kể rất kỹ mọi chuyện.
Trớ trêu thay ! Nàng Thơ Lý cuả ông ,một hai năm sau,tình cờ cũng qua sống nơi thành phố này,ở chung với bà chị để theo học Y khoa...
Chương 18 "Những ngày ở Socoa",trong hai tháng hè năm đầu.Tác giả đáp xe lửa đến Trung tâm Huấn luyện Thuyền buồm ở Socoa,miền Nam  Đại Tây Dương.
Học căn bản về những sức gió,sức cùng độ dạt cuả sóng,những sức mạnh bão tố thiên nhiên,các luật lệ hải hành, mà người đi biển phải nắm vững.
Trong khoá huấn luyện,tác giả,bạn bè đã nếm mùi say sóng mệt nhoài.
Người huấn luyện viên,"Sói già" lăn lộn nhiều năm với trùng khơi,đã cho ông biết sóng gió ở Brest hay Socoa chẳng thấm vào đâu so với sóng gió Đông Bắc biển Nam Hải, nơi Thái Bình Dương tại Việt Nam...
Tác giả cũng nói đến đời sống ngoại trú cuả mình,hay đi thăm cùng tìm hiểu đời sống các đồng bào VN qua trước,giới lính thợ mộ qua Pháp,nay ở lại,sinh sống họat động ra sao?
Năm thứ 6,năm học Y khoa cuối,tác giả chọn nội trú Quân Y Viện Sainte Anne nơi căn cứ Hải Quân Toulon.Một căn cứ HQ lớn nhất cuả Pháp tại Địa Trung Hải.Căn cứ lớn thứ hai theo sau mới là Brest ở Đại Tây Dương.Năm này,cũng là năm tác giả chuẩn bị soạn trình luận án để tốt nghiệp.
Chương 26 "Đời lính thuỷ" tới chương cuối cùng 37 "Cuồng phong trên đất nước".
Trở về quê hương,phục vụ,tổ chức ngành Quân Y Hải Quân VNCH.
Thời này HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Ánh Tham Mưu Trưởng đưa ông vào trình diện Tư Lệnh Hải Quân là HQ Đại Tá Lê Quang Mỹ.
"Đời lính thủy" cuả ông khởi đi,theo các chiến hạm trong chiến dịch "Sóng Tình Thương",công tác dân sự vụ giúp dân nghèo nơi các vùng cưả biển Cà Mâu,Năm Căn,và nơi các vùng sông lạch hẻo lánh.
Đôi khi, theo các Y Tế Hạm tới các hải đảo xa xôi,để khám bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng bào...
Đặc biệt ông có cơ duyên tháp tùng HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Ánh cùng thuỷ thủ đoàn VN qua nhận lãnh chiến hạm PCE Nhật Tảo HQ10 tại Quân cảng HQHK Nordfolk miền Đông Hoa Kỳ.
Ông hãnh diện,khi HQ10 rời Nordfolk,từ bờ Đông sang Tây,phải xuyên qua kinh đào Panama,để trở qua Thái Bình Dương.Chiến hạm ngoài Quốc kỳ VN phất phới,còn có lá cờ chữ M, kỳ hiệu có Y sỹ trên tầu,nơi có ông hiện diện.
( Luật Hàng Hải,các chiến hạm hay thương thuyền thường phải treo kỳ hiệu chữ.
Thí dụ cờ chũ Bravo (B),tầu hay thương thuyền chở đạn dược,chất nổ,nhiên liệu.Chữ Hotel (H) trên tầu có hoa tiêu,chũ Mike (M) có Y sỹ ..vv....)
Như vậy HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Ánh,vị Hạm trưởng đầu tiên,đem chiến hạm Nhật Tảo HQ10 về cho HQVNCH.
Như một oan nghiệt,"Nhật Tảo" tên lòng sông,người anh hùng Nguyễn Trung Trực đã đánh chìm đốt cháy tầu giặc Pháp,được đặt tên cho HQ10.
Có phải vì vậy không ? Mà vị Hạm trưởng cuối cùng HQ Thiếu tá Ngụy Văn Thà cũng đã phải hy sinh chìm theo xác tầu Nhật Tảo trong trận hải chiến Hoàng Sa với HQ Trung Cộng,để bảo toàn trọn vẹn lãnh hải Việt Nam.
Cuộc đời dần trôi,rời Hải quân,tác giả đảm trách chức vụ Cục phó Cục Quân Y, Quân lực VNCH.
Sau ông giải ngũ vì được Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc mời tham gia Nội các trong trách vụ Tổng Trưởng Xã Hội (1968-1974).
Giai đoạn tham chính,với trách nhiệm lo cho xã hội trong thời chiến,trách nhiệm ông rất nặng nề.
Những biến chuyển đất nước,ông đề cập trong các chương viết cuả ông,đa phần chúng ta đều biết qua tin tức,sách báo trong cũng như ngoài nước.
Ông viết về Tổng công kích Tết Mậu Thân,Hoà Đàm Paris,Muà Hè Đỏ lửa 1972,Hiệp Ước ngưng bắn 28/1/1973,Mỹ cúp viện trợ & tháo chạy...
Cùng một số dữ kiện riêng tư với bạn hữu thưở trước.
Những ngày cuối cuả VNCH,miền Nam tan rã từng mảnh.
Tác giả thay lời kết,ta hãy đọc những dòng cuối cùng trong sách :
"Triệu và con ôm hôn quyến luyến từ giã Duy Thảo.Chiếc máy thâu thanh đặt ở phòng khách khởi đầu phát tin thời tiết trong ngày:
"Tin tức cho tầu chạy ven biển:Hôm nay gió muà Đông Bắc thổi khá mạnh trên biển Nam Hải.Trời không nhiều mây nhưng sẽ có mưa rào rải rác.Biển động mạnh..."
Gấp sách lại."Gió muà Đông Bắc",nay qua đã lâu.
Tác giả có lẽ vẫn còn ấn tượng sâu đậm cuả mình với "đời lính thuỷ" xa xưa,nên ông đã dùng tựa đề cho cuốn tự truyện cuả mình.
Cả một đời sóng "Gió muà Đông Bắc" nổi trôi, nay giờ đã lắng dịu.
Ở tuổi ngoài 80 (năm sinh tác giả 1927),vẫn còn được như ông,còn mong gì hơn nữa!
Ông vẫn còn đủ sức khoẻ,minh mẫn dẻo dai.
Hoàn tất được tập tự truyện với đầy đủ khái quát các biến chuyển lịch sử theo trong suốt chiều dài cuộc đời mình,để truyền lại cho những thế hệ sau.
Đây chắc cũng là tâm ý cuả ông.
Trong Kinh Kim Cang,tác giả Cựu Y Sỹ HQ Đại Tá Trần Ngươn Phiêu,thấm nhuần giáo lý nhà Phật từ nhỏ,vẫn thường hay trì tụng,theo lời ông kể,để luôn được "an trụ trong Tâm".
Rồi ra tất cả đều sẽ "như mộng huyền bọt sóng...."
Còn lại chăng ! chỉ còn lại tấm lòng cho mai sau.
Viết xong Dec 8,2009.
Trịnh Như Toàn.
PS.Sách do Hải Mã P.O Box 19543,Amarillo, Texas 79114.USA mới ấn hành.
Phí tổn ấn loát mỗi cuốn $20.00.
Sách in bià cứng,mỹ thuật.

Thơ. Vũ Hán Buồn. 01282020. SVĐG






Vũ Hán Buồn!

Lầu Hoàng Hạc tiếng khắp phương trời
Thôi Hiệu Li Bai danh sáng ngời
Vũ Hán sông Dương dòng chảy xiết
Trường Giang cầu lớn tiếng lâu đời
Cuối năm Kỷ Hợi nạn kéo đến
Canh Tý đầu năm bệnh khắp nơi
Thế giới toàn cầu đồng tiếp sức
Phòng ngừa trị liệu dịch đương thời.

01/28/2020
Sóng Việt Đàm Giang

Thơ: Vui Xuân Canh Tý. Sóng Việt Đàm Giang




Tam Nữ Du Xuân Mùng Hai Tết Canh Tý


 Trung  Nam Bắc đủ ba miền
Đầu năm thăm viếng viện thiền Trúc Lâm
Hài hòa cảnh sắc thiên ân
Tâm tư  thoải mái đầu xuân vui cười.


Áo đỏ, hồng, thắm,cúc tươi
Bàng bạc cây đón bầu trời xanh xanh
Trúc vờn ngọn nắng mong manh
Lồng đèn dăng mắc bức tranh tuyệt vời.

SVĐG
01/26/2020

Monday, January 27, 2020

Quốc Gia Thụy Sĩ và Công đồng Việt, Nguyễn Gia Tiến




Đất Nước Thụy Sĩ và Cộng đồng Việt Nam
Nguyễn Gia Tiến

Bác Sĩ Nguyễn Gia Tiến (thứ hai từ bên phải)
Âu Châu mấy tháng vừa qua sôi nổi về các sự kiện Thể thao.
Trước hết là việc Trung Cộng "bày đặt" vụ rước đuốc Thế Vận Hội qua mấy thủ đô Âu Châu như London, Paris … nhằm đánh bóng cho chế độ độc tài toàn trị Bắc Kinh. Hậu quả chẳng ngờ đã ngược hẳn lại với các mưu toan của Trung Cộng. Tất cả là một sự thất bại thảm hại cho Bắc Kinh: dân chúng Âu châu rầm rộ xuống đường phản đối "ngọn đuốc ô nhục", tố cáo Trung Cộng đàn áp Tây Tạng, đàn áp Nhân quyền. Báo chí truyền thông dấy lên một phong trào chống đối Bắc Kinh chưa từng có. Các khách du lịch cũng bảo nhau tẩy chay du lịch Trung quốc.
Mấy tuần nay dư luận chuyển qua một sự kiện thể thao khác đang được mọi người mong đợi. Đó là giải Vô địch bóng tròn thứ 13 giữa các nước Âu Châu Euro-Foot 2008, sẽ được tổ chức trọng thể từ ngày 7 đến 29 trong Tháng 6/2008. Hai nước được tuyển lựa để tổ chức cuộc tranh đua sôi nổi này là Thụy Sĩ và Áo, có vị trí nằm ngay trung tâm Âu Châu.
Để người Việt hâm mộ bóng tròn trên Thế giới biết thêm về đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé này, xin phác họa đôi giòng sau đây.
Nói về Thụy Sĩ có lẽ trước hết cần đề cập đến Cộng đồng Việt Nam đang sinh sống tại đây. Hiện nay có khoảng 12 ngàn người Việt sống rải rác trên khắp nước Thụy Sĩ, chứ không tập trung lại thành khu, như kiểu « Little Saigon » !
Trước 1975, tại Thụy Sĩ đã có một cộng đồng nhỏ, bao gồm các sinh viên từ Việt Nam qua du học. Hồi đó, vì đoạn giao với Pháp, chính phủ VNCH không gửi sinh viên sang Pháp, nên các sinh viên đã lựa chọn hai nước Pháp thoại là Bỉ và Thụy Sĩ, nơi có những trường Đại học khá nổi tiếng.
Sau 1975, nhân số Cộng đồng tăng vọt với các đợt dân Việt Nam tị nạn Cộng sản đến Thụy Sĩ định cư, nhiều nhất là vào cuối thập niên 1970. Và tiếp tục, với nhịp độ giảm đi, trong thập niên 1980-90 .
Cuối thập niên 1970, thảm kịch Thuyền Nhân « Boat People » đã đánh động lương tâm thế giới. Thụy Sĩ đã nhân đạo tiếp tay với cộng đồng quốc tế, thu nhận người Việt tị nạn, đặc biệt là các gia đình có trẻ em tàn tật.
Về Quốc gia Thụy Sĩ, đây là một nước nhỏ có cấu trúc khá đặc biệt, với hơn 7 triệu dân, có vị trí nằm ngay trung tâm Âu Châu, giáp giới với 3 nước lớn là Pháp, Đức, Ý.
Do hoàn cảnh lịch sử cấu tạo, quốc gia Thụy Sĩ không có ngôn ngữ riêng, và gồm 3 sắc dân nói 3 thứ tiếng khác nhau. Dân số nói tiếng Pháp khoảng 1/3, sống về phía Tây Thụy Sĩ, vùng Lausanne và Genève, có biên giới với nước Pháp. 2/3 nói tiếng Đức sống ở miền Đông, vùng Luzern, Zurich, Basel … tiếp giáp các nước Đức, Áo. Còn một số nhỏ nói tiếng Ý, sinh sống tại Miền Nam giáp giới nước Ý.
Các văn thư chính phủ, các nhãn hiệu quảng cáo trên các mặt hàng, đều in 3 thứ tiếng Pháp, Đức, Ý!
Khởi đầu khi lập quốc trước đây hơn 7 trăm năm, họ là những sắc dân sống tản mát tại vùng biên thùy của các vương quốc Âu Châu, dưới sự đô hộ lúc đó của các quí tộc Pháp, Đức, Áo ... Do sự khôn ngoan, họ lợi dụng được việc kình chống nhau giữa các thế lực vua chúa để đứng lên tự giải phóng, nương tựa vào nhau để tự bảo vệ, và thành lập một quốc gia dân chủ. Vì vậy, có thể nói Thụy Sĩ là một trong những nước có truyền thống Dân chủ lâu đời nhất tại Âu châu.
Với 3 sắc dân nói 3 thứ tiếng khác nhau mà trở thành một quốc gia phồn thịnh vững bền từ mấy trăm năm qua, người Thụy Sĩ đã chứng tỏ cho thế giới thấy hiệu quả của ý thức Tự do, ý chí đoàn kết, đặt quyền lợi chung trên những tị hiềm địa phương.
Thụy Sĩ có qui chế một Liên Bang (Confédération Helvétique, thường viết tắt là CH) với sinh hoạt chính trị tương đối ổn định. Chính phủ Liên Bang Trung ương tại thủ đô Bern ủy thác cho các Chính phủ địa phương, tại 26 « cantons », nhiều quyền hành, tương tự như các States của Liên bang Hoa Kỳ.
Chính phủ Liên bang chỉ gồm có 7 bộ lớn, được chia cho các bộ trưởng thuộc các đảng phái có khuynh hướng chính trị khác nhau, từ Tả sang Hữu. Hàng năm, Quốc hội bầu một trong 7 vị bộ trưởng này làm Tổng thống với nhiệm kỳ một năm, chức vụ hoàn toàn có tính cách nghi lễ, tượng trưng. Mọi việc quan trọng thường được quyết định trên căn bản « đồng thuận » (consensus) giữa các Bộ trưởng, thuộc các đảng phái khác nhau, hoặc « hỏi ý dân » (referendum, démocratie directe). Đây là một hệ thống chính trị ít gây sóng gió, nhưng đôi khi khá « chậm chạp » trên nhiều lãnh vực.
Kinh tế chủ yếu của Thụy Sĩ gồm các hoạt động về ngân hàng, về kỹ nghệ đồng hồ, và ngành du lịch. Sự phồn thịnh giữ được trong suốt thế kỷ qua cũng nhờ phần lớn do vị thế trung lập, không bị tàn phá trong 2 cuộc đại chiến tại Âu châu.
Thủ tục vào quốc tịch cho người ngoại quốc đòi hỏi phải định cư tại Thụy Sĩ đủ 12 năm. Sau khi qua một cuộc khảo hạch, tương đối đơn giản, còn phải đóng lệ phí nữa mới xong ! Số tiền này , tùy theo địa phương, có thể tương đương với vài ngàn đôla Mỹ cho người có mức thu nhập trung bình.
Vậy mà Thụy Sĩ vẫn là một trong những nước Âu châu có tỷ lệ cao nhất về số người nước ngoài đến sinh sống, chiếm tới 1/6 tổng số dân. Tình trạng gia tăng dân ngoại nhập đã khiến gần đây tâm lý quần chúng bắt đầu ngả theo những khuynh hướng chính trị cực đoan, bài ngoại.
Mức sinh hoạt tại Thụy Sĩ khá đắt đỏ. Với đồng lương trung bình, không hơn Hoa Kỳ bao nhiêu (một 10 một 8) nhưng nhà ở và thực phẩm đôi khi phải trả giá gấp đôi !
Người Việt Nam tại Thụy Sĩ hiện nay có thể mua dễ dàng các thực phẩm Á Đông
Có rất nhiều cửa tiệm bán các mặt hàng nhập cảng từ Thái Lan, Trung Hoa, Việt Nam … với đủ loại, từ sầu riêng, chôm chôm … đến mắm tôm mắm tép ! Tuy nhiên, so với các tiệm ăn Tàu và Thái Lan, tiệm ăn Việt Nam khá hiếm, lại đắt và không ngon. Một tô « phở » trị giá gấp … 3 lần tại Cali, và kém hơn cả về lượng lẫn phẩm!
Hệ thống bảo hiểm sức khỏe khá chu đáo. Mọi người dân sinh sống trên đất nước Thụy Sĩ đều bắt buộc phải đóng bảo hiểm sức khoẻ. Trung bình tương đương gần 200 USD mỗi tháng cho người già. Ai không có thu nhập đủ, và chứng minh không có tài sản, nhà nước sẽ trả giùm.
Người tị nạn Việt Nam cũng được giúp đỡ khá chu đáo. Cũng như người Thụy Sĩ, người già nếu hưu trí không có, hoặc không đủ, được cấp dưỡng thêm cho đủ tiền ăn và thuê nhà ở. Thành ra ở xứ này không có ai lâm vào cảnh quá nghèo khổ thiếu thốn.
Tóm lại, mặc dầu sống trên đất nước “tư bản” Thụy Sĩ, người dân đã được hưởng một chế độ “xã hội chủ nghĩa” đích thực.
Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ tuy nhỏ bé nhưng có nhiều hoạt động khá tích cực, nhằm bảo tồn văn hoá dân tộc, và không quên, mỗi khi có dịp, đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa đất nước.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, và những lễ lạc đặc biệt, các hội Phật Giáo, Thiên chúa giáo, Hội Cựu Quân Nhân, Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam Cosunam (Comité Suisse-Việt Nam ), Hội Người Việt Quốc Gia Lausanne … mỗi hội đoàn đều có tổ chức họp mặt để đồng hương gặp gỡ, và gìn giữ các tập tục cổ truyền.
Về sinh hoạt chính trị, người Việt tị nạn Cộng Sản tại Thụy Sĩ đã có một số đóng góp đáng kể vào việc đánh động dư luận quốc tế trước tình trạng thiếu Dân Chủ tại Việt Nam, trước sự đàn áp của tập đoàn độc tài CS Hà Nội đối với nhân dân trong nước.
Tại Genève, cửa ngõ quốc tế, có trụ sở thứ hai của Liên Hiệp Quốc (sau New York), Liên Hội Nhân quyền Việt Nam thường xuyên tố cáo với thế giới các vi phạm thô bạo quyền làm người của Hà Nội. Hội còn được sự hỗ trợ của Văn Bút Thụy Sĩ và Văn bút Quốc tế, lên tiếng binh vực các văn nghệ sĩ đang bị cầm tù tại Việt Nam.
Trên báo chí Thụy Sĩ, mỗi khi có dịp, Hội Cựu Quân Nhân không quên gửi những bài viết để « giải độc » dư luận Thụy Sĩ, thường hay có thành kiến, và hiểu lầm về cuộc chiến Việt Nam. Họ gần như không biết gì đến chính nghĩa của Miền Nam phải chống trả lại tập đoàn độc tài Phương Bắc có cả khối CS Nga Tàu đứng sau xúi dục, yểm trợ.
Đặc biệt là Ủy Ban Cosunam, trong đó có một số thành viên là người Thụy Sĩ, đã tích cực đóng góp trong nhiều hoạt động nhằm dân chủ hóa đất nước. Đầu năm 2006, do sáng kiến của Cosunam, một tượng đài bằng đá đen đã được dựng lên tại Genève, để kỷ niệm các Thuyền Nhân Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản trên khắp Thế giới, và ghi ơn sự giúp đỡ của quốc gia Thụy Sĩ và Quốc tế đối với người tị nạn.
Tượng đài được thực hiện chỉ một thời gian ngắn sau khi Hà Nội vận động đục bỏ các tượng đài kỷ niệm thuyền nhân tại Mã Lai và Indonesia. Nhiều người đã coi tượng đài tại Genève như “một cái tát” vào mặt chế độ toàn trị Hà Nội, khi tượng đài được dựng lên trong một công viên của Thành phố, chỉ cách tòa đại sứ CS Hà Nội có vài trăm thước.
Phấn khởi trước sự việc này, các Cộng Đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại Bỉ, tại Đức … cũng đã lần lượt thực hiện các tượng đài tương tự.
Sau cùng, điều đáng mừng là một số thanh thiếu niên trẻ thuộc thế hệ thứ hai, cũng tỏ ra ưu tư trước tình trạng đất nước. Họ rất ý thức, rất bất bình, trước các hành động đàn áp của chế độ độc tài Hà Nội. Tổ chức mang tên “Đoàn thanh niên Hướng Việt”, qui tụ các giới trẻ Việt Nam, được thành lập từ vài năm nay, đã rất tích cực trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, các nhà bất đồng chính kiến trong nước.
Thụy Sĩ, Tháng 5. 2008
***
Bia đá tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Thụy Sĩ bằng cẩm thạch đen được khánh thành vào tháng 2 năm 2006 trong công viên Campagne du Château Pictet thuộc thành phố Grand-Saconnex, Genève, giữa khu vực sinh hoạt của các cơ quan Liên Hiệp Quốc.



Hàng chữ Việt khắc trên tấm bia đá nhỏ, hình chữ nhật, đặt trên mặt tấm sỏi với hàng chữ:
Tưởng Niệm cuộc ra đi của thuyền nhân trên thế giới 1975 - 2005
Người Việt tỵ nạn chân thành cảm ơn Thụy Sĩ và các nước tiếp cư đã giúp cho chúng tôi được sống hạnh phúc trong hòa bình, tự do và dân chủ.
Chúng tôi sẽ mãi mãi không quên quê hương Việt Nam mảnh đất ngàn đời của tổ tiên để lại.

Tấm bia đá tưởng niệm bằng cẩm thạch đen, có hình dạng một cánh buồm, cao hơn một thước, một bên viết bằng Anh ngữ, bên kia là Pháp ngữ, (cùng một nội dung như Việt ngữ) dựng ở một đầu. Ðầu kia là cây tùng, tượng trưng cho cột buồm. Bia đá và cây tùng nằm trên một khung sỏi hình chiếc ghe mà những viên sỏi chính là những ngọn sóng biển.

Trịnh Nguyễn Đàm Giang thu thập.
January 27, 2020.

Wednesday, January 22, 2020

Năm Canh Tý 2020. Nói chuyện Chuột. Nguyễn Đình Nguyên

Năm Canh Tý 2020 Nói Chuyện Chuột.




                                                                  Nguyễn Đình Nguyên (Úc Châu).


Mười hai cung Hoàng đạo, sao lại là đầu Chuột?
Năm mới đã tới và đã qua, nhưng người Việt vẫn còn nhộn nhịp chờ đón tết!
Việt Nam là một trong vài nước còn lại đón năm mới theo lịch Trung hoa hay gọi là Âm-Dương lịch, chứ không phải Âm lịch như nhiều trong số chúng ta vẫn nhầm lẫn. Lịch này dựa trên chu kỳ tuần hoàn của cả mặt trời lẫn mặt trăng để thuận tiện cho nông nghiệp lúa nước. Lịch Âm thuần túy là được sử dụng bởi người theo Hồi giáo.
Do nhu cầu của sự toàn cầu hóa, sự phát triển từng bước, đầu tiên có lẽ là tính hợp nhất của thời biểu, đó là dựa vào Dương lịch, lịch tính theo chu kỳ hệ mặt trời được lấy làm chuẩn. Chính xác là lịch Georgian từ thế kỷ 17.
Lịch hay thời gian biểu/niên biểu được biết đến sớm nhất từ thời đồ Đồng. Tuy nhiên lịch được cho là có cấu trúc hoàn hảo sớm nhật là lịch của người Babylon (hay Sumerian), và lịch này dựa trên tuần hoàn của mặt trăng (Âm lịch). Lịch tiêu chuẩn được dùng chính thức trên thế giới hiện nay là dựa trên niêu biểu George (Georgian calander), theo đó mỗi năm có 365 ngày chia làm 12 tháng, ngày dư được dồn vào tháng 2 mỗi 4 năm, năm đó gọi là năm nhuận. Trong khi đó lịch Âm-Dương thì đi sau và năm nhuận số thời gian dư nhiều hơn , nên năm nhuận có 13 tháng và không hằng định vào tháng nào.
Do đó người Trung Hoa và Việt Nam hiện nay được đón năm mới hai lần. Tuy nhiên theo phong tục văn hóa thì Tết mới là sự kiện năm mới chính của năm.

Niên biểu Trung Hoa, Việt Nam đặt tên năm theo sự ghép cặp giữa 12 cung Hoàng Đạo (Thập nhị địa chi: Tý Sửu Dần Mão (Mẹo) Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất và Hợi, với mười can chi (Thập thiên can: Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất). Cho nên phải đến 60 năm thì một năm có cùng can chi và con giáp mới trùng lại, gọi là lục thập hoa giáp. Năm 2020 là năm Canh Tý, lập lại Canh Tý 60 năm trước đó 1960.
Khởi đầu Thập nhị địa chi là Cung Tý- cầm tinh là con Chuột. Tại sao lại là chuột? Không có câu trả lời chính xác, chỉ dựa vào truyện dân gian, phổ biến nhất là sự tích 12 con giáp. [1]
Tương truyền Ngọc Hoàng Thượng đế muốn có linh vật cho 12 năm trong một chu kỳ giáp, bèn mở một cuộc thi cho các loài vật bơi qua sông, 12 con về đích trước sẽ được chọn ứng vào 12 thập nhị địa chi đặt tên theo thứ tự. Vốn đã không biết bơi, lại thân hình bé nhưng tinh quái, nên chuột bèn thương thảo với trâu một con vật to khỏe, giỏi sông nước. Chuột bảo trâu anh bơi giỏi, còn tôi mắt tinh, anh chở tôi trên lưng bơi, tôi làm hoa tiêu, hai chúng ta có cơ hội cùng thắng cuộc. Trâu nghe phải, thể là họ là những người đến đích sớm nhất, nhưng chuột lanh lẹ nhảy phóc lên bờ trước khi trâu cập bến, nên chuột trở thành người thắng cuộc, trâu về nhì. Trong đó đáng kể là Rồng lẽ ra phải về nhất, nhưng vì lòng hảo hán, trên đường đua phải nán lại hút nước phun mưa để giúp các sinh vật đang thiếu nước, đành về thứ 5. Thỏ (Mèo ở Việt Nam), qua được nhanh nhờ nhảy phóc qua từng tảng đá trồi trên mặt nước. Rắn cũng tinh khôn, núp trên bờm ngựa, vừa gần đến nơi, rắn khè độc dọa ngựa làm ngựa chùng vó, nên rắn nhanh hơn một bước so với Ngựa. Dê, Khỉ và Gà hợp sức nhau nên cả ba đồng loạt cũng qua được sông. Chó thì bơi giỏi nhưng lại mải la cà chơi nên về áp chót. Heo thì lo ăn, rồi lăn ra ngủ, nhận cửa chót, nhưng dù sao cũng còn trong top 12!

Thực ra đều gọi là chuột, nhưng có hai loại khác nhau: chuột (mouse) và chuột (rat). Cùng là loài gặm nhấm nhưng mouse và rat là hai nhóm hoàn toàn khác nhau. Rat có kích thước lớn hơn mouse.
Trong Cung Hoàng đạo từ tiếng Trung là 鼠 (thử) đều hiểu là mouse hay rat, không có sự khác biệt. Cho nên trong tiếng Anh Năm Tý hay gọi là "The year of the Rat" nhưng gọi "The year of the Mouse" đều được chấp nhận. [2] Đối với ngôn ngữ Việt, đa phần là thừa hưởng từ Hán, nên cũng gọi "chuột" đều để chỉ cho cả hai. Một phần căn bản là do các ngành khoa học, vạn vật học đều xuất phát từ châu Âu, nên từ chuột không thể phân định được mouse và rat.
Đó là chuyện của thiên đình. Nhưng không biết có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, chuột-mouse lại với người lại có duyên với nhau gần như khắng khít, hẳn là hơn nhiều so với các vật nuôi khác. Vì lẽ đó thông tin ở đây chủ yếu là đề cập đến chuột- mouse.
Và điều thật kinh ngạc là cho đến nay chuột có lẽ được coi là loài vật có vú đầu tiên hiện diện trên trái đất này. [3]
Theo nghiên cứu trên, loại chuột đã hiện diện trên trái đất này từ Kỷ Creta (kỷ phấn trắng, Cretaceous Era) theo các nghiên cứu hóa thạch tìm thấy ở Trung Quốc. Loài gặm nhấm chuột sớm nhất tìm thấy cách đây chừng 160 triệu năm, được cho là lai giữa chuột (rat) và chipmunk (một loại sóc sọc lưng).
Hiện nay có hàng trăm loại chuột khác nhau, được xếp vào hai nhánh chủng loại Cựu và Tân thế giới. Các loại hình phổ biến là chuột nhà, chuột đồng, chuột hưu (deer mouse), chuột sóc (dormouse), chuột lông gai (spiny mouse) và chuột vằn (zebra mouse).
Về màu sắc có ba màu chính và phổ biến là trắng, nâu và xám. Kích thước trung bình từ 2.5cm tới 18cm và nặng từ 28 tới 203g. Chuột có kích thước nhỏ nhất là loại chuột Pygmy Châu Phi, chỉ 2.5-7cm và nặng không quá 10g [4] , cho tới loại chuột khổng lồ mà chiều dài có thể đạt tới 50-60cm. [5]
Chuột được cho là loài có vú có số lượng áp đảo nhất trên hành tinh này. Gần như khó có con số chính xác, chỉ biết là hàng tỷ. Chuyên gia của các tổ chức WWF và FAO đã đề xuất các phương pháp ước tính số lượng chuột hiện hành trên hành tinh. Số lượng được tính là khoảng 0.25- 60 con/hectar cho khu dân cư và 1-200 con/hectar ở ngoài đồng.
Lý do số lượng chuột sinh sống áp đảo các loài có vú khác là do vòng đời ngắn. Chuột 4-5 tuần tuổi sau khi sinh đã trưởng thành và có thể giao phối. Chuột cái mang thai chỉ có 3 tuần. Mỗi chuột cái sinh một lần trung bình 6-8 con, và nó có thể mang thai và đẻ 6 lần trong một năm. Như vậy, một con chuột cái có thể nhân lên 50 con trong vòng một năm. Do tính đề kháng bệnh cao nên tỷ lệ tử vong của chuột thấp , đã đông lại càng đông. Một lý do khác là tính thích nghi với môi trường cao. Chúng có thể sống mở mọi điều kiện, từ ngoài thiên nhiên, tới hang, hốc cây, trong nhà ở. Chuột là loại quần thể hoạt động về đêm, có cơ quan xúc và thính giác cực thính nên có thể tránh nguy hiểm và tìm kiếm thức ăn dễ dàng. Ở miền Bắc Ấn độ, chuột được nuôi và thờ cúng như một thần linh nên vì thế mà chuột ở đây đại loạn.

Trong số 12 con giáp, trừ Rồng là một linh vật tưởng tượng thì số còn lại đều có thể coi không chỉ gần gũi mà còn có ích cho con người. Trong khi đó, sự hiện diện của chuột trên hành tinh này luôn đem đến cho con người nhiều phiền nhiễu hơn là ích lợi.
Vốn là loài gặm nhấm, chuột gặm nhấm không phải chỉ để ăn mà để còn mài răng của chúng, do tốc độ phát triển răng rất nhanh. Cho nên mọi vật cứng xung quanh nó đều có thể bị phá hủy trong chốc lát.
Đối với khu dân sinh, nhất là về mùa lạnh, chuột bên ngoài tìm nơi cư trú ấm áp hơn, và không đâu lý tưởng bằng trốn trong nhà. Tất cả cấu trúc của căn nhà đến đồ đạc đều có thể bị chuột hủy hoại, thậm chí còn gây nguy hiểm thảm họa cháy nổ do nó gặm cả dây điện làm chập mạch.

Chuột còn gieo rắt mầm bệnh cho con người đặc biệt là dịch hạch , thương hàn, leptospirosis, hantavirus (lây truyền từ loại chuột hưu) , sốt dơi cắn (Rat bite fever, vi trùng Streptobacillus) và cả sốt mò (Q Fever Rickettsial Disease)[6,7]
Tuy nhiên, tác hại nghiêm trọng hơn cả do chuột gây ra có lẽ là sự hủy hoại mùa màng. Nạn dịch chuột năm 1993-1994 ở Úc đã làm thiệt hại mùa màng lên tới 60 triệu đô la Mỹ [8]. Ước tính ở châu Á, hàng năm chuột đã phá hủy một số lượng lương thực có thể nuôi sống khoảng 200 triệu người (gấp đôi dân số Việt nam hiện nay) trong suốt một năm. Ở Indonesia, trong một héc ta ruộng có thể có tới 1000 con chuột, và nó gây thiệt hại hàng năm có thể đến 15% trước thu hoạch [9]
Không biết có phải vì "họa" mà loài chuột gây ra cho con người, mà nó phải trả "nghiệp" (karma) chướng cho con người mà không phải chờ tới kiếp sau. Chuột vốn là thù của con người nhưng chuột cũng là "bạn bất đắt dĩ" với con người khi loài chuột đóng góp không ít phần quan trọng trong các thí nghiệm khoa học đem lại những lợi ích vô cùng lớn lao cho loài người, kể cả nói "chuột là cứu cánh cho sức khỏe con người" cũng không ngoa.
Ngẫu nhiên và vô hình trung, chuột được chọn làm vật thí nghiệm rồi dần nó trở thành một mô hình thực nghiệm sống để nghiên cứu bệnh lý của người từ cơ chế bệnh sinh, tái lập mô hình bệnh, chẩn đoán đến điều trị thực nghiệm trước khi đưa vào thử nghiệm trên con người.
Chuột được sử dụng trong phòng thí nghiệm là giống chuột nhà (Mus musculus). Lý do khi đó chuột được lựa chọn để làm mô hình nghiên cứu chỉ vì sự thuận tiện. Điều trước tiên cần nên nhắc là loài chuột đã được các nhà sinh vật học "xếp chung chiếu" với loài người, cả hai đều nằm trong loại "sinh vật có vú cấp cao" (Euarchontonglires), cũng có bốn chi. Thuận tiện hơn cả là chuột dễ nuôi dễ chăm sóc,tốc độ và số lượng sinh sản cao, lại có vòng đời ngắn. [10] Sự lựa chọn ngẫu nhiên ban đầu đó vô hình trung lại là một sự lựa chọn hết sức đúng đắn. Đến gần 2 thế kỷ sau khi chuột được đưa vào sử dụng làm mô hình nghiên cứu y sinh thì các nhà khoa học mới hoàn thành việc giải mã bộ gen của chuột (2002). Phải nói chuột và người đều có bộ gen khá tương đồng nhau. [11] Bộ gene (genome) của cả chuột và người đều có khoảng 3.1 tỷ cặp mã số gene (base). Đối với các cặp mã hóa có chức năng (protein coding regions, gene), thì khoảng 85% bộ gene của chuột và người giống hệt nhau (identical), có một số genes giống hệt 99%. Điều đó cũng phản ánh được sự xuất phát cùng tổ tiên của chuột và người ở khoảng 80 triệu năm về trước.
Lần đầu tiên chuột được đưa vào trong nghiên cứu y sinh học là vào những năm 1700 [10] khi William Harvey sử dụng chuột để nghiên cứu hệ sinh sản và vòng tuần hoàn và Robert Hooke nghiên cứu tác động của việc thay đổi áp suất không khí lên các biến đổi sinh học trong cơ thể. Cũng trong thế kỷ 18 Joseph Priestley và Antoine Lavoisier dùng chuột để nghiên cứu về hệ hô hấp.
Công nghệ tạo ra giống chuột đặc trưng cho phòng thí nghiệm hiện đại sau này xuất phát từ đầu thế kỷ XX, dựa trên nền tảng lai tạo gene qua việc lai giống khác nhau qua nhiều thế hệ để tạo ra giống chuột nuôi làm kiểng có nhiều màu lông khác nhau (tam thể Dilute, Brown and non-Agouti).
Hiện nay Viện thí nghiệm Jackson (Jackson Labarotory) ở Mỹ hiện nay là một trong các viện thí nghiệm cung cấp chuột nhiều nhất cho các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Riêng viện này có một nguồn khoảng 8000 chủng loại đã được định gene nghiên cứu trong ngân hang dữ liệu bộ gene chuột (Mouse Genome Informatics database). Mỗi năm Viện Jackson cho xuất đi khoảng 2 triệu chuột nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm [12]
Hai bước tiến quan trọng cần nhắc đến trong sản xuất chuột cho các thí nghiệm y sinh học hiện nay đó là hai loại mô hình “chuột được cấy thêm gene” (transgenic mice) và “chuột bị loại bỏ bớt gene” (Knockout mice) [13]. Nguyên lý của việc tạo ra hai mô hình chuột này khá đơn giản. Đối với loại cấy thêm genes là tích hợp thêm một đoạn genes ngoại lai nào đó vào bộ gene của chuột (genomes) làm thay đổi cấu trúc bộ genes và từ đó có thể đánh giá được vai trò và chức năng của gene đó có tác động như thế nào đối với bệnh lý ở người. Cũng cần phân biệt transgenic mice và knock-in mice. Cả hai đều là được cấy thêm genes ngoại lai nhưng với knock-in mice thì đoạn genes ngoại lai đó được tích hợp vào một đoạn genes chọn lọc nào đó trong bộ genes của chuột chứ không phải toàn bộ như transgenic mice. Đối với knock-out mice là dùng kỹ thuật loại bỏ một đoạn genes nào đó trong bộ cấu trúc genes để nghiên cứu các biến đổi sinh hóa và hành vi khi loại bỏ genes đó, từ đó có thể xác định được vai trò và chức năng của genes đó trong cơ thể bình thường.

Tóm lại, mọi thứ chừng như đi từ tập hợp của một sự ngẫu nhiên. Từ giai thoại chuột láu cá nhanh nhảu để nhảy lên đứng đầu bảng trong thập nhị địa chi, rồi ngẫu nhiên được chọn làm mô hình thí nghiệm bệnh tật trên con người, cho đến khi khảo cổ sinh học và khoa học chứng minh được sự gắn bó mật thiết giữa hai loài xa lạ Chuột và Người với nhau- đều có cùng nguồn gốc tổ tiên là loài có vú cao cấp.
Mối lương duyên đó vừa là một kẻ thù truyền kiếp do tác hại khủng khiếp của chuột đến đời sống con người cho tới là nguồn cứu cánh trong nghiên cứu bệnh lý và sức khỏe trên con người. Trong khi một mặt con người vẫn luôn tìm mọi cách hạn chế và tiêu diệt các giống chuột phá hoại mùa màng và khu dân sinh, thì mặt khác vẫn phải nâng niu và đối xử tử tế với các giống chuột được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Và như thế Chuột sẽ vẫn mãi định vị ở cung Tý!
Canh
Chúc mọi người một năm mới Canh Tý- Năm Chuột vàng 2020 sức khỏe, an nhiên và mọi sự thông suốt!
Hai tám tháng Chạp, Kỷ Hợi 2019
====
[1] https://www.hutong-school.com/origin-chinese-zodiac-why-cat…
[2] https://www.chinesefortunecalendar.com/Zodiac/RatOrMouse.htm
[3] https://www.seeker.com/super-rat-roamed-earth-160-million-y…
[4] https://www.livescience.com/28028-mice.html
[5] https://www.worldatlas.com/…/how-many-rats-are-there-in-the…
[6] https://www.pestworld.org/…/overview-of-the-real-health-ri…/
[7] https://www.kiwicare.co.nz/…/p…/diseases-from-rats-and-mice/
[8] https://www.pestsmart.org.au/impacts-of-house-mice-on-crop…/
[9] https://esajournals.onlinelibrary.wiley.com/…/1540-9295(200…
[10] https://en.wikipedia.org/wiki/Laboratory_mouse
[11] https://www.genome.gov/10001345/importance-of-mouse-genome
[12] http://www.informatics.jax.org/gree…/chapters/chapter1.shtml
[13] https://www.yourgenome.org/stories/of-mice-and-men