Sunday, June 28, 2015

Thơ tiễn GS Trần Văn Khê. Sóng Việt Đàm Giang

SVĐG họa bài Khai bút Tự Thuật của GS Trần Văn Khê.
**





Tiễn Giáo Sư Trần văn Khê

Đầu năm “Tự thuật” tưởng mười mươi
Đột ngột Hè sang viếng cõi Trời
Dứt bỏ một đời đầy hứng động
Giã từ  năm tháng ngập vui tươi
Bôn ba năng động ngay hồi trẻ
Mài miệt hăng say bất kể thời
Sách Việt từ nay văn nghệ thuật
Lưu danh khắc đậm sử thanh thơi.

Sóng Việt Đàm Giang
Hè  Ất Mùi
28 tháng 6, 2015

**


Khai Bút: TỰ THUẬT của GS Trần Văn Khê
Còn năm năm nữa đúng mười mươi
Sống khoẻ nhờ ơn Đức Phật Trời
Nguồn cạn, sông ngòi luôn sống động
Cây già, cành lá vẫn xanh tươi
Ngón đàn có kém hồi trai trẻ
Trí nhớ không thua lúc thiếu thời
Tiếp tục lưu truyền văn hoá Việt
Không quên tận hưởng phút nhàn thơi

Trường ca trang Bình Thạnh
Ất Mùi Nguyên đán
Giờ Thìn 8g15 19/02/2015

Tuesday, June 16, 2015

Nghệ sĩ Vị Niệm Danh-Võ. Sóng Việt Đàm Giang



Giới thiệu thành quả của một nghệ sĩ thế hệ trẻ Việt-Nam:
Nghệ sĩ Danh Võ và Nghệ Thuật Ý Niệm
                                                Sóng Việt Đàm Giang biên soạn


Trong bài viết này, người viết muốn giới thiệu đến độc giả một người nghệ sĩ tài danh trong ngành mỹ thuật thuộc trường phái Mỹ thuật Ý niệm/ Mỹ thuật Vị niệm (Conceptual Art) hiện đang được cả thế giới chú ý và trọng vọng, người đó là mỹ thuật gia/nghệ sĩ  Danh Võ (Danh Vo). 



Danh Võ là ai?
Danh Võ, trọn tên là Võ Trung Kỳ Danh,  sanh năm 1975 ở  Bà Rịa, nam Việt Nam. Năm 1979, khi Danh Võ mới 4 tuổi, cha anh tạo một cái thuyền nhỏ, rồi cả gia đình lên thuyền trốn ra biển, với hy vọng qua Thái Lan để xin sang tị nạn bên Mỹ. Số phận đưa đẩy, qua nhiều gian nan, gia đình anh được nhận tị nạn bên xứ Đan Mạch, và sinh sống ở bên đó đến bây giờ. Danh Võ  đã học về hội họa trong thời gian lớn lên ở Đan Mạch. Năm 2009, Danh Võ đã được học bổng sang Pháp, để tiếp tục học hành, khảo cứu và sáng tác. Sau đó Danh Võ đã di chuyển và sinh sống ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Danh Võ có nhiều sáng tác. Những tác phẩm của Danh Võ chịu rất nhiều ảnh hưởng của những năm đầu đời, mang nặng lịch sử của nước mình, và của vai trò của nước Pháp trong quá khứ và trong những năm gần hơn về chiến tranh và hòa bình tại Việt Nam. Các chủ đề của anh  là những thông điệp sâu xa lớn lao. Anh được mời tham dự vào nhiều phòng triển lãm lớn của nhiều nước.
Trong quá khứ, một số phòng triển lãm rất nổi tiếng đã mời Danh Võ như: Art Insitute ở Chicago (2012-13), Kunsthaus Bregen, Áo Quốc (2012), Staten Museum for Kunst, National Gallery of Denmark, Copenhagen, Danemark (2010, 2012), Kusthalle, Basel, Thụy Sỹ (2009) The Museum of Modern Art, New York (2009), Stedlijk Museum, Amsterdam, Hòa Lan (2008), Bergen Kunsthall, Na Uy (2006). Và trong những năm gần đây hơn, như mùa xuân 2013 có triển lãm tại Guggenheim Museum ở New York City, và mùa thu 2013 có triển lãm tại Venice Ý. Trong năm 2015 này, Danh Võ có triển lãm ở London và USA. Tháng ba năm 2015, Danh Vo được phần thưởng Arken 2015 trị giá 100,000 Danish Kroner (DKK/cỡ 15,000 USD) của Đan Mạch.
 Các tác phẩm của Danh Võ có sự hòa hợp giữa những kinh nghiệm cá nhân đã trải qua và các sự kiện lịch sử quan trọng. Sử dụng những dữ kiện lịch sử tiến triển theo thời gian để đối kiến với hiện tại , Danh Võ muốn minh chứng cái quá trình liên tục của sự kiện đối với môi trường xung quanh. Danh Võ dùng tài liệu riêng tư, tìm những vật, hình ảnh, điêu khắc có liên quan đến quá khứ và cùng thừa tự  văn hóa chung để hoàn thành một tác phẩm. Danh Võ đã dùng những mảnh của tác phẩm làm điều kiện căn bản cho suy tư hiện tại. Điểm chính là làm sao những nhận diện này được thực hiện thành công.

Một số tác phẩm của Danh Võ.
        Trong  cuộc triển lãm  mang tênUterus/Renaissance Society/Chicago/2012), Danh Võ đã cho triển lãm Bộ sưu tập những lá thư Henry Kissinger gửi cho Leonard Lyons (2008), người xem đi qua một hành lang, hai bên tường bày 12 phong bì, 14 lá thư đánh máy có ký tên (nguyên bản) của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger phản ảnh sự ưa chuộng nghệ thuật trình diễn và bí mật bỏ bom Cambodia- một tỷ dụ về sự ưa chuộng văn hoá cùng hủy diệt vật chất của con người.  Đây là những lá thư ông Kissinger viết để cảm ơn nhà báo Leonard Lyons vì những lần nhà báo này cho ông vé xem hát. Có một lá thư viết rằng ông xin lỗi vì không đi xem được một buổi ballet, nhưng ông xin Leonard hiểu cho rằng nếu được phép thì ông thích đi xem ballet hơn là phải chú tâm đến Cambodia. (Courtesy of Collection Heinz Peter Hager, Bolzano, Italy )

 
 Những lá thư của Henri Kissinger                            
  
      Trong cuộc triển lãm Go Mo Ni Ma Da tại Paris Pháp năm 2013, Danh Võ trưng bày nhiều tác phẩm chính.
-Tác phẩm Ba cây đèn chùm trong đại sảnh của khách sạn Majestic. Đó là  những cây đèn bằng thủy tinh trong phòng họp (mà tác giả mua lại) của Hotel Majestic ở Paris, nơi diễn ra hòa đàm Paris giữa Mỹ, Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973. Danh Võ nói với báo New York Times về ý niệm của tác phẩm này “Tất nhiên lịch sử hóa ra lại khác”. Và trong một cuộc triển lãm tại nơi khác, Danh Võ đã cho tháo gỡ cây đèn chùm ra từng mảnh để trưng bày.


                                                                Đèn chùm                                                                                       


                                                                  Thơ Jeam Vénard

-Một tác phẩm vị niệm đặc biệt khác là một lá thư vĩnh biệt (viết bằng chữ Latin) người của một nhà truyền giáo người Pháp (Jean Théophane Vénard/1829-1861) ở Việt Nam hôm trước ngày ông bị xử tử (năm 1861) mà sau này được phong thánh . Danh Võ đã để bố là kiến trúc sư Võ Phụng, một người viết chữ đẹp, chép nguyên văn bức thư chữ Latin ấy với đúng nét bút của vị tử đạo, nhưng để trống chỗ đề tên người nhận. Sau đó anh thông báo rộng rãi, ai muốn có bức thư đề tên mình thì đăng ký để mua. Anh đã bán được trên 200 bức thư sao chép như thế, và lưu tất cả những cuộc trao đổi thành bộ lưu trữ của mình! Tác phẩm này (2009) nói lên lịch sử của một nhà truyền giáo người ngoại quốc tử vì đạo ở Việt Nam dưới thời vua Tự Đức sau được phong thánh.
Một số nhà phân tích nghệ thuật cho rằng cuộc sống hiện tại như là một thế giới đang trong nhiều tiến trình khác nhau mà tốc độ quá nhanh đến nỗi khi người họa sĩ ghi lại được thành một bức tranh thì bên ngoài đã hoàn toàn đổi khác. Đó là phần nào lý do tại sao hiện nay một số nghệ thuật được thể hiện bằng hai hình thức chính là biểu diễn và sắp đặt, và chính người nghệ sĩ là một phần của tác phẩm. Và như thế có nghĩa là quá khứ kuôn luôn là điểm khởi đầu của tác phẩm.
Trang nghệ thuật của tờ New York Times mô tả Danh Võ như là một nghệ sĩ biết sử dụng tất cả những gì hiện có để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, lấy chính khả năng chơi bài của mình để bày ra một sân chơi bằng chính những chất liệu là lịch sử và kinh nghiệm bản thân đã trải qua để khán giả cùng tham gia cuộc chơi và thưởng thức. Như đã viết, cách sắp đặt tác phẩm của Danh Võ có thiên hướng sử dụng tư liệu lịch sử, chất liệu từ quá khứ luôn là điểm khởi đầu để xây dựng triển lãm, và cuộc đời của chính Danh Võ cũng là một phần trong đó.  Một thí dụ khác  như trong dự án có tên là Vo Rosasco Rasmussen (2003), anh đã tổ chức cưới và ly hôn với bạn mình để thay đổi tên họ của mình và lưu lại rồi trưng bày toàn bộ những giấy tờ đó – từ giấy kết hôn và giấy ly hôn cho đến hộ chiếu và thẻ ngân hàng với tên tuổi khác nhau.
Những tác phẩm kể trên của Danh Võ đã là những minh chứng cho thấy khuynh hướng tạo những tác phẩm dựa vào diễn biến lịch sử.  Tác phẩm nghệ thuật vị niệm đuợc nói đến sau đây là một tác phẩm được nói đến nhiều nhất, đó là We The People.

 We The People (Chúng ta Người dân)

Để truyền đạt chủ đề “Chúng Ta Người Dân”,  Danh Võ đã tạo một bức tượng Thần Tự Do, sao y nguyên lại tượng Thần Tự Do của Auguste Bartholdi với kích thước 1/1 theo bức tượng Thần Tự Do được đặt ở lối vào hải cảng New York. Bức tượng khổng lồ đó bên trong có khung kiên cố do kiến trúc sư Pháp Gustave Eiffel dựng lên. Bên ngoài, phần vỏ là tác phẩm của nhà điêu khắc Pháp Bartholdi. Vỏ làm bằng đồng với một kỹ thuật chuyên môn. Bức tượng này được nước Pháp tặng cho nước Mỹ năm 1886, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Mỹ được độc lập. Danh Võ đã tốn hơn ba năm để hoàn thành dự án mỹ thuật lớn lao này.
            Lấy hình mẫu là tượng thần tự do ở Mỹ, Danh Võ đã sao chép thành 250 mảnh ghép cũng làm bằng đồng, thực hiện theo cách làm ngày xưa của Bartholdi, rồi phân chia thành nhiều phần triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới: Paris, Copenhagen, Kassel, Barcelona, Thượng Hải, Chicago, Bregenz, Bangkok, New York, Luân Đôn và nhiều bảo tàng khác nữa.
Danh Võ cho biết là muốn người xem chú ý vào cách mà công ty Eiffel đã thực hiện bức tượng này. Khối kiến trúc đồ sộ được dựng lên không phải bằng kết cấu khung sườn sắt thép như công trình tháp Eiffel ở Paris, mà là công trình lắp ghép từ chính các mảnh đồng đã được gò hàn để tạo nên bề mặt tượng. Danh Võ cũng cho chúng ta thấy độ dày của các tấm đồng đó chỉ có hai ly rưỡi (2.5 mm), vậy mà với kết cấu uốn cong đã chịu được sức nặng và độ bền cho nguyên một công trình lớn như hiện nay ta thấy ở New York. Các mảnh lắp ghép của tượng thần tự do của Danh Võ nằm rải rác trong khuôn viên các đại học, công viên, phòng triển lãm đã tạo nguồn hứng khởi cho sinh viên và khán giả khắp nơi xem để hiểu thêm về lịch sử thế giới mà chính xác hơn là về chính chúng ta, những con người đang sống trên thế giới, như tên gọi của cuộc triển lãm toàn cầu của Danh Võ: We the People.
Mang lên ở đây kết thúc cho bài viết này là vài tấm hình cuộc triển lãm “We The People” mà người viết có dịp được chiêm ngưỡng với 50 mảnh của tượng thần Tự Do làm theo bức tượng Thần Tự Do đặt ở đảo Liberty trong bến cảng New-York. Cuộc trưng bày nằm tại hai công viên một thuộc Manhattan (City Hall Park), một thuộc Brooklyn (Brooklyn Bridge Park) từ ngày  7 tháng 5 2014 đến mùng 5 tháng 12, 2014. Và hai khoảng không gian ngoài trời này được nối liền với nhau qua cây cầu Brooklyn, khán giả đã có thể chiêm ngưỡng những mảnh tượng thần Tự Do từ bên này cầu Brooklyn từ Manhattan đi qua sang bên kia cầu thuộc Brooklyn, và đồng thời có thể chiêm ngưỡng tượng thần Tự Do ở phía xa. Những mảnh đuợc trưng bày ở thành phố New-York được ghi rõ trên tấm bảng giới thiệu gồm một phần thân áo tay cầm đuốc, và phần dưới thân áo.




                            We The People tại City Hall Park (Lower Manhattan). Photo Đàm Giang

   

                                                        Danh Võ. Photo internet                                                    
                                                                                                                                                    


              We The People tại Công viên cầu Brooklyn (November 2015. Photo Đàm Giang)

Kết luận

Có thể nói Danh Võ là một nghệ sĩ đặc trưng của thời đại văn hóa toàn cầu, các tác phẩm của anh  được thể hiện bằng ngôn ngữ toàn cầu, không lệ thuộc vào gốc gác, quốc tịch, hay nơi sống và kể cả nơi triển lãm. Những tác phẩm của Danh Võ nối kết với những nhà bảo tàng nghệ thuật,  trình bày cho khán giả những góc nhìn mới lạ, cần nhiều suy nghĩ, cần thấu hiểu nguồn gốc, bản sắc cùng lịch sử của chất liệu tạo nên tác phẩm. Những cuộc triển lãm của anh khiến người xem khi ra về vẫn phải tiếp tục suy nghĩ và nối kết với nhiều dữ liệu khác để suy tư về bản sắc của loài người. Có thể nói Danh Võ đã thành công trong việc hướng khán giả vào lịch sử để chiêm nghiệm một phần trên con đường lịch sử của Việt Nam nói riêng và vào tương lai của thế giới nói chung.

Danh Võ, một công dân Đan Mạch gốc Việt, đã được cả thế giới nghệ thuật thẩm mỹ biết đến qua những sáng tác đặc biệt có một không hai của anh. Danh Võ xứng đáng được mang danh là một trong những nghệ sĩ sáng tạo nhất trong nghệ thuật vị niệm của thế hệ hiện đại.

Sóng Việt Đàm Giang
Houston
Tháng 6, 2015