Tuesday, July 31, 2018

Tượng Đài Sư Tử Đá. Lucerne. Đàm Giang.



Tượng đài Sư tử đá



Một địa điểm của Lucerne không thể không đến thăm là Tượng đài Sư tử khắc vào núi. Tượng đài này nằm trên một ngọn núi nhỏ bên cạnh một công viên ở phía đông bắc của Lucerne. Tượng đài nằm trong vách đá nhìn xuống một hồ nước nhỏ, chung quanh có nhiều cây to cổ và bên bờ hồ có trồng nhiều  hoa.
                Tượng Sư tử đá ở Lucerne là một tượng đài điêu khắc sâu vào một tường thành bằng đá một Sư tử đang nằm chết ngay bên một bờ hồ của một ngọn núi nhỏ. Đây là một tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh muớn Thụy sĩ đã phục vụ và chết khi bảo vệ vua Louis XIV của Pháp trong thời Cách Mạng Pháp. Năm 1792. Khi nhóm Cách Mạng tấn công vào điện Tuileries ngày 10 tháng 8 năm 1792, thì nhóm lính Thụy sĩ đã hết lòng hết sức để bảo vệ hoàng gia và bảo đảm hoang gia trốn thoát được mà không hề biết rằng nhà vua và gia đình đã ra khỏi điện Tuileries rồi. Khi cạn hết dự trữ vũ khí đạn duợc thì nhóm lính Thụy sĩ bị giết chết.

Phía bên trên tượng đá Sư Tử có khắc một hàng chữ lớn: HELVETIORUM FIDEI AC VIRTUTI có nghĩa: “Để tưởng nhớ lòng trung thành và dũng cảm của những người Thụy Sĩ”.

Phía dưới hốc tượng Sư tử có khắc tên hai mươi sáu sĩ quan Thụy sĩ  đã chết  ngày 10 tháng 8 và mùng 2-3 tháng 9 năm 1792, và  số lính Thụy sĩ đã chết (DCCLX = 760) và số còn sống sót (CCCL = 350).

Có thể nói Tượng đài Sư tử được thành lập là do công sức của một sĩ quan Thụy sĩ tên Carl Pfyffer von Altishofen, thuộc giòng dõi của một gia đình có tên tuổi của Thụy sĩ. Năm 1792, Pfyffer đang nghỉ phép trong thời kỳ nhóm lính Thụy Sĩ đang chiến đấu tại điện Tuileries. Hai mươi ba năm sau đó, sau thời kỳ cách mạng chấm dứt vào năm 1815, và nước Pháp cũng như Thụy sĩ đã trở về với chánh thể bảo thủ, Pfyffer đã nhất quyết phải làm một tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh mướn xấu số này. Dự án ban đầu gặp sự phản đối của nhóm cấp tiến trước đó đã phản đối việc gửi lính đánh mướn đi các nơi. Mặc dù có sự phản đối này nhưng Pfyffer đã được sự ủng hộ của đa số dân Thụy sĩ nên dự án đuợc chấp thuận. Bắt đầu từ năm1818, Pfyffer đã cổ động việc đóng góp tiền để thực hiện đồ án.
Tượng đài kỷ niệm Sư tử được nhà điêu khắc Đan Mạch Bertel Thorvaldsen (1770-1884) thiết kế vào năm 1819 trong khi ông đang ở Rome, Italy. Và  Lucas Ahorn, một người thợ đá- hồ vùng nam nước Đức đã thực hiện việc khắc đá vào năm 1820-1821. Tượng điêu khắc hoàn tất được khánh thành ngày 10 tháng 8 năm 1821. Điêu khắc lớn này cao chừng 6 m (hơn 19 ft), dài cỡ 10 m (hơn 32 ft). Khởi đầu khu tượng Sư Tử đá này thuộc bất động sản tư nhân của tướng Pfyffer, nhưng hơn 60 năm sau đó đã được chính quyền mua lại. Hiện nay nơi này đuợc mở cửa tự do với giờ giấc loan báo tại cổng, không mất tiền vào chiêm ngưỡng.
Bước qua cánh cửa quét vôi trắng, người viết thấy lòng tự nhiên trùng xuống, trước mặt đây là  một bức vách thiên nhiên bằng đá, trên vách khắc sâu vào lòng đá là  tượng một sư tử trong thế nằm rất quý phái mắt nhắm nghiền, trên lưng có một cây giáo đã gẫy đâm sâu vào thân, có máu thấm trên lông, một chân như bảo hộ che chở đặt lên trên tấm khiên có biểu tượng nước Pháp/hoàng gia Pháp với hoa bách hợp (Fleur- de-lis), phía đầu có một khiên mang hình chữ thập dựng vào vách đá tượng trưng cho quốc gia Thụy sĩ.. Tuy nằm sắp chết nhưng sư tử vẫn oai phong, đau đớn nhưng vẫn chứa hào khí, không một chút rúm ró hay thảm hại…
Cảm xúc, bồi hồi đến một cách tự nhiên trong tâm người viết, hào khí thay, đẹp làm sao: giữa vách núi sừng sững, hồ nước lăn tăn chút sóng nhỏ, gió nhẹ lay động những cành cây lòa xòa bên bờ hồ, những chùm hoa hồng, hoa trắng ven bờ: tất cả như tôn vinh cái chết hào hùng của chúa sơn lâm, không có nơi nào thích hợp hơn! Mủi lòng đến nhỏ lệ, ồ tại sao cảnh có thể rung động lòng người đến thế!

 Ngàn Thu Sư Tử Đá

Sư tử nằm trong ổ đá cao
Bên hồ tĩnh mịch gợi nao nao
Ngả thân quý phái sầu bi đọng
Giáo gẫy xuyên lưng thống khổ trào
Chân đặt trên khiên Pháp biểu hiệu
Đầu kề Thụy sĩ giáo thanh cao
Xa ngoài náo nhiệt cùng nhầm lẫn
Một cõi oai phong đẹp biết bao
Đàm Giang

Trước khi kết thúc bài viết tưởng cũng nên ghi lại vài điểm quanh tượng đá Sư tử này.
*.Về những bàn luận quanh cái khung (ổ) của tượng đài Sư tử đá.
Nếu nhìn tổng quát cái khuôn chung quanh của tượng thì chúng ta thấy giống hình dạng một chú heo rừng (hog) với mũi nhọn hướng về  phía bên trái khi nhìn vào vách tượng và tai heo rừng vểnh lên thấy rõ.  Nhưng sự kiện này có chủ ý không và tại sao? Điều này thì hoàn toàn không ai biết rõ ngoại trừ những người thực hiện đồ án vào năm 1819-1821.
Ít nhất thì cũng có hai giả thuyết về cái ổ có hình dạng giống con heo rừng của tượng sư tử đá này.
 Có người cho rằng khi đồ án còn đang tiến triển, người đương quyền cho đồ án Tượng Sư tử đã không trả điêu khắc gia đúng số tiền mà hợp đồng đã đề ra, điều đã làm ông Thorvaldsen bất mãn. Với lòng tự trọng và tôn trọng công trình mỹ thuật cùng cảm tình với những người lính Thụy sĩ nên ông đã không làm xấu tượng điêu khắc mà cố tình đặt tượng vào lòng một khuôn hình dạng chú heo, một nhạo báng để đời cho chính quyền đương thời Thụy sĩ?
Có người lại cho rằng ông Thorvaldsen cố ý đặt tượng Sư tử vào khuôn con heo để tỏ lòng ác cảm với nền quân chủ Pháp đã dùng lính Thụy sĩ đánh thuê một cách bất cẩn, làm thiệt mạng hơn sáu trăm người lính Thụy sĩ một cách vô ích.
Ông Thorvaldsen có phải là nhà điêu khắc hời hợt coi trọng đồng tiền không? Tìm hiểu sơ về Thorvaldsen trên wiki thì chúng ta biết Điêu khắc gia người Đan Mạch này là một điêu khắc gia rất nổi tiếng, vào thời điểm 1819 ông vừa hoàn tất tượng Nilolas Copernicus tại Warsaw, Poland, và năm 1822 ông đang trong dự án hoàn tất tượng Đức Giáo Hoàng Pius VII, ông là người duy nhất theo đạo Tin Lành và  không phải là người gốc Ý nhưng được lãnh rất nhiều đồ án tại Ý và khắp nơi. Như thế có lẽ nào vì trọng đồng tiền mà ông làm tổn hại đến danh tiếng của mình?
Hoặc giả do một sự tình cờ mà khuôn đá khắc do ảnh hưởng của thớ đá lại mang hình dạng một chú heo rừng chăng?
*-Mark Twain (1835-1910) trong cuốn A Tramp Abroad. 1888 đã viết về Tượng đài Sư Tử đá, cảm tưởng của ông với nơi này và viết rằng nơi đây là một nơi buồn bã nhất và là một tác phẩm bằng đá cảm động nhất trên thế giới.
*- Thomas M. Brady (1849-1907) đã sao chép hình tượng sư tử đá này cho một Đài sư tử, khánh thành năm 1894, ở nghĩa trang lịch sử  Oakland, Atlanta, Georgia, USA, để vinh danh những người lính Liên minh (Confederate) vô danh đã được chôn tại nghĩa trang này. Tượng làm bằng đá cẩm thạch Georgia.

Sóng Việt Đàm Giang
Kỷ niệm một chuyến thăm viếng Lucerne
Tháng Tám năm 2012.

Ghi chú. Tài liệucho bài viết thu thập tại nhiều trang nhà khác nhau trên internet và Wikipedia