Wednesday, January 22, 2020

Năm Canh Tý 2020. Nói chuyện Chuột. Nguyễn Đình Nguyên

Năm Canh Tý 2020 Nói Chuyện Chuột.




                                                                  Nguyễn Đình Nguyên (Úc Châu).


Mười hai cung Hoàng đạo, sao lại là đầu Chuột?
Năm mới đã tới và đã qua, nhưng người Việt vẫn còn nhộn nhịp chờ đón tết!
Việt Nam là một trong vài nước còn lại đón năm mới theo lịch Trung hoa hay gọi là Âm-Dương lịch, chứ không phải Âm lịch như nhiều trong số chúng ta vẫn nhầm lẫn. Lịch này dựa trên chu kỳ tuần hoàn của cả mặt trời lẫn mặt trăng để thuận tiện cho nông nghiệp lúa nước. Lịch Âm thuần túy là được sử dụng bởi người theo Hồi giáo.
Do nhu cầu của sự toàn cầu hóa, sự phát triển từng bước, đầu tiên có lẽ là tính hợp nhất của thời biểu, đó là dựa vào Dương lịch, lịch tính theo chu kỳ hệ mặt trời được lấy làm chuẩn. Chính xác là lịch Georgian từ thế kỷ 17.
Lịch hay thời gian biểu/niên biểu được biết đến sớm nhất từ thời đồ Đồng. Tuy nhiên lịch được cho là có cấu trúc hoàn hảo sớm nhật là lịch của người Babylon (hay Sumerian), và lịch này dựa trên tuần hoàn của mặt trăng (Âm lịch). Lịch tiêu chuẩn được dùng chính thức trên thế giới hiện nay là dựa trên niêu biểu George (Georgian calander), theo đó mỗi năm có 365 ngày chia làm 12 tháng, ngày dư được dồn vào tháng 2 mỗi 4 năm, năm đó gọi là năm nhuận. Trong khi đó lịch Âm-Dương thì đi sau và năm nhuận số thời gian dư nhiều hơn , nên năm nhuận có 13 tháng và không hằng định vào tháng nào.
Do đó người Trung Hoa và Việt Nam hiện nay được đón năm mới hai lần. Tuy nhiên theo phong tục văn hóa thì Tết mới là sự kiện năm mới chính của năm.

Niên biểu Trung Hoa, Việt Nam đặt tên năm theo sự ghép cặp giữa 12 cung Hoàng Đạo (Thập nhị địa chi: Tý Sửu Dần Mão (Mẹo) Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất và Hợi, với mười can chi (Thập thiên can: Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất). Cho nên phải đến 60 năm thì một năm có cùng can chi và con giáp mới trùng lại, gọi là lục thập hoa giáp. Năm 2020 là năm Canh Tý, lập lại Canh Tý 60 năm trước đó 1960.
Khởi đầu Thập nhị địa chi là Cung Tý- cầm tinh là con Chuột. Tại sao lại là chuột? Không có câu trả lời chính xác, chỉ dựa vào truyện dân gian, phổ biến nhất là sự tích 12 con giáp. [1]
Tương truyền Ngọc Hoàng Thượng đế muốn có linh vật cho 12 năm trong một chu kỳ giáp, bèn mở một cuộc thi cho các loài vật bơi qua sông, 12 con về đích trước sẽ được chọn ứng vào 12 thập nhị địa chi đặt tên theo thứ tự. Vốn đã không biết bơi, lại thân hình bé nhưng tinh quái, nên chuột bèn thương thảo với trâu một con vật to khỏe, giỏi sông nước. Chuột bảo trâu anh bơi giỏi, còn tôi mắt tinh, anh chở tôi trên lưng bơi, tôi làm hoa tiêu, hai chúng ta có cơ hội cùng thắng cuộc. Trâu nghe phải, thể là họ là những người đến đích sớm nhất, nhưng chuột lanh lẹ nhảy phóc lên bờ trước khi trâu cập bến, nên chuột trở thành người thắng cuộc, trâu về nhì. Trong đó đáng kể là Rồng lẽ ra phải về nhất, nhưng vì lòng hảo hán, trên đường đua phải nán lại hút nước phun mưa để giúp các sinh vật đang thiếu nước, đành về thứ 5. Thỏ (Mèo ở Việt Nam), qua được nhanh nhờ nhảy phóc qua từng tảng đá trồi trên mặt nước. Rắn cũng tinh khôn, núp trên bờm ngựa, vừa gần đến nơi, rắn khè độc dọa ngựa làm ngựa chùng vó, nên rắn nhanh hơn một bước so với Ngựa. Dê, Khỉ và Gà hợp sức nhau nên cả ba đồng loạt cũng qua được sông. Chó thì bơi giỏi nhưng lại mải la cà chơi nên về áp chót. Heo thì lo ăn, rồi lăn ra ngủ, nhận cửa chót, nhưng dù sao cũng còn trong top 12!

Thực ra đều gọi là chuột, nhưng có hai loại khác nhau: chuột (mouse) và chuột (rat). Cùng là loài gặm nhấm nhưng mouse và rat là hai nhóm hoàn toàn khác nhau. Rat có kích thước lớn hơn mouse.
Trong Cung Hoàng đạo từ tiếng Trung là 鼠 (thử) đều hiểu là mouse hay rat, không có sự khác biệt. Cho nên trong tiếng Anh Năm Tý hay gọi là "The year of the Rat" nhưng gọi "The year of the Mouse" đều được chấp nhận. [2] Đối với ngôn ngữ Việt, đa phần là thừa hưởng từ Hán, nên cũng gọi "chuột" đều để chỉ cho cả hai. Một phần căn bản là do các ngành khoa học, vạn vật học đều xuất phát từ châu Âu, nên từ chuột không thể phân định được mouse và rat.
Đó là chuyện của thiên đình. Nhưng không biết có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, chuột-mouse lại với người lại có duyên với nhau gần như khắng khít, hẳn là hơn nhiều so với các vật nuôi khác. Vì lẽ đó thông tin ở đây chủ yếu là đề cập đến chuột- mouse.
Và điều thật kinh ngạc là cho đến nay chuột có lẽ được coi là loài vật có vú đầu tiên hiện diện trên trái đất này. [3]
Theo nghiên cứu trên, loại chuột đã hiện diện trên trái đất này từ Kỷ Creta (kỷ phấn trắng, Cretaceous Era) theo các nghiên cứu hóa thạch tìm thấy ở Trung Quốc. Loài gặm nhấm chuột sớm nhất tìm thấy cách đây chừng 160 triệu năm, được cho là lai giữa chuột (rat) và chipmunk (một loại sóc sọc lưng).
Hiện nay có hàng trăm loại chuột khác nhau, được xếp vào hai nhánh chủng loại Cựu và Tân thế giới. Các loại hình phổ biến là chuột nhà, chuột đồng, chuột hưu (deer mouse), chuột sóc (dormouse), chuột lông gai (spiny mouse) và chuột vằn (zebra mouse).
Về màu sắc có ba màu chính và phổ biến là trắng, nâu và xám. Kích thước trung bình từ 2.5cm tới 18cm và nặng từ 28 tới 203g. Chuột có kích thước nhỏ nhất là loại chuột Pygmy Châu Phi, chỉ 2.5-7cm và nặng không quá 10g [4] , cho tới loại chuột khổng lồ mà chiều dài có thể đạt tới 50-60cm. [5]
Chuột được cho là loài có vú có số lượng áp đảo nhất trên hành tinh này. Gần như khó có con số chính xác, chỉ biết là hàng tỷ. Chuyên gia của các tổ chức WWF và FAO đã đề xuất các phương pháp ước tính số lượng chuột hiện hành trên hành tinh. Số lượng được tính là khoảng 0.25- 60 con/hectar cho khu dân cư và 1-200 con/hectar ở ngoài đồng.
Lý do số lượng chuột sinh sống áp đảo các loài có vú khác là do vòng đời ngắn. Chuột 4-5 tuần tuổi sau khi sinh đã trưởng thành và có thể giao phối. Chuột cái mang thai chỉ có 3 tuần. Mỗi chuột cái sinh một lần trung bình 6-8 con, và nó có thể mang thai và đẻ 6 lần trong một năm. Như vậy, một con chuột cái có thể nhân lên 50 con trong vòng một năm. Do tính đề kháng bệnh cao nên tỷ lệ tử vong của chuột thấp , đã đông lại càng đông. Một lý do khác là tính thích nghi với môi trường cao. Chúng có thể sống mở mọi điều kiện, từ ngoài thiên nhiên, tới hang, hốc cây, trong nhà ở. Chuột là loại quần thể hoạt động về đêm, có cơ quan xúc và thính giác cực thính nên có thể tránh nguy hiểm và tìm kiếm thức ăn dễ dàng. Ở miền Bắc Ấn độ, chuột được nuôi và thờ cúng như một thần linh nên vì thế mà chuột ở đây đại loạn.

Trong số 12 con giáp, trừ Rồng là một linh vật tưởng tượng thì số còn lại đều có thể coi không chỉ gần gũi mà còn có ích cho con người. Trong khi đó, sự hiện diện của chuột trên hành tinh này luôn đem đến cho con người nhiều phiền nhiễu hơn là ích lợi.
Vốn là loài gặm nhấm, chuột gặm nhấm không phải chỉ để ăn mà để còn mài răng của chúng, do tốc độ phát triển răng rất nhanh. Cho nên mọi vật cứng xung quanh nó đều có thể bị phá hủy trong chốc lát.
Đối với khu dân sinh, nhất là về mùa lạnh, chuột bên ngoài tìm nơi cư trú ấm áp hơn, và không đâu lý tưởng bằng trốn trong nhà. Tất cả cấu trúc của căn nhà đến đồ đạc đều có thể bị chuột hủy hoại, thậm chí còn gây nguy hiểm thảm họa cháy nổ do nó gặm cả dây điện làm chập mạch.

Chuột còn gieo rắt mầm bệnh cho con người đặc biệt là dịch hạch , thương hàn, leptospirosis, hantavirus (lây truyền từ loại chuột hưu) , sốt dơi cắn (Rat bite fever, vi trùng Streptobacillus) và cả sốt mò (Q Fever Rickettsial Disease)[6,7]
Tuy nhiên, tác hại nghiêm trọng hơn cả do chuột gây ra có lẽ là sự hủy hoại mùa màng. Nạn dịch chuột năm 1993-1994 ở Úc đã làm thiệt hại mùa màng lên tới 60 triệu đô la Mỹ [8]. Ước tính ở châu Á, hàng năm chuột đã phá hủy một số lượng lương thực có thể nuôi sống khoảng 200 triệu người (gấp đôi dân số Việt nam hiện nay) trong suốt một năm. Ở Indonesia, trong một héc ta ruộng có thể có tới 1000 con chuột, và nó gây thiệt hại hàng năm có thể đến 15% trước thu hoạch [9]
Không biết có phải vì "họa" mà loài chuột gây ra cho con người, mà nó phải trả "nghiệp" (karma) chướng cho con người mà không phải chờ tới kiếp sau. Chuột vốn là thù của con người nhưng chuột cũng là "bạn bất đắt dĩ" với con người khi loài chuột đóng góp không ít phần quan trọng trong các thí nghiệm khoa học đem lại những lợi ích vô cùng lớn lao cho loài người, kể cả nói "chuột là cứu cánh cho sức khỏe con người" cũng không ngoa.
Ngẫu nhiên và vô hình trung, chuột được chọn làm vật thí nghiệm rồi dần nó trở thành một mô hình thực nghiệm sống để nghiên cứu bệnh lý của người từ cơ chế bệnh sinh, tái lập mô hình bệnh, chẩn đoán đến điều trị thực nghiệm trước khi đưa vào thử nghiệm trên con người.
Chuột được sử dụng trong phòng thí nghiệm là giống chuột nhà (Mus musculus). Lý do khi đó chuột được lựa chọn để làm mô hình nghiên cứu chỉ vì sự thuận tiện. Điều trước tiên cần nên nhắc là loài chuột đã được các nhà sinh vật học "xếp chung chiếu" với loài người, cả hai đều nằm trong loại "sinh vật có vú cấp cao" (Euarchontonglires), cũng có bốn chi. Thuận tiện hơn cả là chuột dễ nuôi dễ chăm sóc,tốc độ và số lượng sinh sản cao, lại có vòng đời ngắn. [10] Sự lựa chọn ngẫu nhiên ban đầu đó vô hình trung lại là một sự lựa chọn hết sức đúng đắn. Đến gần 2 thế kỷ sau khi chuột được đưa vào sử dụng làm mô hình nghiên cứu y sinh thì các nhà khoa học mới hoàn thành việc giải mã bộ gen của chuột (2002). Phải nói chuột và người đều có bộ gen khá tương đồng nhau. [11] Bộ gene (genome) của cả chuột và người đều có khoảng 3.1 tỷ cặp mã số gene (base). Đối với các cặp mã hóa có chức năng (protein coding regions, gene), thì khoảng 85% bộ gene của chuột và người giống hệt nhau (identical), có một số genes giống hệt 99%. Điều đó cũng phản ánh được sự xuất phát cùng tổ tiên của chuột và người ở khoảng 80 triệu năm về trước.
Lần đầu tiên chuột được đưa vào trong nghiên cứu y sinh học là vào những năm 1700 [10] khi William Harvey sử dụng chuột để nghiên cứu hệ sinh sản và vòng tuần hoàn và Robert Hooke nghiên cứu tác động của việc thay đổi áp suất không khí lên các biến đổi sinh học trong cơ thể. Cũng trong thế kỷ 18 Joseph Priestley và Antoine Lavoisier dùng chuột để nghiên cứu về hệ hô hấp.
Công nghệ tạo ra giống chuột đặc trưng cho phòng thí nghiệm hiện đại sau này xuất phát từ đầu thế kỷ XX, dựa trên nền tảng lai tạo gene qua việc lai giống khác nhau qua nhiều thế hệ để tạo ra giống chuột nuôi làm kiểng có nhiều màu lông khác nhau (tam thể Dilute, Brown and non-Agouti).
Hiện nay Viện thí nghiệm Jackson (Jackson Labarotory) ở Mỹ hiện nay là một trong các viện thí nghiệm cung cấp chuột nhiều nhất cho các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Riêng viện này có một nguồn khoảng 8000 chủng loại đã được định gene nghiên cứu trong ngân hang dữ liệu bộ gene chuột (Mouse Genome Informatics database). Mỗi năm Viện Jackson cho xuất đi khoảng 2 triệu chuột nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm [12]
Hai bước tiến quan trọng cần nhắc đến trong sản xuất chuột cho các thí nghiệm y sinh học hiện nay đó là hai loại mô hình “chuột được cấy thêm gene” (transgenic mice) và “chuột bị loại bỏ bớt gene” (Knockout mice) [13]. Nguyên lý của việc tạo ra hai mô hình chuột này khá đơn giản. Đối với loại cấy thêm genes là tích hợp thêm một đoạn genes ngoại lai nào đó vào bộ gene của chuột (genomes) làm thay đổi cấu trúc bộ genes và từ đó có thể đánh giá được vai trò và chức năng của gene đó có tác động như thế nào đối với bệnh lý ở người. Cũng cần phân biệt transgenic mice và knock-in mice. Cả hai đều là được cấy thêm genes ngoại lai nhưng với knock-in mice thì đoạn genes ngoại lai đó được tích hợp vào một đoạn genes chọn lọc nào đó trong bộ genes của chuột chứ không phải toàn bộ như transgenic mice. Đối với knock-out mice là dùng kỹ thuật loại bỏ một đoạn genes nào đó trong bộ cấu trúc genes để nghiên cứu các biến đổi sinh hóa và hành vi khi loại bỏ genes đó, từ đó có thể xác định được vai trò và chức năng của genes đó trong cơ thể bình thường.

Tóm lại, mọi thứ chừng như đi từ tập hợp của một sự ngẫu nhiên. Từ giai thoại chuột láu cá nhanh nhảu để nhảy lên đứng đầu bảng trong thập nhị địa chi, rồi ngẫu nhiên được chọn làm mô hình thí nghiệm bệnh tật trên con người, cho đến khi khảo cổ sinh học và khoa học chứng minh được sự gắn bó mật thiết giữa hai loài xa lạ Chuột và Người với nhau- đều có cùng nguồn gốc tổ tiên là loài có vú cao cấp.
Mối lương duyên đó vừa là một kẻ thù truyền kiếp do tác hại khủng khiếp của chuột đến đời sống con người cho tới là nguồn cứu cánh trong nghiên cứu bệnh lý và sức khỏe trên con người. Trong khi một mặt con người vẫn luôn tìm mọi cách hạn chế và tiêu diệt các giống chuột phá hoại mùa màng và khu dân sinh, thì mặt khác vẫn phải nâng niu và đối xử tử tế với các giống chuột được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Và như thế Chuột sẽ vẫn mãi định vị ở cung Tý!
Canh
Chúc mọi người một năm mới Canh Tý- Năm Chuột vàng 2020 sức khỏe, an nhiên và mọi sự thông suốt!
Hai tám tháng Chạp, Kỷ Hợi 2019
====
[1] https://www.hutong-school.com/origin-chinese-zodiac-why-cat…
[2] https://www.chinesefortunecalendar.com/Zodiac/RatOrMouse.htm
[3] https://www.seeker.com/super-rat-roamed-earth-160-million-y…
[4] https://www.livescience.com/28028-mice.html
[5] https://www.worldatlas.com/…/how-many-rats-are-there-in-the…
[6] https://www.pestworld.org/…/overview-of-the-real-health-ri…/
[7] https://www.kiwicare.co.nz/…/p…/diseases-from-rats-and-mice/
[8] https://www.pestsmart.org.au/impacts-of-house-mice-on-crop…/
[9] https://esajournals.onlinelibrary.wiley.com/…/1540-9295(200…
[10] https://en.wikipedia.org/wiki/Laboratory_mouse
[11] https://www.genome.gov/10001345/importance-of-mouse-genome
[12] http://www.informatics.jax.org/gree…/chapters/chapter1.shtml
[13] https://www.yourgenome.org/stories/of-mice-and-men

No comments: