Tuesday, January 28, 2020

Đọc Sách Gió Mùa Đông Bắc. Trần Ngươn Phiêu. Trịnh Như Toàn. 2009.

Trịnh Như Toàn.



    Đọc "Gió muà Đông Bắc"
Tác giả Trần Ngươn Phiêu.
"Gió muà Đông Bắc" tưạ đề tập tự truyện cuả vị cựu Y sỹ Hải quân Đại Tá Trần Ngươn Phiêu.
Thực sự chức vụ cuối cùng cuả ông ,Tổng Trưởng Xã Hội VNCH từ 1968-1974.
Với tựa đề hơi lạ,có tính cách "tin tức khí tượng cho tầu chạy ven biển" cuả ngày trước, khiến gợi trí tò mò của người đọc.Nhất là với ai không phải là những người đã từng sống với nghiệp đi biển.
Những người đi biển một thời ở Việt Nam,chắc hẳn còn nhớ Việt Nam là vùng có khí hậu nhiệt đới gió muà.
Mỗi năm biển khơi VN có hai muà gió Đông Bắc và Tây Nam.
Gió muà Đông Bắc khởi đi từ khoảng giữa tháng 10 Dương lịch cho tới hết tháng 4 Dương lịch.Muà này biển thường từ động nhẹ đến động mạnh,sóng ở cấp 3 cấp 4 là thường tình.Những cơn bão từ ngoài khơi kéo vào bờ,thường gây mưa lũ lụt lội cũng hay xẩy ra trong khoảng thời gian này.
Với văn phong bình dị,lời kể chân tình,tác giả đã lôi cuốn bản thân người đọc một mạch không ngưng từ trang đầu cho tới trang cuối.
Tập truyện dầy 505 trang gồm 37 chương.
"Gió muà Đông Bắc", có lẽ tự truyện cuộc đời cuả chính tác giả, qua danh xưng nhân vật Triệu.
Cuộc đời từ một cậu bé mồ côi mẹ lúc 5 tuổi,bố vì sinh kế phải xa nhà,cả hai anh em Triệu đã được Ông Bà Ngoại đem về nuôi dưỡng.
Bên bờ Rạch Cát,quê Ngoại,nơi dòng sông Đồng Nai,Biên Hoà cũng là chương đầu tác giả viết về thưở ấu thơ cuả mình.
Những chương tiếp theo cho đến chương 15 với đề mục "Những ngày xa xứ", gồm biết bao biến động lịch sử.
Giai đoạn  nhân vật Triệu được trúng tuyển nhập học nội trú trường Trung học Pétrus Ký,cho tới ngày Triệu được xuất dương du học Y khoa tại trường Quân Y Hải Quân Pháp tại Bordeaux.
Thời điểm này Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) cũng vừa khởi sự.
Ở mấy chương này,tác giả kể cho chúng ta nghe biết bao câu chuyện.
Về ngôi trường cùng đời sống nội trú tại Pétrus Ký.Các vị Thầy,các lưá học sinh đàn anh hay các bạn cùng lứa theo các tổ chức hoạt động chống Pháp ra sao?
Sàigòn ngày đó cuả "dầu sôi lửa bỏng".
Những thế hệ trí thức miền Nam,đa số du học thành tài từ Pháp trở về,đã nhiệt tình tham gia vào các tổ chức chống Pháp.
Những tên tuổi lai lịch cuả một số,đã được tác giả nhắc tới như Tạ Thu Thâu,Phan Văn Hùm,Trần Văn Thạch,Nguyễn An Ninh,Dương Bạch Mai,Hồ Hữu Tường,Lê Quang Liêm, Nguyễn Phan Long ..vv..Cùng các nhân vật Đệ Tam, Đệ Tứ Cộng Sản.
Thời gian 1940-1941,Các phong tào "Nam Kỳ khởi nghĩa" bộc phát.
Thực dân Pháp đã  đàn áp rất dã man các tổ chức chống họ.
Nguyễn Văn Cừ Tổng Bí  Thư Đảng Cộng Sản Đông Dương cùng nữ đồng chí Nguyễn Thị Vịnh tức Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã bị Pháp xử bắn tại Hóc Môn,Gia Định, trong thời gian này.
Những sự thanh toán tàn ác dã man cuả tổ chức Đệ Tam CS dành cho nhóm Đệ Tứ,tờ báo Tranh Đấu "La Lutte",cùng các tổ chức chống Pháp không theo họ.
Trần Văn Giầu (Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ),cùng Nguyễn Văn Trấn đã ra lệnh thủ tiêu biết bao nhiêu trí thức miền Nam ngày đó như Tạ Thu Thâu,Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn  Phương,Bùi Quang Chiêu,Dương Văn Giáo,Trần Quang Vinh .. Khi đọc đoạn bà Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sương cùng chồng Luật sư Hồ Vĩnh Ký .bị nhóm thủ hạ cuả Trần Văn Giầu thanh toán,ta không khỏi căm phẫn và cảm phục sự can trường cuả BS Sương "Có bắn,hãy nhắm ngay tim tôi mà bắn"...
Đặc biệt,trong thời gian này,cũng đã có hai bóng hồng xen vào cuộc đời niên thiếu cuả tác giả.
Lý,nàng thơ,người cùng đóng kịch thơ với tác giả dưới mái trường Pétrus Ký, Duy Thảo cô em bà con,người cùng chí hướng.
Cả hai nhân vật nữ này đã khiến tâm can tác giả bị khuấy động suốt cả cuộc đời...
Học xong Thành Chung tại Pétrus Ký,vì Sàigòn sôi động,tác giả phải về quê Nội Cao Lãnh,lánh nạn.
Khi trở lại Sàigòn,theo học tiếp những năm cuối trung học tại Chasseloup Laubat.
Đậu PCB (Dự bị Y khoa),khóa đầu tiên,lớp học sau nhà thương Đô Thành, Sàigòn.
Gia nhập Quân Y,được Bộ Quốc Phòng gửi qua Pháp học.
Chương 16 tiếp theo đến chương 25 "Hoàn cố hương".
Giai đoạn này,gặp lại 1 số bạn cũ Pétrus Ký,cùng bóng hồng Duy Thảo đã đi Pháp,du học trước.
Tác giả viết về thành phố Paris với ga Lyon đèn vàng "cầm tay nhau không nói,nói chi cũng muộn màng" theo ý thơ Cung Trầm Tưởng sau này.
Ngôi trường Quân Y Hải quân Bordeaux,đời sống nội trú trong hai năm đầu.Việc  học chuyên môn Y khoa, Quân sự,cùng truyền thống ngôi trường này.
Các người bạn sinh viên VN đã cùng học,như Dương Hồng Mô,Nguyễn Sanh Nghĩa, Phạm Vận...
Thành phố Toulouse,nơi Duy Thảo theo học,đã được ông kể rất kỹ mọi chuyện.
Trớ trêu thay ! Nàng Thơ Lý cuả ông ,một hai năm sau,tình cờ cũng qua sống nơi thành phố này,ở chung với bà chị để theo học Y khoa...
Chương 18 "Những ngày ở Socoa",trong hai tháng hè năm đầu.Tác giả đáp xe lửa đến Trung tâm Huấn luyện Thuyền buồm ở Socoa,miền Nam  Đại Tây Dương.
Học căn bản về những sức gió,sức cùng độ dạt cuả sóng,những sức mạnh bão tố thiên nhiên,các luật lệ hải hành, mà người đi biển phải nắm vững.
Trong khoá huấn luyện,tác giả,bạn bè đã nếm mùi say sóng mệt nhoài.
Người huấn luyện viên,"Sói già" lăn lộn nhiều năm với trùng khơi,đã cho ông biết sóng gió ở Brest hay Socoa chẳng thấm vào đâu so với sóng gió Đông Bắc biển Nam Hải, nơi Thái Bình Dương tại Việt Nam...
Tác giả cũng nói đến đời sống ngoại trú cuả mình,hay đi thăm cùng tìm hiểu đời sống các đồng bào VN qua trước,giới lính thợ mộ qua Pháp,nay ở lại,sinh sống họat động ra sao?
Năm thứ 6,năm học Y khoa cuối,tác giả chọn nội trú Quân Y Viện Sainte Anne nơi căn cứ Hải Quân Toulon.Một căn cứ HQ lớn nhất cuả Pháp tại Địa Trung Hải.Căn cứ lớn thứ hai theo sau mới là Brest ở Đại Tây Dương.Năm này,cũng là năm tác giả chuẩn bị soạn trình luận án để tốt nghiệp.
Chương 26 "Đời lính thuỷ" tới chương cuối cùng 37 "Cuồng phong trên đất nước".
Trở về quê hương,phục vụ,tổ chức ngành Quân Y Hải Quân VNCH.
Thời này HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Ánh Tham Mưu Trưởng đưa ông vào trình diện Tư Lệnh Hải Quân là HQ Đại Tá Lê Quang Mỹ.
"Đời lính thủy" cuả ông khởi đi,theo các chiến hạm trong chiến dịch "Sóng Tình Thương",công tác dân sự vụ giúp dân nghèo nơi các vùng cưả biển Cà Mâu,Năm Căn,và nơi các vùng sông lạch hẻo lánh.
Đôi khi, theo các Y Tế Hạm tới các hải đảo xa xôi,để khám bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng bào...
Đặc biệt ông có cơ duyên tháp tùng HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Ánh cùng thuỷ thủ đoàn VN qua nhận lãnh chiến hạm PCE Nhật Tảo HQ10 tại Quân cảng HQHK Nordfolk miền Đông Hoa Kỳ.
Ông hãnh diện,khi HQ10 rời Nordfolk,từ bờ Đông sang Tây,phải xuyên qua kinh đào Panama,để trở qua Thái Bình Dương.Chiến hạm ngoài Quốc kỳ VN phất phới,còn có lá cờ chữ M, kỳ hiệu có Y sỹ trên tầu,nơi có ông hiện diện.
( Luật Hàng Hải,các chiến hạm hay thương thuyền thường phải treo kỳ hiệu chữ.
Thí dụ cờ chũ Bravo (B),tầu hay thương thuyền chở đạn dược,chất nổ,nhiên liệu.Chữ Hotel (H) trên tầu có hoa tiêu,chũ Mike (M) có Y sỹ ..vv....)
Như vậy HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Ánh,vị Hạm trưởng đầu tiên,đem chiến hạm Nhật Tảo HQ10 về cho HQVNCH.
Như một oan nghiệt,"Nhật Tảo" tên lòng sông,người anh hùng Nguyễn Trung Trực đã đánh chìm đốt cháy tầu giặc Pháp,được đặt tên cho HQ10.
Có phải vì vậy không ? Mà vị Hạm trưởng cuối cùng HQ Thiếu tá Ngụy Văn Thà cũng đã phải hy sinh chìm theo xác tầu Nhật Tảo trong trận hải chiến Hoàng Sa với HQ Trung Cộng,để bảo toàn trọn vẹn lãnh hải Việt Nam.
Cuộc đời dần trôi,rời Hải quân,tác giả đảm trách chức vụ Cục phó Cục Quân Y, Quân lực VNCH.
Sau ông giải ngũ vì được Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc mời tham gia Nội các trong trách vụ Tổng Trưởng Xã Hội (1968-1974).
Giai đoạn tham chính,với trách nhiệm lo cho xã hội trong thời chiến,trách nhiệm ông rất nặng nề.
Những biến chuyển đất nước,ông đề cập trong các chương viết cuả ông,đa phần chúng ta đều biết qua tin tức,sách báo trong cũng như ngoài nước.
Ông viết về Tổng công kích Tết Mậu Thân,Hoà Đàm Paris,Muà Hè Đỏ lửa 1972,Hiệp Ước ngưng bắn 28/1/1973,Mỹ cúp viện trợ & tháo chạy...
Cùng một số dữ kiện riêng tư với bạn hữu thưở trước.
Những ngày cuối cuả VNCH,miền Nam tan rã từng mảnh.
Tác giả thay lời kết,ta hãy đọc những dòng cuối cùng trong sách :
"Triệu và con ôm hôn quyến luyến từ giã Duy Thảo.Chiếc máy thâu thanh đặt ở phòng khách khởi đầu phát tin thời tiết trong ngày:
"Tin tức cho tầu chạy ven biển:Hôm nay gió muà Đông Bắc thổi khá mạnh trên biển Nam Hải.Trời không nhiều mây nhưng sẽ có mưa rào rải rác.Biển động mạnh..."
Gấp sách lại."Gió muà Đông Bắc",nay qua đã lâu.
Tác giả có lẽ vẫn còn ấn tượng sâu đậm cuả mình với "đời lính thuỷ" xa xưa,nên ông đã dùng tựa đề cho cuốn tự truyện cuả mình.
Cả một đời sóng "Gió muà Đông Bắc" nổi trôi, nay giờ đã lắng dịu.
Ở tuổi ngoài 80 (năm sinh tác giả 1927),vẫn còn được như ông,còn mong gì hơn nữa!
Ông vẫn còn đủ sức khoẻ,minh mẫn dẻo dai.
Hoàn tất được tập tự truyện với đầy đủ khái quát các biến chuyển lịch sử theo trong suốt chiều dài cuộc đời mình,để truyền lại cho những thế hệ sau.
Đây chắc cũng là tâm ý cuả ông.
Trong Kinh Kim Cang,tác giả Cựu Y Sỹ HQ Đại Tá Trần Ngươn Phiêu,thấm nhuần giáo lý nhà Phật từ nhỏ,vẫn thường hay trì tụng,theo lời ông kể,để luôn được "an trụ trong Tâm".
Rồi ra tất cả đều sẽ "như mộng huyền bọt sóng...."
Còn lại chăng ! chỉ còn lại tấm lòng cho mai sau.
Viết xong Dec 8,2009.
Trịnh Như Toàn.
PS.Sách do Hải Mã P.O Box 19543,Amarillo, Texas 79114.USA mới ấn hành.
Phí tổn ấn loát mỗi cuốn $20.00.
Sách in bià cứng,mỹ thuật.

No comments: