Tuesday, July 31, 2018

Tượng Đài Sư Tử Đá. Lucerne. Đàm Giang.



Tượng đài Sư tử đá



Một địa điểm của Lucerne không thể không đến thăm là Tượng đài Sư tử khắc vào núi. Tượng đài này nằm trên một ngọn núi nhỏ bên cạnh một công viên ở phía đông bắc của Lucerne. Tượng đài nằm trong vách đá nhìn xuống một hồ nước nhỏ, chung quanh có nhiều cây to cổ và bên bờ hồ có trồng nhiều  hoa.
                Tượng Sư tử đá ở Lucerne là một tượng đài điêu khắc sâu vào một tường thành bằng đá một Sư tử đang nằm chết ngay bên một bờ hồ của một ngọn núi nhỏ. Đây là một tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh muớn Thụy sĩ đã phục vụ và chết khi bảo vệ vua Louis XIV của Pháp trong thời Cách Mạng Pháp. Năm 1792. Khi nhóm Cách Mạng tấn công vào điện Tuileries ngày 10 tháng 8 năm 1792, thì nhóm lính Thụy sĩ đã hết lòng hết sức để bảo vệ hoàng gia và bảo đảm hoang gia trốn thoát được mà không hề biết rằng nhà vua và gia đình đã ra khỏi điện Tuileries rồi. Khi cạn hết dự trữ vũ khí đạn duợc thì nhóm lính Thụy sĩ bị giết chết.

Phía bên trên tượng đá Sư Tử có khắc một hàng chữ lớn: HELVETIORUM FIDEI AC VIRTUTI có nghĩa: “Để tưởng nhớ lòng trung thành và dũng cảm của những người Thụy Sĩ”.

Phía dưới hốc tượng Sư tử có khắc tên hai mươi sáu sĩ quan Thụy sĩ  đã chết  ngày 10 tháng 8 và mùng 2-3 tháng 9 năm 1792, và  số lính Thụy sĩ đã chết (DCCLX = 760) và số còn sống sót (CCCL = 350).

Có thể nói Tượng đài Sư tử được thành lập là do công sức của một sĩ quan Thụy sĩ tên Carl Pfyffer von Altishofen, thuộc giòng dõi của một gia đình có tên tuổi của Thụy sĩ. Năm 1792, Pfyffer đang nghỉ phép trong thời kỳ nhóm lính Thụy Sĩ đang chiến đấu tại điện Tuileries. Hai mươi ba năm sau đó, sau thời kỳ cách mạng chấm dứt vào năm 1815, và nước Pháp cũng như Thụy sĩ đã trở về với chánh thể bảo thủ, Pfyffer đã nhất quyết phải làm một tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh mướn xấu số này. Dự án ban đầu gặp sự phản đối của nhóm cấp tiến trước đó đã phản đối việc gửi lính đánh mướn đi các nơi. Mặc dù có sự phản đối này nhưng Pfyffer đã được sự ủng hộ của đa số dân Thụy sĩ nên dự án đuợc chấp thuận. Bắt đầu từ năm1818, Pfyffer đã cổ động việc đóng góp tiền để thực hiện đồ án.
Tượng đài kỷ niệm Sư tử được nhà điêu khắc Đan Mạch Bertel Thorvaldsen (1770-1884) thiết kế vào năm 1819 trong khi ông đang ở Rome, Italy. Và  Lucas Ahorn, một người thợ đá- hồ vùng nam nước Đức đã thực hiện việc khắc đá vào năm 1820-1821. Tượng điêu khắc hoàn tất được khánh thành ngày 10 tháng 8 năm 1821. Điêu khắc lớn này cao chừng 6 m (hơn 19 ft), dài cỡ 10 m (hơn 32 ft). Khởi đầu khu tượng Sư Tử đá này thuộc bất động sản tư nhân của tướng Pfyffer, nhưng hơn 60 năm sau đó đã được chính quyền mua lại. Hiện nay nơi này đuợc mở cửa tự do với giờ giấc loan báo tại cổng, không mất tiền vào chiêm ngưỡng.
Bước qua cánh cửa quét vôi trắng, người viết thấy lòng tự nhiên trùng xuống, trước mặt đây là  một bức vách thiên nhiên bằng đá, trên vách khắc sâu vào lòng đá là  tượng một sư tử trong thế nằm rất quý phái mắt nhắm nghiền, trên lưng có một cây giáo đã gẫy đâm sâu vào thân, có máu thấm trên lông, một chân như bảo hộ che chở đặt lên trên tấm khiên có biểu tượng nước Pháp/hoàng gia Pháp với hoa bách hợp (Fleur- de-lis), phía đầu có một khiên mang hình chữ thập dựng vào vách đá tượng trưng cho quốc gia Thụy sĩ.. Tuy nằm sắp chết nhưng sư tử vẫn oai phong, đau đớn nhưng vẫn chứa hào khí, không một chút rúm ró hay thảm hại…
Cảm xúc, bồi hồi đến một cách tự nhiên trong tâm người viết, hào khí thay, đẹp làm sao: giữa vách núi sừng sững, hồ nước lăn tăn chút sóng nhỏ, gió nhẹ lay động những cành cây lòa xòa bên bờ hồ, những chùm hoa hồng, hoa trắng ven bờ: tất cả như tôn vinh cái chết hào hùng của chúa sơn lâm, không có nơi nào thích hợp hơn! Mủi lòng đến nhỏ lệ, ồ tại sao cảnh có thể rung động lòng người đến thế!

