Sóng Việt sưư tấm
**
Nam Bộ là vùng đất mới của phương Nam có quá trình hình thành và phát triển hơn 3 thế kỷ (1698 - 2004). Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Nam Bộ hôm nay là vùng đất trù phú, nơi dung nạp nhiều dân cư khác nhau từ mọi miền đất nước đến đây lập nghiệp. Quả là “đất lành chim đậu”.
Ngày nay đến với đồng bằng Nam Bộ, ít người còn hình dung được cái thiên nhiên còn đầy vẻ hoang sơ của buổi đầu khai phá. Chính những câu truyện kể, truyền thuyết, các giai thoại còn tồn tại trong ký ức, các địa danh, ca dao dân ca mà các tài liệu địa chí đã ghi nhận được từ xa xưa truyền lại, giúp ta hình dung được khung cảnh thiên nhiên ấy.
Trong cái buổi ban đầu đi mở đất, một trong những lực lượng thiên nhiên hoang dã mà con người phải đối chọi, rùng rợn nhất là hổ (hùm, cọp). Với bộ mặt gân guốc, quai hàm mở rộng hoác hoạc, lưỡi thè lè đỏ lòm, mắt tròn to sắc lạnh, xảo quyệt, râu mép rung rinh thính nhạy, thân mình vạm vỡ, nặng từ cả tạ đến vài tạ. Bốn bộ móng vuốt khoằm khoằm sắc lẻm chộp đâu trúng đó, con người và bất kỳ loài thú nào khi đối mặt với hổ là đồng nghĩa đối mặt với tử thần. Có một thời con người đành bó tay sợ hãi, bất lực trước sự hoành hành của hổ, phải gọi chúng bằng Ông, được đưa vào miếu thờ với sức mạnh chúa sơn lâm để canh giữ bảo vệ đình miếu. Nhưng con người, với đà ngày càng sinh sôi phát triển, đã đẩy lùi giang sơn của hổ đến tận những vùng hẻo lán. Tuy vậy, cho đến nay cọp vẫn còn bảo lưu trong ký ức của nhân dân địa phương, qua những câu chuyện kể, chuyện cổ tích (mà dân Nam bộ gọi là chuyện đời xưa), truyện cười, thần thoại, ngụ ngôn, trong tín ngưỡng dân gian... bắt nguồn từ hiện thực mà con người phải chứng kiến, đối mặt. Thái độ của con người đối với cọp chuyển biến từ sợ hãi, đến chiến đấu thắng cọp, rồi thuần dưỡng, rồi tôn thờ cọp vv... biểu hiện những trạng thái tâm lý phức tạp của người lưu dân mở đất.
Từ những tài liệu đã có và cũng từ những ghi nhận qua lời kể của người dân, bài viết này nhằm tìm hiểu về loài cọp ở Nam bộ dưới góc độ văn hóa.
2. Cơ sở hình thành ký ức về cọp ở Nam Bộ: (Cọp Nam Bộ qua các sách địa chí)
Khởi thủy mọi ký ức về cọp của người Việt Nam Bộ gắn liền với tiến trình con người khai phá vùng đất này. Cái buổi ban đầu ấy, những người dân mở đất Nam Bộ với hành trang thô sơ của mình vừa từ ghe bầu, thuyền buồm đặt chân lên vùng đất hoang rậm, sông sâu, thú dữ như hiệp sức thử thách người mới đến. Để khai phá đất, lập làng, lập ấp, người Việt cũng như đồng bào các dân tộc ít người, ngoài việc gặp những cánh đồng hoang vắng, những đầm lầy heo hút, những rừng rậm bạt ngàn, họ còn gặp khá nhiều thú dữ. Đáng nói nhất trong loài thú dữ nơi này là cọp. Cọp rất nhiều là mối đe dọa thường xuyên làm cản trở công cuộc khẩn hoang lập ấp, đe dọa thường trực tính mạng của con người sống ở đây:
Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um.
Cọp Gia Định:
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi mùa xuân năm Canh Dần 1770 đời vua Duệ Tông có con mãnh hổ vào nhà người ở phía nam chợ Tân Cảnh, hai nhà sư Hồng Aân và Trí Năng đã diệt được cọp. [2:107]. Trịnh Hoài Đức đã ví loài này ở đất Gia Định bằng những câu tục ngữ: “Dữ như cọp Vườn Trầu”. “Aùc như sấu Vũng Gấm”. Viết về “Vườn Phù Lâu” , ông cho biết “chỗ ấy còn nhiều rừng rậm, mãnh hổ thường hay bắt người, nên có câu “dữ như cọp Vườn Trầu”. [2:48, 72].
Đến cuối thế kỷ XIX, ấy thế mà số người chết vì cọp vẫn còn đáng kể “...cọp, sấu còn hoành hành ở vùng quê Bến Tre, Gò Công, An Hóa vào khoảng 1900 - 1910, nào riêng gì vùng sình lầy phía Cà Mau. Bên bờ Hậu Giang ngày nay, vùng Phong Điền nổi danh trù phú với vườn cam quýt - vào khoảng 1900 cọp vẫn còn tại đó” [11:265]
Năm 1909, tuần báo Nam kỳ địa phận dành để tuyên truyền phổ biến giáo lý đạo Thiên chúa mà còn đăng tải những tin tức về cọp như chuyện thời sự hàng ngày:
Vùng cầu An Hạ, 3 tháng có 12 người.
Vùng cầu Hóc Môn , trong một vài tuần có 4 người.
Vùng Thủ Dầu Một, trong vài tháng 8 người.
Mãi đến sau năm 1930 mà cọp còn lảng vảng ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, Bảy núi.
*Cọp Tây Ninh:“
Ngày xưa Tây Ninh toàn là rừng già... cho nên nó là giang sơn của cọp, voi, mang, mển... Thời ấy chúa sơn lâm hay bén mảng gần xóm đông dân cư để rình bắt heo bò và cõng người về rừng xé xác... Năm 1947 - 1948 cọp loạn rừng. Tại xã Ninh Thanh – ấp Chánh, cọp đã ăn 3 mạng và mỗi đêm thường về ấp này bắt heo mang vô rừng ăn dần”[4:165].
*Cọp Vũng Tàu:
“Vùng Núi Lớn xã Thắng Nhì gần chợ Bến Đá, có ngôi chùa gọi là Điện Bà do nhà sư họ Trương sáng lập. Bên cạnh Điện Bà năm 1949 còn dấu tích hai miệng hang lớn, theo lời của dân chúng kể lại, đó là hai cái hang ông thần Hổ ở tu ngày xưa. Họ kể rằng, vào thời kỳ này có hai vị chúa sơn lâm chiều chiều khi tới giờ công phu, thường đến ở ngoài ngồi nghe kinh, và chẳng bao giờ bắt gà vịt, phá khuấy dân ở quanh vùng, sau đó ở tu luôn tại hai cái hang ấy. Một ông tu tại đó cho tới chết, còn một ông bị người Pháp bắn nhầm khi đi kiếm ăn ngoài rừng. Trong chùa hay tin tới xin xác về chôn tại trong hang ông ở, lấy lại cái đầu phơi khô đem thờ trong chùa, sau bị đánh cắp mất. Ngôi chùa này trước có tên là Long Nhan điện”. [5:168]
Một di tích của thời cọp lộng hành Vũng Tàu năm xưa là miếu thờ thần Hổ , về sau này Hội điện sửa sang và xây cất lớn lên thành Điện thờ Ngũ hành và Quan Thánh. “Con đường mòn từ trên ngọn hải đăng đi xuống bãi Thùy Vân ngày xưa dây leo chằng chịt, cây cối rậm rạp rất khó đi, được dân sở tại đặt tên là đường mòn Oâng Hổ”. (con đường từ núi Nhỏ xuống biển) [5:134,137]
(không thấy tên tác giả)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment