Sunday, June 7, 2015

Áo bay, mở khép/khép mở niềm tâm sự.



Có người bạn gửi cho bài viết khiếm danh nói về áo dài với "áo bay, mở khép niềm tâm sự"
Không biết có phải là từ trong tập sách "Tản văn Huế. Áo bay khép mở nhiều tâm sự" ? (NXB Hội Nhà Văn)

Mời đọc.

Áo bay, mở khép niềm tâm sự
Không biết những câu thơ dưới đây, Nguyên Sa viết năm nào :
«  Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi , một phần mây ?
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay …?  »
Hay những câu Đinh Hùng :
«  Áo bay mở , khép niềm tâm sự
Hò hẹn lâu rồi em nói đi .. »
Nói đi , lúc nào nhỉ ?
– Tôi nghĩ có lẻ là thập niên 50 – 60
Như những lời Hạ Trắng  , viết năm 61 , « Gọi nắng trên vai em gầy /  đường xưa áo bay « hay những notes «  Hoàng Thị « , valsées trong một ca khúc Phạm Duy , viết năm 71 , phổ thơ Phạm thiên Thư . Trong khi ông Phạm này «  bước em thênh thang / áo tà nguyệt bạch / ôm nghiêng cặp sách / vai nhỏ tóc dài «  thì ông Phạm kia bỏ thêm chút gió vào «  ôm nghiêng / tập vở / tóc dài / tà áo / vờn bay « . Phạm Duy thay " nguyệt bạch " bằng " vờn bay " . 2 chữ , giản dị thôi , mà thay đổi cả ý nghĩa … « cuộc đời «  ( như từ «  em ơi « sang «  mình ơi « ! ) . Phù phép của  họ Phạm là đây !

Trong tùy bút «  Chiếc áo dài Việt Nam «  ( 1971 ) , Võ Phiến kể , sau một thời gian tham dự hội chợ Osaka , nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm để ý rằng , chiếc áo-dài đã thắng lớn trong những buổi phô diễn các y phục quốc tế  « do nó cho thấy gió « ( chữ của ông Nguyễn ) .

Như thế , dầu Cao Đàm , Võ Phiến , dầu Nguyên Sa , Đinh Hùng hay Phạm Duy , Trịnh Công Sơn , dầu âm nhạc , thi ca hay văn chương , hội họa , chụp ảnh ….vv Tất cả đều có chung một điểm hội tụ :  chiếc áo-dài chỉ thật sự là áo-dài khi có gió , nếu không , áo-dài chỉ là một chiếc áo  … » dài «  thôi ! 

Cũng trong tùy bút ấy , theo ông Võ : «  Chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, bạo và tục; đã có phần dưới rất thanh, thoát hẳn thân người  . Nhìn vào một người nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy... gió! Vâng ! ở đây chỉ thấy có gió (như người nhiếp ảnh gia tinh mắt đã thấy), có cái thướt tha, cái bay bướm mà thôi. « 
Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Võ . Nếu những y phục phụ nữ cổ truyền của ( đa số ) các quốc gia đã không cho thấy được cái «  phụ nữ « nhất của người phụ nữ ( nam tu , nữ nhủ ) thì chiếc áo-dài Việt Nam : nó có hấp lực khiến cho , khi nhìn chiếc áo-dài , cái mà ta thấy trước tiên là người mặc áo ( mặt người mặc áo thấy sau ) . Núi to hay đồi nhỏ , bưởi Biên Hòa hay cam Bố Hạ , trong chiếc áo –dài , đều trở thành sinh động mặc dầu chúng nằm im … thin thít (?) . Lấy tĩnh làm ra động . Cái tĩnh « hình nhi thượng «  gây ra cái động người nhìn  . Nhưng kích …. động nhất phải là cái nút chót của chiếc –áo-dài , nằm ngay trên eo ! Từ cái nút ấy đến vùng … giới tuyến phơi phới một phần da thịt mà ,  nhái theo một câu thơ Võ Phiến , «  da trắng ngần ôi muốn .. chết luôn ! «.  Thử hỏi mấy cái :  kimono của Nhật , Hanbok của Hàn , xà rông của Miên , áo rộng thùng thình của xẩm Điêu Thuyền , cái … mền- trùm Ả Rập … vv : mấy bộ y phục cổ truyền đó làm sao khiến cho người ngoài « muốn chết luôn «  được ? Cho hay mấy cụ ta ngày xưa có cặp mắt tinh đời :  tốt che , xấu khoe !
Cái phần «  hình nhi thượng «  là như thế , thế «  hình nhi hạ « thì sao ? 
Khác với ông Võ . Là một người .. " hướng thượng " , tôi chưa một lần ,  lần dò nhìn xuống …. chân thiên hạ bao giờ  . Nhưng không phải vì thế mà không thấy gió . Bởi , i bước áo-dài đều thở ra gió , mỗi nhịp áo-dài đều cho một chút mây bay . « Thướt tha « , theo tôi , là chữ chỉ dùng cho áo-dài , là của áo dài , không cần phải cầu chứng tại tòa . Dáng đi tha thướt là dáng chiếc áo-dài : uyển chuyển , mềm mại . Ông Nguyễn Cao Đàm bảo rằng «  áo dài cho thấy gió « , tôi muốn nói thêm : «  áo dài làm ra gió « .  
Như thế , nếu phần hình nhi thượng của chiếc áo dài cho thấy đồi , núi Sơn Tinh thì phần hình nhi hạ của nó cho thấy những cơn gió thoảng …. Phong Tinh  ( đừng bỏ  dấu huyền nghe quê lắm ! )
Có điều , gió thì gió nhưng gió đông khác với gió tây ( East wind- West wind / Pearl Buck) . Nếu những chiếc áo dạ vũ tây phương phất phới tung bay một cách đẹp mắt , sang trọng qua những bước luân vũ thì chiếc áo-dài Việt Nam lại không …. được vậy ! Bây giờ thì bớt rồi chứ lúc trước, tôi hay gặp những chiếc áo –Sơn Tinh – Phong- Tinh ấy trên sàn nhảy ! Và tôi thấy thương chúng vô cùng ! Thương cái lẻ loi, ngơ ngác , lúng túng bay theo những uốn éo chập chùng , ở một nơi mà , như Rudyard Kipling đã viết ,  «  đông tây không bao giờ gặp nhau « ( Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet ) ! Nó làm khổ " đào " đã đành , nó cũng làm khổ luôn cả " kép " ! Lạnh quạng , vướng chân là té lăn cù !
Nếu chiếc áo-dài ( như hiện nay ) được khai sinh ở Hà Nội ( thập niên 30 ) qua đôi tay họa sĩ Cát Tường, được người-miền-Bắc đưa vào văn chương , nghệ thuật ( có lẻ Huy Cận là người đầu tiên , với bài thơ Áo Trắng ) thì ngược lại , nó « trưởng thành « ở Sài Gòn . Người-miền-Nam đã trang điểm nó , ….. « giải phẫu « nó , để nó có được một chỗ ngồi trang trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam . Áo dài » bà Nhu « khoét cổ  , áo dài «  Dung Đa Kao « ráp tay ( raglan ) , áo dài « Thành Lễ « đông tây hòa hợp … vv . Ngần ấy tên , ngần ấy kiểu . Bao nhiêu năm , qua bao thời đại , người ta luôn cố gắng làm mới áo dài : không đổi kiểu thì đổi vải . Ở Sài Gòn ngày xưa , tôi nhớ có những chiếc áo dài đã làm thay đổi nhịp tim người ta : những người ngắm áo-dài ! Đồng ý là Sài Gòn nóng , Sài Gòn oi nhưng đâu phải vì thế mà giết đời nhau bằng những chếc áo-dài mỏng dính  « mousseline « ? Tại sao không « giữ hộ anh tà áo lụa Hà Đông « , thứ lụa mà nắng có gắt đến bao nhiêu thì đôi mắt người đi .. kế bên vẫn cứ thấy mát mẻ vô cùng ?! Ở hải ngoại này , nhiều nhà thiết kế « trẻ «  cũng đã đưa ra nhiều kiểu áo-dài nhưng , thú thật , tôi xem người hơn là xem áo . Bởi các kiểu áo –dài hiện đại này không còn là chiếc áo-dài đúng nghĩa nữa  . Đâu phải cứ phất phơ  , cứ lã lướt , cứ uốn éo … là có áo –dài ? Cho nên tôi hiểu : đến một lúc nào đó thì áo-dài không mới nổi ! Nó mệt mỏi , nó chán chường . Và nó « trở về mái nhà xưa “ , lúc Sài Gòn còn đẹp lắm !  

Ngoài Bắc , năm 47 , trong một bài báo , dưới bút hiệu Tân Sinh ( đời sống mới ) , “ Bác “  đã “ khuyến cáo “ nhân dân nên xếp áo-dài vào « riêng một góc nhà «  ! Lý do:  áo-dài vừa là thứ …. xa xí phẩm ( tốn nhiều vải ) lại không thích hợp với đất nước trong tình trạng chiến tranh và …. lao động ! Từ đó ( từ 54 ở các thành phố lớn ) cho đến năm 1988 , còn gọi là thời Tân … Đổi ( đổi mới ) , áo dài hầu như biến mất trong xã hội ( chủ nghĩa ) . Nó chỉ xuất hiện trong những dịp lễ lớn ( tôi nghĩ vậy ) : Tết , cưới hỏi . Còn thì nhân dân rặt một kiểu áo trắng tay dài ( cổ Tàu ) , quần đen ; mấy “ quan “ chơi áo đại cán ( đụng đâu cán đại đó ? ) ! Màu sắc thì chỉ có : trắng , đen , kaki , cứt  ngựa ( bộ đội ) . Màu đỏ chỉ có ở màu cờ . Thảm vô cùng !

Trong “ Nam “, nói đến áo-dài thì phải nói đến Huế . Áo-dài hiện diện cùng khắp ở miền Nam nhưng , dường như , chỉ ở Huế , áo-dài mới thể hiện được hết cái “ tinh túy “ của nó . Cũng như bánh cuốn đi đôi với nước mắm , áo-dài đi đôi với nón lá . Mặc áo-dài mà che dù như ( đa số ) phụ nữ miền Tây quê tôi thì thấy hơi “ kỳ “ . Cứ như chiếc dù to ấy , nó lấy một phần cái vờn bay tà áo , “ che bớt “ thêm khuôn mặt người cầm . Tưởng tượng đi , bạn ta  : một tà áo tím ( / trắng ) , một mái tóc dài , một vành nón nghiêng , một dáng nhỏ diệu hiền , thong thả qua " 6 vài , 12 nhịp " : bạn không chết thì cũng bị thương với cái cầu Trường Tiền ấy !
Mà không chỉ Trường Tiền ,  Hương Giang cũng thế . Như có lần, có chàng thố lộ  : “ Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang / Tôi gặp một tà áo tím / nhẹ thấp thoáng trong nắng vương / Màu áo tím sao luyến thương / màu áo tím sao vấn vương …. “ . Trong khi Diễm Xưa đã “ xưa “ với Diễm thì áo-dài mãi với đất Thần Kinh .


Ở đây, tôi chỉ gặp lại áo-dài ở các ngày Tết hay lễ cưới. Lễ cưới bạn thì hết từ lâu ( tôi cũng mong bạn không có dịp để mời cho .. hai chuyến xe hoa   ! ) , lễ cưới các cháu thì thưa thớt vài tà áo phía Việt nên bây giờ áo cũng như … Phật : chỉ gặp trên chùa  và , đa số , do những người lớn tuổi mặc . Buồn thay , theo với thời gian, những tà áo ấy vắng đi , cùng những người mang nó ! Mạn phép Vũ đình Liên, xin được chữa vài câu :
“  ….
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người mặc áo-dài đâu ?
Gió thôi đùa trong nắng
Mây đã biến ngang đầu ….

Như tôi , có khi nào bạn ta :  miên man lòng hỏi nhỏ :
“ Nhũng người muôn năm ấy
Hồn ở đâu , bây giờ ? “

No comments: