Saturday, September 14, 2013

Nha Hat Cai Luong Hanoi-SVDG



Hà Nội: Nhà Hát Cải Lương
Sóng Việt Đàm Giang tóm lược

Hình SVĐG

Thăm Hà-Nội lần thứ hai sau ngày đất nuớc chia đôi (1954) và gia đình di  chuyển vào Saigon, miền Nam Viêt Nam, người viết có nhiều thì giờ hơn thăm viếng và chụp hình những di tích  lịch sử của Hà -Nội và 36 phố cổ Hà-Nội. Người hướng dẫn đưa chúng tôi đi vòng vòng thăm phố cổ và tình cờ đưa chúng tôi tạt ngang hàng Đào, hàng Ngang, hàng Bạc v.v…và qua Nhà Hát Cải Lương Hà-Nội.

      Nhà hát Cải Lương Hà-Nội là một nhà hát rất nhỏ chỉ có 250 ghế ngồi, và rất cũ. Nó cũng không phải là một di tích lịch sử quan trọng mà chỉ đơn thuần là một nhân chứng văn hóa đã trải qua nhiều thời đại từ thời Pháp thuộc đến giờ. Và vì nó vẫn là nơi có những buổi trình diễn cải lương từ sau đệ nhất thế chiến nên nó vẫn còn được mọi người biết đến  như  rạp Chuông Vàng hiện nay.
      Theo tài liệu thu thập rải rác trên các trang nhà khác nhau của internet thì vào thời Pháp thuộc  (cỡ năm 1883) thì hát chèo, rồi hát tuồng, rồi hát đình, ảnh hưởng ban đầu của văn hóa cung đình thường được trình diễn ở cửa đền, cửa đình, dần dần được chính phủ bảo hộ biến hóa thành văn nghệ rạp hát theo kiểu Tây phương,có sàn diễn, có ghế ngồi. Rạp hát đầu tiên là rạp Hàng Cót xây năm 1887, chuyên dành cho các gánh hát từ Tàu sang biểu diễn, và đôi khi có nhóm nhạc từ Pháp sang.
Ngoài nhiều rạp nhỏ không kể ở đây, rạp Quảng Lạc nằm tại số 8 đuờng Tạ Hiện xây năm 1900 chuyên cho diễn tuồng, nhưng đến năm 1935 đuợc chuyển thành rạp diễn cải lương cho các ban từ trong Nam ra. Riêng rạp Chuông vàng hiện tại thì khoảng năm 1920, sau đệ nhất thế chiến (1914-1918) chính phủ Pháp muốn khuyến khích dân chúng tham dự nhiều hơn về văn hóa để lãng quên việc nước và quốc sự nên cho xây thêm nhà hát Thăng Long tại số 72 Hàng Bạc (một bức vách của nhà hát nằm trên góc phố Tạ Hiện). Lúc đầu rạp Thăng Long trình diễn tuồng và chèo, cho đến năm 1925 thì chuyển sang cải lương, đổi tên rạp thành Cải Lương Hý Viện,, rồi  thành rạp Tố Như  (1941-1949) rồi rạp Văn Lang (1951-1954) do bà Kim Chung và ông Trần Viết Long làm chủ, rồi rạp Chuông Vàng  từ 1954 cho đến  hiện nay.


Sân khấu và ghế ngồi (hình từ trang Nhà Hát Cải Lương Hà Nội)

Trong hình đính kèm phía trên, chúng ta thấy có vài người ngoại quốc hiên diện. Hiện nay chung quanh khu vực Tạ Hiện- Hàng Bạc có rất nhiều dịch vụ liên quan đến du lịch cùng quán ăn lề đường san sát. Khu Tạ Hiện đuợc mệnh danh là khu cho Tây ba lô (khách du lịch mang balô) và thức ăn khu này rất bình dân.
Người viết đã từng được nghe bố mẹ nhắc đến đoàn Kim Chung Tiếng Chuông Vàng Thủ đô từ ngày còn sống ở Hà-nội rồi di cư vào Nam. Đoàn Kim Chung của ông bầu Long cũng di vào miền Nam vào năm 1954.



Cải lương đất Bắc từ đâu mà ra?
Cải lương là bộ môn văn nghệ xuất phát từ trong Nam và được xem như là thành hình sớm nhất từ năm 1915-1917. Cải lương Nam bộ trên đất Bắc được cho rằng là nhờ ông Sáu Súng (Nguyễn Văn Súng) đã làm quen thuộc với khán giả đất Bắc vào khoảng năm 1919. Ông Sáu Súng quê trong Nam, đi lính sang Pháp, bị thương trở về nước mưu sinh bằng nghề chớp bóng lưu động từ Nam qua Trung rồi ông chuyển qua gánh xiệc . Gặp lúc cải lương Nam bộ bắt đầu được ưa chuộng, ông Sáu cho mang cải lương vào gánh xiệc. Được  khán giả  tán thưởng ông Sáu Súng dần dần lưu động gánh xiệc cải luơng của ông từ tỉnh nhỏ lên tận Hà Nội và  từ đó cải lương Nam bộ bắt đầu xâm nhập vào đời sống người dân Hà thành. Sau gánh của ông Sáu Súng, nhiều gánh hát khác trong Nam cũng ra Bắc trình diễn. Trong thời kỳ này (1923-1927), những gánh hát tài tử đất Thăng Long cũng bắt đầu chơi cải lương vào nhưng vẫn còn ảnh hưởng của hát chèo. Và bắt đầu từ những năm 1930 về sau thì cải lương Nam bộ đã thuờng xuyên hiện diện ở Hà thành.

Nói tóm tắt thì cải lương Nam bộ trên đất Bắc thành hình từ sự thoát thân của hát tuồng, hát chèo từ ngàn xưa đất Bắc, hát bội ở Trung và Nam phần, hòa hợp với cải lương từ miền Nam vào khoảng năm 1917. Và vì được  chính phủ bảo hộ (Pháp) khuyến khích phát triển cùng sự tiếp tay của một số người ưa chuộng âm nhạc cổ truyền và cải lương miền Nam vào thời điểm đó mà Cải lương Hà nội còn hiện diện cho đến ngày nay.

Sóng Việt Đàm Giang

Tài liệu tham khảo:
Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam. Trần Văn Khải. NXB Xuân Thu
Hồi Ký 50 Năm Mê Hát. Vương Hồng Sển. NXB Phạm Quang Khai.



 

No comments: