Friday, December 31, 2010

Thần Mercury, Thần Hermes

Thần Mercury, Thần Hermes


Thần Mercury.
Viện Bảo Tàng Louvre. Paris. Pháp

Lời mở đầu.

Thần Mercury (La-mã) hay thần Hermes (Hy-lạp) đã đuợc biết đến qua nhiều hình ảnh; một tượng điêu khắc nổi tiếng phải kể đến là tượng một vị thần trẻ cầm thiên sứ trượng, một cây gậy có hai cánh và có hai con rắn cuốn chung quanh, một dấu hiệu đã được thấy rất thường trong ngành Y Dược, Khoa học và cả ngành Thương mại..
Thần Mercury cũng mang mũ và dép hay đôi giầy có cánh, những biểu tượng này cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng và được chú ý rất nhiều trong ngành Thương mai.
Vậy thần Merury hay Hermes là ai?
Bài viết dùng cả hai tên Mercury và Hermes: ở đây tên thần Mercury được dùng vì sự thông dụng hơn, nhưng ý nghĩa và huyền thoại hầu hết liên quan đến Hermes trong thần thoại Hy-lạp.

Thần Mercury

Mercury là một sứ giả và thần buôn bán, con của Maia Maiesta và Jupiter trong thần thoại La-mã.
Tên Mercury liên hệ đến từ Latin merx (merchandise, merchant, commerce, v.v..) và merces (lương bổng). Những đặc tính tiêu biểu và thần thoại của Mercury đều phản ảnh từ vị thần mang tên Hermes của thần thoại Hy-lạp.
Mercury có nhiều nghĩa khác nhau, Mercury là một hành tinh nhỏ nhất trong hệ thống trái đất và mặt trời và cũng là hành tinh gần mặt trời nhất. Mercury cũng là tên một chất lỏng là chất mercury (thủy ngân). Và từ thay đổi nhanh chóng (mercurial) thường được dùng để chỉ vật thể hay nhân vật nào thay đổi rất nhanh hay bất ổn, cũng là do thoát nghĩa từ sự bay nhanh chóng của thần Mercury từ chỗ này đến chỗ khác.

Theo thần thoại Hy-lạp: Hermes là thần biên giới và di chuyển, thần cừu và bò, thần trộm cắp, thần khách du lich xa, thần diễn thuyết và nhanh trí, thần văn chương và thi phú, thần thể thao, thần cân lường, thần phát minh, thần thương mại, và cả thần nói láo. Những biểu tượng liên hệ đến thần Hermes (Mercury) gồm mai rùa (tượng trưng kiên nhẫn, thời gian, lòng khôn ngoan?), con gà trống (biểu tượng mặt trời, thông minh nguyên thủy), đôi dép có cánh (có linh hồn, rõ ràng minh bạch) và biểu hiệu thiên sứ trượng với cây gậy có hình hai con rắn cuộn tréo nhau. (1)

Theo thần thoại Hy-lạp, Hermes, con của thần Zeus và Maia, con gái của Atlas, ra đời trong một hang động ở núi Cyllene, Arcadia. Nằm trong nôi chăn cuốn ấm cúng của bà mẹ Maia, chỉ trong vòng vài giờ sau khi ra đời, Hermes đã lẻn trốn ra khỏi nôi, biến hoá cao lớn nhanh chóng, đi tới Pieiria và trộm vài con bò của Apollo, người anh khác mẹ cùa Hermes.
Để tránh dấu vết chân để lại, Hermes đã ngụy trang đi dép và dùng lá cây che dấu vết chân bò, lùa bò đến Pylos rồi Hermes giết hai con bò và dấu kín số bò còn lại trong một hang gần đó. Hermes nấu ăn thịt một phần, mang da bò cắm vào đá và đốt cháy phần còn lại; cùng lúc đó Hermes hiến vật hy sinh cúng tế cho 12 vị thần và có lẽ vì thế mà Hermes đuợc xem như phát minh ra thờ phượng thần thánh và hy sinh vật để cúng tế lễ.
Sau đó trên đường trở về Cyllene, Hermes thấy một con rùa ngay lối vào cửa hang có nôi của mình, chàng lấy mai con rùa, sỏ chỉ dây qua mai rùa và tạo nên cây đàn lia, sồ giây đàn, có sách nói 3 có sách nói 7, được làm bằng ruột của bò hay trừu. Cũng có tài liệu nói Hermes sanh ra vào ban mai, đến trưa thì ra khỏi nôi bắt rùa sỏ dây làm đàn lia và đến chiều tối thì đi ăn trộm bò.
Thần Apollo với thần lực đoán trước, ngay lúc đó đã khám phá ra kẻ trộm bò và đến ngay Cyllene để tố cáo việc làm của Hermes với mẹ của Hermes là Maia. Maia không tin và cho rằng Hermes chỉ là một đứa bé mới sinh còn nằm trong nôi thì làm sao có thể làm chuyện động trời như thế. Không thuyết phục được Maia, Apollo mang đứa bé đến khiếu nại với Zeus đòi hỏi Hermes phải trả lại đàn bò. Hermes lại cãi nhưng không ai tin cả, sau cùng phải Hermes nghe lời Zeus mà dẫn Apollo đến Pylos để nhận lại đàn bò. Trong lúc đó, Apollo nghe đuợc tiếng đàn lia của Hermes thì thích quá nên đề nghi tặng Hermes luôn đàn bò để đánh đổi lấy đàn lia. . Hai anh em trở nên hoà thuận. Theo một ấn bản thì Hermes sau đó phát minh ra đàn ống sáo (syrinx) và Apollo lại cho Hermes cây gậy vàng chăn cừu để đổi lấy đàn syrinx, cùng chỉ dẫn Hermes che chở bầy gia súc, chim muông, và đồng cỏ nuôi súc vật, Apollo cũng dạy Hermes nghệ thuật nhìn trước tương lai bằng cách reo súc sắc. Thần vương Zeus sau đó lại ban cho Hermes chức làm người truyền tin cho Zeus, cùng liên lạc với thần ở thế giới bên dưới (âm phủ).

Những cá tính của Hermes

Hermes là truyền lệnh sứ của thần vương Zeus, chàng là thần khéo léo hùng biện trong ngôn ngữ, ngay từ khi vừa sinh ra đã biết biện luận sau khi Apollo khám phá ra là Hermes đã ăn trộm bò, đã biết dùng tài năng của mình để tạo giây liên hệ với mười hai vị thần trong vấn đề cúng tế lễ.
Hermes có tài trong âm nhạc, là thần đã chế ra hai loại đàn lyre, và syrinx (theo một vài tài liệu), có tài trong ngôn ngữ, thiên văn, thể thao, trồng cây olive, đo lường và nhiều tài khác nữa.
Như một truyền lệnh sứ và một sứ giả của các thần, Hermes di chuyển rất thường, và vì thế đuợc coi như là thần của đường lộ, có nhiệm vụ bảo vệ những người phải di chuyển thường xuyên và trừng phạt những kẻ làm hại họ.
Như một thần thương mại Hermes giúp phát triển việc buôn bán và làm ăn phát đạt
Hình ảnh của Hermes hiện diện trong những trò chơi thể thao của Hy-lạp cho thấy Hermes là giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động thể xác và có thể vì sự năng động của Hermes mà nghệ sĩ Hy-lạp đời sau đã thêm vẽ nhiều truyền kỳ về vị thần này.


Mũ và giầy có cánh.
Những vật được xem như liên hệ đến Hermes gồm một cây gậy thần, một đôi giầy hay dép hai quai có cánh, và nhiều hình ảnh với mũ có cánh.
Đôi dép hay đôi giầy của Hermes đã đuợc thi vị hoá. Sự thêm đôi cánh như cánh chim để biến đổi từ bình thường thành một đôi dép/giầy thần giúp thần di chuyển qua biển cả và đất liền là một sáng kiến tuyệt vời của nghệ sĩ ngày xưa.
Cái mũ và đôi giầy có cánh này được nhắc đến trong chuyện kể về Hermes và Perseus. Chuyện kể rằng đôi giầy có cánh đã giúp Perseus bay đi rất nhanh và mũ tàng hình như trong chuyện phim Clash of the Titans đã giúp Perseus theo dõi công chúa Andromedas đến tận đồng lầy của một chàng Calibos đẹp trai (con nữ thần Thetis) nay bị Zeus phạt biến thành quái vật giống thần Dê.

Cây gậy của Hermes
Theo Homer thì cây gậy thần mà Hermes nhận được từ Apollo chỉ là một cây gậy đơn giản, và được coi như là cây gậy của sứ thần. Cây gậy này cũng có hình đuợc miêu tả như có hai dải lụa mà sau này nghệ sĩ đã thần thánh hóa mà biến thành hai con rắn cuốn chung quanh. Và sau nữa đôi cánh lại được thêm vào để diễn tả sự nhanh chóng mà sứ thần của các vị thần đã di chuyển . Có rất nhiều huyền thoại quanh chuyện cây gậy, một rắn, hai rắn cuốn quanh cây gậy và đôi cánh.
Trong một bộ bách khoa từ điển chữ caduceus đuợc giải thích như sau:
Theo thần thoại Hy-lạp, cây gậy có cánh với hai con rắn cuốn chung quanh là cây gậy thần của Hermes. Một huy hiệu có hình cây gậy của Hermes đã được dùng như một biểu tượng cho nghề nghiệp y khoa. Cây gậy Hermes mang là một biểu tượng cho hòa bình, dùng để bảo vệ những sứ giả của Hy-lạp và La-mã ngày xưa. Có tài liệu nói rằng nguồn gốc miêu tả một cây gậy hay một cành olive với một dải lụa, sau này đuợc biến chế thành hai rắn với hai cánh để thích hợp với vai trò của Hermes. Còn cây gậy caduceus được chế biến thành một biểu tượng của ngành Y vì nó giống cây gậy của thần Y khoa Asclepius
Theo một bộ từ điển khác thì caduceus là cây gậy có cánh một đầu và có hai con rắn cuốn chung quanh do Apollo tặng cho Hermes. Biểu tượng hai con rắn đã thấy có trong thời Babylon và có liên hệ đến biểu tượng con rắn khác của sinh sản, khôn ngoan, lành bệnh và của thần mặt trời. Từ năm 1902, huy hiệu ngành Y của quân đội Hoa kỳ đã dùng biểu tượng cây gậy có cánh với hai con rắn cuốn quanh. Biểu tượng caduceus cũng đã được dùng nhiều nơi như một biểu tượng cho thương mai, và tượng trưng cho nhiều ngành khác.

Một vài hình ảnh hiện đại thường thấy.

Nhãn hiệu của hãng làm lốp bánh xe Goodyear có hình một chiếc giày có cánh, hãng chuyên giao hoa đến tận địa điểm khách yêu cầu FTD cũng có hình một thanh niên mang giày và đội mũ có cánh, và có thể còn nhiều logo có hình giày và đôi cánh.
Nguồn gốc của hình ảnh này liên quan đến thần Hermes trong thần thoại Hy-lạp hay Mercury trong thần thoại La-mã.

Hãng giao hoa FTD
Vào ngày 18 tháng 8, 1910, mười lăm tiệm bán hoa đã đồng ý với nhau trao đổi chuyện giao hoa cho những khách hành ở ngoài thành phố của họ qua điện tín telegraph và đặt tên cho tổ hợp của họ là Florists' Telegraph Delivery. Năm 1914 công ty chấp thuận dùng nhãn hiệu Mercury Man để làm logo, mục đích nhấn mạnh đến tốc độ giao hoa của họ.
Năm 1965 thì công ty bắt đầu dịch vụ giao hoa khắp mọi nơi trên thế giới và đổi tên công ty thành Florists' Transworld Delivery. (2)

Hãng làm lốp xe Goodyear

Frank Seiberling, sáng lập viên và Chủ tịch Hội đồng công ty làm lốp xe Goodyear Tire & Rubber Company là người đã có sáng kiến dùng biểu tượng Chân có cánh (Wingfoot) để làm biểu hiệu cho công ty làm lốp xe của họ vào năm 1900. Trong căn nhà cũ của Seiberling tại Akron, Ihio, một tượng vị thần thoại nổi tiếng Mercury của La-mã hay Hermes của Hy-lạp đặt ở gần cầu thang đã gây chú ý của Seiberling. Sáng kiến dùng hình ảnh chiếc giầy có cánh để làm biểu hiệu cho hãng làm lốp xe của mình vì Mercury là thần trao đổi hàng hóa và thương mại, và cũng là sứ giả mang tin nhanh chóng cho tất cả các vị thần trong thần thoại, tưởng không còn gì thích hợp hơn. Hình chiếc giầy có cánh đặt giữa chữ Good và chữ year bắt đầu xuất hiện từ đó. Chiếc giầy lớn hơn chữ trong bảng hiệu nguyên thủy đã được biến dạng và thu nhỏ lại sau đó. (3)

Tượng trưng cổTượng hình cũ nhất đuợc biết có hình hai con rắn cuốn quanh cây gậy là hình ghi trên một cái bình màu xanh (từ 2200-2025 trước Công nguyên) trưng trong Bảo tàng viện Louvre , đề tặng thần sanh sản Sumarian tên là Ningishzida (cũng đuợc coi như là thần của cây cối). (4)

Mặc dù đuợc coi là một trong những hình ảnh cũ nhất ghi lại hai con rắn cuốn quanh cây gậy trước thời gian có cây gậy caduceus và gậy của Aslepius, và cây gậy của Moses cả ngàn năm, biểu tượng một rắn thần cuốn quanh cây gậy đã được biết đến từ thời tiền sử qua hình ảnh ghi trên giấy papyrus như là một Nữ Thần Rắn Tình Yêu của Hạ Ai Cập.

Bức họa của Aubin Louis Millin (Paris 1811] minh họa Mercury (Hermes) và một thương gia đang lại gần diện kiến Asclepius nhưng bị Asclepius nhìn một cách không vui, bàn tay phải nắm chặt lại và cánh tay như muốn tránh chạm vào người đang quỳ gối năn nỉ, với một thái độ quả quyết. Bức họa này đã cho thấy sự khác biệt giữa cây gậy caduceus của Hermes với cây gậy y của Asclepius. Caduceus của Hermes có hai con rắn, và gậy y của Asclepius có một con rắn. (5).

Kết luận
Nói tóm lại hình ảnh thần Mercury/Hermes cầm cây gậy từ ngàn năm trước cho đến hiện đại vẫn là hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho tốc độ, bền bỉ, nhanh nhẹn, khôn ngoan, ngoại giao, và nhất là biểu tượng cây gậy có cánh với hai con rắn cuốn quanh hoặc có đuôi dính nhau hay không dính nhau, từ lâu đã được xem như là một biểu tượng liên hệ đến ngành Nha Y Dược cùng Thương mại. (6)

Sóng Việt Đàm Giang
09 Nov, 2010

Ghi chú
(1). Truy cập tại: http://wikicompany.org/wiki/911:Occult_symbolism_VII ngày 29 September, 2010.
(2). Truy cập tại: http://www.ftdi.com/about.htm
http://en.wikipedia.org/wiki/Florists'_Transworld_Delivery ngày 29 September, 2010.
(3). Truy cập tại: http://www.goodyear.com/corporate/history/history_origin.html ngày 29 September, 2010.
(4). Truy cập tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Serpent_(symbolism)
http://en.wikipedia.org/wiki/Ningishzida ngày 29 September, 2010.
(5). Truy cập tại: http://www.ams.ac.ir/aim/010131/0015.htm ngày 29 September, 2010.
(6). Trịnh, N.G., Những Biểu Tượng Ngành Y. The Firmament số July, 2009 (tr. 115):
http://thehuuvandan.org/firmament.html

No comments: