Rồng
Sóng Việt Đàm Giang (Thu thập và biên soạn)
Lời mở đầu
Trải qua bao thế kỷ, Rồng luôn luôn biểu tượng cho sức mạnh và huyền bí. Trong huyền thoại từ Âu đến Á, Rồng được miêu tả như một giống linh thiêng có khả năng tạo nên sự sợ hãi, hay thờ phục và kính nể.
Trong thời Trung cổ ở Âu châu, Rồng được miêu tả như một linh vật có thể khạc/thổi ra lửa, và rất hung dữ làm mọi người khiếp sợ. Theo huyền thoại Âu châu xuất phát những chuyện truyền kỳ dân giả liên hệ đến Hy lạp và thần thoại vùng Trung đông và từ lâu trước khi có Ki tô giáo, Rồng Tây Âu thường miêu tả có đôi cánh. Rồng cũng có thể có hai chân, bốn chân, nhiều chân hoặc không có chân nào cả. Sau này, Rồng cũng đã từng được miêu tả trong Tân ước với thánh Archangel Michael chiến thắng được quỷ Satan đội lốt rồng đỏ có bẩy đầu và mười sừng. Rồng cũng là một quái vật có cánh đã bị thánh George giết chết theo huyền thoại.
Rồng cũng được miêu tả khác nhau và có nhiều giống khác nhau tùy theo nguồn gốc lịch sử:
Rồng có sừng được coi là giống mạnh nhất
Rồng Trời (The Celestial Dragon) phù trợ Trái đất và che chở các vị thần
Rồng Trái đất (The Terrestial Dragon) cai trị địa cầu
Rồng Thông Linh ( The Spiritual/ Divine Dragon) kiểm soát gió và mưa
Rồng Canh gác kho tàng dưới lòng đất (the Treasure/Underground Dragon) canh gác kim quý, bảo vật
Rồng có cánh (The Winged Dragon)
Rồng Uốn lượn (The Coiling Dragon) sống trên đại dương
Rồng Vàng không có sừng là Rồng thông thái trí tuệ.
Trái với truyền thuyết về Rồng từ thời trung cổ ở Âu châu, bên Á châu những huyền thoại về Rồng hoàn toàn khác biệt. Phần dưới đây nói về Rồng phương Đông như Rồng Trung hoa, và vài quốc gia khác như Hàn quốc, Nhật bổn và Việt Nam.
Rồng phương Đông
Người viết đã có dịp thăm viếng Dư viên, Thượng Hải, Trung Hoa vào năm 2003 và nhớ đến bức tường thành có Rồng chấn giữ. Dư viên là một thắng cảnh nổi tiếng của Thượng Hải (Shanghai). Vườn Dư viên nằm ở Đông bắc khu vực Trung Hoa cũ, đây là một kiến trúc cổ của Thượng Hải.
Tài liệu cho biết Dư viên được một vị quan nhà Minh (Ming) tên Phan Vân Đoan (Pan Yundua) cho xây cất từ năm 1559 đến 1578 mới hoàn tất. Phan Vân Đoan xây Dư viên cho thân phụ có nơi vui hưởng tuổi già. Khi gia đình họ Phan sa sút vì chiến tranh, Dư viên trở nên hoang tàn hư hại. Sau một thời gian dài trùng tu, Dư viên được mở cửa cho dân chúng vào xem từ năm 1961. Cấu trúc gồm nội viên và ngoại viên, Dư viên được chia làm sáu khu vực cách biệt nhau bằng năm bức tường. Sáu khu vực trong Dư viên mang tên Đại Thạch (Grand Rockery), Vạn HoaViên (Ten Thousand Flowers Pavillon), Điện Báo Xuân (Hall of Heralding Spring), Nội Viên (Inner Garden), Điện Ngọc Hoa (Hall of Jade Magnificence), và Hồ Sen (Lotus pool). Sáu khu vực phân chia bằng những bức tường rồng. Mỗi bức tường là đầu rồng và một thân rồng lượn suốt dọc theo bức tường. Tất cả Rồng trên bức tường thành này chân đều chỉ có 4 móng. Tục truyền rằng khi mới hoàn tất, chân rồng được khắc có 5 móng, là Rồng của vua chúa (vì chỉ có vua mới được dùng Rồng 5 móng, mặc áo thêu Rồng năm móng; rồng 4 móng và 3 móng được các quan trào theo cấp bậc cao thấp mà mặc). Khi tin này đến tai vua với những lời xì xào rằng bố con nhà Pan Yundua phạm thượng, bất kính với vua, và có mầm phản loạn, và vua cho người đến điều tra thì Pan Yundua đã ra lệnh cho chặt bớt đi một ngón trên tất cả các tượng. Tuy nhiên cũng có chuyện khác kể rằng khi dân Trung hoa thấy tượng hoàn tất có bốn móng nên đã đặt ra chuyện trên.
Á châu ca tụng Rồng như một linh vật huyền thoại đáng kính, rất thông minh và có lòng tốt. Rồng là một biểu tượng gắn liền với văn hóa vùng Đông Á Châu. Người Trung Hoa coi mình như là hậu duệ của Rồng. Rồng được biết đến qua tên Lung (Long) và họ cho rằng Rồng nguyên thủy xuất xứ từ Nội địa Trung quốc.
Rồng Trung Hoa đuợc miêu tả là có 36 vẩy lực Âm (Yin) và 81 vẩy lực Dương (Yang). Rồng Trung Hoa nguyên thủy có năm móng trên cả bốn tứ chi. Từ thuở nhà Tây Hán (Xi Han) (206 B.C.) Rồng được miêu tả có năm móng và được coi là độc quyền của nhà vua, là biểu tượng cho quyền hành tối cao của vua chúa.
Rồng Hàn quốc gọi chung là Yong, gồm ba loại: Yong mạnh nhất bảo vệ trời, Yo không có sừng sống ở ngoài biển cả, và Kyo sống trên núi. Khác với Rồng Trung Hoa, Rồng Hàn quốc chỉ có bốn móng.
Rồng Nhật bổn gọi là Tatsu hay Ryu, Rồng Tatsu hay Ryu cũng được coi như là biểu tượng của Hoàng tộc. Rồng của Nhật còn được miêu tả là có thể chuyển mình như rắn, có thể thay đổi vóc dáng lớn nhỏ hay là biến mất (tàng hình được). Rồng Nhật bổn thì chỉ có ba móng.
Cách giải thích về sự khác biệt của số móng (ba của Nhật bổn, bốn của Đại hàn hay năm của Trung hoa) tùy thuộc vào huyền thoại truyền tụng của nước họ. Trung hoa thì nói rằng Rồng càng đi xa đất liền của họ thì càng mất móng. Trái lại Nhật bản thì nói rằng Rồng càng xa Nhật thì càng mọc thêm móng.
Rồng nói chung bất kể nguồn gốc từ nước nào đều luôn luôn biểu tượng bằng mầu xanh dương, vàng, và những mầu khác như đen, trắng và đỏ.
Hình dạng của Rồng cũng khác nhau tùy theo huyền thoại. Rồng có thể mang hình dạng một linh vật đầu ngựa, mắt lạc đà, có gạc như hươu nai, có cổ như rắn, có móng như chim đại bàng, thân có vẩy như cá, bụng mềm như loài nhuyễn thể, lòng bàn chân như hổ, và có đuôi như thiên xà, v.v… Rồng cũng thường được gắn liền với viên ngọc trai. Viên ngọc trai có thề nằm trong hàm Rồng, dưới cầm của Rồng, và đôi khi dưới móng vuốt của Rồng. Viên ngọc trai của Rồng tương trưng cho năng lực huyền bí khiến Rồng có thể biến lên thiên đàng. Ngọc trai cũng tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng. Ngọc trai trong hàm Rồng hay dưới cầm Rồng cũng tượng trưng cho quyền lực chi phối mặt trăng, thủy triều, mưa, sấm chớp,cùng chu kỳ sinh, tử và tái sinh.
Rồng và Viên Ngọc Trai
Chuyện viên Ngọc trai và rồng đuợc kể như sau. Ngày xửa ngày xưa, ở bên Trung quốc, bên bờ sông Mân (Min) phía nam huyện Szechwan có hai mẹ con một người đàn bà sống rất nghèo nàn. Để mưu sinh đứa bé trai phải đi cắt cỏ tươi để bán cho dân làng dùng nuôi súc vật. Vào một mùa hè khô ráo, cậu bé phải đi rất xa nhà để kiếm cỏ xanh, cậu tìm được một vùng không có dấu hiệu bị hạn hán mà cỏ rất xanh và mọc lại rất nhanh không hề có dấu vết cỏ đã bị cắt hôm trước. Thấy phải đi xa quá, cậu bé quyết định bứng luôn cả rễ một mảng cỏ với ý định mang về trồng gần nhà. Dưới mảng cỏ vừa bứng cậu tìm thấy một viên ngọc trai. Cậu mang mảng cỏ về và kể cho mẹ nghe. Bà mẹ rất vui mừng vì con bắt được ngọc quý, nên mang ngọc giấu vào hũ gạo đã gần hết. Sáng ra thì cỏ không mọc mà úa héo chết. Bà mẹ an ủi con trai, nói có thể mang bán ngoc lấy tiền mua gạo, nhưng khi mở hũ gạo thì gạo đầy tới miệng lu. Biết con bắt đuợc ngọc quý, hai mẹ con đặt ngọc vào hũ đựng tiền thì sang ra hũ tràn đầy những đồng xu sáng chói. Hai mẹ con trở nên giàu có, mặc dù họ không nói chi nhưng dân làng đều biết họ có bí mật chi đó. Một ngày có một bọn cướp đến cướp của nhà hai mẹ con. Cậu bé vội bỏ viên ngọc trai vào mồm và nuốt chửng. Viên ngọc vừa vào bụng thì cậu bé thấy nóng như lửa, vội chạy ra sông uống nước. Càng uống càng khát, uống cho đến khi thân hình câu chợt biến thành một con Rồng vẫy vùng trên sông, tạo thành những cồn cát lớn còn tồn tại đến ngày nay.
Rổng hay Long tượng trưng cho Hoàng tộc Trung hoa. Rồng được coi như mang phước lành cho dân chúng. Rồng cũng đuợc coi như liên quan mật thiết đến mưa, đến mùa xuân mang lại nguồn sống mới cho nhân loại mà chúng ta thấy được miêu tả qua nhũng bức họa Rồng đang vùng vẫy trên trời cao, đùa với hạt trai cùng sấm chớp.
Một tục ngữ của Trung Hoa nói rằng “Rồng ngửng đầu lên cao vào ngày thứ hai của con trăng thứ hai” với giải thích là Rồng cai quản mây mưa sẽ thức giấc sau mùa đông và bắt đầu rắc mưa xuống địa cầu. Ngày này được gọi là Ngày Hội Rồng Mùa Xuân.
Qua bao thế kỷ Rồng đã và vẫn còn là một phần quan trọng trong văn hóa Trung quốc mặc dù nguồn gốc còn mơ hồ. Gần đây hơn chuyên viên khảo cổ đã tìm thấy chứng cớ di tích rồng ở thung lũng sông Liaohe vùng đông bắc Trung Hoa. Và như thế thì những tượng đồng có hình dạng Rồng khắc khảm khai quật đuợc vào triều đại Shang (1600-1100 B.C.) không chắc đã là những biểu tượng cổ nhất ở Trung Hoa. Những khảo vật tìm thấy gần hơn nữa ở vùng hoang tàn Hongshan tại Niuheliang, Liaoning vào năm 2003 đã được coi là cổ nhất. Vì bộ lạc Hongshan sống ở thung lũng sông Liaohe cả 5 ngàn đến sáu ngàn năm nên khảo cổ viên cho rằng văn hóa rồng đã có từ vùng này ít nhất là năm ngàn năm.
Những khảo vật hình rồng tại thung lũng sông Liaohe có thể được sắp thành tám nhóm căn cứ vào thời gian và dạng. Cũ nhất là những dạng đá, trạm nổi, khắc trên gỗ, khảm trên kim loại, đồ gốm màu, đồ sứ đồ sành, điêu khắc ngọc và tranh họa màu.
Ngọc rồng tìm được từ thung lũng sông Liaohe được miêu tả như một hỗn hợp của nhiều loại thú vật heo, nai, gấu, chim và rắn. Những biểu tượng hiện đại về Rồng là sản phẩm của hàng ngàn năm đã được các họa sĩ, nghệ sĩ hình dung và sáng tạo ra.
Một khám phá quan trọng khác là một tượng rồng làm bằng ngọc có đầu lợn dài 26 cm, và cuộn lại hình chữ C, môi mím, mắt lồi, và có lỗ ở phía sau. Vì người ta cũng tìm thấy nhiều xương lợn chộn lẫn với xác người chết ở Hongshan nên những nhà khảo cổ cho rằng lợn giữ một vị trí quan trọng và là biểu tượng cho thịnh vượng. Thân rồng thì được cho là bắt nguồn từ thằn lằn, cá sấu, hay rắn. Đầu thì từ ngựa hay một động vật có sừng.
Rồng Trung hoa được phân loại làm ba nhóm: rồng đầu heo ở vùng Bắc, rồng đầu rắn mình người ở vùng trung tâm, và rồng đầu cá sấu ở vùng phía Đông.
Rồng Việt Nam
Dân tộc Việt thường tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên nối liền với huyền thoại Âu Cơ -Lạc Long Quân. Rồng Việt nam kể từ thời Văn Lang, Giao Chỉ, Đại Việt với họ Lý họ Trần, rồi triều đại Lê Nguyễn có rất nhiều thay đổi trong các câu chuyện/tranh miêu tả Rồng. Hình ảnh Rồng quen thuộc hiện nay được coi như là hình ảnh Rồng lưu truyền từ thế kỷ thứ 19 sau khi nhà Nguyễn dành Rồng làm độc quyền cho vua chúa và vẽ theo mẫu hình Rồng Trung quốc.
Tóm tắt
Tóm lại, theo truyền thuyết về Rồng phương Đông thì Rồng là một biểu tượng cho điềm lành và sự khôn ngoan. Trong thần thoại, rồng là một sứ giả giữa người và thần thánh, là sứ giả mang phước lành từ thiên đàng xuống hạ giới. Rồng mang khả năng kỳ diệu kiểm soát được gió mưa. Rồng có thể bay trên không hay lặn ngụp vẫy vùng giữa biển cả. Và hiển nhiên Rồng là biểu tượng cho quyền lực tối cao của một quốc gia như thấy trên áo bào hay các dấu ấn của vua chúa một số quốc gia.
Cũng kèm theo ở phía dưới là một số tem được phát hành trong đầu năm 2012 để kỷ niệm năm Rồng (Nhâm Thìn). Tùy theo quốc gia phát hành tem, số móng Rồng có thay đổi, đặc biệt Rồng Thailand không có “chân”.
Sóng Việt Đàm Giang
14 January 2012
(hình ảnh thu thập trên internet)
…còn tiếp….Rồng Phương Tây
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment