Tuesday, May 26, 2015

Danh Võ. Mỹ Thuật Ý Niệm. Sóng Việt Đàm Giang

Nghệ Sĩ Danh Võ và Mỹ Thuật Ý Niệm
Sóng Việt Đàm Giang biên soạn





Trước khi nói về nghệ sĩ của trường phái Nghệ thuật Ý niệm, tưởng cũng cần biết Mỹ thuật ý niệm là gì?

Mỹ thuật Ý niệm, hay Mỹ thuật Vị niệm, hay Mỹ thuật Khái niệm (Conceptual Art), xuất hiện từ những năm đầu của niên kỷ 1960s, nhưng chưa từng có một định nghĩa chung nào về mỹ thuật ý niệm được chấp nhận dù có nhiều cái đã được công bố. 
            Việc sử dụng thuật ngữ này được biết đến một cách rộng rãi đầu tiên là trong bài ‘Paragraphs on Conceptual Art’ của nghệ sĩ Sol LeWitt được đăng trên Artforum vào năm 1967: ‘Trong mỹ thuật khái niệm ý tưởng hay ý niệm là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm. Khi một nghệ sĩ sử dụng một hình thức khái niệm của mỹ thuật, điều đó có nghĩa là tất cả hoạch định và những quyết định đã có sẵn trước và việc tiến hành chỉ là công việc chiếu lệ. Ý tưởng đó trở thành một cái máy tạo ra mỹ thuật.’
          Tuy nhiên định nghĩa này không hoàn toàn đúng với những nghệ sĩ trong nhóm gọi là mỹ thuật ý niệm nói chung.
         Biểu hiệu sớm nhất của nghệ sĩ trong nhóm này là dùng những vật đã làm sẵn và biến thành một tác phẩm nghệ thuật.  Một vài tác phẩm thuộc trường phái mỹ thuật ý niệm như dưới đây.

- Tiêu biểu nhất là một cái bồn tiểu tiện làm bằng sứ  mang tên Suối nguồn/Fountain (1917) được đặt nằm ngược 90 độ/mặt lưng trên một cái bệ và có ký danh hai chữ R. Mutt bên cạnh, của  nghệ sĩ Marcel Duchamp được triển lãm tại Hiệp hội Nghệ sĩ Độc lập ở New-York vào năm 1917.


Một ví dụ khác về Mỹ thuật Ý niệm là dự án panelsquảng cáo của nghệ sĩ Mỹ Felix Gonzalez-Torres, mà trong đó Gonzalez-Torres đã dùng bức ảnh chụp một cái giường đôi không người với tấm trải giường nhàu nát để làm thành 24 tấm panels quảng cáo bày ở những địa điểm khác nhau và khắp nơi ở New York nhưng không có ngôn từ hay chú giải  kèm theo . Với người qua đường nó có thể mang nhiều ý nghĩa, lệ thuộc vào chính những hoàn cảnh của họ. Nó có thể là biểu hiệu cho một  tình yêu và sự xa vắng, một hình ảnh riêng tư một cách khác thường khi được trưng bày ở mọi nơi công cộng và dĩ nhiên cái môi trường đó đã trở thành một phần trọng yếu trong ý nghĩa của nó. Ý nghĩa là những gì mà mỗi chúng ta tự khám phá về nó.


- Tác phẩm Một và ba cái ghế /One and Three Chairs của Joseph Kosuth là một ví dụ nữa về tư liệu bằng chứng, trong đó tác phẩm ‘thật’ là ý niệm ‘Một cái ghế là gì?’ ‘Chúng ta biểu đạt một cái ghế như thế nào?’ và ‘Sự biểu đạt là gì?’ Nó dường như là một sự lặp lại không cần thiết: một cái ghế là một cái ghế là một cái ghế, cũng như anh ta khẳng định rằng ‘mỹ thuật là mỹ thuật là mỹ thuật’ là lặp lại thừa thãi. Ba yếu tố mà chúng ta thật sự trông thấy (một bức ảnh của cái ghế, một cái ghế thực và định nghĩa về một cái ghế) phụ thuộc vào cái ghế đó. Chúng nói về chính chúng: nó là một cái ghế rất đỗi bình thường, định nghĩa đó là một sao chụp từ một tự điển, và tấm ảnh thậm chí cũng không được chụp bởi Kosuth nữa- chẳng hề có bàn tay của người nghệ sĩ trong tác phẩm này.


