Bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” gồm 23 đoạn thơ. Mỗi đoạn thơ đều được trợ hứng bằng câu chủ chốt “Em ơi, Hà Nội phố”, trừ đoạn thơ thứ 13 và đoạn thơ thứ 20. Đoạn thơ thứ 13 được đặt tên “Riêng về một chuyến đi” phản ánh một không khí cách mạng: “Con tàu chở những người lính. Về phía Nam vào trận đánh. Chở theo những căn phố, những con đường/ Chở nguyên Hà Nội nhớ? Với những vết môi hôn”. Đoạn thơ thứ 20 được đặt tên “Riêng về một tháng Chạp” trình bày nỗi tang thương chiến tranh hủy diệt: “Tháng Chạp/ Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/ Đã có tên/ Trong vòng hoa tưởng niệm/ Một tháng Chạp/ Trắng khăn sô/ Khói hương dài theo phố…”.
Nếu bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” chỉ do chính Phan Vũ đi đọc trọn vẹn 443 câu cho bạn bè thưởng thức giữa những cuộc tụ bạ nghiêng ngả thì có lẽ tính phổ biến của “Em ơi, Hà Nội phố” không được như hôm nay. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang đã lẩy ra vài câu trong các đoạn thơ thứ 1, 2, 3, 7, 10, 20, 21 và 23 để phổ thành ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”. Phải thừa nhận, nhạc sĩ Phú Quang đã tinh tường chọn được những câu tiêu biểu nhất và có sự trau chuốt thêm để ca từ mềm mại theo giai điệu.
Ngoài những câu được đưa vào ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”, phần còn lại của 15 đoạn thơ kia như thế nào? Đoạn thơ thứ 8 cũng có giá trị như một bài thơ hoàn chỉnh: “Em ơi Hà Nội phố! Ta còn em khuya phố mênh mông/ Vùng sáng nhỏ/ Bà quán ê a chuyện nàng Kiều/ Rượu làng Vân lung linh men ngọt/ Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa/ Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ/ Cơn say quá dài thành một cơn mê”. Có không ít đoạn thơ trong “Em ơi, Hà Nội phố” la đà kể lể, nhưng thỉnh thoảnh bật lên những câu ấn tượng.
Đoạn thơ thứ 10 giàu chất điện ảnh: “Ta còn em một tên thật cũ Cổ Ngư/ Chiều phai nắng/ Cành phượng vĩ la đà/ Bông hoa muộn in hình ngọn lửa”. Đoạn thơ thứ 15 phác họa một bức tranh phong cảnh trầm mặc và run rẩy: “Ta còn em đường lượn mái cong/ Ngôi chùa cổ/ Năm tháng buồn/ Xô lệch ngói âm dương”.
Đoạn thơ thứ 18 nhận diện sự thay đổi trên mảnh đất ngàn năm văn hiến: “Ta còn em một Hàng Đào không bán đào/ Một Hàng Bạc không còn thợ bạc/ Đường Trường Thi không chõng không lều, không ông nghè bái tổ vinh qui”. Đặc biệt, đoạn thơ thứ 21 có hai câu thể hiện đầy đủ sự ngổn ngang và sự mất mát của Hà Nội cuối năm 1972: “Một mình giữa bóng chiều sa/ Tha hương ngay trước cửa nhà mẹ cha”.
Cũng với mạch nguồn cảm xúc “Em ơi, Hà Nội phố”, thi sĩ Phan Vũ có bài thơ “Ngày trở về” viết năm 1975: “Ngày trở về mưa hoài trên đại lộ/ Những bộ hành không nón không dù/ Một con đường chia thành trăm ngả/ Về ngả nào cũng lạc, cũng bơ vơ”. Năm 1990, thi sĩ Phan Vũ vào định cư tại Sài Gòn và không ngần ngại bày tỏ mơ ước viết cho đô thị sầm uất nhất phương Nam một bài thơ dài có sức lan tỏa tương đương “Em ơi, Hà Nội phố”
No comments:
Post a Comment