 Ngàn Thu Sư Tử Đá

Sư tử nằm trong ổ đá cao
Bên hồ tĩnh mịch gợi nao nao
Ngả thân quý phái sầu bi đọng
Giáo gẫy xuyên lưng thống khổ trào
Chân đặt trên khiên Pháp biểu hiệu
Đầu kề Thụy sĩ giáo thanh cao
Xa ngoài náo nhiệt cùng nhầm lẫn
Một cõi oai phong đẹp biết bao
Đàm Giang

Trước khi kết thúc bài viết tưởng cũng nên ghi lại vài điểm quanh tượng đá Sư tử này.
*.Về những bàn luận quanh cái khung (ổ) của tượng đài Sư tử đá.
Nếu nhìn tổng quát cái khuôn chung quanh của tượng thì chúng ta thấy giống hình dạng một chú heo rừng (hog) với mũi nhọn hướng về  phía bên trái khi nhìn vào vách tượng và tai heo rừng vểnh lên thấy rõ.  Nhưng sự kiện này có chủ ý không và tại sao? Điều này thì hoàn toàn không ai biết rõ ngoại trừ những người thực hiện đồ án vào năm 1819-1821.
Ít nhất thì cũng có hai giả thuyết về cái ổ có hình dạng giống con heo rừng của tượng sư tử đá này.
 Có người cho rằng khi đồ án còn đang tiến triển, người đương quyền cho đồ án Tượng Sư tử đã không trả điêu khắc gia đúng số tiền mà hợp đồng đã đề ra, điều đã làm ông Thorvaldsen bất mãn. Với lòng tự trọng và tôn trọng công trình mỹ thuật cùng cảm tình với những người lính Thụy sĩ nên ông đã không làm xấu tượng điêu khắc mà cố tình đặt tượng vào lòng một khuôn hình dạng chú heo, một nhạo báng để đời cho chính quyền đương thời Thụy sĩ?
Có người lại cho rằng ông Thorvaldsen cố ý đặt tượng Sư tử vào khuôn con heo để tỏ lòng ác cảm với nền quân chủ Pháp đã dùng lính Thụy sĩ đánh thuê một cách bất cẩn, làm thiệt mạng hơn sáu trăm người lính Thụy sĩ một cách vô ích.
Ông Thorvaldsen có phải là nhà điêu khắc hời hợt coi trọng đồng tiền không? Tìm hiểu sơ về Thorvaldsen trên wiki thì chúng ta biết Điêu khắc gia người Đan Mạch này là một điêu khắc gia rất nổi tiếng, vào thời điểm 1819 ông vừa hoàn tất tượng Nilolas Copernicus tại Warsaw, Poland, và năm 1822 ông đang trong dự án hoàn tất tượng Đức Giáo Hoàng Pius VII, ông là người duy nhất theo đạo Tin Lành và  không phải là người gốc Ý nhưng được lãnh rất nhiều đồ án tại Ý và khắp nơi. Như thế có lẽ nào vì trọng đồng tiền mà ông làm tổn hại đến danh tiếng của mình?
Hoặc giả do một sự tình cờ mà khuôn đá khắc do ảnh hưởng của thớ đá lại mang hình dạng một chú heo rừng chăng?
*-Mark Twain (1835-1910) trong cuốn A Tramp Abroad. 1888 đã viết về Tượng đài Sư Tử đá, cảm tưởng của ông với nơi này và viết rằng nơi đây là một nơi buồn bã nhất và là một tác phẩm bằng đá cảm động nhất trên thế giới.
*- Thomas M. Brady (1849-1907) đã sao chép hình tượng sư tử đá này cho một Đài sư tử, khánh thành năm 1894, ở nghĩa trang lịch sử  Oakland, Atlanta, Georgia, USA, để vinh danh những người lính Liên minh (Confederate) vô danh đã được chôn tại nghĩa trang này. Tượng làm bằng đá cẩm thạch Georgia.

Sóng Việt Đàm Giang
Kỷ niệm một chuyến thăm viếng Lucerne
Tháng Tám năm 2012.

Ghi chú. Tài liệucho bài viết thu thập tại nhiều trang nhà khác nhau trên internet và Wikipedia

Tuesday, July 24, 2018

Street Photography. Chụp Ảnh Đường Phố.



Street Photography

Song Nuoc Nguyen thu thập.



Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng tại sao phần lớn những người chụp ảnh đường phố  bây giờ lại ưa thích chụp ảnh với tiêu cự góc rộng (18mm, 24mm, 28mm hay 35mm), và thường là khẩu độ f/5.6- f/8 hoặc nhỏ hơn. Vậy điều đó có liên quan gì với việc chụp ảnh dùng thủ pháp Layers, bài viết này mình xin chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm thực hành góp nhặt được của mình, phân tích và minh họa dựa trên những ảnh chụp Layers tốt và điển hình của bạn bè của mình.

Thủ pháp Layer

  • Layer ( hay còn gọi dân dã là lớp lang, tầng tầng lớp lớp.. ) có thể xem là một lớp ảnh, các bạn hình dung thế này : Giống như khi bạn chơi trò dán các mảnh giấy có hình thù, màu sắc khác nhau chồng lên 1 tấm giấy để tạo thành 1 bức tranh, thì Layer ở đây có vai trò giống như những mảnh giấy riêng biệt có hình thù, màu sắc khác nhau đó.
  • Đối với nhiếp ảnh đường phố nói riêng, thì những layer này giúp bức ảnh thể hiện được không gian về chiều sâu rõ ràng hơn, diễn tả được không khí rõ nét của bối cảnh cụ thể. Việc khéo léo kết hợp cùng tiêu cự góc rộng và khẩu độ nhỏ giúp những layer này mô tả rõ ràng những đối tượng trên nó, giúp bức ảnh trở nên sinh động, nhiều thông tin. Hay phối cùng với những thủ pháp cơ bản khác để tạo nên một bức ảnh thú vị gấp bội.

Thế nào là một ảnh có layer tốt? 

 một bức ảnh chụp Layer tốt sẽ dựa vào những yếu tố sau:
  • Tỉ lệ và khoảng cách những đối tượng trên mỗi layer phải thuận mắt và rõ ràng. Xa quá thì ảnh sẽ rời rạc thiếu tính kết nối, gần quá thì dễ khiến ảnh lộn xộn, cảm giác rất tức mắt khi xem.
  • Chủ thể trên mỗi layer hay toàn bộ phải có sự liên quan nhất định về mặt thị giác, hay tạo được tính liên kết về nội dung trong ảnh.
  • Việc kết hợp chụp layer cùng những thủ pháp khác phải thể hiện được không khí, đối tượng với tương quan hoạt động trong bối cảnh.
  •  
Hướng dẫn chụp ảnh layer cơ bản và những lưu ý 

  • Thông thường, mình sẽ sử dụng ống kính có tiêu cự 28mm hoặc 35mm cho thủ pháp này. Mình không thích sử dụng những tiêu cự quá rộng để chụp ảnh đời thường, phần vì rất khó để kiểm soát được hiệu ứng tiêu cự và những thứ lọt vào ảnh, dễ bị tình trạng thừa chi tiết hay bị méo ảnh gây cảm giác không tự nhiên.
  • Mình thích sử dụng khẩu độ từ f 5.6- f8 trong điều kiện ánh sáng tốt, và linh động tăng giảm khẩu độ cho phù hợp với bối cảnh hay ánh sáng từ môi trường để có được bức ảnh tốt nhất có thể.
  • Một bức ảnh thường có 3 layers chính đó là : tiền cảnh (foreground) hậu cảnh ( background) và khoảng giữa với đối tượng chính của ảnh. Ngoài ra việc chờ đợi để tìm kiếm thêm những đối tượng trên những layer khác để bổ sung hay kết nối chủ thể chính, giúp ảnh của bạn trở nên sinh động và đỡ nhàm chán hơn.
  • Nên linh hoạt chọn góc chụp đa dạng để tìm ra được cách thể hiện layers rõ ràng, cự li khoảng cách hay phối cảnh phù hợp.
  • Ngoài ra, người ta cũng thường hay sử dụng việc kết nối, chồng chéo những đối tượng ở layer liên tiếp nhau để gây nên hiệu ứng thú vị về thị giác. ( Ví dụ ảnh bên dưới )
Lưu ý
  • Không sử dụng ống kính quá rộng, hay khẩu độ quá lớn để chụp.
  • Những đối tượng trên layers cần rõ ràng, tránh tình trạng bị dính lên nhau nếu không có ý đồ gì.
  • Thủ pháp cũng chỉ là cách chụp để thể hiện tốt được nội dung mà bạn muốn chụp, tránh tình trạng lạm dụng, mà thay vào đó nên tập luyện khả năng quan sát, sự nhảy cảm với đối tượng, hành động hay không gian.
  • Nên kết hợp với những thủ pháp cơ bản khác, để không bị nhàm chán và căng cứng trong cách chụp và thể hiện nội dung hấp dẫn hơn.
  • Mời anh em xem thêm những ảnh rất thú vị chụp sử dụng thủ pháp này, một số có sự pha trộn với nhiều thủ pháp cơ bản khác.



Thiết lập thông số cho máy ảnh thế nào?

Hãy tập trung vào điều quan trọng
Có quá nhiều người cho rằng một bức ảnh tốt thì dù muốn dù không cũng phải liên quan đến những thiết đặt máy ảnh thủ công (Manual). Thực ra điều đó không đúng. Máy ảnh hiện nay đủ khả năng để tự làm hết mọi thứ. Vậy sao ta không tập trung vào việc lên bố cục và để cho máy ảnh lo việc mà nó có thể làm được ở các chế độ tự động. Bạn sẽ chẳng mất mát gì khi cài đặt máy ảnh của mình ở chế độ A/Av (nếu cần ưu tiên khẩu độ), S/Tv (khi cần ưu tiên tốc độ màn trập), và thậm chí chế độ P (tự động cặp khẩu độ và tốc độ màn trập).

Hãy tin tưởng máy ảnh của bạn
Thoạt đầu có thể bạn gặp khó khăn trong việc làm chủ tất cả những gì cần phải làm trong lúc chụp ảnh.

Chế độ P
Nếu mới bắt đâif mà chụp bằng chế độ thủ công (M), thì bạn đừng nghĩ mình sẽ nhanh thành thạo. Để bắt đầu, bạn chỉ nên dùng chế độ P và rồi ngày càng nên tinh tế hơn. Bạn cứ thử đi. Nó hoạt động rất tuyệt và tôi chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều. Đừng cho rằng mình là một người chụp ảnh kém khi sử dụng chế độ P. Những cách thiết đặt không phải là thứ làm cho bạn trở thành người chụp ảnh giỏi đâu. Hiểu rõ từng cách để dùng đúng lúc đúng cách mới là vấn đề.

Sử dụng chế độ A
Sau một thời gian, bạn sẽ một cách nào đó làm chủ được máy ảnh của mình và có thể chuyển sang chế độ A. Tôi thường hay sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ và nó rất hữu ích để điều chỉnh độ sâu trường ảnh của bức ảnh. Với những bức chân dung ngẫu nhiên, tôi luôn dùng chế độ A với khẩu độ là f/4 trong lúc máy ảnh tự thiết đặt tốc độ màn trập. Mở khẩu lớn hơn f/4, trong nhiều tình huống khoảng ảnh rõ (Dof) mỏng, nguy cơ độ nét không cao, theo tôi cứ từ f/4 là an toàn với loại ảnh này, trừ khi chắc chắn mở khẩu lớn hơn vẫn đảm bảo độ sắc nét cần thiết.

Chế độ S
Chế độ ưu tiên màn trập, tôi chỉ sử dụng khi muốn tạo những bức ảnh có chuyển động mờ nhòe. Khi một ai đó đang bước đi đằng trước một hậu cảnh thú vị, tôi có thể làm nhòe chuyển động của họ. Tôi dùng tốc độ màn trập khoảng 1/20 giây chẳng hạn dành cho một chủ thể đang di chuyển. Với mục đích này, đôi khi bạn cần phải sử dụng c hoặc phải chân máy hoặc đặt máy trên vị trí chắc chắn là máy ảnh không bị rung lắc.

Phơi sáng đúng
Với ảnh đường phố, tôi cho rằng việc có được mức độ phơi sáng đúng trên các bức ảnh còn quan trọng hơn là chế độ được sử dụng. Tôi thường dùng cách đo đa điểm với một điều chỉnh phơi sáng là -0.7EV trên chiếc Nikon của mình gắn ống kính 50mm. Đây là điều mà bạn phải thử nghiệm và tập làm quen với máy ảnh của mình để gia giảm EV cho phù hợp. Tôi không nghĩ là bạn có đủ thời gian để thay đổi các thiết đặt trong một chuyến đi chụp. Bạn phải biết rõ cái gì hiệu quả nhất trong phần lớn các tình huống.

Nói về ISO
ISO là vô chừng tuỳ theo cảnh huống ánh sáng. Thường thì luôn ưu tiên ISO thấp nhất có thể để ảnh được mềm mịn màng. Nhưng, ở bối cảnh bắt buộc, phải biết mình có thể nâng trị số ISO lên cao đến đâu, mà không bị nhiễu hạt quá nhiều. Điều này với mỗi máy ảnh mỗi khác và tôi luôn cố tránh không dùng các trị ISO cao. Nếu có một chiếc máy khử nhiễu tốt thì bạn đừng ngại để chế độ ISO Auto và giới hạn ở mức 3200 hay 6400...

 Một vài mẹo chụp ảnh đường phố

Cách 1 : chụp mà không bị để ý
Bạn có thể chụp ảnh đường phố mà người khác không hề để ý đến bạn. Đây có thể là cách tốt nhất để không gây ra phản ứng nơi họ. Người ta sẽ sinh hoạt bình thường một khi không nhìn thấy bạn với chiếc máy ảnh trên tay. Tôi thường thích người ta nhìn vào máy ảnh của tôi, vì như thế mới tạo ra được một nối kết nhất định; đó là một cách giao tiếp giữa người khác với tôi là người chụp ảnh trên đường phố. Có lúc cái nhìn đó không cần thiết, nhưng có những lúc thì lại là rất tốt.
Cách 2 : chụp bất ngờ
Một khả năng khác để chụp ảnh người ta trên đường phố, có thể là sự bất ngờ. Bạn chỉ việc đưa máy ảnh ngắm ai đó và nhấn nút chụp. Người ấy nhìn thấy bạn và nhận ra bạn chụp ảnh họ. Phản ứng từ kiểu chụp ảnh này có thể khác nhau, không tự nhiên, thậm chí còn bị “sốc” nữa là đằng khác. Nhiều người không muốn mình bị chụp ảnh và bạn có thể thấy được điều đó qua phản ứng của họ. Tôi thích kiểu chụp này trên đường phố, vì cách nào đó nó cũng cho thấy được thực tế. Tôi thấy có người tỏ ra bỡ ngỡ, giận dữ, bị “sốc” hoặc tùy bạn gọi nó như thế nào. Nhưng là thử thách thực sự, khi bạn muốn chụp những bức chân dung tự nhiên.
Cách 3 : xin phép để chụp
Và cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng, đó là bạn luôn có thể xin phép ai đó để chụp ảnh họ. Tôi chẳng bao giờ làm vậy hoặc họa hoằn lắm mới làm. Điều khó nhất là bạn làm sao nắm bắt được vẻ tự nhiên khi mà thường là người ta hay có khuynh hướng tạo dáng vì đã được báo trước. Vì là người xa lạ, nên bạn không biết được họ như thế nào trong trạng thái tự nhiên. Nếu không quen chụp ảnh đường phố và lo ngại những phản ứng của người ta, thì đây là có thể là cách tốt nhất để bắt đầu. Nó cũng giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp qua việc nói chuyện với người khác về một điều gì đó. Thậm chí bạn còn có thể nắm bắt được nhiều thông tin về một ai đó mà bạn không hy vọng có được, nhưng có thể là rất thú vị.

 Luyện tập chụp ảnh đường phố 

"Chiếc máy ảnh không tạo được một chút khác biệt nào.
Tất cả những gì chúng làm là ghi nhận những gì bạn đang nhìn thấy.
Nhưng bạn phải NHÌN THẤY"

Ernst Haas (1921 - 1986 Nhiếp ảnh gia Áo)

Tất cả là do con mắt của bạn
Trong nhiếp ảnh đường phố, chỉ có một điều duy nhất đáng tin cậy thực sự: Đó là con mắt, con mắt của bạn. Bạn phải nhìn thấy các sự vật mới có thể chụp được chúng. Bất luận máy ảnh của bạn đang dùng có là máy gì, hãng nào hoặc như thế nào chăng nữa, thì trước hết bạn phải nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra, trước tiên bạn phải nhận thức được điều gì xảy ra và liền ngay sau đó gần như bạn phải lên bố cục cho bức ảnh.
Hãy quên máy ảnh đi!
Nhiều người quá bận tâm đến máy ảnh, ống kính, các trang thiết bị, định dạng tập tin ảnh và các chi tiết kỹ thuật khác. Hãy quên đi tất cả những gì về kỹ thuật và các thiết đặt máy ảnh. Để máy ảnh của bạn ở chế độ P và đừng suy nghĩ thêm gì về nó nữa. Bạn phải rèn luyện con mắt của mình trước đã, sau đó mới có thể nghĩ đến chuyện chụp một quang cảnh.
Tập khả năng quan sát bén nhạy
Tập luyện đầu tiên là hãy tìm kiếm một tông màu. Chẳng hạn bạn có thể thử chỉ tìm những thứ có màu Vàng Cam và chụp suốt ngày với chỉ một màu ấy. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có rất nhiều thứ màu Vàng Cam bạn có thể nhìn thấy trong thành phố của bạn, mà trước đó bạn không để ý. Việc này có nghĩa là bạn phải tập trung nhìn vào một thứ duy nhất để thực sự nắm bắt đươc nó cách tốt nhất. Thậm chí bạn không cần phải chụp ảnh; bạn có thể bước đi, thả bộ thong thả và đảo mắt nhìn chung quanh, cố làm sao nhìn thấy cho được nhiều thứ có màu Vàng Cam trên đường đi.

Lời kết

Một chiếc máy đủ dùng, có khả năng bắt dính khoảnh khắc khi cần thiết, và quan trọng là có ánh sáng tốt, câu chuyện thú vị và bố cục xuyên suốt, nội dung truyền tải rõ ràng, ý tưởng mới mẻ... thì có nhiều khả năng bạn thấy sung sướng về những gì bạn đã làm,

Lang thang tìm kiếm chủ đề và hãy tập trung chụp. Đừng nản lòng khi gặp khó khăn trong việc tìm cách tiếp cận chụp hình người xa lạ mà bạn gặp. Bạn có thấy một ai đó đang ăn uống trên đường phố không ? Hoặc một ai đó đang đọc báo và không nhìn đường họ đang đi không ? Có người nào đó đang đi vào ngõ phố vắng vẻ không ? Hãy cố gắng tìm cho được một bối cảnh đẹp cho các bức ảnh của bạn, tìm cho ra ánh sáng hấp dẫn để làm nổi bật đối tượng chụp của bạn, có thể tách họ ra khỏi phần còn lại của thế giới chung quanh.

Quan trọng hơn cả, hãy nhanh chóng nâng máy ảnh của bạn lên và không một chút nghi ngờ cũng như không bỏ lỡ giây phút chủ chốt, “khoảnh khắc quyết định”, như Henri Cartier-Bresson khao khát.

Thiết lập máy ảnh

Khi chụp mấy bức ảnh đường phố, tôi thích chụp chế độ A ưu tiên khẩu độ và gia giảm EV tuỳ bối cảnh ánh sáng. Nếu tôi muốn chụp một người đang đi bộ xuống phố, nhưng lên khung cho bức chụp của mình sao cho có được nhiều nền trời bên trong mà bối cảnh hơi thiếu sáng thì sẽ tăng EV chẳng hạn. Nhưng nếu tôi muốn bắt dính những chuyển động, tôi sẽ ưu tiên tốc độ với chế độ S, chọn tốc độ từ 1/250s trở lên.
Tùy theo các kết quả sau đó, bạn sẽ muốn chọn một tốc độ chụp khá nhanh để bắt dính chuyển động lại. Ban ngày thì chẳng có vấn đề gì, nhưng ngay khi mức độ ánh sáng bắt đầu giảm dần thì việc chọn một ISO cao hơn sẽ trở thành thiết yếu. Hãy xem 1/200 giây gần như là độ nhạy tối thiểu cần chọn. Đôi lúc, có thể bạn giảm bớt tốc độ chụp xuống với ý đồ chụp một chuyển động mờ nhoè chung quanh đối tượng cố định, tách riêng nó nổi bật khỏi bối cảnh, thì bạn có thể chụp tốc độ màn trập chậm hơn tuỳ ý.
Độ sâu trường ảnh đủ sâu - khoảng ảnh rõ dày - giúp mang lại nhiều bối cảnh cho câu chuyện hơn, theo nghĩa đen. Thi thoảng bạn có thể để ý thấy mình ghi được nhiều đối tượng thú vị trong khung hình thay vì Dof mỏng xoá mù mịt hậu cảnh.

 Chất lượng hình ảnh 

Trong chụp ảnh đường phố, chất lượng ảnh lại chiếm vị trí thấp trong bảng đánh giá. Đối tượng, phong thái, câu chuyện, ánh sáng và bố cục – tất cả những thứ đó đều quan trọng nền tảng hơn độ sắc nét cao và độ nhiễu thấp... như các bác review đánh giá. Hiểu đúng được tất cả những điểm đã nêu sẽ dẫn đến những bức ảnh tuyệt vời, thậm chí có chút gì đó không rõ ràng và bị nhiễu. Tuy nhiên, ngay cả hình ảnh sắc nét nhất cũng vô dụng nếu chẳng có gì để xem thực sự, ngoại trừ chi tiết chính xác và màu sắc rõ ràng.


Về độ sâu trường ảnh (dof)
Độ sâu trường ảnh không được sâu cũng vẫn là những bức ảnh đơn giản trông rất đẹp. Một ống kính 50mm f/1.8 chụp một chiếc giày cũ – dof mỏng trông rất tuyệt, dẫu chỉ là một chiếc giày. Nhưng với chụp ảnh đường phố, độ sâu trường ảnh không được sâu thì khó để bức ảnh tốt được. Với máy ảnh có thể điều chỉnh khẩu độ, bạn chọn khẩu độ đủ nhỏ (f/4 - f/16 tuỳ tình huống) để có trường ảnh đủ sâu, với điện thoại thì không phải lo lắng điều này vì chụp một trung cảnh đến đại cảnh thì trường ảnh luôn rất sâu.

Thursday, July 12, 2018

Thăm Vùng Địa Nhiệt Namafjall Hverir. Iceland. SVĐG

  Vùng Địa Nhiệt Námafjall Hverir.


Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Námafjall Hverir. Không thể không chiêm ngưỡng 
 vùng địa nhiệt Namafjall Hverir, nơi mà từ xa chúng ta đã thấy hơi khói bốc lên ngùn ngụt,
 và lại gần thăm thì mùi lưu huỳnh sông lên mạnh đến khó thở.


 Đây  một khu vực địa nhiệt nhiệt độ cao với những chậu bùn ở vùng Mývatn. 
Nhiệt độ dưới sâu bên trong chậu bùn đạt tới 200 độ Celsius. Hơi nước bốc lên tạo khí 
fumarole (hydrogen sulfide), với mùi khó ngửi phát ra. Bạn có thể đã quen với mùi lưu huỳnh 
ở khắp nơi ở Iceland, ngay cả trong nước uống nhưng tại nơi đây bạn sẽ không bao giờ quen 
với mùi lưu huỳnh cực mạnh của khu vực này. Khu vực địa nhiệt Namafjall Hverir không lớn lắm ,
 chúng ta không cần ở lâu, 30 phút ghé xuống thăm và chụp hình cũng đủ. 
Dù mùi khó ngửi nhưng cảnh nơi này thật đặc biệt và cá nhân tôi rất vui thích đã có cơ hội được
 thăm viếng nơi này. Khu vực xung quanh cũng rất đẹp và đầy màu sắc.
 
Có thể nói khu vực địa nhiệt Namafjall Hverir là một trong những địa điểm đẹp nhất 
chúng tôi ghé thăm. Chúng tôi nhìn thấy nó ngay từ bên đường cao tốc vành đai chính 
của Iceland: mặt đất không đồng đều, với các vết nứt trên đá đỏ. Cao hơn và xa hơn một chút
 ở phía sau là ngọn núi Namafjall làm hậu cảnh cho những hố khói fumeroles, tỏa đầy hơi lên cao
 vào trong không khí. Lại gần hơn nữa thì được nhìn tận mắt những vũng tròn  xám sôi sục 
sủi  bùn nóng liên miên. Những vũng bùn đuợc tạo nên trong những khu vực địa nhiệt 
với nhiệt độ cao và nơi không có nhiều nước. Vũng bùn sủi lên tạo bong bóng hơi ngay bên
 ngoài miệng núi lửa, để lại màu xám và bùn trắng ở chung quanh  và cạnh bờ. Đứng nhìn 
những vũng bùn sủi bọt này thật vô cùng thích thú.


 
Fumaroles như đã nói là một đặc điểm của của khu vực địa nhiệt Namafjall Hverir. 
Những lỗ mở này trong vỏ trái đất phát ra khí sulfur. Fumaroles thường hiện diện  
ở các vùng núi lửa dọc theo các vết nứt trên mặt đất. 


Đứng tại khu này tôi có cảm tưởng như đang thăm viếng Hỏa tinh hay một
 hành tinh nào đó như trong phim ảnh. Được biết các phi hành gia Hoa Kỳ đã được
 gửi đến Iceland để tập luyện chuẩn bị cho hành trình lên mặt Trăng ngay từ chuyến 
lên mặt Trăng đầu tiên.



Sóng Việt Đàm Giang
July 2018.

Tuesday, July 3, 2018

Bluebonnet in June. Iceland. Đàm Giang



Bluebonnets trên đảo quốc Iceland.

Đàm Giang biên soạn

Photo: Đàm Giang.

Iceland là một đảo quốc rất đẹp với rất nhiều núi, sông băng, thác nước, những bãi biển cát đen và những ngọn núi lửa đang hoạt động.


Chính nhờ sự đa dạng về địa hình cùng  với những cảnh  thiên nhiên độc đáo đã khiến đất nước băng đảo trở thành điểm đến lý tưởng của đông đảo du khách và những ai thích chụp hình.
Những địa điểm tuyệt vời của Iceland sẽ nói trong bài viết khác. Phần bài này người viết chỉ nói đến một loài hoa xanh tím của Iceland. Đó là bluetbonnet!

Khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế KEF cách thủ đô Reykjavik cỡ 45 phút lái xe, thì du khách chỉ thấy toán là đá sỏi khô khan và đường lộ vắng vẻ. Nhưng khi tới gần thủ đô Reykjavik thì thật là ngạc nhiên khi thấy một loài hoa màu tím xanh xuất hiện hai bên lộ, và từng khoảng đất rộng mang một màu xanh tím. Nhìn kỹ chút nữa thì lạ chưa đúng là hoa bluebonnet, loại hoa bluebonnet của Hoa Kỳ và là một loài hoa đáng yêu được rất nhiều người ưa thích kể cả chụp hình với hoa trong tháng tư mùa hoa nở rộ khắp nơi trồng nó.


Và từ thủ đô Reyjavik, người viết đã cùng gia đình theo lộ trình đường vòng Ring road số 1 đi từ Reykjavik lên tây bắc, lên miền bắc, rồi đông bắc, đông nam, xuống miền nam Iceland rồi trở lại điểm khởi hành là thủ đô Reykjavik, tất cả những nơi đi ngang không nhiều thì ít đều có bóng dáng của loài hoa màu xanh tím bluebonnet.

Tại sao hoa bluebonnet lại phát triển mạnh thế tại Iceland? Qua một số tài liệu thu thập trên các trang nhà khác nhau và Wikipedia, người viết đã hiểu được tại sao hoa bluebonnet lại là loài hoa độc tôn độc quyền phát triển tại Iceland. Những hiểu biết ghi lại dưới đây chỉ có tính cách thỏa trí tò mò của một du khách, không có thực chứng rõ rệt và cũng không bảo đảm là đúng, nếu có sai nhầm thì người viết sẽ rất hoan hỷ bổ xung, sửa đổi.

Iceland/ Băng đảo một đảo quốc nằm giữa vùng biển Greenland và Bắc Đại Tây Dương, phía Tây Bắc vương quốc Anh.

Iceland, hòn đảo lớn thứ hai ở Bắc Đại Tây Dương (khoảng 103.000 km vuông/ 35.300 dặm vuông ), hoàn toàn là núi lửa và đá basalt. Thời tiết thường lạnh và ẩm ướt, và phủ đầy mây rất thường. Lớp bề mặt chỉ được che phủ một phần với thảm thực vật, phần còn lại là núi đá, tuyết và sông băng, chiếm trên mười một phần trăm (11%) diện tích sinh thái. Các vùng đất ngập nước và các vách đá ven biển đóng vai trò không gian cho các loài chim thuộc địa. Iceland có sáu mươi mốt khu vực chim quan trọng (61 IBAs) hỗ trợ gần ba trăm loài chim nằm trên đảo.

 Đảo quốc này có khí hậu giữa các vùng rất tương phản. Nếu như bờ biển phía Nam Iceland thường ấm và ẩm ướt thì bờ biển phía Bắc khô và lạnh. Những vùng đất thấp trong nội địa vô cùng khô hạn. Tuyết rơi nhiều hơn ở phía Bắc của Iceland. Trong khi vùng bờ biển Iceland có khí hậu tương đối ôn hòa thì khu vực cao nguyên trung tâm lại vô cùng lạnh giá, thường không có người ở.
Hầu hết các thảm thực vật và khu vực nông nghiệp đều nằm ở vùng đất thấp gần bờ biển. Nội địa của đất nước hầu hết là sa mạc bắc cực, với núi, sông băng, núi lửa và thác nước bao phủ gần 12.000 km² hoặc 11,5 phần trăm của đất nước. Iceland có sông băng lớn nhất ở châu Âu, Vatnajökull. Tuy nhiên, khí hậu nóng lên đã dẫn đến các sông băng rút lui. Trong một số trường hợp, một số nhỏ hơn đã tan chảy hoàn toàn. Một số khu vực núi lửa hoạt động mạnh nhất nằm bên dưới các sông băng này để khi phun trào diễn ra, nó dẫn đến lũ lụt và nước lũ tan chảy rất lớn. Những trận lụt này từ lâu đã là một đặc điểm của lịch sử địa chất của Iceland.

Việc thiếu đất rừng gần như hoàn toàn là một đặc điểm nổi bật ở Iceland, cũng như sự cằn cỗi của đảo, do các khu vực rộng lớn không có thảm thực vật hoặc chỉ có một thảm thực vật rất thưa thớt. Dòng dung nham và tro mới từ núi lửa đôi khi bao phủ các khu vực rộng lớn của đất, làm hư hại hoặc phá hủy thảm thực vật trong quá trình này. Thực vật của các khu vực này sinh dưỡng chậm  bởi đất mỏng. Các loài thực vật đuợc biết đến là các loài có tên khoa học: Betula nana, Betula pubescens, Salix phylicifolia, Cetraria nivalis, Xanthoria elegans, X. candelaria, Alectoria ochroleuca, Rumex acetosa, Carex chordorrhiza, Carex rostrata, Ranunculus trichophyllus, Angelica archangelica, Ranunculus acris, Geranium silvaticum, Potamogeton filiformis, Erigeron borealis, Achillea millefolium.
Betula pubescens (Betulaceae) là loài cây birch (bạch dương) sống mạnh và bền bỉ tạo được những khu rừng birch khá tốt ở vùng miền Bắc như Akureyri, Asbyrgi, phía đông gần Egilsstadir. Nước cốt cây birch được người địa phương xem là tốt cho mọc tóc, họ gọi loại này là Birki.
Ngoài những khu có thời tiết thuận lợi ra, thì những vùng đất không có cây cỏ bị soi mòn trầm trọng, gió mạnh của đảo và khí hậu khắc nghiệt đã làm hầu hết cây không chống nổi.
Và từ đầu thế kỷ  thứ 20, chính quyền đã cố gắng tìm cách giải quyết vấn nạn đất đá bị soi mòn và phá hủy này, vùng đất chỉ còn cây xanh cỡ 25%.



Và đây là lịch sử của cây hoa bluebonnet có tên Nootka lupine/Alaskan lupine (lupinus nootkatensis), cây hoa đã được một nhà thực vật học mang từ Alaska  về Iceland vào năm 1945 để reo hạt trên những vùng đất khô cằn của Iceland.
Chính quyền đã gửi ông Hákon Bjarnason qua Alaska, 3 tháng để thu thập những loại cây cỏ thích hợp để có thể làm đất Iceland được tốt hơn. Và ngày 3 tháng 11, năm 1945 là ngày chào đời của Nootka lupine trên đất Iceland.
Khởi thủy trong 30 năm đầu bluebonnet chỉ được cho reo hạt và phát tán trong khu đất chung 
quanh gần Reykjavik. Theo ông Giám đốc Dịch vụ Bảo tồn Đất của Iceland Bragason, chỉ bắt đầu
 từ năm 1976 thì hạt Lupine/bluebonnet mới bắt đầu đuợc thu hoạch và cho thả vào khu vực
 hoang vu trên đảo. Cây hoa lupine này đã hoạt động tuyệt vời và tác dụng như kỹ nghệ làm 
phân bón, tạo thảm tím xanh tuyệt vời mà không tốn công sức chi ngoài bỏ một nắm hạt vào 
một hố đất, và để nó tự nảy nở phát triển. Cây hoa giúp đất bằng cách biến nitrogen (N2) 
thành nitrogen hữu cơ qua những vi khuẩn đặc biệt trong rễ cây hoa. Nhờ thế đất trở nên tốt hơn.
Và nay sau hơn 40 năm, thì Lupine/bluebonnet phát tán quá nhiều, có những ngọn núi phủ kín
 một màu tím, phải công nhận là rất ngạc nhiên và đẹp dưới mắt của du khách!
 Một số vùng có lupine đã thoái hóa sau 15-20 năm để lại vùng đất màu mỡ cho nhà nông. 
Nhưng than ôi, có những vùng lupine mạnh quá, nó đã lấn át và hầu như tiêu diệt tất cả những 
cây cỏ nào ở cạnh chúng. Và do đó hiện nay có những nhóm mang danh là bảo vệ đất cho nhà 
nông và cần hủy diệt lupine đang cố gắng để làm giảm sự phát triển của lupine trên Iceland.
 Và bluebonnet/lupine đã bị sắp vào phân bộ loài cây xâm lấn (invasive species) trên Iceland.
 
Nay nói về bluebonnet của Texas so sánh với bluebonnet của Iceland. 
Hoa bluebonnet của USA nói chung không mạnh như lupine bên Iceland, hoa bên đó chịu đựng
 được mưa, nắng gió tháng sáu rất tốt, mọc mạnh và có nơi cao đến 80-100 cm.
 Nếu Bluebonnet Texas là cô thiếu nữ mảnh mai yếu đuối thì Nootka lupine bên Iceland là cô lực
 sĩ khoẻ mạnh thể thao cùng mình!
Và nếu bạn qua Iceland vào tháng sáu thì bạn sẽ thấy cái đẹp mê hồn của thiên nhiên
 và hoa xanh tím cả góc trời của hoa mũ len!
 
Đàm Giang