Wednesday, June 15, 2011

Thủy Trúc (Cây cọ dù Cyperus involucratus)

Câu chuyện cây sậy dù trồng làm kiểng (Cyperus involucratus)hay Thủy trúc

Sóng Việt

Ngày tôi còn nhỏ ở tại căn nhà trên đường Phan Thanh Giản, Saigon, với bố mẹ. Ba tôi, một người rất ưa chuộng nghệ thuật trang trí, đã tạo nên nhiều cảnh đẹp ở căn nhà này. Vườn cây cảnh thường làm ở phía bên hông hay sau nhà, nhưng đặc biệt ba tôi lại tạo ngay một hồ đá nhỏ trồng sen nuôi cá ngay trước mặt tiền của nhà. Ngoài sen trong hồ, ba tôi lại trồng đặc biệt ven hồ trong những bồn đá nửa nước nửa cạn một loại cây lau sậy kiểu có lá dài xanh mướt tua tủa một lớp như tán dù, cọng dài thiệt dài, trông rất đẹp, và nên thơ . Tôi rất thích nhưng hồi đó không biết là cây gì. Tính ra cũng đã hơn 40 năm, cho đến khi sang đây, nhân dịp xuống Houston, lại nhà ông anh, thì tình cờ được biết cô cháu gái đã tìm cách mang từ VN sang, cô sắn cho tôi vài nhánh rễ và hiện nay tôi vẫn còn có tại sau nhà, một kỷ niệm nhớ đời đến ba tôi. Cho đến bây giờ tôi mới biết cây cọ này tên latin là cyperus involucratus thuộc gia đình Cyperaceae, và còn được gọi là thủy trúc. (http://www.floridata.com/ref/C/cypa_inv.cfm)

Đã từ lâu tôi vẫn có ý định tìm hiểu về cây cọ dù này. Thật tình cờ, trong câu chuyện của cuốn sách nổi tiếng The Da Vinci Code có một đoạn nói về bí mật của cái hộp gỗ (rosewood) đựng một cryptex hình trụ mang mật mã đa số có chứa một chất dấm làm tiêu hủy những hàng chữ viết trên một loại giấy cổ của Ai Cập làm bằng cây cọ cyperus papyrus nếu tìm cách phá hủy hộp để lấy thông điệp trong đó. Khi tò mò tìm hiểu về papyrus và xem hình thì tôi thấy cây cọ này sao giống cây cọ dù của ba tôi, và từ đó tôi đã khám phá ra hai cây cọ này có họ hàng với nhau cùng chung với vài loại cọ dù trên khắp thế giới.


Cây cọ Papyrus
Chữ papyrus là tên đặt cho một loại giấy từ thời cổ làm bằng ruột cây papyrus. Cyperus papyrus, một loại cây cọ lau sậy ở vùng đất ướt (wetland), cây cọ này có thể mọc cao đến 5 thước (5 m), và mọc rất rập rạp ở miền trung châu sông Nile bên Ai cập. Biết đến đầu tiên từ lâu ở Ai Cập, nhưng loại cọ này có mặt ở nhiều vùng trên thế giới và rất thông dụng ở vùng Địa Trung Hải, cũng như trong đất liền ở Âu châu, và tây-nam Á Châu.
Chữ Latin papyrus bắt nguồn từ chữ papuros của Greek, chữ papuros còn một tên thứ hai là bublos, papuros được dùng để ám chỉ một loại cây ăn đuợc, bublos để ám chỉ phần không ăn được dùng làm sản phẩm thông dụng như dây thừng, thúng rổ, hay giấy viết. Từ chữ bublos này mà những từ ngữ bằng tiếng Anh được tạo nên như bibliography, bibliophile, và bible. Papyrus cũng là nguyên ngữ cho chữ paper của Anh và papier của Pháp.

Cách làm giấy papyrus thời thượng cổ
Một lớp giấy papyrus được làm bằng nhiều cọng (thân) của cây. Người ta gọt lột lớp cứng ở ngoài của thân cây, lớp ruột bên trong được cắt mỏng theo chiều dài, xếp lớp chồng lên nhau một chút, va` một lớp thứ hai được đặt lên theo góc phải. Hai lớp này được thấm chút nước rồi ép chặt lại, sau đó được phơi khô, được mài cho nhẵn bằng đá. Nếu cần phải làm một cuộn giấy thật dài thì họ có cách gắn nhiều tờ vào với nhau.
Giấy papyrus của Hy Lạp và Ý hiện nay không còn tìm được vì đã bị khí hậu và mọt phá hủy, nhưng ở Ai Cập vẫn còn tìm thấy những mảnh sản phẩm này trong những cuộc đào sới tìm di tích lịch sử.
Thời thượng cổ, papyrus là loại cây rất được ưa thích ở Ai cập, nó được dùng làm thực phẩm, thuốc, chất fiber, và làm nơi cư trú. Theo Tackholm và Drar (1973), người Ai cập dùng cây này là viền vòng cho vòng hoa đám ma, làm tầu thuyền, quạt, dép, chiếu, hộp và giấy. Họ cũng nhai hút nước như ăn miá và nhổ bã. Papyrus cũng còn được dùng trong nghệ thuật trang hoàng và thủ công nghệ. Cọng papyrus dùng để gắn kẽ hở của tàu bè.
Cây cọ Cyperus, thuộc gia đình Cyperaceae, gồm nhiều loại. Loại cây nhỏ như Cyperus nanus hay C. profiler chỉ cao cỡ 1 m. Cây cọ cyperus involucratus có nhiều ở Florida.
Cây cyperus papyrus mọc cao, rất mạnh, chịu nước, có thể cao tới 4-5 m, lá mọc một chùm trên đỉnh cây, lá mọc tia ra như vòng tròn của bánh xe, mỗi lá dài từ 10-35 cm.Cây cyperrus papyrus mọc nhiều ở đầm lầy, hồ nông, dọc theo suối ở Phi châu. Nhiều nơi coi nó như cỏ dại.

Dược tính
Galen, Dioscorides và sau này Islamic pharmacologists, như Ibn Gulgul and El Ghafiqi, đã đặt cây cọ này vào loại dược thảo. Cách dùng chính là đốt cháy cây và dùng tro để trị một vài bệnh về mắt. Dioscorides (78 AD) đã viết tro này để trị lở mồm. Galen (129-200 AD) viết rằng cây này nếu ngâm với dấm và đốt cháy lấy tro thì tro này dùng để trị vết thương. Người Âu châu cũng liệt kê vào thuốc tri ung thư trong dân gian.
Hóa học
Gồm glucose, fructose, unreduced polysaccharides và xylan (List and Horhammer, 1969-1979).
Umbrella Plant: Cyperus involucratus: cây kiểng này ưa mọc trong bùn, trong ao kiểng, tuy nhiên cũng có thể trồng trên đất liền, trong châu kiểng, chỉ cần tưới nhiều nước.


Sóng Việt
May 25, 2006

No comments: