Wednesday, February 25, 2015

Nguyễn Du. Xuân trong Thanh Hiên Thi Tập. Sóng Việt Đàm Giang



Xuân trong Thơ Hán Thanh Hiên Thi Tập của Nguyễn Du.
Sóng Việt Đàm Giang biên soạn và dịch thơ


Thanh Hiên Thi Tập gồm 78 bài thơ, là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du. Tập thơ này Nguyễn Du làm trong thời kỳ còn hàn vi và có thể phân chia ra làm ba giai đoạn.
1. Mười năm gió bụi (1786-1795) là thời gian ông lẩn trốn ở Quỳnh Côi.
2. Dưới chân núi Hồng (1796-1802), về ẩn ở quê nhà.
3. Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804). 

Phần Thanh Hiên Thi Tập này diễn dịch nghĩa 78 bài thơ của Nguyễn Du. Khác với Bắc Hành Tạp Lục với những bài thơ viết về cảm nghĩ của Nguyễn Du với những cảnh trí, địa phận ông đi ngang qua, về nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, phần Thanh Hiên nói về cá nhân Nguyễn Du và những tình cảm của ông trong hoàn cảnh đương thời.
Như đã nói đến trong phần tiểu sử của Nguyễn Du, những bài thơ trong tập thơ Hán Nguyễn Du được sắp thứ tự khác nhau trong các ấn bản biên khảo khác nhau, riêng tập thơ dịch của Sóng Việt-Đàm Giang dựa theo cách sắp xếp trong ấn bản năm 1978 của cụ Lê Thước và đồng nhóm.

Sóng Việt Đàm Giang
**

Trong Thanh Hiên Thi Tập,
Vào thời gian Mười Năm Gió Bụi (1786-1795), Nguyễn Du làm nhiều bài thơ viết về mùa Xuân buồn bã, u ám có bài ám chỉ tuổi ông cỡ ba mươi, như thế có lẽ làm vào cuối thời kỳ Mười Năm Gió Bụi (1794-1795). Một số bài mang lên ở đây như: Quỳnh Hải Nguyên Tiêu (1/249), Xuân Nhật Ngẫu Hứng (2/249), Tự Thán I và II (3-4/249), Sơn Cư Mạn Hứng (7/249), U-Cư (9/249), Mạn Hứng (10/249), Xuân Dạ (12/249).
Thời gian Dưới Chân Núi Hồng (1795-1802) có bài Tạp Thi I (49/249).
Thời gian ra làm quan ở Bắc Hà (1802-1804) có ba bài Mộ Xuân Mạn Hứng (66/249), Thanh Minh Ngẫu Hứng (67/249), Xuân Tiếu Lữ Thứ (75/249). Ba bài này làm trong thời gian ông cỡ 40 tuổi (1804). Một số bài thơ khác viết về mùa Xuân không mang lên ở đây.

  Sóng Việt Đàm Giang phỏng dịch


1/249. QUỲNH HẢI NGUYÊN TIÊU
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thiền quyên
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh-châu thử dạ viên
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán (1)
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến (2)
Hải giác thiên thai tam thập niên (3) 

 1/249. QUỲNH HẢI ĐÊM RẰM THÁNG GIÊNG

Trăng tháng giêng nay trải khắp trời
Y nguyên trăng đẹp vẫn không rời
Một xuân hứng thú ai nhàn hưởng
Vạn dặm Quỳnh châu tỏa sáng ngời
Núi Lĩnh không nhà huynh đệ vắng
Hận nhiều tóc bạc tháng ngày vơi
Cùng đường thân khách trăng còn viếng
 Khắp bể ba mươi năm mọi nơi

 Chú thích:
Quỳnh Hải  chỉ xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, quê vợ nhà thơ.
(1) Tình hình nhà Nguyễn Du vào lúc đó đã phân tán, anh em mỗi người một nơi.
(2) Nhữ: chỉ mặt trăng.
(3) Tam thập niên: lúc về Quỳnh Hải, Nguyễn Du mới chỉ ngoài 20 tuổi, bài này có lẽ làm vào cuối thời gian ở Quỳnh Côi (1794-95). 

 2/249. XUÂN NHẬT NGẪU HỨNG
Hoạn khí kinh thời hộ bất khai
Thoan tuần hàn thử cố tương thôi
Tha hương nhân dữ khứ niên biệt
Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai?
Nam phố thương tâm khan lục thảo
Động hoàng sinh lý lậu hàn mai
Lâu ông bôn tẩu thôn tiền miếu
Đẩu tửu song cam túy bất hồi. 

 2/249. NGÀY XUÂN NGẪU HỨNG

Tiết trời xấu quá cửa cài thôi
Hết nóng lại sang hàn đến nơi
Đất khách năm xưa vừa tiễn bạn
Nay Xuân Quỳnh Hải lại sang rồi
Bến nam đau xót nhìn thềm cỏ
Mai lạnh chào xuân hé đón mời
Ông lão lân khân bên miếu xóm
Say cùng cam rượu mãi không rời

 3/249. TỰ THÁN I (Nhị Thủ)
Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy
Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn? (1)
Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri
Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng
Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp (2)
Tất cánh phiêu lưu hà xứ qui? 

 3/249. THAN THÂN I

Danh phận chưa xong đã rối bời
Lơ thơ tóc bạc gió vờn chơi
Tại trời chân hạc làm sao cắt?
Tính mệnh lông hồng nhẹ bổng thôi
Cốt tướng gian truân trời bắt nhận
Mày râu hoá bạc đã lâu rồi
Gió tây thổi trốc bồng lìa gốc
Chẳng biết về đâu bước cứ trôi

Chú thích:
(1) Hạc hĩnh: ống chân chim hạc. Sách Trang Tử nói: Chân vịt nước ngắn, nhưng không thể nối thêm, cũng như chân hạc dài, cũng không thể cắt bớt được. Ý nói: Không thể làm trái tự nhiên, không thể vì hoàn cảnh mà thay đổi bản tính.
(2) Tây phong: gió tây. Trong thơ Nguyễn Du có nhiều bài nói đến tây phong, có lẽ muốn dùng chữ ấy để ám chỉ nhà Tây Sơn. 

 4/249. TỰ THÁN II

Tam thập hành canh lục xích thân
Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân
Bản nô văn tự năng tăng mệnh
Hà sự kiền khôn thác đố nhân?
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc
Xuân thu đại tự bạch đầu tân
Hà năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân! 

4/249. THAN THÂN II

Thân thì sáu thước tuổi ba mươi
Bởi trí thông minh hại tính trời.
Chữ nghĩa nào đâu ghen với mệnh,
Mà sao trời lại tị nhầm người?
Bại văn khiếm võ thêm nghèo khó
Lần lữa xuân thu tóc bạc đầy
Xuống tóc cầu mong vào rừng ở
Nằm nghe tùng gọi giữa tầng mây 

7/249. SƠN CƯ MẠN HỨNG

Nam khứ Trường An thiên lý dư
Quần phong thâm xứ dã nhân cư
Sài môn trú tĩnh sơn vân bế
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ (1)
Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ (2)
Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt (3)
Bất kiến bình an nhất chỉ thư 

 7/249. Ở NÚI CẢM HỨNG

Ngàn dặm Trường An ở phương nam
Có người dân dã ngụ rừng xa
Cửa sài tịch mịch mây che kín
Trúc lạnh lơ thơ vườn thuốc xuân
Nhớ quê dưới bóng trăng thơ thẩn
Cách ly nhỏ lệ nghe nhạn than
Quê cũ hai em tin vẫn bặt
Không thư chẳng biết có bình an 

(1) Dược phố: vườn thuốc. Câu này gợi ý cho thấy Nguyễn Du lúc về ở Thái Bình, ít nhất là thời gian đầu, có trồng một vườn thuốc để sinh sống. Họ Nguyễn Tiên Điền vốn có truyền thống về nghề thuốc. Trong nhà Nguyễn Nghiễm có tập sách thuốc tập hợp nhiều bài thuốc bắc, thuốc nam do đời trước để lại, nhan đề là Nam Dương tập yếu kinh nguyên (Nam Dương là biệt hiệu của cụ tổ đến ở Tiên Điền lập cơ nghiệp ở đấy. Em Nguyễn Du tên Nguyễn Trứ (con khác mẹ), cũng làm thuốc cho đến khi mất.
(2) Thiềm ảnh: bóng con cóc, tức bóng trăng. Sách Hậu Hán thư chép: Huệ Nghệ được thuốc tiên của Tây Vương Mẫu; Hằng Nga vợ Nghệ lấy trộm thuốc ấy, bay lên trăng, hóa thành con cóc.
(3) Cố hương: là Quỳnh Hải, ở đây chỉ huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, quê vợ Nguyễn Du. 


9/249. U Cư II 

Thập tải phong trần khứ quốc xa,
Tiêu tiêu bạch phátký nhân gia.
Trường đồnhật mộ tân du thiểu,
Nhất thất xuânhàn cựu bệnh đa.
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch,
Hoang trì thủy hạc xuất hà ma
Hành nhân mạc tụng Đăng Lâu phú
Cường bán xuân quang tại hải nha (nhai) 

 9/249. Ở NƠI U TỊCH II

Mười năm gió bụi đoạn quê hương
Khách trọ nhà người tóc bạc sương
Ngày xuống đường dài thưa bạn mới
Một nhà xuân lạnh bệnh thêm vương
Tường xiêu, trăng sáng vài con mối
Nước cạn, ao hoang, ếch yễnh ương
Bài phú Đăng lâu đừng đọc nữa
Nửa đời lay lắt kẻ tha phương

Chú thích:
 Đăng lâu phú: là bài phú của Vương Xán. Họ Vương tránh nạn đến nhờ Lưu Biểu đất Kinh-châu, lên lầu thành Giang-lăng, nhớ nhà mà làm bài phú này. 
(Khi làm bài thơ này, Nguyễn Du mới cỡ tuổi ba mươi, nhưng ngày xưa tuổi này đã đuợc coi như nửa đời người vì tuổi thọ thường chỉ cỡ sáu hay bẩy mươi).

 10/249. MẠN HỨNG I

Bách niên thân thế ủy phong trần
Lữ thực giang tân hựu hải tân,
Cao hứng tửu vô hoàng các mộng
Hư danh vị phóng bạc đầu nhân
Tam xuân tích bệnh bần vô dược
Táp tải phù sinh hoạn hữu thân
Dao ức tha hương thiên lý ngoại
Trạch xa đoạn mã quý đông lân 

 10/249. MẠN HỨNG I

Trăm năm một thế dựa phong trần
Sông biển hai miền mãi cậy thân
Mộng ảo lầu vàng không thú nữa
Hư danh dai dẳng bám bạc nhân
Xuân nghèo ba tháng đau không thuốc
Tam kỷ lênh đênh bận cái thân
Nhớ đến quê hương ngàn dặm biệt
Ngượng nhìn cỗ ngựa kẻ nhiều ân.

 12/249. XUÂN DẠ

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.
Nam đài thôn ngoại Long Giang thủy (1)
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim) 

 12/249. ĐÊM XUÂN

Đêm đen nào thấy trời quang đâu
Song mở âm u liễu sậm mầu
Sông nước đi hoài mang bệnh hoạn
Áng xuân ẩn gió ướt đêm thâu
Tha hương ngó nến rơi giònglệ
Quê cũ nhìn trăng gợi uẩn sầu
Lam thủy thôn Nam Đài vẫn chảy
Một dòng mới cũ đẩy cho mau.



 Chú thích:
1. Thiều quang : Thiều là tốt đẹp. Thiều quang là quang cảnh đẹp, là cảnh sắc mùa xuân. Trong thơ văn, thiều quang chỉ cho mùa xuân.
     2. Ky lữ : Ky (ki) là ăn nhờ ở đậu, ở nhờ, ở trọ. Lữ là ở trọ, đi xa phải ở trọ. Ky lữ: người xa nhà phải ở nhờ nơi đất khách.

     3. Long Giang : Tức sông Lam, con sông quê nhà đã đi vào nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Sông Lam có tên chữ là Thanh Long giang. Hai câu cuối bài thơ này, nhà thơ nhớ quê hương mà tả, như nhìn thấy con sông ấy trong tâm tưởng.  


49/249. TẠP THI I

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên
Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ
Bạch vân ngọa bệnh Quế Giang biên
Thôn cư bất yếm tần cô tửu
Thượng hữu nang trung tam thập tiền


49/249 THƠ TẠP I

Kẻ sĩ bạc đầu ngửa mặt than
Lòng hùng sinh kế đượm gian nan
Xuân lan thu cúc tàn hy vọng
Hè nóng đông hàn cướp tuổi xuân
Vui mãi chó vàng kề núi Lĩnh
Trong mây mắc bệnh cạnh sông Giang
Ở thôn thích nhất tràn mua rượu
Rủng rỉnh ba mươi tiền túi mang.

66/249. MỘ XUÂN MẠN HỨNG

Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật
Phao trịch xuân quang thù khả liên
Phù thế công danh khan điểu quá
Nhàn đình tiết tự đái oanh thiên
Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại
Thiên tuế trường ưu vị tử tiền
Phù lợi vinh danh chung nhất tán
Hà như cập tảo học thần tiên

 66/249. CUỐI XUÂN CẢM HỨNG
Một năm xuân thắm chín mươi ngày
Nỡ để xuân trôi thật tiếc thay
Danh lợi tựa như chim vút cánh
Trước sân tiết đổi tựa oanh bay
Tấm thân không thoát vòng vướng bận
Chuyện sống ngàn năm cứ dắt dây
Danh hão sau cùng rồi cũng biến
Sao bằng thấm nghĩa đạo tiên đây

 67/249. THANH MINH NGẪU HỨNG

Đông phong trú dạ động giang thành
Nhân tự bi thê, thảo tư thanh
Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng
Thiên nhai vô tửu đối thanh minh
Thôn ca sơ học tang ma ngữ
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh
Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn
Mạc giao mao thảo cận giai sinh

 67/249. TIẾT THANH MINH NGẪU HỨNG

Gió đông thổi suốt lướt qua thành
Người cứ sầu bi, cỏ cứ xanh
Thân dáng ngày xuân không trẻ nữa
Thanh minh chẳng rượu cũng thôi đành
Dân ca giúp hiểu thêm từ ngữ
Nức nở ngoài đồng vẳng chiến tranh
Day dứt khách xa buồn kể xiết
Cỏ tranh chớ để mọc gần quanh 

75/149. XUÂN TIÊU LỮ THỨ

Tiêu tiêu bồng mấn lão phong trần
Ám lý thiên kinh vật hậu tân
Trì thảo vị lan thiên lý mộng (1)
Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân (2)
Anh hùng tâm sự hoang trì sính
Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần
Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo
Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân (3)

 75/149. ĐÊM XUÂN LỮ THỨ

Đầu tóc bạc phơ với gió trần
Cảnh tình thấy đổi sợ muôn phần
Mộng kia “ao cỏ” xa ngàn dặm
Sân trước cây mai lại một xuân
Trí dũng một tâm đà nguội lạnh
Công danh thêm lụy khóc cười nhăn
Tang thương thân thể, xuân vẫn đẹp
Đứng dưới Đoàn Thành lệ sũng khăn 

 Chú thích:
(1) Trì thảo: lấy tích ỏ câu thơ: “Trì đường sinh xuân thảo” (bờ ao mọc có xanh). Đời Tấn, Tạ Huệ Liên, em họ nhà thơ Tạ Linh Vận, mười tuổi đã biết làm thơ. Linh Vận thường khen và nói khi ngồi với Huệ Liên, làm thơ thế nào cũng tìm được câu hay. Một hôm Linh Vận ngồi ở bờ ao, làm thơ, không nghĩ ra câu nào, về nhà năm ngủ, chiêm bao thấy Huệ Liên, bỗng làm ra được câu thơ trên lấy làm đắc ý. Với câu thơ này, Nguyễn Du muốn nói mình ở xa nhưng vẫn không quên việc làm thơ xướng họa với anh em của mình ở quê nhà.
(2) Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân: Nhà thơ lên Lạng Sơn đón sứ Thanh mùa đông năm Quí Hợi (1803), đầu mùa xuân năm Giáp Tý (1804), sứ Thanh mới qua, do đó có câu thơ nói về mùa xuân.
(3) Đoàn Thành: tức thành Lạng Sơn. Có sách nói thành này có tên như vậy vì góc tây của thành hình vòng tròn. 


Sóng Việt Đàm Giang biên soạn và dịch thơ
Xuân Ất Mùi 2015





1 comment:

Tịnh Phan said...

Chị Đàm Giang chịu khó sưu tầm 12 bài thơ Xuân của Đại thi hào Nguyễn Du. Dù là thơ Xuân nhưng rất buồn, đúng là tâm trạng của người xa nhà, đau đáu về quê hương.
Kính chúc chị sưu tầm thêm các tập thơ có giá trị, cũng như sáng tác đều đều.
PMT