Ốc
Sên và Thương Đao Tình
(Snails
and the Love Darts)
Sóng
Việt Đàm Giang biên soạn
The Lake Hotel, Killarney. Ireland
Tàn tích lâu đài
McCarthy Mor
Lâu đài McCarthy Mor còn được gọi là Castlelough trên
hồ Lough Leane (Killarney) do giòng họ nhà McCarthy chiếm hữu từ giòng họ nhà
Roches vào năm 1262. Qua nhiều thế hệ, đến năm 1652 thì lâu đài bị quân lính của
Cromwell đập phá trong trận chiến giữa Anh quốc với Ái Nhĩ Lan, rồi bị bỏ hoang
một thời gian. Lâu đài khởi thủy nằm trên một đảo nhỏ có cây cầu bắc vào đất liền.
Cho đến đầu thế kỷ thứ 19 thì giòng họ Lalor mua lại đất vùng này và sau đó đổ
đất nối liền lâu đài này với dinh thự mới xây cất của họ. Lâu đài dần dần qua
tay nhiều chủ nhân khác nhau và được biến thành khách sạn từ những năm 1850s. Đến
năm 1940, gia đình Huggard tại Waterville mua lại khách sạn này. Gia đình
Huggard làm chủ nhiều khách sạn trên đất Ireland từ năm 1920 và khách sạn The Lake là một địa
điểm rất có tiếng. Hoàng hậu Victoria đã tạm nghỉ ở khách sạn này vào năm 1861.
Lâu đài đổ nát nhỏ bé McCarthy Mor mặc dù nằm trên đất của The Lake Hotel nhưng
lại thuộc chủ quyền của quốc gia Ireland. Mọi người đều có thể đến thăm nếu đậu
xe và đi theo bảng hướng dẫn để thăm viếng nơi này. Lâu đài hoang tàn tự nó không
có gì đáng chú ý, nhưng cảnh chung quanh thì không thể không xuýt xoa chiêm ngưỡng.
Buổi chiều đến nơi chúng
tôi nhận phòng rồi đi vòng vòng ngắm cảnh chụp hình, rồi hẹn nhau sáng ra sẽ đi
thăm mọi nơi kỹ hơn.
Buổi sáng sớm hôm sau trời
rất đẹp, đi bộ ra hồ và tìm góc cạnh đẹp để chụp hình, tình cờ người viết bắt gặp
trên lối đi đôi ba chú ốc sên nhỏ xíu đang chậm chạp bò để lại sau đuôi những vết nhớt láng bóng. Không thấy
chúng thì thôi, mà khi thấy rồi thì thấy nhiều khá nhiều sên đang bò khắp nơi,
trên lối đi, trên tảng đá, trên vách đá, trên những cành hoa, v.v…
Từ
khách sạn The Lake nhìn ra. Ốc sên. Bờ cát ven hồ
Những con ốc
sên nhỏ bé thế mà thật đáng chú ý. Nó cứ ám ảnh và lãng đãng trong óc người viết
mãi. Thôi thì viết một chút về nó vậy.
Ốc
sên vườn
Bài viết ngắn
này thu hẹp nói đến ốc sên vườn, tiến trình sinh sản và chu kỳ của loài ốc sên
vườn mà không chú trọng đến phân loại.
Ốc sên vườn thuộc lớp chân bụng, ngành thân mềm/nhuyễn
thể, có phổi và là loài lưỡng phái trong cơ thể có cả bộ phận sinh dục đực và
cái (ống dẫn tinh và noãn sào sản xuất trứng).
Lớp chân bụng này được ước lượng có khoảng
60,000 đến 80,000 loại khác nhau. Ốc sên vườn là loại đuợc biết nhiều nhất
trong lớp chân bụng. Ốc sên vườn nói đến trong bài viết này là loài ốc xoắn
vòng ngắn “lùn” như helix aspersa, helix lucorum, helix pomatia, helicella
itala, thuộc gia đình Helicidae mà không phải là loài ốc xoắn dài “cao” achatina.
Ốc sên vườn hay ốc sên đất rất nhỏ kích thước cỡ từ
đồng tiền 10cents, 5cents rồi lớn nhất nhỉnh hơn 25 cents của USA. Những hình đính
kèm người viết chỉ nhận diện dựa theo những mô tả đã có về ốc sên.
Hình phác họa nội tạng ốc sên vườn như dưới đây trên
Wikipedia cho thấy:
1:
vỏ; 2: gan; 3: phổi; 4: hậu môn; 5: hô hấp; 6 & 7:tua nhìn; 8: não hạch;
10: miệng; 11: thực quản; 13: lỗ đường sinh dục gần đầu; 14: vùng sinh dục đực;
15: vùng sinh dục cái với ống noãn; 20: dạ dày; 23: tim;
Vỏ ốc sên có màu từ vàng nhạt đến nâu sậm, và
nhìn màu cùng những vân, vạch trên vỏ mà người ta phân loại ra làm nhiều loại
khác nhau, thí dụ vàng nhạt vằn ngang xoay dọc theo vằn vỏ ốc là helix lucorum, mầu nâu nhạt có sọc thẳng
đứng mầu đậm hơn là helix aspersa, và
sọc liền liền mầu nâu đậm là helix
pomatia. Riêng loại helicella itala
vỏ màu trắng có vằn đen.
Helix aspersa Helix
lucorum Helix
pomatia (hình internet)
Helix pomatia Helicella
itala Achatina fulica/ốc sên hoa.
Ốc
sên có hai cặp râu/tua nhìn như những cái sừng nhỏ, một cặp mắt (thị giác) nằm ở
trên đỉnh tua dài. Cặp râu ngắn để ngửi và tiếp xúc (khứu giác và xúc giác). Miệng
ốc sên có thể giãn rộng theo hình ống, trong phần miệng có nhiều răng nhọn dùng
để cạp và cạo lá cây hay thức ăn.
Khi hai ốc
sên gặp nhau, dọ dẫm, và ưng ý thì chúng bò bò chung quanh nhau để tìm một vị
trí thích hợp nhất để rồi bắn đao thương tình và rồi sẽ dính chặt với nhau một
cách lạ kỳ. Nhìn hình hai con sên quấn quýt nhau và không rời nhau sau cả sáu bẩy
tiếng đồng hồ, người ta đã tự hỏi về đời sống sinh lý của loài ốc sên này. Nhờ những
khoa học gia trong ngành nghiên cứu và nhất là ông Ronald Chase một nhà khoa học
thuộc đại học McGill tại Montreal mà chúng ta đã biết thêm được nhiều bí ẩn của
loài ốc sên. Những con ốc sên này có lưỡng phái nhưng một ốc sên không thể tự
thụ tinh để đẻ trứng được mà phải trải qua một cuộc giao phối di thể với một
con sên khác để hoàn tất quá trình thụ tinh.
Và
sự trao đổi này đã có liên hệ đến mũi thương đao tình giữa hai sinh vật. Mũi đao
này được mệnh danh là mũi đao tình đau thương ví von tựa như mũi tên tình yêu do thần Cupid
phóng ra. Khi đao tình đã phóng dù trúng hay không trúng đối tượng, hai sên vẫn
liên hệ với nhau qua đường sinh dục và trao đổi tinh trùng trong một thời gian
có thể dài đến hơn sáu giờ. Khoa học gia giải thích chất nhớt thải ra từ đao tình
giúp cho ống dẫn trứng của sên phóng đao ra co bóp mạnh hơn kết quả làm tăng đáng
kể số tinh trùng xâm nhập và gây thụ thai nhiều trứng hơn.
Sau khi dò dẫm, tìm hiểu, hai sên sẽ bắn
đao tình và tiến triển việc trao đổi tinh trùng. Hình đính kèm cho thấy đao
thương vẫn còn nguyên, chưa gẫy nên có thể đao thương chỉ giúp cho con sên bắn
ra có chất kích thích tố cần thiết để giúp giữ lại nhiều tinh trùng mới thu nhận
hơn. Nơi đao thương đã gẫy sẽ dần dần được mọc lại và tiến trình sinh lý lại tiếp
diễn. Đao thương ốc sên vườn có dạng một cái dáo bốn cạnh, rỗng có mũi nhọn và
làm bằng calcium carbonate. PubMed/Medline. Tissue Cell:1979;11(1):51-61.The structure and
compositon of the love dart (gypsobelum) in Helix pomatia. Cũng có loài ốc sên có
đao thương làm bằng chất chitin hay một chất khác.
Lúc bình thường khi cầm sên lên hay đụng
vào thân mềm của sên thì sên sẽ tự co rút thân vào trong vỏ ốc. Nhưng khi hai
con ốc sên đang dính vào nhau thì dù có bị nhắc lên hay đụng vào chúng vẫn
không rời nhau. Khác với hầu hết những sinh vật khác, vị trí của cửa bộ phận
sinh dục nằm bên phải gần tua ở đầu sên nên khi xáp dính nhau chúng hoặc phải ngoẹo
đầu hay giữ vị trí dính bên phải với nhau. Sau một thời gian dài từ vài tiếng đến
hơn sáu tiếng xáp dính chặt, ốc sên rời nhau ra rất mệt mỏi và sẽ rút vào vỏ
nghỉ ngơi cả ngày.
Cỡ 4 tuần sau, cả hai sên đều đẻ trứng,
trứng màu trắng nhỏ cỡ 4 mm, một lứa có chừng 60-80-100 trứng. Một năm sên có
thể sản xuất từ 4 đến 6 lần. Trứng nở sau 3-4 tuần có thể tự kiếm ăn ngay và trưởng thành cỡ sau
một năm.
Sên được biết như hiện diện khắp nơi trên
địa cầu, lúc khí hậu thuận tiện thì sên bò ra ăn trái cây, hoa lá; lúc khí hậu
khô hay lạnh sên rút vào trong vỏ và gắn chặt vỏ với một lớp màng nhày đóng khô
gọi là epiphram, lớp này giúp sên giữ được ẩm ướt trong cơ thể. Thời kỳ yên tĩnh
này là thời kỳ ngủ mùa hè (aestivation) và ngủ mùa động (hibernation). Trong giấc
ngủ mùa đông, ốc sên ngừa được hàn đông đá do thay đổi độ thẩm áp trong máu đến
mức có thể chịu được hàn độ thấp đến -5 độ C. Trong thời kỳ ngủ mùa hè, lớp
nhuyến mạc ở mai ốc có khả năng thay đổi độ ẩm ướt và qua cơ chế điều hòa thẩm
thấu giúp cho ốc có thể sống trong nhiều tháng.
Ốc
sên cũng có khả năng nhịn đói rất lâu. Tài liệu cho biết chúng có thể còn sống
đến 4 năm liền không ăn. Đời sống của ốc sên nói chung có thể kéo dài cỡ từ 3 đến
10 năm.
Sự hiện diện của
ốc sên trong Đông y, Thực phẩm, Mỹ phẩm và Văn hóa Nghệ thuật.
Về
mặt y học, theo tài liệu, ốc sên đã được xử dụng làm thuốc trong Đông y với
tính vị mặn, hàn, bổ dưỡng, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng và chống
co thắt. Theo sách Nam dược thần hiệu, để chữa mụn lở ở da mặt, có thể dùng ốc
sên giã nát, chế thêm chút nước, phết lên giấy, chừa một lỗ nhỏ ở giữa, đắp lên
chỗ bị tổn thương. Theo Trung dược đại từ điển, ốc sên có công dụng thanh nhiệt,
tiêu thũng, giải độc, chữa các chứng bệnh như phong nhiệt, co giật do sốt cao,
tiêu khát do tiểu đường, viêm họng, quai bị, ung thũng nhọt độc, trĩ viêm loét,
sa trực tràng, vết thương do côn trùng cắn đốt...
Về
mặt thực phẩm, ở Pháp, từ lâu đời, người ta đã nuôi ốc sên thành trại quy mô để
chế biến thịt ốc sên thành một món ăn khoái vị. Ốc sên cho món Escargot này là
loài ốc sên “lùn” helix pomatia, khác
với loài ốc sên hoa “cao” (achatina
fulica) là loài ốc thịt lớn và vỏ ốc dài, nhiều vòng xoắn hơn. Ngoài món ốc
sên escargot, hiện nay còn có cả trứng ốc sên (caviar d’escargot). Món trứng ốc
sên này do nhà nuôi sên người Pháp Dominique Pierru tung ra thị trường vào năm
2004 với sản phẩm mang nhãn hiệu cầu chứng tên De Jaeger.
Món
ốc sên (Paris) Trứng ốc sên
(D.Pierru) Thẩm mỹ liệu pháp ốc sên
Về
mặt mỹ phẩm, nhớt của ốc sên được cho là có khả
năng chống lão hóa đối với da người, và một số mỹ phẩm cho da được bán trên thị
trường hiện nay có chứa chiết xuất từ chất nhầy của ốc sên. Gần đây tại các trung
tâm làm đẹp của nhiều nước trên thế giới như Nga, Tây Ban Nha, Nhật bản, v.v..
người ta dùng ốc sên sống đặt trên da mặt người để chất nhầy mang hiệu nghiệm
trực tiếp đến cho làn da. Họ gọi đó là liệu pháp ốc sên. Mong rằng những chú ốc
sên này đã được nuôi dưỡng trong môi trường sạch để có chất nhầy tốt không mang
bệnh tật đến cho người muốn làm đẹp.
Trong văn chương nghệ thuật đã có bài
thơ “Bài hát ốc sên đi đưa đám tang” (Chanson des Escargots qui
vont à l’enterrement)
của Jacques Prevert, và có bức vẽ “Con Cò và con Ốc sên” (Le héron et
l’escargot) của Edouard Rischgitz miêu tả chuyện thơ ngụ ngôn Con Cò của Lafontaine nằm tại Bảo Tàng
Anh quốc. Cả hai bài thơ đều có ý nghĩa rất hay.
Tóm
lại, ốc sên, một sinh vật tầm thường ở vườn sau mà đã có cả một lịch sử tiến hóa
từ thời tối cổ cho đến hiện tại và vẫn còn đang được khai thác. Nếu chú ý đến
thiên nhiên thì trái đất có thiên hình vạn trạng sinh vật để ngạc nhiên và tìm
hiểu.
Sóng
Việt Đàm Giang
Mùa
Xuân năm 2014
No comments:
Post a Comment