Monday, January 27, 2020

Quốc Gia Thụy Sĩ và Công đồng Việt, Nguyễn Gia Tiến




Đất Nước Thụy Sĩ và Cộng đồng Việt Nam
Nguyễn Gia Tiến

Bác Sĩ Nguyễn Gia Tiến (thứ hai từ bên phải)
Âu Châu mấy tháng vừa qua sôi nổi về các sự kiện Thể thao.
Trước hết là việc Trung Cộng "bày đặt" vụ rước đuốc Thế Vận Hội qua mấy thủ đô Âu Châu như London, Paris … nhằm đánh bóng cho chế độ độc tài toàn trị Bắc Kinh. Hậu quả chẳng ngờ đã ngược hẳn lại với các mưu toan của Trung Cộng. Tất cả là một sự thất bại thảm hại cho Bắc Kinh: dân chúng Âu châu rầm rộ xuống đường phản đối "ngọn đuốc ô nhục", tố cáo Trung Cộng đàn áp Tây Tạng, đàn áp Nhân quyền. Báo chí truyền thông dấy lên một phong trào chống đối Bắc Kinh chưa từng có. Các khách du lịch cũng bảo nhau tẩy chay du lịch Trung quốc.
Mấy tuần nay dư luận chuyển qua một sự kiện thể thao khác đang được mọi người mong đợi. Đó là giải Vô địch bóng tròn thứ 13 giữa các nước Âu Châu Euro-Foot 2008, sẽ được tổ chức trọng thể từ ngày 7 đến 29 trong Tháng 6/2008. Hai nước được tuyển lựa để tổ chức cuộc tranh đua sôi nổi này là Thụy Sĩ và Áo, có vị trí nằm ngay trung tâm Âu Châu.
Để người Việt hâm mộ bóng tròn trên Thế giới biết thêm về đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé này, xin phác họa đôi giòng sau đây.
Nói về Thụy Sĩ có lẽ trước hết cần đề cập đến Cộng đồng Việt Nam đang sinh sống tại đây. Hiện nay có khoảng 12 ngàn người Việt sống rải rác trên khắp nước Thụy Sĩ, chứ không tập trung lại thành khu, như kiểu « Little Saigon » !
Trước 1975, tại Thụy Sĩ đã có một cộng đồng nhỏ, bao gồm các sinh viên từ Việt Nam qua du học. Hồi đó, vì đoạn giao với Pháp, chính phủ VNCH không gửi sinh viên sang Pháp, nên các sinh viên đã lựa chọn hai nước Pháp thoại là Bỉ và Thụy Sĩ, nơi có những trường Đại học khá nổi tiếng.
Sau 1975, nhân số Cộng đồng tăng vọt với các đợt dân Việt Nam tị nạn Cộng sản đến Thụy Sĩ định cư, nhiều nhất là vào cuối thập niên 1970. Và tiếp tục, với nhịp độ giảm đi, trong thập niên 1980-90 .
Cuối thập niên 1970, thảm kịch Thuyền Nhân « Boat People » đã đánh động lương tâm thế giới. Thụy Sĩ đã nhân đạo tiếp tay với cộng đồng quốc tế, thu nhận người Việt tị nạn, đặc biệt là các gia đình có trẻ em tàn tật.
Về Quốc gia Thụy Sĩ, đây là một nước nhỏ có cấu trúc khá đặc biệt, với hơn 7 triệu dân, có vị trí nằm ngay trung tâm Âu Châu, giáp giới với 3 nước lớn là Pháp, Đức, Ý.
Do hoàn cảnh lịch sử cấu tạo, quốc gia Thụy Sĩ không có ngôn ngữ riêng, và gồm 3 sắc dân nói 3 thứ tiếng khác nhau. Dân số nói tiếng Pháp khoảng 1/3, sống về phía Tây Thụy Sĩ, vùng Lausanne và Genève, có biên giới với nước Pháp. 2/3 nói tiếng Đức sống ở miền Đông, vùng Luzern, Zurich, Basel … tiếp giáp các nước Đức, Áo. Còn một số nhỏ nói tiếng Ý, sinh sống tại Miền Nam giáp giới nước Ý.
Các văn thư chính phủ, các nhãn hiệu quảng cáo trên các mặt hàng, đều in 3 thứ tiếng Pháp, Đức, Ý!
Khởi đầu khi lập quốc trước đây hơn 7 trăm năm, họ là những sắc dân sống tản mát tại vùng biên thùy của các vương quốc Âu Châu, dưới sự đô hộ lúc đó của các quí tộc Pháp, Đức, Áo ... Do sự khôn ngoan, họ lợi dụng được việc kình chống nhau giữa các thế lực vua chúa để đứng lên tự giải phóng, nương tựa vào nhau để tự bảo vệ, và thành lập một quốc gia dân chủ. Vì vậy, có thể nói Thụy Sĩ là một trong những nước có truyền thống Dân chủ lâu đời nhất tại Âu châu.
Với 3 sắc dân nói 3 thứ tiếng khác nhau mà trở thành một quốc gia phồn thịnh vững bền từ mấy trăm năm qua, người Thụy Sĩ đã chứng tỏ cho thế giới thấy hiệu quả của ý thức Tự do, ý chí đoàn kết, đặt quyền lợi chung trên những tị hiềm địa phương.
Thụy Sĩ có qui chế một Liên Bang (Confédération Helvétique, thường viết tắt là CH) với sinh hoạt chính trị tương đối ổn định. Chính phủ Liên Bang Trung ương tại thủ đô Bern ủy thác cho các Chính phủ địa phương, tại 26 « cantons », nhiều quyền hành, tương tự như các States của Liên bang Hoa Kỳ.
Chính phủ Liên bang chỉ gồm có 7 bộ lớn, được chia cho các bộ trưởng thuộc các đảng phái có khuynh hướng chính trị khác nhau, từ Tả sang Hữu. Hàng năm, Quốc hội bầu một trong 7 vị bộ trưởng này làm Tổng thống với nhiệm kỳ một năm, chức vụ hoàn toàn có tính cách nghi lễ, tượng trưng. Mọi việc quan trọng thường được quyết định trên căn bản « đồng thuận » (consensus) giữa các Bộ trưởng, thuộc các đảng phái khác nhau, hoặc « hỏi ý dân » (referendum, démocratie directe). Đây là một hệ thống chính trị ít gây sóng gió, nhưng đôi khi khá « chậm chạp » trên nhiều lãnh vực.
Kinh tế chủ yếu của Thụy Sĩ gồm các hoạt động về ngân hàng, về kỹ nghệ đồng hồ, và ngành du lịch. Sự phồn thịnh giữ được trong suốt thế kỷ qua cũng nhờ phần lớn do vị thế trung lập, không bị tàn phá trong 2 cuộc đại chiến tại Âu châu.
Thủ tục vào quốc tịch cho người ngoại quốc đòi hỏi phải định cư tại Thụy Sĩ đủ 12 năm. Sau khi qua một cuộc khảo hạch, tương đối đơn giản, còn phải đóng lệ phí nữa mới xong ! Số tiền này , tùy theo địa phương, có thể tương đương với vài ngàn đôla Mỹ cho người có mức thu nhập trung bình.
Vậy mà Thụy Sĩ vẫn là một trong những nước Âu châu có tỷ lệ cao nhất về số người nước ngoài đến sinh sống, chiếm tới 1/6 tổng số dân. Tình trạng gia tăng dân ngoại nhập đã khiến gần đây tâm lý quần chúng bắt đầu ngả theo những khuynh hướng chính trị cực đoan, bài ngoại.
Mức sinh hoạt tại Thụy Sĩ khá đắt đỏ. Với đồng lương trung bình, không hơn Hoa Kỳ bao nhiêu (một 10 một 8) nhưng nhà ở và thực phẩm đôi khi phải trả giá gấp đôi !
Người Việt Nam tại Thụy Sĩ hiện nay có thể mua dễ dàng các thực phẩm Á Đông
Có rất nhiều cửa tiệm bán các mặt hàng nhập cảng từ Thái Lan, Trung Hoa, Việt Nam … với đủ loại, từ sầu riêng, chôm chôm … đến mắm tôm mắm tép ! Tuy nhiên, so với các tiệm ăn Tàu và Thái Lan, tiệm ăn Việt Nam khá hiếm, lại đắt và không ngon. Một tô « phở » trị giá gấp … 3 lần tại Cali, và kém hơn cả về lượng lẫn phẩm!
Hệ thống bảo hiểm sức khỏe khá chu đáo. Mọi người dân sinh sống trên đất nước Thụy Sĩ đều bắt buộc phải đóng bảo hiểm sức khoẻ. Trung bình tương đương gần 200 USD mỗi tháng cho người già. Ai không có thu nhập đủ, và chứng minh không có tài sản, nhà nước sẽ trả giùm.
Người tị nạn Việt Nam cũng được giúp đỡ khá chu đáo. Cũng như người Thụy Sĩ, người già nếu hưu trí không có, hoặc không đủ, được cấp dưỡng thêm cho đủ tiền ăn và thuê nhà ở. Thành ra ở xứ này không có ai lâm vào cảnh quá nghèo khổ thiếu thốn.
Tóm lại, mặc dầu sống trên đất nước “tư bản” Thụy Sĩ, người dân đã được hưởng một chế độ “xã hội chủ nghĩa” đích thực.
Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ tuy nhỏ bé nhưng có nhiều hoạt động khá tích cực, nhằm bảo tồn văn hoá dân tộc, và không quên, mỗi khi có dịp, đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa đất nước.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, và những lễ lạc đặc biệt, các hội Phật Giáo, Thiên chúa giáo, Hội Cựu Quân Nhân, Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam Cosunam (Comité Suisse-Việt Nam ), Hội Người Việt Quốc Gia Lausanne … mỗi hội đoàn đều có tổ chức họp mặt để đồng hương gặp gỡ, và gìn giữ các tập tục cổ truyền.
Về sinh hoạt chính trị, người Việt tị nạn Cộng Sản tại Thụy Sĩ đã có một số đóng góp đáng kể vào việc đánh động dư luận quốc tế trước tình trạng thiếu Dân Chủ tại Việt Nam, trước sự đàn áp của tập đoàn độc tài CS Hà Nội đối với nhân dân trong nước.
Tại Genève, cửa ngõ quốc tế, có trụ sở thứ hai của Liên Hiệp Quốc (sau New York), Liên Hội Nhân quyền Việt Nam thường xuyên tố cáo với thế giới các vi phạm thô bạo quyền làm người của Hà Nội. Hội còn được sự hỗ trợ của Văn Bút Thụy Sĩ và Văn bút Quốc tế, lên tiếng binh vực các văn nghệ sĩ đang bị cầm tù tại Việt Nam.
Trên báo chí Thụy Sĩ, mỗi khi có dịp, Hội Cựu Quân Nhân không quên gửi những bài viết để « giải độc » dư luận Thụy Sĩ, thường hay có thành kiến, và hiểu lầm về cuộc chiến Việt Nam. Họ gần như không biết gì đến chính nghĩa của Miền Nam phải chống trả lại tập đoàn độc tài Phương Bắc có cả khối CS Nga Tàu đứng sau xúi dục, yểm trợ.
Đặc biệt là Ủy Ban Cosunam, trong đó có một số thành viên là người Thụy Sĩ, đã tích cực đóng góp trong nhiều hoạt động nhằm dân chủ hóa đất nước. Đầu năm 2006, do sáng kiến của Cosunam, một tượng đài bằng đá đen đã được dựng lên tại Genève, để kỷ niệm các Thuyền Nhân Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản trên khắp Thế giới, và ghi ơn sự giúp đỡ của quốc gia Thụy Sĩ và Quốc tế đối với người tị nạn.
Tượng đài được thực hiện chỉ một thời gian ngắn sau khi Hà Nội vận động đục bỏ các tượng đài kỷ niệm thuyền nhân tại Mã Lai và Indonesia. Nhiều người đã coi tượng đài tại Genève như “một cái tát” vào mặt chế độ toàn trị Hà Nội, khi tượng đài được dựng lên trong một công viên của Thành phố, chỉ cách tòa đại sứ CS Hà Nội có vài trăm thước.
Phấn khởi trước sự việc này, các Cộng Đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại Bỉ, tại Đức … cũng đã lần lượt thực hiện các tượng đài tương tự.
Sau cùng, điều đáng mừng là một số thanh thiếu niên trẻ thuộc thế hệ thứ hai, cũng tỏ ra ưu tư trước tình trạng đất nước. Họ rất ý thức, rất bất bình, trước các hành động đàn áp của chế độ độc tài Hà Nội. Tổ chức mang tên “Đoàn thanh niên Hướng Việt”, qui tụ các giới trẻ Việt Nam, được thành lập từ vài năm nay, đã rất tích cực trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, các nhà bất đồng chính kiến trong nước.
Thụy Sĩ, Tháng 5. 2008
***
Bia đá tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Thụy Sĩ bằng cẩm thạch đen được khánh thành vào tháng 2 năm 2006 trong công viên Campagne du Château Pictet thuộc thành phố Grand-Saconnex, Genève, giữa khu vực sinh hoạt của các cơ quan Liên Hiệp Quốc.



Hàng chữ Việt khắc trên tấm bia đá nhỏ, hình chữ nhật, đặt trên mặt tấm sỏi với hàng chữ:
Tưởng Niệm cuộc ra đi của thuyền nhân trên thế giới 1975 - 2005
Người Việt tỵ nạn chân thành cảm ơn Thụy Sĩ và các nước tiếp cư đã giúp cho chúng tôi được sống hạnh phúc trong hòa bình, tự do và dân chủ.
Chúng tôi sẽ mãi mãi không quên quê hương Việt Nam mảnh đất ngàn đời của tổ tiên để lại.

Tấm bia đá tưởng niệm bằng cẩm thạch đen, có hình dạng một cánh buồm, cao hơn một thước, một bên viết bằng Anh ngữ, bên kia là Pháp ngữ, (cùng một nội dung như Việt ngữ) dựng ở một đầu. Ðầu kia là cây tùng, tượng trưng cho cột buồm. Bia đá và cây tùng nằm trên một khung sỏi hình chiếc ghe mà những viên sỏi chính là những ngọn sóng biển.

Trịnh Nguyễn Đàm Giang thu thập.
January 27, 2020.

No comments: