Sunday, April 15, 2012
Chùa Một Cột. Hà Nội
Chùa Một Cột hay Chùa Mật ( Nhất Trụ tháp), còn có tên khác là Diên Hựu tự hoặc Liên Hoa Đài (đài hoa sen), tọa lạc ở phố chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Việt Nam. Chùa Diên Hựu được biết là do vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông năm 1049.
Trong cuốn Hà Nội-di tích lịch sử và danh thắng, nhóm các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Doãn Đoan Trinh, và tất cả nhóm, khi nghiên cứu văn bia dựng tại chùa năm 1665, đời vua Lê Huyền Tông, do Tỳ Khưu Lê Tất Đạt khắc lại, thấy ghi rằng: tại vị trí chùa Một Cột ngày nay, vào thời nhà Đường (năm Hàm Thống thứ nhất) một cột đá trên có ngôi lầu ngọc (với tượng Phật Quan Âm ở trong) đã được dựng giữa một hồ nước vuông. Vua Lý Thái Tông thường đến cầu nguyện, được hoàng tử nối dõi, liền tu sửa lại thành chùa, xây thêm một ngôi chùa bên cạnh chùa Một Cột (cách 10 m về phía Tây Nam) và đặt tên cả quần thể chùa này là Diên Hựu tự (với nghĩa là "phúc lành dài lâu").
Truyền thuyết lại kể rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.(1)
Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 và vào năm 1922. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.
Sách “Chùa Việt Nam” có ghi: “Mùa đông, tháng 10 năm 1049 dựng chùa Diên Hựu. Trước đấy vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật bà Quân âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao làm tòa sen của Phật Quan âm trên cột, như thấy trong mộng, cho các sư đi lượn vòng quanh, tụng kinh cầu cho nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu”. Diên Hữu có nghĩa là sống lâu.
Triều đại nhà Lý xây dựng kinh đô ở thành Thăng Long cũng noi theo cách cũ, ngày càng tu bổ chùa. Khi vua Lý Thánh Tông chưa có Hoàng tử, thường đến chùa Một Cột để cầu nguyện. Một đêm nằm mộng, thấy Phật Quan âm mời lên chùa, ôm một đứa bé đặt vào lòng. Tháng đó Hoàng hậu có mang sau đó sinh Hoàng tử.(2)
Ghi chép của danh nho Trần Bá Lãm (1758-1815) trong “La thành cổ tích vịnh” có ghi lịch sử chùa Một Cột như sau: “ Chùa ở thôn Nhất Trụ, huyện Vĩnh Thuận. Thời xưa, đất ở đây bỏ hoang chưa có xóm làng. Cao Biền khi sang đô hộ An Nam bảo đấy là chỗ sườn rồng chạy, sai đóng cột đồng vào đấy, cắt đứt long mạch. Về sau dân đến ở lập thành thôn Nhật Trụ (Một Cột). Có lần vua Lý Thánh Tông đêm mơ đến làng Một Cột, Bồ tát Quan âm xuất hiện gọi vua bảo: “Đất này rất linh, cột đồng làm thương tổn đến long mạch đã lâu rồi, nên kịp hủy bỏ thì vận nước lại bền thêm mấy đời nữa, bằng không thì sẽ mất”. Tỉnh mộng, vua sai hủy bỏ đồng trụ ám phù. Quả nhiên sau đó triều đại nhà Lý hưng thịnh.
Hơn nửa thế kỷ sau, chùa Một Cột lại được làm lại to đẹp hơn. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa thu tháng 9 năm Long Phù thứ 5 (1105), làm hai ngọn tháp trắng ở chùa Diên Hựu. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) cho chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, vét hồ Liên Hoa Đài đổi tên là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ còn có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh. Ở ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bình Trì, bắc cầu cong để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm mồng một, vào hạ (ngày 8 tháng 4) vua xa giá ngự đến, đặt lễ cầu sống lâu, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường.”
Qua những nguồn tư liệu khác nhau, ta thấy được lịch sử, hình dáng và cấu trúc của chùa Một Cột thời Lý. Chùa này dù có tiền thân từ đời Đường như văn bia của chùa ghi lại hoặc bắt đầu có từ năm 1049, thì ngôi chùa Một Cột trước năm 1105 đều có hình dáng một đóa hoa sen.
Cách thể hiện những biểu tượng ở chùa Một Cột thật đặc biệt, không hề giống bất cứ một tháp Phật giáo nào.
Hiện tại, chùa Một Cột mang hình dáng một bông sen nhô lên trên mặt nước. Chùa vuông vức có mái lợp ngói ta, làm bằng gỗ, mỗi cạnh 3m, đặt trên một trụ đá có đuờng kính 1.2 m và cao 4m tính từ mặt nước ở chân cột. Phần thân trụ mang 8 cánh gỗ gắn với 8 mộng cột của chùa để đỡ mái chùa. Nóc chùa có mặt trăng bốc lửa ở chính giữa đỉnh chùa, hai bên có hai rồng ngoảnh mặt chầu mặt trăng. Trên bốn mái chùa có gắn rồng linh vật lạ được gọi là xi-vẫn ở bốn đầu đao cong. Trong chùa có tượng Đức Phật có nhiều tay tọa lạc trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên Hoa Đài”.
Mặt tiền từ sân chùa có một bực thang với 13 bậc để lên chùa, bậc rộng 1.4 m, có thành tường gạch hai bên. Tường bậc thang bên trái có gắn bia đá đề là viết vào thời Cảnh Trị, vua Lê Huyền Tông (1665) do Lê tất Đạt ghi. Chùa đuợc bao quanh bởi một hồ nước thả sen có tường thấp, mỗi cạnh 20m.
Nói một chút về xi-vẫn ở trên mái ngói chùa Một Cột.
Quan sát mái ngói chùa Một Cột, chúng ta thấy có một hình dạng giống như rồng có đuôi ngắn,
đang hả miệng đón đầu đao của mái ngói.
Vậy xi-vẫn là thuộc loài gì? Chúng có xuất xứ từ đâu, và biểu tượng của nó là gì? Theo Wikipedia, Xi-vẫn còn có tên là li vẫn, li đầu, xi vĩ, từ vĩ, long vẫn, long vỹ, li hổ, li long cù vĩ, xi manh, thôn tích thú hay vẫn thú, đều do người Trung Hoa dịch từ tiếng Phạn là Makara (Ma Kiệt ngư, Ma Ca La, Ma Già La). Hình của nó thường được đắp trên nóc, mái của các công trình kiến trúc thời cổ, với miệng há rộng, hoặc ngậm vào đầu kìm (nên mới có chữ vẫn là “miệng”).
Trong văn hóa Ấn độ, makara là một thú có đầu voi, đầu cá sấu chuyên sống dưới nước và được coi như vật cưỡi của chúa tể sông Ganga (Hằng) và chúa tể biển cả. Makara tiếng Phạn (Sankrit) là loài rồng biển, hay Sea Dragon. Việc thờ thần Makara đuợc truyền từ Hindu giáo sang đến Phật giáo Ấn độ. Và với truyền bá của Phật giáo, mà Makara đã đuợc biết đến khắp vùng Đông Nam Á.
Sang đến Trung Hoa thì vua Hán Vũ là người tiên phong đưa loài Makara của Phật giáo vào văn hóa cung đình, đắp hình trên nóc điện, coi như là linh vật bảo vệ chống hỏa hoạn, và định danh nó là xi vẫn. Người Trung Hoa dần dần biến hóa linh vật này theo thời gian, và nguồn gốc từ chữ Makara hay Phật giáo hầu như không còn đuợc nhắc đến nữa, mà chỉ được biết như một linh vật mang dáng dấp rồng với đầu há rộng, và đuôi cong lên tựa như bốc lên trời và là biểu tượng chống hỏa tai.
Xi-vẫn mái chùa Bảo Ân (1888) Xi-vẫn Trung Hoa
Và xi-vẫn hiện diện ở các mái chùa hay điện ở Việt Nam, chắc chắn là do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa.
Như vậy, xi-vẫn được coi như một con vật huyền thoại được dùng trang trí trên nóc, mái các kiến trúc đời cổ, với ý nghĩa tượng trưng cho việc bảo vệ phòng ngừa hoả tai. Nếu nói về phương diện khoa học, thì xi-vẫn khi được đắp ở hai bên đầu kìm hay góc điện, nơi nước mưa trôi xuống, hiển nhiên nó có mục đích thực dụng là giúp tránh thấm dột.
…
Ghi chú
1-Lý Thái Tông (1000-1054), tên thật Lý Phật Mã, còn có tên khác là Lý Đức Chính, là vị vua thứ hai của triều đại nhà trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1028 đến năm 1054. Ông sinh tại kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, Việt Nam. Năm 23 tuổi ông có con trai đầu lòng là thái tử Nhật Tôn, sau là vị vua thứ ba của nhà Lý mang tên Lý Thánh Tông.
2- Lý Thánh Tông (1023-1072) là vị vua thứ ba của nhà Lý, cai trị từ năm 1054 đến 1072. Ông tên thật là Lý Nhật Tôn, sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam. Ông có hoàng tử Càn Đức con đầu lòng khi ông 43 tuổi. Càn Đức là Lý Nhân Tông (1066-1127), vị vua thứ tư của nhà Lý.
Nguồn:
*Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội 1993.
*Chùa Việt Nam, NXB KHXH 1993.
*Lịch sử Thăng Long – Hà Nội, NXB trẻn 2005.
CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM - TRIỀU LÝ (1010 - 1225)
Lý Thái Tổ (974-1010-1028)-
Lý Thái Tông (1000-1028-1054)-
Lý Thánh Tông (1023-1054-1072)-
Lý Nhân Tông (1066-1072-1127)-
Lý Thần Tông (1115-1128-1138)-
Lý Anh Tông (1135-1138-1175)-
Lý Cao Tông (1173-1176-1210)-
Lý Huệ Tông (1194-1211-1225)-
Lý Chiêu Hoàng (1218-1224-1225).
(số đầu là năm sinh , hai hàng số sau là thời gian trị vì)
Sóng Việt Đàm Giang
15 April, 2012
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment