Friday, December 31, 2010

Thần Mercury, Thần Hermes

Thần Mercury, Thần Hermes


Thần Mercury.
Viện Bảo Tàng Louvre. Paris. Pháp

Lời mở đầu.

Thần Mercury (La-mã) hay thần Hermes (Hy-lạp) đã đuợc biết đến qua nhiều hình ảnh; một tượng điêu khắc nổi tiếng phải kể đến là tượng một vị thần trẻ cầm thiên sứ trượng, một cây gậy có hai cánh và có hai con rắn cuốn chung quanh, một dấu hiệu đã được thấy rất thường trong ngành Y Dược, Khoa học và cả ngành Thương mại..
Thần Mercury cũng mang mũ và dép hay đôi giầy có cánh, những biểu tượng này cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng và được chú ý rất nhiều trong ngành Thương mai.
Vậy thần Merury hay Hermes là ai?
Bài viết dùng cả hai tên Mercury và Hermes: ở đây tên thần Mercury được dùng vì sự thông dụng hơn, nhưng ý nghĩa và huyền thoại hầu hết liên quan đến Hermes trong thần thoại Hy-lạp.

Thần Mercury

Mercury là một sứ giả và thần buôn bán, con của Maia Maiesta và Jupiter trong thần thoại La-mã.
Tên Mercury liên hệ đến từ Latin merx (merchandise, merchant, commerce, v.v..) và merces (lương bổng). Những đặc tính tiêu biểu và thần thoại của Mercury đều phản ảnh từ vị thần mang tên Hermes của thần thoại Hy-lạp.
Mercury có nhiều nghĩa khác nhau, Mercury là một hành tinh nhỏ nhất trong hệ thống trái đất và mặt trời và cũng là hành tinh gần mặt trời nhất. Mercury cũng là tên một chất lỏng là chất mercury (thủy ngân). Và từ thay đổi nhanh chóng (mercurial) thường được dùng để chỉ vật thể hay nhân vật nào thay đổi rất nhanh hay bất ổn, cũng là do thoát nghĩa từ sự bay nhanh chóng của thần Mercury từ chỗ này đến chỗ khác.

Theo thần thoại Hy-lạp: Hermes là thần biên giới và di chuyển, thần cừu và bò, thần trộm cắp, thần khách du lich xa, thần diễn thuyết và nhanh trí, thần văn chương và thi phú, thần thể thao, thần cân lường, thần phát minh, thần thương mại, và cả thần nói láo. Những biểu tượng liên hệ đến thần Hermes (Mercury) gồm mai rùa (tượng trưng kiên nhẫn, thời gian, lòng khôn ngoan?), con gà trống (biểu tượng mặt trời, thông minh nguyên thủy), đôi dép có cánh (có linh hồn, rõ ràng minh bạch) và biểu hiệu thiên sứ trượng với cây gậy có hình hai con rắn cuộn tréo nhau. (1)

Theo thần thoại Hy-lạp, Hermes, con của thần Zeus và Maia, con gái của Atlas, ra đời trong một hang động ở núi Cyllene, Arcadia. Nằm trong nôi chăn cuốn ấm cúng của bà mẹ Maia, chỉ trong vòng vài giờ sau khi ra đời, Hermes đã lẻn trốn ra khỏi nôi, biến hoá cao lớn nhanh chóng, đi tới Pieiria và trộm vài con bò của Apollo, người anh khác mẹ cùa Hermes.
Để tránh dấu vết chân để lại, Hermes đã ngụy trang đi dép và dùng lá cây che dấu vết chân bò, lùa bò đến Pylos rồi Hermes giết hai con bò và dấu kín số bò còn lại trong một hang gần đó. Hermes nấu ăn thịt một phần, mang da bò cắm vào đá và đốt cháy phần còn lại; cùng lúc đó Hermes hiến vật hy sinh cúng tế cho 12 vị thần và có lẽ vì thế mà Hermes đuợc xem như phát minh ra thờ phượng thần thánh và hy sinh vật để cúng tế lễ.
Sau đó trên đường trở về Cyllene, Hermes thấy một con rùa ngay lối vào cửa hang có nôi của mình, chàng lấy mai con rùa, sỏ chỉ dây qua mai rùa và tạo nên cây đàn lia, sồ giây đàn, có sách nói 3 có sách nói 7, được làm bằng ruột của bò hay trừu. Cũng có tài liệu nói Hermes sanh ra vào ban mai, đến trưa thì ra khỏi nôi bắt rùa sỏ dây làm đàn lia và đến chiều tối thì đi ăn trộm bò.
Thần Apollo với thần lực đoán trước, ngay lúc đó đã khám phá ra kẻ trộm bò và đến ngay Cyllene để tố cáo việc làm của Hermes với mẹ của Hermes là Maia. Maia không tin và cho rằng Hermes chỉ là một đứa bé mới sinh còn nằm trong nôi thì làm sao có thể làm chuyện động trời như thế. Không thuyết phục được Maia, Apollo mang đứa bé đến khiếu nại với Zeus đòi hỏi Hermes phải trả lại đàn bò. Hermes lại cãi nhưng không ai tin cả, sau cùng phải Hermes nghe lời Zeus mà dẫn Apollo đến Pylos để nhận lại đàn bò. Trong lúc đó, Apollo nghe đuợc tiếng đàn lia của Hermes thì thích quá nên đề nghi tặng Hermes luôn đàn bò để đánh đổi lấy đàn lia. . Hai anh em trở nên hoà thuận. Theo một ấn bản thì Hermes sau đó phát minh ra đàn ống sáo (syrinx) và Apollo lại cho Hermes cây gậy vàng chăn cừu để đổi lấy đàn syrinx, cùng chỉ dẫn Hermes che chở bầy gia súc, chim muông, và đồng cỏ nuôi súc vật, Apollo cũng dạy Hermes nghệ thuật nhìn trước tương lai bằng cách reo súc sắc. Thần vương Zeus sau đó lại ban cho Hermes chức làm người truyền tin cho Zeus, cùng liên lạc với thần ở thế giới bên dưới (âm phủ).

Những cá tính của Hermes

Hermes là truyền lệnh sứ của thần vương Zeus, chàng là thần khéo léo hùng biện trong ngôn ngữ, ngay từ khi vừa sinh ra đã biết biện luận sau khi Apollo khám phá ra là Hermes đã ăn trộm bò, đã biết dùng tài năng của mình để tạo giây liên hệ với mười hai vị thần trong vấn đề cúng tế lễ.
Hermes có tài trong âm nhạc, là thần đã chế ra hai loại đàn lyre, và syrinx (theo một vài tài liệu), có tài trong ngôn ngữ, thiên văn, thể thao, trồng cây olive, đo lường và nhiều tài khác nữa.
Như một truyền lệnh sứ và một sứ giả của các thần, Hermes di chuyển rất thường, và vì thế đuợc coi như là thần của đường lộ, có nhiệm vụ bảo vệ những người phải di chuyển thường xuyên và trừng phạt những kẻ làm hại họ.
Như một thần thương mại Hermes giúp phát triển việc buôn bán và làm ăn phát đạt
Hình ảnh của Hermes hiện diện trong những trò chơi thể thao của Hy-lạp cho thấy Hermes là giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động thể xác và có thể vì sự năng động của Hermes mà nghệ sĩ Hy-lạp đời sau đã thêm vẽ nhiều truyền kỳ về vị thần này.


Mũ và giầy có cánh.
Những vật được xem như liên hệ đến Hermes gồm một cây gậy thần, một đôi giầy hay dép hai quai có cánh, và nhiều hình ảnh với mũ có cánh.
Đôi dép hay đôi giầy của Hermes đã đuợc thi vị hoá. Sự thêm đôi cánh như cánh chim để biến đổi từ bình thường thành một đôi dép/giầy thần giúp thần di chuyển qua biển cả và đất liền là một sáng kiến tuyệt vời của nghệ sĩ ngày xưa.
Cái mũ và đôi giầy có cánh này được nhắc đến trong chuyện kể về Hermes và Perseus. Chuyện kể rằng đôi giầy có cánh đã giúp Perseus bay đi rất nhanh và mũ tàng hình như trong chuyện phim Clash of the Titans đã giúp Perseus theo dõi công chúa Andromedas đến tận đồng lầy của một chàng Calibos đẹp trai (con nữ thần Thetis) nay bị Zeus phạt biến thành quái vật giống thần Dê.

Cây gậy của Hermes
Theo Homer thì cây gậy thần mà Hermes nhận được từ Apollo chỉ là một cây gậy đơn giản, và được coi như là cây gậy của sứ thần. Cây gậy này cũng có hình đuợc miêu tả như có hai dải lụa mà sau này nghệ sĩ đã thần thánh hóa mà biến thành hai con rắn cuốn chung quanh. Và sau nữa đôi cánh lại được thêm vào để diễn tả sự nhanh chóng mà sứ thần của các vị thần đã di chuyển . Có rất nhiều huyền thoại quanh chuyện cây gậy, một rắn, hai rắn cuốn quanh cây gậy và đôi cánh.
Trong một bộ bách khoa từ điển chữ caduceus đuợc giải thích như sau:
Theo thần thoại Hy-lạp, cây gậy có cánh với hai con rắn cuốn chung quanh là cây gậy thần của Hermes. Một huy hiệu có hình cây gậy của Hermes đã được dùng như một biểu tượng cho nghề nghiệp y khoa. Cây gậy Hermes mang là một biểu tượng cho hòa bình, dùng để bảo vệ những sứ giả của Hy-lạp và La-mã ngày xưa. Có tài liệu nói rằng nguồn gốc miêu tả một cây gậy hay một cành olive với một dải lụa, sau này đuợc biến chế thành hai rắn với hai cánh để thích hợp với vai trò của Hermes. Còn cây gậy caduceus được chế biến thành một biểu tượng của ngành Y vì nó giống cây gậy của thần Y khoa Asclepius
Theo một bộ từ điển khác thì caduceus là cây gậy có cánh một đầu và có hai con rắn cuốn chung quanh do Apollo tặng cho Hermes. Biểu tượng hai con rắn đã thấy có trong thời Babylon và có liên hệ đến biểu tượng con rắn khác của sinh sản, khôn ngoan, lành bệnh và của thần mặt trời. Từ năm 1902, huy hiệu ngành Y của quân đội Hoa kỳ đã dùng biểu tượng cây gậy có cánh với hai con rắn cuốn quanh. Biểu tượng caduceus cũng đã được dùng nhiều nơi như một biểu tượng cho thương mai, và tượng trưng cho nhiều ngành khác.

Một vài hình ảnh hiện đại thường thấy.

Nhãn hiệu của hãng làm lốp bánh xe Goodyear có hình một chiếc giày có cánh, hãng chuyên giao hoa đến tận địa điểm khách yêu cầu FTD cũng có hình một thanh niên mang giày và đội mũ có cánh, và có thể còn nhiều logo có hình giày và đôi cánh.
Nguồn gốc của hình ảnh này liên quan đến thần Hermes trong thần thoại Hy-lạp hay Mercury trong thần thoại La-mã.

Hãng giao hoa FTD
Vào ngày 18 tháng 8, 1910, mười lăm tiệm bán hoa đã đồng ý với nhau trao đổi chuyện giao hoa cho những khách hành ở ngoài thành phố của họ qua điện tín telegraph và đặt tên cho tổ hợp của họ là Florists' Telegraph Delivery. Năm 1914 công ty chấp thuận dùng nhãn hiệu Mercury Man để làm logo, mục đích nhấn mạnh đến tốc độ giao hoa của họ.
Năm 1965 thì công ty bắt đầu dịch vụ giao hoa khắp mọi nơi trên thế giới và đổi tên công ty thành Florists' Transworld Delivery. (2)

Hãng làm lốp xe Goodyear

Frank Seiberling, sáng lập viên và Chủ tịch Hội đồng công ty làm lốp xe Goodyear Tire & Rubber Company là người đã có sáng kiến dùng biểu tượng Chân có cánh (Wingfoot) để làm biểu hiệu cho công ty làm lốp xe của họ vào năm 1900. Trong căn nhà cũ của Seiberling tại Akron, Ihio, một tượng vị thần thoại nổi tiếng Mercury của La-mã hay Hermes của Hy-lạp đặt ở gần cầu thang đã gây chú ý của Seiberling. Sáng kiến dùng hình ảnh chiếc giầy có cánh để làm biểu hiệu cho hãng làm lốp xe của mình vì Mercury là thần trao đổi hàng hóa và thương mại, và cũng là sứ giả mang tin nhanh chóng cho tất cả các vị thần trong thần thoại, tưởng không còn gì thích hợp hơn. Hình chiếc giầy có cánh đặt giữa chữ Good và chữ year bắt đầu xuất hiện từ đó. Chiếc giầy lớn hơn chữ trong bảng hiệu nguyên thủy đã được biến dạng và thu nhỏ lại sau đó. (3)

Tượng trưng cổTượng hình cũ nhất đuợc biết có hình hai con rắn cuốn quanh cây gậy là hình ghi trên một cái bình màu xanh (từ 2200-2025 trước Công nguyên) trưng trong Bảo tàng viện Louvre , đề tặng thần sanh sản Sumarian tên là Ningishzida (cũng đuợc coi như là thần của cây cối). (4)

Mặc dù đuợc coi là một trong những hình ảnh cũ nhất ghi lại hai con rắn cuốn quanh cây gậy trước thời gian có cây gậy caduceus và gậy của Aslepius, và cây gậy của Moses cả ngàn năm, biểu tượng một rắn thần cuốn quanh cây gậy đã được biết đến từ thời tiền sử qua hình ảnh ghi trên giấy papyrus như là một Nữ Thần Rắn Tình Yêu của Hạ Ai Cập.

Bức họa của Aubin Louis Millin (Paris 1811] minh họa Mercury (Hermes) và một thương gia đang lại gần diện kiến Asclepius nhưng bị Asclepius nhìn một cách không vui, bàn tay phải nắm chặt lại và cánh tay như muốn tránh chạm vào người đang quỳ gối năn nỉ, với một thái độ quả quyết. Bức họa này đã cho thấy sự khác biệt giữa cây gậy caduceus của Hermes với cây gậy y của Asclepius. Caduceus của Hermes có hai con rắn, và gậy y của Asclepius có một con rắn. (5).

Kết luận
Nói tóm lại hình ảnh thần Mercury/Hermes cầm cây gậy từ ngàn năm trước cho đến hiện đại vẫn là hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho tốc độ, bền bỉ, nhanh nhẹn, khôn ngoan, ngoại giao, và nhất là biểu tượng cây gậy có cánh với hai con rắn cuốn quanh hoặc có đuôi dính nhau hay không dính nhau, từ lâu đã được xem như là một biểu tượng liên hệ đến ngành Nha Y Dược cùng Thương mại. (6)

Sóng Việt Đàm Giang
09 Nov, 2010

Ghi chú
(1). Truy cập tại: http://wikicompany.org/wiki/911:Occult_symbolism_VII ngày 29 September, 2010.
(2). Truy cập tại: http://www.ftdi.com/about.htm
http://en.wikipedia.org/wiki/Florists'_Transworld_Delivery ngày 29 September, 2010.
(3). Truy cập tại: http://www.goodyear.com/corporate/history/history_origin.html ngày 29 September, 2010.
(4). Truy cập tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Serpent_(symbolism)
http://en.wikipedia.org/wiki/Ningishzida ngày 29 September, 2010.
(5). Truy cập tại: http://www.ams.ac.ir/aim/010131/0015.htm ngày 29 September, 2010.
(6). Trịnh, N.G., Những Biểu Tượng Ngành Y. The Firmament số July, 2009 (tr. 115):
http://thehuuvandan.org/firmament.html

Gôm Thần




Gôm Thần!

Có người tặng cục gôm tròn
Chúc tôi xóa được cho mòn vết thương
Cho tôi quên hết mắc vương
Leo khoeo năm tháng như xương treo mình

Nếu gôm tẩy được mối tình
Làm tôi quên hết bóng hình dáng em
Liệu tôi có muốn thử xem
Hay là vẫn một nhớ em lần chần

Phải chi có cục gôm thần
Cho tôi xóa hết một lần đắng cay
Chừa ra tấm thảm đắm say
Rước em về được.. ô hay tuyệt vời!

Sóng Việt
31 December 2010

Nếu..Xoá Được Nỗi Buồn





Nếu …xóa được nỗi buồn


Nếu ta xóa được nỗi buồn
Giờ này ta đã quên nguồn cội đau
Nếu ta trút được gánh sầu
Nhờ giòng sông cuốn theo mầu thời gian
Hẳn ta đã thoát gian nan
Lưới tình hết vướng thênh thang cõi trần
Chẳng còn đứng mãi tần ngần
Mặc cho bụi nhớ tích dần lên cao

Em là tờ lịch xoay vần
Lúc ẩn lúc hiện trong tầm với tay
Em là hy vọng ban ngày
Làm ta mòn mỏi nhìn mây nhìn trời

Em là tình cảm chứa chan
Là giòng suối mãi lan man chảy cùng
Xuyên ngàn ngõ ngách vẫy vùng
Là sông ra biển chập chùng thơ ngây
Thả vui buồn chuỗi ngắn dài
Là sóng vờn cát chạy hoài không ngưng
Người quên kẻ nhớ vấn vương
Cuộc đời gói ghém tôi thương em hoài.

Sóng Việt
30 December 2010

Sunday, November 21, 2010

Trăng Xanh 2

Blue Moon - Trăng Xanh

Như đã viết mùa Thu năm nay 2010 có 4 đêm trăng tròn: Sept 23, Oct 23, Nov 21, và Dec 21.

Và vì trăng lần thứ ba đuợc gọi là Trăng xanh do ít có nên chữ Trăng xanh trong bài nhạc có thể được tác giả dùng để chỉ một tình yêu hiếm .

Xin mời đọc bản dịch Việt ngữ viết phỏng theo âm điệu bản nhạc.

Lời bài nhạc dường như cho ta thấy người tự thuật đã kiếm đuợc tình yêu, một tình yêu hiếm hoi trong cuộc đời của người này, một trăng xanh. Và vì thế khi nghe tiếng người đàn bà thì thầm: “Hãy yêu em đi” thì vầng trăng hiếm màu xanh trở thành màu vàng chói của một tình yêu vừa tìm được.

Trăng Xanh
Nhìn tôi đứng đây vầng trăng ơi
chẳng mang được giấc mơ nào trong tim
hoặc có tình yêu nào cho riêng tôi

Trăng xanh,
Đà hay biết tôi ngồi đây lâu
Lặng nghe tiếng tôi cầu an cho
người tôi thiết tha mong tình thâm sâu

Và rồi chợt đâu xuất hiện trước mắt tôi
Một người duy nhất mà tôi muốn ôm quàng
Tôi nghe như có tiếng thì thầm,“Hãy yêu em đi”
Và khi tôi nhìn mặt trăng
Vầng trăng bỗng vàng rực chói chang

Trăng xanh
Và nay tôi không đơn côi nữa
Không cần ôm mộng ước trong trái tim
Vì tình yêu đã đến với tôi rồi…

Sóng Việt tạm phỏng dịch theo âm điệu bài nhạc
21 November 2010

Nghe Elvis Presley hát Blue Moon:
http://www.youtube.com/watch?v=Md7a9ZH1Z0M&feature=related

Trăng Xanh Blue Moon

Blue Moon - Trăng Xanh

Sóng Việt

Từ nửa đêm thứ bẩy sang ngày chủ nhật 21 tháng 11 2010 (là ngày 16 âm lịch), là bắt đầu ngày trăng tròn. Sau 12 giờ đêm tối thứ bẩy nhìn lên trời trăng đẹp lạ lùng! Theo lịch của nhà nông (Farmers’ Almanac) thì mùa Thu năm nay có bốn đêm có trăng tròn. Vì mùa Thu bắt đầu từ ngày Thu phân, ngày 23 tháng 9 (tức ngày 16 âm lịch) và kéo dài đến gần hết ngày 21 tháng 12 (tức ngày 16 âm lịch) mới sang Đông chí cho nên năm nay thiên văn học cho biết là coi như có bốn ngày/đêm trăng tròn. Và trăng mùa thu lần thứ ba đuợc mang tên trăng xanh (blue moon) cho năm nào mà một mùa có bốn trăng tròn. Thí dụ nếu có ba trăng tròn trong mùa Thu thì đuợc gọi là trăng đầuTthu, trăng giữa Thu và trăng cuối Thu, cho nên khi có bốn trăng tròn thì trăng lần thứ ba của một mùa đuợc mang tên trăng xanh, để trăng tiếp theo sẽ đuợc gọi là trăng cuối mùa. Cho năm 2010 thì mùa Thu 2010 có bốn ngày trăng tròn như sau:

•Sept. 23
•Oct. 22
•Nov. 21•Dec. 21
Sau năm nay thì sẽ có trăng xanh vào mùa hè năm 2013 rồi mùa xuân 2016.

•November 21, 2010
•August 21, 2013
•May 21, 2016

Nói đến Trăng Xanh thì giới ưa chuộng âm nhạc nghệ thuật không thể nào không nhớ đến bài hát Trăng Xanh (Blue Moon). Bài hát này có quá nhiều nhạc sĩ trình bày. Người viết chợt nhớ đến vài ca sĩ đã trình bày bản này như Dean Martin, Frank Sinatra, Ella Fitzgerald, và Elvis Presley.

Một chút về nguồn gốc bài hát đính kèm.

Nói về bản nhạc Trăng Xanh

Năm 1934, hai nghệ sĩ Richard Rodgers & Lorenz Hart có một giao kèo với hãng M.G.M. viết một bản nhạc cho một cuốn film. Bản thứ nhất đuợc đặt tên là Prayer mục đích để nữ tài tử Jean Harlow hát trong film Hollywood Party thực hiện vào năm 1934. Tuy nhiên nữ tài tử này không đóng film này và bản nhạc không xuất hiện trong Hollywood Party.
Sau đó bản nhạc "Prayer/Blue Moon" được đặt lời mới và là đề tựa của film Manhattan Melodrama của M.G.M. với tài tử Clark Gable , William Powell and Myrna Loy. Tưởng cũng nên nhắc đây là cuộn film mà John Dillinger đã xem trong rạp hát Biograph Theatre ở Chicago, và sau khi buớc ra khỏi rạp thì bị bắn chết. Bản nhạc cũng đuợc đặt tên là It’s Just That Kind Of Play, nhưng bị cắt bỏ truớc khi ra mắt khán giả.

Sau Manhattan Melodrama thì bản nhạc đuợc đặt tên mới để Shirley Ross hát trong film cùng tên là The Bad In Every Man.

Và sau cùng lời của bản nhạc lần thứ tư và cũng là lời còn được thông dụng đến hiện nay là bản Blue Moon khi ông chủ của công ty xuất bản ấn loát M.G.M. Jack Robbins vì thích âm điệu của bản nhạc nên đã yêu cầu Hart viết lại lời nhắm vào tính cách thương mại hơn là lời cầu nguyện.

Blue Moon
Lyrics (Lời) by Lorenz Hart, music(nhạc) by Richard Rodgers
Lyrics published on The Complete Lyrics of Lorenz Hart



Blue moon,

you saw me standing alone

without a dream in my heart

without a love on my own.



Blue moon,

you knew just what I was there for

you heard me saying a prayer for

somebody I really could care for.



And then there suddenly appeared before me,

the only one my arms will ever hold

I heard somebody whisper, "Please adore me."

and when I looked,

the moon had turned to gold.



Blue moon,

now I'm no longer alone

without a dream in my heart

without a love on my own.



http://www.lorenzhart.org/moonsng.htm

Bản nhạc Blue Moon do Ella Fitzgerald trình bày:

http://www.youtube.com/watch?v=aXb2a0WQek4

Sóng Việt

21 November 2010

Monday, October 11, 2010

Hỡi Yêu Dấu Ơi!

Hỡi Yêu Dấu Ơi!

Những chiếc lá thu vàng rơi
Trong chiều hoàng hôn nhạt nắng
Như nhắn ai ngày lạnh cận kề
Văng vẳng đâu đây lời tình ca trong trắng

Mưa lác đác rơi trên ghế gỗ cũ vẹo xiêu
Em yêu dấu ơi về với anh đi nhé
Vẫn nụ cười, tiếng thỏ thẻ bên tai
Nói đùa anh lời chia tay vô nghĩa

Có ai đó chạy bộ ngang đường sỏi đá
Thốt lời nhắn người ngồi như đá lặng yên
Hãy quên đi niềm đau còn nấn ná
Vì tình nào còn giữ mãi không phai

Trời đêm về một vì sao chợt sáng
Rồi biến tan trong vũ trụ ngút ngàn
Nào khác chi giấc mộng tình anh thấy
Có em trong khoảng khắc không gian

Em yêu dấu về với anh đi nhé
Hãy cười tươi và thỏ thẻ tai anh
Lời nói chia tay mà em đã thốt
Là bông lơn, là lời đùa trong chốc lát.

Sóng Việt
(Phỏng theo Koibito Yo)
11 October, 2010

Sunday, October 10, 2010

Thơ mùa Thu

Ngày tàn nghiêng nắng chiều sang

Gió vờn hiu hắt ngỡ ngàng tình mơ

Oanh vàng thấp thoáng vườn thơ

Có ai ngơ ngác ngóng chờ bên sông

Lung linh sóng nước mênh mông

An nhiên chẳng đủ ấm lòng đơn côi...

Nhớ ai nhớ quá đi thôi!

De Musset_Sand: Thơ Tình Bí Ẩn ?

Thơ Tình Bí Ẩn?

Sóng Việt

Lời mở đầu

Đã từ lâu nhiều độc giả khi đọc những bài viết liên quan đến nhà thơ Alfred de Musset và nữ văn sĩ George Sand có thể bắt gặp một vài bài viết về những bài thơ mà người nào đó mang lên mạng lưới vi tính cho rằng đó là những bài thơ tình bí ẩn do George Sand và Alfred de Musset viết cho nhau trong thời kỳ hai người mới bắt đầu yêu nhau.
Những bài thơ này khi đọc lên thì giống như những bài thơ lãng mạn bình thường khác, nhưng nếu độc giả đọc bài thơ theo lối đặc biệt thì sẽ thấy hiện ra những chi tiết tình cảm rất thân thiết. Dù được coi như chắc chắn là những bài thơ này không phải do họ viết, nhưng trong khuôn khổ đề tài về Alfred de Musset và George Sand, thiết tưởng mang lên cũng vần thơ lý thú này cũng là một khía cạnh giúp độc giả nhận thức chuyện tình Musset-Sand đã có ảnh hưởng sâu đậm đến thi văn Pháp và đã được thi vị hóa đến mức nào.

Những lá thư tình bí ẩn?

Loạt thơ này gồm ba bài: bài đầu là của một nhân vật đàn bà gửi cho đối tượng, bài thứ hai (II) là lá thư hồi âm và bài thứ ba (III) chỉ có hai câu là người đàn bà trả lời người mình yêu. Loạt thơ này cũng có hai bản khác nhau ở bài II và III.

Bản thứ nhất
I
George Sand:
Je suis très émue de vous dire que j'ai
bien compris l'autre soir que vous aviez
toujours une envie folle de me faire
danser. Je garde le souvenir de votre
baiser et je voudrais bien que ce soit
là une preuve que je puisse être aimée
par vous. Je suis prête à vous montrer mon
affection toute désintéressée et sans cal-
cul, et si vous voulez me voir aussi
vous dévoiler sans artifice mon âme
toute nue, venez me faire une visite.
Nous causerons en amis, franchement.
Je vous prouverai que je suis la femme
sincère, capable de vous offrir l'affection
la plus profonde comme la plus étroite
en amitié, en un mot la meilleure preuve
dont vous puissiez rêver, puisque votre
âme est libre. Pensez que la solitude où j'ha-
bite est bien longue, bien dure et souvent
difficile. Ainsi en y songeant j'ai l'âme
grosse. Accourrez donc vite et venez me la
faire oublier par l'amour où je veux me
mettre.

II
Alfred de Musset :
Quand je mets à vos pieds un éternel hommage,
Voulez-vous qu’un instant je change de visage ?
Vous avez capturé les sentiments d’un coeur
Que pour vous adorer forma le créateur.
Je vous chéris, amour, et ma plume en délire
Couche sur le papier ce que je n’ose dire.
Avec soin de mes vers lisez les premiers mots,
Vous saurez quel remède apporter à mes maux.(1)
III
George Sand :
Cette insigne faveur que votre coeur réclame
Nuit à ma renommée et répugne à mon âme.
**
I
George Sand :
Rất xúc động em muốn nói với anh rằng
buổi chiều hôm đó khi mình khiêu vũ
em có một thôi thúc điên cuồng muốn làm
sao để ghi khắc nụ hôn anh vào ký ức của cuộc
tình với anh và em muốn chứng tỏ trong chiều nay
tình yêu em có
với anh. Em sẵn lòng cho anh thấy
sự trìu mến hoàn hoàn không vụ lợi hay tính toán
của em nếu anh muốn nhìn em phơi bày
rõ tâm hồn không màu mè đôi khi
trần trụi thì hãy đến thăm em.
Chúng mình sẽ nói chuyện thân thiết.
Em sẽ cho anh thấy em là một người đàn bà
có khả năng cho anh chân tình
vừa sâu lại vừa rất hẹp, cho anh thưởng thức
trong tình cảm nhẹ nhàng tuyệt vời
những giây phút mà anh có thể mơ được vì anh có
tâm hồn phóng khoáng. Nghĩ đến nỗi cô đơn em mang
thì vừa dài , vừa tăng dần cường độ
Bởi thế nên em mong anh đến để quên phiền muộn đang
lớn ra. Hãy đến gặp em ngay nhé để
em quên hết qua tình yêu anh mang
đặt nó vào em.
II
Alfred de Musset bày tỏ :
Khi anh đã đặt dưới chân em một chân tình
Nào có phải trong giây phút anh muốn đổi mặt đâu
Em đã chiếm tình cảm cùng con tim anh đó
Muốn ngụp lặn đắm chìm trong sóng dậy lòng anh
Anh say đắm em rồi, em ơi, nhưng lời nói
Ngủ trong tim, anh phải viết thơ xanh
Với thơ này, em đọc gắn liền chữ thứ nhất
Em sẽ biết cách giải tỏa sầu khổ trong lòng anh
III
George Sand trả lời :
Đêm nổi tiếng dù độc hại cho linh hồn em
Nay có dấu lợi cho trái tim mới là điều đặc biệt
(Sóng Việt diễn ý)

Bản thứ hai với một số chữ khác trong bài Musset trả lời và Sand viết hồi âm hai câu chót. (2)

II
Alfred de Musset:

Quand je vous jure, hélas, un éternel hommage
Voulez-vous qu'un instant je change de langage
Vous seul possédez mon âme et mon coeur
Que ne puis-je, avec vous, gouter le vrai bonheur
Je vous aime, ma belle, et ma plume en délire
Couche sur le papier ce que je n'ose dire
Avec soin, de mes vers, lisez le premier mot
Vous saurez quel remède apporter à mes maux.

III
George Sand :
Cette grande faveur que votre ardeur réclame
Nuit peut-être à l'honneur mais répond à ma flamme.
**
II
Alfred de Musset:
Khi anh đã hứa tình say
Nào ai mà muốn phút giây đổi lời
Em riêng ngự trị hồn tôi
Thuận mang hạnh phúc cuộc đời vui thay
Anh yêu em có bút đây
Ngủ trên tờ giấy dám bầy mộng mơ
Với nhau đọc chữ đầu thơ
Em thời giải được mong chờ đeo anh

III
George Sand:
Đêm có thể vinh danh nhưng đáp ứng được ngọn lửa lòng em
Nay thật tuyệt với nhiệt tình qua lời anh thổ lộ.
(Sóng Việt diễn ý)

Những bài thơ số I trên đuợc chép lại theo đúng cách viết, cách xuống hàng, dấu chấm dấu phẩy. Khi đọc lên từ hàng đầu đến hàng cuối thì độc giả chỉ thấy đây là những bài thơ tình cảm, lãng mạn có đôi chút lập dị hay cầu kỳ. Nhưng nếu đọc lại bài số I và nếu đọc những hàng chữ nhẩy một hàng bắt đầu từ hàng thứ nhất thì ý nghĩa của bài thơ có nhiều thay đổi. Sang đến bài thơ II và III thì đọc những chữ đầu của mỗi câu sẽ cho độc giả hiểu được ẩn nghĩa. Và bài thơ tình cảm hiện ra thành bài thơ rất gợi cảm mang đầy dục tính. Hãy theo dõi lại một lần nữa bản Pháp ngữ nguyên tác và bản Việt ngữ.

George Sand:
I
Je suis très émue de vous dire que j'ai
bien compris l'autre soir que vous aviez
toujours une envie folle de me faire
danser. Je garde le souvenir de votre
baiser et je voudrais bien que ce soit
là une preuve que je puisse être aimée
par vous. Je suis prête à vous montrer mon
affection toute désintéressée et sans cal-
cul, et si vous voulez me voir aussi
vous dévoiler sans artifice mon âme
toute nue, venez me faire une visite.
Nous causerons en amis, franchement.
Je vous prouverai que je suis la femme
sincère, capable de vous offrir l'affection
la plus profonde comme la plus étroite
en amitié, en un mot la meilleure preuve
dont vous puissiez rêver, puisque votre
âme est libre. Pensez que la solitude où j'ha-
bite est bien longue, bien dure et souvent
difficile. Ainsi en y songeant j'ai l'âme
grosse. Accourrez donc vite et venez me la
faire oublier par l'amour où je veux me
mettre.

Rất xúc động em muốn nói với anh rằng
buổi chiều hôm đó khi mình khiêu vũ
em có một thôi thúc điên cuồng muốn làm
sao để ghi khắc nụ hôn anh vào ký ức của cuộc
tình với anh và em muốn chứng tỏ trong chiều nay
tình yêu em có
với anh. Em sẵn lòng cho anh thấy
sự trìu mến hoàn hoàn không vụ lợi hay tính toán
của em nếu anh muốn nhìn em phơi bày
rõ tâm hồn không màu mè đôi khi
trần trụi thì hãy đến thăm em.
Chúng mình sẽ nói chuyện thân thiết.
Em sẽ cho anh thấy em là một người đàn bà
có khả năng cho anh chân tình
vừa sâu lại vừa rất hẹp, cho anh thưởng thức
trong tình cảm nhẹ nhàng tuyệt vời
những giây phút mà anh có thể mơ được vì anh có
tâm hồn phóng khoáng. Nghĩ đến nỗi cô đơn em mang
thì vừa dài , vừa tăng dần cường độ
Bởi thế nên em mong anh đến để quên phiền muộn đang
lớn ra. Hãy đến gặp em ngay nhé để
em quên hết qua tình yêu anh mang
đặt nó vào em.

Nếu hiểu bài thơ đầu theo lối đọc nhẩy hàng thì bài thơ này thuộc loại văn che dấu tin (steganography). Lối viết văn che dấu ý chính muốn bày tỏ là một nghệ thuật đã có từ thời cổ đại Hi Lạp mà chỉ có người chú tâm tìm hiểu mới thấy. Trong lịch sử thế giới đã có rất nhiều văn bản áp dụng nghệ thuật giấu tin rất tài tình này. Lối viết tìm ra ý nghĩa có thể là hiểu theo lối đọc cách từng chữ, cách từng hàng, chắp chữ (steganography), hoặc đầu mỗi câu, cuối mỗi câu (acrostic), v.v..

Những độc giả đã đọc kỹ văn thơ của Musset và George Sand đều có thể quả quyết rằng đây chỉ là những bài thơ mạo nhận nhưng khó biết lý do nguyên thủy hay bắt nguồn chính xác từ năm nào.
Một cách rất vắn tắt theo tiểu sử thì Alfred de Musset (1810-1857) đã có lòng cảm phục nhà văn George Sand (1804-1876) trước khi hai người quen nhau. (3), (4).
Họ quen nhau trong một buổi tiệc đầu xuân 1833 do Revue des Deux Mondes tổ chức.Và từ đó, hai người yêu nhau trong tình yêu trong sạch một thời gian. Một thời gian sau đó, Musset tỏ tình với Sand trong một lá thư viết đề ngày 29 tháng 7 1833, trước thời gian hai người đi Venice (tháng 12, 1833). Mối tình của Musset với George Sand kéo dài từ năm 1833 đến năm 1835, được chính Musset kể lại trong cuốn tiểu sử của chính mình: La Confession d'un Enfant du Siècle (The Confession of a Child of the Age). Chuyện này đã đuợc thực hiện thành phim Children of the Century vào năm 1999. (4).

Phần Sand, trong cuốn Elle et lui, Sand cũng kể lại chuyện tình của bà với Musset. Sau đó trong cuốn chuyện Lui et Elle của Paul de Musset (anh của Alfred de Musset viết sau khi Alfred de Musset đã qua đời), Paul de Musset cũng lại kể lại chuyện tình của Alfred de Musset với Sand và có viết là Sand và Alfred de Musset đã bày ra nhiều trò chơi cho cuộc tình của họ thêm phần hứng thú. (3)



Cuốn sách Lélia: The Life of George Sand của André Maurois có lẽ là cuốn sách tốt giúp độc giả hiểu thêm về George Sand, hơn là cuốn The Story of My Life của George Sand (bản dịch cô đọng Anh ngữ của Dan Hofstadter).

Tóm lại

Theo những bài viết Anh ngữ, Pháp ngữ giải thích rải rác trên internet thì những bài thơ có tính cách chơi khăm này được cho là đã bắt nguồn trong thời kỳ từ 1870 đến 1915 . Nếu bài thơ đã lưu hành khoảng năm 1870 thì lúc đó George Sand đã 66 tuổi, và Musset đã chết hơn 12 năm, nếu gần đây hơn trong khoảng 1915 thì có thể do một nhóm nào đó tạo ra trong Thời Đệ Nhất Thế Chiến. Dù những bài thơ này không phải do hai nhà thơ văn nổi tiếng trên viết, nhưng mọi người đều công nhận đó là những bài thơ sáng tạo dùng chữ hay, cấu trúc rất khéo và đáng chú ý. Những bài thơ này đã tồn tại và sẽ còn tồn tại mãi như là những bài rất tuyệt trong mẫu viết một bài thơ tình bí ẩn và đặc biệt có liên hệ đến chuyện tình Musset-Sand.

Ghi chú:

(1) George Sand et Alfred de Musset. Une correspondance codée.... Truy cập May 19, 2010 từ http://agalmata.tripod.com/mussetsand.html
(2) Stéganographie. Truy cập May 19, 2010 từ
http://www.encyclopedie-enligne.com/s/st/steganographie.html
http://fr.wikipedia.org/wiki/St%C3%A9ganographie
http://fr.wikipedia.org/wiki/Acrostiche
(3) Maurois, A. (1977). Lélia: The Life of George Sand. New York: Penguin Books.
(4) Alfred de Musset. Truy cập May 19,2010 từ http://en.wikipedia.org/wiki/Alfred_de_Musset

Sóng Việt
24 May 2010

Bóng Chiều

Bóng Chiều



Chiều tà trải xuống Thái-Bình Dương

Dấu vết thuyền trôi rẽ một đường

Trên đỉnh mây trời lưu luyến níu

Dưới boong vạt nắng ngọt ngào thương



Chập chùng ảo ảnh tràn cơn mộng

Hoảng hốt hôn mê rịn giọt sương

Thức tỉnh bàng hoàng buồn một cõi

Tình riêng u ẩn suốt đời vương



Sóng Việt

27 Sept 2010

Buồn Như...

Buồn như...

Buồn như ngày hôm qua
Một người phương trời xa
Từ sáng đến khua tối
Ngóng lá thư thiết tha

Nỗi mong nhớ hiền hòa
Vài câu viết lời ca
Chia xẻ niềm vui nhỏ
Kỷ niệm ngày sinh ra...

Không gian vô tình quá
Thời gian lặng trôi qua
Thinh không dội trống vắng
Cô đơn chợt quanh ta

Không nỡ trách người xa
Vì lãng mạn là vốn
Vì mộng mơ là lời
Vốn lời chẳng tàn phai
Tình còn say mình ta

Sóng Việt

Mùa Thu chưa đến






Mùa Thu chưa đến thăm em
Nơi miền nam ấm áp
Nhưng thu đã đến với anh
Miền đất lạnh xa xôi

Giòng sông hiền hòa đó
Dấu tích những thì thầm
Con đường mình đi qua
Có mái tóc nghiêng nghiêng

Thu có lá nhiều màu
Em vẫn yêu ginkgo
Vẫn nhớ thu mới quen
Lá hình quạt bài thơ

Vẫn nhớ lời nhắn xưa
Nhớ nhé làm bài thơ
Khi mùa thu vừa đến
để anh nhớ em hoài

Cơn buồn nhè nhẹ đến
Tình anh dành cho em
Man mác như chớm thu
Vẫn quanh quẩn bên anh

Tàn Ánh Mắt

Tàn Ánh Mắt

Sao anh nỡ lòng nào
Không một lời nói trước,
Thản nhiên ánh mắt chào,
Như hai người xa lạ

Sao anh nỡ cố tình
Vùi dập trái tim nồng.
Háo hức đón hơi nóng
Hóa tro tàn lạnh băng

Ngỡ ngàng phủ ập đến,
Ngẩn ngơ tự hỏi lòng
Ánh mắt đam mê thế,
Nay như đá hàn đông.

Nhớ anh nói với em
Mắt em cười tươi sáng
Miệng như hồng đào tiên,
Ríu rít như oanh yến,

Nhớ khi anh kề bên.
Tung tăng em hồn nhiên,
Đón chào sương mai ngọt
Nắng bình minh ngoài thềm

Nhớ mình thường xuống phố
Cà-phê đen anh tìm
Chia từng ngụm thơm ngát
Không ngọt vẫn chung tình....

Thư này không gửi anh
Để khi nào hết buồn
Em mang lên gửi gió
Nhờ mây xóa tên anh

Sóng Việt

Mưa đêm

Ngửa mặt đón giọt mưa
Nhắm mắt nếm nước đọng môi mềm
Khám phá từng cảm xúc

Sóng Việt

A'nh Trăng đêm

Ánh trăng tràn cửa sổ
Thì thầm lời quyến rũ mời chào
Dạo chơi mát cùng trăng

Tấm chăn lụa mát rượi
Ếm ái gợi nỗi nhớ tận cùng
Dào dạt sóng tình dâng

Sóng Việt

Trăng Khuyết





Trăng đêm qua chưa tròn
Sáng vắng vặc tỏa khắp nơi đây
Thầm gọi tên người ơi.

Sóng Việt

Em Nhé

Em nhé

Hãy
Ngồi xích lại gần anh cho anh ôm em thật chặt
Cho vòng tay anh ôm trọn thân em
Choàng lưng em anh kề môi bên cổ
Hôn em yêu với lửa nấu trong tim

Anh muốn ngồi im để nghe nhịp em thở
Hưởng tình yêu buồi sáng thật tuyệt vời
Em có nghe trái tim mình chung nhịp
Đang rộn rã gọi yêu thương chan chứa?

Anh chỉ ngồi yên được vài phút thôi em
Vì xôn xao rạo rực dấy lên rồi
Anh phải hôn phải hôn em hôn miết
Để bõ công thương nhớ những ngày xa

Sóng Việt

Thơ Sóng Việt: Mười Tám Xưa

Mười Tám Xưa

Tuổi mười tám còn thơ ngây đôi mắt
Tóc em ngắn óng mướt như búp bê
Khi em cười lúm đồng tiền xinh xắn
Mắt cũng cười trong sáng tựa pha lê

Nhà em đó góc con đường thanh giản
Cây ngọc lan xanh ngát dịu mùi hương
Thoảng trong gió ngẩn ngơ người đa cảm
Đưa mắt tìm mong bắt được dáng ai

Em đến trường hồn nhiên vô tư lự
Hiện đó đây rồi chợt biến như tiên
Làm sao biết có một người nhìn miết
Hồn dạt dào mà chẳng dám làm quen

Tôi cảm em từ những ngày xưa đó
Dấu tâm tư tiếp tục hành trình đời
Vài chục năm qua bốn mùa mưa gió
Tưởng quên em đôi mắt long lanh cười

Tình cờ nào mở lên trang nhà đó
Sao duyên đâu tôi lại thấy người xưa
Em xuất hiện nhiều khung trời xa tắp
Vẫn nụ cười vẫn ánh mắt dễ ưa

Ơ hay sao tim tôi đập mạnh thế
Vẫn xốn xang khi lại thấy hình em
Tình năm xưa dường như vừa sống dậy
Hãy còn đây mối tình tôi cho em.

Wednesday, July 7, 2010

Vịnh Ngọc Lan Hoa_Phan Bội Châu

Cụ Phan Bội Châu làm bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú mang tên: “Vịnh Ngọc Lan Hoa” tặng cho Hòa thượng Tịnh Khiết chùa Tường Vân với lời ghi phụ: “Trình cao Tăng Quốc sĩ Tường Vân Tịnh Khiết”.

Phan Bội Châu
Vịnh Hoa Ngọc Lan

前身種出自蓬萊 Tiền Thân Chủng xuất Tự bồng lai
移向菩提院裏栽 Di hướng bồ đề viện lý tài
素蕊光爭冬夜雪 Tố nhị quang tranh đông dạ tuyết
其芳品奪嶺頭梅 Kỳ phương phẩm đoạt lĩnh đầu mai
香真王者天垂賟 Hương chân vương giả thiên thùy thưởng
莊比嫦娥月暗猜 Trang bỉ thường nga nguyệt ám sai
惟佛重來能識佛 Duy phật trọng lai năng thức phật
慇勤惠我此花魁 Ân cần huệ ngã thử hoa khôi
(bản Hán ngữ do nhà thơ Trần Văn Lương cung cấp)

Cái giống của kiếp trước từ chốn Bồng Lai,
Đem xuống trồng trong viện Bồ đề .
Ánh sáng của nhụy trắng cạnh tranh với tuyết đêm đông,
Phẩm thơm của nó lấn mùi thơm của cây mai đầu núi .
Mùi hương thật vương giả được trời thưởng cho,
Nét trang trọng tựa Thường Nga làm trăng ngầm ngờ vực.
Chỉ Phật tái lai mới nhận ra Phật,
Ân cần ban tặng cho ta cái hoa đẹp hàng đầu này
Trần Văn Lương diễn nghĩa

Hoa Ngọc Lan

Kiếp xưa nguyên giống từ Bồng lai
Chuyển xuống trồng bên chướng Phật đài
Nhụy trắng đêm đông hơn tuyết sáng
Phẩm thơm đầu núi át mùi mai

Hương thơm vương giả trời ban thưởng
Đẹp tựa Thường Nga nguyệt tị nài
Chỉ Phật tái lai mới rõ Phật
Chu cần ban tặng diễm hoa này

Sóng Việt phỏng dịch
June 12, 2010

Sunday, July 4, 2010

Romance-Tình Anh (Nhạc Tây ban nha)

Romance d’Amour
Tình Anh
Sóng Việt

Một bản nhạc vô danh/hay khuyết danh của Tây ban nha, mang tên Romance đã có tiếng từ lâu, lâu lắm (thời 1450-1599?). Bản nhac nguyên thủy không có lời nhưng chiếm được cảm tình của hàng triệu triệu người trên trái đất.
Bản nhạc đã đuợc làm theme nhạc cho cuốn phim đen trắng Jeux Interdits phát hành ở Âu châu vào năm 1952, nhạc soạn cho guitar bởi Narciso Yepes, và từ đó bản nhạc được nổi tiếng hơn nữa.

Dù có người cho rằng bản nhạc đuợc viết sớm hơn (thế kỷ 16?) nhưng một số người căn cứ trên kỹ thuật và trạng thái của dòng nhạc đã cho rằng bản nhạc việt vào cỡ năm 1800s (thế kỷ thứ 19) trong thời kỳ nở rộ của trường phái Lãng mạn. Nhạc sĩ cổ điển tây phương cho rằng cả hai versions của Spanish hay Germany với những căn bản như nhạc của Robert Schumann và nhạc sĩ đương thời đều nghe phảng phất trong suốt bản nhạc này.

Thể điệu của bản nhạc giống như thuộc loại nhạc Parlour vào cuối thế kỷ 19 ở Spain, bản nhạc Romance này gồm ba dạng: phần đâu là khóa thứ, phần hai là khoá trưởng, và phần ba là khoá thứ trở lại như phần đầu. Trạng thái ban đầu có phần buồn bã, khao khát, mong mỏi đuợc chuyển sang vui vẻ hơn sáng lạn hơn, và sau đó với do dự nhạc chuyển chở về trạng thái buồn buồn với một kết cuộc không vui hơn, như mùa thu len lén đến- mùa đông ủ ê buồn, mùa xuân tươi sáng, mùa hè nồng nàn rồi mùa thu man mác trở về.

Ghi chú. Nhạc Parlour là loại nhạc phổ thông thường đuợc sáng tác để nhạc sĩ dương cầm hay những người ca hát không chuyên nghiệp trình diễn, nhạc thường trình bày như một bản nhạc (music sheet), loại bản nhạc này rất thịnh hành vào thời thế kỷ 19 do thời đại sung túc và rất nhiều gia đình có thể mua nhạc cụ và học hỏi âm nhạc.
(http://en.wikipedia.org/wiki/Parlour_music).

Cho tới thời điểm 2002, dù bản Romance đã có từ lâu, nhưng hình như ở Việt Nam, không có một nhạc sĩ có tiếng nào đã viết lời Việt mà người viết này được biết.

Trong bản lời Việt của RomanceTình Anh, thực hiện năm 2003, Sóng Việt đã sáng tạo và cố gắng thể hiện lời sao cho thích hợp với trạng huống của bản nhạc. Bản nhạc do ca sĩ Công Bình trình bày, Thanh Huy đàn guitar (CD Có Phải Em Tương Tư- Sóng Việt Đàm Giang/2004).

Và mới nhất,

Tình Anh do nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân đàn guitar và hát trong you tube:

http://my.opera.com/phamngoclanguitar/blog/romance

http://www.youtube.com/user/phamjngocjlaan#p/a/u/0/Gi1h8EofiJw


Tình Anh - Romance

Nhạc Tây ban nha (tác giả khuyết danh)
Lời Việt: Sóng Việt Đàm Giang

Bao nhiêu yêu thương muốn trao riêng em trọn đời
Tình yêu thắm thiết chất ngất
Với đam mê, với nâng niu
Anh ước mơ có em mãi mãi bên anh suốt đêm thâu
Hãy cùng nhau nâng ly vui hết đêm này.

Có chút bối rối trên môi hôn nhau lần đầu
Vòng tay ấm áp khắng khít
Chắt chiu nhau suốt đêm thâu
Ta sẽ cho, sẽ trao hết, với đam mê, với yêu thương
Mãi còn vương dư hương tha thiết êm đềm.

Cơ duyên đưa ta đến quen nhau, yêu nhau
Lòng anh vẫn mãi mãi muốn có riêng em, riêng em thôi
Và anh sẽ nhớ mãi tiếng em như chim oanh reo vui
Líu lo câu yêu thương tha thiết trong đời.

Dẫu có bão táp có phong ba quanh ta
Tình yêu vẫn thắm thiết mãi, khó phôi pha trong tim ta
Tình yêu đó vẫn thấp thoáng như heo may, như cơn say
Vẫn theo ta thênh thang trong tháng năm dài.

Một bản nhạc Romance có lời Việt khác

Vào mùa xuân năm 2005, một thi hữu ở ViệtNam cho hay ông có viết lời Việt bài Romance cho một CD của nữ ca sĩ Quỳnh Lan.
Lời của bản nhạc rất trữ tình, nội dung tuyệt vời. Cá nhân người viết ghi nhận nhà thơ Đình Nguyên đã dùng bối cảnh/nội dung lời hơi khác với dòng nhạc của Romance: thay vì buồn, vui, vui vui, rồi buồn, mà là buồn buồn buồn rồi vui vui.

Khúc Hát Đêm Mưa là đề tựa cho bản nhạc này:
http://www.youtube.com/watch?v=d8sBpm_k3jo&feature=related

Khúc Hát Đêm Mưa (nguyên tác: Romance)

Lời Việt: Đình Nguyên
Ca sĩ: Quỳnh Lan

Réo rắt tiếng hát trong đêm mưa
dặt dìu về theo muôn lối thánh thót rót rơi bên song
như tâm tư đang héo hon ngóng trông mãi
kiếp tha phương đã bao năm qua biệt ly
như chim di đến bao giờ được gặp lại

Héo hắt nỗi nhớ mong vô biên
đã nhiều lần con tim với nước mắt ấy
vẫn như mưa mang tâm tư theo lá rơi
cuối sông vắng gió thu lay cánh hoa xưa
nay về đâu ai ca chi khúc chia lìa để chạnh lòng

Khúc hát réo rắt đêm mưa rơi trong cuộc đời
về cùng lúc với trống vắng quá xa xôi, lên chơi vơi
nghe tiếc nuối lúc tiếng hát đã ngân lên bao yêu thương
cho tơ vương ra muôn phương khúc ca dệt chạnh lòng sầu

Hãy đến với những ai đang yêu trong cuộc đời
và cùng hát khúc hát ấy với con tim đang yêu thương
mang tiếng hát đến với những nỗi đau thương nơi xa xôi
trên đôi môi cho muôn nơi khúc ca dạt dào lời tình.


Sóng Việt
July 4 2010

Wednesday, June 30, 2010

Bài viết về Nhà Thơ Hữu Loan

Tưởng Nhớ Nhà Thơ Hữu Loan
(1916-2010)
&
Những bài thơ của Hữu Loan
Sóng Việt Đàm Giang sưu tầm

Nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim, vừa qua đời ngày 18 tháng 3 năm 2010.
(NCTG) Theo tin từ Việt Nam, vào hồi 19 giờ ngày 18-3-2010, thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, thành viên phong trào Nhân văn - Giai phẩm, đã từ trần tại nhà riêng ở thôn Vân Hoàn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thọ 95 tuổi.
Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ đã có hàng ngàn bài viết trên toàn thế giới nói về ông, và chỉ trong vòng một tuần (ngày 25 tháng 3, 2010) mà những bài viết đã đạt đến mức độ không kể hết.
Nếu mở Google ra và đánh hai chữ Hữu Loan vào thì độc giả có thể thấy trong Google ghi nhận có hơn hai triệu links nói về Hữu Loan và bài thơ đã làm ông nổi tiếng.
Bài thơ được nói đến đã nhiều, chính ông lúc sinh thời đã ngâm bài thơ và được thu âm phát tán đi khắp năm châu.
Vài hàng viết về ông ở đây coi như chút lòng tưởng nhớ và khâm phục ông, một nhà thơ bất khuất , khí khái và có tinh thần rất mạnh.

Những bài thơ được biết đến.

Trước khi Hữu Loan làm bài thơ Màu Tím Hoa Sim khóc người vợ vắn số chết sớm, ông cũng đã làm một số bài thơ, hầu như những bài thơ của ông không được lưu chép cẩn thận, và hình như ông cũng không cho chuyện lưu trữ thơ là quan trọng. Có lẽ đó là cá tính của ông.
Những bài thơ được biết đến: Cũng những thằng nịnh hót, Đèo Cả, Đêm, Màu tím hoa sim, Hoa lúa, Ngày mai, Thánh mẫu hài đồng, Tình Thủ đô, Yên mô.Ngoài bài Màu Tím Hoa Sim, ba bài thơ đã được thân hữu quen biết ông chép lại và phổ biến là:

Đèo Cả
Hữu Loan (1947)

Núi cao vút/ Mây trời Ai Lao / sầu / đại dương
Dặm về heo hút / Đá bia mù sương/ Bên quán Hồng Quân/ người / ngựa/ mỏi
Nhìn dốc ngồi than/ thương ai/ lên đường
Chầy ngày/ lạc/ giữa suối
Sau lưng / suối vàng / xanh / tuôn
Dưới khe / bên suối độc / cheo leo/ chòi canh/ ven rừng hoang
Những người/ đi / Nam Tiến
Dừng lại đây/ giữa / đèo núi quê hương
Tóc tai/ trùm/ vai rộng
Không nhận ra/ người làng
Rau khe/ cơm vắt/ áo/ pha màu/ sa trường
Ngày thâu/ vượn hót
Đêm canh/ gặp hùm / lang thang
Gian nan lòng không nhợt
Căm hờn trăm năm xa
Máu thiêng trôi dào dạt
Từ nguồn thiêng ông cha

Giặc/từ trong/ tràn tới
Giặc/từ Vũng Rô/ bắn qua/Đèo Cả/ vẫn/ giữ vững
Chân đèo/ máu giặc/ mấy lần/ nắng khô
Sau mỗi trận thắng
Ngồi bên suối đánh cờ
Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu

Suối mang/ bóng người
Trôi những về đâu....

Hữu Loan (hay 1946 ?)

Tình Thủ đô
“Được viết vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước – chắc chắn là sau chiến dịch biên giới (1950) và trước chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - với một xu hướng cách tân rõ rệt, trường ca Tình Thủ đô là một trong số những bài thơ tự do hiếm hoi trong Kháng chiến chống Pháp thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của dòng Thơ mới (1939 - 1945). Tiết tấu hoạt, gân guốc, câu ngắn (thường chỉ hai, ba âm tiết), sắc gọn như mũi chông, hình tượng bất ngờ cắm phập vào cảm quan: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa... Nắng loá tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối...”, những điểm chấm phá gợi cảm như tranh Seurat: “Mắt em biếc/ Một chiều xưa/ Quan Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu/ Tháp Rùa...”. Ngoài giá trị nghệ thuật cao – chuyện này còn phải bàn dài dài khi có dịp - bài thơ còn đặc biệt thân thiết với thế hệ chúng tôi bởi lẽ nói cách nào đó, nó là một phần của cái quá khứ mà bọn tôi vẫn coi là thời hoàng kim của cách mạng. Cùng với những câu thơ, khổ thơ được hồi nhớ, những kỷ niệm cũng trỗi dậy, chúng tôi như sống lại cả một thuở xa xưa”….(Dương Tường)

Trên những chuyến xe bò/ Đi về đường Trèm Vẽ
Việt Bắc âm u/ Đường dài Thanh Nghệ
Người Thủ đô tản cư/ Đoàn xe đi
Chở nặng tâm tư/ Một góc nhà/ Một hè phố
Mắt em biếc/ Một chiều xưa
Quan Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu Tháp Rùa
Một thằng bạn/ Một thằng con/ ở lại
Khấp khểnh xe đi/ Vấp vào đêm tối
Thủ đô/ Ngày mùa thu
Thủ đô/ Cờ bốc lửa/ phố dài
Cờ bốc lửa/ công trường Nhà Hát lớn.

Thủ đô/ Ngày Tổng Khởi Nghĩa
Ngày Thủ đô chờ đón/ Đoàn Giải phóng quân về
Qua cầu Long Biên/ Sông bóng người đi
Vai cao rộng/ Mặc núi rừng Việt Bắc
Ai về Thủ đô/ Khăn thầm nước mắt
Quốc ca mình/ Đoàn lính Việt đầu tiên
- Có người làng đi/ Trong đoàn lính trẻ.
Thủ đô/ Tuần Lễ Vàng
Hà Nội dãy dọc toà ngang
Quên giai cấp/ Trong căm thù dân tộc
Thủ đô/ Ngày Tuyên Ngôn Độc Lập
Thủ đô/ Ngày Tổng Tuyển Cử đầu tiên
Những ngày Thủ đô/ Như ộc máu triền miên
Máu những người Tây giết/ Chảy về từ lịch sử
Tiếng hát/ Vùng lên/ Xích xiềng rơi vỡ.
Thủ đô/ Ngày Tàu trắng/ Quốc dân đảng
Và thực dân/ Nghênh ngang phố chật
Bắt cóc/ Tống tiền/ Khiêu khích/ Bắn người
Đám ma đi/ Cờ đỏ phủ quan tài
Phố Ôn Như Hầu/ Những người bị giết/ Xác quăng đầy hố
Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa.
Thủ đô/ Quân lệnh đêm
Lựu đạn đen ngòm trong nắm tay
Rình sau mái ngói
Nắng loé tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối:
Thanh Niên Sống Chết Với Thủ Đô!
Mắt em thiếu nhi/ Hồ trăng Trung Thu:
Các anh hãy giữ non song/ Cho chúng em!
Bàn tay lớn/ Nhận lòng tin bé nhỏ.
Cụ Hồ hỏi anh em bộ đội:– Các chú liệu giữ được Thủ đô
Bảy ngày?Một rừng nắm tay
Thét tiếng:– Thề với Bác!
Lửa cháy Thủ đô/ Chân trời hấp hối
Xác thằng bạn/ Xác thằng con
Trên hè phố Thủ đô/ Giặc khởi hấn rồi!
Đường tản cư khuya/ Lửa toé sắt bánh xe bò
Một Quyết tử quân hy sinh/ Là một đoàn giặc chết/ Một Quyết tử quân hy sinh
Và bắt đầu từ đó/ Những ngày đêm Thủ đô
Tàn sát/ Khu Đồng Xuân/ Lính Trung đoàn Thủ Đô
Đâm giặc trên bàn thịt/ Như chọc tiết bò
Đuổi giặc/ Vật lăn trên nóc chợ
Hai tháng giết nhau/ Một đêm thủ đô
Có đoàn Quyết tử/ Cắt máu tay ăn thề
Ngõ vắng Thủ đô/ Những đơn vị rút đi
Góc phố Thủ đô/ Bóng những người ở lại/ ánh hoàng hôn lên
Liệm tròn huyết thệ/ Người Quyết tử quân/ cuối cùng.
Những người dân Thủ đô/ Về với giặc ở chung
Phải đốt cờ đỏ sao vàng/ Thức đêm may cờ ba sắc
Và những sớm mai/ Tay xót xa/ Đem treo cờ giặc trước nhà
Ai về Hà Nội/ Thấy Hà Nội xa hoa
Thấy Hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội/ Giặc xây thêm ngục tù
Xe Phòng Nhì/ Chở từ ngoại ô/ Từng đoàn người xiềng tay/ Về qua phố tối.
Ai về Hà Nội/ Thấy Hà Nội xa hoa/ Thấy Hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội Ngã-Tư-Sở/ Hà Nội Khâm-Thiên
Đèn khuya chảy vàng/ Những hộp đêm/ Mọc theo tiếng giày đinh
Của đoàn Tây mũ đỏ/ Tiếng xe tăng viễn chinh
Chiều đi bụi phố/ Và giữa trưa Hà Nội yên lành/ Hồi còi rú thất thanh
Kêu như người tắc họng/ Một xác Việt gian/ Ngã tư/ nắng đọng
Lũ lượt kéo nhau về Hà Nội/ Từng đoàn thiêu thân/ Mang trong mình định mệnh
Mủ đờm nhớt lạnh/ Và uế khí hôi tanh/ Sợ ánh sáng và gió lành
Tôi thành thép/ Cánh tay người Kháng Chiến
Từ vùng tự do/ Có người vào nội thành/ Ném chứng thư Việt Minh
Trên dòng song/ Chào thằng bạn chiến khu/ Mà phục tấm lòng.
Đêm Thủ đô/ Rét đến/ Trong chăn bông
Nghe lạnh chiến khu Vũ/ Cơm gia đình/ Đũa bát nhớ người đi.
Và những sớm mai/ Từng đoàn phi cơ giặc/ Chở tóc tang đầy trong thân sắt
Ra những miền quê xanh
Tiếng bom dội về/ Chuyển Hà Nội mênh mông
Tìm người Hà Nộ/ Rung lên như đất chuyển
– Những người Thủ đô tản cư
– Những đồng bào kháng chiến.
Những em mùa thu/ Đi trong đoàn thiếu nhi
Lớn lên/ Tìm đường chiến khu Việt Bắc.
Những người ngày xưa/ Ghét Việt Minh/ Bắt đầu chờ đợi
Bao giờ Việt Minh/ Mới đánh vào Hà Nội/ Cho ánh sáng xa hoa/ Vỡ rơi thành bóng tối
Trên xác người máu me/ Ngổn ngang gạch ngói?
Đến bao giờ Việt Minh/ Mới đánh vào Hà Nội?
Những người bắt sống Le Page/ và Charton
Những chiến sĩ Cao Bằng - Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
Đang chuyển về Trung Du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi Thủ đô.
Mắt vời xa/ Cô gái Hà Nội tản cư/ Đẹp trong màu áo vải quê mùa
Sẽ còn những ai/ Trong đoàn quân trở lại
Ngày thủ đô chiến thắng tưng bừng?
Em về Thủ đô/ Chân phố cũ/ Ngập ngừng
Khoảng cuối 1950 - đầu 1951
(Dương Tường & Mạc Lân ghi lại theo trí nhớ. Tác giả Hữu Loan đã xem lại)

Hoa Lúa
Nếu bài Màu Tím Hoa Sim ông làm để khóc vợ đầu, thì bài Hoa Lúa ông làm để tặng người bạn đời đã sát cánh cùng ông hơn nửa thế kỷ.
“Hữu Loan kết hôn hai lần, lần thứ nhất vào đầu năm 1948 với bà Lê Đỗ Thị Ninh, là con gái của nguyên Tổng thanh tra nông lâm xứ Đông Dương Lê Đỗ Kỷ, Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946.
Tháng 5 năm 1948, bà Ninh mất khi mới 16 hay 17 tuổi và bài thơ Màu tím hoa sim ra đời. Sau đó ông kết hôn với bà Phạm Thị Nhu, một nông dân, bài thơ Hoa lúa (1955) chính là bài thơ viết tặng người vợ thứ hai này.”

Em là con gái đồng xanh
Tóc dài vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
Giếng ngọt, cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm
Trong lời em từng lời
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một
Em ca giữa đồng xanh bát ngát
Anh nghe quê ta sống lại hội mùa
Có vật trụi, đánh đu, kéo hẹ, đánh cờ
Có dân ca quan họ
Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Quê hương ta núi ngất, sông đầy
Bát ngát làng tre, ruộng lúa
Em gái quê hương mang hình ảnh quê hương
Xa em năm nhớ, gần em mười thương
Còn bàn tay em còn quê hương mãi
Em mang nguồn ân ái
Căng ngực trẻ hai mươi
Và trong mắt biếc nhìn anh
Em gái quê si tình
Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn…
Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt
Quê hương ta ơi từ nay càng đẹp
Tình yêu ta ơi từ nay càng sâu
Ta đi đầu sát bên đầu
Mắt em thăm thẳm đựng màu quê hương.
Hữu Loan (1955)

Màu Tím Hoa Sim
Nói đến bài Màu Tím Hoa Sim, người viết nhờ đến cách đây hơn 5 năm, bài thơ này đã đuợc Giáo sư Thomas D Lê dịch sang Anh ngữ và phổ biến trên trang nhà Lê World vào cuối tháng 11 năm 2004. Nhưng chỉ trong vòng hai tuần tin một doanh nhân ở Việt Nam đã mua đứt bản quyền bài thơ nên bản dịch sau đó đã đuợc chính chủ nhân Le World xóa bỏ ra khỏi trang Le World, dù ông LVC, người mua bản quyền bài thơ đã xác định là vì bài thơ dịch đã hoàn tất trước khi hợp đồng hoàn tất nên không có vấn đề chi. Mọi nỗ lực gửi bài thơ dịch đến ông Hữu Loan cũng không thành công.
Năm năm đã trôi qua, nhà thơ Hữu Loan đã ra đi, bài thơ dịch sang Anh ngữ đã được chính chủ nhân bản dịch mang phổ biến trở lại.

Màu tím hoa sim
(Khóc vợ Lê Đỗ-thị-Ninh)

Nàng có 3 người anh
đi bộ đội
những em nàng
có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người vệ quốc quân
xa gia đình
yêu nàng
như tình yêu em gái
ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giầy đinh bết
bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi
*
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
lấy chồng đời chiến binh
mấy người đi trở lại
nhỡ khi mình không về
thì thương người
vợ chờ
bé bỏng
chiều quê
*
Nhưng không chết
người trai khói lửa
mà chết người
gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
má tôi ngồi bên mộ con
đầy bóng tối
chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh
vây quanh
*
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi ! giây phút cuối
không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
*
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ
nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa ... !
*
Một chiều rừng mưa
ba người anh,
từ chiến trường Đông Bắc
biết tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về
rờn rợn nước sông
đứa em nhỏ nhớn lên
ngỡ ngàng
nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng
chân mộ chí
* * *
Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
dài
trong chiều không hết
màu tím hoa sim
tím
chiều hoang biền biệt
* * *
Có ai hát như từ chiều
ca dao nào
xưa xa
“Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh chưa có
mẹ già chưa khâu”
* * *
Ai hát vô tình hay
ác ý với nhau
chiều hoang tím
có chiều hoang biết
chiều hoang tím
tím thêm màu da diết
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà,
vợ anh mất sớm...
* * *
Màu tím hoa sim
tím tình tang
lệ rớm...
* * *
Ráng vàng ma và
sừng rúc điệu quân hành
vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm
chiều hoang màu tím
* * *
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ
dù lâu...
(Hữu Loan 1949)

Bổ túc.
Hữu Loan lấy cô Lê Đỗ Thị Ninh ngày 6 tháng 2, 1948.
Hữu Loan đuợc tin cô Ninh chết vì tai nạn ngày 29 tháng 5, 1948.
Hũu Loan làm bài thơ Màu Tím Hoa Sim vào có lẽ vào những tháng đầu của năm 1949.
Nguyễn Bính phổ biến bài thơ Màu Tím Hoa Sim trên báo Trăm Hoa ở Hà-nội vào năm 1956.

Dưới đây là phần trích dẫn bài viết của Violet và Trịnh Hưng đăng trên Vietcyber nói về thời gian Hữu Loan lấy vợ và lý do Hữu Loan gọi mẹ cô Ninh là “má” thay vì là “mẹ”. .

Vì sao có bài Màu Tím Hoa Sim

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nhà nghèo nhưng chăm học nên ông đỗ được bằng tú tài 1, sau đi dạy ở các trường tư thục để mưu sinh.
Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, sau được điều lên làm Uỷ viên văn hoá trong Uỷ ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa.
Từ những ngày đầu kháng chiến, ông phụ trách tờ báo chiến sĩ của Quân khu 4. Năm 1954 tiếp quản thủ đô, ông được mời ra làm trong ban biên tập văn nghệ.
Bài thơ "Màu tím hoa sim" được Hữu Loan viết năm 1949. Bài thơ tuy chỉ kể chuyện riêng của một người mà hình ảnh và mỹ cảm lại thoát ra khỏi "cái tôi" để đến với nhiều người, tạo nên sự đồng cảm sâu xa, chan hoà trong thế giới tâm linh huyền diệu.
Vào khoảng năm 1937-1938, cậu học trò Hữu Loan rời quê lên tỉnh, học tại trường trung học ở thị xã Thanh Hóa. Tại đây, Hữu Loan làm gia sư tại nhà ông Lê đỗ Kỳ, Tổng thanh tra nông lâm Đông Dương, về sau là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vợ ông Kỳ, bà Đới Thị Ngọc Chất, rất thương yêu Hữu Loan nên nhận làm con nuôi. Còn cô học trò nhỏ Lê Đỗ Thị Ninh lúc đó mới 8 tuổi, kém thầy chừng 13-14 tuổi, rất mến thầy và luôn quấn quít bên thầy.

Năm 1941 Hữu Loan lên Hà Nội thi đỗ bán phần tú tài rồi trở về Thanh Hóa dạy hoc. Năm 1947, trong buổi họp khai mạc "Tuần lể vàng", Hữu Loan đọc một bài diễn văn hùng hồn kêu gọi lòng yêu nườc và hy sinh của toàn dân, cô Ninh từ trong hàng ngũ bước ra tháo bỏ vòng xuyến để quyên góp cho chính phủ.
Sau đó Hữu Loan nhập ngũ, phụ trách báo chiến sĩ và vẫn đươc coi như con cái trong nhà ông Kỳ, bà Chất, thỉnh thoảng vẫn đi về thăm cha mẹ nuôi và "em nuôi". Thế rồi tình yêu của Loan đối với cô Ninh chợt đến lúc nào không hay và cha mẹ cô Ninh cũng vun vén vào cho đôi trẻ. Ngày 6-2-1948 một đám cưới đơn giản giữa anh chàng Vệ quốc quân và cô "em nuôi" được tổ chức trong sự vui mừng và tình thân yêu của gia đình và bè bạn…
Ngày 29-5-1948, khi đang là Trưởng ban tuyên huấn của Sư đoàn 304 đóng ở Thọ Xuân, Thanh Hoá, Hữu Loan bỗng được tin sét đánh: Cô Lê Đỗ Thị Ninh đã chết! Nhà thơ Vũ Cao kể: "Tôi còn nhớ cái buổi cách đây đã hơn 40 năm, ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh (Hữu Loan) báo cho tôi biết cái tin đột ngột: Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung toé xuống bàn, mặt anh tái xanh.

Cái tin sét đánh ấy khiến Nguyễn Hữu Loan tan nát cõi lòng. Nỗi đau dồn nén ấy sang năm sau -1949- thì chín muồi để bật thành lời, thành một bài thơ bất tử.

Bài thơ được Hữu Loan cất mãi trong túi áo, cho đến một hôm, Vũ Tiến Đức, biên tập cũ của Hữu Loan, tình cờ lấy được, đem đọc cho bè bạn, cho bà Ngọc Chất nghe, thế là bài thơ được phổ biến nhanh chóng. Về sau Nguyễn Bính đem bài thơ ấy đăng lên báo Trăm Hoa ở Hà Nội (1956) mà tác giả không hề hay biết.

(trích một phần trong bài viết của Violet đăng trong Vietcyber)

Tôi chỉ gặp Hữu Loan có một lần khoảng năm 1992, 1993. Anh cùng tôi đến dự cuộc họp mặt văn nghệ ở nhà một người bạn. Tôi thấy anh vui vẻ, hay cười nhưng không nói nhiều, không tranh nói, không muốn làm người nổi nhất đám, anh em hỏi gì anh mới nói. Tối ấy tôi nhớ anh nói hai chuyện:
một: bà mẹ vợ anh là người Nam, ông Kỳ vào làm việc trong Nam và cưới bà, nên trong Thơ anh "Má tôi ngồi bên mộ con.." chứ không phải "Mẹ tôi..",
hai: khi bài thơ Mầu Tím Hoa Sim được phổ biến trong quân đội, anh bị kiểm thảo vì bài thơ làm mất tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, anh kể trong những cuộc họp, anh bị nhiều văn nghệ sĩ -- như Tô Vũ -- chỉ trích kịch liệt, tối ngủ, chính mấy kẻ chỉ trích anh nặng lời nhất lại mò đến chỗ anh nằm, khều anh, nói nhỏ:" Loan ơi..Thơ mày hay quá. Đọc cho tao chép.."
(trích trong bài viết của Trịnh Hưng đăng trong Vietcyber)

Trong Thi Ca Tình Sử Việt Nam, mối tình của Hữu Loan chắc chắn sẽ sống mãi với thời gian qua bài thơ của ông.


Những bài thơ khác của Hữu Loan

(Sóng Việt sưu tầm)

Cũng những thằng nịnh hót

Dưới thời kỳ Pháp thuộc
Những thằng nịnh hót nghêng ngang.
Lưng rạp trước quan Tây/ Bắc vợ như thang/ Chân trèo danh vọng;
Đuôi vợ chúng đi/ Lọt theo đầu chúng.
Bao nhiêu nhục nhằn/ Nhục mất nước muôn phần
Nhục cùng nước/ với những thằng nịnh hót

Một điều đau xót/ Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa
Những thằng nịnh còn thêng thang đất sống
Không quần chùng, áo thụng/ Không thang đàn bà
Nhưng còn / thang lưng/ thang lưỡi.
Những mồm không tanh tưởi, / Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt / Phùng mang/ Thổi vào rốn cấp trên:
" Dạ, dạ, thưa anh,.../ Dạ, dạ, em, em,..."
Gãi cổ/ gãi tai :
" anh quên ngủ / quên ăn / nhiều quá! "
"Anh vì nước / vì dân/ hơn tất cả/ từ trước đến nay. "
Chân xoa/ và xoa tay/ Hít thượng cấp/ cứ thơm / như múi mít.
Gọi như thế là/ phê bình cấp trên / kịch liệt
Gặp cấp trên chủ quan/ Mũi như chim vỗ cánh
Bụnh phềnh như trống làng
Thấy mình đạo đức tài năng hơn tất.

Như thế là chết rồi: Quân nịnh tha hồ lên cấp/ Như con gì nhà gác lên thang.
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan/ Còn đi đây đi đó
Lưỡi và lưng/ Lắm thằng gian khổ

Chúng nói ở đâu/ Thối thóc thuế
Mục kho hang/ Phong trào suy sụp
Nhân dân mất cắp đang giữa ban ngày/ To cánh và to vây,

Những ai không nịnh hót/ Đi, mang cao liêm sỉ con người.
Chúng gieo họa, gieo tai/ kiểm thảo/ hạ tầng.../ ...Còn quy là phản động
Có người đã chết oan vì chúng.
Vẫn thiết tha yêu chế độ,/ đến hơi thở cuối cùng.
Nguy hiểm thay/ Thật khó mà trông/ Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức, / Bằng quan điềm nhân dân/ bằng lập trường chính sách.

Chúng nó còn thằng nào/ Là chế độ chúng ta chưa sạch/ Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết mọi thằng.
Những người đã đánh bại xăm lăng/ Đỏ bừng mặt vì những tên quốc xỉ/ Ngay giữa thời nô lệ
Là người, chúng ta/ không ai biết/ cúi đầu.

9-1956
Hữu Loan

Nếu Anh Không Đi (*)

Nếu anh ra đi/ Mẹ già anh khóc / Trai thời loạn li/ Thương con khó nhọc
Nếu anh ra đi / Người vị hôn thê / Những giọt nước mắt / Đọng trên hàng mi
Nếu anh không đi / Mẹ già anh khóc / Trai thời loạn li / Mà không ra đi
Mẹ già thương con / tóc trắng / Nhưng mai cờ về / Chiến thắng / mà con không về
Mẹ thà như / lá rụng / chiều quê / Và ngày mai / Con về / Cỏ vàng nấm đất
Nhưng khi nước mất / Vì vị hôn thê / Mà con không đi
Nếu anh không đi / Người vị hôn thê / Mặt nghiêng / tay che / Đêm thương lời thề
Thà đợi người đi / Già / trên lời thề
Nhưng khi nước mất / Trai làng ra đi/ Mà anh không đi!
Hữu Loan (1950)
(Trong tập 45 bài thơ của Hữu Loan do Nguyễn Hữu Đán, người con trai út của Hữu Loan sưu tầm và ghi chép lại)
(*) Dương Tường ghi tên đề tựa là Tòng Quân

Thánh mẫu hài đồng

“Nhà thơ Hữu Loan suốt đời mình luôn khắc ghi hình bóng người vợ đầu. Sau bài thơ Màu tím hoa sim bốn mươi hai năm, ông lại làm bài thơ này hồi tưởng lại đêm tân hôn đầu tiên của mình. Bài thơ vẫn đúng chất hồn và giọng điệu Hữu Loan, đầy ắp cảm giác cảm xúc đôi lứa tình yêu. Đây còn được gọi là bài Tục Màu tím hoa sim.”

Em ngả cánh tay còn nhiều/ ngấn sữa
Cho ta làm gối gối đầu/ đêm tân hôn
Sao lại không chính là tay ta/ đỡ trước lấy vai nàng
Ta râu ria như râu thép gai/ như xương chổi
Gân guốc sù xì phong sương/ như một gốc cây rừng
Ta lo lắng sợ tay nàng gãy
Tay nàng mảnh mai như một/ nhánh huệ trong bình!
Nhưng lạ thay/ nàng ghì đầu ta như/ chẳng hề hấn chuyện gì!
Chỉ có chuyện là/ ta thấy ta càng lúc/ càng thêm nhỏ bé trong/ vào ngực măng tơ
Chà dụi/ Rúc tìm/ Tham lam/ Cuống quýt/Ngẩn ngơ/ như một hài nhi/khát/ mẹ
Nàng càng riết chặt/ ta càng thấy bé
Vòng tay nàng đánh đai/ Nàng thì thào thổn thức/ bên tai
- Anh của em!
- Anh vô cùng lớn của em!
Nhưng trái lại/ Anh đang rất bé.
Nàng:
- Anh ơi anh!
Ta:
- Mẹ ơi mẹ!
Bằng một giọng học nói/ Hài nhi bập bẹ/ (trong hơi thở trộn nhau/ bốc men)
- Tôi đối thoại hay là/ vô thức nói.
*
Sau đêm ấy là/ em đi/ đi/ mãi!
Em đi tím đất chiều hoang
Ta như mất mẹ/ khóc/ tang/ hai lần!
*
Xin kính cẩn hôn chân
Tất cả những đấng gái Việt Nam
Đã sớm mang chất/ mẹ/ loài người.
*
Em trong mẹ/ Mẹ trong em/
Em/ ngôi thánh mẫu hài đồng

Hữu Loan 1991

Ngoài những bài thơ trên, còn một số bài thơ chưa ghi lại trọn vẹn, không được mang lên.

Kết Luận

Và để kết thúc tưởng không còn chi hay hơn là đọc lại những hàng thơ của chính ông nói về ông.
Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời
Ðã làm thất bại âm mưu
đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn long lóc
thế nào
thì lăn lóc.
Chân lý đấy
hỡi
rìu
bào
phó mộc


Tác giả những hàng chữ này xin trân trọng cảm ơn tất cả văn nhân thi sĩ và những người ái mộ thơ và nhà thơ Hữu Loan, đã mang những tin tức về ông lên mạng lưới vi tính và đó là những nguồn để có bài viết này.

Sóng Việt Đàm Giang
18 April 2010

Saturday, June 19, 2010

Nhớ Bố



Một ngày cho bố

Bố thương mến của con,

Đã hơn ba mươi lăm năm qua, không tuần lễ nào, tháng năm nào mà con không nhớ đến bố, ngày nào con cũng đi ngang qua hình bố trên bàn thờ thờ cúng tổ tiên, và con vẫn không khỏi ngậm ngùi ân hận không được nhìn thấy bố một lần chót trước khi bố nhắm mắt lìa đời.

Là con gái út, bố dành cho con nhiều độc quyền, nhiều ưu tiên, và cho con nhiều thời giờ hơn với các anh chị của con.
Bố bận rộn những ngày con còn nhỏ khi bố phải làm việc cực khổ để nuôi gia đình, vàchúng con không bao giờ thiếu thốn vật chất. Lớn lên vào trong Nam, bố dành nhiều thì giờ hơn và những cuối tuần bố đã dắt chúng con đi chơi khắp nơi mà con nhớ nhất là những buổi đi dạo trong sở thú, đi coi gánh xiệc với những trình diễn hồi hộp mà con nhắm mắt nắm chặt tay bố vì sợ. Khi mẹ bảo con học đàn thì bố muốn con học nấu cơm tây, nên con đã có đặc ân của cả bố và mẹ.
Con đã hàng giờ ngồi say mê nhìn bố vẽ những bức tranh thủy mạc mực tầu mài nghiên ống nước, kỷ niêm bốn bức tranh Mai Lan Cúc Trúc của bố vẫn còn đây...
Những ngày bố đau vì bệnh suy tim mỗi ngày một gia tăng, mẹ thường bảo con mang thức ăn vào phòng riêng cho bố vì bố phải ăn nhạt và uống thuốc. Bố không chịu ăn nhạt và mẹ biết con có thể năn nỉ bố để bố siêu lòng.

Ngày bố và mẹ rời Việt Nam đi du ngoạn và bố nói bố sẽ đi vào nhà thương bên Âu Châu để BS chẩn đoán và trị bệnh, con không ngờ đó là lần chót chúng con thấy bố.

Bố đã giã từ cõi đời sau một bữa ăn trưa và trong giấc ngủ buổi trưa tại nhà thương, nhẹ nhàng êm ái . Như vậy đó !! Thật khó cho con chấp nhận sự thật. Tại sao? Tại sao? Bố còn quá trẻ, bố mới 56 tuổi !!

Con vẫn nhớ bố, con vẫn ngậm ngùi...Bố ơi, dù con đã trưởng thành, dù con đã thành công trên trường đời, trong tâm tưởng con vẫn là đứa con gái nhỏ bé được bố cưng chiều suốt một đời. Bố mãi mãi là thần tượng, là người cha yêu kính, là một nghệ sĩ có ảnh hưởng đến sự phát triển cá tính của con.

Con luôn luôn yêu thương kính trọng bố. Con của bố.

G.
6/16/2002

Sunday, June 13, 2010

George Sand_Lucile-Aurore Dupin



Lucile-Aurore Dupin
George Sand
(1804-1876)

Sóng Việt Đàm Giang

“Một ngày nào đó, thế giới sẽ biết đến tôi và hiểu tôi; nhưng nếu ngày đó không tới thì cũng không thành vấn đề, tôi đã mở một con đường cho những phụ nữ khác.” George Sand (1)

Bạn thân mến,

Một sự tình cờ, khi trả lời bạn lúc này tôi ra sao, đang bận làm chi, và tôi ngoài những chuyện kể thông thường có nhắc đến việc đang đọc hai cuốn sách nói về nhà văn nữ George Sand. Tôi không ngờ điều này đã gây hứng thú cho bạn và kết quả của sự trao đổi trên phương diện văn chương này đã mang lại nguồn hứng cho tôi để viết về George Sand.

Bạn có cho hay tháng Năm nay ở Pháp, ngày 1 và 8 tháng 5, 2010, đài truyền hình có chiếu một cuốn phim gồm hai phần, kể một phần cuộc đời của George Sand không trên khía cạnh văn chương hay những mối tình của GS mà nói về tài quán xuyến của GS tại Nohant, nơi mà cuộc đời của George Sand đã gắn liền với và cho đến hiện tại là nơi an nghỉ ngàn thu của bà và gia đình của bà.
Tưa đề của phim là Sand và Fanchette, với Fanchette là nhân vật được George Sand bao bọc, va nuôi dưỡng. Không được xem và không biết cuộn phim với nội dung tiểu thuyết này ra sao, nhưng làm tôi nghĩ xem người thiếu nữ này có thể là ai?

Trong quảng cáo cho cuộn phim: vào tháng 7 năm 1846, một cô gái mang tên Fanchette được Sand mướn đến để làm công việc bếp núc và sau đó vì cảm thương cô gái này mà Sand đã điều đình mua cô về làm công việc nhà cho bà. Bà đã dậy dỗ cô ta và xem cô ta như là một người rất gần gũi để bà tâm sự. Chuyện cho hay Fanchette là một nhân chứng đặc biệt và đôi khi đồng loã chứng kiến những bất hòa, những gây gỗ cãi nhau giữa Sand với Chopin, với người tình, với cô con gái tên Solange. Phim đuợc quay không phải ở Nohant mà tại Salvanet, gần Limoges.

Fanchette là ai?
Nếu Fanchette là một cô gái giúp việc được Sand dậy đọc và viết trong phim dựa theo tài liệu thì có thể là cô gái giúp việc tên Luce (Lucette) Caillaud. Sand đã nhắc đến tên Lucette Caillaud và giải thích lý do bà dạy Lucette học trong một lá thư gửi cô con gái bà, Solange, sau khi Solange viết thơ trách móc Sand đã không chú ý đến cô mà lại chú ý đến cô bé giúp việc nhà. (George Sand. Elizabeth Harlan, Solange and Chopin, page 217, chapter 20). Nhưng ngoài một lá thư được biết đến này, Lucette không hề đưọc Sand nhắc đến nữa. (2)

Cô gái thứ hai được Sand nhắc đến rất thường trong nhiều lá thư được chính thức công bố, đó là Augustine Brault. Vậy Augustine Brault là ai?
Augustine Brault là người bà con họ xa của bà Simone Victoire, mẹ của Sand. Bố Augustine là thợ may, mẹ Augustine là một người giai cấp bình dân. Sau dịp hè năm 1844 mà bà Sand đã mời họ đến chơi thì Sand có ngỏ ý với bố mẹ Augustine là bà muốn nhân Augustine là dưỡng nữ và muốn tài trợ cho Augustine được học chữ, bà đã toại nguyện sau khi trả cho bố mẹ Augustine một số tiền. Trong những thư từ được công bố, bà cho biết bà muốn Augustine làm bạn với con bà, nhất là cô con gái Solange. Năm 1846 Solange được 17 tuổi, con trai Sand, Maurice 24 tuổi và Augustine 21 tuổi. Nhưng có lẽ bà có một ẩn ý khác đó là bà muốn gán Augustine cho con trai bà, mặc dù lúc đó Maurice vẩn còn đang yêu Pauline Garcia (vợ Viardot), và chỉ xem Augustine như một người em đáng yêu.
Như vậy nhân vật giả tưởng trong phim Sand và Fanchette có lẽ căn cứ lỏng lẻo trên Augustine Brault.

Bạn cũng như tôi, chúng ta biết George Sand qua những ngày còn mài đũng quần ở Trung học với La Petite Fadette hay La Mare au Diable, mơ hồ biết tác giả George Sand là một người đàn bà có nhiều cá tính mạnh, đàn ông tính, ưa mặc quần, và hút thuốc, một hiện tượng lạ trong thế kỷ mà Sand hiện hữu. Và thêm chút nữa Sand là nữ văn sĩ có liên hệ tình cảm với thi sĩ Alfred Musset, và nhạc sĩ Chopin.
Đúng là bạn với tôi đã không chú ý đến gia tài văn chương đồ sộ mà bà đã lưu lại cho hậu thế, về lập trường chính trị, về tài quán xuyến gia trang Nohant ở vùng Berry hay tình bằng hữu thắm thiết của bà với rất nhiều văn nhân nghệ sĩ thời đó. Cũng vì thế mà bây giờ tôi cố gắng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của George Sand.

Lucile-Aurore Dupin (3)

Lucie- Aurore Dupin sinh ngày 01/07/1804 tại vùng đồng quê Nohant, vùng Berry miền trung nước Pháp (Aurore sinh đúng vào năm Napoléon lên ngôi hoàng đế). Sinh ra trong một dòng dõi quí tộc, cha là một sĩ quan quân đội Napoléon, nhưng mồ côi cha lúc 4 tuổi (cha chết vì bị té ngựa) và được bà nội nuôi nấng ở lâu đài Nohan, Aurore được gửi vào tu viện Augustines chuyên dành cho giới quý tộc để học latin và những môn khoa học.
Khi trở về Nohant sau thời gian học ở tu viện, người có ảnh hưởng nhiều đến cá tính của Aurore là gia sư Jean Louis François Deschartres, một người đã dậy dổ bố Aurore từ khi ông mới 11 tuổi. Qua sự dậy dỗ của Deschartres mà Aurore quen với lối mặc quần để cưỡi ngữa phóng chơi khắp đồng ruộng trang trại vùng Berry và từ đó lối trang phục này đã theo Aurore suốt đời.
Năm 18 tuổi, 1822 Aurore làm vợ Nam tước Dudevant, và có hai con, một trai, một gái. Nhưng cuộc tình này, chỉ kéo dài được tám năm rồi chấm dứt vào cuối năm 1830 (lúc đó Aurore 26 tuổi). Sự thỏa thuận giữa Dudenant và Aurore là Dudenant chăm sóc con trai, Aurore chăm sóc con gái và Aurore sống một nửa thời gian ở Paris, một nửa ở Nohant.
Đầu năm 1831 lên sống ở Paris, Aurore trở thành người tình của nhà văn Jules Sandeau và hợp tác với Sandeau để viết cuốn tiểu thuyết Rose et Blanche. Cuốn Hồng và Trắng này được phát hành vào tháng 12, năm 1831với bút hiệu là Jules Sand. Aurore lấy một phần tên và họ của người tình để làm bút hiệu cho mình.
Cuối năm 1831 Aurore trở về Nohant và mài miệt viết văn cùng quán xuyến việc nhà Aurore có cho Sandeau biết nàng cần không khí tự do thoải mái để viết văn và sự ràng buộc với Sandeau làm Aurore ngột ngạt không sáng tác được
Aurore trở lại Paris vào mùa Xuân 1832 với cuốn tiểu thuyết Indiana và đứa con gái ba tuổi rưỡi.
Mối tình của Aurore với Sandeau cũng chỉ được một thời gian ngắn. Aurore chia tay với Sandeau vào tháng 3 năm 1833. Năm 1832, Aurore cho xuất bản tiểu thuyết Indiana với bút hiệu George Sand (Aurore bỏ chữ Jules thay vào đó là chữ George và giữ lại chữ Sand). Ngay lập tức cuốn Indiana gây được tiếng vang. Và năm 1833 là cuốn Lélia. Cuộc đời George Sand bắt đầu bước sang một giai đoạn mới.
Ký hợp đồng với tạp chí Revue des Deux Mondes, một tờ báo có tiếng, George Sand viết không ngừng không nghỉ, bà thường viết từ nửa đêm đến sáng, ngủ từ sáng đến trưa mới dậy. Và từ Paris vào mùa xuân năm 1833, mối tình đầy sóng gió giữa Sand và Alfred de Musset bắt đầu xẩy ra.
Cuộc đời của George Sand rất phức tạp và có liên hệ đến nhiều văn thi nhạc sĩ đương thời. Chúng ta tạm ngừng ở thời gian Sand đang có người yêu là Musset.

Với 244 tựa đề sách mang tên bà gồm 90 tiểu thuyết, truyện kể, truyện ngắn, 20 vở kịch, 10 quyển sách về cuộc đời mình và hơn 20,000 bức thư … .
Với một văn phong phong phú, hài hòa và hùng biện, những tác phẩm của bà làm độc giả phải ngưỡng phục. Một số tác phẩm của George Sand đã viết về thiên nhiên, đồng quê với một lối viết rất trong sáng dễ cảm gây rất nhiều cảm tình với người đọc.Văn hào Flaubert đã viết rắng rất khâm phục tài kể chuyện của George Sand, các nhà văn như George Eliot, Dostoeivski nói về ảnh hưởng của bà đối với những sáng tác của họ, v.v…

Một số tiểu thuyết và kịch bản

Rose et Blanche (1831, with Jules Sandeau), Indiana (1832), Valentine (1832), Lélia (1833), Andréa (1833), Mattéa (1833), Jacques (1833), Kouroglou / Épopée Persane (1833), Leone Leoni (1833), Simon (1835), Mauprat (1837), Les Maîtres mosaïtes (1837), L'Oreo (1838), L'Uscoque (1838), Spiridion (1839), Un hiver à Majorque (1839), Pauline (1839), Horace (1840), Consuelo (1842), La Comtesse de Rudolstadt (1843, a sequel to Consuelo), Jeanne (1844), Teverino (1845), Le Péché de M. Antoine (1845), Le Meunier d'Angibault (1845), La Mare au diable (1846), Lucrezia Floriani (1846), François le Champi (1847), La Petite Fadette (1849), Les Maîtres sonneurs (1853), La Daniella (1857), Elle et Lui (1859), Jean de la Roche (1859), L'Homme de neige (1859), La Ville noire (1860), Marquis de Villemer (1860), Mademoiselle La Quintinie (1863), Laura, Voyage dans le cristal (1864), Le Dernier Amour (1866, dedicated to Flaubert), La Marquise (1834).

Kịch bản
Gabriel (1839), François le Champi (1849), Claudie (1851), Le Mariage le Victorine (1851), Le Pressoir (1853, Play), French Adaptation of As You Like It (1856), Le Marquis de Villemer (1864), L'Autre (1870, with Sarah Bernhardt).

Người đàn bà dũng cảm
Có thể viết George Sand là người đàn bà dũng cảm, dám đi tiên phong trong nhiều vấn đề xã hội, nhất là vấn đề giải phóng phụ nữ. Sự dũng cảm của Sand đã gây nhiều phản ứng lợi có, hại có.
Với những người chỉ trích, phê bình bà, George Sand đã viết:
“Một ngày nào đó, thế giới sẽ biết đến tôi và hiểu tôi; nhưng nếu ngày đó không tới thì cũng không thành vấn đề, tôi đã mở một con đường cho những phụ nữ khác.”

Nhưng các tác phẩm của George Sand không chỉ thuần tuý miêu tả thiên nhiên hay thuộc loại kể chuyện mà còn mang những tiếng nói thâm thuý thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, bác ái, đặt nặng vấn đề giải phóng phụ nữ. Những nhân vật nữ trong tác phẩm của bà thường là những con người cá tính mạnh, cuơng trực, vượt lên nghịch cảnh để chống lại sự bất công trong xã hội.

Là người đương thời với các đại thi hào như Victor Hugo, Balzac và Flaubert, v.v… nhưng George Sand không được nhắc đến nhiều trong thế kỷ 20 như ở thế kỷ 19. Cho đến nay, phần đông vẫn chỉ biết Sand qua một vài tác phẩm, nhưng nhà văn Victor Hugo, trong một lá thư gửi cho George Sand vào ngày 19 tháng 06,1875, đã viết “bà là người tạo ra những tác phẩm tuyệt vời, bà là người đứng đầu trong giới phụ nữ, bà có một chỗ đứng duy nhất, trên phương diện nghệ thuật, không chỉ ở thời đại đương thời, mà ở trong tất cả mọi thời đại…bà đã làm vẻ vang cho thế kỷ và cho Pháp quốc chúng ta”.

Năm 2004, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của George Sand, nước Pháp đã cho ấn hành loại tem 0.50 euro với hình Sand bên góc trái tòa nhà của bà ở Nohant để tưởng nhớ và vinh danh người nữ văn sĩ tài ba này. (4)

Sóng Việt
21 May 2010

1-George Sand. Trong Ma Blibliothèque. Truy cập May 19, 2010 từ
http://www.livres-online.com/-Sand-George-.html
2-Harlan E. (2005). George Sand. Yale University Press.
3-George Sand . Trong Wikipedia, the free encyclopedia. Truy cập May 19, 2010 từ http://en.wikipedia.org/wiki/George_Sand
4--Timbres de France 2004. Trong L’Encyclopédie libre. Truy cập May 19 2010 từ http://fr.wikipedia.org/wiki/Timbres_de_France_2004

La Belle Dame sans Merci_John Keats


Tranh họa của Arthur Hughes


Người Đẹp Tàn Nhẫn
La Belle Dame sans Merci - John Keats

Sóng Việt

La Belle Dame sans Mercy (Người Đẹp Tàn Nhẫn) nguyên thủy là tên một trường ca viết năm 1424 của nhà thơ Pháp Alain Chartier (1385-1433). La Belle Dame sans Mercy với nhiều bản chép khác nhau nhưng tựu chung kể chuyện một tình nhân đau khổ và người đẹp tàn nhẫn có trái tim cứng rắn hơn cẩm thạch.
Vào cuối tháng Tư, 1819, nhà thơ Anh thuộc trường phái lãng mạn John Keats đã viết một bài thơ thể điệu dân giả mang tên La Belle Dame sans Merci (bài thơ nguyên tác của Alain Chartier mang đề tựa La Belle Dame sans Mercy) với nội dung khác biệt, gồm 12 đoạn thơ, mỗi đoạn gồm 4 dòng.
Bài thơ kể lại cuộc gặp gỡ giữa một chàng hiệp sĩ với một người đẹp. Một hôm, khi lang thang trên đồng vắng chàng gặp một người thiếu nữ có ánh mắt hoang dại. Nàng dẫn chàng đi vào động tiên. Họ đã có một ngày hạnh phúc chứa chan. Rồi nàng ru chàng hiệp sĩ đi vào giấc ngủ. Khi tỉnh giấc, thì chàng hiệp sĩ thấy mình đơn độc trên đồi lạnh. Và sau đó chàng cứ lang thang vùng đồng vắng đã gặp người đàn bà đẹp để cố tìm lại bóng hình cố nhân (1), (2). Bài thơ được viết dưới dạng kể chuyện chàng hiệp sĩ trả lời câu hỏi của người kể chuyện.
Bài thơ La Belle Dame sans Merci của John Keats sau đó đuợc chuyển tiếp sang hội họa, và cả âm nhạc, Người đẹp trong bài thơ này trở thành đối tượng trong tác phẩm của một số họa sĩ theo trường phái hội họa thời trước Raphael ở Italy như: John William Waterhouse, Arthur Hughes, Walter Crane, Thomas Francis Dicksee, Frank Cadogan Cowper, v.v…

La Belle Dame sans Merci

Nguyên tác

La Belle Dame sans Merci, 1819
Oh what can ail thee, knight-at-arms,
Alone and palely loitering?
The sedge has withered from the lake,
And no birds sing.
*
Oh what can ail thee, knight-at-arms,
So haggard and so woe-begone?
The squirrel's granary is full,
And the harvest's done.
*
I see a lily on thy brow,
With anguish moist and fever-dew,
And on thy cheeks a fading rose
Fast withereth too.
*
I met a lady in the meads,
Full beautiful - a faery's child,
Her hair was long, her foot was light,
And her eyes were wild.
*
I made a garland for her head,
And bracelets too, and fragrant zone;
She looked at me as she did love,
And made sweet moan.
*
I set her on my pacing steed,
And nothing else saw all day long,
For sidelong would she bend, and sing
A faery's song.
*
She found me roots of relish sweet,
And honey wild, and manna-dew,
And sure in language strange she said -
'I love thee true'.
*
She took me to her elfin grot,
And there she wept and sighed full sore,
And there I shut her wild wild eyes
With kisses four.
*
And there she lulled me asleep
And there I dreamed - Ah! woe betide! -
The latest dream I ever dreamt
On the cold hill side.
*
I saw pale kings and princes too,
Pale warriors, death-pale were they all;
They cried - 'La Belle Dame sans Merci
Hath thee in thrall!'
*
I saw their starved lips in the gloam,
With horrid warning gaped wide,
And I awoke and found me here,
On the cold hill's side.
*
And this is why I sojourn here
Alone and palely loitering,
Though the sedge is withered from the lake,
And no birds sing.

Bản đầu tiên được Keats sáng tác ngày 21 tháng 4 năm 1819. Bản hiệu đính theo đề nghị của Leight Hunt ra mắt trong The Indicator, ngày 10 tháng 5 năm 1820. (3)

Người Đẹp Tàn Nhẫn

1
Hỡi chàng hiệp sĩ có điều chi xẩy đến
Mà một mình lang thang buồn bã xanh xao
Cỏ lác đã héo úa bên hồ kề cạnh
Chẳng có tiếng chim ca hát trên cao
2
Hỡi chàng hiệp sĩ có điều chi xẩy đến
Mà quá hốc hác như kẻ nặng sầu đau
Tổ chú sóc cho mùa đông đã đầy ắp
Và mùa gặt hái cũng đà hết từ lâu
3
Ta thấy người vầng trán xanh như huệ
Với khổ đau và sương rịn đầm đìa
Sắc diện mặt mất màu hồng đôi má
Coi sao nhợt nhạt héo úa thế kìa
4
Tôi đã gặp trên đồng một nàng đài các
Đẹp vô cùng, một tiên nữ diễm kiều
Tóc như suối gót hài nàng bước nhẹ
Và đôi mắt thật hoang dại thần kỳ
5
Tôi kết vòng hoa đặt lên đầu nàng đôi
Tròng cổ tay và quàng cả vòng eo
Nàng nhìn tôi như thể đà yêu đậm
Rên rỉ dễ thương lời thật ngọt ngào
6
Tôi bế đặt nàng lên yên chiến mã
Và cả ngày nào có thấy chi đâu
Suốt lô trình nàng nghiêng đầu hát nhẹ
Bài ca thần tiên êm ái tràn đầy
7
Nàng cho tôi cội nguồn hương dịu ngọt
Và mật hoang, thực phẩm thật lạ kỳ
Với ngôn ngữ lạ lùng nàng đã thốt
-“Yêu anh em thật sự yêu anh rồi”.
8
Nàng dẫn tôi vào hang động ái ân
Nghe tiếng nàng thổn thức rên đớn đau
Và tôi khép đôi mắt nàng hoang dại
Bằng nụ hôn bằng những nụ hôn dài.
9
Cũng nơi đó nàng ru tôi vào giấc ngủ
Và tôi đi vào mộng - Than ôi! chuyện xẩy ra!
Giấc mơ cuối cùng mà tôi đã từng mộng
Một mình tôi đang lạnh lẽo trên sườn đồi
10
Tôi thấy vua, thấy hoàng tử xanh mét
Tất cả đều nhợt nhạt như nhau
Họ hò hét – “Người đẹp không thương người
Tàn nhẫn bỏ mi làm nô lệ.”
11
Trong choạng vạng tôi thấy bờ môi đói
Miệng mở lớn thật khiếp đảm kêu gào
Và chợt tỉnh để thấy mình đơn độc
Một mình tôi đang lạnh lẽo trên sườn đồi
12
Vì thế đấy nên tôi còn lưu lại
Lảng vảng đây mình ủ rũ xanh xao
Dù cỏ lác bên hồ đà héo úa
Và cũng chẳng nghe tiếng chim hót trên cao.

Sóng Việt phỏng dịch

Bàn luận
Sau đây là vài hàng chủ quan bàn về nội dung bài thơ. Sự phân tích tâm lý bài thơ không nằm trong khuôn khổ bài viết này.

Người đọc thấy chàng hiệp sĩ đang cô đơn buồn bã trong cảnh vật tiêu điều, nhà thơ kể cho độc giả thấy cỏ úa, hồ khô cạn nước, và không có chim ca hát (chẳng có vật sống). Tuy cảnh vật tiêu điều nhưng chàng hiệp sĩ vẫn muốn ở đó. Ta có thể hình dung là chàng hiệp sĩ ở đó vì có một sự kiện nào đó đã xẩy ra, và vì thế mà chang lang thang đến nơi này để thoát ra khỏi cái cuộc sống thực tế não nề đau khổ và thay vào đó là một thế giới hoang đuờng đẹp đẽ hơn. Bởi cốt tránh cái thực tại chán chường, chàng đã dùng óc tưởng tượng của mình để tạo nên một thế giới mà sự ao uớc ham muốn của chàng có thể thực hiện đuợc. Chàng tưởng tượng chàng có một tình yêu với một người đàn bà đẹp, một người cho chàng cái cảm giác được ham muốn và hãnh diện. Trong thế giới thật chàng hiệp sĩ xanh xao xanh xao ốm yếu, nhưng trong thế giới ảo khi chàng gặp người đàn bà đẹp thì chàng trở nên một người có sức mạnh và chủ động như kể lại bằng một giọng hùng hồn là đặt nàng lên yên ngựa, lắng nghe nàng hát. Người đẹp đã làm chàng quên trạng thái cô đơn và cho chàng tình yêu chàng khao khát đón chờ. Chàng làm vòng hoa cài đầu, vòng tay và trên thân nàng nữa. Chàng cho ta cái ý nghĩ mơ hồ đây là một thế giới nào đó, một thế giới ảo tưởng. Chàng miêu tả người đẹp như là một nàng tiên, cho người đọc cái cảm tưởng nàng không thuộc về thế giới trần tục vì nàng có cái nhìn hoang dại, có ngôn ngữ lạ kỳ.
Một thế giới liêu trai huyền bí chăng? Đúng thế: một người đẹp như tiên chợt đến khiến chàng hiệp sĩ can đảm tiến tới bước đầu. Nhưng rồi chàng không chủ động được nữa mà dần dần trở nên lệ thuộc vào hành động của nàng. Hãy nghe chàng hiệp sĩ kể: nàng dẫn chàng vào hang động ái ân, cho chàng tuyệt đỉnh đam mê làm nàng rên rỉ thổn thức, rồi nàng vỗ về chàng vào giấc ngủ và rồi chàng thiếp vào cơn mộng. Trong cơn mộng, chàng thấy những người hoàng tộc có những cặp môi đói, há hốc gào thét cảnh báo cho chàng biết nàng là một người không biết thương tiếc ai sẽ rời bỏ chàng, biến chàng thành nô lệ trong tư tưởng. Thức giấc chàng hiệp sĩ như trở lại thực tế, một thực tế phũ phàng khiến chàng nghĩ đến thân phận mình và nhận thức mình đã sống trong thế giới ảo tưởng. Nhưng tại sao chàng không rời bỏ ảo tưởng mà trở về thực tế được? Phải chăng chàng vẫn khao khát được trở lại với cơn mộng và hưởng được cảm giác sung sướng đã một lần trải qua? Vẫn buồn bã đấy nhưng chàng vẫn mang hy vọng và không muốn rời bỏ nơi hoang vu thiếu sự sống này. Câu trả lời của chàng hiệp sĩ mang lại cho độc giả sự suy nghĩ và kết luận tùy thuộc vào cảm nhận của từng cá nhân.

John Keats
Vài hàng tiểu sử (4)

John Keats (31 October 1795 – 23 February 1821) – nhà thơ Anh, người cùng thời với Shelley, Byron, một trong những thi sĩ tiêu biểu của trường phái lãng mạn Anh thế kỷ XIX.
John Keats sinh ở Moorgate, London, là con trai lớn của Thomas Keats và Frances Jennings Keats, thuộc gia đình khá giả.
Năm 1804 bố mất, mẹ đi lấy chồng khác ngay sau đó nên các con ở với bà ngoại. Năm 1810 mẹ chết vì bệnh lao phổi.
Từ năm 1803-1811 Keats học ở trường tư, năm 1811 học ngành y ở King's College London. Thời gian này Keats đã rất thích thơ ca, nên dù tốt nghiệp ngành y nhưng Keats lại theo đuổi sự nghiệp thi ca. Năm 1817 Keats cho in tập thơ “Poems”, năm sau in tiếp trường ca “Endymion”. Bài thơ La Belle Dame sans Merci làm năm 1819. Năm 1820 Keats in tập thơ cuối cùng.
Keats mất ở Italy vì bệnh lao phổi vào ngày 23 tháng Hai năm 1921. Ông được mai táng tại nghĩa trang Tin lành ở Rome (Protestant Cemetery, Rome); trên mộ không đề tên mà chỉ đề dòng chữ: “Nằm đây, Tên của một người đuợc viết trong nước” (Here lies One / Whose Name was writ in Water).


Cuộc đời của Keats thật ngắn ngủi nhưng Keats đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.

Những tác phẩm nổi tiếng của John Keats gồm Endymion , Hyperion , St. agnes Eve , Ode to a Grecian urn , Ode to a nightingale, On Melancholy , То autumn , Isabella.

Như đã viết ở trên, bài thơ La Belle Dame sans Merci của Jonh Keats đã gợi hứng cho nhiều bức họa thực hiện vào thời tiền Raphael ở Italy, trong bài viết này có tranh của 5 họa sĩ:
John William Waterhouse (1849-1917)
Arthur Hughes (1832-1915)
Walter Crane (1845-1915)
Thomas Francis Dicksee (1819- 1895)
Frank Cadogan Cowper (1877-1958)

Bức họa của JJ Waterhouse có lẽ miêu tả giai đoạn khởi đầu khi chàng hiệp sĩ vừa gặp người đẹp. (I)
Tranh của A. Hughes, W.Crane, và T.F. Dicksee cho thấy chàng hiệp sĩ dẫn nàng thong dong trên đường tới nơi người đẹp trú ẩn. (II, III, IV)
Và cuối cùng tranh của F.C. Cowper (V) miêu tả chàng hiệp sĩ đang ngủ mê man sau khi có một ngày tràn đầy hạnh phúc (ghi chú: hình này cho thấy một hiệp sĩ mặc nguyên bộ áo giáp năm ngủ khiến ta tự hỏi dưới mắt họa sĩ phải chăng đây một hoang đường trong giấc ngủ chăng?). (5)
Tưởng cũng nên nhắc lại một cách rất tóm tắt là từ thế kỷ thứ 12, hiệp sĩ là chức tước đuợc vua chúa trị vì quốc gia của họ phong cho người hoặc quyền quý hoặc có công lao với sứ sở của họ.

Sóng Việt
24 May 2010

Tài liệu tham khảo

1-La Belle Dame sans Merci (2010, May 19). Trong Wikipedia: the free encyclopedia. Truy cập May 21, 2010, từ http://en.wikipedia.org/wiki/La_Belle_Dame_sans_Merci
La Belle Dame sans Mercy: Introduction (2004). Truy cập May 21, 2010 từ
http://www.lib.rochester.edu/camelot/teams/sym4int.htm

2- Knight (2010, May 12). Trong Wikipedia, the free encyclopedia. Truy cập May 21, 2010, từ http://en.wikipedia.org/wiki/Knight

3- La Belle Dame sans Merci. Old poetry (2008). Truy cập May 21, 2010 từ
http://oldpoetry.com/opoem/783-John-Keats-La-Belle-Dame-Sans-Merci
http://englishhistory.net/keats/poetry/labelledamesansmerci.html

4- Tài liệu về John Keats truy cập May 21, 2010 từ
http://englishhistory.net/keats/life.html
http://www.answers.com/topic/john-keats
http://www.biography.com/articles/John-Keats-9361568?part=0

5- Những bức họa truy cập May 20, 2010

Hình I của J. W. Waterhouse từ
http://www.jwwaterhouse.com/view.cfm?recordid=20
Hình II của A. Hughes từ
http://www.1st-art-gallery.com/Arthur-Hughes/La-Belle-Dame-Sans-Merci-1861-63.html
Hình III của W. Crane từ
http://en.wikipedia.org/wiki/La_Belle_Dame_sans_Merci
Hình IV của T.F. Dicksee từ
http://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Frank_Bernard_Dicksee
Hình V của F.C. Cowper từ
http://www.artmagick.com/pictures/artist.aspx?artist=frank-cadogan-cowper

Thursday, June 10, 2010

Vài điển tích Trung Hoa trong bài nhạc Ngọc Lan

Vài điển tích Trung Quốc trong bài nhạc Ngọc Lan
của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước


Sóng Việt sưu tầm và biên soạn

Lời mở đầu.
Sau khi bài viết Mối Tình Học Trò của tác giả Nam Minh Bách nói về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và nguyên do sự ra đời của bản nhạc Ngọc Lan của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thì có một số thư trên các diễn đàn bàn về ý nghĩa lời bản nhạc. Mục đích của bài viết ngắn này không bàn về lý do hay nội dung tuyệt diệu của bài nhạc mà chỉ bàn về ý nghĩa và xuất xứ của một vài điển tích mà Nhạc sĩ Duơng Thiệu Tước đã nhắc đến trong bài.
Những câu thơ Kiều trích dẫn trong cuốn Nguyễn Du, Tác Phẩm và Lịch sử văn bản của Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính. Những dị bản của tác giả khác được đính kèm nếu có.

Ngọc Lan
Ngọc Lan, dòng suối tơ vương,
mắt thu hồ dịu ánh vàng
Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng,
tà mây cánh phong, nắng thơm ngoài song
Nét thắm tô bóng chiều, giấc xuân yêu kiều, nền gấm cô liêu
Gió rung mờ suối biếc, ý thơ phiêu diêu
Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng (1)
Dáng tiên nga, giấc mơ nghê thường lỡ làng
Ngọc Lan, trầm ngát thu hương,
bờ xanh bóng dương, phút giây chìm sương
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây
Cho tơ trùng đàn hờ phím loan (2)
Thê lương mây nước, sắt se cung đàn
Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong sương thắm
Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa Ngọc Lan (3)
Mờ mờ trong mây khói, men nồng u ấp,
duyên hững hờ dần dần vương theo gió
Tơ lòng dâng bao cùng thương nhớ...

Xin đuợc bàn về điển tích ba chữ mạch tương, phím loan và phút khuê ly

1-Mạch tương
Mạch tương, nước mắt.
Đây là một điển cổ, xuất phát từ truyện hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh khóc vua Thuấn. Tục truyền rằng vua Thuấn tuần thú phương Nam, bị mất ở đất Thương Ngô, là một quận của tỉnh Quảng Tây về sau. Hai bà vợ là hai chị em ruột cùng khóc chồng đến chảy máu mắt trên bến Tiêu Tương. Người đời sau có lập đền thờ hai bà tại Đông Tương và kể rằng giọt lệ hai bà rỏ trên bờ trúc ven sông làm trúc nổi vân thật đẹp. Từ đó về sau, trúc mọc trên bờ Tiêu Tương nổi tiếng có vân quý và nước mắt đàn bà mới gọi là mạch tương.

Truyện Kiều có câu:
"Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương".

(Câu 237, 238. Kiều sau giấc mơ thấy Đạm Tiên)

Là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong hội họa và thi ca Trung Hoa, Tiêu Tương thực ra là khúc hai con sông Tiêu và Tương hợp nhất, thuộc tỉnh Hồ Nam. Sông Tương phát nguồn từ Dương hải sơn ở tỉnh Quảng Tây, chảy ngược lên Hồ Nam qua huyện Trường Sa và rót vào Động Đình Hồ. Vì trúc Tiêu Tương có vân đẹp nên thợ khéo tỉnh Hồ Nam hay đến sông này mua về làm mành. Và cũng vì xuất xứ bi thảm của sông Tương, chữ mành tương là chỉ tấm màn cách trở tình yêu, và sông Tương chỉ sự chia ly, nhung nhớ.

"Mành Tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình."

(Câu 255, 256. Kim Trọng tương tư Kiều)

Sông Tương còn là điển tích từ mối tình buồn giữa Lương Ý Nương và người anh con cô con cậu là Lý Sinh, thời nhà Chu, đời Ngũ Quý. Mối tình vụng trộm của họ bị phát giác và ngăn cản, Ý Nương bị nhà đẩy xuống phía Nam sông Tương, Lý Sinh ở mạn Bắc. Lương Ý Nương hớp từng hụm nước sông mà nhớ đến người tình trên đầu nguồn, và làm bài thơ nói về sông Tương dù sâu cũng còn có đáy chứ nỗi nhớ nhung của nàng thì bất tận.

Một nguồn khác giải thích bài thơ Trường Tương Tư như dưới đây.
Trong "Tình sử" có chép như sau: vào triều nhà Chu đời Ngũ Quý (Ngũ Đại), có người con gái của Lương Tiêu Hồ 梁瀟湖 tên Ý Nương 意娘, cùng với Lý Sinh 李生 là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều. Nhân ngày trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày trời thu, Ý Nương viết bài thơ Trường Tương Tư gồm 7 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu.
Trích dẫn hai đoạn 4 và 5 như sau:

長相思

人道湘江深
未抵相思畔
江深終有底
相思無邊岸

我在湘江頭
君在湘江尾
相思不相見
同飲湘江水

Trường Tương Tư
Nhân đạo Tương Giang thâm,
Vị để tương tư bạn
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn

Ngã tại Tương Giang đầu
Quân tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủỵ

Nhớ nhau hoài
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu còn có đáy
Tương tư chẳng bến bờ

Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương

Trích bản dịch Vũ Ngọc Khánh

Bản Trường Tương Tư cũng có nhiều dị bản, nhưng chỉ nêu ra ở đây hai câu.
Bản chữ Hán và Hán Việt cho thấy nàng (chữ ngã) ở đầu sông Tương, và chàng (chữ quân) ở cuối sông Tương, nhưng hầu hết bản Việt ngữ đều dịch là chàng ở đầu sông Tương, nàng ở cuối sông Tương, lý do không bàn luận ở đây mà trong một bài viết khác.
Người viết nghĩ rằng căn cứ vào câu cả hai đều uống nước sông Tương là khá toàn ý.

Cũng như trong câu 365-366 của truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết đầu nọ, cuối kia để chỉ xa cách mà không nói rõ ràng ai ở đầu nào, ai ở cuối kia:

"Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia."

(Câu 365, 366. Tâm trạng Kim, Kiều)

2- Phím loan.

Ngoài câu 253, 254 trong Kiều
"Buồn văn hơi giá như đồng
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan,"

(254: Trúc xe ngòi thỏ, tơ trùng phím loan/Kiều Oánh Mậu)

trong Kiều còn (câu 725-726) có câu:
"Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em"

(726: Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em/Bùi Kỷ)

Ý nghĩa của chữ Phím loan
Trên internet có nhiều văn bản giải thích như sau:

Chữ loan trong phím loan xuất xứ từ chim loan mà ra.

Loan trong phím loan bắt nguồi từ chữ loan giao = Keo chế từ máu chim loan, tương truyền nối được dây cung đứt.
Theo Bác Vật Chí : Thời Hán Vũ đế, nước Tây Hải có người đem dâng 5 lạng cao. Vua cho đem cất vào kho, còn thừa nửa lạng sứ thần nước Tây Hải mang theo người. Sứ thần theo Vũ đế đi săn bắn ở cung Cam Tuyền. Dây cung vua đứt, các quan định thay, sứ thần Tây Hải xin lấy keo loan nối lại. Nối xong, vua sai lực sĩ kéo mỗi người một đầu dây nhưng vẫn không việc gì. Sứ thần Tây Hải nói cung có thể bắn suốt ngày mà dây không đứt. Vua lấy làm lạ lắm, nhân đó đặt tên là "Tục huyền giao" (Keo nối dây cung).

"Keo loan" hay chữ "loan giao" là một thứ keo chế bằng máu chim loan (phượng máu).
Sách "Hán Võ ngoại truyện" có chép: đời nhà Hán, triều Hán Vũ/Võ Ðế (140- 87 trước C.N.), dây cung đem ra căng bắn thường bị đứt. Bấy giờ miền Tây Hải có đem sang cống một thứ keo chế bằng máu chim loan gọi là loan giao, có tác dụng nối chắc dây lại. Nhờ đó mà bắn được suốt ngày. Võ Ðế mừng lắm, đặt tên thứ keo đó là "Tục huyền giao" tức là keo nối dây cung.

"Hán thư" cũng có chép chuyện.
Vua Võ Ðế truyền phu nhân Câu Pha đánh đàn. Nàng vặn trục so dây, tiếng đàn trỗi lên lảnh lót... Nhưng giữa chừng dây bỗng đứt. Nàng khóc, nói:
- Giữa lúc đàn đương ngon tiếng mà dây đứt ắt điềm gở
Nhà vua an ủi:
- Dây đứt nhưng có thể nối lại được, có gì mà gở.
Ðoạn sai người lấy keo loan chắp lại.

Lời bàn: Nếu keo loan hay cao chim loan là cao do nấu với xương cốt của chim loan mà thành (chứ không phải máu loan) thì có lẽ có ý nghĩa hơn là máu chim loan, vì nếu ai có dịp sờ chất cao thì thấy luôn luôn có chất dính làm dính tay. Nhưng nếu coi chim loan là một loài chim trong chuyện thần kỳ thì sự giải thích có tính cách khoa học không cần thiết (Sóng Việt).

Cao là gì? Cao là chất liệu cô đặc của xương cốt thí du như cao ban long, cao hổ cốt.
Cách nấu cao: Nấu cao tức là nấu vật liệu sau khi tẩy khử những tạp chất (như thịt, mỡ, tuỷ bám vào xương) bằng lửa cao vừa phải trong nhiều thời gian để tinh túy tan ra, mức nước sôi cạn thì phải canh chừng châm vào. Nấu cao bằng vạc hay chảo đụng lớn. Nước cốt được múc ra thành nhiều đợt, từ đậm rồi lạt từ từ để cuối cùng cô những mẫu nước cốt lại thành cao đặc . Đợt Nước cốt này được múc ra thì lại được châm nước sôi mới vào làm đợt khác. Giai đoạn cô cao phải canh chừng lửa vừa phải kẻo bị cháy nồi hỏng toàn mẻ cao. Ngày xưa, không có đồng hồ thì phải đốt nhang mà tính thời gian. Đại khái thì nấu cao hổ cốt, ban long, qui bản là như vậy. Ngày xưa, không có giấy bóng, người ta dùng lá chuối khô để gói sau khi cắt miếng rồi cân lượng, ghi nhãn bằng một vuông giấy hồng điều. (theo tài liệu trên internet)
Về thành phần hoá chất, những khảo sát thực nghiệm về cao hổ cốt cho biết cao hổ cốt chứa các chất sau: collagen, mỡ, calcium phosphate, calcium carbonate, magnesium phosphate, kalium carbonate - nhưng collagen là hoạt chất chính. Gelatin của Hổ cốt chứa 17 amino-acid. (theo tài liệu trên internet)
Vậy chất keo loan hay cao loan có lẽ chế bằng xương cốt mà không phải là máu chim loan (?) và đặc tính dính của keo loan do collagen mà thành (chính người viết ngày còn nhỏ rất nhỏ đã nhìn những miếng cao mầu nâu đậm xắt hình chữ nhật của bà nội).

Trong Chinh Phụ Ngâm bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm có câu
"Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng."
(câu 207)
Sợ làm đứt dây uyên ương (dây uyên kinh đứt) vì có thể báo hiệu điều không may của tình cảm đôi lứa; sợ cây đàn chùng dây (phím loan ngại chùng) gợi lên điều không may mắn của lứa đôi đang xa nhau.

Sự tích keo loan hay giao loan là như thế.

3- Khuê ly
Hai chữ khuê ly đuợc nhắc đến trong Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn
Chinh phụ ngâm (征婦吟, khúc ngâm của người chinh phụ), còn có tên khác là Chinh phụ ngâm khúc (征婦吟曲) là tác phẩm thơ của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741 giai đoạn sơ kỳ Cảnh Hưng và đuợc bà Đoàn Thị Điểm dịch ra cùng thời và về sau có thêm người dịch ra thơ Nôm.

不 勝 憔 悴 形 骸 軟
始 覺 睽 離 滋 味 酸 (câu 291)
Bất thăng tiều tụy hình hài nhuyễn
Thủy giác khuê ly tư vị toan
(Chinh Phụ Ngâm/Đặng Trần Côn )

Khuê ly trong câu 252/412 trong bản chữ Nôm của bà Đoàn Thị Điểm
"Khuê ly mới biết tân toan dường này."
Trong câu này chính bà Đoàn Thị Điểm cũng vẫn dùng chữ Hán nôm: Có chia lìa ngang trái thì mới biết đau xót cay dắng đến mực nào.


睽 Khuê: ngang trái
離 Ly: lìa tan chia rẽ
辛 Tân: cay đắng nhọc nhằn
酸 Toan: đau xót, mủi lòng

Nhớ phút khuê ly,...: nhớ phút chia lìa ngang trái...

Kết luận.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tài cao, kiến thức rộng, sự phong phú tư tưởng cùng dùng nhiều điển tích trong bài nhạc Ngọc Lan làm người viết những hàng chữ này đã nghĩ phải chăng ông thấu triệt điển tích và mang vào bài nhạc do am tường văn chương chữ Hán mà không nhất thiết dựa theo điển tích đã dùng trong những tác phẩm trước đó ? Và độc giả do quen thuộc với những tác phẩm văn học như truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm nên đã có ngay một sự liên tưởng không tránh được?

Sóng Việt Đàm Giang
05 June 2010