Saturday, August 22, 2015

Du Lịch Italy. Vatican. Đại Giáo Đường Thánh Peter. SVĐG




Du Lịch Italy.
Thành phố Vatican. Thánh Đường St. Peter
Sóng Việt Đàm Giang
(tiếp theo)

Như đã viết ở phần 1, sau khi rời phòng nhà nguyện Sistine thì chúng ta đi xuống cầu thang để ra khỏi bảo tàng Vatican và bước sang quảng trường St. Peter và vào thăm Đại Thánh đường St. Peter.
Quảng trường Thánh Peter (Piazza San Pietro)



Ngay trước mặt Đại giáo đường thánh Peter từ ngoài xa nhìn vào là quảng trường thánh Peter (San Pietro) hình bầu dục. Đây là công trình kiến trúc của Bernini.  Gian Lorenzo Bernini thiết kế quảng trường St Peter, dưới thời Giáo hoàng Alexander VII (1655 -1667) theo hình bầu dục, với 284 cột đỉnh Doric cao 16m bằng đá cẩm thạch sắp bốn dẫy bao quanh quảng trường hình bán nguyệt. Phía trên có tổng cộng 140 bức tượng thánh cao hơn 3m cùng nhiều giáo hoàng đội mũ giáo hoàng. Trong số 140 tượng này, những phụ tá của Bernini, như Lazzaro Morelli và Giovanni Maria de Rossi đã hoàn thành 90 bức. Năm 1702, giáo hoàng Clemens XI quyết định đưa thêm 50 bức tượng. Nổi lên ở giữa là huy hiệu khổng lồ của Alexander VII Chigi (1655-67).
Ngay chính giữa công trường hình bầu dục này là một tấm bia tháp vuông và nhọn (obelisk). Bia tháp này nguyên thủy do Pharaoh Nencores dựng lên vào cỡ 1935 trước Công nguyên tại Heliopolis, được chuyển đặt tại Alexandria cỡ 30 năm trước CN. Tấm bia tháp cao 25 m, nặng 327 tấn này sau đó đuợc Hoàng đế La Mã Caligula chuyển đến La-mã (Rome) để trang trí cho quảng trường bên cạnh hoàng cung tại đồi Vatican (Vatican Hill).
Năm 1586, Giáo hoàng Sixtus V ra lệnh chuyển tấm bia tháp đó về quảng trường thánh Peter.  Phải mất 900 người, 140 ngựa và 44 trục kéo cùng thừng để chuyển tháp đá này trên đường rày đến quảng trường St. Peter. Tháp đá này đuợc đặt lên một giá có sư tử đồng ở bốn góc cao 10m, và trên đỉnh có mang một chữ thập. Chiều cao tổng cộng của bia tháp cỡ 41m. Từ trên không nhìn xuống, công trường trông giống một bánh xe cực lớn.
Hai bên của toà tháp là hai bồn nước giống nhau, một do Carlo Maderno dựng vào năm 1613 ở phía bắc, và một do Bernini sao chép lại ở bên kia cột tháp. Bồn phun nước chảy xuống ba tầng chậu rất đẹp.
Từ quảng trường hình bầu dục này, chúng ta đi vào một quảng trường nhỏ hơn có hai bên là hai hành lang dài 120m dẫn đến nhà thờ.
Diện tích công trường thánh Peter rất lớn, có thể chứa khoảng 500,000 người và là nơi toà thánh Vatican dùng để cử hành các hoạt động lớn của tôn giáo.

Nếu đến thăm công trường vào ngày thứ Tư thì có dịp được thấy Đức Giáo Hoàng làm lễ và ban ơn cho con chiên. Nhưng cũng vì là buổi sáng có Đức Giáo Hoàng nên không đuợc phép vào thăm nhà thờ, và nếu muốn thăm bên trong đại giáo đường thánh Peter (St Peter’s Basilica) thì phải trở lại ngày khác.



Đại Giáo đường Thánh Peter (Basilica di San Pietro)
Đại Thánh đường (ĐTĐ) St. Peter là nhà thờ mang kiến trúc của cuối thời kỳ phục hưng nằm tại thành phố Vatican. Có thể nói Đại giáo đường thánh Peter là nhà thờ Thiên chúa giáo tráng lệ nhất thế giới, trải dài từ đông sang tây dài 187 m, từ nam sang bắc rộng 218 m, cao 137 m.  Nhà thờ tiêu biểu với kiểu kiến trúc cột to mái vòm cổ điển, có khoảng không gian lớn nhất trong các nhà thờ Thiên chúa giáo trên thế giới, có thể chứa hơn 60,000 người với diện tích hơn 20,000 m2.
Trong truyền thống Công giáo, đây là nơi chôn cất Thánh Peters và nhà thờ mang tên vị Thánh. Thánh Peter là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu và theo truyền thống, vị Thánh này sẽ là Đức Giám mục đầu tiên của thành Rome và tiếp đó là Đức Giáo Hoàng đầu tiên.
 Nền móng của nhà thờ hiện nay được xây dựng từ nhà thờ Constantinian cũ, được Julius II mướn Donato Bramante cho khởi công bắt đầu vào ngày 18 tháng 4 năm 1506 ; Michelangelo tiếp tục công trình xây cất vào năm 1546 với đồ án riêng của ông; khi Michelangelo qua đời năm 1564, vòm chính nhà thờ vẫn chưa hoàn tất;  25 năm sau và với nhiều thay đổi nhà vòm mới đuợc xong qua đảm trách của Porta và Fontana, và sau cùng cũng đuợc hoàn tất và khánh thành vào ngày 18 tháng 11 năm 1626, mất hơn 100 năm sau ngày khởi công.
 ĐGĐ St. Peters không hẳn là một nhà thờ vì nó không phải là chỗ của một Giám Mục mà là một nhà thờ Giáo Hoàng.
Công trình Nhà thờ Thánh Peter kỷ niệm việc Thánh Peter được Chúa Jesus phong làm tông đồ chính. Vì Rome là thủ đô của đế chế La Mã, hai tông đồ Peter và Paul đã tới thành phố này để truyền đạo trong thiên niên kỷ đầu tiên. Khi những người Thiên chúa giáo bị hành hình vì đức tin của họ, thì tông đồ Peter bị bắt và đưa tới đấu trường La Mã rồi hành hình trên cây thánh giá vào năm 67. Thi hài của ông được chôn cất trong một ngôi mộ nhỏ có mái che ở sườn đồi Vatican.
Gần 300 năm sau, vào năm 324 Constantine, vị đế vương theo đạo Thiên chúa đầu tiên của thành Rome cho dựng một nhà thờ xây lên tại nơi đuợc xem là nơi đặt mộ của Thánh Peter. Hơn một ngàn năm sau  (1452) thì nhà thờ suy tàn quá độ . Năm 1547 ĐGH Paul III cho Michelangelo đảm trách dự án xây cất lại. Từ dó cho đến dầu thế kỷ 20, Vatican không thể đưa ra được bằng chứng gì là thánh Peter được chôn cất bên dưới nhà thờ. Tới năm 1939, các công nhân tu sửa khu hầm bên dưới nhà thờ St Peter, nơi mai táng truyền thống của các giáo hoàng, đã phát hiện ra một ngôi mộ La Mã cổ. Sau nhiều tháng đào bới, những người khai quật đã tìm đến một khu vực những ngôi mộ cổ hơn, gần khu vực bên dưới án thờ. Ngay dưới án thờ, người ta tìm thấy một khu vực chôn cất lớn và một bức tường sơn đỏ. Trong một hốc tường là xương của một người đàn ông. Năm 1968, Giáo hoàng Paul VI tuyên bố đây chính là xương cốt của Thánh Peter.

Một chút chi tiết hơn thì cho đến năm 1506, nhà thờ St Peter, nhà thờ chính ở Vatican vẫn còn rất nhỏ và đơn giản. Dựa theo những công trình đã có của các hoàng đế và sultan, Giáo hoàng Julius II quyết định tạo cho nhà thờ xưa cũ một mái vòm. Ông thuê kiến trúc sư Donato Bramante làm việc này.  Nhưng cả Bramante lẫn giáo hoàng Julius II đều qua đời trước khi công trình được hoàn thành. Năm 1546, một nghệ sĩ trẻ từ Florence có tên Michelangelo được chỉ định toàn quyền việc tiếp tục xây nhà thờ St Peter.
Michelangelo đã thiết kế lên một mái vòm so với công trình Pantheon gần đó  thì đường kính  nhỏ hơn Pantheon, nhưng cao hơn nhiều. Làm gần như hoàn toàn bằng đá nặng, công trình vòm có đường kính 42 m và chiều cao 138 m. Để đỡ được một mái vòm khổng lồ như thế, các thợ xây phải đặt 3 vòng sắt bên trong lớp đá của mái vòng và rồi các kỹ sư của Vatican phải thêm vài vòng đỡ khác nữa.

    Cupola . Small cupola                                            Holy Door
                     
Ngoài  nhà thờ đứng ở hành lang thềm cửa trước (Portico) thì chúng ta thấy có 5 cánh cửa vào nhà thờ. Cánh cửa Holy Door (The Porta Santa), cánh cửa cuối cùng ở bên phải của lối vào, được Đức Giáo Hoàng mở cứ mỗi 25 năm một lần bằng cách dùng một búa bằng bạc gõ vào gạch (những viên gạch xây Holy Door có trưng bày trong một phòng ở bảo tàng Vatican). Lần chót cửa được mở là năm 2000, vậy là đến năm 2025 cánh cửa Holy Door mới lại được mở lại.


Ngay ở phía cổng vào bên tay phải căn phòng nguyện đầu tiên trưng bức tượng The Pieta (1498-1499) một tuyệt tác bằng đá cẩm thạch của Michelangelo. Tượng được bảo vệ trong lớp kính chống đạn dày cỡ 5cm. Tuyệt tác Pieta cho thấy Đức Mẹ đang nhỏ lệ khóc ôm giữ thân của con trai trong lòng và trong vòng tay sau khi Chúa đã bị đóng đinh vào Thập-tự-giá.  Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng đã hoàn tất toàn hảo của Michelangelo khi ông chỉ mới 24 tuổi  (1498) và cho thấy khuynh hướng nặng phần tôn giáo và buồn bã tự nhiên của Michelangelo. Đây là bức tượng duy nhất có chữ ký của ông nằm trên một băng đặt ngang ngực của Mary với hÀng chữ: MICHAEL AGEKUS BONAROTUS FLORENTFACIEBAT, và một chữ M trong tay phải của Mary.


Phía sâu trong thánh đường, ở phía trên cao bức tường của chính điện có một vầng sáng hình bầu dục. Bên dưới vầng sáng là Ngai của thánh Peter, bốn chân ghế nạm ngà voi được đỡ bởi bức tượng của hai nhà thần học người Hy Lạp và hai nhà thần học người La Mã. Phía trên lưng ghế có trang trí hình hai tiểu thiên sứ, trong tay cầm chiếc chìa khoá mở cửa vào nước Chúa và chiếc mũ ba tầng của Giáo hoàng. Đây là chiếc mũ Giáo hoàng đội khi lên ngôi. Ba tầng tượng trưng cho thần quyền, quyền lập pháp và quyền tư pháp của Giáo hoàng. 

    Mặt sau Holy Door                                        Ngai của Thánh Peter

Trên đỉnh bức tường trong nhà vòm có nhiều bức tranh và cửa sổ kính có khảm màu sắc rất tươi sáng. Bốn bức tường trong đại điện có nhiều tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch và bích họa lớn cùng nhiều tác phẩm trong thời kỳ văn hoá Phục hưng của Italy như Quiaoto, Michelangelo, Bernini v.v...
Ngay phía trước ngai của thánh Peter là một cái giường vua (canopy/baldacchino) bằng đồng của Bernini cao 29 m (50ft) làm mái che trang hoàng bàn thờ của Đức Giáo Hoàng. Bốn cột đồng xoắn chạm trổ hình cành lá laurel, olive vàng, và nhiều con ong. Phía dưới canopy là mộ của thánh Peter (nhưng cốt để ở nơi khác). Bên phải là tượng của thánh Peter, những ngón chân bên bàn chân phải của thánh đã bị mòn do khách thập phương sờ tay vào.


Ở dưới một cái vòm có cột trụ chống đỡ là lối đi xuống hang Vatican, dưới đó có rất nhiều quan tài của các hoàng đế và giáo hoàng.
Từ thánh đường bước qua cửa ra ngoài, phía bên trái ở sau hành lang cột dài 120m và phía ngoài vòng cung là dinh Apostopic, nơi Đức Giáo Hoàng cư ngụ. Nhìn lên tầng chót của dinh ngay góc bên phải chúng ta thấy nhiều cửa sổ. Cái cửa sổ thứ hai là phòng đọc sách/nghiên cứu của ĐGH và là cửa sổ mang tên “Window on the World”; nơi đây ĐGH chào đón và ban phép lành cho con chiên vào mỗi trưa Chủ Nhật.

    Window of the World                                                         Lằn ranh giới Vatican và Rome

Qua hai lần thăm viếng Rome (2007 và 2012) thời gian chỉ cho phép chúng tôi thăm viếng và chụp hình được như thế. Rời  Bảo tàng Vatican và quảng trường St. Peter, chúng ta sẽ tiếp tục đi thăm thành phố Rome.

Sóng Việt Đàm Giang

No comments: