Monday, December 17, 2012

Roman Charity. Lòng Hiếu Thảo và Nhân Ái La Mã. SVĐG.

Lòng Hiếu Thảo và Lòng Nhân Ái La Mã


Sóng Việt Đàm Giang

Chữ Hiếu với đạo làm người.

Chữ "Hiếu" (孝/từ Hán việt) là chữ viết tắt của hai chữ "Lão" 老 ở trên (lượt bớt phần dưới) và chữ "Tử" 子 ở dưới. "Hiếu" tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Hiếu có nghĩa là hết lòng kính yêu và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ,đồng thời cũng ám chỉ việc tang chế khi cha mẹ qua đời.

Hiếu là đức tính đứng đầu của đạo làm người. Trong ngôn ngữ nó được kết hợp với một số từ khác để thành từ kép như: Hiếu dưỡng (chăm sóc, nuôi dưỡng); hiếu đạo (đạo làm con); hiếu đễ (kính trọng cha mẹ và tôn trọng anh chị); hiếu thuận (hiếu với cha mẹ và hoà thuận với anh em).Ở Phương Đông, ngay từ thời thượng cổ chữ hiếu đã rất được đề cao và ngược lại, người đời cũng lên án gay gắt và khinh bỉ những hành vi bất hiếu. Thời Xuân Thu, Khổng Tử đã soạn ra sách Hiếu Kinh chuyên bàn về chữ hiếu, trong Kinh của ông có những câu hiếu nghĩa thật tha thiết. Cha sinh ra ta, mẹ nuôi nấng ta, thương lắm cha mẹ khó nhọc vì ta. Ân nghĩa sâu xa, trời cao khôn sánh.(trích trên internet).

Vài hàng như trên đã cho biết ý nghĩa của chữ hiếu, phận làm con đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên ở phương Đông nói chung dù hiểu theo đạo Khổng hay đạo làm người.Vậy chữ Hiếu thảo theo ý nghĩ của người Âu châu ngày xưa ra sao? Bài viết ngắn này chỉ viết thử nói đến một bức điêu khắc nổi của Jean Goujon đặt tại Viện Bảo tàng Louvre.


Nếu có ai đến thăm viện Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp, vào Bảo Tàng viện qua lối cửa đối diện với toà Kim tự tháp bằng kính, sau khi lên thang máy thì sẽ đi qua một cánh phòng cửa bảo tàng viện Di tích Lịch sử. Ngay phía ngoài bên tay phải, ta sẽ thấy một bức tượng khắc nổi. Không để mắt đến thì thôi, để mắt đến có nhiều người sẽ ngỡ ngàng, giật mình hay sững sờ khi nhìn bức điêu khắc này. Lại gần hơn đọc những hàng chữ ghi bên cạnh, hầu hết đều thắc mắc hai nhân vật này là ai, và sự tích câu chuyện ra sao.

Hàng chữ bên bức  điêu khắc nổi của Jean Goujon viết:
 Một biểu trưng cho người con hiếu thảo. 
Hàng chót ghi là Pero đang nuôi dưỡng người cha già của cô ta đang bị cầm tù.
Hình internet

Ý nghĩa của La Charité romaine (Roman Charity/Lòng từ thiện La-mã).

Câu chuyện của nàng Pero và người bố mang tên Cimon đã là nguồn hứng khởi cho rất nhiều hoạ sĩ thời La mã ngày xưa và ít nhất là hàng tá bức tranh, khắc nổi và điêu khắc đã từ từ xuất hiện. Cimon và Pero là ai? Theo bản Anh ngữ của D.R. Shackleton Bailey, (1917-2005), dịch từ bản gốc Latin ghi lại bởi sử gia Valerius Maximus trong cuốn “ Memorable Doing and Saying of Ancient Romans”, viết vào thời trị vì của Tiberius (A.A. 14-37). Sách IV: “Of Piety Towards Parents and Brothers and Country” (*), viết câu chuyện như sau: một vị Pháp quan thời cổ La mã trao một người đàn bà có tội mang án tử hình cho vị Chấp hành quan để xử tử trong tù. Người gác khám nhận người đàn bà vào ngục nhưng vì thương hại nên không bóp cổ cho chết ngay và còn cho phép người con gái vừa sanh con vào thăm nhưng tuyệt đối không cho phép mang thức ăn vào nhà tù, người cai ngục nghĩ là thế nào rồi người tù này cũng chết vì đói. Nhưng nhiều ngày trôi qua, người gác ngục thấy người tù vẫn còn sống. Thắc mắc, ông quan sát kỹ lưỡng và nhận ra rằng người con gái đã vạch vú ra và cho mẹ bú sữa để nuôi mẹ khỏi chết đói. Cai ngục mang điều này kể cho vị Pháp quan chấp hành. Vị này trình lên vị Pháp quan, vị Pháp quan trình lên bồi thẩm đoàn; kết quả là người đàn bà được tha tội.

Theo thời gian, câu chuyện đã chuyển đổi từ một người mẹ bị tội trong tù ngục thành một người đàn ông can tôi mang án tử hình. Và nhân vật được biết như do lòng hiếu thảo, người con gái Pero mới sanh con đang có bầu sữa, đã cho người bố già Cimon bú sữa của cô để sống sót trong nhà ngục sau khi ông ta can tội, bị mang án tử hình và sẽ bị bỏ đói cho chết. Hành động lén lút nuôi bố trong ngục của cô bị kẻ gác tù khám phá ra, nhưng hành động hiếu thảo của cô đã làm các vị quan hành chánh động lòng và cho phép thả bố cô ra.

Câu chuyện này được kể như là một hành động hiếu thảo rất lớn và có danh dự La mã. Trong thế kỷ thứ 17 và 18, rất nhiều nghệ sĩ đã miêu tả cảnh này. Ngoài tấm điêu khắc nổi của Jean Goujon tại Viện Bảo Tàng Louvre, đáng kể nhất là những bức họa Roman Charity của Charles Mellin, Peter Paul Reubens, Jean Baptist Greuze, bức tượng hổ phách của Christoph Maucher. Nghệ sĩ Caravaggio có vẽ Pero và Cimon trong bức họa “Bẩy hành động nhân ái”. Dưới đây là một số hình thu thập trên trang Wikipedia.

Charles Mellin

Bernadino Mei
Christophe Maucher
Jean Baptist Greuze
Caravaggio

Peter Paul Reubens

Tóm lại, sau khi đã hiểu rõ sự tích về bức điêu khắc nổi của Jean Goujon tại Louvre mang đề tựa Roman Charity thì khách đi ngang có lẽ không còn sửng sốt, ngỡ ngàng nữa. Tuy nhiên cái cảm nhận về tình tiết câu chuyện thì có thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau thí dụ như phong tục, cá tính, tín ngưỡng, dân tộc v.v…


December 7, 2012
Sóng Việt Đàm Giang



(*) Từ

"Memorable Doings And Sayings Of Ancient Romans"
Book IV: "Of Piety Towards Parents And Brothers And Country"
Recorded by Valerius Maximus (20 B.C. - 50 A.D.)



No comments: