Một Chút Thụy Sĩ: Lucerne
Hồ Lucerne và Tượng Sư Tử Đá của
Lucerne
Sóng Việt Đàm Giang biên soạn
Do vị trí địa lý đặc biệt nằm giữa nhiều nước lớn (Pháp,
Đức, Áo, Liechtensen, Ý, Pháp) nên Thụy Sĩ có bốn ngôn ngữ chính. Đó là tiếng
Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh. Hơn nữa, Thụy Sĩ còn là nước có
truyền thống trung lập, không xảy ra bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ năm
1815 đến nay và là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng.
Thụy Sĩ là một quốc gia nhiều đồi núi với những
phong cảnh thiên nhiên trên dãy núi cao Alps, nhiều dòng sông băng và nhiều hồ
nước đẹp. Đất nước này còn nổi tiếng về ngành sản xuất đồng hồ và được biết đến
như một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.
Thụy Sĩ theo chế độ cộng hòa với mô hình nhà nước
liên bang. Cấu trúc nhà nước liên bang gồm 26 bang theo 3 cấp: chính quyền liên
bang, chính quyền bang (canton)
và chính quyền xã. Cấp hành chính thấp nhất ở Thụy Sĩ là các hạt. Trong 26 bang
thì chỉ có 16 bang có cấp hành chính quận. Vài hạt có thể tập hợp thành một
vùng, tuy nhiên đây không phải là một cấp hành chính. Ngôn ngữ: Tiếng Đức 65%,
Pháp 18%, Ý 10%, và các ngôn ngữ khác 7%.
Thụy sĩ có nhiều thành phố nổi tiếng, một số ghi tên ở đây như
Basel, Bern, Geneva, Lausanne, Lucerne, Zurich… Phần bài viết này nói về địa
danh Lucerne.
Lucerne
Luzern (viết theo tiếng Đức) hay Lucerne (viết
theo tiếng Pháp, Anh) một thành phố miền trung Thụy sĩ, nằm cách Zurich khoảng
60km về phía nam. Lucerne nằm trên cao độ 436m (1,430ft) và là thủ phủ của bang có cùng tên. Dân số cỡ 60,000. Thành phố
nằm ở đầu tây bắc của hồ Lucerne, nơi sông Reuss chảy ra khỏi hồ. Reuss là một
con sông với chiều dài gần 100 miles, và là sông lớn thứ tư ở Thụy Sỹ (sau
Rhine , AAR và Rhone ).
Lucerne được coi như là trung tâm kinh
tế và văn hóa của miền trung Thụy Sĩ. Nền kinh tế của Lucerne dựa vào du lịch
và thương mại.
Người ta ví Lucerne là Thụy Sĩ thu nhỏ vì ở đây có hồ, có
núi, người dân nói cả 4 ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ (Đức, Pháp, ý và
Romansh) mặc dù tiếng Đức là ngôn ngữ chính, và có nhiều kiến trúc cổ và nhiều
viện bảo tàng.
Hồ Lucerne: Những
con thuyền nhỏ lượn lờ quanh hồ, những chú
thiên nga bơi lội, những chùm nắng cuối cùng của một ngày nhuộm vàng những
căn nhà cổ kính ven hồ: Ôi nên thơ làm sao! Bản nhạc Sonata của Beethoven được
đặt tên là Moonlight Sonata khi một nhà phê bình âm nhạc so sánh với ánh trăng
trên hồ Lucerne thì quả không sai chút nào
vì hồ Lucerne đẹp quá.
Bản Sonata quasi una Fantasia của Ludwig van Beethoven (1770-1827) viết cho đàn
dương cầm số 14 op ở cung Do thứ cũng được gọi là Bản Sonata Ánh trăng. Ludwig
van Beethoven viết bản sonata này dành cho cô học trò dương cầm 17 tuổi của ông
Gräfin Giulietta Guicciardi vào năm 1801. Năm năm sau khi ông mất (1827) thì bản
sonata được nhà phê bình âm nhạc Ludwig Rellstab miêu tả và so sánh khúc đầu tiên
của bản nhạc với ánh trăng sáng trên hồ Lucerne nên đặt cho tên Moonlight
Sonata vào năm 1832. Bản nhạc có thể nghe khúc đầu tại link:
Cầu Chapel hay "Chapel Bridge" (trong tiếng Đức
Kapellbrücke) là cây cầu dài 204 m (670 ft) qua sông Reuss ở thành phố Lucerne
ở Thụy Sĩ. Đây là cây cầu bằng gỗ cổ nhất ở Châu Âu. Có thể nói chiếc cầu gỗ Chapel
cùng tháp nước hình bát giác bắc qua sông Reuss ở đoạn cuối hồ Lucerne là một địa
điểm kiến trúc đặc biệt của thành phố này, nó là một đường cầu hoa có hoa phong
lữ (geranium) đỏ tươi và thu hải đường (begonia)
hồng đậm trong chậu đặt ở hai bên thành ngoài của cầu, đặc biệt lại có những
tác phẩm hội họa gắn trên khung dàn mái che hình tam giác của lối đi trên cầu.
Cây cầu
được xây dựng năm 1333, với mục đích để giúp bảo vệ thành phố và được đặt tên là
Cầu Nhà nguyện theo Nhà nguyện của St. Peter gần đó. Bên trong cầu là một loạt
các bức tranh gắn lên từ thế kỷ 17, miêu tả sự kiện từ lịch sử của Lucerne và các truyền thuyết về 2 vị thánh
bảo trợ của thành phố là St. Leodegar và St. Mauritius. Nhiều phần của cây cầu,
và phần lớn các bức tranh, đã bị phá hủy trong một vụ cháy năm 1993, hiện chỉ
còn lại 35 bức nguyên vẹn. Năm 1994, thành phố đã dùng hơn 2 triệu USD để xây dựng lại chiếc cầu và tu bồi
các bức tranh cổ, một số tranh đã được
thay thế hoặc sao chép vì không thể phục hồi được. Trong những tấm họa còn lại
có tấm tranh miêu tả William Tell bắn trái táo đặt trên đầu con trai. William
Tell là một người bắn cung rất giỏi ở đầu thế kỷ thứ 14 tại Thụy sĩ. Vì không
chịu chào cái mũ của Thị trưởng người Áo Gessler cắm trên một cây cọc nên Tell bị Gessler bắt giữ và ra
lệnh phải bắn một trái táo đặt trên đầu con trai của Tell.
Tiếp
giáp cầu ở gần khoảng giữa là Wasserturm (Water Tower) cao 110 feet (34 m), một
tháp bằng đá và gạch hình bát giác xây vào cỡ năm 1300, được dùng như là một
nhà tù , buồng tra tấn, tháp canh và kho chứa kim quý. Ngày nay, tháp là một
phần của bức tường thành phố, được sử dụng như Sảnh đường hội họp của Tòa thị
chính. Tháp và cầu Chapel là biểu tượng của
Lucerne.
Hình
chụp từ phía bên phải trước khi lên cầu, đường cầu, tranh họa trên trần cầu và
sau khi ra khỏi cầu lại đi vòng xuôi một cây cầu khác đi ngang nhà thờ Jesuit
và những quán ăn, quán cà phê dọc theo bờ hồ rồi trở lại phía đầu cầu.
Nhà thờ Jesuit nằm gần và nhìn ra cầu Chapel
bên sông Reuss là nhà thờ Baroque lớn đầu tiên được xây dựng ở Thụy Sĩ vào năm
1666 bởi Cha Christoph Vogler với hai ngọn tháp hình củ hành. Ngày nay nhà thờ
Jesuit là nơi thường tổ chức những buổi hòa nhạc.
Đặc biệt trên
hồ Lucerne có rất nhiều thiên nga bơi lội. Người địa phương nói thiên nga có từ
thế kỷ thứ 17 là do vua Louis XIV đã tặng Thụy sĩ để tỏ lòng biết ơn những vệ
binh Thụy sĩ đã bảo vệ hoàng gia.
Tượng đài Sư tử đá
Một địa điểm
khác của Lucerne không thể không đến thăm là Tượng đài Sư tử khắc vào núi. Tượng
đài này nằm trên một ngọn núi nhỏ bên cạnh một công viên ở phía đông bắc của
Lucerne. Tượng đài nằm trong vách đá nhìn xuống một hồ nước nhỏ, chung quanh có
nhiều cây to cổ và bên bờ hồ có trồng nhiều hoa.
Tượng Sư tử đá ở Lucerne là một tượng đài điêu khắc sâu vào
một tường thành bằng đá một Sư tử đang nằm chết ngay bên một bờ hồ của một ngọn
núi nhỏ. Đây là một tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh muớn Thụy sĩ đã
phục vụ và chết khi bảo vệ vua Louis XIV của Pháp trong thời Cách Mạng Pháp. Năm
1792. Khi nhóm Cách Mạng tấn công vào điện Tuileries ngày 10 tháng 8 năm 1792,
thì nhóm lính Thụy sĩ đã hết lòng hết sức để bảo vệ hoàng gia và bảo đảm hoang
gia trốn thoát được mà không hề biết rằng nhà vua và gia đình đã ra khỏi điện
Tuileries rồi. Khi cạn hết dự trữ vũ khí đạn duợc thì nhóm lính Thụy sĩ bị giết
chết.
Phía bên
trên tượng đá Sư Tử có khắc một hàng chữ lớn: HELVETIORUM FIDEI AC VIRTUTI có nghĩa: “Để tưởng nhớ lòng trung thành và
dũng cảm của những người Thụy Sĩ”.
Phía dưới hốc tượng Sư tử có khắc tên hai mươi sáu sĩ quan Thụy
sĩ đã chết ngày 10 tháng 8 và mùng 2-3 tháng 9 năm 1792, và số lính Thụy sĩ đã chết (DCCLX = 760) và số còn
sống sót (CCCL = 350).
Có thể nói Tượng đài Sư tử được thành
lập là do công sức của một sĩ quan Thụy sĩ tên Carl Pfyffer von Altishofen, thuộc
giòng dõi của một gia đình có tên tuổi của Thụy sĩ. Năm 1792, Pfyffer đang nghỉ
phép trong thời kỳ nhóm lính Thụy Sĩ đang chiến đấu tại điện Tuileries. Hai mươi
ba năm sau đó, sau thời kỳ cách mạng chấm dứt vào năm 1815, và nước Pháp cũng
như Thụy sĩ đã trở về với chánh thể bảo thủ, Pfyffer đã nhất quyết phải làm một
tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh mướn xấu số này. Dự án ban đầu gặp sự
phản đối của nhóm cấp tiến trước đó đã phản đối việc gửi lính đánh mướn đi các
nơi. Mặc dù có sự phản đối này nhưng Pfyffer đã được sự ủng hộ của đa số dân Thụy
sĩ nên dự án đuợc chấp thuận. Bắt đầu từ năm1818, Pfyffer đã cổ động việc đóng
góp tiền để thực hiện đồ án.
Tượng đài kỷ niệm Sư tử được nhà điêu khắc Đan Mạch Bertel Thorvaldsen (1770-1884) thiết kế
vào năm 1819 trong khi ông đang ở Rome, Italy. Và Lucas Ahorn, một người thợ đá- hồ vùng nam nước
Đức đã thực hiện việc khắc đá vào năm 1820-1821. Tượng điêu khắc hoàn tất được
khánh thành ngày 10 tháng 8 năm 1821. Điêu khắc lớn này cao chừng 6 m (hơn 19
ft), dài cỡ 10 m (hơn 32 ft). Khởi đầu khu tượng Sư Tử đá này thuộc bất động sản
tư nhân của tướng Pfyffer, nhưng hơn 60
năm sau đó đã được chính quyền mua lại. Hiện nay nơi này đuợc mở cửa tự do với
giờ giấc loan báo tại cổng, không mất tiền vào chiêm ngưỡng.
Bước qua cánh
cửa quét vôi trắng, chúng ta thấy lòng tự nhiên trùng xuống, trước mặt đây là một bức vách thiên nhiên bằng đá, trên vách khắc
sâu vào lòng đá là tượng một sư tử trong
thế nằm rất quý phái mắt nhắm nghiền, trên lưng có một cây giáo đã gẫy đâm sâu
vào thân, có máu thấm trên lông, một chân như bảo hộ che chở đặt lên trên tấm
khiên có biểu tượng nước Pháp/hoàng gia Pháp với hoa bách hợp (Fleur- de-lis),
phía đầu có một khiên mang hình chữ thập dựng vào vách đá tượng trưng cho quốc
gia Thụy sĩ.. Tuy nằm sắp chết nhưng sư tử vẫn oai phong, đau đớn nhưng vẫn chứa
hào khí, không một chút rúm ró hay thảm hại…
Cảm xúc, bồi
hồi đến một cách tự nhiên trong tâm người viết, hào khí thay, đẹp làm sao: giữa
vách núi sừng sững, hồ nước lăn tăn chút sóng nhỏ, gió nhẹ lay động những cành
cây lòa xòa bên bờ hồ, những chùm hoa hồng, hoa trắng ven bờ: tất cả như tôn
vinh cái chết hào hùng của chúa sơn lâm, không có nơi nào thích hợp hơn! Mủi lòng
đến nhỏ lệ, ồ tại sao cảnh có thể rung động lòng người đến thế!
Ngàn Thu Sư Tử Đá
Sư tử nằm trong ổ
đá cao
Bên hồ tĩnh mịch
gợi nao nao
Ngả thân quý
phái sầu bi đọng
Giáo gẫy xuyên lưng
thống khổ trào
Chân đặt trên khiên
Pháp biểu hiệu
Đầu kề Thụy sĩ giáo
thanh cao
Xa ngoài náo nhiệt
cùng nhầm lẫn
Một cõi oai
phong đẹp biết bao
Đàm
Giang
Trước khi kết thúc bài viết tưởng cũng
nên ghi lại vài điểm quanh tượng đá Sư tử này.
*.Về những bàn luận quanh cái khung
(ổ) của tượng đài Sư tử đá.
Nếu nhìn tổng
quát cái khuôn chung quanh của tượng thì chúng ta thấy giống hình dạng một chú
heo rừng (hog) với mũi nhọn hướng về phía
bên trái khi nhìn vào vách tượng và tai heo rừng vểnh lên thấy rõ. Nhưng sự kiện này có chủ ý không và tại sao? Điều
này thì hoàn toàn không ai biết rõ ngoại trừ những người thực hiện đồ án vào năm
1819-1821.
Ít nhất thì
cũng có hai giả thuyết về cái ổ có hình dạng giống con heo rừng của tượng sư tử
đá này.
Có người cho rằng khi đồ án còn đang tiến triển,
người đương quyền cho đồ án Tượng Sư tử đã không trả điêu khắc gia đúng số tiền mà hợp đồng đã đề
ra, điều đã làm ông Thorvaldsen bất mãn. Với lòng tự trọng và tôn trọng công trình
mỹ thuật cùng cảm tình với những người lính Thụy sĩ nên ông đã không làm xấu tượng
điêu khắc mà cố tình đặt tượng vào lòng một khuôn hình dạng chú heo, một nhạo báng
để đời cho chính quyền đương thời Thụy sĩ?
Có người lại
cho rằng ông Thorvaldsen cố ý đặt tượng Sư tử vào khuôn con heo để tỏ lòng ác cảm
với nền quân chủ Pháp đã dùng lính Thụy sĩ đánh thuê một cách bất cẩn, làm thiệt
mạng hơn sáu trăm người lính Thụy sĩ một cách vô ích.
Ông
Thorvaldsen có phải là nhà điêu khắc hời hợt coi trọng đồng tiền không? Tìm hiểu
sơ về Thorvaldsen trên wiki thì chúng ta biết Điêu khắc gia người Đan Mạch này
là một điêu khắc gia rất nổi tiếng, vào thời điểm 1819 ông vừa hoàn tất tượng
Nilolas Copernicus tại Warsaw, Poland, và năm 1822 ông đang trong dự án hoàn tất
tượng Đức Giáo Hoàng Pius VII, ông là người duy nhất theo đạo Tin Lành và không phải là người gốc Ý nhưng được lãnh rất
nhiều đồ án tại Ý và khắp nơi. Như thế có lẽ nào vì trọng đồng tiền mà ông làm
tổn hại đến danh tiếng của mình?
Hoặc giả
do một sự tình cờ mà khuôn đá khắc do ảnh hưởng của thớ đá lại mang hình dạng một
chú heo rừng chăng?
*-Mark Twain (1835-1910) trong cuốn A Tramp Abroad. 1888 đã viết về Tượng đài
Sư Tử đá, cảm tưởng của ông với nơi này và viết rằng nơi đây là một nơi buồn bã nhất và là một tác phẩm bằng
đá cảm động nhất trên thế giới.
*- Thomas M. Brady (1849-1907) đã
sao chép hình tượng sư tử đá này cho một Đài sư tử, khánh thành năm 1894, ở nghĩa
trang lịch sử Oakland, Atlanta, Georgia,
USA, để vinh danh những người lính Liên minh (Confederate) vô danh đã được chôn
tại nghĩa trang này. Tượng làm bằng đá cẩm thạch Georgia.
Sóng
Việt Đàm Giang
Kỷ
niệm một chuyến thăm viếng Lucerne
Tháng
Tám năm 2012.
Ghi chú. Tài liệucho bài viết thu thập
tại nhiều trang nhà khác nhau trên internet và Wikipedia
1 comment:
ở phương đông cũng có tượng sư tử đá
Post a Comment