      Theo Sol Lewitt, Conceptual Art (1967), mỹ thuật ý niệm hay nghệ thuật vị niệm dùng ý tưởng để tạo nên khái niệm là khía cạnh quan trọng nhất của một tác phẩm, tất cả quyết định mang đến thông điệp cho người nhìn đều đã đuợc chuẩn bị trước và việc thực hiện chỉ là một chuyện đuơng nhiên sau đó.
      Nghệ thuật vị niệm không nhất thiết phải mang tính cách luận lý (logic). Các ý tưởng cũng không nhất thiết phải phức tạp. Hầu hết các ý tưởng thành công nhất đều có vẻ đơn giản đến mức không ngờ. Nhìn chung, các ý tưởng thành công thường mang theo bản hình giản dị bởi chúng luôn có vẻ tự nhiên sẵn thế. Nghệ sĩ thậm chí luôn bất ngờ với bản thân khi ý tưởng xuất hiện. Các ý tưởng được xuất phát qua trực giác.

       Tác phẩm trông ra sao không phải là điều quá quan trọng. Dù sao nó cũng phải có một hình dạng nào đó khi được thực hiện xong. Điều quan trọng không phải là tác phẩm sau cùng trông sẽ ra sao, mà  là -tác phẩm phải được khởi đầu với một ý tưởng. Chính tiến trình khái niệm hóa và rồi tiến trình thực hiện tác phẩm mới là những gì nghệ sĩ phải quan tâm. Một khi được hoàn tất tác phẩm sẽ mở ra cho sự tri giác (perception) của tất cả mọi người, bao gồm chính nghệ sĩ. (tri giác/perception ở đây theo nghĩa là khả năng thấu hiểu những dữ liệu-cảm giác, tức sự hiểu ý tưởng của tác phẩm một cách khách quan, và đồng thời, là sự diễn giải chủ quan và  hiểu biết về tác phẩm đó). Chỉ có thể tri giác tác phẩm nghệ thuật sau khi nó đã hoàn tất.

     Tưởng cũng nên chú ý về dạng nghệ thuật chỉ nhằm gây xúc động về mặt thị giác là Nghệ thuật cảm thụ (Perceptual Art) chứ không phải Nghệ thuật Vị niệm (Conceptual Art). Những dạng nghệ thuật ấy bao gồm Optical Art (Nghệ thuật Ảo thị), Kinetic Art (Nghệ thuật Động lực), Light Art and Color Art (Nghệ thuật Duy sắc và Nghệ thuật Vị quang). Nghệ thuật Ảo thị/Thị giác được coi là một hình thái, khuynh hướng nghệ thuật hậu hiện đại. Nó gồm Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Arts), Nghệ thuật Trình diễn (Performance Arts) và Nghệ thuật Thân thể (Body Arts).
      Trong Nghệ thuật Vị niệm/Ý niệm, khía cạnh ý tưởng và khái niệm của tác phẩm - chứ không phải hình thức hay thị giác – được đặt ở vị trí cao nhất. Quan trọng không còn là chất liệu hay phong cách, mà là những câu hỏi về nghệ thuật mà tác phẩm nêu ra. Vì tác phẩm không đội lốt những hình thức truyền thống, nó đòi hỏi người xem phải chủ động hơn trong quá trình tri giác của mình. Nhiều khi, nghệ thuật Vị niệm còn được coi là chỉ tồn tại và đạt được hình thái hoàn hảo nhất của mình qua quá trình tham gia tri thức và trong tâm trí của người xem. 
Người nghệ sĩ của Nghệ thuật Ý niệm: Danh Võ 
Danh Võ là ai?

No comments: