Tuesday, July 24, 2018

Street Photography. Chụp Ảnh Đường Phố.



Street Photography

Song Nuoc Nguyen thu thập.



Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng tại sao phần lớn những người chụp ảnh đường phố  bây giờ lại ưa thích chụp ảnh với tiêu cự góc rộng (18mm, 24mm, 28mm hay 35mm), và thường là khẩu độ f/5.6- f/8 hoặc nhỏ hơn. Vậy điều đó có liên quan gì với việc chụp ảnh dùng thủ pháp Layers, bài viết này mình xin chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm thực hành góp nhặt được của mình, phân tích và minh họa dựa trên những ảnh chụp Layers tốt và điển hình của bạn bè của mình.

Thủ pháp Layer

  • Layer ( hay còn gọi dân dã là lớp lang, tầng tầng lớp lớp.. ) có thể xem là một lớp ảnh, các bạn hình dung thế này : Giống như khi bạn chơi trò dán các mảnh giấy có hình thù, màu sắc khác nhau chồng lên 1 tấm giấy để tạo thành 1 bức tranh, thì Layer ở đây có vai trò giống như những mảnh giấy riêng biệt có hình thù, màu sắc khác nhau đó.
  • Đối với nhiếp ảnh đường phố nói riêng, thì những layer này giúp bức ảnh thể hiện được không gian về chiều sâu rõ ràng hơn, diễn tả được không khí rõ nét của bối cảnh cụ thể. Việc khéo léo kết hợp cùng tiêu cự góc rộng và khẩu độ nhỏ giúp những layer này mô tả rõ ràng những đối tượng trên nó, giúp bức ảnh trở nên sinh động, nhiều thông tin. Hay phối cùng với những thủ pháp cơ bản khác để tạo nên một bức ảnh thú vị gấp bội.

Thế nào là một ảnh có layer tốt? 

 một bức ảnh chụp Layer tốt sẽ dựa vào những yếu tố sau:
  • Tỉ lệ và khoảng cách những đối tượng trên mỗi layer phải thuận mắt và rõ ràng. Xa quá thì ảnh sẽ rời rạc thiếu tính kết nối, gần quá thì dễ khiến ảnh lộn xộn, cảm giác rất tức mắt khi xem.
  • Chủ thể trên mỗi layer hay toàn bộ phải có sự liên quan nhất định về mặt thị giác, hay tạo được tính liên kết về nội dung trong ảnh.
  • Việc kết hợp chụp layer cùng những thủ pháp khác phải thể hiện được không khí, đối tượng với tương quan hoạt động trong bối cảnh.
  •  
Hướng dẫn chụp ảnh layer cơ bản và những lưu ý 

  • Thông thường, mình sẽ sử dụng ống kính có tiêu cự 28mm hoặc 35mm cho thủ pháp này. Mình không thích sử dụng những tiêu cự quá rộng để chụp ảnh đời thường, phần vì rất khó để kiểm soát được hiệu ứng tiêu cự và những thứ lọt vào ảnh, dễ bị tình trạng thừa chi tiết hay bị méo ảnh gây cảm giác không tự nhiên.
  • Mình thích sử dụng khẩu độ từ f 5.6- f8 trong điều kiện ánh sáng tốt, và linh động tăng giảm khẩu độ cho phù hợp với bối cảnh hay ánh sáng từ môi trường để có được bức ảnh tốt nhất có thể.
  • Một bức ảnh thường có 3 layers chính đó là : tiền cảnh (foreground) hậu cảnh ( background) và khoảng giữa với đối tượng chính của ảnh. Ngoài ra việc chờ đợi để tìm kiếm thêm những đối tượng trên những layer khác để bổ sung hay kết nối chủ thể chính, giúp ảnh của bạn trở nên sinh động và đỡ nhàm chán hơn.
  • Nên linh hoạt chọn góc chụp đa dạng để tìm ra được cách thể hiện layers rõ ràng, cự li khoảng cách hay phối cảnh phù hợp.
  • Ngoài ra, người ta cũng thường hay sử dụng việc kết nối, chồng chéo những đối tượng ở layer liên tiếp nhau để gây nên hiệu ứng thú vị về thị giác. ( Ví dụ ảnh bên dưới )
Lưu ý
  • Không sử dụng ống kính quá rộng, hay khẩu độ quá lớn để chụp.
  • Những đối tượng trên layers cần rõ ràng, tránh tình trạng bị dính lên nhau nếu không có ý đồ gì.
  • Thủ pháp cũng chỉ là cách chụp để thể hiện tốt được nội dung mà bạn muốn chụp, tránh tình trạng lạm dụng, mà thay vào đó nên tập luyện khả năng quan sát, sự nhảy cảm với đối tượng, hành động hay không gian.
  • Nên kết hợp với những thủ pháp cơ bản khác, để không bị nhàm chán và căng cứng trong cách chụp và thể hiện nội dung hấp dẫn hơn.
  • Mời anh em xem thêm những ảnh rất thú vị chụp sử dụng thủ pháp này, một số có sự pha trộn với nhiều thủ pháp cơ bản khác.



Thiết lập thông số cho máy ảnh thế nào?

Hãy tập trung vào điều quan trọng
Có quá nhiều người cho rằng một bức ảnh tốt thì dù muốn dù không cũng phải liên quan đến những thiết đặt máy ảnh thủ công (Manual). Thực ra điều đó không đúng. Máy ảnh hiện nay đủ khả năng để tự làm hết mọi thứ. Vậy sao ta không tập trung vào việc lên bố cục và để cho máy ảnh lo việc mà nó có thể làm được ở các chế độ tự động. Bạn sẽ chẳng mất mát gì khi cài đặt máy ảnh của mình ở chế độ A/Av (nếu cần ưu tiên khẩu độ), S/Tv (khi cần ưu tiên tốc độ màn trập), và thậm chí chế độ P (tự động cặp khẩu độ và tốc độ màn trập).

Hãy tin tưởng máy ảnh của bạn
Thoạt đầu có thể bạn gặp khó khăn trong việc làm chủ tất cả những gì cần phải làm trong lúc chụp ảnh.

Chế độ P
Nếu mới bắt đâif mà chụp bằng chế độ thủ công (M), thì bạn đừng nghĩ mình sẽ nhanh thành thạo. Để bắt đầu, bạn chỉ nên dùng chế độ P và rồi ngày càng nên tinh tế hơn. Bạn cứ thử đi. Nó hoạt động rất tuyệt và tôi chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều. Đừng cho rằng mình là một người chụp ảnh kém khi sử dụng chế độ P. Những cách thiết đặt không phải là thứ làm cho bạn trở thành người chụp ảnh giỏi đâu. Hiểu rõ từng cách để dùng đúng lúc đúng cách mới là vấn đề.

Sử dụng chế độ A
Sau một thời gian, bạn sẽ một cách nào đó làm chủ được máy ảnh của mình và có thể chuyển sang chế độ A. Tôi thường hay sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ và nó rất hữu ích để điều chỉnh độ sâu trường ảnh của bức ảnh. Với những bức chân dung ngẫu nhiên, tôi luôn dùng chế độ A với khẩu độ là f/4 trong lúc máy ảnh tự thiết đặt tốc độ màn trập. Mở khẩu lớn hơn f/4, trong nhiều tình huống khoảng ảnh rõ (Dof) mỏng, nguy cơ độ nét không cao, theo tôi cứ từ f/4 là an toàn với loại ảnh này, trừ khi chắc chắn mở khẩu lớn hơn vẫn đảm bảo độ sắc nét cần thiết.

Chế độ S
Chế độ ưu tiên màn trập, tôi chỉ sử dụng khi muốn tạo những bức ảnh có chuyển động mờ nhòe. Khi một ai đó đang bước đi đằng trước một hậu cảnh thú vị, tôi có thể làm nhòe chuyển động của họ. Tôi dùng tốc độ màn trập khoảng 1/20 giây chẳng hạn dành cho một chủ thể đang di chuyển. Với mục đích này, đôi khi bạn cần phải sử dụng c hoặc phải chân máy hoặc đặt máy trên vị trí chắc chắn là máy ảnh không bị rung lắc.

Phơi sáng đúng
Với ảnh đường phố, tôi cho rằng việc có được mức độ phơi sáng đúng trên các bức ảnh còn quan trọng hơn là chế độ được sử dụng. Tôi thường dùng cách đo đa điểm với một điều chỉnh phơi sáng là -0.7EV trên chiếc Nikon của mình gắn ống kính 50mm. Đây là điều mà bạn phải thử nghiệm và tập làm quen với máy ảnh của mình để gia giảm EV cho phù hợp. Tôi không nghĩ là bạn có đủ thời gian để thay đổi các thiết đặt trong một chuyến đi chụp. Bạn phải biết rõ cái gì hiệu quả nhất trong phần lớn các tình huống.

Nói về ISO
ISO là vô chừng tuỳ theo cảnh huống ánh sáng. Thường thì luôn ưu tiên ISO thấp nhất có thể để ảnh được mềm mịn màng. Nhưng, ở bối cảnh bắt buộc, phải biết mình có thể nâng trị số ISO lên cao đến đâu, mà không bị nhiễu hạt quá nhiều. Điều này với mỗi máy ảnh mỗi khác và tôi luôn cố tránh không dùng các trị ISO cao. Nếu có một chiếc máy khử nhiễu tốt thì bạn đừng ngại để chế độ ISO Auto và giới hạn ở mức 3200 hay 6400...

 Một vài mẹo chụp ảnh đường phố

Cách 1 : chụp mà không bị để ý
Bạn có thể chụp ảnh đường phố mà người khác không hề để ý đến bạn. Đây có thể là cách tốt nhất để không gây ra phản ứng nơi họ. Người ta sẽ sinh hoạt bình thường một khi không nhìn thấy bạn với chiếc máy ảnh trên tay. Tôi thường thích người ta nhìn vào máy ảnh của tôi, vì như thế mới tạo ra được một nối kết nhất định; đó là một cách giao tiếp giữa người khác với tôi là người chụp ảnh trên đường phố. Có lúc cái nhìn đó không cần thiết, nhưng có những lúc thì lại là rất tốt.
Cách 2 : chụp bất ngờ
Một khả năng khác để chụp ảnh người ta trên đường phố, có thể là sự bất ngờ. Bạn chỉ việc đưa máy ảnh ngắm ai đó và nhấn nút chụp. Người ấy nhìn thấy bạn và nhận ra bạn chụp ảnh họ. Phản ứng từ kiểu chụp ảnh này có thể khác nhau, không tự nhiên, thậm chí còn bị “sốc” nữa là đằng khác. Nhiều người không muốn mình bị chụp ảnh và bạn có thể thấy được điều đó qua phản ứng của họ. Tôi thích kiểu chụp này trên đường phố, vì cách nào đó nó cũng cho thấy được thực tế. Tôi thấy có người tỏ ra bỡ ngỡ, giận dữ, bị “sốc” hoặc tùy bạn gọi nó như thế nào. Nhưng là thử thách thực sự, khi bạn muốn chụp những bức chân dung tự nhiên.
Cách 3 : xin phép để chụp
Và cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng, đó là bạn luôn có thể xin phép ai đó để chụp ảnh họ. Tôi chẳng bao giờ làm vậy hoặc họa hoằn lắm mới làm. Điều khó nhất là bạn làm sao nắm bắt được vẻ tự nhiên khi mà thường là người ta hay có khuynh hướng tạo dáng vì đã được báo trước. Vì là người xa lạ, nên bạn không biết được họ như thế nào trong trạng thái tự nhiên. Nếu không quen chụp ảnh đường phố và lo ngại những phản ứng của người ta, thì đây là có thể là cách tốt nhất để bắt đầu. Nó cũng giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp qua việc nói chuyện với người khác về một điều gì đó. Thậm chí bạn còn có thể nắm bắt được nhiều thông tin về một ai đó mà bạn không hy vọng có được, nhưng có thể là rất thú vị.

 Luyện tập chụp ảnh đường phố 

"Chiếc máy ảnh không tạo được một chút khác biệt nào.
Tất cả những gì chúng làm là ghi nhận những gì bạn đang nhìn thấy.
Nhưng bạn phải NHÌN THẤY"

Ernst Haas (1921 - 1986 Nhiếp ảnh gia Áo)

Tất cả là do con mắt của bạn
Trong nhiếp ảnh đường phố, chỉ có một điều duy nhất đáng tin cậy thực sự: Đó là con mắt, con mắt của bạn. Bạn phải nhìn thấy các sự vật mới có thể chụp được chúng. Bất luận máy ảnh của bạn đang dùng có là máy gì, hãng nào hoặc như thế nào chăng nữa, thì trước hết bạn phải nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra, trước tiên bạn phải nhận thức được điều gì xảy ra và liền ngay sau đó gần như bạn phải lên bố cục cho bức ảnh.
Hãy quên máy ảnh đi!
Nhiều người quá bận tâm đến máy ảnh, ống kính, các trang thiết bị, định dạng tập tin ảnh và các chi tiết kỹ thuật khác. Hãy quên đi tất cả những gì về kỹ thuật và các thiết đặt máy ảnh. Để máy ảnh của bạn ở chế độ P và đừng suy nghĩ thêm gì về nó nữa. Bạn phải rèn luyện con mắt của mình trước đã, sau đó mới có thể nghĩ đến chuyện chụp một quang cảnh.
Tập khả năng quan sát bén nhạy
Tập luyện đầu tiên là hãy tìm kiếm một tông màu. Chẳng hạn bạn có thể thử chỉ tìm những thứ có màu Vàng Cam và chụp suốt ngày với chỉ một màu ấy. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có rất nhiều thứ màu Vàng Cam bạn có thể nhìn thấy trong thành phố của bạn, mà trước đó bạn không để ý. Việc này có nghĩa là bạn phải tập trung nhìn vào một thứ duy nhất để thực sự nắm bắt đươc nó cách tốt nhất. Thậm chí bạn không cần phải chụp ảnh; bạn có thể bước đi, thả bộ thong thả và đảo mắt nhìn chung quanh, cố làm sao nhìn thấy cho được nhiều thứ có màu Vàng Cam trên đường đi.

Lời kết

Một chiếc máy đủ dùng, có khả năng bắt dính khoảnh khắc khi cần thiết, và quan trọng là có ánh sáng tốt, câu chuyện thú vị và bố cục xuyên suốt, nội dung truyền tải rõ ràng, ý tưởng mới mẻ... thì có nhiều khả năng bạn thấy sung sướng về những gì bạn đã làm,

Lang thang tìm kiếm chủ đề và hãy tập trung chụp. Đừng nản lòng khi gặp khó khăn trong việc tìm cách tiếp cận chụp hình người xa lạ mà bạn gặp. Bạn có thấy một ai đó đang ăn uống trên đường phố không ? Hoặc một ai đó đang đọc báo và không nhìn đường họ đang đi không ? Có người nào đó đang đi vào ngõ phố vắng vẻ không ? Hãy cố gắng tìm cho được một bối cảnh đẹp cho các bức ảnh của bạn, tìm cho ra ánh sáng hấp dẫn để làm nổi bật đối tượng chụp của bạn, có thể tách họ ra khỏi phần còn lại của thế giới chung quanh.

Quan trọng hơn cả, hãy nhanh chóng nâng máy ảnh của bạn lên và không một chút nghi ngờ cũng như không bỏ lỡ giây phút chủ chốt, “khoảnh khắc quyết định”, như Henri Cartier-Bresson khao khát.

Thiết lập máy ảnh

Khi chụp mấy bức ảnh đường phố, tôi thích chụp chế độ A ưu tiên khẩu độ và gia giảm EV tuỳ bối cảnh ánh sáng. Nếu tôi muốn chụp một người đang đi bộ xuống phố, nhưng lên khung cho bức chụp của mình sao cho có được nhiều nền trời bên trong mà bối cảnh hơi thiếu sáng thì sẽ tăng EV chẳng hạn. Nhưng nếu tôi muốn bắt dính những chuyển động, tôi sẽ ưu tiên tốc độ với chế độ S, chọn tốc độ từ 1/250s trở lên.
Tùy theo các kết quả sau đó, bạn sẽ muốn chọn một tốc độ chụp khá nhanh để bắt dính chuyển động lại. Ban ngày thì chẳng có vấn đề gì, nhưng ngay khi mức độ ánh sáng bắt đầu giảm dần thì việc chọn một ISO cao hơn sẽ trở thành thiết yếu. Hãy xem 1/200 giây gần như là độ nhạy tối thiểu cần chọn. Đôi lúc, có thể bạn giảm bớt tốc độ chụp xuống với ý đồ chụp một chuyển động mờ nhoè chung quanh đối tượng cố định, tách riêng nó nổi bật khỏi bối cảnh, thì bạn có thể chụp tốc độ màn trập chậm hơn tuỳ ý.
Độ sâu trường ảnh đủ sâu - khoảng ảnh rõ dày - giúp mang lại nhiều bối cảnh cho câu chuyện hơn, theo nghĩa đen. Thi thoảng bạn có thể để ý thấy mình ghi được nhiều đối tượng thú vị trong khung hình thay vì Dof mỏng xoá mù mịt hậu cảnh.

 Chất lượng hình ảnh 

Trong chụp ảnh đường phố, chất lượng ảnh lại chiếm vị trí thấp trong bảng đánh giá. Đối tượng, phong thái, câu chuyện, ánh sáng và bố cục – tất cả những thứ đó đều quan trọng nền tảng hơn độ sắc nét cao và độ nhiễu thấp... như các bác review đánh giá. Hiểu đúng được tất cả những điểm đã nêu sẽ dẫn đến những bức ảnh tuyệt vời, thậm chí có chút gì đó không rõ ràng và bị nhiễu. Tuy nhiên, ngay cả hình ảnh sắc nét nhất cũng vô dụng nếu chẳng có gì để xem thực sự, ngoại trừ chi tiết chính xác và màu sắc rõ ràng.


Về độ sâu trường ảnh (dof)
Độ sâu trường ảnh không được sâu cũng vẫn là những bức ảnh đơn giản trông rất đẹp. Một ống kính 50mm f/1.8 chụp một chiếc giày cũ – dof mỏng trông rất tuyệt, dẫu chỉ là một chiếc giày. Nhưng với chụp ảnh đường phố, độ sâu trường ảnh không được sâu thì khó để bức ảnh tốt được. Với máy ảnh có thể điều chỉnh khẩu độ, bạn chọn khẩu độ đủ nhỏ (f/4 - f/16 tuỳ tình huống) để có trường ảnh đủ sâu, với điện thoại thì không phải lo lắng điều này vì chụp một trung cảnh đến đại cảnh thì trường ảnh luôn rất sâu.

No comments: