Tuesday, January 20, 2009

Thăm viếng Holy Land, Israel

Thăm viếng Israel

Sóng Việt

Với những người theo đạo Ki-tô hay Cơ-đốc, đi Israel để thăm Thánh-Địa là một mong muốn rất hợp lý và có dự tính kỹ lưỡng. Với cá nhân Sóng Việt thì chuyến thăm viếng Israel trong những ngày cuối năm 2008 là một tình cờ, vì khi quyết định đi thăm Ai-Cập, hãng du lịch có đề nghị đi thăm luôn cả Israel.
Chuyến thăm viếng Israel vừa qua đã giúp tác giả bài viết này có cơ hội tìm hiểu về Thánh-Địa và học hỏi được nhiều điều rất đáng ghi nhớ về lịch sử đất Thánh.

Israel

Israel (Do-Thái) là một quốc gia phía Tây Châu Á tọa lạc bên bờ đông của Biển Địa Trung Hải. Israel ráp giới với Lebanon ở phía bắc, Syria ở đông bắc, Jordan ở phía đông, Ai cập ở tây nam. Cận kề là Bờ Đông (West Bank) và Dải Gaza. Israel chiếm một diện tích nhỏ, với dân số trên 7.28 triệu người (thống kê năm 2008) và hầu hết đều là người Do Thái. Israel là nước duy nhất cho người Do thái, ngoài ra cũng có nhóm dân gốc Ả rập của Do-Thái, cùng một số dân thuộc tín ngưỡng khác đáng kể nhất là Muslims, Thiên chúa giáo La mã, Druze, Samaritans.

Lịch sử quốc gia Israel khá phức tạp. Nói một cách hết sức vắn tắt, nước Israel đương thời đã có hơn 3000 năm trước và là vùng đất của Vương quốc Judah cổ. Sau Đại chiến thế giới thứ nhất (WWI), Israel đã được dự trù là một quốc gia của người Do-Thái qua Bristish Mandate of Palestine . Năm 1947, Liên Hiệp Quốc đã phân chia Israel thành hai tiểu bang, một Do-Thái và một Ả-rập. Năm 1948, Israel tuyên bố độc lập, và sau đó là một chuỗi chiến tranh với những vương quốc Ả-rập chung quanh, gồm Egypt, Syria, Jordan, Lebanon and Iraq. Những nước này đã không chấp nhận Israel như một quốc gia. Một năm sau đó, ngưng chiến với thỏa ước có biên giới tạm thời mang tên Lằn Xanh (Green Line) với Jordan nối kết với vùng hiện nay mang tên là Bờ Tây và Đông Jerusalem, Ai-cập kiểm soát Dải Gaza. Israel được chấp nhận thành viên của Liên-Hiệp- Quốc vào tháng Năm, 1949.
Sự xích mích giữa Israel và những xứ Ả-rập chung quanh kéo qua nhiều cuộc chiến và cả hàng chục năm bạo lực và hiện nay vẫn còn tiếp diễn.
Trong những năm đầu 1950s, dân Do-Thái bị ngược đãi ở những quốc gia Ả-rập kéo thốc về Israel làm nhân số đang từ dưới 1 triệu lên đến hơn 2 triệu. Israel cũng thường xuyên bị nhóm Palestine ở Dải Gaza sang đánh phá. Năm 1956 Israel nắm đuợc chủ quyền kênh Suez của Ai-Cập, nhưng sau đó phải nhượng bộ dưới áp lực của Mỹ và Soviet Union để đổi lấy quyền thông thương giữa Biển Đỏ và kênh.
Vào năm đầu của thập niên 1960s, Israel đã bắt được Adolf Eichmann, kiến trúc sư của Final Solution (Giải pháp cuối cùng diệt chủng dân Do-Thái) ở Argentina, mang về Israel để xét xử. Vụ xét xử nổi tiếng này đã làm cả thế giới chú ý hơn đến Holocaust (vụ diệt chủng hơn 6 triệu dân Do-Thái khắp thế giới của Đức trong thời kỳ Đệ nhị thế chiến). Adolf Eichmann là tội nhân duy nhất bị xử tội ở Israel.
Trong vùng tòa nhà Nghị viện ở Jerusalem có viện bảo tàng Yad Vashem, đây là nơi tàng trữ những hình ảnh cùng di tích của Holocaust để tưởng niệm dân Do-Thái đã bị giết chết. Những tin tức, tài liệu, di chúc tràn ngập trong tòa nhà này là nguồn tài liệu vô giá đánh dấu một thời kỳ đen tối kinh hoàng trong lịch sử nhân loại.
Hiện nay, Israel đã ký thỏa ước hoà bình với Ai-Cập và Jordan, đồng thời nhiều nỗ lực đang đuợc xúc tiến để tìm giải pháp ổn thỏa hợp tác với người Palestine. Tuy nhiên trong tuần cuối cùng của năm 2008, chiến tranh lại sôi động trở lại và tình trạng chưa biết sẽ ra sao.
Những quốc gia đồng minh gần gũi nhất của Israel là USA, Turkey, Germany, và United Kingdom.
Ngôn ngữ chính của Israel là Hebrew và Ả-rập. Những thành phố và địa danh được biết đến của Israel phải kể Jesusalem, Tel-Aviv, Nazareth, Dead Sea, Sea of Galilee, Caesarea, Masada, Haifa, v.v...

Trong những ngày ở Israel, Sóng Việt đã đi thăm được khá đầy đủ những nơi kể trên. Những địa danh được kể dưới đây là theo lộ trình của đoàn du lịch mà Sóng Việt đã đi theo.

Jerusalem
Thành phố trước tiên phải kể là Jerusalem, thủ đô của Israel, một thành phố quan trọng cho cả ba tôn giáo Do-Thái, Ki-tô giáo và Hồi giáo. Thành lập từ thời Vua David vào 1000 BC, Jerusalem là giáo đường đền đài đầu tiên của Solomon. Sau đó La mã kéo đến phá huỷ đền đài chỉ còn trừ lại Western Wall, một địa điểm quan trọng nhất của người Do-Thái.
Jerusalem là nơi có nhiều đền đài điện cho cả ba tôn giáo chính (Do-Thái, Muslims và Ki-tô giáo) như Western Wall, Temple Mount, Al-Aqsa Mosque, và nhà thờ Holy Sepulchre.
Đứng tại Mount of Olives, chúng ta có thể thấy bao quát Nhà thờ và vườn Gethsemane, nơi Jesus chờ đợi bị bắt; xa xa là một nghĩa địa lớn nhất trên thế giới của Do-Thái; những ngọn đồi bao quanh thành phố; Dome of the Rock; Church of the Holy Sepulchre, v.v..
Old City của Jerusalem chia làm 4 vùng: Christian quarter, Armenian quarter, Muslim quarter, và Jewish quarter.

The Church of All Nations
Từ Mount of Olives đi xuống một con đường dốc khá dài sẽ dẫn đến khu vuờn Gethsemane , nơi được biết là nơi chúa Jesus trải qua lần cầu nguyện cuối cùng trước khi bị bắt. Vườn Gethsemane hiện nay còn có tám cây Olives cổ thụ già cỡ 2,000 đến 3,000 năm vẫn còn tươi tốt và có trái. Nơi đây cũng chứa di tích những dụng cụ dùng ép trái olives hái từ Mount of Olives để ép thành dầu.


Ngay cạnh Vuờn Gethsemane là nhà thờ All Nations. Nhà thờ này còn có tên là Nhà thờ Thống khổ (Basilica of the Agony), hay nhà thờ Gethsemane
Nhà thờ của nhiều Quốc gia (The Church of All Nations) xây từ năm 1919 đến 1924 lên trên một vài nhà thờ cũ do tài trợ của 12 nước khác nhau nên mang tên là All Nations.
Mặt tiền của nhà thờ là một mosaic không lồ rất đẹp chiếm trọn vẹn phần trên . Trong nhà thờ, Tấm đá Thống khổ (The Rock of Agony), nơi Jesus cầu nguyện và đổ máu đêm trước khi bị bắt nằm trưóc bàn thờ chính.


Rời nhà thờ All Nations, chúng tôi đi sang Mount Zion, có nhà thờ St Peter, có phòng The Last Supper, có nhà thờ Thiên chúa giáo Dormition Abbey. City of David có ngôi mộ đá của vua David, có tượng David với cây đàn thất huyền cầm.

Nhà thờ Holy Sepulchre
Nhà thờ Holy Sepulchre còn gọi là nhà thờ Resurrection (với người Thiên chúa giáo La mã). Đây là nơi mà Jesus bị xử hình thập tự giá, và là nơi Jesus được chôn (sepulcher/sepulchre).
Bước vào cửa nhà thờ là Tấm đá xức dầu Thánh (Stone of Unction), nơi sửa soạn để chôn Jesus. Dù nhà thờ ban đầu là sở hữu chủ của Thiên chúa giáo La mã nhưng sau này là thuộc cả bốn giáo phái chính.
Những ngọn đèn treo trên tấm đá Unction là đại biểu của Armenia, Copts, Greeks và Latins.(Copts là giáo phái chính của Ki tô giáo ở Ai Cập). Đằng sau tấm đá là một tranh mosaics lớn kín cả tường, miêu tả cảnh sức dầu Thánh trước khi chôn.
Cầu thang đá bên phải ngay cổng vào dẫn lên lầu trên tới Calvary (hay Golgotha) là nơi Jesus chịu thập tự giá. Đền đầu tiên của Thiên chúa giáo (Roman Catholic) với cảnh Chúa bị đóng đinh (còn được gọi là Station 11 của Via Dolorosa). Ngay cạnh điện thờ của Roman Catholic là điện của Greek Orthodox. Ngay dưới Calvary, ở bên trái của Stone of Unction là cửa dẫn vào Đền Adam. Phía tây của Stone of Unction là trọng tâm của nhà thờ với một khoảng tròn Rotunda hay Anastasis. Dưới nhà vòm Rotunda là Ngôi mồ Jesus nằm trong một lăng mộ. Cửa vào lăng mộ hay Thánh mộ này (edicule) đã đuợc che phủ phía ngoài (do cơn động đất đã lâu) nên trông hơi tối tăm. Phía trong gồm hai phòng nhỏ, Chapel of the Angel của Greek Orthodox, và Chapel of the Holy Sepulchre nơi chứa mộ Jesus Christ. Đây là station 14 trong Via Dorolosa và là Thánh địa quan trọng nhất của các tôn giáo liên hệ.
Rời nhà thờ theo Via Dolorosa, mọi người có thể đi theo đúng lộ trình mà Jesus đã mang thánh giá đi ngang qua.
Western Wall.
Western Wall còn được gọi là Wailing Wall hay Kotel, hay al-Burag Wall với người Hồi giáo, là một nơi tôn nghiêm quan trọng của đạo Do-Thái. Bức tường này tọa lạc trong Old City of Jerusalem, và cũng rất đáng kể với Hồi-giáo. Phân nửa bức tường dài này có thể xây từ thời Herod the Great (cỡ 18 BCE) cuối thời kỳ Second Temple. Phần còn lại đã được xây thêm vào từ thế kỷ thứ 7 và sau đó.
Western Wall phần cổ đối diện với Western Wall Plaza dài 57 m, cao 32 m, nằm phía tây của Temple Mount là nơi cầu nguyện lộ thiên lớn nhất. Tuy nhiên trọn vẹn bức tường trải dài 488 m một phần đã bị che dấu bởi nhà cửa xây dọc theo. Khởi thủy bức tường chỉ có mục đích làm dàn đỡ cho những xây cất của Herod the Great vào thế kỷ cỡ 19 BCE.
Đây là nơi thờ tôn nghiêm của Do-Thái. Tuy nhiên Ai-cập không chịu nhận như thế mà cho rằng đây là nơi thờ phụng của Hồi-giáo dân và bức tường được mang tên là al-Buraq Wall.
Muốn vào thăm bức tường mọi người phải đi qua trạm kiểm soát có máy rà kim khí của giới chức an ninh và đàn ông đàn bà phải đi qua hai cửa riêng biệt.
Tại bức tường này đàn ông đàn bà thờ và cầu nguyện riêng biệt qua phân chia của một tấm vách (mechitza) dựng lên. Nơi cầu nguyện của đàn bà chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Người dân hay du khách đến cầu nguyện thường đặt những miếng giấy nhỏ (kvitlach) gài vào khe vách đá. Có một số người khi rời Western Wall đã không quay lưng lại mà đi lùi ra.
Một chút lịch sử cận đại: ngày 26 tháng March, 2000 Pope John Paul II thăm viếng và đặt một lá thư vào vách tườn; năm 2005, bưu điện Israel phát hành một con tem mang lịch sử này. Tháng July năm 2008, tổng thống vừa đắc cử của USA, Barak Obama đã đặt một lời cầu viết tay trên giấy vào vách. Tờ giấy này sau đó được lấy ra và in trong báo Maariv (McGirk, Tim (2008-07-25). "Obama's Private Prayer Leaked", Time Magazine.

Chúng tôi cũng đi thăm Tower of David Museum và Citadel.

The Old City of Jerusalem
Thành phố cổ Jerusalem là một khoảng đất cỡ dưới 1km vuông. Trải qua bao nhiêu thời đại, những giống dân các nơi với tập tục và văn hoá khác nhau,và những người cai trị đã lưu lại nhiều dấu vết trên thành phố này để tạo nên một thành phồ Jerusalem hiện tại.
Bức tường bao vây thành phố có từ thời Ottoman khởi xướng xây cất bởi Suleiman the Magnificent, xây từ năm 1537 đến 1541 mới hoàn tất. Bức tường dày 3m, cao từ 5-15 m, và dài 4.5 km. Theo chương trình của đài truyền hình ABC thì thành phố cổ Jerusalem đã được coi như là một trong bẩy kỳ quan của thế giới.

Old City of Jerusalem
Thành phố có tất cả 11 cửa, nhưng hiện nay chỉ có 7 cửa mở, cánh cửa thứ tám (Golden Gate) ở phía đông đã bị người Hồi đóng cửa đã lâu (theo truyền thống Do Thái, khi sứ gỉa đến thì sẽ đi vào qua cửa này. Để ngăn ngừa sứ giả nên họ đã bịt kín cửa này từ thời Suleiman. Bẩy cửa này mang tên: Jaffa Gate, New Gate, Damascus Gate, Herod’s Gate, Lion’s Gate, Dung Gate, và Zion Gate
Cửa chính vào thành phố là cửa Jaffa, cũng như những cửa khác, cổng vào được thiết kế hình chữ L, qua cửa phải đi một góc độ cỡ 90 độ, mục đích để ngăn ngừa sự xâm nhập vũ bão nhanh như chớp của những chiến mã ngày xưa. Ngoài ra một vài cửa như Cửa Zion (phía ngoài Armenian và Jewish Quarters) có chứa lỗ trên cửa để chiến sĩ có thể đổ nước sôi ngăn chặn quân thù. Old City này có chứa rất nhiều di tích tôn giáo quan trọng: Temple Mount và Western Wall cho người Do Thái, Nhà thờ Holy Sepulchre cho Thiên chúa giáo La mã (Roman Catholic), Dome of the Rock và al-Aqsa Mospue cho Hồi giáo.

Những cánh cửa của Old City of Jerusalem dẫn đến 4 quarters khác nhau
Armenian Quarter
Armenian Quarter nằm ở góc tây nam của Old city và là quarter nhỏ nhất trong 4 quarters. Ở đây có nhà thờ St James là nhà thờ quan trọng nhất của người Armenian, bảo tàng viện Armenia chứa rất nhiều di tích và tài liệu viết bằng tay. Mặc dù người Armenian là Ki-tô giáo, nhưng tôn giáo của họ khác biệt với Thiên chúa giáo La mã. Hiện tại có cỡ 3,000 người Armenian sống ở Old city, cỡ 550 người sống tại quarter này.
Christian Quarter
Christian Quarter nằm ở góc tây bắc của Old City, kéo từ New Gate ở miền bắc dọc vách tường phía tây đến tận cổng Jaffa- Western wall xuống nam kề cận với quarters của Jewish và Armenia, phía đông bắc thì giáp Muslim quarter với cổng Damascus. Christian quarter này có nhà thờ Holy Sepulchre.
Jewish Quarter
Jewish Quarter nằm ở khu đông nam của bức tường trải từ Cửa Zion ngang theo Armenian Quarter đến Cardo ở phía bắc, Western Wall cùng Temple Mount phía đông. Tại Cardo Maximus hiện nay còn lại di tích với một con lộ có nhiều cột với kiến trúc thời Roman-Byzantine, Con đường này được thấy rõ trong Medeba Mosaic map, một bản đồ mosaic tìm thấy ở thành phố Medeba (Jordan), có từ thế kỷ thứ 6.
Bức tường Western Wall nằm trong quarter nay được coi như là nơi rất quan trọng cho sự trở về của người Israel đến vùng Đất Hứa.
Muslim Quarter
Muslim Quarter là quarter lớn nhất ở góc tây bắc của Old City. Nơi đây có rất nhiều tiệm bán đủ thứ (souk): đồ cổ, nữ trang, quần áo, nước hoa, đồ da, đồ ngọt, đồ gia vị, cafe Ả rập, v.v...
Dome of the Rock va El-Aqsa Mosque của người Hồi tọa lạc trong quarter này.

Nếu nói một cách tóm tắt cho dễ hiểu thì những con phố từ Cửa Damascus xuống Cửa Zion chia Old City thành đông và tây, phố từ Jaffa Gate đến Cửa Lion chia Old City thành hai phần bắc và nam. Nếu vào từ Cửa Jaffa, đi rẽ xuôi qua phố David thì ta có Christian Quarter ở bên trái, tiếp tục đi trên phố David thì Armenian Quarter ở bên phải. Qua Jews street, ở bên trái Jews street là Muslim Quarter, ở bên phải là Jewish Quarter.

Nazareth
Ngày hôm sau, rời Jerusalem, chúng tôi đi thăm Nazareth. Nazareth nằm giữa biển Galilee ở bên phía đông và biển Địa Trung Hải phía tây ngang thành phố Haifa.
Cũng như tại Jerusalem và những thành phố khác, những di tích ngày xưa của tôn giáo đều được bảo trì và một đền đài hay nhà thờ được xây lên trên.
Địa điểm quan trọng nhất của Nazareth là nhà thờ mới The Church of Annunciation xây trên căn nhà của Mary vào năm 1966. Nhà thờ Annunciation được kể là nơi thiên thần Gabriel hiện lên và bảo Mary rằng Mary sẽ sinh ra Jesus.

The Church of Annunciation
Nhà thờ mới này gồm hai tầng, tầng dưới bảo trì hang động Thánh ở mực của nhà thờ cũ, tầng trên hiện nay là nhà thờ Thiên chúa giáo La mã. Trong giáo đường, những bức tường được trang hoàng bằng những tác phẩm mosaics to lớn miêu tả Mary và Jesus do các nước trên thế giới tặng. Tác phẩm của Nhật và Hoa Kỳ rất đặc sắc.
Gần đó là nhà thờ St Joseph (xây năm 1914 trên địa điểm tiệm làm thợ mộc của Joseph. Và ngoài ra Cái giếng nước của Mary gần đó cung cấp nước cho thành phố từ thế kỷ thứ nhất cho đến tận bây giờ.
Nazareth là thành phố có nhiều dân Ả-rập nhất của Do-Thái với dân số hơn 60,000 người theo đạo Hồi hay Thiên chúa giáo La mã. Thành phố coi như không có người Do-Thái.
Với giáo dân Ki-tô thì Nazareth là thành phố quan trọng nhất để họ hành hương. Kiến trúc của Nazareth là một hỗn hợp kiểu Gothic/Neoclassical hay Trung Đông.
Gần nhà thờ Annunciation có khu chợ bazaar của người Ả-rập rất nhộn nhịp, du khách tha hồ mà trả giá cho những sản phẩm từ nữ trang đến quần áo, còn dân địa phương thì trả giá cho thực phẩm như thịt thà hay gà còn sống. Gian hàng chợ của người Hồi đóng cửa ngày Thứ Sáu, ngưòi Thiên chúa giáo La mã đóng cửa ngày Chủ nhật, và ngày thứ Bẩy là ngày nhộn nhịp đông đảo nhất.

Tabgha
Rời Nazareth xe bus dẫn tới Tabgha gần junction Hwy 90 và 87, độ 10 km bắc của Tiberias, bờ biển phía bắc của Sea of Galilee, để thăm nhà thờ Heptapegon.
Nhà thờ Heptapegon ở Tabgha. Heptapegon có nghĩa là bẩy giòng suối ngày xưa đổ vào một tụ điểm rồi chảy ra biển Galilee. Nay chỉ còn 5 suối. Nơi này còn có tên là The Church of the Multiplication of the Loaves and Fishes, nơi có bữa ăn màu nhiệm mà Jesus đã phân phối cho 5 ngàn người với 5 ổ bánh và hai con cá. Hình mosaic ổ bánh và 2 cá và tấm đá thô nhiệm màu nằm ở dưới chân bàn thờ chính trong nhà thờ. Bên phải của bàn thờ có một mặt kính trên sàn nhà cho thấy phía dưới là một mảnh của nhà thờ cổ xưa.
Nhà thờ này đặc biệt hoàn toàn có sàn mosaics làm từ thế kỷ thứ 5. Sàn mosaics dát hai dải lối đi ngoài hai hàng cột dẫn đế bàn thờ có mosaic trưng hình chim và cây, đặc biệt là hoa chuông, hoa lotus. Sự hiện diện hoa lotus, môt loại hoa không có ở vùng này cho thấy ảnh hưởng của một nền văn hóa khác hơn ngoài Hy lạp và La mã.


Sea of Galilee
Vào buổi trưa chúng tôi đi thăm biển Galilee và đi tàu máy trên Biển Galilee.
Biển Galilee còn được gọi là biển Genneseret, hồ Kinneret hay hồ Tiberias là hồ nước ngọt lớn nhất của Israel (21 km dài, 13 km rộng, vòng kính cỡ 53 km). Hồ nằm thấp hơn mực nước biển (sea level) 203 m và là hồ nước ngọt thấp nhất trên thế giới, và là hồ thấp thứ nhì trên thế giới sau hồ nước mặn Biển chết (Dead Sea). Tuy nhiên biển Galilee rất nông, chỗ sâu nhất chỉ có chiều sâu cỡ 150 bộ (150 ft). Biển được gọi là Kinneret có nghĩa là “lyre” vì nó giống dạng nhạc cụ thất huyền cầm mà Vua David chơi.

Biển hồ Galilee nhận nước từ sông Jordan chẩy vào từ miền bắc suôi nam. Biển Galilee là nguồn chính cung cấp nước ngọt cho những vùng trung phần và cho cả nước Israel qua hệ thống dẫn thủy.
Biển Galilee làm vùng đất chung quanh trở nên xanh mát, cây cối xanh tươi, mùa màng
tốt đẹp. Đặc biệt ở biển này có rất nhiều cá, ba loại nổi tiếng là cá sardines, barbels, và musht (còn được gọi là cá của St Peter). Chúng tôi sau khi đi tàu máy nhỏ thăm biển thì ăn trưa ở một kibbutz với món cá musht đặc biệt.

The Mount of Beatitudes
The Mount of Beatitudes nằm phía đông bắc của Sea of Galilee, phía trên Capernaum.
Truyền thống viết rằng Jesus dạy giáo đồ ở đây. Chữ Beatitudes, tiếng Latin có nghĩa là ban phước. Nhà thờ tại Mt. of the Beatitudes kiến trúc theo kiểu neo-Renaissance với basalt đen (huyền vũ nham) và đá vôi trắng, có cửa vòng cung cả bốn phía, nhà vòm ở giữa, chung quanh là tám cạnh để hoài niệm tám Beatitudes. Sàn mosaic với mô hình biểu tượng cho bẩy đức tánh của người như trong thuyết giáo. Chung quanh nhà thờ có hành lang đi dạo, và nhà thờ nhìn ra biển Galilee rất êm đềm, thanh nhàn.

Capernaum
Giáo đường cổ Capernaum nằm phía bắc Biển Galilee, gần hwy nối liền Galilee với Damascus.
Hiện nay Capernaum chỉ còn là một di tích hoang tàn, nhưng một thời nơi này có nhiều dân cư ngụ trong khoảng từ 150 BC đến AD 750. Những cột lớn còn lại cho thấy làm bằng đá calcium trắng mang từ nơi khác đến.
Thành phố này là nơi cư ngụ của các thánh như Peter, Andrew, James, John, và Matthew. Theo Kinh thánh La mã thì Jesus dạy ở giáo đường tại Capernaum trong những ngày nghỉ.
Bên cạch di tích giáo đường cổ có một nhà thờ tám cạnh xây lên trên căn nhà của St Peter.

Yad Vashem
Sang ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục thăm viếng những nơi khác.
Như đã viết ở trên, Jerusalem có Yad Vashem, một bảo tàng chứa chứng tích và hình ảnh để tưởng nhớ đến nạn nhân Do-Thái của Holocaust.
Yad Vashem tọa lạc ở chân Mount Herzt gồm Bảo tàng viện lịch sử Holocaust, đài tưởng niệm trẻ em, và Hành lang tưởng nhớ.
Israel Museum có Shrine of the Book, đây là nơi chứa một số lớn Dead Sea scrolls tìm thấy trong hang trên núi cao ở Qumran.
Ngoài ra, Jerusalem còn có mô hình với tỷ lệ 1:50 của Jerusalem cổ xưa , AD 66 (là thời gian của Second Temple trước khi Roman xâm chiếm thành phố). Mô hình này, nằm trên đất của Holyland Hotel Jerusalem, có chứa tất cả di tích lịch sử quan trọng.

Sau khi ăn trưa, chúng tôi đi thăm thành phố Bethlehem.

Bethlehem

Bethlehem là thành phố có Nhà thờ chúa Hài đồng (The Church of the Nativity), một thánh địa tôn nghiêm, nơi chúa sinh ra đời. Đây cũng là nhà thờ Cơ đốc giáo cũ nhất còn sót lại.


Bước vào nhà thờ Nativity mọi người đều phải chui qua cánh cửa Khiêm nhường, một cánh cửa nhỏ chữ nhật dựng lên vào thời Ottoman để tránh những xe to lớn của những kẻ muốn hôi của cải của nhà thờ, và bắt mọi người dù quan trọng dến đâu cũng phải tuân theo luật lệ mà xuống ngựa đi bộ vào. Cánh cửa này đã được thu nhỏ lại so với khung nguyên thủy có hình vòng cung hiện vẫn còn thấy trên cánh cửa hiện tại. Bước vào trung bộ của giáo đường (nave), là một phòng rộng mênh mông nhưng tối tăm với hai hàng cột hai bên, trên một số cột có vẽ hình ảnh các Thánh, Đức mẹ và Chúa Hài đồng. Cột mầu hồng sáng bóng bằng đá vôi (limestone). Những cột này có lẽ nguyên thuỷ từ nhà thờ Constantine vào thế kỷ thứ tư. Trên tường hai bên cũng còn một số tranh vẽ.
Một tấm cửa bẫy trên sàn nhà cho thấy sàn đá vạn hoa (mosaics) với những designs như chim muông, hoa, cây leo của nhà thờ nguyên thủy.
Sự phức tạp thể hiện rõ qua những khác biệt trưng bày bàn thờ của Đạo Cơ đốc Hy-Lạp, và Armenia.
Đi qua một số bực thang bên bàn thờ chính dẫn đến Hang động Chúa Hài đồng (The Grotto of the Nativity) là một hang động nhỏ nằm dưới nhà thờ. Đây là hang động vinh danh nơi chúa Jesus Christ ra đời. Một ngôi sao bạc trên sàn ghi nơi được cho rằng chúa ra đời. Hành chữ Latin phía trên ghi rõ "Here of the Virgin Mary Jesus Christ was born — 1717." Sàn lát cẩm thạch, chung quanh và trên ngôi sao bạc là 15 cây đèn (6 đèn thuộc Greek, 5 thuộc Armenian, và 4 thuộc Latin).
Ngay đối diện trước ngôi sao bạc là Chapel of the Manger là sở hữu của Thiên chúa giáo La mã.
Lối đi ra lên trên dẫn đến nhà thờ St Catherine.
Nhà thờ Nativity, và Chapel of St Catherine là nơi hàng năm có tổ chức mass nửa đêm Giáng sinh được phát hình trên hơn 50 quốc gia. Nơi tổ chức là Manger Square ngay phía ngoài của Nhà thờ Nativity.

Bethlehem cũng có Shepherd’s Field được thiết kế như một cái lều của người chăn cừu. Ánh sáng chiếu vào nhà thờ xuyên qua của kính của nhà vòm để gợi nhớ đến ánh sáng chiếu xuống người chăn cừu khi thiên thần hiện ra báo tin chúa sinh ra đời. Bức tường chung quanh vẽ tranh miêu tả câu chuyện người chăn cừu.

Ngoài hai địa danh nổi tiếng trên, còn có vài nhà thờ xây trên những hang động được coi như là chốn linh thiêng.

Nói thêm về thành phố Bethlehem
Palestine là tên được dùng từ thời La Mã để ám chỉ vùng đất giữa biển Mediterranean và sông Jordan. Nếu nói rộng hơn về địa dư thì Palestine được coi như là vùng đất gồm nước Do Thái hiện tại và những địa phận lãnh thổ thuộc Palestine, một phần Jordan, một phần Lebanon, và Syria. Trong nghĩa hạn hẹp thì Palestine là vùng trong biên giới ngày trước của Bristist Mandate của Palestine (1920-1946) phía tây của sông Jordan.
Lãnh thổ Palestine gồm ít nhất là hai vùng rõ rệt: the West Bank, Gaza Strip và East Jerusalem. Phức tạp là Israel không coi East Jerusalem là một phần của West Bank mà là một phần của hợp nhất Jerusalem, thủ đô của Israel. Giới hạn phía đông của West Bank là biên giới Jordan. Giới hạn phía nam Gaza Strip là biên giới với Ai Cập.
Một địa danh quan trọng của lãnh thổ Palestine là thành phố Bethlehem.
Bethlehem (House of Lamb/House of Bread) là thành phố Palestine năm ở trung phần West Bank, xa cỡ 10 km phía nam của Jerusalem. Với dân số khoảng 30,000 người, đây là thủ đô của Bethlehem Governorate của Palestinian National Authority. Bethlehem là nơi có nhà thờ The Nativity là nơi mà chúa Jesus of Nazareth ra đời. Thành phố có nhà thờ Công giáo cổ kính nhất thế giới.
Thành phố này là nơi David ra đời, và là địa điểm David được phong vương vua của Israel.
Bethlehem cũng là nơi hành hương đông đảo tín đồ Ki-tô giáo La mã. Vào mùa lễ Giáng Sinh, tín đồ ở các nơi trên thế giới đổ về làm lễ và thăm viếng nhà thờ The Church of The Nativity.

Caesarea
Ngày hôm sau đó, chúng tôi đi thăm Caesarea
Caesarea bên bờ biển Địa Trung Hải
Caesarea là thành phố đẹp cổ xưa nằm ngoài một hải cảng xưa của Israel có tên là Caesarea Maritima. Nó nằm giữa con đường từ Haifa đến Tel-Aviv bên bờ Israel Địa Trung Hải. Thành phố có dân số cỡ hơn 4,500 người và là thành phố duy nhất được quản trị bởi một tổ chức tư. Tổ hợp Phát triển Caeserea đã tạo một country club và một sân golf 18 lỗ duy nhất của Israel tại đây.
Di tích cổ tại đây xây dọc theo bờ biển, gồm những tượng đá cẩm thạch lớm mất đầu, một amphitheatre, những nhà tắm lộ thiên công cộng, một đấu trường, một hải cảng với một cái mosque cao, v.v... Ngoài địa điểm di tích lịch sử tại Caesarea, thành phố này đuợc coi như là một nơi có nhiều dinh thư nguy nga. Baron de Rothschild (hậu duệ của giòng họ Rothschild mua thành phố này ngày trước) vẫn còn có một căn nhà ở đây, và một số tài phiệt hay đại thương gia cũng vẫn có nhà ở đây.
Cái amphitheatre cổ xưa là nơi nay thường được tổ chức những buổi hòa nhạc quốc nội và quốc tế. Nhạc Jazz Festival cũng được tổ chức ở đây. Ngoài ra cái aqueduct dẫn nước vào thành phố vẫn còn tồn tại và rất đẹp.

Haifa

Haifa là một hải cảng tân tiến và là thành phố lớn thứ ba của Israel.
Nó chứa nhiều trung tâm thương mại, kỹ nghệ và điện tử của nhiều công ty nổi tiếng.
Là một phần của Mount Carmel, Haifa có đường phố cây cối xanh tươi, nhiều cảnh đẹp một bên nhìn ra biển và một bên nhìn sang Galilee.
Rất đẹp phải kể là (Lăng) Shrine of the Bab của đạo Baha’i. Shrine of the Bab là một kỳ quan của Haifa và được Unesco sắp vào danh sách Woprld heritage Sites. Vườn kiểng của Lăng gổm 19 tầng xây lên cao dần từ chân núi Carmel, vườn đẹp và rất mỹ thuật , du khách ai ai cũng phải trầm trồ thán phục.
Nhà vòm của lăng tẩm này được hoàn tất năm 1953, chứa mộ của Siyyard Ali Muhammed, một nhà lãnh đạo đạo Baha’i, người Persian. S.A. Muhammed bị hành quyết khi còn rất trẻ vào năm 1850 bởi chính quyền Hồi giáo.

Dead Sea

Biển Chết vì nước hồ mặn quá
Sinh vật nào sống được nơi đây
Trên bờ muối kia đóng trắng xoá,
Dưới nước thân người nhẹ như mây.

Biển Chết là hồ nước mặn nằm giữa Israel, West Bank bên phía tây, Jordan bên phía đông. Mực biển Chết nằm 420 m dưới mực nước biển. Bờ biển của biển Chết cũng là nơi thấp nhất trên sàn địa cầu. Biển sâu 380 m và là biển nước mặn nhất trên thế giới. Biển dài 67 km và rộng 18 km.
Đây là nơi có nước mặn nhất biển hồ của thế giới địa cầu. Nước mặn từ 6 đến 10 lần hơn nước biển đại dương. Muối biển Chết cũng tương tự như muối biển đại dương với những khoáng chất tương tự chỉ khác nhau ở nồng độ. Mặn đến nỗi làm thân thể con người tự nhiên có thể nổi được trên mặt nước. Tác giả hàng chữ này đã thấy tận mắt hai người đang nổi lềnh bềnh trên mặt Biển Chết (hiện tượng buoyancy) mà chẳng cần khua tay khua chân, chỉ cần nằm ngửa dơ hai tay ra và đưa hai chân lên.

Lý do làm nước biển Chết mặn quá sức.
Biển Chết nhận nước chảy xuống từ sông, từ suối ở chung quanh đổ vào, nhưng biển Chết không có sông nào cho nước thoát ra. Nước biển Chết thoát đi qua cách duy nhất là bốc hơi, Nước bốc hơi đi để lại những thành phần trong nước lại tích tụ dần dần những khoáng chất này làm nước biển Chết mỗi ngày một mặn hơn
Biển Chết đã lôi cuốn du khách khắp nơi đến thăm viếng đã cả ngàn năm nay. Theo Kinh thánh thì nơi đây là nơi vua David đã tạm trú ngự, nước nơi đây đã được dùng như nguồn cung cấp để chế tạo một số sản phẩm như dùng để ướp xác ở Ai-Cập, phân bón potassium. Người ta cũng dùng muối và khoáng chất lấy từ biển Chết đển chế tạo mỹ phẩm. Lý do vì ở thấp điểm nên điều kiện khí hậu cũng đặc biệt ảnh hưởng đến nước biển, mùa đông nước biển ấm hơn trên bờ, và mùa hè nước biển mát hơn trên bờ, lý do vì ánh sáng mặt trời xâm nhập vào nước biển chậm hơn.
Khí hậu và điều kiện độc đáo của biển Chết đã làm vùng này trở thành trung tâm cho nhiều trị liệu như điều trị theo khí hậu (climatotherapy), trị liệu heliotherapy (hiệu quả sinh học của tia sáng mặt trời), và thalassotherapy (tắm nước biển Chết). Tác giả hàng chữ này cũng thấy nhiều người mò tay tát và vất bùn lên cơ thể vì tin rằng bùn của biển Chết có tác dụng chữa lành bệnh ngoài da và làm đẹp da.
Thành phần khoáng chất theo một tường trình thực hiện vào những năm 1980 trên mặt nước biển Chết tính theo g/kg là Cl− (181.4), Br− (4.2), SO42− (0.4), HCO3− (0.2), Ca2+ (14.1), Na+ (32.5), K+ (6.2) and Mg2+ (35.2). Tổng số muối là 276 g/kg. Thành phần muối là calcium chloride (CaCl2) 14.4%, potassium chloride (KCl) 4.4%, magnesium chloride (MgCl2) 50.8% và sodium chloride (muối thường, NaCl) 30.4%.

Sinkholes
Ngồi trên xe bus đang chạy, nhìn dọc theo bờ biển thấy có những lỗ tròn tròn nông có, sâu có, lớn có, nhỏ có chạy dài theo ven bờ biển Dead Sea, và nhiều chỗ gần sát công lộ. Đó là những sinkholes/lỗ thụt lõm. Sự thành lập sinkholes đuợc giải thích là do mực nước của Dead Sea bị thấp dần gây nên nước ngầm ít mặn hơn, và trở nên ngọt hơn, khi tỷ lệ nuớc ngọt/nước mặn bị suy giảm, chất muối tạo từng lớp dưới mặt đất bị nước ngọt hòa tan gây hao mòn dần tầng lớp dưới mặt đất. Vì muối tan dần để lại những khoảng trống tạo nên những vết lõm xuống. Tường trình cho hay đã có hơn 1,700 sinkholes ở trên bờ biển Deas Sea., có nơi chỉ cách công lộ/hwy 90 không hơn 100 m. Lý do mực nước Dead Sea thấp dần vì nước từ Jordan River đúng ra phải chảy vào Dead Sea và nhánh quanh quẩn đã được dẫn chuyền đi đâu đó làm nước uống và dẫn thủy để trồng trọt ở Israel, Jordan và Syria.

Qumran National Park
Địa điểm chót chúng tôi thăm viếng trước khi rời Israel là Qumran National Park để xem nơi một người chăn lừa đã tìm thấy những Dead Sea Scrolls rất cũ ở trong hang động trên núi cao. Những Dead Sea Scrolls này được lưu trữ tại The Shrine of the Book, và một phần được cho mang đi triển lãm các nơi trên thế giới.

Kết luận

Vì chúng tôi không thuộc đạo Ki-tô, nên bài viết chỉ thuần túy có tính cách du lịch, không mang những lời viết trong Kinh thánh La mã. Đi xem để thán phục những công trình đồ sộ của những triều đại cổ xưa, rất xưa, và cũng để suy ngẫm về sự khác biệt, sự xung đột giữa các sắc dân, các chủng tộc khác nhau trên mảnh đất mang tên Thánh Địa.
Chuyến đi rất bình yên và rất đông. Nhóm đi Israel hơn 40 người. Đã đi và xem được khá đầy đủ những nơi đáng xem của Israel và sau đó là thăm viếng Ai Cập, chúng tôi nghĩ nếu du khách nào chú ý đến những di tích lịch sử của Israel thì cũng nên đi một lần cho biết.


Sóng Việt Đàm Giang
29 December, 2008

Tài liệu tham khảo
1- Boochny, Etty (2008). The Holy Land. Follow the steps of Jesus. Israel: Steimatzky
2- The Holy Land. The Land of Jesus. Israel: Palphot Ltd.

No comments: